CHÀO BẠN ĐỌC
Đây là tổng hợp 2 bài viết Cháo Bột Đồng Cu Hoan và Mỹ Thủy Miền Biển Vắng dược tác giả kết hợp lại thành MỘT cho tiện bề theo dõi
Saturday, April 2, 2016
NHỚ ĐỒNG CU HOAN NHỚ NỒI CHÁO BỘT
Những mùa hè 1964 và 1965 tôi có dịp vào Hải Lăng do ba tôi làm việc trong này.
Đó là thời gian hè tôi học lớp nhì và lớp nhất cuối cấp Tiểu Học. Tuy còn nhỏ nhưng tôi không quên được hình ảnh cái Chi của ba tôi đóng ở khúc cua gần ngã ba lên hướng núi (xã Hải Lâm , Hải Quế).
Đó là một mái đình rộng lớn nào đó xây lại chứ không phải một căn nhà xây theo kiểu ngày nay. Ngày nào mà tôi chẳng vào phòng của ba tôi. Tôi nhớ nhất là tấm bản đồ to lớn đặt trong phòng ba tôi. Tấm bản đồ có tên mấy chục xã. Hải Lăng có đến hai muơi mấy xã; xã nào cũng có chữ "HẢI" đằng trước...
Quận nằm trên chóp đồi chỉ cách Chi ba tôi vài hàng rào kẽm gai. Năm này Đại Uý Điềm làm Quận Trưởng. Quận có cái lầu ở giữa. Ngó xuống mạn phải là cái trũng đồi hoang vu chạy dài ra đến Cồn Dê trước khi gặp Cầu Nhồng. Tôi nhớ sông Nhùng có khi ba tôi đi ném cá lại đem về con cá tràu bông to đến nỗi khoanh tròn lại như cái lốp xe.
Tại sao tôi nhớ những lần vô Hải Lăng này là gần hè năm 1965?
Khi tôi đọc lại lịch sử Không Quân VNCH bay ra lần đầu tiên không tập Vĩnh Linh miền Bắc Vĩ Tuyến 17 vào tháng 2 tháng 3 năm 1965 tôi mới chắc chắn thời gian tôi vào thăm Chi CA Hải Lăng sát Quận là hè năm 1965. Tôi hay tập xe đạp theo cái ngã ba trước Chi đi lên hướng núi, nếu tôi không lầm là thôn Diên Trường thì phải? Qua cái bệnh xá mới xây, tôi không dám đạp xe lên xa hơn. Trảng cát hoang vắng ngó lên phía núi, tự nhiên tôi hay sợ. Tôi hình dung lại những đoàn phi cơ cánh quạt Skyraider bay ra hướng bắc nhưng bay rất thấp là là gần sát với mặt đất. Hàng chục chiếc A 1E Skyraider ầm ầm bay ra hướng thành phố QT. Đương nhiên sau này lớn lên tôi sẽ hiểu bay như vậy để tránh làn sóng radar của miền Bắc. Hàng chục chiếc phi cơ này cất cánh từ Đà Nẵng bay càng thấp thì càng giữ bí mật với radar cho đến Trung Lương tất cả mới bay vụt lên cao để thả bom miền Bắc .
Đó là chuyện chiến tranh trong quá khứ nhưng cũng nhờ đó tôi mới nhớ chắc chắn là năm 1965. Hình ảnh những chiếc phi cơ bay thấp đến nỗi thấy mũ phi công màu trắng...
Theo QL 1 về chợ Diên Sanh ,hình như đây là 'đường phố' duy nhất nằm trong khu vực xã Hải Thọ. Khúc đường 'phố thị' (tôi tự đặt) có nhà chủ xe ví dụ Thiện Thành có chiếc Renault chạy Huế QT, có Uỷ Ban Xã , có xóm phường ở san sát với nhau nên ấm áp và vui vẻ hơn.Tôi còn nhớ sát cái quán của mệ Thiện Thành có con đường kiệt vô xóm nhà O Hải. Nhà O Hải nấu cơm tháng cho chi CA Hải Lăng nên tôi có ghé thăm một hai lần nào đó.
Đến chợ Diên Sanh, con đường QL gặp ngày cái chi Thông tin, bẻ phải tiếp tục vô Huế và qua trái là vô chợ Diên Sanh về biển tức hay là thôn Mỹ Thuỷ. Chợ Diên Sanh không lớn nhưng gần biển Mỹ Thủy nên có cá tươi. Nói đến Mỹ Thuỷ tôi có về biển này một lần trong đời cái thời mà Mỹ Thuỷ rất chi là hiu quạnh và có ăn một vài con mực khô phơi tại biển này. Quà biển mới phơi nên mực rất ngọt.
Sau lưng chợ D Sanh là đồng Cu Hoan. Mùa nước, cánh đồng mênh mông hết tầm mắt người nhìn. Bờ tre phía bên tê bờ, chỉ còn một lằn đen mờ nhạt. Ai làng Cu Hoan hay nói chung là 'dân Diên Sanh" đều không bao giờ quên hình ảnh cánh đồng này. Người Diên Sanh ở hai bên Quốc Lộ 1: bên trái là đồng Cu Hoan chạy tít vô đến Cua Hà Lộc trước khi vào Mỹ chánh.
