Monday, January 1, 2024

MÙA XUÂN NHÂN LOẠI NẰM Ở TƯ DUY TRIẾT HỌC


RỘN RÀNG ĐÀO NỞ CÁNH HỒNG
TƯNG BỪNG ĐÓN ÁNH XUÂN VỀ QUANH TA
MÙA XUÂN ĐÂU PHẢI Ở XA
KHO TRỜI VÔ TẬN THA HỒ VUI CHƠI


 
hoa hồng đào peach

Chào bạn đọc năm mới 2024

     Ngày đầu năm chúng ta ngồi yên lặng trong một buổi sáng mai an bình, bên tách trà thơm và cành đào nào đó ắt hẳn trong lòng cảm thấy thư nhàn, thanh thản. Có thể lúc này đây, ai cũng thầm cám ơn đời đã ban cho cuộc sống an bình trong khi thời thế đang chiến tranh, nhiễu loạn.

    Người viết chợt nhớ lại trước đây hay ngồi suy nghĩ về cuộc sống của người đời ngụp lặng trong bao biến thiên lịch sử do đâu. Biết thế nhưng do khó khăn của trình độ từ thời đi học lại không dám chọn Triết Ban hay ít nhất là Hán Ban cho thích hợp. Nhớ ngày xưa, tuổi trẻ hay nói về những suy tư cuộc đời thì bị gán cho cái tên là "ông cụ non". Giờ thì già rồi, quá thất thập mình đâu còn e ngại cái tiếng  "Cụ Non" như xưa, họa chăng là ông cụ "lẩm cẩm" thật sự. Khó một điều, tôi chẳng có khả năng để diễn tả hết những suy tư của mình. Cũng lạ, ngày trước các bậc trưởng thượng hay dùng tiếng  "ông Cụ Non" để ám chỉ mấy anh chàng trẻ con mà đã ra dáng "triết gia" suy nghĩ sớm quá.

 Con người bất cứ trẻ hay già, nói chung xã hội nếu như ai cũng biết suy nghĩ, biết sử dụng khả năng bộ não thì trần thế có thể thêm nhiều điều hay, tránh bao phiền muộn, tai ương. Không biết tôi quan niệm thế có đúng chăng.


Le Penseur (1904) in the Musée Rodin in Paris
ArtistAuguste Rodin
Year1904; 119 years ago
MediumBronze
ý nghĩa
-cơ bắp biểu tượng cho sức mạnh của một sinh vật thì sư tử hay voi cũng mạnh vậy
-nhưng nhờ vào hình tượng suy nghĩ thì đây mới chính là CON NGƯỜI  (ĐHL)
***
     Thời còn đi học, tôi rất thích câu nói của nhà toán học Blaise Pascal, "con người bất quá chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên; nhưng là cây sậy biết tư duy"("L’homme n’est qu’un roseau, le plus faible de la nature ; mais c’est un roseau pensant.). Ngang đây người viết muốn mở ngoặc một ít về hai chữ Tư Duy. Đó là một từ dùng trước 1975, cũng là suy nghĩ nhưng tư duy có tính mô phạm và logic hơn là suy nghĩ. Suy nghĩ có tính bình thường, hàng ngày và bình dị hơn.

    Tôi tin rằng quý bạn sẽ đồng ý rằng bộ não hay "chất xám" nếu ta biết tận dụng sức mạnh của nó ắt hẳn thế gian sẽ còn khác hơn bây giờ nhiều. Nên chăng chúng ta phải bắt các tế bào não làm việc hay nói khác đi là suy nghĩ hầu giúp trí óc sẽ "tráng kiện", lâu thoái hóa hay hơn là để nó "lười biếng ăn no lại nằm ". Theo khảo cứu khoa học hiện tại, bộ não người lớn có tới 3 tỷ tế bào và có một giả thuyết cho rằng 65% người Mỹ tin con người mới chỉ dùng "10% năng lực của não" mà thôi. Cũng theo khoa học hiện tại càng bắt não hoạt động thì chức năng tinh thần của ta càng thăng tiến. Người hay hoạt động cho não (suy nghĩ) càng giảm chứng bệnh mất trí nhớ. 
    Cơ thể nói chung năng vận động, máu huyết sẽ lưu thông điều hòa. Tương ứng, lúc ta năng suy nghĩ lượng máu cung cấp lên não gấp hai ba lần.

Suy nghĩ ở đây, theo tôi là cả một chuỗi phân tích, lập luận, cân nhắc, đối chiếu và cuối cùng tìm tòi tư liệu để tìm ra chân lý cùng công đạo tức là cái đúng cùng điều thiện.  Tư Duy ắt hẳn khác với sắp mưu lập kế (intrigue-plot), do đây là thủ đoạn suy tính tìm cách hại người hại đời thì không phải là suy nghĩ mà là âm mưu.

    Tư duy (thinking) rõ ràng khi nào cũng đi từ thiện ý tức là tìm ra cái đúng. Đời người chắc chắn không phải quá dài, nếu ai phát triển tư duy sớm thì là cái phúc cho đời cho người.  Nói chung đó là những gì chúng ta cùng vỗ tay tán thuởng. Con người khác với thú vật từ điểm chính yếu này, do tư duy làm thăng hoa cuộc sống tinh thần, khai sáng trí tuệ vun đắp cho lý trí và song song với đó sẽ thăng hoa vật chất. Tư Duy là căn bản trước tiên cho nhân loại, đem hòa bình thực sự đến cho mọi đại lục, mọi hải đảo xa xôi. Thế giới  hay nói đến hai chữ HÒA BÌNH nhưng hành vi thì ngược lại. Phải chăng do quá ít tư duy hay do con người từng thế hệ từng đầu hàng trước sức lôi cuốn hay hấp lực nào đó đã sa vào nhiều hệ quả khác xa với ước mong thiện lương nhất?


