LỜI GIỚI THIỆU CỦA NHÀ VĂN TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI
QUẢNG TRỊ Ở MÔ?
Viết cho Đinh Hoa Lư
tác giả./
Quảng Trị ở mô?
Xin nói ngay: Ở trong sách của Đinh Hoa Lư.
Đọc sách của Đinh Hoa Lư, người cố cựu sẽ thấy "Đây mà. Quê tui."
Người thế hệ sau cũng thấy "mình trong đó". Những người gốc gác ở Quảng Trị, nhưng chưa từng ở Quảng Trị ngày nào, cũng thấy dù Quê hương không phải là "chùm khế ngọt", nhưng cũng gặp rất nhiều thứ... để ăn và ... để uống. Cũng có lắm người thấy mình "Chiều hành quân, qua những đồi sim, những đồi hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt..."
Sở dĩ tôi nói như vậy thì sách của Đinh Hoa Lư nói đủ cả, đủ thứ chuyện. Có những cái "xưa sao nay vậy", là những xôi gà, tô bún, cái bánh ít, bánh chưn không khác ngày xưa bao nhiêu; có những cái người ta tưởng nó mất tích, mất dấu rồi - có nhiều cái mất thiệt, không ai thấy nó còn "hiện hữu" nữa.
Nhưng nó còn hiện ra đấy, không phải trên đất Quảng Trị, mà nó hiện ra trong sách ông Lư, rất rõ ràng, chi tiết, màu mè như "hột nổ" hoặc đơn giản như miếng bánh đúc, chỉ có màu gạo, và màu lá chuối, tô nước ruốc nhiều ớt đỏ, rất cay.
Đọc để phục trí nhớ của tác giả.
Ông ta nhớ rất nhiều thứ: Từ những cái "to đùng" như ngôi nhà lầu của ông Khiết, chủ tiệm Tân Mỹ, cũng như chục cái nhà lầu mới xây thời kỳ Mỹ đóng quân ở Ái Tử. - Tôi có cái "nghi" việc Mỹ đóng ở Ái Tử làm cho một số đông người dân thành phố nhờ buôn bán với Mỹ mà giàu nhanh.
Bên cạnh những ngôi nhà lầu nhiều tầng to lớn là những miếng ớt, hột tiêu dập hay lá hành nhỏ trong tô bún bò, tô phở hay tô cháo lòng
Quảng Trị nghèo tiền nhưng không nghèo ăn. Có nghĩa là Ông Đinh Hoa Lư sẽ dắt độc giả đi ăn rất nhiều nơi, từ những quán, tiệm ngon dành cho người có tiền, có tiền thôi chứ chưa cần giàu như tiệm Nhuận Ký, Hòa Mỹ cho đến những quán cóc, quán lá trong góc, trong hẽm của những đường phố chính như Trần Hưng Đạo/ Quang Trung
Quảng Trị giống Huế một cái như in: Gánh hàng rong. Ở Quảng Trị nếu muốn ăn ngon, không cần a quán, ra tiệm. Chờ một chút, sẽ co gánh bún bò, cháo lòng, cháo huyết, "chè đậu xanh, đậu ván" của o Sắt, thím Thuận, "mự" Bái gánh ngang qua. - "mự" là "mợ" đấy, tiếng "Quảng Trị tui" - "Ưng thì kêu vô". Có điều, bún bò Quảng Trị không giống bún bò Huế chút nào. Có nghĩa rằng bún bò Quảng Trị tui rất chơn chất: Đã gọi là bún bò là bún bò, nghĩa là chỉ có bún và thịt bò, không thêm khoanh giò heo, cái móng lợn như bún bò Huế. Đôi khi sợi bún không trắng phau mà lại có màu nâu. Bún làm bằng "gạo lứt" tức là hột gạo chà không sạch cám. Người ta không nghĩ theo "khoa học hiện đại", không sạch cám để giữ lại "B oong" - B/1 - mà chỉ là kinh nghiệm y học ẩm thực truyền thống tổ tiên để lại.
Tôi chỉ nói chừng ấy thôi.
Để dành cho độc giả đọc trong sách Ông Hoa Lư.
Dĩ nhiên, mỗi thế hệ mỗi khác. Thế hệ của tôi là thế hệ... Võ Tử Bé. Ông Lư gọi ông Bé bằng cậu. Như thế là... ông Lư sau tôi một thế hệ.
