Friday, February 23, 2024

"CHUYỆN ĐỜI" CÁI LON SỮA BÒ & MỘT THỜI ĐONG ĐẾM

 


   CÁI LON SỮA BÒ ai mà chẳng biết. Hình dạng cái lon sữa đặc có đường tuy là điều bình dị đời thường thế mà đối với chuỗi thời gian trong quá khứ tôi có một ý niệm rất lạ y như là chuyện "đời cái lon" khó ai tin là nó gắn bó với tầng lớp dân dã ngày xưa cận kề và sâu đặm.


    Ngày xưa hình ảnh vài trái cam đựng trong cái bịt nilon kèm theo cái lon sữa bò là chuyện khác thường rồi. Ít nhất là đi nhà thương thăm người bệnh hay tới nhà ai thăm người quen đang nằm liệt giường chưa dậy. Cũng có thể phái đoàn nào đó đi thăm và ủy lạo thương binh. Như vậy đó là hình ảnh quan trọng chẳng vui chút nào.


       tiệm sữa  lon nestle con chim thời còn Pháp

hộp sữa Bông Trắng còn gọi là Đầu Bò hay Cal Best trước cả sữa Ông Thọ

   Cái lon sữa đó uống rồi chưa hẳn là đem bỏ đi. Cái lon không đó là một đơn vị đo lường gần gũi và cần thiết nhất cho người dân miền trung. 

   Người bán gạo cần cái lon này nhất. Luật bất thành văn 4 lon ăn một ký gạo. Người trung chẳng tính 3 lon ăn 1 lít gạo như trong nam. Cái lon không qua tay người bán gạo cho đến lúc nó đen sỉn đi vẫn chưa vứt bỏ. Hình như nó là vật thân yêu, quyến luyến nên người bán không nỡ vứt đi. Vào chợ, tới hàng gạo chúng ta lúc nào cũng thấy cái lon nằm sẵn trên miệng cái bao gạo mở sẵn hay trên miệng thúng gạo đang đầy. Trong gia đình mỗi lần nấu cơm đều tính lon. Trong nhà tính đầu người lớn mà đong bao nhiêu lon gạo. Nếu có con nít thì đong ít lui. Có ai đó một mình ăn hết 2 lon gạo đó là chuyện khác thường? 

     -Ăn như đi cày 


                       nồi đồng nấu cơm gia đình ngày xưa

niêu cơm 

nồi nhôm nấu cơm mấy chục người ăn khi có việc


Ngày trước, câu này ám chỉ người sức ăn nhiều. Người mình hồi đó hay dùng bao nhiêu lon gạo để tính độ lớn của cái nồi nấu cơm cho gia đình. Nồi nhỏ nhất nấu khoảng 2 lon gạo, cho tới nồi 10. Khi có việc giỗ chạp nấu cơm nhiều, ở thôn quê người ta mượn nồi đồng lớn, thành phố thì có nồi nhôm có thể nấu cho hai ba chục người 

  

ốc gạo

    Khác với trong nam, chợ miền trung hay dùng lon sữa bò để đong các thứ hàng khác. Người bán muối cũng dong bằng lon, bán phân trồng lúa cũng đong bằng lon...thậm chí con mớ ốc gạo từ dưới dòng Thạch Hãn mới luộc xong với lá sả thơm phức cũng đong bằng lon sữa bò như thế. Dạo một vòng quanh chợ còn nhiều thứ cần cai lon đó để làm đơn vị cân đo đong đếm kể khó hết.


                                   sim rừng

                                   dâu rừng

   Quanh ngoại ô thành phố, ban đêm dưới ánh đèn đường o bán hàng dân dã. Trái sim chín, hạt mốc mốc trái hạt sót, trái dâu rừng cũng đong bằng lon sữa bò không hơn không kém. Kể không hết chuyện cái lon không với đời sống dân mình ngày đó.

   Ngày xưa dưới quê thường lên bán gạo ruộng mới xay xong cũng bán cho người thành phố và đong bằng lon. Người viết tuy còn nhỏ nhưng vẫn nhớ mẹ mình dùng 100 đồng thời Cụ Ngô có thể mua hơn năm mươi lon gạo ruộng (gạo trái mùa) thứ gạo giã xong còn màu nâu nhạt, dùng nấu cháo bữa sáng. Một thứ cháo ăn với cá bống kho khô rất ngon và bổ. Gạo ruộng quý, hiếm hơn gạo tạ. Một thời, gạo tạ trong nam ra chứa trong bao đay, một bao cân đúng 100 kg nên bà con mình hay kêu là gạo tạ.


Khó kể hết chuyện "đời cái lon", một hình ảnh đi cùng với cuộc sống đời thường. Có thể coi đó là một kỷ niệm nho nhỏ nào đó nhưng lại gắn bó với bao người thân thương ngày trước. Còn nhiều lắm...


Cái lon hư rồi cũng thành đồ chơi cho con nít trong xóm. Nào mấy thứ để chơi như đá lon, lũ con nít chúng tôi la vang trong đêm hè, điện thoại  alo- alo hai đứa đứng hai đầu, sợi chỉ căng thẳng, mi nghe khôn rứa???... Cũng có khi chúng tôi dùng cái lon hư để nhốt chú dế bên trong để ngày mai thi tài cùng mấy con dế lũ bạn trong xóm...


Đến lúc lớn lên cuộc đời "dâu bể" khó lường. Đến khi vào "tù cải tạo", té ra cái lon sữa bò kia vẫn mãi theo con người. Cái lon không, bấy giờ là "của quý", một cái nồi tý hon giúp đời tù qua cơn thèm khát hay những phút đói lòng./.


ĐHL  23.2.2024

No comments:

Post a Comment