Hoa
đã xuất hiện từ bao giờ trong vũ trụ thiên nhiên?
Hầu
hết loài thảo mộc đều có hoa. Hoa là một phần của cây cỏ, nhưng loài người
thường gọi tên của cây cỏ bằng tên hoa của chúng. Hầu hết con người đều nghĩ về
hoa như là một hiện hữu của màu sắc rực rỡ và phô trương.
Người
ta tán dương và yêu thích hoa vì hình dáng đẹp và lôi cuốn, vì mầu sắc rực rỡ, vì
vẻ diệu kỳ và hương thơm.
Nhờ
vẻ đẹp và hương thơm mà hoa đã được dùng để trang hoàng cho các buổi lễ, các dinh
thự sang trọng, được phụ nữ cài lên mái tóc, đeo quanh cổ...để làm đẹp... Một
vài loài hoa được dùng để dâng lên các đấng thiêng liêng tức là để thờ cúng.
Hoa
cũng đóng một vai trò quan trọng trong các tương giao tình cảm của loài người,
đặc biệt là trong tình yêu...
Không
thể biết đích xác loài người đã biết dùng hoa từ lúc nào... nhưng trong thời
hiện đại Hoa đã trở thành một thứ cần thiết hoặc "không thể thiếu"
trong đời sống tình cảm và lễ nghi của xã hội nhân loại.
HOA
LÀ GÌ ?
Theo định nghĩa, HOA
là cơ cấu tái sản sinh của một hạt giống mang mầm cây cỏ (thảo mộc), có tính
năng chuyên biệt “đực” hay “cái” với những phần nhiều màu sắc, có phấn, có chất
ngọt ở chính giữa và thường có mùi hương. HOA là bộ phận trọng yếu của loài cây
có quả, cho trái.
Ần trong HOA là trái
non, trái non này chỉ phát triển sau khi các cánh hoa đã rụng hết.
Bốn mùa đều có hoa riêng, theo sách Trung Hoa, thì Xuân có hoa Iris hoặc Magnolia (Mộc Lan), Hạ có hoa Peony và Sen, Thu hoa Cúc và Ðông có Mai và Trúc. Cách biểu tượng của người Việt thì hoa Mai thuộc mùa Xuân, Lan mùa Hạ, Cúc mùa Thu và Trúc mùa Ðông (trong bộ Tứ Thời: Mai, Lan, Cúc, Trúc)
Bốn “Bạn hữu của Hoa” là: Chim
Yến (swallow), Hoàng Anh (oriole), Ong và Bướm.
Hoa và Phụ Nữ
Không biết từ bao giờ và do đâu
mà người phụ nữ được đồng hóa với hoa?
Sự hiện hữu thể
chất của một người con gái hay đàn bà đẹp được mô tả như một đóa hoa bởi vì
chính bản thân và cấu trúc của nữ giới là hoa
của loài người.
Yếu tính
(essense) của hoa và đàn bà cùng một thể loại. Thật vậy, trong thiên nhiên Hoa
là phần quan trọng của sự truyền sinh. Và để có thể thụ phấn cho trái, quả được
hình thành đầy đủ, hầu hết hoa phải nhờ ong hay bướm làm trung gian chuyển phấn
từ hoa đực đến nhụy hoa cái.
Thiếu các hoạt động của ong, bướm... hầu hết hoa sẽ không thể kết trái để truyền sinh cho mùa kế tiếp. Có lẽ vì sự cần thiết này mà tạo hóa đã cho Hoa tiết ra những chất có khả năng lôi cuốn ong, bướm bay đến... đó là mật ngọt và mùi hương. Ong và Bướm đã giúp cho nhụy đực (dưới dạng phấn hoa) truyền tới nhụy cái đang hé mở đợi chờ...
Người đàn bà
cũng có thiên chức truyền sinh và cấu tạo cơ thể cũng tương tự như loài hoa
mang noãn chờ thụ phấn, thụ tinh để “phôi” thành “thai”. Người đàn bà cũng toát
ra những thứ lôi cuốn, hấp dẫn nam giới...từ nhan sắc, duyên dáng, nhân dạng
cho đến “âm chất”. "Âm chất" là cái mà khoa học hiện đại gọi chung là
“Love chemicals”[Sex Pheromones-->Sexuel Scent of Attraction).
Theo các nghiên
cứu khoa học về tình dục và tình yêu: khi nam và nữ (đực-cái) gặp nhau thì não
bộ sẽ điều động cơ thể toát ra một số kích thích tố, những kích thích tố này sẽ
toát ra những hóa chất tình yêu để lôi cuốn đối tác...
Ở Trung Hoa, theo truyền thống,
ngày Rằm tháng Hai âm lịch, có lễ hội Bách Hoa Thần (the Goddess of the Hundred
Flowers - Chinese Symbols tr.111) trong dịp này, các thanh nữ cúi mình bái mạng
Ngọc Hoàng Thượng Ðế (yu-huang-di). Trong các tranh ảnh về lễ hội, người ta
thấy các vị thần khác đi trên những chiếc thuyền làm bằng lá chuối, hoặc trên
những thuyền mây (vân thuyền) đến dâng hoa. Người ta còn thấy có một số danh
sách khác nhau về tên các loài hoa của 12 tháng. Các danh sách này có nhiều
khác biệt, nhưng tựu trung vẫn có một số yếu tố chung, chẳng hạn như trong hầu
hết các danh sách này đều ghi hoa Apricot vào tháng thứ Hai (gần tương ứng với
hoa của cuối tháng March); -peach-blossom vào tháng thứ Ba;- hoa Sen vào tháng
Sáu,- hoa Quế vào tháng Bảy và hoa Cúc vào tháng Chín...