Nhớ về đồng Cu Hoan, người viết không có ý ghi lại hình ảnh đồng lúa chín vàng vào mùa gặt, mà chỉ nhớ một hình ảnh một cánh đồng bao la loang loáng nước. Một thời xe đò QT- Huế phải qua Diên Sanh xong men theo đồng Cu Hoan. Mùa đông lạnh mãi mưa dầm, những chiếc đò nho nhỏ giữa đồng, những cái tơi của người làm cá cùng mấy con sếu bơ vơ.
Tôi nhớ về Diên Sanh là nhớ những con cá tràu , nguồn đặc sản cho nồi cháo bánh canh hay còn gọi là 'cháo bột' mà ít nơi nào phong phú hơn. Bột gạo để nhồi bột làm bánh canh thì chuyện thường, nhưng nguồn cá tràu vô tận từ cánh đồng Cu Hoan khi um lên với ném Quảng Trị để tạo thành những tô cháo bánh canh thơm ngát mũi , ăn mãi không biết no.
Mà thật sự vậy, bột gạo nó không nặng bụng bằng bột lọc. Cháo bột Diên Sanh ta tha hồ thưởng thức.Vào Diên Sanh là người ta nhớ đến Cháo bánh canh (cháo bột, cháo vạc giường) cá tràu.Vào nam gọi cá tràu thành cá lóc. Những con cá tràu sinh sôi nảy nở giúp cho những thôn làng quanh đồng Cu Hoan vừa có miếng ăn vừa có nguồn lợi tức. Vào chợ Diên Sanh bên mớ cá biển từ Mỹ Thuỷ lên, không bao giờ thiếu những mớ cá tràu đen bóng, còn sống lúc nhúc.
Quán cháo bột bán trong nhà, người ta biết và tới ăn. Người này đồn tới tai người khác. Không ai đề bảng hay đề tên quán như thời sau này.
LÒNG SẢ |
Sau này, tức là gần 1972 quanh Chợ có vài quán nhậu mọc lên, cung ứng nhu cầu cho lính. Diên Sanh có thêm món "lòng sả" .
"Tiếng lành đồn xa", nếu 'lòng sả' Diên Sanh không có tiếng ngon sao từ thành phố Quảng Trị người ta hay rủ nhau "vào Diên Sanh ăn lòng sả"? Từ thành phố, dân 'ghiền ăn' phải 'rù Honda' non 10 cây số, tức là men theo QL cũ ,hướng qua Cấu Nhùng (còn kêu là Cầu Nhồng), chẳng xa xôi gì. Nói vậy để xác định món 'lòng sả' có từ trên thực đơn 'nhậu' từ trước 1972.
Cho đến sau 1972 người dân chạy loạn về lại trên đồi cát hoang vu, một thời người viết không dám đạp xe đạp qua. Đó là con đường từ Quân Cũ Hải Lăng đi ngược lên xa lộ Đại Hàn hay đoạn gần Cầu Dài sau này . Giai đoạn hồi cư, sau 1973 - thành phố QT "thứ Hai" đóng trên đồi cát trắng đó. Những dãy nhà hồi cư san sát nhau , trước mặt Tiểu Khu QT, trường học , bệnh xá v v
Vấn nạn sinh sống 'bế tắc' khi ngoài đồng luơng "Quân Công" ra thì chẳng ai biết làm sao mấy trảng cát tiếp liền với nhau ?Mỉa mai thay nơi đây gọi là "Khu Thị Tứ" của tỉnh QT hồi cư, hết 6 tháng trợ cấp "Khu thị Tứ' này khi ăn hết luơng thì còn thiếu cả tiền để mua than củi, nói gì đến gạo?
Chuyện này không liên quan gì đến cháo bột Diên Sanh cả, nên xin gác qua một bên
Tôi xin ngồi kể lại chuyện Hải Lăng hơn nửa thế kỷ, năm xửa năm xưa. Một thời QL 1 cũ vẫn còn. Tôi mường tượng một con đường nhựa nhỏ bé, đôc đạo từ thành phố Qt , chiếc xe chạy rầm rập qua cái cầu Nhồng ọp ẹp - rung rinh. Con đường vắng ngắt, xe âm thầm chạy qua mấy thôn làng thưa thớt, hai ba trảng cát bạc màu.
Xe vào Diên Sanh. Nơi đây có món cháo bột nấu với cá tràu. Gạo và cá đều từ Đồng Cu Hoan làm người Diên Sanh đi đâu cũng thuơng nhớ đậm đà về nó.