Thế hệ tôi là thế hệ "nửa nạc nửa mỡ", tức là thế hệ ngồi chờ "Bắc Việt xâm lăng miền Nam". Chờ nó đánh mình thì mình đánh lại, chứ không chịu tụi nó đem quân vô nhuộm đỏ miền Nam.
Thế hệ ông Lư là thế hệ "xe tăng, đại bác, hỏa tiễn, "Bộ Đội Bắc Việt xâm lược" tràn khắp thành thị thôn quê, mà Quân Mỹ cũng theo chân Chúa Nguyễn Hoàng "đóng quân ở Ái Tử" rồi.
Súng đạn tới nơi rồi, nên dù thế hệ tôi hay thế hệ ông Lư, "Quảng Trị tui" cũng đã có nhiều ly biệt xảy ra ở sân Ga Quảng Trị. Đó là nơi có những chuyến tàu lầm lũi đưa thanh niên bọn tôi đi về phương nam xa hút, xa biền biệt... nơi có nhiều quân trường dành cho bọn thanh niên "đi mài kiếm" để làm nhiệm vụ của "thất phu hữu trách".
Thành ra, "Ga chiều phố nhỏ" mà không thấy anh về, "Cổ lai chinh chiến địa", là "Người đi không về chắc rằng có người nhớ, hương khói chiêu hồn, hiu hắt những chiều trận vong..."
Đối với tôi, Ga Quảng Trị là một nỗi buồn ám ảnh ghê gớm, không phải vì "Hùng móm" tử trận cách cái ga ấy chưa đầy hai trăm thước, mà nó chính là nơi, tôi thấy hình ảnh nhiều đứa bạn, xách Ba-lô lên tàu rồi đi mãi không về...
Thành ra, lòng tôi không khỏi buồn khi tìm trong sách ông Lư mà không thấy cái sân ga, không thấy những toa tàu đi lầm lũi và không nghe tiếng còi tàu réo gọi lúc đêm khuya.
Từng người, từng người xuống, người có đôi
Tôi cố trông mà chẳng thấy em đâu
Buồn muốn khóc khi bay chiều nay
Khi người cuối cùng cũng không phải là em
Hoàng Long Hải
TỔNG HỢP 1- CÁC BÀI KỂ VỀ CHỢ TỈNH QUẢNG TRỊ NĂM XƯA CỦA ĐINH HOA LƯ
mục lục
0- TÀU ĐÊM NĂM CŨ
1- CHỢ TỈNH NGÀY GIÁP TẾT
2- CHỢ QUẢNG TRỊ VÀ THÔN ĐỆ NHẤT
3- CHÚ QUÝ PHU CHỢ hay VỊ 'VUA' KHÔNG NGAI TRONG CHỢ QUẢNG TRỊ NĂM XƯA
4- XE MỲ PHỐ XƯA
5- CHÁO TIM CẬT TIỆM LƯU KHÁCH
6- ẢNH QUÁN LIDO (TIỀN BẠC KHÔNG MUA LẠI ĐƯỢC HÌNH ẢNH NGÀY XUÂN)
7- HƯƠNG CẢI NĂM XƯA
TÀU ĐÊM NĂM CŨ
Lời bạt của người viết
Thưa bạn đọc
Nhân đọc lời giới thiệu của nhà văn Tuệ Chương Hoàng long Hải, ông "buồn" do chưa thấy cái sân ga trong hồi ký của ĐHL? Xin thưa, thật ra NÓ có nhưng vì viết sau cùng nên Nhà Văn chưa đọc. Nhà văn buồn cũng phải do ông không thấy bóng dáng cái sân ga Quảng Trị, một ngày xưa nơi từng đưa tiễn bao người trai lên đường "gác bút nghiên theo nghiệp kiếm cung" nhưng đau lòng thay chẳng mấy ai hẹn được ngày về. Có người về lại cố hương, chỉ cách cái sân ga ôm đầy kỷ niệm chỉ một với tay thôi nhưng đành thúc thủ khi số phận đã định phần như người anh hùng binh chủng nhảy dù có biệt danh "Hùng Móm", lúc đơn anh tái chiếm Thành Cổ vào năm 1972.