Trong huyền thoại La Mã, Hoa Mùa Xuân được nhân cách hóa bằng Nữ thần Flora, tương tự với Nữ thần Chloris của Hy Lạp. Nữ thần Hoa Xuân của La Mã (Blooming Roman Goddess of Spring) được vinh danh và tế lễ hàng năm vào thời gian của Floradia, một lễ hội nhiều mầu sắc và cung điệu khi người ta trang điểm cho mình bằng các sắc hoa và hưởng thụ một bữa tiệc lớn kéo dài 6 ngày. Nữ thần Flora, tươi đẹp và nhân từ hiện ra và được vinh danh trong một đoàn diễn hành lộng lẫy. (Concise Mythological Dictionary - Ultimate Encyclopedia of Mythology)
Ðối với thi sĩ Pháp Charles Beaudelaire (1821-1867)
người đàn bà là Hoa của Tội Lỗi. Ông viết một tập thơ nhan đề “Les Fleurs du
Mal” (Flowers of Evil - 1957) với gần 100 bài thơ liên quan đến chủ đề nhân
loại và tội lỗi do người đàn bà đem lại. Beaudelaire với tập thơ này đã tạo nên
trường phái “tượng trưng” trong thi ca. Beaudelaire đã nghĩ rằng "Chắc
Thượng Đế cũng có giờ hối hận vì đã sinh ra thân thể con người?"
HOA
TRONG ÐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Một người con gái sẽ được mô tả
“như đóa hoàng hoa” (huang hua mu) nếu nàng là trinh nữ. Người Trung Hoa dùng chữ
“Yên hoa” (smoke-flower) để chỉ người con gái ở lầu xanh (gái bán dâm -
prostitute) vì thấy rằng cuộc đời bất hạnh của họ, mong manh như như làn khói,
bị tàn tạ tan biến trong chốn ăn chơi!
Những thành ngữ “vầy hoa giỡn nguyệt”, “tìm hoa, đòi
liễu”, “ngủ giữa hoa và nằm dưới liễu” đều dùng để chỉ một người đàn ông ăn
chơi với nhiều gái mãi dâm.
Trong văn chương Việt Nam, thành
ngữ “khách chơi hoa”, “khách tìm hoa” cũng có nghĩa là những người đàn ông đi
tìm gái làng chơi (gái giang hồ), chứ không có nghĩa thông thường là những
người thích sưu tầm các loại hoa để thưởng ngoạn, chưng bày hay trồng tỉa. Ðộng
từ “chơi hoa” cũng thường bị đồng hóa với việc người đàn ông tìm thỏa mãn tình
dục một cách vô tình nơi những thân thể phụ nữ.
“Chơi hoa cho rữa nhị dần mới thôi”
Chu Mạnh Trinh đã thương xót thân
phận Thúy Kiều ở lầu xanh qua những câu thơ bóng bẩy sau đây:
“Thương
ơi, sắc nước hương trời,
Chơi hoa đã dễ
mấy người biết hoa!
Rõ
ràng trong ngọc trắng ngà,
Ðào
nguyên lạc lối đâu mà đến đây?”
Tại các làng mạc ở Hoa Nam (Trung
Hoa), hằng năm, vào ngày mồng Năm tháng Năm âm lịch có một hội gọi là Hoa Trận
(Battle of flowers). Ðây là thời điểm rất gần ngày Hạ chí (summer solstice) là
lúc dương khí cực thịnh và âm khí bắt đầu vươn lên cao. Hội Hoa Trận nầy tượng
trưng cho sự giao hợp sinh sản, mùa màng phì nhiêu.
“Tâm hoa” (flower-heart) là một
tên gọi dành cho âm hộ (vagina) (Chinese Symbols-tr.111).
Trong Bát Tiên, có vị hiện thân
một người con gái mang trên vai một lẵng hoa, đó là Lâm Thái Hòa ( Lan Cai-he).
Dường như khắp nơi trên thế giới,
hầu hết loài người đều thích hoa, hoặc có một tình cảm nào đó với loài hoa. Và
từ đó, hoa đã trở thành bạn hữu của con người trong nhiều hoàn cảnh. Cuộc vui
cũng có hoa, tang tóc, đau thương cũng có hoa. Sự hiện hữu trầm lặng của hoa,
làm cho tâm tư con người như được an ủi, chia sẻ, nhất là khi một cành hoa, hay
bó hoa đến với ta như một sứ điệp từ người yêu, người thương, hay người mến
mộ... Hoa đến thay cho người để nói lên những tình cảm, những chia sẻ.
Hoa trên bàn thờ Phật, Chúa, Tổ
Tiên; Hoa trong đám cưới, trong lễ rửa tội. Hoa trong tang lễ, Hoa trong tiệc
tùng, ca vũ, Hoa bên giường bệnh nhân, Hoa để bày tỏ tình cảm biết ơn...
Người ta lấy tên hoa để đặt cho
người: Lan, Hồng, Cúc, Ðào, Hải Ðường, Thủy Tiên, Lily, Iris, Rose...
Một đôi khi, con người còn muốn
“nói bằng hoa”. Cho nên một số loài hoa đã trở thành “ngôn ngữ”. Về mặt này,
nguời Tây Phương đã gửi gắm ý nghĩa tượng trưng vào một số loài hoa làm cho hoa
trở thành một thứ tiếng vô thanh nhưng đầy sắc, hương, thầm lặng mà thấm
thía...
Sau đây là một vài thí dụ:
- Hoa thu mẫu đơn
(Anemone-Anémone) ý nói “hãy kiên trì” - màu Xanh chỉ “lòng chung thủy”; màu Ðỏ
ý nói “tôi tin ở tình tôi”; màu Vàng : “Trời sẽ bù đắp cho lòng tôi”.
- Hoa táo gai (Hawthorn -
Aubépine) ý nói “hãy thận trọng, lo xa”; màu Trắng: “ý tứ, giữ gìn”; màu Hồng:
“Hãy giữ tình kín đáo”.
