Lời tác giả : Cái gì xẩy ra mà không ai ghi chép sẽ bị quên đi. Uổng! Vì vậy, tôi có ý định ghi chép những gì diễn ra có liên quan đến nhiều người mà tôi có trải nghiệm nhiều ít. Biết đâu đời sau có người cần tham khảo! Tuy nhiên, sự hiểu biết của tôi có hạn;bạn đọc thấy gì sai, sót, chỉ giùm, đừng ngần ngại! Tôi xin cảm ơn.
Hôm nay, tôi viết về số phận các trường trung học ở Quảng Trị, trong vùng thuộc quyền của Việt Nam Cộng Hoà, từ khi hình thành cho đến 1975. Còn trong vùng thuộc quyền Việt Minh trước đây và Mặt Trận Giải Phóng sau này, bạn nào có trải nghiệm, viết chia xẻ cùng bạn đọc với!
Bậc trung học ở Quảng Trị từ thời Pháp thuộc qua Đế Quốc Việt Nam (tháng 3- 8/1945) đến Quốc Gia Việt Nam (1948 – 1955)
Theo thầy giáo Lê Chí Phóng – đã trên 90 tuổi – hiện ở làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, vào cuối thời Pháp thuộc, trước năm 1945, ở tỉnh Quảng Trị, chỉ có một trường trung học tư thục duy nhất là trường Sainte Marie còn gọi là trường Sainte Marie Quảng Đức của Thiên Chúa Giáo mở vào những năm đầu thập kỷ 1940 (năm học 1942 – 1943 ?) ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Trường chưa có khoá học sinh nào thi Cao Đẳng Tiểu Học (bằng Thành Chung) thì giải tán vì những biến cố chính trị dồn dập xẩy ra trong năm 1945: Nhật đảo chánh Pháp, nạn đói ở miền Bắc và Bắc miền Trung rồi Việt Minh giành chính quyền, rồi chiến tranh chống Pháp tái chiếm. Sau khi trường Sainte Marie Quảng Đức giải tán, dưới thời Đế Quốc Việt Nam do cụ Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng, bác sĩ Phan Văn Hy – người làng Nhan Biều, Triệu Phong – làm tỉnh trưởng Quảng Trị, mở trường trung học tư thục Kỉnh Chỉ(tên hiệu của bác sĩ Phan Văn Hy) thay thế trường Sainte Marie Quảng Đức, nhưng không được bao lâu cũng giải thể vì Đế Quốc Việt Nam bị mất chính quyền về tay Việt Minh.
Khi chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Việt Minh) thành lập, một trường trung học công lập ra đời, đặt tại ty Tiểu Học (lúc ấy gọi là ty Kiểm Học). Chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ; năm 1947, trường tản cư về vùng Triệu Phong(1).
Mãi đến năm 1950 (tính năm cụ Hồ Văn Hải mở trường), ở tỉnh Quảng Trị, dưới chính thể Quốc Gia Việt Nam (Bảo Đại làm quốc trưởng) mới có mở một trường tư thục lấy tên là trường trung học tư thục Quảng Trị; qua năm 1952, trường này được công lập hoá và, sau đó, đổi tên là trường trung học Nguyễn Hoàng tồn tại cho đến năm 1975. Xin mở ngoặc, trừ các tỉnh lỵ lớn và các đô thị lớn đã có những cơ sở giáo dục trung học lập ra từ thời Pháp thuộc để lại, chính phủ Quốc Gia Việt Nam, đầu thập kỷ 1950, mới lên kế hoạch mỗi tỉnh mở một trường trung học. Trường Nguyễn Hoàng ra đời theo kế hoạch đó và ở giai đoạn đầu (1950 – 1954), chỉ mở bậc đệ I cấp (trung học cơ sở), ở giai đoạn sau (1954 – 1975), mở dần thêm các lớp bậc II cấp (trung học phổ thông).