Tác giả xin mạn phép đăng lại bài viết TÀU ĐÊM NĂM CŨ như là một lời cám ơn và thông hiểu đến nhà văn Tuệ Chương vậy
ĐHL
TÀU ĐÊM NĂM CŨ
Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga
Đưa tiễn người trai lính về ngàn
Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay
Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo ...
Tôi hay dùng lại tiếng tàu hỏa tiếng ngày xưa người mình hay dùng để chỉ tàu lửa. Đó là những chiếc tàu chợ phun khói phùn phụt và hú từng hồi còi dài. Hơn nửa thế kỷ qua rồi, giờ đây có thể các bạn đang ngồi trong những toa xe hạng sang xuyên Việt, có đầu máy chạy bằng diesel tối tân với tốc độ nhanh chưa từng có.
Hình ảnh chiếc tàu hoả năm xưa không lạ đối với lớp người lớn tuổi, nhưng thế hệ bây giờ có muốn đi cũng không có?
Ôi một thời tàu chạy lắc lư những cột khói đằng đầu tàu phun lên tiếng còi tàu huýt liên hồi khi gần đến ga nào đó...
Tàu đi qua những vùng hoang dại thôn dã ruộng nương mỗi lúc rời sân ga và xa thành phố.
Tàu đi, tàu về người thương kẻ nhớ...hình ảnh tàu xưa từng xúc động trái tim người nhạc sĩ để cống hiến cho đời nhiều bản tình ca từng rớm lệ bao người!
Con tàu năm cũ đối với người nhạc sĩ đó là chia phôi hay đợi chờ. Một ngày xưa đôi lứa yêu nhau với bao tình cảm mặn mà lãng mạn xúc động biết bao! Tàu xưa cũng là bao chuyến tàu năm cũ từng lần lượt tiễn đưa nhiều lứa trai miền nam lên đường tòng quân giữ nước. Nắm cơm thơm mẹ bới, đôi tay gầy rờ lại bờ vai đứa con thân yêu trước khi con bước lên tàu. Bầy em nhỏ rưng rưng ngấn lệ cùng ngẩn ngơ nhìn theo người anh mất hút theo con tàu đi xa xa cho đến lúc tàu chỉ còn phất phơ đôi làn khói xám...nói mấy cho vừa chuyện con tàu năm cũ cùng cảnh biệt ly?
Người viết khơi lại hình ảnh chiếc tàu hỏa xa xưa, có nghĩa là khoảng thời gian cuối từ 1960 trở về trước khi con đường sắt cận sơn tỉnh Quảng trị còn đi qua những vùng hẻo lánh - hoang vu. Lúc này đường xe hỏa trong Nam vẫn còn xuyên suốt từ Sài Gòn ra đến Đông hà. Thế hệ sinh sau 1970 có thể nhìn thấy những đầu máy xe lửa cổ xưa, đen sì chạy bằng than đá và củi trong sách vở. Riêng thế hệ chúng tôi còn có cơ hội đi trên những chuyến tàu chợ ngày xưa, trước khi chúng bị bỏ hoang phế ở những góc vắng tại các nhà ga lớn nào đó.
Ngày đó, nhà ga xe lửa Quảng Trị cách cầu Thạch hãn không xa. Bởi thế ngày xưa dân mình hay gọi cầu này là Cầu Ga. Tàu từ Đông Hà vô, dừng Ga Quảng Trị. Ngược lại muốn ra Đông Hà, bạn có thể tới Ga Quảng Trị đáp chuyến tàu ra. Chiếc cầu dành cho cả tàu hỏa và xe hơi, nên mỗi khi có tàu qua xe và người đi bộ đành phải chờ. Thời này tôi hay đi tàu hỏa dù chỉ một đoạn ngắn từ Quảng trị vào Mỹ chánh hay từ Quảng trị ra Đông hà.Nhà mẹ đích tôi kế chợ Mỹ chánh, mỗi lần tôi từ Quảng trị vào thăm xong tôi đi lên ga xép Mỹ chánh đón cho được chuyến tàu chợ cuối ngày để ra Quảng trị.