- Hoa cúc vàng hoặc trắng
(Chrysanthemum, Button - Chrysanthème) ý nói “tình bạn cao quí”, “trân trọng
tình bạn”.
- Hoa cúc xanh (thỉ xa - Bluet) ý
nói: “E thẹn, không dám tỏ tình với”
-Trà
mi (Camelia) ý nói: “tự kiêu, cao sang”- Trắng: “Anh phụ tình em”; Ðỏ: “Với
anh, em đẹp nhất; Hồng: “Tôi tự hào về mối tình của anh (hoặc em)”.
-Hoa mào gà
(Coquelicot-corn-poppy) ý nói: “Nồng nhiệt nhất thời”, “Hãy yêu nhau đi để ngày
sau tiếc nhớ”.
-Hoa thược dược (Dahlia) ý nói
“sung sướng”- Trắng: “Cảm tạ ơn lòng thương tưởng”; Hồng: “Tôi sung sướng vì
tình yêu của mình (chồng hay vợ)”; Ðỏ: “Tình em (anh) làm cho anh (em) hạnh
phúc”.
-Hoa mai (apricot-Abricotier): ý
nói “lãnh đạm”, “tình không được đền đáp”.
-Hoa
phong lữ (Geranium-Géranium) ý chỉ “Tình yêu”- Ðỏ thắm: “Lúc nào tôi cũng nhớ
mình”; Hồng: “sung sướng được ở gần nhau”.
-Hoa Gờ-lai-ơn (Gladiolus - Iris
- Glaieul) ý nói “cuộc hẹn hò” có hai màu đỏ thắm hay hồng. Số hoa trên cành
đặt chính giữa bó hoa chỉ giờ gặp nhau.
-Hoa nhài (Jasmine ) ý nói “tình
tha thiết hiến dâng”- Trắng: “hãy yêu tôi đi”; Vàng em muốn trao thân gởi phận
cho anh”.
-Hoa Oải hương (Lavender-Lavande)
màu xanh nhạt hơi pha đỏ, ý nói “Lòng thương yêu trân trọng”.
-Hoa Huệ tây (Lilly-Lis) ý nói
“sự thanh cao”, “người trong trắng, thanh khiết”, tình cao khiết.
-Hoa Mimosa (Trinh nữ) màu vàng,
ý nói “tình kín đáo, không ai biết được”.
-Hoa Ðỗ quyên (Rhododendron-
Rhododendrum) ý nói “lịch sự, êm đẹp nhất đời”- Hồng : “tình yêu”; Trắng: “tình
đau khổ”; Ðỏ sẫm: “tình tha thiết”.
-Hoa Hồng (Rose): ý nói “Tình yêu
đẹp đẽ” - Trắng: “Tình bạn đang chuyển thành tình yêu”; Ðỏ thắm: “Tôi yêu em
tha thiết”; Hồng phớt: “Tình lãng mạn nhẹ nhàng”.
- Hồng nhung: “Khao khát được yêu
trọn vẹn”.
-Hoa Tuy-líp (Uất Kim hương-Tulip
- Tulipe) ý nói “tình yêu nồng nàn, cuồng nhiệt”.
-Hoa tím (Violet - Violette) ý
nói “tình thầm lặng, chôn giấu” - “tôi đang thầm yêu.”
Với những ý nghĩa tượng trưng
được quy ước và phổ biến trong đời sống hàng ngày, như đã trình bày trên đây,
người Tây Phương đã có thêm một thứ ngôn ngữ kỳ diệu để diễn tả tình cảm của
mình, đó là tiếng nói của loài hoa, thầm lặng mà sâu xa, giải tỏa được nỗi u
uất cho bao nhiêu người có tính e thẹn khi trực diện với đối tượng. Tặng hoa là
một sự ngỏ ý, một gởi trao tín hiệu, cho nên phải lựa chọn cẩn trọng để hoa
mang đúng thông điệp của trái tim...
Người Á Ðông cũng nhìn thấy nơi
loài hoa những ý nghĩa tượng trưng. Hoa là đề tài thứ hai trong bộ tứ Phong,
Hoa, Tuyết, Nguyệt của văn nhân thi sĩ và tao nhân mặc khách. Hoa với Thơ như
đã có duyên nợ tiền thân. Thơ viết trên giấy hoa tiên.
Có một số loài hoa được ưa
chuộng, trân quý và có những loài hoa bị khinh chê, dựa trên quan niệm đạo lý!
Chẳng hạn, hoa cúc, vạn thọ, mẫu đơn, huệ, sen... được người Việt dùng trong
các lễ cúng, cắm trên bàn thờ, trái lại hoa nhài (lài) vừa nhã vừa thơm ngào
ngạt về đêm, lại không được cắm vào bình hoa, vì các cụ xưa gán cho tội lẳng
lơ, khêu gợi! (theo Toan Ánh).
Người Trung Hoa, và Việt Nam lấy
hoa sen tượng trưng cho người cao khiết, quân tử, vì “gần bùn mà chẳng hôi tanh
mùi bùn”, hoa lan tượng trưng cho “thanh thoát và vương giả”; người Nhật Bản
lấy hoa anh đào biểu tượng cho Võ sĩ đạo, vì hoa anh đào khi lìa cành rơi xuống
đất, luôn luôn giữ mầu hồng tươi, nghĩa là khí sắc không thay đổi.
Ðạo Phật lấy hoa sen làm biểu
tượng, ngoài ý nghĩa chuyển tạo từ gốc bùn nhơ thành thanh tịnh, cao sang, có
hương sắc, có nhị vàng mà không gọi mời ong bướm, hoa sen trong Phật giáo còn
mang ý nghĩa sâu xa của “nhân quả đồng thời, tương tại” (Trong hoa sen còn non
đã có hạt) trong triết lý Phật Giáo.
