Wednesday, January 10, 2024

NGỤ NGÔN AESOP TẬP 8

 

CHUYỆN CÔ GÁI VẮT SỮA VÀ CÁI CHUM




Cô gái vắt sữa đang trên đường đi làm từ nông trại về nhà. Hôm nay cô còn đội trên đầu một cái hũ bóng láng, bên trong đựng đầy sữa cô mới vắt xong. Thật tuyệt vời, do hũ sữa nằm yên theo bước chân nhịp nhàng, cân đối của cô. Nàng vừa bước vừa suy tính về những kế hoạch huy hoàng cho ngày mai...

    - Này nghe! với loại sữa tốt như thế mình mặc sức mà đánh ra kem. Xong mình sẽ có bơ để tha hồ mà ra chợ bán... 

Rồi sao nữa? khi có được mớ tiền kha khá rồi mình sẽ mua mớ trứng về ấp. Ôi! sẽ có nhiều không biết bao nhiêu là con gà con xinh xắn; chúng sẽ nở đầy sân nhà. 

Chưa hết đâu nha! mình đợi  đến ngày HỘi Làng tháng Năm này, mình sẽ bán bầy gà đó đi để mua một bộ váy thật đẹp. Mình sẽ bận bộ váy xinh đẹp kia vào ngày Hội Làng.

Ngày đó sẽ có nhiều chàng trai tới gắm ghé "chết mê chết mệt"  say sưa ngắm mình. Các chàng sẽ tới thật gần và ra sức tán tỉnh mình nhưng rồi cuối cùng mình sẽ khéo léo từ chối hết ...”

    Đang miên man suy tính, ỏng ẹo với dòng suy nghĩ nao nức đầy hứng thú, không may cô vấp chân làm bình sữa đang đội trên đầu chao đảo, cuối cùng rơi tòm xuống đất!!!

    Ôi thôi! bao nhiêu sữa của cô gái đổ lai láng trên mặt đất. Thế là tan tành giấc mộng làm bơ, mua trứng, ấp gà, mua váy mới, cùng tan luôn sự đỏng đảnh, kiêu sa trong 'giấc mơ ngày' của cô gái vắt sữa.

Tội chưa! ./.
======================= 

LỜI BÀN

* KHOAN VỘI ĐẾM  GÀ TRƯỚC KHI TRỨNG NỞ

* CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ CHỚ ĐE  HÀNG  TỔNG 

* CHƯA ĐI  KHOAN  CHẠY

*** 



 ĐẠI HỘI MUÔN THÚ 

Thưở khai thiên lập địa, muôn thú còn nói chuyện được với nhau thì không may có một trận ĐẠI DỊCH ập đến.
 Muôn thú chết nhiều quá do không còn cái gì để ăn cả. Chúng lang thang vất vưởng đó đây. Lúc này Cáo Chúa khó lòng tìm ra con gà mập mạp hay Ngài Sói cũng khó lòng kiếm ra con cừu non nào cho vừa miệng?
Bấy giờ SƯ TỬ, là chúa mọi loài, quyết định triệu tập đại hội các loài thú lại và phán:
-Các khanh thân mến, ta tin rằng Thượng Đế đã phái một trận ĐẠI DỊCH xuống trần gian để trừng phạt chúng ta do chúng ta đã phạm nhiều tội lỗi đối với Người. Trong Đại Hội này sẽ tìm ra ai là người nhiều tội lỗi nhất thì đem ra TẾ TRỜI hòng mong Ngài xá tội cho chúng ta.
Sư Tử tiếp:
-Ta sẽ tự khai tội lỗi của ta trước tiên. Ta thừa nhận với các khanh rằng ta là kẻ nhiều tội lỗi nhất. Do ta quá tham ăn. Ta từng ăn không biết cơ man nào là cừu lúc chúng chẳng làm hại gì ta cả? Ta ăn cả dê bò nai nữa. Ta thú nhận có lúc ta còn ăn luôn cả những kẻ chăn cừu.
-Giờ đây ta là kẻ nhiều tội nhất. Ta sẵn sàng hi sinh. Nhưng ta cho rằng trước khi ta đền tội thì mọi loài phải lần lượt bước ra tự khai tội của mình để Đại HỘi phán xét ai là kẻ nhiều tội nhất mới được.
CÁO  bước ra tâu:
-Tâu bệ hạ, ngài thật quá lương hảo. Tại sao lại cho là tội khi ngài phải ăn cừu? Ai nói tội lỗi như vậy quả là đần độn. PHải vinh hạnh lắm và đại phước mới được ngài Ngự Thiện. Bệ Hạ đã ban phước cho kẻ nào được ngài xơi mới đúng.