Tôi mường tượng hình ảnh cũ. Thời con nít, cái gì cũng vĩ đại. Đi được với người thân trên tàu đối với tôi chẳng khác gì là một chuyến viễn hành. Tôi nhớ mang máng nhà ga Mỹ chánh nằm trên một khoảng dốc khá cao. Tôi ngồi đợi tàu với ba mình, trong lòng thấp thỏm ngóng mong. Có tiếng còi tàu từ Huế ra, hú lên từ xa. Những hồi còi, lúc đầu con nghe văng vẳng nhưng càng lúc càng to. Từ xa, một cái chấm đen tròn, cột khói đen ngòm bốc lên. Cái đầu tàu đằng trước, khói bốc"phì phò"càng lúc càng rõ. Rồi tiếng rầm rập trên con đường sắt. Hồi hộp làm sao khi cái khối sắt kia từ từ chậm lại rồi dừng hẳn trước cái sân ga nhỏ bé, đìu hiu.
Tàu chợ tạm dừng ít phút, lấy thêm khách hay cho một vài người xuống. Cột khói từ trên cái đầu tròn dài đen nhẵn của đầu máy còn "gầm gừ" như 'doạ nạt' thằng bé như tôi. Trong trí tưởng tượng của tôi lúc đó, những bánh xe sắt khổng lồ của đầu tàu cùng lửa, khói, hợp lại trông chẳng khác gì một con “quái vật” đen đúa đến ghê sợ. Đó là bao dấu ấn hằn ghi trong trí óc trẻ thơ.
Người phu lái tàu áo quần đầy dầu mỡ, xốc xếch, nhảy xuống khỏi đầu phòng lái. Hình như ông chỉ đứng lái tàu chứ không ngồi như bác tài xế xe hơi. Đứa bé như tôi, nhớ mang máng, ông lái tàu vội vàng dùng cây sắt dài, hì hục nạy đống lửa và than đang cháy hừng hực trong cái đầu tàu. Đó là công việc chuẩn bị cho đầu tàu tiếp tục chạy ra Quảng Trị.
Lại hồi còi khác lanh lảnh rúc lên, đằng trước nhà ga người phu trạm phất lá cờ đỏ báo hiệu cho con tàu lăn bánh. Tiếng “sình sịch, sình sịch", lúc đầu còn chậm sau nhanh dần. Tàu từ từ rời ga Mỹ chánh, người phu trạm đứng ngó theo. Bóng ông cùng cái nhà ga khuất dần.
Đã là tàu chợ thì nó phải chạy chậm. Tàu vừa chạy vừa lắc lư. Tôi được dịp ngắm say sưa những triền cát, nhiều vạt rú càn cùng nhiều mảng đồi hoang sơ hoang vắng. Nhìn lên xa, bên trái là dãy núi Trường Sơn, trùng trùng điệp điệp. Tất cả gom lại tạo cho tôi thứ cảm giác “phiêu lưu, mạo hiểm” cho một đứa nhỏ đi xa. Con tàu vẫn nhịp nhàng lắc đều. Thỉnh thoảng tàu kéo lên một hồi còi, phá tan không gian tĩnh lặng. Gần đến ga Quảng Trị, tàu kéo còi liên tục. Tôi sắp về đến nhà cùng với niềm vui của một đứa bé đi chơi xa về lại thành phố.
Lớn thêm một ít, tôi có dịp vào Huế về thăm quê nội tôi tức là Truồi và tôi cũng có dịp đi tàu hỏa nữa. Rồi tôi còn được theo người lớn cùng lấy vé tàu tại ga Truồi mà vào đến Đà Nẵng. Nói sao hết nỗi vui mừng của tôi với cái thú "phiêu lưu " xa xôi như lúc này. Làm sao quên được hình ảnh sóng nước rì rào khi con tàu chạy men theo bên đầm Cầu Hai, Đá Bạc, giã từ cái đầm Lăng cô, tiến sâu vào chân núi Hải vân.
Nếu chúng ta hiện nay có những phương tiện dồi dào - hiện đại thì mới thấu được nỗi “gian nan" của chiếc tàu chợ đen đúa năm nào. Chiếc đầu máy chạy bằng than phải ì-ạch kéo cả đoàn tàu qua núi Hải vân nơi có những độ dốc khiến nó phải "phì phò" phun khói dày đặc tưởng chừng muốn "ngất lịm " đến nơi .