Lòng yêu hoa của con người có lẽ
đã phát sinh song song với thi ca trữ tình, lãng mạn. Người trinh nữ, thần
Vierge giống như một bông hoa tươi mát, dịu dàng, ngây thơ ngẫu nhiên đem bao
hạnh phúc cho cuộc sống. Hoa là vẻ đẹp của vũ trụ thiên nhiên. Vẻ Ðẹp đích thực
là những gì làm cho tâm hồn con người khoan khoái và hạnh phúc. Chàng trai thời
sơ thủy, khi đưa tay ngắt một cành hoa đem tặng hoa cho một trinh nữ, đã nói
lên sự vượt khỏi bản năng sinh tồn có chung với cầm thú.
Tặng hoa, cài hoa lên tóc, lên áo
là hành vi vượt qua nhu cầu thô sơ của bản năng mà các loài đều có. Thật vậy,
về phương diện nhu cầu ăn uống và thỏa mãn tình dục, thì HOA là cái vô dụng.
Nhưng khi con người đã cần đến cái vô dụng ấy, tức là nó đã bước vào lãnh vực
nghệ thuật. Người con trai hái hoa tặng, người con gái sơ thủy mỉm cuời đón
nhận... như thế là con người đã nhập vào thế giới kỳ diệu của nghệ thuật.
Về Ý nghĩa Văn Hóa
Hoa đã từng là những biểu tượng của vẻ Đẹp trong hầu hết các nền văn minh trên thế giới và hành động
Tặng Hoa (flower giving) vẫn còn là những biểu lộ hòa ái, thanh nhã, ấm nồng
thông thường trong hầu hết các tương giao nhân loại (social amenities). Dưới
hình thức quà tặng, Hoa được dùng như những biểu lộ tình cảm giữa vợ chồng,
giữa những thành viên khác trong gia đình và bạn hữu. Dưới hình thức trang trí,
trang hoàng, Hoa phục vụ các cuộc lễ long trọng như lễ cưới, lễ sinh nhật, lễ
tốt nghiệp, lễ đăng quang; trong lễ tang, Hoa được xem như biểu hiệu (as a
tokens) của lòng tôn kính người quá cố. Dưới hình thức món quà cầu chúc và cỗ
vũ (as cheering gifts), Hoa được gửi đến giường của bệnh nặng; ngoài ra Hoa còn
là biểu lộ của lời cảm ơn hoặc tán dương hay cảm kích (expressions of thanhks
or appreciation).
Tuy vậy, con người khó mà bỏ hết thú tính,
nghĩa là hoàn toàn thoát khỏi sự thúc đẩy của bản năng... cho nên thực tế mỗi
đời người đều bao gồm đói khát và dục vọng. Thậm chí nhiều người, vì mê đắm,
còn xem dục vọng là thiêng liêng... Một học giả Nhật đã ghi nhận rằng: trong
thế giới loài người, các đền miếu để tôn thờ các vị thần linh khác, đều có thể
sụp đổ, hư hại theo thời gian và hoàn cảnh, nhưng có một loại đền thờ rất kiên
cố, rất khó sụp đổ, đó là cái miếu thờ cái thần tượng chí tôn, chí đại là CÁI
TA, CÁI TÔI, cái “Bản Ngã”. Loại miếu đền này thường được đa số người đời canh
phòng rất kỹ, bảo tồn vĩnh viễn, bảo vệ rất hết lòng! Những kẻ dám mạo phạm
đến, sẽ khó mà được tha thứ!
SỐ
PHẬN CỦA HOA
Con người hiện đại tự
hào là đã chinh phục được vật chất, mà không nhận thấy rằng chính vật chất cũng
đã và đang nô lệ hóa con người, nó điều khiển một cách chặt chẽ những hoạt động
thường ngày của nhân loại.
Một sự kiện nghịch lý
trong lịch sử thế giới mà nhiều người không nhận biết, đó là nhân danh điều
Thiện để làm điều tàn ác?
Ðó là việc chơi hoa;
người chơi hoa, nhân danh nghệ thuật, nhân danh thưởng ngoạn để tàn phá loài
hoa: cắt hoa cắm vào bình, bắt hoa “giam” vào chậu. Buộc hoa nở theo ngày mình
muốn, bằng cách trồng và tỉa...
Okakura Kakuzo đã bày
tỏ sự xót xa đối với số phận của những loài hoa đẹp:
“Hỡi những bông hoa
thanh lịch, những giọt lệ của các tinh tú kia ơi, Hoa đứng ở trong vườn, gật
đầu chào đón bầy ong ca ngợi hạt sương và ánh mặt trời. Hoa hãy nói cho ta hay
là Hoa có biết cái số mệnh đáng sợ đang chờ đợi Hoa đó không? Hoa hãy mơ mộng
đi, hãy nhún nhảy vui đùa trong những ngọn gió hè nhẹ nhàng mát dịu được chừng
nào hay chừng nấy đi, kẻo đến mai, một bàn tay tàn ác sẽ bóp nghẹt cổ Hoa, vặn
cổ Hoa, xé từng cánh ra làm đôi và đem Hoa đi khỏi nơi gia đình êm ấm của Hoa.
Ả khốn nạn ấy, có thể đẹp lắm. Ả có thể bảo Hoa đáng yêu lắm, trong khi ngón
tay ả còn ướt đẫm máu Hoa. Hoa thử nói cho ta hay như vậy có phải là lòng
khuynh mộ, tình thân thiết không? Có lẽ số phận của Hoa là bị nhốt trong mái
tóc của con người mà Hoa biết là vô lương tâm. Cũng có thể kiếp vận của Hoa là
bị giam vào cái bình chật hẹp nào đó trong chỉ chứa một chút nước tù hãm để làm
dịu bớt phần nào cơn khát điên dại nó báo cho biết đời Hoa như thế là tàn.”
