THÔN VẮNG ĐÌU HIU BÊN MỘT TRẠI TÙ
Giữa năm 1975 khi Trại tù số 4 được thành lập thì có một thôn âm thầm hồi cư về lại làng cũ. Từ đó trại 4 mới biết được tên làng đó là Xuân Khê.
Xuân Khê -con suối mùa xuân không biết ai đặt? Trong bản đồ Bộ TTM chẳng hề đề tên này. Tên làng đó nghe hay lắm nhưng cái thôn này không có người thôn nữ yêu kiều nào để chúng tôi hàng ngày đứng bên này trại ngó qua. Chuyện kể hôm nay rằng Thôn Xuân Khê có ông lão đưa đò tốt bụng.
Những ngày mưa lớn, nước con sông Rào Vịnh từ nguồn Ba Lòng chảy về dâng lên quá mau không cách gì qua được. Toán tù chúng tôi đứng bên thôn Xuân Khê ngó qua trại nhưng không biết làm sao để vượt dòng sông nước đỏ ngầu đang chảy cuồn cuộn?
Nhờ vào bản đồ này người viết đã phăng ra manh mối con sông mà các trại tù 1, 5, 4, 3 (trong hình Lục GIác) đóng dọc theo con sông Rào Vịnh từ hướng Ba Lòng về, con sông này chảy ra hướng Ái Tử chứ không phải là Sông Lai Phước.
ÔNG LÃO ĐƯA ĐÒ, cái tên chúng tôi đặt cho ông. Do sau chiến tranh, lão còn chiếc đò nhỏ uốn bằng tôn. Hàng ngày tôi thường gặp ông đánh cá trên con sông nước trôi lặng lẽ. Khi nước lũ, Lão giúp chúng tôi qua sông. Mỗi chuyến chỉ đưa năm sáu người. Ông lái đò giỏi làm sao! Chiếc chèo 'cạy' giữa dòng sao thật tài. Nước chảy xiết, cuộn, xoáy nhưng cách chèo của lão sao thật 'ngon ơ'. Hồi hộp, lo lắng nhưng còn nhờ vào lòng tốt của ông lão độc nhất ở đây, không qua thì không được. Không cằn nhằn, kể lể, hết chuyến này, ông lão phải qua lại chở chuyến khác cho đến khi chúng tôi qua hết mới thôi. Hồi hộp quá, khi ra giữa giòng nước xoáy, tôi nhìn màu nước đỏ ngầu, chảy băng băng nhưng nét mặt Lão vẫn bình tĩnh làm sao!
Ông hồi cư chỉ sau thời gian trại chúng tôi vừa thành lập. Ông không bao giờ nói gì hay liên lạc, đổi chác gì tù. Chúng tôi hiểu chuyện, tội 'liên hệ với dân' chỉ gây phiền lụy cho ông.
Thôn Xuân Khê có lác đác vài nóc nhà hồi cư. Chúng tôi bên này trại cố ý lắng tai. Thật lạ, chưa bao giờ nghe tiếng chó sủa râm ran hay tiếng gà gáy liên hồi vào lúc sáng sớm? Dần rồi chúng tôi cũng hiểu ra. Dân vừa về với hai bàn tay trắng, mọi sự gầy dựng lên từ con "số KHÔNG" thì làm chi có chó để nuôi? Gà thì chưa lớn thành bầy? Dân về họ sống bằng gì, ra sao? khó lòng trả lời? do chúng tôi chưa bao giờ liên hệ với dân.
Chúng tôi âm thầm cám ơn ông lão đưa đò tốt bụng, giỏi tay chèo nhưng trầm lặng. Ông như một người "câm" ông không nhìn ai nói với người tù nào dù nửa lời? Có nhiều đêm về tôi nằm suy nghĩ có thể ông giúp tù do tấm lòng ông là "dân miền nam" hay ông giúp theo sự yêu cầu của cán bộ TRẠI cũng có?