Hầm tàu Hải Vân
Cảm giác rờn rợn của tôi tăng lên khi con tàu phải chui qua mấy cái hầm dài xuyên qua núi Hải vân. Những toa xe không có điện, tối om như cảnh “âm ti địa ngục”. Mỗi lúc qua một hầm, mấy kẻ thích đùa cứ la hét vang lên như dọa nạt những ai yếu bóng vía. Khói tàu trong hầm chui vào hết trong các toa, mùi hắc ín mùi khói than khét lẹt. Con tàu trước khi vào hay ra khỏi một hầm, thường hú lên một hồi báo hiệu. Cứ mãi vậy cho đến cái hầm thứ thứ 6 - cái hầm dài nhất thì mới qua ranh giới Đà Nẵng. Toa xe sáng lần lên cho đến khi tất cả đều lọt vào khoảng trời quảng khoát bên ngoài. Ai nấy đều hít thở sảng khoái, nhìn lại nhau thì ôi thôi mặt ai cũng có một lớp mỏng muội khói.
Một thuở thanh bình người dân tự thoả mãn với những gì hiện có trong tay. Người ta đi tàu chợ, Nhiều khúc củi to tướng đốt lẫn với than. Hình ảnh những cột khói hình nấm, phùn phụt bay lên trời cao cùng tiếng còi tàu hú dài lê thê nhưng đem niềm vui cho khách đi tàu.
Làm sao tôi quên được những lúc đợi con tàu về ga cũ. Tôi đã áp tai vào đường tàu cố lắng nghe chấn động con tàu lan truyền từ những dặm xa. Có tiếng còi tàu xa xa âm thanh mơ hồ -phảng phất. Niềm vui của tôi tăng dần khi nhìn thấy làn khói đen từ phía chân trời cùng lúc tiếng còi tàu to dần liên hồi như tiếng reo vui của người con đi xa nay về lại cố hương. Đoàn tàu thân quen đã về bến cũ để đón thêm người đi, lưu luyến chia tay cho ai ở lại. Từng cụm khói tàu bốc cao lên trời, tàu vẫn tiếp tục chuyến viễn hành, vẫn tiếp tục chia phôi, để lại phía sau một sân ga bé nhỏ cùng số phận đợi chờ.
Con tàu năm cũ sẽ đưa chúng ta về với thời hoang dại. Những chuyến tàu hoàng hôn ra đi về bóng tối của thời gian; nơi đó đã chôn kín bao kỷ niệm vơi đầy, một thời tuổi nhỏ.
Rồi thời gian trôi mau, phôi pha bóng dáng con tàu ngày xa xưa đó. Chiến tranh tang thương ập tới bao nghiệt ngã oan khiên đẩy đưa thế nhân vào vùng khổ ải bởi vì ai? Bao nhân ảnh cuộc đời cũng lần hồi nhạt nhòa theo quá khứ. Bao lứa trai ra đi chẳng hẹn ngày trở lại. Từng hồi còi lịm tắt - từng sân ga xa bé nhỏ của thành phố năm xưa vẫn mãi đợi người về. Người đi kẻ đợi đoàn tàu khuất dần theo bóng tà dương. Nơi chân trời góc bể nếu có ai ngồi nhớ lại ga xưa chợt nghe đâu đó thoảng đưa thanh âm giục giã của Tàu Đêm Năm Cũ về lại ga chiều Quảng Trị ./.
edit 3/12/2024 by ĐHL
-0-0-0-
Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ ?...
(Những ngày xưa Thân Ái / Phạm Thế Mỹ)
CHỢ TỈNH NGÀY GIÁP TẾT
Tháng Chạp phố chợ đang chuẩn bị đón Tết, mọi người mua bán trong cơn mưa nhè nhẹ. Quanh chợ, người mua kẻ bán thấy toàn nón lá nhấp nhô. Khách mua hàng vây quanh mấy chiếc ‘du du’ trông như những chiếc dù lớn, hình vuông mà những người bán hàng đã thuê từ phu chợ.
Khách đi chợ đa số đều choàng quanh người bằng những tấm ny-lon che mưa đơn giản. Từ mấy làng gần Tỉnh, dân quê đã gánh lên mấy thứ rau trái trồng ở nông thôn. Mọi người đi vào trung tâm chợ qua tám hẻm phố. Hẻm cạnh Ảnh quán Li Đô đây là khu vực rau tươi. Có mấy gánh cải cay từ Nhan Biều qua hay từ Sải gánh lên từ lúc rạng sáng. Người dân quê phải gánh bộ năm, bảy cây số mới lên đến chợ Tỉnh.
