Friday, October 1, 2021
tiếng hát Ngọc Lành / người Động Đền Sơn Mỹ Hàm Tân
***
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan (nhạc Phạm Duy/ thơ Phạm thiên Thu)
TUỔI GIÀ lãng đãng trôi về như đám mây trời bềnh bồng vô định chúng ta chẳng biết đâu là điểm dừng? Mây trôi như cuộc đời người cho đến lúc nào đó thì đám mây không còn nữa nó sẽ hòa lẫn vào hư không.
Bạn hãy dành giây phút đừng bon chen lo lắng nữa ngồi một mình ngắm mây trôi. Lúc này tâm trí ta chắc sẽ nhớ về một không gian nào đó lúc xuân xanh. Ngày đó có những vườn xưa đơm hoa kết trái, thi nhau vươn lên như những ước vọng của tuổi trẻ tràn đầy hi vọng hướng đến tương lai.
Giờ chẳng còn chi họa chăng còn lại chút nào thời gian eo hẹp cho chúng ta cùng hoài niệm.
Có đâu một Động hoa Vàng cho những lớp tuổi già lụ khụ, họa chăng trong mơ tưởng đó thôi...
***
***
LỐI CŨ, VƯỜN XƯA
ĐỘNG ĐỀN HÀM TÂN THÁNG 1/2017
Hai vợ chồng tôi về thăm Việt Nam một tháng thì riêng tôi mất hết 4 tuần bệnh hoạn. Những lúc khoẻ người tôi hay ngồi dưới mái nhà xưa mà ba tôi thời sinh tiền từng ở. Cảnh vật đổi thay, gốc cây nhành lá cũng thay đổi. Gốc phượng già mà ba tôi gầy dựng cũng không còn. Gốc đào vườn cũ chỉ còn một hai gốc già cỗi bật gốc chuẩn bị làm củi tới nơi?
Mấy cây dừa vườn vườn cũ nay cũng lần lượt 'đội nón' ra đi do sâu bệnh?
Hầu hết những cây trồng trước đây đều biến mất!
Cái giếng cũ di tích của vườn cũ còn lại. Ngày xưa vợ tôi từ trên dốc đi dạy về thấy nó, tôi và đứa em trai liền hộc tốc lên dốc gánh về. Cả nhà nhờ vào cái giếng này để rửa ráy. Nước uống thì gánh xóm trên. Xóm tôi ở có thể không bao giờ quên ơn cái giếng nhà dì Rợ. Nhà dì Rợ sát chân dốc Tân Sơn nên mạch nước uống vừa trong vừa sạch.
Giờ xóm thôn đã có nước máy. Những người gánh nước thuê nay đà mất việc. Cái việc gánh nước uống cho bà con trong xóm cũng kiếm đôi ba lon gạo trong ngày...
Tôi ngồi đây, dưới mái nhà cũ nay đà xiêu nát dành làm căn nhà bếp núc. Một mình độc ẩm ly cà phê nhìn vị trí gốc phượng vĩ năm xưa.Năm đó ba tôi ra đi thì cây phượng này chuẩn bị ra hoa.
Nay chỉ là những gợn đất cát nho nhỏ dấu vết của rễ cây bị bới lên làm củi. Tất cả thứ cây tại vùng này đều không có tuổi thọ do nạn sâu rầy. Những lá cây bạch đàn, rừng bạch đàn là mồi ngon phát triển cho chúng rồi hậu quả cho nông nghiệp là cây cối bị thối rễ do con sùng?
Tôi chỉ biết để dòng tư tưởng miên man về quá khứ: một vườn xưa đầy ắp kỷ niệm, giờ chẳng còn chi ngoài những gốc đào cuối cùng năm xưa khi chúng tôi ra đi nó vừa lên vài ba lá. '
Nay chỉ còn là gốc bật ngã nghiêng?
Quá khứ mù sương như núi đồi trùng điệp. Thời gian trôi xa về phía đó, bao ngõ cũ xa vời mịt mờ kỷ niệm, nên mỗi khi về tôi ngồi nhớ lại hình ảnh xa xưa, bao người năm cũ...
Một mai khi quá khứ sẽ vùi lấp nhiều thứ do lớp lớp thời gian chồng chất lên nhau. Từng thế hệ nối tiếp qua đi, biết ai kể lại chuyện xưa khi dấu vết chẳng còn? Có nỗi buồn sâu lắng len lén dâng lên trong hồn tôi khi nghĩ về điều này. Một mình tôi cảm nhận được nó do hôm nay tôi còn về đây, vẫn ngồi trước hiên xưa. Tôi thư thả nhắp từng ngụm trà, cốt để cho dòng suy tưởng cùng nhiều hình ảnh miên man trong đầu.
Thời gian! tổng hợp của đổi thay, là định luật cuộc đời. Biết thế, nhưng khi ngồi một mình dưới mái nhà năm cũ, tôi cảm thấy hình bóng người xưa nay về lại bên tôi, một khoảng nhớ nhung nào đó sâu thẳm trong lòng.