Mưa qua đi, dòng suối trở lại hiền hoà như mọi ngày. Ông có hai cô con gái, nhưng tác giả xin thưa trước là hai người con gái này không có may mắn trời ban là hai "đóa hoa" miền sơn cước để lắm chàng trai bên trại chúng tôi phải thương thầm trộm nhớ.
con trút (tê tê)
Ông Lão giúp đưa đò kể ra cũng lạ đời. Ông đặt tên cho cô chị là "Trút", còn cô em tên "Vi". Như các bạn từng biết: Trút là con thú ăn kiến, có hình dạng xấu xí trong rừng. Trút có mình nhím, đầu chuột trong chuyện đường rừng. Lúc chúng ta gặp nó, con trút hay co mình lại như trái banh. Những cái vi cứng cáp của nó là lớp bảo vệ chắc chắn cho thân hình. Dù bạn có đá nó lăn lông lốc cũng không hề hấn gì. Nghe đâu thiên hạ cho trút còn là vị thuốc nam khá tốt. Cũng vì là dược liệu quý của rừng nên trút hiện nay bị con người săn lùng cạn hết, chắc là khó kiếm? Người Quảng Trị, gọi là con TRÚT, nhưng tên của nó là tê tê và trên báo chí người ta còn nói là "TRÚC'" người viết ngang đây xin bỏ qua chuyện này.
Tác giả bài này còn nhớ vào năm 1978, khi trại tù chúng tôi bị đưa ra bắc để chặt hạ rừng lim tại huyện Như Xuân Thanh Hoá có giai thoại kể về hai loại thú đó là con kỳ đà và con trút. Lúc đó trong rừng thịt thú hoang nhiều lắm, tù gặp hoài và nhờ chúng mà có chút chất tươi.
ước mơ người tù và cô sơn nữ của thôn Xuân Khê ngày đó
Trở lại chuyện hai người con gái trong thôn Xuân Khê nói trên. Cũng vì cái số hẩm hiu trời ban cho nên hai chị em Trút và Vi đành chịu vậy. Đành chịu có nghĩa là hai cô thật tình không phải là hai "đóa hoa" đúng nghĩa nơi vùng sơn cước. Nghĩ lại thương hại thay cho mấy người tù độc thân chưa vợ như người viết. Phải chi ông trời ban cho hai nàng một chút nào "sắc nước hương trời" vừa an ủi cho hai cô thôn nữ để ngày ngày nhìn lén qua thôn còn có cơ hội thấy được sắc dáng e lệ, dễ thương của hai nàng bên bờ suối lớn. Giá mà được thế, sẽ có vài người tù trẻ tuổi đem vào giấc mộng đêm trường? Lãng mạn một ít, dù nửa thế kỷ đã qua người viết cũng xin tơ tưởng chống lại thực tế ngày xưa rằng cứ cho là hai nàng đều đẹp mặn mà như...hoa sim, hoa chạc chìu nơi vùng hoang dã. Làm sao người viết quên được vẻ đẹp mặn mà của sắc tím hoa sim. Cứ độ mùa sim chín, muôn triệu đóa hoa sim tím đồng loạt nở rộ trên nhiều triền đồi trung du Ái Tử. Trái sim chín, đến mùa nhiều vô số kể. Đó là những gì an ủi cho thân phận những người tù nơi vùng này. Rồi hoa chạc chìu, đến kỳ nở rộ thơm ngát làm ngây ngất những anh chàng đang lay hoay tìm dây chạc chìu dành cho việc bó củi đem về cho trại. Phải may mắn lắm, ta mới có cơ hội ngửi được mùi hoa chạc chìu đúng lúc nó tỏa hương...đó là hương thơm của loại bánh quế hảo hạng đóng hộp hay thứ nước hoa đắt tiền ngày xưa nào đó. Chút tưởng tượng hay thưởng thức của trời cho dưới khung trời Ái Tử ngày đó. Của không mất tiền mua, vẻ đẹp hoa sim và hương chạc chìu cho những ai giàu trí tưởng tượng. Và rồi chút bâng khuâng nào đó, gán ghép hay ước mong đó là sắc đẹp của hai chị em con gái ông Lão đưa đò tốt bụng ngày xưa.
Có mất gì đâu, đối với công ơn ông lão đưa đò từng giúp toán tù ngày ấy qua sông về lại trại...
nhưng tác giả xin thưa trước là hai người con gái trong hồi ký đã được lãng mạn hóa thành hai "đóa hoa" nơi miền sơn cước như trong hình và cứ cho lắm người tù bên trại chúng tôi phải ...thương thầm trộm nhớ.
