Thursday, February 8, 2024

CỬA HẬU (CỬA LAO XÁ) THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

 CỬA HẬU (CỬA LAO XÁ) THÀNH CỔ QT 9/6/ 1969



người đứng là ông Võ Đình Cư (chi trưởng CA quận Gio Linh 1964-67)
cư dân Phường Đệ Tứ (xóm Ông Xạ Lịch Cửa Hậu )
ảnh do ĐHL chụp vào ngày tháng trên

***
sau lưng người đứng là Cổng Cửa Hậu. Cổng thành này trước năm 1967 còn ra vào được. Sau trận đột kích giải thoát tù của VC vào năm 1967 nên bị lấp lại. Phía ngoài còn rào nhiều lớp.

Cổng thành cửa Hậu điêu khắc công phu. Hai bên tả hữu như chúng ta còn thấy là hai bình phong cong lượn hình cánh chim bay. Hai bình phong đó người viết còn nhớ mang máng có 4 điêu khắc miêu tả sinh hoạt dân gian như Lễ hội Cưỡi Voi, Quan Quân, Đi Làm gánh gồng của người dân bình thường. Có 4 miêu tả nhưng người viết không còn nhớ hết. Có điều đáng nhắc lại là cái trên nóc thành là cái chóp kiến trúc mềm mại công phu so với cổng thành Đinh Công Tráng sau này lại 'làm cho có làm' đường nét không 'giống ai' trông càng quá tệ?

cổng Cửa Hữu (Đinh công Tráng) xưa và nay 

Từ cổng Lao Xá đi ra có cái cầu Đúc hai bên có lan can cũng đúc nhưng rất công phu gồm các trụ lan can xi măng sơn vôi trắng viền màu đẹp mắt. Cầu đúc cong cong qua khỏi hồ thành và tiếp liền với con Đường Lê Văn Duyệt ở ngả Ba mà ông Võ Đình Cư đang đứng. Ông CƯ đang ngó thẳng ra con Đường Ngự là con kiệt có lâu đời chạy thẳng ra đồng lúa Cổ Thành về tận An Tiêm nơi đó có con sông Vĩnh Định cắt ngang.

Trở lại cổng thành Cửa Hậu, chúng ta thấy bên phía tay phải có 1 chòi gác nhô lên. Các chú lính bảo an đêm đêm gác ở vọng này thỉnh thoảng gỏ vài tiếng kêu đổi phiên gác. Tiểng kẻng ban đêm, người dân xóm Cửa Hậu ai chưa ngủ nghe rõ lắm.

Người viết là cư dân sinh ra và lớn lên ở xóm Cửa Hậu này cho đến lúc chạy giặc là năm 1972 nên nhớ khá nhiều. Cư dân này còn có bạn cùng trang lứa là Trần Tài, Nguyễn Hoa, Nguyễn Hòa, Nguyễn Văn Bốn, Hà thị Bích Hường, Trương Sừng, Nguyễn thị Thanh Tâm, Tống thị Huê, Ngô thị Sáu ...nhiều lắm người viết chưa kể hết...

Có anh Lê bá Lư tuy lên ngụ cư nhưng ở xóm Hậu này khá lâu nên cũng rành vài chi tiết của xóm này những năm kế 1972 lúc đó anh Lư học lớp các năm Đệ Tam và Đệ Nhị Đệ Nhất ...
Sinh hoạt trong thành khi ngó vô Cửa Hậu ra sao? Trong bài "Thành Xưa" người viết có một đoạn...
 Từ cửa thành theo cái cầu gạch đi ra gặp đường Lê  Văn Duyệt, có hai cái chái nhà nghỉ tạm, lợp tôn cho người đi thăm tù. Ngày thăm tù sẽ có nhiều đợt người tù có lính dẫn ra gặp gia đình.