CÁO lại nịnh tiếp:
-Còn kẻ chăn cừu cũng vậy Bệ Hạ sao quá quan tâm? chúng ta đây ai nấy đều thừa nhận rằng mọi loài đều đua nhau để cống hiến cho ngài mà.

Mọi thú đều vỗ tay reo hò cho Cáo nói quá đúng và quá hay! Rồi lần lượt đến CỌP, GẤU, SÓI cùng nhiều thú khác, chúng đều tự cho là có tội nhất?! Nhưng cuối cùng, con nào cũng 'trong sạch thánh thiện' như thần thánh và hoàn toàn 'vô tội', rồi cuối cùng bầy thú nịnh bợ đó lại được miễn tội hết thảy?!
Cuối hết, có một CHÚ LỪA ngu ngơ bước ra:
-Ta nhớ lại ...
Lừa vừa ngậm ngùi vừa hối hận kể tiếp:
-Có bữa ta bước qua cánh đồng cỏ của các vị tu sĩ. Cỏ non quá khiến ta không cầm lòng được nên gặm một mớ. Ta thật đáng tội do ta không có quyền được ăn thứ cỏ đó. Ta thừa nhận...
Lừa nói chưa dứt câu thì cả Đại Hội đều nhao nhao lên ngắt lời:
-Đây mới chính là THỦ PHẠM. Hắn là kẻ đem sự TRỪNG PHẠT tới cho chúng ta. Thật là một 'tội ác kinh hoàng' khi hắn dám ăn ...CỎ thuộc quyền người khác? Tội này bất cứ ai cũng đáng treo cổ huống gì là ...lừa?

Lập tức toàn thể Đại Hội Tòa Án kia đều đồng ý kết tội cho LỪA. 
Sói là đứa xung phong đứng ra kết liễu đời LỪA để cúng Trời; nhưng buổi lễ chẳng cần Nghi Thức Tế Cúng gì ráo?