Dù sao chăng nữa, chúng tôi vẫn nhớ công ơn của ông lão đưa đò, người cha của hai cô thôn nữ ngày xưa. Những người trong hoàn cảnh như chúng tôi làm sao có cơ hội đáp đền. Những ngày mưa lũ nước suối dâng cao không về được trại, ông là ân nhân giúp chúng tôi qua suối để về lại trại. Đó là ơn may giúp chúng tôi khỏi cơn ướt át, đói lạnh khi phải đứng chịu trận chờ cơn nước xuống. Kỷ niệm khó quên do các trại tù Ái Tử chỉ có con sông nhỏ độc nhất này chảy qua. Ăn uống tắm giặt nước non đều từ con suối này. Có những lúc tù tắm ở suối này, đó là lúc mọi người đang trở về thời 'nguyên thuỷ' thì hai chị em Trút và Vi vẫn tỉnh bơ xuống giặt ở đây chẳng biết tìm trốn đi đâu nữa? Dù thế nào chăng nữa tất cả con người về đây, sống chết đều nhờ vào con suối duy nhất này mà thôi. Đám đông tù bên này suối "làm gì thì làm", hai chị em vẫn cúi đầu giặt áo bên kia, hai bóng dáng im lìm theo ngày tháng dần qua bên miền thôn dã cận núi rừng và những đồi sim hoang dại...
Hết những cơn nước lũ Thôn Xuân Khê có thêm một mớ đất phù sa dọc mép con nước quanh co. Có một cặp vợ chồng nghe đâu là nghĩa quân, hồi cư làm nhà gần nương ông Lão. Hai vợ chồng này còn trẻ, nhờ vào phù sa ven bờ, họ trồng được mấy liếp cây kiệu tươi tốt . Mùa đông tháng giá kiệu hợp với khí hậu lạnh. Đứng bên này trại tù trông qua, tôi thấy rất rõ màu xanh của mấy liếp kiệu mọc men theo bờ đất hiếm hoi bồi lên từ dòng nước lượn lờ quanh một thôn nghèo, tĩnh lặng.
DỊP MAY CHO TRẠI TÙ ÁI TỬ CÓ DỊP ĐỀN ƠN DÂN LÀNG
Hè về, nước cạn dần, chỉ có vấn đề thiếu nước chứ không còn lo chuyện lũ nữa. Trại 4 chúng tôi có dịp đền ơn ngoài dự liệu và quá bất ngờ đối với chúng tôi.
Một hôm trại cho chúng tôi ra Ái Tử kiếm những tấm ri sắt về càng nhiều càng tốt. Ri nhôm đắt tiền thì mất dạng lâu rồi. Loại ri nhôm nghe đâu được 'đưa hết ra Bắc nay chỉ còn những tầm ri sắt thôi. Phi trường căn cứ Ái Tử những tấm ri sắt lót làm phi trường thế cho bê tông nên mới nhiều như thế.
Căn cứ Ái tử quá nhiều tấm ri sắt này . Chúng tôi nhớ những ngày đi nạy ri từ ngoài kia . Những mãng ri khổng lồ dính liền nhau, cong queo ngất ngưởng do sức nổ của bom đạn ngày trước . Chỉ bằng sức người chúng tôi thi nhau tháo ra, hai người một tấm, gánh về trại. Ngày lại ngày không biết bao nhiêu là số lượng? chúng tôi đã tháo về xây dựng nhà ở. Lớp lót nằm, lớp làm vách, các chốt ri tức là các thanh sắt vuông dài để nối các tấm ri với nhau thì cung cấp cho thợ rèn trong tù làm dao, rựa. Cuối cùng Trại lại chỉ định tù làm cầu cho dân làng.
Thực hiện công trình của Trại trước tiên là làm cái cầu ri từ Trại 4 bắc qua Xuân Khê. Đoạn này hẹp nên cầu không công phu lắm. Nhưng cái cầu từ thôn đó hướng về Trại 3 và thôn Ái Tử thì to hơn do khúc sông ngang đây nở rộng ra. Đây chính là cơ hội tuy trong âm thầm giúp cho chúng tôi được làm cái cầu ri cao và dài giúp dân. Thật vậy, nó kết nối hoàn toàn bằng nhiều tấm ri phi trường. Khéo làm sao, 3 trụ chân cầu cùng bằng những tầm ri nối với nhau, dựng cao lên ba bốn mét. Có rất nhiều sợi kẽm gai, tù kiếm từ Căn Cứ Ái Tử, được khéo léo néo vào các trụ cầu. Có những lúc tù từ ba trại 1, 5 và 4- chúng tôi gánh đồ qua cầu, bước chân rầm rập nào khoai nào sắn nặng nề cầu vẫn chịu nỗi.