đường xưa lối cũ
đường xưa lối cũ
TIẾNG SÓNG BIỂN
Thôn xóm đổi thay cũng như hàng ngàn, vạn nơi khác. Tất cả đều 'cởi bỏ lớp áo cũ' bạc màu phong sương để thay vào làn vải mới, màu mè, se sua lạ lẫm.
Còn may có những thứ còn sót lại trong nhiều đổi thay đó. Về xóm nhà ba mẹ tôi, Cây Sanh (Xanh) trong xóm tôi vẫn còn. Hơn hai mươi năm xa vắng, nay cây sanh ra dáng cổ thụ xứng đáng có một miếu mạo to lớn dưới mấy tàng cây xanh ngắt. Nhưng người xóm cũ nay mỗi lúc mỗi vắng, các bậc trưởng thượng lần lượt "quy tiên". Rồi hình ảnh "hương tàn bàn lạnh" dưới gốc quả thật làm lòng tôi se lại. Mấy lứa thanh niên hồi đó, nhỏ hơn tôi nay đã quá tứ tuần, ngũ thập, làm ông bà nội ngoại cả rồi! Tôi rất có ý muốn khuyên các em này hãy thành lập làm sao có một "ban trị sự việc xóm việc làng" cùng sự đóng góp nhang khói của trong xóm, duy trì cho được "XUÂN THU NHỊ KỲ" , cốt giữ cho được cái vẻ tôn nghiêm dưới cây sanh kỷ niệm, sau là níu kéo cho được "giềng mối xóm làng" -sợi dây thân tình càng lâu chừng nào càng quý chừng đó?
Vợ chồng tôi đã ra thăm lại biển. Biển Cam Bình nay đã khác nhiều. Nhiều resort thi nhau mọc lên. Chủ nhân không biết họ từ đâu tới? Thỉnh thoảng trên web người ta có giới thiệu vài lần. Nhưng lần tôi về này, nhìn chung cách làm ăn ở bãi biển này xem chừng ế ẩm, có thể do khách hàng thi nhau tìm nơi mới lạ khác chăng? Thời buổi mọi nơi đều thi nhau làm nhà nghĩ bãi tắm, du lịch- chỉ một đoạn ngắn từ đây lên Bình Châu đã có quá nhiều resort như vậy thì "cung nhiều hơn cầu" làm gì không ế ẩm? Ngư dân nay ít dần, người ta đi làm nghề khác do bãi biển dành cho du lịch hay họ chẳng có khả năng sắm ra thuyền máy ra xa. Nhìn bao quát , người tắm biển nay đông hơn người kéo lưới.
Những hàng phi lao ken dày che chở cho nhiều dảy quán mua bán sát bờ. Bình Châu xa xa. Nơi đó không còn như xưa, không là một vùng hoang sơ mà thay vào đó là những bãi tắm và du lịch hạng sang.
Nhắc hai chữ Bình Châu đó là kỷ niệm nhọc nhằn mấy mươi năm trước hiện về. Đó là hình ảnh những toán gánh thuê trong đó có tôi gánh hàng cho con buôn men theo bờ cát trong ánh sáng mờ mờ của sao đêm vượt qua nhiều con lạch ngầm để tới được đó. Nơi đó mới có xe đò chở hàng vào tới trong kia. Còn chúng tôi sau khi nhận vài chục đồng bạc lại men theo bờ biển về lại thôn trang thì trời sáng bạch.
Hôm nay về đây, tôi nhìn chiếc xe bò trang hoàng 'hoa lá cành' để mời khách du lịch đi chơi trên bãi biền này... chỉ ít tiền thôi nhưng tôi thì chẳng muốn làm 'trò này'? Mấy con bò một thời nhọc nhằn kéo gỗ trong rừng, phì phò bọt mép!? Thân phận người chẳng hơn gì: mẻ rìu, bong tay, đôi vai sưng lên do vác gỗ- do đó tôi còn mong chi cái thói 'áo gấm về làng'?
Hình như tôi có cảm giác biển ngày nay có những gì khang khác- lạc loài và mất mát. Xa xa nhấp nhô theo sóng, chỉ một vài con thuyền nhỏ đang bập bềnh, không có gì là đánh cá rầm rộ cả. Có thể mấy con thuyền đó chẳng ra khơi do chẳng là thuyền máy. Thuyền và thúng vẫn y như cũ, có thể ngư dân nay cũng ít dần? Người tắm biển, chẳng ai cần đợi chúng những chiếc thuyền cá mộc mạc, đơn sơ.
Hình như tôi có cảm giác biển ngày nay có những gì khang khác- lạc loài và mất mát. Xa xa nhấp nhô theo sóng, chỉ một vài con thuyền nhỏ đang bập bềnh, không có gì là đánh cá rầm rộ cả. Có thể mấy con thuyền đó chẳng ra khơi do chẳng là thuyền máy. Thuyền và thúng vẫn y như cũ, có thể ngư dân nay cũng ít dần? Người tắm biển, chẳng ai cần đợi chúng những chiếc thuyền cá mộc mạc, đơn sơ.
No comments:
Post a Comment