Tuesday, February 13, 2024

HAI TIẾNG TẬP TÀNG NGHE SAO XA LẮC LƠ

HAI TIẾNG TẬP TÀNG ĐỐI VỚI THỜI NAY LÚC MÀ THIÊN HẠ ĐANG Ở VÀO THỜI KỲ ĂN SANG MẶC ĐẸP CÙNG THỪA MỨA VẬT CHẤT CÓ THỂ LÀ HAI TIẾNG NGHE RẤT LẠ 

 

nồi canh tập tàng của tôi gồm: rau dền, rau má, rau lang, rau sam, rau cải

    Có thể vậy lắm. Nếu ai còn nhớ hai tiếng "Tập Tàng" thì hai chữ đó nghe sao 'xa lắc xa lơ'. Đối với thời nay chắc mấy kẻ còn hiểu ý nghĩa của nó. Mà nhớ, biết làm gì những mảnh vườn 'ốm o' những tâm tình 'gầy guộc' chuyện của miếng đất cỏn con đào lên bới xuống không biết bao lần. 

Một ngày xưa tất cả gộp lại phải chăng đó là một bản "giao hưởng u buồn".  


 Ra đi tôi mang theo quê hương của ngày tháng cũ. Đúng thế, của ngày tháng cũ mà thôi. Do đó là tổng hợp của bao hình ảnh phai dần theo trí nhớ đong đưa do tuổi già vội tới. Một quê hương xa vời vợi nhưng đọng lại trong tiềm thức, thực sự lắng sâu trong hoài niệm của xúc cảm dạt dào. Một điều chắc chắn, nếu tôi về lại quê nhà chắc hẳn chẳng còn tìm được dấu xưa.

Ngày đó có bóng mẹ già tần tảo sớm hôm. Có hình ảnh người cha, chiều chiều ngồi nhìn đời trôi qua khung cửa lá, người lặng ngắm bóng tà dương hiu hắt rơi bên xóm nhỏ vắng người.

*

BA MẠ TÔI VÀ CÁI VƯỜN XƯA



Sau mái tranh nghèo là mảnh vườn bạc màu của nhà chúng tôi hồi đó. Mấy cây xoài chẳng bao giờ thấy trái. Hàng năm những cây xoài là 'vùng đất' cho bầy rầy xanh bu kín phá hoại không ra nổi bông. Mấy cây ổi ốm yếu trồng từ hồi mẹ tôi buôn trái cây từ Mỹ Tho về đến Bình Tuy. Nhưng cũng nhờ mấy cây ổi đó mạ tôi cũng kiếm vài ba lon gạo. Còn ba tôi thì bán cho mấy đứa học trò vài đồng để dành mua thuốc lào.

Ba tôi kiếm đâu ra một cây mướp đắng loại trái nhỏ tí teo. Thứ mướp này thân nhỏ chẳng khác chi sợi chỉ, mọc vắt vẻo trên vài ba nhánh nè. Lạ thật? giống mướp này cành khẳng khiu như thế, chỉ vài ba trái loe ngoe, có to lắm cũng chỉ bằng ba ngón tay chụm lại.

 

Cây mướp đắng như thế, dĩ nhiên chẳng giúp gì cho mạ tôi cả. Đám rau đắng bên hông nhà mọc tốt, nó còn cho mạ tôi kiếm được ít tiền.


Ngày vợ chồng tôi về thăm quê hương, tháng 1 năm 2017, chỉ nghe mẹ tôi nằm trên giường ngâm nga, ậm ừ mãi về trái khổ qua. Phải chăng mạ tôi tuy mụ mẫm tuổi già nhưng vẫn nhớ ba tôi  và cây mướp đắng 'ốm o nay đã không còn...


Đói lòng ăn trái khổ qua 

Nuốt vô thì đắng, nhổ ra họ cười ...


Ba tôi đã đi xa về miền dĩ vãng hơn hai mươi mấy năm rồi. Tôi cứ mường tượng hình ảnh con chim sâu hay bay về láo liên, nhảy nhót trên nhánh khổ qua. Mấy trái đắng nhỏ bé, cong queo vẫn mãi đu đưa theo gió.


Mấy mươi năm về lại vườn xưa. Đám rau đắng còn mọc xanh tốt nhưng bóng Mạ không còn. Cái chợ quê  đã mấy thu qua, vẫn  nhớ bước chân mẹ già, hàng ngày tần tảo...


TÔI VẪN NHỚ VƯỜN XƯA, VẪN THƯƠNG HAI CHỮ TẬP TÀNG

Ai đó có hoài niệm, riêng tôi thì thương nhớ về hai chữ "tập tàng". Nói sao chăng nữa, đó là tình cảm gắn bó với nguồn sống chắt chiu nhưng đó là ân tình sâu đậm cho cả nhà tôi còn sống đến hôm nay

  "Chúng ta đi mang theo quê huơng", ở đây người viết mong bạn đọc nhìn cái vườn này, rồi các bạn sẽ thấy những loại rau bình thuờng nhất tại quê nhà đều có ở xứ người ta.


ĐHL trong khu vườn xứ Mỹ 


  Tại sao tôi nói vậy? Những thứ như rau lang, rau má, rau dền, rau cải, rau chanh, húng lủi ngay cả rau SAM vị chua chua bông vàng cũng có tại vườn người viết hôm nay.


  Tôi lại thích đặt tên cho cái vườn này là vườn rau "tập tàng "hay VƯỜN TẬP TÀNG ,  vì mỗi khi "nổi hứng " là tôi hai mỗi thứ mỗi ít vô "nấu canh chơi ". Vì sao mà "nấu canh chơi" vì khi bà xã tôi "nấu canh thiệt" thì tôi đây chỉ tới bàn ngồi ăn thôi. Còn lúc bà xã tôi bận, hay đi đâu thì "vắng chủ nhà , gà bươi bếp" thế là Hai Lúa tôi chạy ra vườn "trổ tài ". Vừa nấu canh tập tàng "ăn chơi " giải trí vừa có lúc ôn lại chuyện xưa cũng đõ buồn.



vườn tập tàng của tôi chẳng có gì xa lạ 



   Khác với "VƯỜN ĐỊA ĐÀNG" của các vị phú gia, người viết chỉ sở hữu được cái 'VƯỜN TẬP TÀNG' đơn sơ này thôi. Bình dị đời thường chừng nào càng hay, càng hợp ý người viết chừng đó. Những loại rau quá bình thuờng, thế mà khi chúng "cất cánh bay xa" mọc tại quê người sẽ cho tôi thứ cảm giác ra đi mà vẫn mang theo hình ảnh vườn xưa, rồi chính tay tôi đã nấu được nồi canh "tập tàng xứ Mỹ"./.

No comments:

Post a Comment