Trước đây, vào ngày mưa lũ, người dân gấp việc qua sông, phải qua bằng dây kéo. Ngày tù làm xong hai chiếc cầu ri, người Thôn Xuân Khê đỡ khổ nhiều. Số lượng người trong trại rất đông, có một số chuyên nghiệp về công binh, quân cụ của VNCH nên việc xây hai cái cầu ri qua sông này thuận lợi dễ dàng.
Năm mươi năm qua kể từ Tháng Tư Đen đó, chắc hẳn mấy trại tù hay mấy chiếc CẦU RI đó nay đành mất dấu và chẳng ai còn nhớ chúng làm gì. Riêng trong lòng tác giả, mỗi lần nhớ về hình ảnh một thôn nhỏ đìu hiu có tên là XUÂN KHÊ, bên một trại tù mang tên Trại 4 Ái Tử tôi không bao giờ quên ơn và nhớ mãi bóng dáng một ông già trầm lặng, hảo tâm, từng can đảm giúp từng toán tù qua sông về lại trại trong cơn nước dữ. Một ấn tượng của tình người từ một ông già có hai người con gái đặc biệt với hai cái tên khá lạ là "Trút và Vi"./.
ĐHL
-0-0-0-
QUE DIÊM CUỐI CÙNG TRONG RỪNG SÂU
Tiếng cót két của chiếc cầu làm từ những tấm ri từ Căn CỨ Ái Tử gần ngoài lộ 1 về Trại, đó là kỷ niệm khó quên những lần đi rừng chặt gỗ. Chúng tôi lên rừng thật sớm, khi ánh sao khuya còn lấp lánh trên trời. Chén cơm lưng lửng trong cái lon gô’ thân yêu’ trong bao cát mang xéo một bên nách. "Vũ khí" chúng tôi giờ là những chiếc rựa tự chế . Chuyện đi rừng là 'kinh nhật tụng', tôi xin miễn bàn sâu vì ai cũng rành 'sáu câu vọng cổ'. Tôi thương cho cái bao tử, khi nào cũng sôi , đòi hỏi có những thứ gì dằn vào cái khoảng trống không . Phần cơm kia tuy ít nhưng nó chỉ được ăn để mang gỗ về trại. Thế thì chuyện sinh tồn, đó là những gì bắt buộc chúng tôi phải kiếm cách "sinh tồn ". "Ngộ biến phải tùng quyền"! có nghĩa là 'cái đói ló cái khôn' chúng tôi luồn vào rừng sắn của trại trong bóng đêm, tìm cách "tranh thủ " ! nghĩa là chỉ cần nhổ hai , ba bụi sắn. Những đồi sắn bạt ngàn do bàn tay bao nhiêu người tù , bao công sức phá núi san rừng, đốt dọn, lượm đá , đắp vồng ! Chỉ vài bụi thôi, chẳng thấm tháp gì trong hàng muôn triệu cây sắn, anh em chúng tôi có "cái " no để về lại trại.
Chúng tôi luồn vào rừng sắn nhổ lên vài bụi đã đầy cái bao cát mang theo. Hồi này đi rừng còn làm khoán, có nghĩa chúng tôi đi cùng tổ không có ai dẫn , tự giác tối có gỗ về nhà là được. "Trời đất" vừa sụp đổ chẳng ai còn mộng chạy đâu. ‘Va lô’ là cái bao cát sắn trên vai, đương nhiên đến rừng tôi sẽ là 'anh nuôi'- danh từ thời đó - cho mấy anh em . Như vậy tôi sẽ không đi kiếm cây, mấy người khác trong tổ sẽ chặt bù cho tôi. Tôi tìm đường xuống bên khe nước nấu bao sắn này, sau khi có đủ cây xong, chúng tôi sẽ "liên hoan bồi dưỡng" trước khi vác gỗ về trại .
Con đường lên rừng ‘Anh Tuấn’ thật xa! Thời gian này người dân làng nào khai hoang vùng rừng nào thì chúng tôi tạm đặt cho cái tên vậy để dễ nhớ. Làng Anh Tuấn ở quận Triệu phong lên khai hoang trên này xa thật ! xa đến nỗi đứng đó chúng tôi có thể thấy được con đường đèo hướng xuống Ba Lòng tức là gần giáp với Hướng Hóa ở phía Bắc . Nhìn về hướng Tây rừng Trấm nay đã tang hoang rỗng tuếch sau hai năm vừa dân vừa tù khai phá. Gỗ cây về làm trại chúng tôi phải đi càng lúc càng xa hơn. Sau này ngay cả đi củi cho trại cũng xa như thế.