Bậc trung học ở Quảng Trị dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà (1955 – 1975)
Sau hiệp định Genève, từ 1954 đến 1975, tỉnh Quảng Trị thuộc quyền Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hoà, kể hết, có 09 quận (từ ngữ bây giờ là huyện): quận Trung Lương (1954 – 1967), quận Gio Linh, quận Cam Lộ, quận Hướng Hoá (giải tán năm 1968), quận Ba Lòng (1955 – 1964), quận Triệu Phong, quận Hải Lăng, quận Mai Lĩnh (lập năm 1965) và quận Đông Hà (lập năm 1968). Trong thực tế, những quận: Ba Lòng, Hướng Hoá, Trung Lương ở giai đoạn sau không còn vì chính quyền đã giải tán do mất an ninh; còn các quận: Đông Hà, Mai Lĩnh mới thành lập ở giai đoạn sau. Điều này xin được nhắc lại để bạn đọc khỏi thắc mắc khi chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, vào cuối thập kỷ 1950 đầu thập kỷ 1960, chủ trương mỗi quận có một trường trung học mà ở tỉnh Quảng Trị số quận thì nhiều trong khi số trường trung học cấp quận lại ít – trước sau có 05 trường.
Chính thể Việt Nam Cộng Hoà được tuyên cáo 1955, vài năm sau mới tương đối ổn định để tính chuyện phát triển. Về giáo dục, tỉnh Quảng Trị mở những trường trung học cấp quận sau đây: trường trung học Gio Linh mở bậc đệ I cấp năm 1959; các trường trung học Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng mở bậc đệ I cấp năm 1960; trường trung học Đông Hà mở bậc đệ I cấp năm 1962. Qua đầu thập niên 1970, trường Hải Lăng, khi còn ở Diên Sanh, có mở được hai lớp 10 và 11 (2) ; trường Đông Hà mở lớp 10 vào năm học 1971 – 1972.
Ở các trường công lập kể trên, học sinh nam nữ học chung; đầu thập niên 1970, một trường nữ trung học ở tỉnh Quảng Trị đang vào thời kỳ chuẩn bị; một số lớp đệ I cấp chỉ học sinh nữ đã được hình thành ở trường Nguyễn Hoàng, đợi trường nữ ra đời thì chuyển qua; nhưng chiến tranh ùa tới, thôi, dẹp luôn chuyện mở trường nữ trung học Quảng Trị!
Ngoài các trường công lập ra, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, hội phụ huynh học sinh ở vài địa phương còn vận động mở các trường trung học tư thục.
Ở tỉnh lỵ Quảng Trị, có 3 trường trung học tư thục:trung học Bồ Đề, trung học Thánh Tâm và trung học Phước Môn(dành cho nữ học sinh). Trường Bồ Đề của Phật Giáo, trường Thánh Tâm của Thiên Chúa Giáo, ở giai đoạn đầu, chỉ mở bậc đệ I cấp, ở giai đoạn sau, mở thêm bậc đệ II cấp; trường Phước Môn của Thiên Chúa Giáo chỉ mở bậc đệ I cấp (3). Trường Bồ Đề và trường Thánh Tâm hình như mở vào giữa thập kỷ 1950 (?); còn trường Phước Môn trong thập kỷ 1960 (?).
Ở thị tứ Đông Hà, có trường trung học bán côngmở bậc I cấp năm 1956 do Hội Phụ Huynh đứng ra vận động, và đóng cửa năm 1969 vì thiếu học sinh;trường trung học Đắc Lộ bên Thiên Chúa Giáo mở năm 1962 bậc đệ I cấp, đến năm 1968 mở dần thêm các lớp bậc II cấp. Trường Bồ Đề Đông Hàbên Phật Giáo mở năm 1967 bậc I cấp và năm học 1971 – 1972 mở thêm lớp 10.
Ở quận Cam Lộ, trường trung học bán công mở năm 1959, đến năm 1966, trường đóng cửa vì thiếu học sinh.
Ở quận Triệu Phong, trường trung học tư thục Chân Lý bên Thiên Chúa Giáo mở vào những năm cuối thập kỷ 1950, đặt tại giáo xứ Bố Liêu; trường trung học Bồ Đề Triệu Phong bên Phật Giáo (4) mở trong thập kỷ 1960 trước ở làng Vĩnh Lại xã Triệu Phước, sau chuyển lên làng Võ Thuận xã Triệu Thuận; trường trung học tư thục Khai Trí(5) đặt ở làng Đại Hào, xã Triệu Đại, đặc biệt trường này do một cá nhân lập năm 1965, đó là cụ Trần Văn Thạnh, người làng Quảng Lượng, xã Triệu Đại – một nhân sĩ ở Quảng Trị. Cả 3 trường trung học tư thục ở quận Triệu Phong chỉ mở bậc I cấp (?).
