Sunday, January 7, 2024

NHỮNG MÙA THU THA HƯƠNG

L




Những ngày tản bộ ở xứ người là những lúc cho kẻ bộ hành như vợ chồng tôi vừa đi vừa suy nghĩ hay nói đúng ra là hồi tưởng về những chặng đường đã qua. Gió thu xứ người lạnh thật. Đó là những gì báo hiệu cho nhiều ngọn gió từ hướng bắc cực thổi về. Đối với ai có tâm hồn thi sĩ và nhất là những lúc xa quê sẽ thấy ngọn gió thu đang làm buốt lạnh lòng người. Những ai bách bộ, khi thấy ráng tây vàng vọt khuất dần xa xa theo hướng một hồ nước lăn tăn sóng gợn, vài con chim nước thản nhiên bơi, mới thấy mùa thu ở đây sao đẹp quá. Trời càng chiều, vài cánh chim đang bay về tổ, mặc cho khách đi đang tản bộ dưới kia.




Chiều chiều, vợ chồng chúng tôi hay dạo quanh khu đồi vắng vẻ. Vùng gần núi, thuộc Công Viên Alum Rock khá yên tĩnh, dễ chịu. Chúng tôi có được sự may mắn và khá mừng khi dời nhà lên được nơi này.


  Bước chân giẫm lên đám lá phong khô nghe xào xạc báo hiệu một mùa thu đang qua hay một năm tiếp tục trôi vào quá khứ. Cứ độ cuối thu, nhiều hàng phong lá đồng loạt chuyển qua một màu đỏ ối hay màu vàng rực rở. Hai hàng phong nối nhau hai bên đường, chạy thẳng tắp đến cuối đường. Xa xa là đỉnh đồi, sau vài trận mưa đầu mùa, màu cỏ vàng đang chuyển dần qua xanh non. Vài đàn bò đen, đang nhởn nhơ ăn cỏ. Những đàn bò không người chăn dắt, chúng đứng rải rác lên tận đỉnh đồi. Bên kia dãy núi là gì, tôi chẳng hề có dịp qua được. Một đất nước bao la hùng vĩ cùng bao nhiêu là khám phá như mời mọc đón chờ. Cuối cùng tôi có khô khan đến mấy cũng phải cảm nhận mùa thu xứ người quả thật là đẹp. Ngày xưa tôi chỉ biết được hình ảnh mùa thu nước ngoài qua sách báo; hôm nay tôi đã tới, hình ảnh đang là sự thật ngay trước mắt mình. Một hình ảnh của thu vàng đúng nghĩa, hay màu sắc của lá thu phong, sắc màu đỏ sẫm mà chúng tôi có thể sờ bằng tay, ngắm bằng mắt. Thế mà cứ mỗi mùa thu đến, thu đi lại làm chúng tôi bồi hồi khi nhớ ra mình đang ở xứ người, cách biệt  quê hương tận "chân trời góc biển".




Cách biệt hay ly hương đó là nét đặc thù cho những người khách tản bộ như chúng tôi hay những kẻ nhập cư kia. Họ cũng là lưu dân khác chủng tộc, không cùng tiếng nói Việt Nam. Có thể họ từ Đông Âu, từ Ấn Độ hay những vùng bị chiến tranh tàn phá trên thế giới. Họ được vào Mỹ qua nhiều lý do. Nhưng đôi lúc tôi cũng gặp đôi ba người bản xứ. Đây là đất đai quê hương họ. Chúng tôi cất tiếng chào “buổi sáng”, họ cũng nhã nhặn và tươi cười chào lại. Người bản xứ hay dắt theo chó, đó là thú cưng của họ. Tất cả đều im lặng rảo bước trong trời thu lành lạnh, tĩnh mịch. Tất cả bước chân đều đếm nhịp thời gian. Không biết chuẩn bị gì khi những hàng phong chuyển qua một màu đỏ ối rồi lá rụng rơi, đợi xuân tới và đâm chồi nẩy lộc…Halloween qua rồi, Thanksgiving đã xong, mọi nhà đang chào mùa lễ Giáng Sinh và đón Năm Mới.




Thu im lìm qua đi như vô tình trong nhịp điệu bốn mùa. Chỉ có người hàng ngày tản bộ rồi đếm thời gian qua khi mấy hàng phong đang chuyển màu đỏ ối. Khách đi bộ chắc chắn sẽ biết một điều, đó là tóc bạc thêm, sức vơi dần. Kỷ niệm nào cho những lần thu qua đông đến? Chẳng một ý niệm hân hoan hay mừng vui nào khi tai ta nghe tiếng xào xạc dưới chân. Đó là tiếng gọi thời gian khi tuổi đời chồng chất. Ở đây hàng năm sẽ có nhiều lớp lá phong khô rụng, nhắc nhở chúng ta một năm sắp qua và có thêm một tuổi. Cứ thế, nhưng không hề mãi mãi, có những buổi tàn thu khách ly hương như họ như vợ chồng tôi sẽ rảo bước dưới hàng lá thu phong rồi hoài niệm về những gì đã mất hay qua đi./.


ĐHL 

SAN JOSE CA  7.1.2024

No comments:

Post a Comment