Vừa đi tôi vừa miên man nghĩ đến hình ảnh chiều vác gỗ về trại. Đó là những thời gian cuối cùng của một ngày lao động, khi ánh chiều tà còn lại những vạt nắng cô đơn trên những mảng đồi đầy sim chín. Những người tù binh sẽ "tự do thoải mái" tận hưởng những trái sim 'chín mọng' , ngọt ngào.
Miệt rừng dần dà gần lại trước mắt, nơi chúng tôi hi vọng còn nhiều cây gỗ thẳng. Chúng tôi ngang qua các rẫy sắn của dân trung du thì trời sáng hẳn . Người dân từ những làng xa xôi dưới miệt đồng bằng lên đây từng chấp nhận 'ăn sắn thay gạo' . Nhưng sự thật phủ phàng sau khi các rẫy sắn bị heo rừng phá nát, họ chỉ chia nhau được vài thúng sắn tươi sau khi trừ công điểm. Người dân quê dưới miệt đồng bằng sau bao tháng lên đây , bao bận đi đi- về về, xa xăm, tốn kém "cơm đùm gạo bới " rốt cuộc họ chẳng có chi ! nghèo lại hoàn nghèo - đói vẫn hoàn đói. Chúng tôi băng qua vài hẻm núi mới vào được vào nơi rậm rạp hơn , ít dấu chân người để hi vọng có gỗ thẳng. Chia nhiệm vụ xong, tôi ở lại dưới khe lo chuyện nấu sắn.
Nhớ lại hình ảnh ngày đó chắc ít ai còn nhớ cái thiếu thốn của tù. Hình ảnh cái hộp quẹt nội hóa (hồi này chúng tôi hay gọi là bít- kê(briquet theo tiếng Pháp) làm tại Chợ Lớn nhưng quý hơn vàng! Còn chuyện cái ‘zippo’ thì đích thực là hình ảnh xa vời . Nhưng nếu ai còn có cái zippo (tức là hộp quẹt Mỹ) thì đã bị "thu giữ" lâu rồi làm gì còn trong trại. Tôi kể chuyện này là chuyện của 'LỬA': lửa là nguồn sống là mấu chốt cho 'cải thiện linh tinh' do chúng tôi thường cho cái bụng lép xẹp lâu ngày. Nếu có cái hộp quẹt nội hóa thô sơ đó thì cũng cần có dầu hỏa hay xăng và cuối cùng là ĐÁ LỬA? Đá lửa ôi thôi, hiếm quý!
Giờ đây lửa là đòi hỏi trước tiên cho tôi khi lãnh nhiệm vụ nấu ăn dưới con khe. Trong tay tôi ngày đó còn khoảng ba cây diêm của hộp diêm THỐNG NHẤT- vuông vuông- làm tại Hà Nội cùng mớ củi khô tôi chẻ nhỏ dưới cái khe ẩm ướt.
Những khúc sắn "trắng nõn nà" trông hấp dẫn như "làn da người đẹp"nằm gọn trong cái nồi gang tôi bới theo cho tổ. Hồi này trại chúng tôi có đúc xoong nồi lấy nguyên liệu từ xe M113 bị cháy trong rừng. Trại đem về nấu ra thành song, thau, nồi, vá (cán bộ người Bắc thì gọi là môi) phát về cho lán, khối, tổ. Ngang đây người viết xin nhắc lại một người có liên quan đến những cái nồi gang đúc này có tên là Viễn Khởi. Anh là người tổ trưởng đúc nồi cho Trại 4 Ái Tử. Anh Viễn Khởi còn sống chăng? do thời gian ngắn sau nghe đâu anh trốn được trại và không nghe gì thêm nữa về nhân vật này?
người tù "cải thiện" thức ăn cần nhất là lửa nấu những nơi kín đáo , muốn có lửa thì cần hộp quẹt hay diêm que Thống Nhất thời điểm này
Tôi phải quẹt đến cái diêm cuối cùng tôi mới nhen được ngọn lửa. Trống ngực đập loạn xạ, tôi chẳng màng đến những con muỗi rừng đang vo ve hút máu tới tấp. Mắt tôi căng ra, miệng đang dồn hết sức thổi phù phù... Ngọn lửa bắt đầu leo lét cháy. Những làn khói yếu ớt từ từ tỏa lên bên hốc đá dưới con khe róc rách, ánh sáng mập mờ vì những tán cây rậm cùng sườn núi trên cao. Những đốm lửa đã bắt đầu nhen nhúm, bén nhau. Cơn mừng chưa hết...?!