(Trà Ðạo - Bảo Sơn dịch, tr.91-92).
Kể cả khi Hoa được
đưa vào Ngự Uyển của một vương cung, số phận Hoa cũng sẽ bi thảm vì lòng tự
tôn, tự kỷ của những tay vương giả, ưa cầu kỳ và khoe khoang.
Ở các xã hội Âu, Mỹ,
sự tàn phá loài hoa còn kinh khủng gấp trăm lần các tay “chơi hoa” hay “hoa
tượng” ở Ðông Phương.
Người ta đã thống kê
và nhận thấy rằng số lượng hoa cắt hằng ngày để phục vụ cho các tiệc tùng,
khiêu vũ, cưới hỏi, phúng điếu và tặng nhau, là một con số ghê gớm. Ðau đớn là
tất cả những hoa đẹp, sang ấy, tàn cuộc vui, hoặc sáng sớm hôm sau đều vào
những thùng rác với tất cả những đồ phế thải bẩn dơ, hôi hám! Rất nhiều khi,
trưng bày hoa chỉ là để khoe khoang sự giàu có, sang trọng, chịu chơi và chịu
chi, một thói ngông của thời đại mà thôi. Sau tiệc, Hoa sẽ về đâu, chủ nhân
không cần biết đến...
Câu hỏi mà chỉ có
thuyết luân hồi nghiệp báo của Phật Giáo mới trả lời được đó là: Tại sao Hoa
đẹp đẽ, hiền lành và không có khả năng tự vệ như thế, mà lại bất hạnh như vậy?
HOA HẬU & HOA KHÔI
Từ
sau năm 1975, tại Việt Nam, dưới chế đô cộng sản đã có hằng trăm cái gọi là
cuộc thi Hoa Hậu và đã sản xuất ra hàng ngàn Hoa Hậu đủ thể loại mà các nước
khác trên thế giới không có.Ngoài Hoa Hậu chính thức và Á Hậu, còn có Hoa Hậu
Duyên Dáng, Hoa Hậu Thân Thiện... Miss Petite Vietnam 2023 (Hoa hậu Nhân ái
Việt Nam), Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Lụa di sản Việt Nam 2024, Hoa hậu
Hoàn cầu Việt Nam, Hoa khôi Sinh viên Đồng bằng sông Cửu Long, Hoa hậu Quý bà
Trái đất Việt Nam… vân vân.
Nhưng
trước câu hỏi "Hoa Hậu là gì? thì chưa có một tổ chức thi Hoa Hậu nào đưa
ra một định nghĩa thích đáng và có cơ sở tu từ (rhetoric).
"Hoa hậu" là
gì?
Hàng chục
năm nay, hai tiếng hoa hậu đã quá quen thuộc với công chúng, nhưng
mấy ai để ý đến ý nghĩa thực của nó? Từng có định nghĩa rằng: Hoa hậu là từ
ghép của hai từ đơn "Hoa" và "Hậu". Trong đó,
"Hoa" chỉ nhan sắc bởi người phụ nữ thường được ví von đẹp như hoa
hay hoa nhường nguyệt thẹn là từ mà Nguyễn Du miêu tả về Thúy Kiều. Còn từ
"Hậu" được lấy trong từ Hoàng hậu - người phụ nữ được coi là quyền
lực nhất, là mẫu nghi thiên hạ. Vậy khi ghép hai từ này với nhau, có thể hiểu
Hoa hậu là muốn hướng đến một người phụ nữ đẹp cả sắc vóc lẫn tâm hồn, đồng
thời phải có một kiến thức nhất định về văn hóa, xã hội...(Báo Dân Trí -VNCS)
Hậu: vợ vua Danh từ [sửa] hoa
hậu. Người đoạt giải nhất cuộc thi nhan sắc. Tham khảo [sửa]
"hoa hậu", Hồ Ngọc Đức, Dự án Từ điển tiếng Việt miễn
phí
Mỗi ngôn
ngữ có thuật ngữ riêng dành cho người đẹp nhất của cuộc thi, ở VN là
hoa hậu hoặc hoa khôi. Hoa hậu (花后) là nữ hoàng trong các
loại hoa, còn dùng để chỉ cô gái đẹp nhất. Ở miền Nam VN, cuộc thi hoa
hậu đầu tiên được tổ chức vào ngày 20.2.1955, người ... Author: Vương
Trung Hiếu
Bách Khoa
Từ Điển The TORMONT WEBSTER"S ILLUSTRATED ENCYCLOPEDIC DICTIONARY
(Edition, Canada,1987).
Miss
(viết hoa): 1/ A tittle or Form of address used when speaking to or of an
unmarried woman or girl, used before her name. 2/ A tittle used in speaking to
a woman, especially a young woman. used without her name. "I beg your
pardon, Miss>". 3/ An unmarried woman or girl.4/ Miss: a tittle given
to a young woman representing a town, a country, an institution or the like at
certain events, especially Beauty Contests: Miss U.S.A; Miss Vietnam... (sđd
trang 1086)
Miss:1/
là một danh xưng hay một hỉnh thức để xưng hô thường dùng khi nói với hoặc nói
về một phụ nữ độc thân hoặc một cô gái, dùng trước tên của họ. 2/ Một danh xưng
dùng khi nói với một phụ nữ độc thân, đặc biệt là một phụ nữ trẻ, dùng không có
tên của người đó. Chẳng hạn "Tôi xin lỗi, Cô nương". 3/ Miss: chỉ một
phụ nữ chưa lập gia đình hoặc cô gái. 4/ Miss: là danh hiệu tặng cho một người
đàn bà trẻ đẹp đại diện cho một thành phố, một quốc gia hoặc một cơ sở, một thể
chế hoặc một người giống như vậy tại một số Sự kiện tập thể, đặc biệt là Cuộc
Thi Sắc Đẹp: như Miss USA, Miss Vietnam...
