Wednesday, December 4, 2024

CHÁU ƠI SAO QUÁ DƯ THỪA


                                            TIẾP TỤC QUA NHÀ CHÁU NỘI NĂM NAY  ĐỒ CHƠI PHÒNG CHÁU NỘI RÔ 11/2024 SAU KHI CHO BỚT MẤY BAO NAY TRONG PHÒNG CHÁU CŨNG DƯ THỪA CÒN NHIỀU HƠN CHÁU NGOẠI NỮA?


    Mới ba sinh nhật mà đồ chơi trẻ con của thằng cháu ngoại vợ chồng tôi sao nhiều thế này? Xe truck, camion, máy bay, siêu nhân…không kể hết. Bạn bè vợ chồng con gái tôi đông, dĩ nhiên xứ này đồ chơi mỗi lần sinh nhật lại không biết bỏ đâu?

Dần hồi có một cảm giác ái ngại đối với cháu ngoại tôi, có thể riêng tôi ‘khám phá’ ra là nó đang ‘lâm vào khủng hoảng dư thừa’? Thứ tâm lý này do ông ngoại nó biết chứ thằng cháu làm sao hiểu thấu? Đứa cháu chỉ lâm vào hậu quả không biết thích chơi cái gì nữa? Nó đá lông lộc một thứ một nơi. Có thứ nào nó thích lắm cũng chỉ hai ngày là chán. Ông ngoại giữ cháu, mất công dọn dẹp… có những thứ đồ chơi nhỏ bé linh tinh, nó lại nghịch đổ ra một đống, ông ngoại lại xếp vào thùng đủ mỏi cả lưng. 

Rồi tôi ngồi suy nghĩ...


TÉ RA THỪA CŨNG KHỔ?



                                    ***


Có khi ngồi giữ cháu người ông nhớ về quá khứ, một thời khổ cực trước đây bên quê nhà. Ngoại nhớ con búp bê “mắt nhắm mắt mở” làm sao! Đó là nhờ chuyến đi xa thăm bà con, được mớ tiền, nhịn sắm mua cho con gái- tức mẹ đứa cháu ngoại hôm nay. Ôi con búp bê kia quả là 'một trời thích thú' của đứa con gái vợ chồng tôi. Kiếp sống rẫy nương làm gì sắm nổi? Con gái tôi ‘vang danh’ khắp xóm nhờ con búp bê mắt ‘nhắm mở’ này. Bạn nó quanh xóm, đứa nào thân con tôi chỉ cho bồng hay rờ “một xí” thôi, không hơn không kém. Con gái tôi say mê với con búp bê chơi không hề chán, lũ bạn nó chuyên ...la cà xin xỏ. 

Thật là cả một bầu trời vui sướng cho con gái tôi nơi vùng nương rẫy!

***




Con búp bê tôi nhớ trong khoảng thời gian gian nan nghèo khó như thế quả là của hiếm. Mà nó hiếm thật; trong xóm nhà vợ chồng tôi ở chỉ một mình nó thôi! Nó được con gái tôi nâng niu, lại còn được bà xã tôi may cho "áo mới". Con gái tôi chơi con búp bê đó cho đến lúc nó cũ mèm, màu da nhạt đi, mắt không còn ‘nhắm mở’ được...rồi cho đến khi búp bê mất cả cánh tay. Thế nhưng con tôi, lũ nhỏ bạn chúng vẫn chơi suốt một thời gian cho đến ngày gia đình tôi từ biệt quê hương, ra đi.


Tôi cho rằng, phải chăng “nghèo là một triết lý”? Ý nghĩ này có thể đúng phần nào đó khi người ông đang nhìn vào từng đống đồ chơi dư thừa của bầy cháu.  Cảnh con nít xứ Mỹ đang thừa mứa đồ chơi quả là một vấn đề cho tôi nói lên điều đó. Sự thật như thế, đâu phải riêng cháu tôi? Con nít nhà nào ở đây cũng một phòng đồ chơi đầy ăm ắp. Túng quá có nhà bê luôn cả thùng đem bỏ lề đường do con cháu họ chẳng còn “đoái hoài”? Cái nghịch cảnh do dư thừa là thế? Cha mẹ chúng ở đây cũng biết dư thừa là lũ nhỏ nó mau chán nhưng một lần đi shopping thương con không sắm không được.