Chợt một ngọn xoáy nhỏ, quái ác vụt qua ngọn lửa mới bốc lên một cách yếu ớt vụt tắt? Hoảng hồn, tôi run bắn người:
-Ôi cũng tại mình quá tự tin nên mình kiếm quá ít củi mồi khô?
-Trời ơi? mình phải làm răng (sao) đây?!!!
Que diêm trong cái hộp diêm "Thống Nhất' là cái diêm cuối cùng tôi vừa quẹt xong. Nhảy qua bên bụi kia lấy ít mồi khô thì đốm lửa than còn lại này không có tôi sẽ tắt ngúm mất? Tôi thực sự hoảng loạn?! Ấn tượng thật khó quên, lo âu khó tả? mấy anh em trong rừng ra sẽ đói dường nào? Tưởng tượng bao thất vọng của những người bạn tù sau khi kéo gỗ ra do họ đinh ninh sẽ 'chần' một chầu sắn nấu no "phình bụng"?!
Bạn đọc sẽ nhớ lại phần cơm được trại cấp phát theo giờ ở đâu? tất cả đã ăn trước khi xách rựa vào rừng vì đinh ninh rằng đang có sắn do tôi lãnh nhiệm vụ nấu ngoài khe này:
-Làm răng! làm răng đây hè?!
Người tôi thật sự run lẩy bẩy.
Cuộc đời có nhiều lúc run rẩy do yếu bóng vía, do sợ chết hay vì mất của cải quý báu trong đời. Những lúc no đủ dư dật khó lòng tưởng lại nỗi xúc động của một người tù mất lửa đang đối diện với sự hành hạ của những miếng ăn bị mất hay không nấu được trong lúc những chiếc bao tử trống không thèm khát nhiều ngày như thế nào. Một sự lo sợ run rẩy mà sau bao năm tôi vẫn còn nhớ, một cảm giác chua cay lẫn đau xót vì miếng sắn thơm ngát dẻo ngon sẽ được tạo thành DO CÓ LỬA chợt vụt mất vì một ngọn gió vô tình.
- Dưới khe một mình tôi không giữ gìn được ngọn lửa, cho lòng tin của các anh?
Một tia sáng lóe ra trong đầu tôi !
Miếng vải mỏng màu nâu tôi vừa vá đắp vào hai bờ vai tôi là cứu tinh lúc này. Miếng vải này đã giúp tôi bớt đau khi trở vai với bó đòn tay, cây gỗ hay gánh củi nặng nề…
-XO...ẠC!
Không cần suy tính , bao nhiêu sức lực của một ý nghĩ thoáng nhanh... Miếng vải là 'cứu tinh' thc sự rồi vì nó có pha sợi ni lon nên dễ bắt lửa vô cùng!
-Cháy ! cháy! cháy lên nữa 'đi em' lửa đã lên rồi!
Tôi vui quá, mừng quá reo lên như thế. Thật vậy giây phút đó tôi muốn hét lên thật to cho hai bên vách núi cùng sẻ chia niềm vui của tôi - niềm vui được lửa. Một khoảnh khắc, nhớ, cảm thông, hồn tôi chợt trôi nhanh về một thuở hồng hoang, tổ tiên ta tìm ra ngọn lửa, dựng xây nên bao mạch sống ấm no . Nhưng giây phút này, tôi -một mình - dưới con khe nửa tối, nửa sáng , như chốn ma quái nào?
Giờ, nồi sắn thân yêu như reo vui cùng tôi - tiếng nó sôi sùng sục - chiếc nắp nhôm đang đè lên mấy lớp lá rừng nhúc nhích theo...
- Sắn, sắn, sắn chín rồi !
Tôi cẩn thận đổ ra trên lớp lá chuối rừng những củ sắn vừa chín ,thơm phức. Đậy mớ đầu tiên này lại, tôi còn nấu thêm nồi nữa. Nồi thứ hai này chắc chắn anh em sẽ chia nhau dấu đem về trại. Tôi lấy một củ chín ra ăn, như tự thưởng công cho mình cho một công lao gì lớn lắm. Vừa nhai tôi vừa cất tiếng hú gọi anh em , xa xa có tiếng hú đáp lại, chắc họ đang ra ?