Ở quận Hải Lăng, ở xã Hải Ba (trong địa phận làng Đa Nghi và làng Cổ Luỹ), có trường trung học tư thục Quảng Đức (6) do bên Thiên Chúa Giáo mở năm 1964; đến sau năm 1968 trường này đóng cửa. Ở quận Hải Lăng, trước năm 1972, còn có 03 trường trung học tư thục nữa: trường Minh Đức của Thiên Chúa Giáo ở Diên Sanh có đủ các lớp bậc I cấp, trường Tân Dân cũng của Thiên Chúa Giáo ở Mỹ Chánh mở 2 lớp 6 và 7; trường Bồ Đề Hải Lăng mở 2 lớp 6 và 7 (7);thông tin về các trường này còn quá ít ỏi.
Ở quận Gio Linh, khi dân dồn vào khu Quán Ngang, trường trung học tư thục Thanh Linhbên Thiên Chúa Giáo mở năm 1969.
Học sinh dù công lập hay tư thục đến trường mang đồng phục; nam thì quần xanh, áo chemise trắng, áo bỏ trong quần; nữ thì đa số áo dài, quần dài trắng; nam hay nữ mang dép có quai sau; khi trời tạnh, nắng, nam thì đội mũ hoặc đi đầu trần (từ ngữ lúc ấy gọi là “đầu dầu”), nữ thì đội nón lá. Phòng học, bàn ghế ở các trường tương đối đầy đủ, riêng về trường ốc, bên công lập ngó bộ thua bên tư thục: 06 trường (01 ở tỉnh lỵ và 05 ở các quận) chỉ có một dãy lầu ở trường tỉnh lỵ, còn lại là những dãy nhà trệt; trái lại, bên tư thục, trường Thánh Tâm, trường Bồ Đề ở tỉnh lỵ và trường Đắc Lộ ở Đông Hà là những trường có lầu.
Các trường trung học Quảng Trị tản cư vì chiến tranh
Năm 1967, trường trung học công lập Gio Linh giải thể vì khu phi quân sự và sát khu phi quân sự bạch hoá; thầy cô thuyên chuyển vào trường Nguyễn Hoàng ở tỉnh lỵ Quảng Trị, còn học sinh, tuỳ hoàn cảnh và điều kiện, muốn tiếp tục học ở trường công lập nào cũng được.
Đầu tháng 4/1972, quân giải phóng tràn chiếm tỉnh Quảng Trị từ mạn Bắc và Tây. Dân phần lớn tản cư vô các trại quanh thành phố Đà Nẵng; các trường trung học cũng tản cư vào theo dân.
Cả mùa hè năm 1972 là thời gian chạy của dân Quảng Trị: từ Quảng Trị vô Huế, từ Huế vô Đà Nẵng, Chu Lai … Đặc biệt khi quân cộng hoà mở chiến dịch tái chiếm những phần đất đã mất vào tay quân giải phóng (từ tháng 6/1972 đến tháng 9/1972), số dân Triệu Phong và Hải Lăng chưa chạy cũng chạy; thầy cô và học sinh cứ chạy cùng dân, chưa có điểm dừng chân, vì vậy, năm học 1971 – 1972, dù thiếu một học kỳ, phải đành coi như xong.
Qua năm học 1972 – 1973, các trường khai giảng lại. Đặc biệt, trường Bồ Đề Quảng Trị mở trước (khoảng đầu tháng 9/1972) với 2 chi nhánh: một ở Hoà Khánh và một ở Hoà Long (?); cùng lúc,trường Hiền Lương nghĩa thục (8) mở ở Hoà Khánh và ở Hoà Long. Trường Hiền Lương và trường Bồ Đề mở cả hai bậc đệ I cấp và đệ II cấp; trường Hiền Lương không thu học phí ở học sinh nhưng thầy cô dạy có trả tiền giờ; ngân khoản do các tổ chức tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lãnh vực từ thiện – nhân đạo giúp.
Sau hai trường Bồ Đề và Hiền Lương ít tháng là trường trung học tư thục Thanh Linh bên Thiên Chúa Giáo – nguyên ở Quán Ngang Gio Linh – phục hoạt ở Hoà Khánh (khu A); vào đây, trường Thanh Linh mở từ lớp 6 đến lớp 12.
Còn các trường trung học công lập đồng loạt mở khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10/1972, trách nhiệm vùng dân cư được phân bố như sau:
– Các trại bên Non Nước (Hoà Long): Trường Nguyễn Hoàng và trường Đông Hà trách nhiệm; trường Đông Hà chỉ mở đệ I cấp, còn trường Nguyễn Hoàng đủ cả đệ I cấp và đệ II cấp.