* NGU CŨNG CHẾT DẠI CŨNG CHẾT CHỈ CÓ BIẾT THÌ KHÔNG
* KẺ NGU NGƠ THƯỜNG LÀM NẠN NHÂN CHO BỌN ÁC
KẺ SỨC YẾU THẾ CÔ THƯỜNG THƯỜNG LÀM VẬT HI SINH CHO KẺ ÁC VÀ LẮM QUYỀN LỰC
*  CÁ LỚN NUỐT CÁ BÉ 
LỜI BÀN của ĐHL
Từ xưa đến nay xã hội nào cũng vậy kẻ xu nịnh bè phái lúc nào cũng đông. Biết cách sống chính là nguyên tắc của hai hạng người khôn và dại.
Nhưng khôn và dại hai nguyên lý này lại được định nghĩa qua cách nhìn của hai hạng người tầm thường và uyên bác.
Người tầm thường cho rằng biết sống đúng với hoàn cảnh dù luồn cúi xu nịnh để 'trứng không chọi đá' mới là khôn. Họ cho rằng Cứng thì dễ gãy, chuốc hại vào thân hay thật thà chân phát quá rồi cũng bị số đông tiêu diệt. Luồn lách biết sống cùng bè phái là cách sống vinh thân phì da như hiện tại. Liêm khiết không xu nịnh là 'quân tử Tàu' trước sau gì cũng bị số đông xiểm nịnh loại thải mà thôi. Kẻ tầm thường họ sẽ sống theo nguyên lý SỐ ĐÔNG
Bậc thức giả, uyên thâm họ còn nghĩ sâu xa hơn một bậc do KHÔN CŨNG CHẾT, DẠI CŨNG CHẾT BIẾT THÌ SỐNG ...
Ngày xưa cụ Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm viết...TA DẠI TA TÌM NƠI VẮNG VẺ NGƯỜI KHÔN NGƯỜI ĐẾN CHỐN LAO XAO (Cảnh Nhàn/Bạch Vân Am Thi Tập)
Chốn quan trường đầy xu nịnh khôn theo cách theo bè phái chỉ vinh thân một thời rồi khi thời thế xoay chiều rồi cũng chết, dại quá cứ đưa thân quân tử ra chống cường quyền thì cũng bị bầy ác gian tiêu diệt...
Chuyện sinh hoạt hàng ngày chúng ta hay thấy sự so đo giữa dại khôn và lối sống. Thời vật chất thăng hoa cùng cực lắm nguyên tắc sống dựa theo dại khôn càng lúc càng nảy sinh ra nhiều. Thế nhưng càng nói dại khôn càng nhiều thì thế nhân càng lắm khổ đau, xã hội suy đồi càng lúc càng trầm trọng.
Khó mà áp dụng "khôn cũng chết dại cũng chết BIẾT thì sống" do cách hiểu chữ BIẾT thật muôn hình vạn trạng. Sống tùy hoàn cảnh tùy thời nhưng phải có cái TRÍ để giữ an toàn cho bản thân mình. Điếu cốt lõi luôn giữ chữ TÂM trong mình như gìn giữ viên ngọc sáng không cần ai biết, điều thứ hai ta phải hiểu chữ BIẾT là gì chứ không hề xu nịnh, luồn cúi, tán tận lương tâm và cạn cả lương tri mới gọi là Biết.

Do đâu, do THẾ THƯỢNG ÁC NHÂN ĐA (trên đời kẻ ÁC rất nhiều) ÁC mang nhiều khuôn mặt và hình thức. Nguy hiểm nhất là những kẻ mang mặt nạ hiền nhân nhưng trong lòng không biết bao nhiêu âm mưu xảo kế. Trong chính trường, quốc gia nào càng lớn nhưng chính phủ lắm bọn chính khách bất tài lại xu nịnh phò ác không trung thành với đất nước hay lãnh đạo u minh ,độc tài, bạo ngược láo khoét càng đưa nước đó vào hố sâu suy vong sụp đổ.


CHUYỆN LÃO CHIÊM TINH




Xưa lắm rồi có một Lão Chiêm Tinh. Ông ta rất tự hào về tài thiên văn của mình do đoán được vận mạng của các vì sao trên trời và tự phong cho lão là CHIÊM TINH tài ba quán chúng. 

Hằng đêm Lão chiêm tinh này bỏ hết thì giờ ngắm lên bầu trời mà thôi.

Một buổi tối nọ, Lão đi bách bộ dọc theo con đường chính trong làng. Mắt lão chằm chặp dán lên bầu trời ngắm hết vì sao này sang vì sao nọ... Lúc đó Lão Chiêm Tinh tưởng chừng như vận mệnh của thế giới và vũ trụ này nằm trong tay Lão không bằng? Thình lình Lão bước hụt chân rơi xuống một cái hố đầy bùn.

Lão Chiêm Tinh la toáng lên, hoảng hốt. Chân tay Lão bấu víu khắp thành hố nhưng bùn trơn trợt quá khiến Lão không tài nào lên được?!

Nghe tiếng ông già kêu van bà con dân làng lật đật chạy đến.