Ngọn gió lạnh lùng quái ác xuyên qua lòng khe, 'hắn' đang trở lại, như muốn trêu tức' tôi một lần nữa. Khi ngọn gió đó vụt qua cái chỗ trống trên vai áo tôi vừa xé mất , 'hắn' làm tôi thấy lành lạnh. Không giờ đó tôi đã thành công đã chiến thắng với niềm vui có lửa. Gió hay bão tố có trở lại dưới cái hẳm núi vắng lặng này chẳng làm cho tôi sợ, lo gì nữa. Bỗng dưng tôi vui và phấn chấn hẳn lên. Tôi cất tiếng hú thật to báo hiệu vị trí của tôi dưới con khe nhỏ. Có tiếng hú đáp lại tiếng tôi..
Chúng tôi ra khỏi rừng thường trời đã xế bóng. Trời nắng đó là những ngày vui. Sẵn sàng vác gỗ lên vai chúng tôi hướng về đồng bằng, chân bước nhanh như nhớ thương về dưới đó.
Đoàn người vác gỗ nhấp nhô ẩn hiện qua mấy trảng đồi. Tháng Tám về, không gian buồn tênh chen trong màu tím hoa sim như cam phận hay cảm thông cho những người thua trận. Ánh tà dương từ từ khuất dần phía tây. Trên những mảng đồi hoang vu từng có bóng tù đang len qua mấy đồi sim chín. Tuy là vị ngọt trái rừng nhưng sẽ là những kỷ niệm buồn da diết nó đang trãi dài theo bước chân người đi nhanh về trại./.
-0-0-0-
THÁI ĐÀO NGƯỜI BẠN TÙ THƯƠNG BINH
Trại 4 Ái Tử một ngày 1975
Đào ngồi chuốt lại những sợi lạt trong khi chờ tiếng kẻng báo lãnh nước sôi dưới khối 'anh nuôi '. Vừa vuốt lạt, hắn vừa để tâm trí hồi tưởng lại bao hình ảnh lướt qua trong đầu... y như giấc mộng...Cặp 'lon omega', chưa kip uống rượu lên một "mai vàng" thì cái chân đã "giã từ vũ khí" rời xa thân thể để lại hắn cái nạng gỗ bất lực, trơ cứng!
Chưa yên, về lại địa phương hắn vẫn bị đưa lên đây.
Không cuốc được, Trại Bốn cho Đào "chức vệ sinh viên", cái tên lạ hoắc. Thật vậy, từ lúc Đào cất tiếng khóc oa oa chào đời đến nay hắn mới nghe!
-À, mà rứa cũng nhàn. Có lúc Đào tự an ủi.
Ngày qua ngày, công việc trong trại của Đào là ngồi chờ nhận nước sôi nhà bếp. 'Tù anh nuôi' khoảng chín giờ sáng sẽ gánh lên bỏ trước cửa cho Đào.
Đào sẽ chia nước sôi vào mấy cái lon gô hay mấy cái bình tông (bi đông ) anh em đi làm ngoài gửi lại. Chia xong nước, Đào cẩn thận bỏ vào đầu chỗ ngủ từng người. Hai dãy sạp lát bằng những tấm ri đào từ căn cứ Ái Tử về đây, xem chừng là những "thiên đường an dưỡng" cho mấy thằng tù. Một ngày cuốc đất cật lực sau mấY cái rẫy sắn trải dài theo mấy rặng đồi nhấp nhô dưới tầm mắt Đào.
Những sợi lạt chẻ ra từ mấy lóng cây giang, giờ láng bóng , mảnh, dẻo dai theo đường rựa mà Đào lia lịa vuốt . Những cái rá, rỗ, nho nhỏ dùng chia phần sắn - khoai, coi bộ Đào làm càng lúc càng đẹp.
Bao hình ảnh thoáng qua... những ngày mới ra đơn vị, vội vàng, những giờ phép chưa bao giờ được hưởng. Mới ra trường vai áo chưa sờn. Cặp lon 'quai chảo" vàng chóe chưa kịp đen sỉn đi trong màn sương của ngọn Bạch Mã nhìn qua Động Truồi, hắn đã bị "loại khỏi vòng" chiến?
- Lẹ quá!
Hắn tưởng nằm mơ?