– Trại Hoà Cầm: Trường Hải Lăng trách nhiệm, mở từ lớp 6 đến lớp 10.
– Vùng liên trại Hoà Khánh: Trường Triệu Phong và trường Cam Lộ trách nhiệm; trường Cam Lộđặt ở khu D Hoà Khánh(9), chỉ mở bậc đệ I cấp;trường Triệu Phong trong năm học 1972 – 1973 đặt ở khu E Hoà Khánh chỉ mở bậc đệ I cấp, sang năm học 1973 – 1974 dời qua trại F Hoà Khánh mở thêm bậc đệ II cấp đến lớp 11. Ở Hoà Khánh, năm học 1972 – 1973, còn có một chi nhánh của trường Nguyễn Hoàng bên cạnh trường Hiền Lương nghĩa thục, có mở bậc đệ II cấp.
Trong thời gian tản cư vào các trại quanh Đà Nẵng, trường đặt tạm ở các nhà lớn bằng tôn (nguyên là kho hay xưởng) của quân đội Mỹ để lại, được ngăn phòng bằng những tấm ván ép có giá đỡ; nói là phòng nhưng không kín đáo chút nào, học sinh hai lớp ở hai phòng kế cận có thể thấy nhau, hai thầy giảng bài ở hai phòng kế cận át giọng nhau. Năm học 1972 – 1973, học sinh đi học phải đem theo ghế tự đóng có gắn tấm ván cao trước mặt chỗ ngồi. Qua năm học 1973 – 1974, các trường bên công lập được bộ Giáo Dục ở Sài Gòn cung cấp bàn ghế đầy đủ, các trường bên tư thục hình như cũng sắm đủ bàn ghế (?).
Đặc biệt chỉ có trường Thanh Linh ngay từ năm học 1972 – 1973, đã sử dụng phòng ốc, bàn ghế tương đối đàng hoàng; trường Thanh Linh là một dãy nhà vách gỗ mái tôn mới dựng, ngăn phòng bằng những bức đố gỗ kín đáo.
Ở các trại, trường nào cũng nhận con em Quảng Trị tạm cư trong vùng không kể quận nào – “cận đâu xâu đấy”; chẳng hạn, trường mang danh là Triệu Phong, nhưng học sinh thì có thể từ Cam Lộ, Gio Linh, Đông Hà, Hải Lăng, tỉnh lỵ Quảng Trị … chứ không nhất thiết phải từ Triệu Phong.
Các trường trung học Quảng Trị tái định cư trên đất Quảng Trị hay di cư đến tỉnh khác
Hiệp định Paris ký kết tháng 01/1973; trên nguyên tắc, tiếng súng ngừng nổ. Chương trình tản cư của dân Quảng Trị chuẩn bị chuyển qua chương trình tái định cư và khẩn hoang lập ấp.
Từ giữa năm 1973 đến giữa năm 1974, các trường dần dần rời khỏi các trại tạm cư.
Đầu tiên là trường Hải Lăng hồi cư về bản quán, có mở bậc đệ II cấp không, tôi đang tìm thông tin.
Trường Nguyễn Hoàng tái định cư tại khu tỉnh lỵ mới của tỉnh Quảng Trị ở bãi cát Hải Lăng. Trường Nguyễn Hoàng có từ lớp 6 đến lớp 12. Trường Đông Hà tái định cư trên vùng đồi Mỹ Chánh – nơi một số dân Đông Hà về định cư vì không thể hồi cư về Đông Hà đang thuộc quyền quản lý của chính quyền giải phóng; ở Mỹ Chánh, trường chỉ mở từ lớp 6 đến lớp 9.
Trường Triệu Phong tái định cư tại làng Ngô Xá Đông, thuộc xã Triệu Trung, không thể về địa điểm cũ tại làng Nại Cữu xã Triệu Đông được. Ở Ngô Xá Đông, trường Triệu Phong có từ lớp 6 đến lớp 11. Ngoài ra, trường Triệu Phong còn có một chi nhánh 05 lớp ở bãi cát Long Hưng, xã Hải Phú, quận Mai Lĩnh, gọi là chi nhánh Mai Lĩnh của trường Triệu Phong (10).
Chỉ có trường trung học Cam Lộ di cư theo dân Cam Lộ và Gio Linh vào khu khẩn hoang lập ấp Động Đền (tỉnh Bình Tuy cũ); vô đây, trường Cam Lộ có từ lớp 6 đến lớp 9.