Kéo giúp Lão Chiêm Tinh lên xong, một người trong làng mới mỉa mai:

-Này Lão? Nghe lão đoán được tương lai vận số tất cả vì sao trên trời thế mà cái trước chân Lão cũng không hề biết trước được thế là làm sao? 

Tai nạn này cũng dạy cho Lão một bài học đó. Hãy lo chuyện trước mắt đã, còn tương lai của vũ trụ này thì để tự nó liệu lấy.

Một người khác phụ hoạ:

- Bài học này thật đáng cho ông! Ông cứ lo chuyện trời đất, vu vơ, trong khi ông chẳng hề biết chi chuyện trong làng này cả?

LỜI BÀN của ĐHL
Có thể chuyện này là trường hợp để ví von cho cái sự đời hiện nay trong cuộc sống chúng ta. Có nhiều người không lo chuyện thực tế trong gia đình mà dòm ngó hay lo chuyện đâu đâu xa rời thực tế. Chăm sóc những thứ thực tế trước mắt dù nhỏ đến đâu cũng còn ích lợi cho gia đình cho bản thân. Người dịch nhớ đến câu chuyện vui sau , rất lâu hình như trong báo vui cười trước 1975
...có thằng bé con bênh vực cho bố nó khi người khách nói hay chỉ trích bố mình là không tích sự gì cả. Nó nói:
- Mẹ cháu sao quan trọng bằng bố cháu được, mẹ cháu suốt ngày chỉ cầm vá và nấu ăn thôi
-Thế thì bố cháu quan trọng hơn sao? Người khách hỏi vặn
-Bố cháu quan trọng hơn chứ, này nhé bố cháu ngồi vừa xem báo vừa 'quyết định' ông X có khả năng làm thủ tướng, ông Y. làm bộ trưởng Bộ Công An...bác thấy đó bố cháu quan trọng hơn hay mẹ cháu hả bác?...
Người đời hay dùng thành ngữ "lo chuyện tào lao" cũng ý nghĩa đó. Đó là những thứ thiếu thực tế, vô bổ không giúp ích gì cho bản thân lại còn làm hại cho lợi ích của chính bản thân và người thân đang cần mình.
Nhưng cũng có những công việc thiện nguyện giúp đỡ tha nhân đó là lo việc cho cộng đồng cho người hoạn nạn gây nhiều phước lành thì chúng ta trong gia đình nên chia nhau mà hành thiện. Xóm làng , địa phương còn nhiều kẻ đau khổ hơn ta thì trong gia đình chúng ta nên làm nặng hơn một ít để người kia dùng thì giờ lo cứu tế cho tha nhân thì chớ nói là "lo chuyện bao đồng" mà đây là việc bác ái, chúng ta bớt hay hi sinh quyền lợi chúng ta để giúp đời giúp người là việc thiện chứ nên 'vơ đũa cả nắm' bảo đó là 'bao đồng'
Khi để thì giờ lo nghĩ chuyện gì chúng ta, tóm lại, nên suy nghĩ công việc và thì giờ của mình có hữu ích chăng. Chớ bao giờ chạy theo những suy nghĩ đầy 'hoang tưởng'.

- CHÚNG TA HÃY CHĂM NOM NHỮNG ĐIỀU THỰC TẾ DÙ NHỎ NHẶT TRƯỚC MẮT MÌNH TRƯỚC

- CHỚ LO CHUYỆN BAO ĐỒNG

***


GÀ TRỐNG TINH KHÔN VÀ CON CÁO QUỶ QUYỆT

 

Một buổi chiều vàng khi ánh dương rực rỡ từ từ lặn dần trên mặt đất. Có một Bác Gà trống già đậu trên cành cao đập cánh ba lần và cất tiếng gáy vang một hồi cuối trước khi đi ngủ. Nhưng vừa định dấu đầu vào đôi cánh để tìm giấc ngủ thì hai con mắt tròn xoe của Gà chợt bắt gặp cái gì đó màu đỏ, rồi cái mũi dài của Con Cáo Tinh Ranh xuất hiện dưới gốc cây.

