Thursday, August 11, 2022

THƯƠNG CÂY ĐÒN GÁNH CỦA MẠ TÔI



Đồng cảm và cám ơn một bài thơ

*
CÂY ĐÒN GÁNH

Lưng cây đòn gánh mòn trơn
Lời tre khô nhắc công ơn mẹ già
Chợ chiều chợ sớm bôn ba
Hái gieo tất bật đồng xa đồng gần
Bán than mua muối tảo tần
Bao lần xuống biển bao lần lên non
Da xương bào cật tre mòn
Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo
Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo
Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi - về...
Gánh bình minh lội bến quê
Gánh hoàng hôn dọc chân đê bước dồn
Gánh trăng khuya giếng đầu thôn
Gánh than lửa chạy qua cồn cát trưa...
Một đời gánh nắng và mưa
Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng
Một đời gióng đứt đòn cong
Vì ai vai lệch lưng còng? Mẹ ơi!

tác giả: NGUYỄN VÂN THIÊN
(12C 73-74)


*




Động Đền Hàm Tân 1980

Mạ thích cái đòn gánh này lắm vì nó dẻo dai, không tước gãy như những loại gỗ thuờng khác. Nhờ vào những năm "trong trại" con biết chiếc nó được làm từ cây "săng dẻo", loại cây rừng chuyên dùng làm đòn gánh.

Con không biết mạ gánh nó bao lâu? Con về nhà thì đã thấy nó rồi. Ngày hai buổi chợ, mạ còn gánh bao thứ lên rẫy. Mạ chỉ ưa một mình chiếc đòn gánh này thôi. Hình ảnh nó cong cong theo tháng ngày tần tảo của mạ. Sắc gỗ càng lâu càng xám đen, bóng loáng làm sao. Những năm sau này, con còn vót nhọn hai đầu làm đòn xóc đi gánh tranh về lợp lại mái nhà tranh che chở cho gia đình.

Lòng con nao nao khi hình dung lại hình ảnh cái đòn gánh từng hằn sâu trên vai mạ. Bao khổ nhọc, lao lung, thời gian nhà mình thiếu thốn mọi bề.

Rồi con được ra tù về sum họp với gia đình. Những lần gánh khoai theo chân mạ, con khám phá ra sau cổ mẹ nổi lên một khối u. Chính nó là chứng tích bao lần mạ trở vai, lúc cái đòn gánh vẫn còn hằn nặng trên vai. Chiếc đòn gánh 'trung thành' với mạ theo tháng ngày cơ khổ ở xứ Động đền của lưu dân Quảng trị. Chiếc đòn gánh như 'đồng cảm" cùng đi tìm miếng cơm manh áo cho cả nhà mình. Thân mạ lặn lội chẳng quản nắng mưa, đau yếu.

Từng buổi khuya ba bốn giờ sáng, nhớ làm răng những lúc con lẳng lặng gánh mấy thúng khoai chạy theo mạ trong lòng con lại có những nỗi buồn riêng, dâng lên niềm đau xót. Cái thời chẳng còn chi ngoài cái rẫy bạc màu mà quá bon chen kiếm cho ra vài ba mét đất. Mạ phải sinh tồn với cái chợ nhà quê, vẹo xiêu trong miền gió cát. Mạ thỉnh thoảng lại đổi vai ; cái đòn gánh chắc lại có dịp chà xát, nghiến qua khôi u sau cổ mạ, cái khối u ban ngày con từng nhìn thấy. Những cây số đường trường, mập mờ ánh sao khuya. Chợ Lagi còn xa, nhưng hai mạ con không quá cô đơn do bà con trong thôn cũng có người gánh hàng ra phố thị.

Qua khỏi cái nghĩa địa hai mạ con mới có dịp nghỉ chân. Trời cũng vừa tờ mờ sáng, mạ và con lại tiếp tục gánh đi. Hình ảnh những đồng bạc kiếm ra khi về đến chợ sáng nay, làm hai mạ con ta càng thêm sức mạnh, quên luôn cái cảm giác mõi đau. Con vẫn mong gánh hoài sau mạ. Những thúng khoai nặng nề để phần con. Con chấp nhận và từng để ngoài tai những lời to nhỏ rằng "thiếu úy 'khoai lang", đời lên voi xuống chó là chuyện thường tình; nhưng con còn may mắn lúc về nhà còn có mạ ba và cả gia đình.
Phố Lagi còn yên giấc ngủ. Tiếng đôi dép mòn của mạ giờ mới có dịp khua trên mặt nhựa đường. Âm thanh "lẹp xẹp" kia lần qua từng khung cửa sắt, từng cái cổng kín mít để vào trung tâm chợ. Âm vang tiếng dép của mạ như dội vào lòng con như những 'tiếng đời' nghe sao buồn quá. Con vẫn gánh sau mạ như để "hộ vệ" khi có chuyện gì. Đòn gánh mạ vẫn vẫy nhịp đều. Tiếng đôi dép nhựa lại khua vang đều hơn. Có thể mạ càng thêm sức mạnh và mừng vui hơn khi có đứa con trai, tù về, đang gánh những thúng khoai nặng trĩu, chạy đều sau lưng.

Nhưng mạ đâu biết rằng, những lúc này đây con lại càng muốn gánh chạy sau mạ; do con muốn dấu đi mấy giọt nước mắt đang rơi./.

Edit lại nhân mùa Vu Lan 2022
ĐHL
Kỷ Niệm Hàm Tân Bình Tuy 1982

ghi chú
(*) bài thơ này được NH Nguyễn đặng Mừng gửi qua, in thêm sau
(**): tên loại gỗ này là cây "săng dẻo", đặc biệt nó dẻo và không bị nứt toạc khi trời khô nóng

No comments:

Post a Comment