Còn các trung học ngoài công lập thì trên đất Quảng Trị, giữa năm 1973, trường Hiền Lương nghĩa thục về mở đầu tiên trên vùng cát địa phận xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (11).
Tiếp theo, trường Bồ Đề Quảng Trị về tái định cư thành 2 chi nhánh: chi nhánh 1 ở vùng cát Hải Lăng, chi nhánh 2 ở Mỹ Chánh (gọi là Bồ Đề Chánh Môn), dạy từ lớp 6 đến lớp 12(12).
Ở khu khẩn hoang lập ấp Động Đền (tỉnh Bình Tuy cũ) có trường trung học Thanh Linh của Thiên Chúa Giáo di cư vào. Trường này nguyên ở khu dồn dân Quán Ngang Gio Linh các năm học 1969 – 1970, 1970 – 1971, 1971 – 1972, ở trại tạm cư Hoà Khánh các năm học 1972 – 1973, 1973 – 1974 và nay ở Động Đền năm học 1974 – 1975; ở Quán Ngang, trường chỉ mở từ lớp 6 đến lớp 9; còn ở Hoà Khánh và Động Đền, trường mở từ lớp 6 đến lớp 12.
Ở khu khẩn hoang lập ấp Láng Gòn (tỉnh Bình Tuy cũ), có trường Đắc Lộ của bên Thiên Chúa Giáo di cư vào, mở năm học 1974 – 1975; trường này ở thị trấn Đông Hà Quảng Trị từ 1962 đến 1972; từ năm học 1962 – 1963 đến năm 1967 – 1968, trường chỉ có từ lớp 6 đến lớp 9; từ năm học 1968 – 1969 trở đi, trường mở dần bậc II cấp và đến năm học 1970 – 1971 có đủ các lớp từ 6 đến 12. Trong thời gian tản cư, trường nghỉ hai năm học 1972 – 1973 và 1973 – 1974. Khi khai giảng lại ở Láng Gòn, trường có từ lớp 6 đến lớp 12.
Các trường hồi cư hay về tái định cư trên đất Quảng Trị, dù công lập hay tư thục, đều có cơ sở được xây dựng tương đối kiên cố.
Tội nghiệp! Trường công lập Cam Lộ di cư vào Động Đền trong năm học 1974 – 1975 chỉ có cơ sở dựng tạm bằng tre lá. Trường tư thục Thanh Linh ở Động Đền có cơ sở, dù tạm, vẫn chắc chắn: nhà gỗ, vách gỗ, lợp tôn, đố gỗ ngăn phòng học. Trường sở kiên cố đang chuẩn bị xây dựng, thì ôi thôi! Chiến tranh lại tái diễn vào tháng 03/1975.
Chỉ có trường tư thục Đắc Lộ ở Láng Gòn có cơ sở khang trang, kiên cố: một dãy nhà đúc.
Nhìn chung, giáo dục công lập ở Quảng Trị, trong đó có giáo dục trung học kể từ khi thành lập cho đến khi “tan hàng”, phát triển không bằng ở các tỉnh khác: các trường trung học công cấp quận đã ít lại, qua thập kỷ 1970, chưa có trường nào mở được bậc đệ II cấp hoàn chỉnh; từ cuối thập kỷ 1960, chưa có trường trung học công lập liên xã nào; trường sở không được cấp kinh phí để xây dựng phòng ốc đàng hoàng khang trang; nói vậy để biết chính phủ Việt Nam Cộng Hoà không ưu đãi mấy cho giáo dục Quảng Trị. Có thể do tình trạng có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào vì tỉnh sát vĩ tuyến 17.
Tháng 3 năm 1975, chiến tranh tái diễn, dân Quảng Trị rối như tơ vò: ở lại, chạy ra, chạy vô; các trường trung học cũng tan hàng dần cho đến những ngày cuối tháng tư (khi tỉnh Bình Tuy về tay quân giải phóng – 23/4/1975) thì không còn trường trung học gốc Quảng Trị nào tồn tại.
Con em Quảng Trị học trong chiến tranh, trường sở di dời nhiều lần, vậy mà sau khi thống nhất đất nước, rất nhiều người thành tài từ các ngôi trường ấy. Người Quảng Trị giỏi đáng nể!
Tác giả : Lão gàn Hoàng Đằng
31/3/2017 (04/3/Đinh Dậu)
cám tạ thầy Hoàng Đằng đã cống hiến một ghi chép lịch sử cho tỉnh Quảng Trị
ReplyDelete