Chữ
"HẬU" trong từ Hán-Việt có nhiều nghĩa, thông thường nhất: 1/ Hậu:sau
đối với Tiền là trước [Sách Tam Thiên Tự];2/ Hậu: dày đối Bạc: mỏng vd: Phúc
hậu: phúc dày / Bạc phúc:ít phước. Hậu: tốt hơn, trân trọng hơn như "Hậu
đãi": được coi trọng hơn, đối xử tôn quý hơn ngược với "Bạc
đãi": coi khinh, đối xử tệ hại. 3/ Hậu là các nước chư hầu: thời xưa, Vua
gọi các chư hầu là "Quần hậu":các nước chung quanh. 4/ Hậu: vợ vua,
người giúp vua có đời sau tiếp nối. Vua gọi vợ là "ái hậu"[không có
chữ hoàng] tương tự với danh xưng trong triều đình, Hậu Thổ là Thần Đất như
"Hoàng Thiên, Hậu Thổ": Vua Trời, Thần Đất.
Do đó, có
thể nói HOA HẬU là Vua Hoa. Loài Hoa vượt trội hơn tất cả các Hoa khác trong
trăm hoa, không nói đến cuộc thi. HOA được xem như biểu tượng của Vẻ Đẹp, nên
người Anh quốc gọi là Beauty Queen, người Pháp gọi là Reine de Bauté: là một
người đàn bà hoặc thiếu nữ đẹp lộng lẫy và duyên dáng, đặc biệt là người chiến
thắng trong một cuộc thi sắc đẹp được tôn vinh như Nữ Hoàng (as Queen - Reine).
Về
lịch sử, cuộc thi Nhan Sắc đầu tiên xẩy ra năm 1839 tại Cuộc Đấu Eglinton
(Elington Tournament) và Nữ Công Tước của Somerset, Georgiana Seymour đã được
tấn phong Vương miện "Queen of Beauty"Nữ Hoàng Sắc Đẹp.
Các
Lễ Hội Âu Châu (European Festivals) kể từ thời Trung cổ hầu hết đều dành cho
cuộc diễn hành nhan sắc. Chẳng hạn, các cuộc lễ hội English May Day (Quốc Tế
Lao Động) luôn luôn có sự tuyển lựa một May Queen. Tại Mỹ ngày truyền thống May
Day cũng tuyển chọn một phụ nữ làm biểu tượng cho sắc đẹp và các lý tưởng của
cộng đồng tiếp tục khi những người phụ nữ trẻ, đẹp tham gia vào các cuộc biểu
dương công cộng.
Ngày
trước, một cuộc Diễn Hành Nhan Sắc (Beauty Pageant) là một cuộc thi truyền
thống có mục đích đánh giá và xếp hạng các đặc điểm thể hình của các thí sinh.
Ngày nay, các cuộc thi còn hướng đến Vẻ Đẹp Tâm Hồn (inner Beauty) với các phạm
trù (criteria) bao gồm nhân cách, trí thông minh, tài năng, tính nết và các
công tác thiện nguyện nhân ái... qua các cuộc phỏng vấn với các giám khảo và
các câu trả lời cho công chúng trên sân khấu.
HOA
KHÔI
Trong
ngôn ngữ Việt Nam còn có danh từ "HOA KHÔI". Một số người xem Hoa Hậu
và Hoa Khôi có phần giống nhau có lẽ do họ không hiểu rõ KHÔI là gì, thế nào
gọi là KHÔI. Theo Hán - Việt từ điển, KHÔI có tới 6 nghĩa khác nhau.
1/
Khôi: to lớn, vạm vỡ (khôi ngô), quái lạ (kỳ khôi); 2/ Khôi: lấy lại được cái
đã mất (khôi phục);3/ Khôi: cái mũ trụ của quân lính xưa để chống tên đạn; 4/
Khôi: đùa bỡn, pha trò (khôi hài); 5/ Khôi: người đầu sỏ một tổ chức. đầu đảng;
Khôi là người đỗ đầu bảng, đầu khoa - Khôi Nguyên. Xưa, mở khoa thi cho các học
trò năm Kinh, mỗi Kinh lọc lấy một người đứng đầu gọi là "Khôi" hoặc
Kinh Khôi tức Ngũ Khôi. Đỗ Trạng Nguyên gọi là Đại Khôi. 6/ Khôi: Sao Khôi. Bắc
Đẩu tinh từ 01 đến 4 lả Khôi tinh, thường gọi là Sao Khuê, chủ trì Văn Học nên
những người học văn thờ sao này.
Hoa
Khôi chỉ người con gái hoặc đàn bà có vẻ đẹp, có nhan sắc vượt trội được tôn
vinh trong một tập thể, một khu vực, một trường học, một tổ chức cộng đồng. Tự
nhiên được tôn vinh Hoa Khôi, không có thi đấu, tranh đua. Đây là chỗ khác với
Hoa Hậu, phải thi đua, cạnh tranh.
HOA ÐẠO
Khác với Tây Phương,
thú chơi hoa của Á Ðông tương đối nhẹ nhàng, nhưng nhiều lúc vẫn có thể hoài
nghi về tình yêu đối với Hoa và lòng ích kỷ của con người. Chẳng hạn, con người
chế tạo những cái chậu sành, sứ đắt giá để trồng hoa làm cảnh trang trí nhà
cửa, lâu đài, dinh thự. Có phải là vì Hoa mà làm thế không? Yêu Hoa, tại sao
lại bắt Hoa rời bỏ quê hương thiên nhiên đến ở một nơi xa lạ ngột ngạt và giả
tạo? Sự hoài nghi này vẫn mãi tồn tại, mặc dù người ta thấy những công lao của
người trồng Hoa, nuôi Hoa.