 

Những giỏ đồ ăn, những miếng lá chuối đựng quà, mo cơm, những lời nói năng tâm sự. ..Hình ảnh lưu luyến của người nhà từ dưới làng quê, những miếng cơm mang nặng hơi hám ruộng đồng và những giây phút ngắn ngủi. Rồi người tù chính trị phải chia tay vào lại trong thành để người khác ra...Ban ngày cửa thành Lao xá (hay Cửa Hậu) được mở mỗi khi có một toán đông người tù được vài chú lính dẫn đi làm. Hồi đó người QT hay gọi là đi làm "cỏ vê"(corvee) nôm na là đi làm tạp dịch. Đoàn tù sẽ đi một đoàn dài ra tận ngoài tòa tỉnh hay mấy cơ quan công sở nào đó. Xế chiều đoàn tù mới về...

Mùa khô về,  hồ Thành chỉ còn xâm sấp nước cùng màu xanh của lục bình là lúc những người tù "nhà phạt" trong thành bị dẫn ra ra tát cá. Xóm Cửa Hậu vui lây từ tiếng ồn ào của người tù tát nước bắt cá. Cá nhiều lắm. Mấy cái thùng phuy chẳng bao lâu lại đựng đầy ắp cá.  Ở hồ cá bắt được toàn là cá tràu (lóc). Trên mé đường quan, người dân xóm chúng tôi, nói đúng ra là cả phường chúng tôi đứng chờ sẵn. Xế trưa khi cả trăm người tù cùng mấy thùng cá vào hết trong thành; vừa lúc 2 cánh cửa thành khép lại là chúng tôi a nhau xuống hồ. Lúc này tiếng ồn ào huyên náo của người dân lại còn gấp mấy lần lúc sáng. Những tốp nhỏ chia nhau từng lô tát thật cạn nước để mò cá. Có đứa mò thật tài chỉ chút chi là được mấy con tràu to bằng cán rựa. Có đứa giỏi hơn bắt được cả mấy con lươn dài ngùng ngoằn vàng hươm. Tôi sợ nhất mấy con rô hay con cá trê, ôi cái ngạnh, cái kỳ của chúng nhọn hoắt và cứng như mũi thép, chảy cả máu tay. Lớp bùn dày đáy hồ còn bao nhiêu con cá chưa bắt được? Tuy vậy chúng không thoát được những bàn tay mò cá giỏi, chịu khó mò cá của bọn trẻ trong thôn. Bà con mấy xóm, nhất là xóm Cửa Hậu nhờ ở gần cổng thành cùng nhào xuống hồ mò cá. Có người vội tới coi con cá tràu to nhất vừa bị quăng ngay lên bờ. Tóm con cá to như vậy phải hất nhanh lên bờ, cá vùng vằng lâu sẽ truột khỏi tay và trốn thoát núp lại dưới bùn, uổng công... Lại thằng Mẹo hắn việc chi cũng rành. Con tràu to nhất là của nó; sau khi quăng con tràu lên bờ nó vọt theo đè cả người lên con cá đang vẫy vùng muốn thoát lại xuống hồ. Nói chung cá và hồ là sở hữu của Thành người dân không có quyền chi, thế nhưng ngày tát cá thu nguồn lợi từ cái hồ trước mặt cửa Lao xá thì quân dân ai cũng có phần chẳng hề làm khó. Khi mùa khô tháng hạ thực sự đến, người tù Lao Xá lại ra trồng rau muống để có thêm rau cho tù ăn...(hết trích)

bạn xóm Cửa Hậu Nguyễn v Bốn từ SG về thăm chốn cũ , thành xưa nay chỉ còn là một di tích lụn tàn 

Kể chuyện về thành Cổ về con đường xưa xóm cũ tác giả có viết khá nhiều nên bạn đọc có thể đọc ở trang Blog Đinh hoa Lư
Hôm nay xin vắn tắt vài dòng về bức hình của mình. Mong bạn đọc có chút nào thư thả nhớ về ngày xưa Quê Cũ

Thân mến
ĐHL
San Jose USA 29 tết Giáp Thìn 

No comments:

Post a Comment