NHỚ MỸ THỦY- MỘT MIỀN BIỂN VẮNG
Đồng môn Nguyễn Hoàng 65-72 Trần Huy trên bờ biển Mỹ Thủy
Những ngày còn nhỏ, tôi được chú Huấn cho lên xe về Mỹ Thủy chơi. Chú là tài xế có thể nói là thâm niên cho chiếc Jeep xanh của Chi Công An Hải Lăng vào năm 1964. Cũng chiếc xe này, tôi hay theo ba tôi chạy vào Mỹ Chánh nhiều lần.
Nhưng ngày đó là lần đầu tiên tôi được theo cha về tận Mỹ Thủy. Con đường đất chạy một lát là qua Hội Yên, thêm khoảng mười cây số thì đến ngay Mỹ Thủy. Thật ra Mỹ Thủy chẳng xa Diên Sanh quá nhưng đối với tôi ngày đó quả là một chuyến "hành trình".
Một chuyến đi thời con nít như thế, quả thật trong trí nhớ tôi chỉ ẩn hiện chập chờn. Tới Mỹ Thủy, chúng tôi phải đi bộ qua những đụn cát và phi lao mới ra tới bờ biển. Những xóm nghèo chài lưới nằm lại phía sau. Ngoài xa vẫn biển và ngàn năm vẫn thế, vẫn đụn cát vàng muôn thuở, hoang sơ vắng lặng. Ấn tượng về sự vắng vẻ này đó là những gì in sâu vào tâm trí. Bờ biển vắng, không có sóng bạc đầu và gió chỉ thổi vi vu. Những hàng phi lao thưa thớt ẩn hiện, trong xa vài mái nhà tranh.
Mỹ Thủy, cái tên khá đẹp. Nhưng từ quá khứ đến hiện tại vẫn mãi là bãi biển đìu hiu. Ngày đó tôi chạy một mình lon ton trên bãi biển vắng người, vắng ngư dân đánh cá trở về. Tôi lạc lỏng giữa bãi cát vàng hiu quạnh.
Tôi còn nhớ khi vào lại thôn, o Vân người nữ y tá thôn, có biếu ba tôi một ít mực khô. Quà ở đây chỉ ngần ấy chẳng có gì lạ hơn. Tôi chỉ còn nhớ mấy con mực, chẳng còn nhớ ba tôi có đợi được thuyền về để mua cá tươi không. Ba tôi đi chuyến đó có công tác gì, bé con như tôi làm sao biết được.
Chuyện cái thôn nghèo có tên Mỹ Thủy cùng một bờ biển vắng ngày đó, bàng bạc chẳng có gì sâu đậm, lạ làm sao tôi vẫn chưa quên.
LẦN HAI TÔI NGHE NHẮC LẠI TIẾNG MỸ THỦY
Những ngày nhập ngũ và ra đơn vị, tôi lại đóng quân ở vùng biển quê hương gần Cửa Việt. Một ngày mùa hạ 1974 có chiếc tàu tiếp tế hải quân của miền bắc lạc vào đi quá hải giới Cửa Việt; tôi báo về đơn vị. Sự săn đuổi giữa TQLC khi chiếc tàu lạc đi đến Mỹ Thủy và quay mũi tàu trở lui. Nhưng kết cuộc bị bắn chìm ngang hải giới MỸ THỦY.
Đứng trên đụn cát cao giữa hai thôn Vĩnh Hòa và Thanh Hội tôi nhìn vào hướng trong. Từ xa một cột khói trắng bốc cao, hướng Mỹ Thủy, chiếc tàu bắc phương chìm lĩm. Hướng đó nhìn vào bờ sẽ có một bờ biển hoang vu, nơi tôi một lần tới từ thời tấm bé. Một thôn nghèo có tên Mỹ Thủy, một cô y tá già hiền từ. Mấy con mực khô từ biển Mỹ Thủy cô tặng ba tôi sao ăn ngon nhớ đời
Hơn nửa thế kỷ qua đi, theo ý nghĩ của tôi, Mỹ Thủy vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Vẫn bờ cát vàng hoang vắng cùng mấy rặng phi lao ngóng ra biển cả. Phải chăng Mỹ Thủy không có điều kiện 'sánh vai' với bao bờ biển đẹp để có sức lôi cuốn du khách. Có thể, khách địa phương hay từ vài nơi khác do tò mò cũng có lần ghé qua Mỹ Thủy, tắm chơi một bận rồi lại ra đi. Mỹ Thủy không thể có được hình ảnh cảnh ngựa xe tấp nập như những nơi khác đang đầy tràn resorts, khách sạn, khách du lịch từ thành phố xa hay nước ngoài dập dìu lui tới. Mỹ Thủy vẫn còn, nhưng vẫn thu mình với cuộc sống đạm bạc đời thường. Vài chiếc thuyền câu nép mình bên sóng nước, những mớ cá ít ỏi chỉ giúp người làm ngư sống qua ngày, đoạn tháng.
Từ nơi xa tôi cố hình dung hay tưởng tượng ra một bờ cát vàng thiếu bóng khách về. Biển vẫn vắng như xưa- vẫn bờ phi lao ru gió đìu hiu.
ĐHL 1/5/2022
edition
25/8/2022
No comments:
Post a Comment