Ái Tử nhìn về Quảng Trị, thành phố bên kia con sông Thạch Hãn khuất hình dưới mấy rặng tre ven bờ Trà Liên. Giờ sao hắn thấy xa lắm? Tù trên này nhưng trong tâm tư hắn lại tưởng đang lạc lên thế giới đâu đâu khuất hẳn cõi trần?
Tiếng kẻng báo đi nhận nước sôi đưa hắn về thực tại. Hắn chống nạng ra trước cửa lán nhận phần nước sôi do nhà bếp gánh lên chia cho khối hắn.
Con suối chảy qua năm trại cuốn theo bao chất thải... phần nước sôi của từng anh em, chiều về sẽ là nguồn sống cho từng bạn tù. Hắn biết nên quí trọng đến từng 'nắp bi đông" nước chia đều cho từng người.
Mấy thằng bạn đi làm ngoài được xem vậy mà vui hơn, có thể nói là hạnh phúc hơn hắn. Khi từng toán người ra khỏi hàng rào trại, hắn thường một mình lang thang phia trong. Ngoài cái chức "vệ sinh viên" chán nản kia, hắn chẳng biết làm gì hơn ...vót lạt, đan rổ, rá giải buồn. Ngoài kia, bên rặng đồi hay trên mấy dãy núi xa những bạn tù có thì giờ tìm gỗ, chặt củi, cuốc đất dưới khoảng trời bao la, có nhiều gió nắng, những đồi sim tím bạt ngàn tha hồ 'hái lượm'...
Hôm nay chỉ còn mình Đào trong trại. Anh em lớp đi rừng, lớp đi cuốc đất vừa khai phá ở mấy triền đồi cạnh cái thôn, lúc trước trong bản đồ có cái tên là "Ái Tử Phường". Trại giờ vắng hoe chỉ còn Đào ngồi trước cửa ra vào của cái lán tranh. Cận kề bên người 'vệ sinh viên' bất đắc dĩ là cái nạng gỗ, cái rựa què, cái rá đang đan dở dang.
Đôi lúc hắn thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Cũng có lúc hắn lại cảm thấy an phận lẫn chút thanh nhàn. Nhưng ngoài lớp hàng rào kia, những đứa bạn tù đang lao động dưới bầu trời nắng gió lại có một cái gì 'tự do' hơn hắn. Đó là cái giá trị của những người còn đầy đủ tay chân và dỉ nhiên là hơn hắn.
Cuối cùng hắn thương hại cho thân hắn, vẫn mãi buồn hơn những thằng bạn tù khác, dù mang chung một số phận giống nhau.
***
THÁI ĐÀO VỀ LẠI VỚI THƠ
Thơ của Thái Đào có lối dùng chữ, và dụng ý rất riêng .Thái Đào không theo quy luật nào trong thơ, Thái Đào chỉ dụng ý.
Khi chúng ta đọc chậm rãi để hiểu sâu hơn thì sẽ nghiệm ra một tâm tư tiềm ẩn trong thơ của Thái Đào?
Khó ai biết được?
Mời quý bạn vào thăm bài thơ ĐỪNG VỘI ĐI ĐÂU của Thái Đào trên trang NH 6572
Có những nỗi buồn mưng mầm trái độc
Tôi mang chiều đi suốt tịch liêu
Vãng bóng hồn xưa, ơi thời trẻ dại
Em nhạt nhòa về
Sương ảnh cơn mưa.
Mưa ướt tóc nhau
đường về xa ngái.
Mưa nặng lòng kẻ đợi người trông
Đừng vội đi đâu
Chớ vội qua cầu
Tiệc phù sinh em vừa nâng chén.
Ngày quăng quật cơn đau khát vọng
Tay run dài ôm không chặt tương lai
bóng ngã đồi đông
bóng xế tây đoài
Tôi tìm em ... phố phường lạc nẻo.
ôi tìm em
Mắt sâu tối thẩm
Bài ca từ hát vọng mai sau
đã thảm thiết trong ngày đọng bóng
con chim lạc bầy
nhớ bạn kêu thương.
Đừng vội đi đâu
chớ vội theo ai
những nụ hồng có nhiều gai độc
cào xước tim nhau
cào nát đời nhau.
Mưa ướt mắt em
một trời hoang dại
một trời bơ vơ lạnh lối đường về
Tiệc phù sinh dẫu đau phát khóc
Đừng vội đi đâu
Chớ vội về trời ...
Dẫu quăng quật xẻ bờ tóc rối
Em hãy còn mở hội trần gian.
THÁI ĐÀO
TX Quảng Trị
No comments:
Post a Comment