Người chơi hoa, trồng
hoa, thường phải lo âu về thời tiết, mưa nắng, bão tố cho hoa. Người ta xao
xuyến, nao nức khi thấy mầm hoa nhú ra, vui mừng khi thấy nụ hoặc lá xanh...
Nhất là đối với loài hoa Quỳnh, đã lo vun quén, lại nặng lòng đợi chờ hoa nở...
Chơi hoa là một nghệ
thuật tinh vi và tế nhị.
Tình yêu hoa đã được
bày tỏ qua bao nhiêu thơ phú, văn chương. Từ đời nhà Tống, nhà Ðường người ta
đã tạo ra những đồ gốm quý giá để đựng hoa. Các nước Hy Lạp, La Mã từ ngàn xưa
cũng đã có những bình đựng hoa tuyệt đẹp và vô cùng sang trọng.
Sách Trung Hoa chép
là có thời hoa được ở trong những cung điện bằng bảo ngọc không phải là bình
hay chậu. Mỗi cây hoa có một người chăm sóc, lau từng chiếc lá bằng bàn chải
lông thỏ, tiả từng nhánh, và bắt sâu... Sách ghi rằng: hoa “Mẫu đơn” phải có
một mỹ nữ mặc lễ phục tắm tưới cho, còn Hàn Mai thì phải có một vị tăng xanh xao
gầy gò tưới cho mới được...
Huyền Tôn Hoàng Ðế
nhà Ðường đã treo những cái chuông bằng vàng nhỏ li-ti trên cành cây trong Ngự
Uyển để đuổi chim cho hoa. Vào mùa xuân, vua thường đem nhạc công đến dạo những
khúc êm ái để làm vui lòng hoa!
Trong lịch sử Trung
Hoa, Ðào Uyên Minh (Taoyuen Ming) và Lâm Hòa Tĩnh (Linwosing) là hai “người yêu
lý tưởng” của hoa. Uyên Minh và Hòa Tĩnh cực lực chống việc hái hoa và ngắt
hoa. Theo hai ông, người yêu hoa một cách đích thực thì phải đến tận quê hương
của Hoa để thăm Hoa! Không bắt Hoa đến với mình, không lưu đày hoa! Ðào Uyên
Minh thường ngồi trước giậu tre, nói chuyện với Dã Cúc và Lâm Hòa Tĩnh thì
thường bị lạc đường khi đi qua rừng mai ở Tây Hồ... giữa những xóm làng kỳ
ảo...
Người Việt Nam tuy
sống trong một xã hội nông nghiệp, gần gũi với thiên nhiên, nhưng cũng có cái
thú chơi hoa, sưu tầm những chồi lan trong các khu rừng Trường Sơn, cao nguyên
Lang Biang (Ðà Lạt). Lối chơi hoa, sưu tập các loại Lan của người Việt có tính
cách nghệ thuật và thưởng ngoạn nhiều hơn là sùng bái. Người ta thích hoa, chơi
hoa vì hoa trang điểm cho cuộc sống và trong một chừng mực nào đó, hoa đã đem
lại niềm an vui cho con người. Hoa làm cho những nơi u tối bớt vẻ hoang vắng...
Ngay cả giữa sa mạc nắng cháy, khô se, hoa cũng có mặt với nhiều màu sắc lộng
lẫy (hoa xương rồng).
Phải chăng, con người
muốn làm cho thế gian được cao quí hơn, cho con người giảm bớt dục vọng và sân
si nên đã đòi hỏi hoa tham dự vào cuộc sống của mình bằng vẻ đẹp thầm lặng của
Hoa. Trong ý hướng thiện mỹ đó, con người đã có những hành vi tác hại đối với
hoa: Hái hoa, cắt hoa, đem hoa tặng nhau để bày tỏ thiện cảm, tỏ tình yêu, nỗi
nhớ, tỏ lòng hâm mộ, tán tỉnh...
Về mặt công bình
trong vũ trụ và chúng sinh... dù sao, con người vẫn có tội xâm phạm sự sống của
Hoa. Nhiều triết nhân Ðông Phương và đặc biệt là các Trà Nhân, các Hoa Tượng
cho rằng: con người phải chuộc lại nghiệp ác gây ra cho hoa bằng sự thanh tịnh
và đơn sơ trong sự “sùng kính hoa”, xem Hoa như là cứu cánh, chứ không phải là
phương tiện để thỏa mãn tham vọng ngông cuồng và khoe khoang của cá nhân. Chính
quan niệm này đã đưa đến “Hoa Ðạo”
Trong tinh thần Tôn
thờ Hoa, Hoàng Hậu Komio, vợ của một trong những Vua Nara uy nghi, tôn quí nhất
của Nhật Bản, đã hát rằng: “Nếu ta hái hoa, bàn tay ta sẽ làm Hoa ô uế. Hoa ơi!
Hoa cứ đứng như vậy giữa nội cỏ, ta dâng Hoa cúng dường Ðức Phật quá khứ, Ðức
Phật hiện thế và Ðức Phật vị lai”
Một truyền thuyết về
sự tôn thờ Hoa, kể rằng: Trong một tu viện ở Nhật Bản, -Tu Ma Tự - còn lưu lại
một tấm bảng khắc một cáo thị như sau: “Người nào chỉ ngắt một cành của cây này
mà thôi, thì sẽ vì thế mà bị tịch thu một ngón tay.” Ðây là một cáo thị nhằm
bảo vệ môt cây hoa Mai kỳ diệu trong vườn. Nghiêm lệnh này được gán cho
Yoshitsuné, một nhân vật trong truyện cổ tích Nhật.