-Chào Bác Gà! Bác có nghe tin gì chưa? Một nguồn tin rất vui bác ạ! 

Con Cáo quỷ quyệt dưới gốc cây, hắn đang cố gắng dùng giọng điệu thật vui và đầy hào hứng nói cho Gà nghe.

-Tin gì thế chú Cáo?

Gà giữ vẻ bình thản hỏi Cáo nhưng trong lòng Gà hết sức nghi ngờ? Như bạn biết đó loài gà xưa nay ngán sợ loài cáo vô cùng.

-À gia đình bác và gia đình cháu đây cũng như tất cả mọi loài khác hiện nay đã đi đến một quyết định là bỏ qua tất cả dị biệt để cùng sống chung hòa bình trong tình thân hữu ngay hôm nay và mãi mãi về sau bác gà ạ. Hãy đón mừng tin mới này đi bác. Cháu rất nóng lòng muốn ôm hôn bác một cái đây nè! Xuống đi bác, hãy xuống đây rồi chúng ta cùng vui đón một biến cố vĩ đại này.


-Ồ thật là một sự kiện quá lớn! ta thật vui mừng khi nghe tin này...

Chợt giọng Bác Gà nghe có vẻ lạc đi...   Gà cố rướn chân lên cao hướng về phía xa hình như có bóng ai đang tiến tới gần?

-Bác thấy gì đằng đó Bác Gà? 

 Cáo hỏi, giọng hơi nghi ngại.

-Phải không ta? Hình như có hai BÁC CHÓ đang đi về hướng này? Có thể họ cũng nghe được tin vui này và...

Bác Gà chưa nói hết câu thì con Cáo ranh ma kia dợm chân bỏ chạy.

-Ủa sao chú lại chạy? Hai Bác Chó giờ này theo lời chú mày đều LÀ BẠN của chúng ta cả mà?

-Vâng! vâng! Bác nói đúng...

 Cáo run giọng trả lời một cách đau khổ...

-Nhưng có thể hai bác chó đó chưa nghe được tin này. Ngoài ra cháu...cháu phải đi gấp, cháu chợt nhớ đã quên vài việc phải làm GẤP  Bác Gà ạ.

Gà cười nhạt. Giờ đây Bác mới an lòng dấu cái đầu vào bộ lông ấm áp để ngủ sau khi thắng con Cáo quỷ quyệt kia một keo./.

LỜI BÀN:

TƯƠNG KẾ TỰU KẾ có thế hiểu trong trường hợp này. Con Cáo ranh ma dùng lời láo khoét để lường gạt gà thì con gà cũng giả ngây nhưng lại dùng ngay CHuyện Láo để lường gạt lại Cáo. Cáo vẫn do chủ quan chỉ biết mình dụng mưu được , cho Gà luôn là chân thật dễ tin làm gì có thể dùng mưu Láo đây là chủ quan tự đắc. Như thế tương kế tựu kế trước tiên là phải nhập vai 'bị động' để đối thủ cả tin và ngược lại sa vào bẫy của ta.
Trên đời này có nhiều chuyện phải đối phó như trường hợp đối phó với Con Cáo xảo quyệt kia. Nhưng phản đòn trước tiên phải nhập vai 'sa bẫy' đối thủ rồi Tương kế Tựu Kế lật ngược tình hình. Thành ngữ này trong Anh Văn là "turn the table on someone"
Kẻ xảo trá như Cáo nhiều lắm chúng ta phải đề phòng.

Thành ngữ dân gian có nhiều
-Vỏ quít dày có móng tay nhọn
-Kẻ cắp gặp bà già
-Lường gặp Láo
-49 gặp 50...