    Thế thì những hấp dẫn hay thế lực lôi cuốn đó là những gì? Trước tiên là LÒNG THAM đó là yếu tố căn bản đưa xã hội đi chệch huớng. Những núi của cải vật chất quá đồ sộ của nhân loại nhưng thưc ra đang bào mòn cùng hủy hoại biết bao tài nguyên tích lũy bao triệu năm của quả địa cầu này. Trái đất chúng ta tích lũy bao vốn liếng tài nguyên hàng chục thậm chí hàng trăm triệu năm mới có, ví dụ nguồn năng lượng hóa thạch. Mỉa mai thay, chỉ trong hai thế kỷ 19 và 20 sự thăng tiến kỹ nghệ đã thiêu hủy gần cạn kiệt. Hậu quả khôn lường đang thành hiện thực đó là tình trạng Hâm Nóng Địa Cầu...

Thiên nhiên rõ ràng không phải là kho tàng vô tận cho nhân loại, tha hồ sử dụng phung phí. Trái lại, sự kiềm chế và tính toán chung của xã hội loài người là trách nhiệm cần phải có, nhất thiết phải có. Như thế, vai trò tư duy rõ ràng là trọng trách quan yếu ưu tiên hàng đầu.

    Sự suy nghĩ của con người chưa hết khả năng của nó. Sức mạnh và sự thông minh của tư duy có thể tạo ra những cản ngăn có khả năng triệt hạ những trở lực ác quỷ của các thế lực hắc ám đang đại diện cho lòng tham và hung tàn. Nói đến điều này chúng ta nghĩ đến LÒNG THAM QUYỀN LỰC và TIỀN TÀI. Thực tại chiến tranh hay khủng hoảng thế giới hiện nay, sao chúng ta không kết luận đó là hệ quả của lòng tham quyền lực. Các cuộc chiến tranh to lớn đang xảy ra không đến từ đói khát lương thực mà chủ yếu từ các lãnh tụ muốn mở rộng quyền lực hay duy trì lâu dài quyền lực thống trị một cách độc đoán và bất công. Trí thông minh của nhân loại không phải bao giờ cũng nằm trong tay kẻ ác hay giới chuyên sống và tin vào màn mây hắc ám, u minh, dối trá mà nó nằm trong các đầu óc thánh thiện, yêu chuộng hòa bình lòng nhân ái. Thế thì tại sao nay nhân loại sao đành thúc thủ bó tay?

    Lịch sử chứng minh rằng các vĩ nhân thế giới đều là những người biết suy nghĩ và thánh thiện; trái lại, kẻ ác hay bạo chúa, độc tài xưa nay dù thông minh cỡ nào cũng có những hạn chế về tư duy cùng nhiều não trạng hẹp hòi, tàn độc. Đó là luật thừa trừ, thuyết nhân quả mà nên.

    Khi thế giới đi tới hiểm họa của chiến tranh hạt nhân, vi trùng, hóa học thậm chí các cuộc chiến tranh khác lạ lùng và kinh dị hơn do Trí Thông Minh Nhân Tạo làm chủ trong chiến tranh điện toán và chiến tranh từ không gian thì vận mạng của nhân loại nói chung xem chừng kết liễu.

    Nền văn minh của nhân loại rất cần ưu tiên việc thăng tiến Tư Duy Triết Học một phạm trù có tính mô phạm không bao giờ ruồng bỏ cảm xúc của con người hay lạnh nhạt với các quan tâm thực tế của loài người do cảm xúc và điều quan tâm thực tế của con người là những phần quan trọng của đời sống. Sống an lạc, công bằng, chân thiện phải chăng mọi người sống trên địa cầu này đều được chia sẻ công minh và đồng đều. Tư Duy Triết Học từ đó luôn đeo đuổi KIẾN THỨCCHÂN LÝ cùng Trải Nghiệm. Kiến thức chưa hẳn là các phát minh, gián tiếp gây ảnh hưởng vào cộng đồng nhân loại để làm giàu hay làm tăng uy thế thống trị, trái lại chúng có mục đích tối hậu là HÒA BÌNH cho mái nhà chung của loài người là Địa Cầu. Cuối cùng hết TƯ DUY TRIẾT HỌC sẽ cho phép chúng ta hiểu hết giá trị và sức mạnh đích thực con người.

     Thế giới đang xung đột và bấn loạn, mất phương hướng, phải chăng đây là hậu quả của sự phát triển không đồng đều của cộng đồng nhân loại- giữa tư duy và phát triển vật chất. Tư duy không thể nói nó nằm trong vấn đề sản xuất, suy nghĩ trong công việc, thành phẩm xuất xưởng đạt con số tối đa và lợi nhuận ngất trời. Đó chỉ là một công đoạn trong quy trình sản xuất. Tư Duy đúng đắn và bao hàm nhất là TƯ DUY TRIẾT HỌC nó sẽ dẫn dắt xã hội con người đến nền hòa bình đúng nghĩa nhất cho sự an lạc chung của toàn thể con người trên trái đất và mọi loài cùng sống dưới một bầu trời chung./.

Đinh Hoa Lư 
đầu năm 2024

NGUỒN THAM KHẢO

HOW MUCH OF OUR BRAIN DO WE ACTUALLY USE


BENEFITS OF PHILOSOPHICAL THINKINGS

WHAT PHILOSOPHERS THINK ABOUT 

FIVE REASONS WARS HAPPEN


No comments:

Post a Comment