Okakura Kakuzo đã
viết: “Ai đã hiểu biết tác phong của các trà tượng và hoa tượng chúng tôi, chắc
hẳn cũng nhận thấy lòng sùng kính của họ đối với Hoa thiêng liêng như một tôn
giáo. Họ không hái hoa bừa bãi, mà thận trọng chọn từng cành, từng đóa, trong
tâm trí luôn nghĩ tới cái thế, cái hình tượng mà họ sẽ phối hợp cho có ý nghĩa,
cho mỹ thuật. Nếu lỡ hái quá số cần thiết, họ sẽ tự cảm thấy hổ thẹn.”
Hoa Ðạo khi cắm hoa
thường kết hợp thêm cành và lá khác để tạo nên sự hài hòa. Hoa được cắm theo ý
nghĩa và đề tài rồi đặt lên nơi danh dự nhất.
Tại Nhật nơi danh dự
nhất trong phòng gọi là “tokonoma” (sàng gian), không có một vật gì khác được
bày gần hoa, kể cả một họa phẩm, trừ phi có sự hài hòa. Hoa lên ngôi báu. Trà
Tượng và Hoa Tượng khi bước vào gian phòng, sẽ cúi đầu chào hoa, trước khi chào
chủ nhân!
Khi hoa tàn, người ta
ân cần đem hoa ủy thác cho một giòng sông trong đẹp, hoặc đem chôn... có nơi
xây cả đài kỷ niệm!(?)
Theo sách “Trà Ðạo”
thì Hoa Ðạo và Nghệ thuật cắm hoa đã có đồng thời với Trà Ðạo tại Nhật Bản vào
thế kỷ thứ 15.
Truyền thuyết Nhật
Bản kể rằng các vị Phật đầu tiên đã khai sinh ra lối cắm hoa, khi các Ngài góp
nhặt những cành hoa trong cơn bão tố, ân cần đặt vào những bình nước với lòng
từ bi cứu độ...
GIÁO CHỦ HOA ÐẠO
Tín đồ đầu tiên của Hoa
Ðạo là Soami, có đệ tử là Juko, một trà tượng. Giòng họ nổi tiếng trong Hoa Ðạo
là Ikénobo và trong Hội họa là Kano. (Từ đó Ikébana: Nghệ thuật cắm hoa).
Ðến hậu bán thế kỷ
thứ 16, Trà Thang và Thuật Cắm Hoa đã trở nên phổ cập và đạt đến trình độ cao.
Trong Trà Thất không dùng hoa sặc sỡ, chỉ có hoa màu sắc êm dịu, đơn sơ... và
thường chỉ có một cành nhỏ.
Vào thế kỷ 17,
Trà Ðạo và Hoa Ðạo tách ra, độc lập với nhau. Rồi Hoa Ðạo hình thành nhiều
trường phái.
1.- Trường phái Hình
Thức (The Formalistic) theo cách cổ điển, chủ trương là Ikenobo.
2.- Trường phái Tự
Nhiên (Naturalesque) mô tả hình dáng thiên nhiên, lấy tự nhiên làm kiểu mẫu.
(Từ sự phân hóa này đã hình thành hai trường phái hội họa ở Nhật: Phù Thế hội
(Ukiyoe) và Tứ Ðiều phái (Shiyo). với rất nhiều bức họa mô tả, ghi chép lại các
loài hoa cỏ (như của Sansetsu và Tsunenobu).
NGUYÊN LÝ CẮM HOA
Nghệ thuật cắm hoa
của Nhật Bản đã đưa ra một số nguyên lý chỉ đạo bao hàm những ý nghĩa nhất
định. Nguyên lý chỉ đạo đó là Tam Tài: THIÊN
- ÐỊA - NHÂN.
THIÊN là nguyên lý
chính,
ÐỊA là nguyên lý tùy
thuộc,
NHÂN là nguyên lý
điều hợp.
Mọi lối cắm hoa đều
phải theo đúng nguyên lý mới có ý nghĩa và giá trị. Thế nhưng, trong thực tế,
rất ít người làm đúng. Vì nguyên lý cắm hoa này bắt nguồn từ một triết lý Ðông
Phương bao hàm Trời, Người và Ðất theo tiến trình “tham thiên địa, tán, hóa
dục”, nghĩa là con người ở giữa trời và đất phải cùng trời đất dự vào việc phân
phối, chuyển hóa và nuôi dưỡng.
Hoa phải cắm theo một
bố cục để thể hiện ba lối hiện thân của Hoa: 1- Hiện thân Chân chính với cách
thế trang trọng, bộ vị của vẻ Ðẹp; 2.- Hiện thân trang nhã gọi là
"Hành", bộ vị để giao tiếp; 3- Hiện thân đơn sơ mà duyên dáng với bộ
vị riêng tư thân mật (Hoa khuê phòng) gọi là “Thảo”.
Lối cắm hoa của Hoa
tượng phức tạp và khó thực hiện vì nó đòi hỏi suy tư và phải tuân theo một số
quy ước nào đó để dùng hình thức, bố cục của hoa, lá mà diễn đạt ý tưởng trong
đầu hoa nhân (người cắm hoa)
Trà nhân cắm hoa theo
quan niệm hòa hiệp tâm ý và đời sống. Trà nhân cho rằng nhiệm vụ của mình chỉ
là chọn hoa, hái và đặt vào bình hoa. Hoa sẽ tự nó “giải bày thân thế và tâm
sự”. Chẳng hạn, vào một Trà thất vào một ngày cuối đông, trên sàng gian trưng
bày một cành đào nhỏ bé mảnh mai, kết hợp với một nụ sơn trà. Hình ảnh tương
phản của cuộc giao mùa Ðông tận, Xuân sinh.
Hoa
“độc diễn” đã đẹp, nhưng nếu Hoa cùng với Họa (tranh vẽ) hay Ðiêu khắc thì sự
thưởng ngoạn chắc sẽ tuyệt hơn, thú vị hơn./-
NGUYỄN-CHÂU
No comments:
Post a Comment