CHUYỆN CÂY SỒI VÀ ĐÁM CỎ LAU


Có cây Sồi to lớn mọc cạnh bờ suối gần đó có đám cỏ Lau mềm mại xanh tốt. Mỗi lúc gió thổi Sồi ta vẫn hiên ngang cùng hàng trăm cành lá đứng yên không hề hấn gì riêng đám Lau thì cong mình xuống mà hát điệu ca buồn thảm.

Thấy thế Sồi ta mới lên tiếng mỉa mai:

-Thứ Lau nhà ngươi phải có lý do mà ta thán đó chứ!? Gió mới gợn mặt nước thôi mà các ngươi đã cúi rạp đầu xuống rồi. Xem ta này! Một cây Sồi uy dũng, bất chấp gió có thét gào cỡ nào ta vẫn luôn đứng thẳng vững vàng.

Đám Lau bình thản trả lời:

-Chớ lo cho chúng tôi bác Sồi ơi! Gió chẳng bao giờ hại được chúng tôi đâu. Chúng tôi uốn người trước Gió đó là chúng tôi không muốn mình bị gãy. Còn bác cứ ỷ vào sức mạnh kháng cự với Gió mãi thì cái kết quả cuối cùng sẽ đến với Bác ngay thôi.

Quả thật, đám Lau vừa nói xong thì có trận bão phương bắc thổi về. Bác Sồi cứ theo thói cũ, ưỡn ngực kiêu hãnh chống lại cuồng phong. Lúc này thì đám Lau đã lo cúi rạp người tránh luồng gió dữ lâu rồi.

 Gió càng lúc càng mạnh gấp đôi. Chỉ một lúc Bác Sồi to lớn ngã gục nằm vật mình trên đám Lau một cách đáng thương, còn bộ rễ bác Sồi thì bật lên trời trông thật là thảm thiết./.

LỜI BÀN của ĐHL

Phương pháp sống còn trong đời hay chiến thắng trong binh pháp xưa nay coi trọng nghệ thuật lấy NHU THẮNG CƯƠNG được áp dụng rất nhiều.
Có nhiều cường lực nếu ta cứ lấy tự ái hay cái tôi 'quân tử' ra đối chọi liều thì chỉ rước họa vào thân là điều chắc chắn. Tại sao cổ nhân ta lại dạy cho ta "tránh voi chẳng xấu mặt nào"? Chính ngay trong ngạn ngữ của Pháp cũng có câu tương tự là "il n'y a pas des hontes a aviter un elephant", cường lực hay bạo lực nó chỉ thắng ta khi ta dại dột đem thân hi sinh ra chống lại. Đó là "trứng chọi đá" mà thôi. Chi bằng tìm cách tránh để sống còn và tìm cơ hội.
Ngày xưa tổ tiên nước Việt cũng vậy, khi quân Nguyên qua xâm lấn đều tìm cách trốn tránh bảo toàn lực lượng tìm kế trường kỳ kháng chiến đến khi quân giặc hao mòn vì thời tiết, phong thổ hay nản chí do trú quân ở một đất nước lạ lẫm, trái phong thổ thế là quân ta đánh úp và thắng lợi. Khởi nghĩa Lam Sơn hay các cuộc khởi nghĩa khác cũng thế. Tiền nhân chúng ta đều áp dụng trường kỳ mai phục do biết mình biết người.
Sự đời nay cũng có nhiều kẻ 'quân tử tàu' thà chết để bảo vệ khí tiết chưa hẳn là thông minh. Biết mai danh ẩn tích hay khéo léo tránh đụng chạm với cường lực là chọn lựa khôn ngoan. Chớ gom vấn đề này với đầu hàng nhu nhược hay luồn cúi nịnh bợ chuyện này hoàn toàn khác. Ngày xưa Hàn Tín lòn trôn anh chàng bán thịt dù nhục nhưng ông muốn sống còn để nuôi chí lớn mai sau...và rõ ràng ông lên được tể tướng đời nhà Hán.
Nói tóm lại khi chống cự là điều Rồ Dại chuốc hại vào thân thì ta nên tránh và nhịn. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, thời cơ thuận lợi ta liền chụp lấy và tỏ rõ ý chí của mình là điều nên làm. Dù sao chăng nữa phải biết lấy NHU CHẾ CƯƠNG quả là nghệ thuật chiến thắng.