Hay cứ lần sinh nhật hay Giáng Sinh …là dịp quà gói đầy nhà…và nhà khác cũng thế.


Vợ chồng tôi vừa qua tiểu bang khác thăm đứa cháu nội con của con trai thứ hai. Nó sinh sau hai đứa cháu ngoại ở đây. Đứa cháu nội tôi cũng lâm vào thứ “bệnh dư đồ chơi” này chẳng chút gì khác biệt. Đồ chơi nó đầy một phòng ngủ, lại lan qua phòng living room, rải rác góc bếp hoặc cầu thang. Lại tội cho đứa cháu nội. Bốn ngày thăm cháu, tôi chẳng được phút nào mục kích nó “mân mê” thứ đồ chơi nào cả? Nó chẳng thích và chẳng "đoái hoài".


Rồi năm nay 2024, nhà 2 đứa cháu nội con trai cả- cu Rô cu Ryn đồ chơi lại đầy ăm ắp còn ...nhiều hơn mấy đứa cháu trước nữa?!


Hình ảnh ngày cuối tháng 11/ 2024 nhà cháu Đích tôn - cu Rô đồ chơi dư thừa không chơi lại bỏ một ...đống sau khi vừa cho bớt mấy bao lớn?






ngày xưa gia tài của tuổi nhỏ có thể chỉ vài viên bi nhưng quả là một niềm vui sướng lớn lao

Phải chăng do quá dư thừa, mà con cháu chúng ta ở xứ này không hề có được cái cảm giác hạnh phúc sung sướng khi sự ước ao được thỏa mãn? Tôi lại tưởng tượng giá như cháu tôi chỉ có một chiếc xe nhựa nho nhỏ nào thôi, không còn sự chọn lựa nào khác, có thể nó có những phút giây sung sướng ngập tràn.

 Nếu như người ông có "phép mầu" nào đưa mấy đứa cháu về lại thời ông chúng hay cha mẹ chúng. Ôi nhớ làm sao...cái chong chóng làm bằng lá dứa dại hay vài viên bi hay chỉ một con búp bê thôi; có thể mấy đứa cháu thời bây giờ sẽ mân mê, sung sướng ngập lòng.

Có thể người viết nghiệm ra: ở đây nên cho con nít 'in ít'  đồ chơi thôi, chớ cho chúng dư thừa nữa. Hãy cho nó một hay nhiều lắm là hai thứ chơi thôi? Có thể chúng thích ngay.

Đôi khi chúng ta ngồi nghĩ lại: té ra thừa cũng khổ! người ông lại thấy thương cho mấy đứa cháu chẳng hề "chịu chơi" trước cả 'núi' đồ chơi quá nhiều như thế? Khi có quá nhiều chọn lựa, chính người lớn cũng lúng túng không biết chọn thứ gì huống gì trẻ nhỏ. 

Nhìn cảnh thời nay mấy đứa cháu nội- ngoại chẳng đoái hoài gì bên đống đồ mà lòng ông lại thấy tội cho các cháu biết chừng nào? Người ông nói thật lòng  khi nghĩ mà thấy "tội" cho các cháu. Lý do dễ hiểu khi sự THÍCH THÚ, MÂN MÊ của các cháu khi không bị "đánh mất" tự lúc nào? Niềm thích thú hay cảm giác mân mê tuổi nhỏ té ra từng được mang lại từ sự chừng mực và hạn chế hay nói đúng ra là vừa phải thôi. Giá như mà được thế thì các cháu của ông đây sẽ vui sướng biết chừng nào? 

Đây là suy nghĩ thật lòng của một người ông khi nghĩ lại một quá khứ của thiếu thốn mọi thứ trên đời nhưng đổi lại cái giá trị vật chất từng có được cái giá của nó đích thực hơn cái thời đại dư thừa của các cháu hiện nay. Dù ở Mỹ hay tại các thành phố bên quê nhà hiện nay có thể đang lâm vào một tình cảnh chung cho bao lớp trẻ nhỏ đó là quá thừa quá dư?

Ông tin có ngày các cháu hay ba mẹ các cháu sẽ tin vào điều ông nghĩ./.


ĐHL 2/12/2021

edit 4/12/2024

No comments:

Post a Comment