-Tránh voi chẳng thẹn mặt nào
-Phải biết lấy nhu chế cương
-Khi chống cự là điều ngu dại, thì ta nên nhịn, còn hơn là cứ chống càn để rước họa vào thân
               

                                    =================


CON LỪA ĐỘI LỐT SƯ TỬ

Có một con lừa ngày nọ thấy bộ da sư tử do một nhóm thợ săn bỏ quên trong rừng nó bèn nghĩ ra một kế vui chơi.

Con lừa bận bộ da này vào núp vào trong một bụi rậm. Nó đợi lúc muôn thú đi ngang bèn chạy ra hù doạ. Bầy thú tưởng chúa sơn lâm thật tất cả ngay lập tức đều sợ hãi bỏ chạy trối chết?!

Lừa thích chí quá do muôn thú xem nó như chúa sơn lâm thật không bằng? Lừa không nín được do quá khoái chí nên bật kêu lên:

-Bờ rê! Bờ rê!

Có con cáo chạy sau cùng nghe được tiếng này nó mới hiểu ra đó chỉ là con lừa đội lốt sư tử thôi?!

Con Cáo trở lui cười ngất, rồi bảo lừa rằng:

Giá như ngươi biết câm cái miệng lại thì ngươi có thể doạ được ta rồi. Nhưng chính cái miệng của ngươi đã làm hỏng chuyện khi tự phát ra cái tiếng be be tức cười kia, biết chưa?

Con Lừa nghe thế,  thẹn quá lủi mất./.


Lời bàn của người dịch
Mượn danh tiếng người khác, nói khác đi là 'dựa hơi' kẻ khác đời nào cũng có nhiều. Không ít người "thấy kẻ sang bắt quàng làm họ" cùng lắm kẻ tự khoác lên mình 'lớp vỏ' bên ngoài để chinh phục hay thậm chí lường gạt tha nhân hòng thủ lợi. Lợi này có thể là tiền tài địa vị hay thứ danh tiếng phù phiếm nào đó.
Người bàn từng thấy lắm kẻ không những a dua xu nịnh những người nổi tiếng nào là 'bợ đỡ' hay xun xoe gần gũi, đưa hình lên mạng gần 'ông nọ bà kia' hòng hưởng chút 'hào quang' của người nổi tiếng đó. Cũng có lắm người tự 'đánh bóng' mình bằng nhiều tước vị học hàm nhưng thực chất họ chẳng có thực tài bao nhiêu cả.
Thế nên ngẫm lại chuyện ngụ ngôn này chúng ta rút ra...

* MỘT ĐỨA GIAN MANH CÓ THỂ LỪA THIÊN HẠ QUA SẮC PHỤC VÀ DIỆN MẠO BÊN NGOÀI NHƯNG CHÍNH LỜI NOÍ CỦA HẮN MỚI TỎ LỘ CON NGƯỜI THỰC SỰ CỦA HẮN RA SAO

* KHOAN VỘI XÉT NGƯỜI QUA BỀ NGOÀI MÀ HÃY ĐỢI HỌ NÓI RA

* CHỚ ĐÁNH GIÁ CUỐN SÁCH QUA TRANG BÌA. BẠN SẼ KHÔNG BAO GIỜ BIẾT ĐƯỢC GIÁ TRỊ BÊN TRONG CUỐN SÁCH RA SAO NẾU BẠN CHƯA THỬ ĐỌC QUA 

* KHÔNG PHẢI MỌI THỨ LẤP LÁNH ĐỀU LÀ VÀNG CẢ
             


No comments:

Post a Comment