Ba ngày tết, nhà nào cũng không thể thiếu thứ cải cay do nó dùng để làm dưa. Thứ dưa cải cay ngày đó có một vị cay đặc biệt. Lúc chúng ta ăn hương cay bốc tận hốc mũi, thế mà mấy ngày tết ai cũng cần có dưa cải cay. Sau này, đi đâu người kể cũng không thể thấy được loại cải nào có hương vị cay hơn. Người dưới quê còn gánh lên chợ tỉnh một thứ đặc biệt nữa, đó là cây củ kiệu. Khí hậu Quảng Trị rất hạp với giống cây kiệu. Kiệu được trồng nhiều nên người ta bán được từng gánh. Kiệu mua về, được làm dưa cả ba phần: rễ, củ, và lá chẳng bỏ phí thứ nào. Dưa kiệu Quảng trị cũng có hương vị riêng. Nhắc đến dĩa dưa giá mấy bà nội trợ nơi quê nhà thì không bao giờ thiếu được kiệu và dĩa dưa giá luôn đi kèm theo dĩa thịt heo ba chỉ, luộc săn giòn.
mũi tên là lầu nhà thầy Hồ thế Vĩnh Ngôi sao là ảnh quán LiDo
Con đường Trưng Trắc bốn cạnh hình vuông bao quanh khu chợ, san sát tiệm hàng. Khu phố quanh chợ cung cấp nhiều mặt hàng sỉ và lẻ đi khắp nơi. Tuy nhiên có điều lạ, tám hẻm vào chợ thì dành cho người "buôn thúng bán mẹt" hay từ dưới quê lên bán những nông phẩm gì họ có được, chẳng ai gây khó cả.
Rời mấy gánh rau cải tại con hẻm sát cạnh Ảnh Quán Lido, chúng ta sẽ thấy mấy bà nội trợ đang chờ đến lượt mình được cắt (bào) từng mớ gừng để làm mứt. Gừng có được thuê cắt thì lát mới to và đẹp. Gừng Quảng trị cay thật, mứt gừng nếu ít cay khi thưởng thức với trà ngon trong dịp Tết thì sẽ mất hương vị đi nhiều! Thời gian này những sạp mứt bánh đã được bày bán nhiều, nhưng mứt bánh chợ Tết Quảng trị nói chung đơn sơ, bình dị không màu mè kiểu cách lắm.
Ngước mắt nhìn lên đó là mấy tiệm thuốc lá cẩm lệ đang cắt thuốc tối đa mới kịp bán cho khách hàng. Đứng đây ta chỉ nghe tiếng máy chạy xình xịch suốt ngày. Ngày cận tết thuốc cẩm lệ bán được nhiều. Có thể có bạn đọc còn nhớ tên hai tiệm thuốc cẩm lệ này. Người viết chỉ nhớ bảng hiệu có chữ Phát đằng sau...Hai ông chủ người Quảng Nam, nhân công khá đông, đều là đồng hương với nhau cả. Thợ thầy luôn tay tẩm và cuốn từng đống thuốc thành những cuộn tròn trông như những con rắn màu vàng nhạt đang khoanh mình trên nền xi măng bóng loáng. Thuốc cẩm lệ bán nhiều như thế mới biết người QT mình hút thuốc nặng thật. Ngày trước người kể chuyện từng thử hút cẩm lệ nhưng nặng quá đành 'bỏ cuộc'.
Hướng bờ sông từ đường Gia Long đi vào, đối diện hai tiệm nông ngư cơ và tạp hóa Quảng Tường là hẻm thông vào chợ. Ở đây có tiệm mễ cốc Nguyễn Xuyến, dân quê gánh than củi từ các làng thượng nguồn sông Thạch Hãn như An Đôn, Tích Tường, Như Lệ hay xa hơn nữa tận Trấm về bán tại hẻm này.
Có lúc trời mưa, mấy người bán than củi mang mấy chiếc áo tơi đan từ lá rừng, trông xa như những con nhím. Họ kiên nhẩn, yên lặng đứng chờ khách mong bán xong để có tiền đong gạo hay mua mắm muối.
Theo lối này men sâu vào trong là hàng tôm cá, những mớ cá tươi từ dòng sông Thạch Hãn ngoài kia mới được đánh mang lên. Vẫn có cá biển từ Cửa Việt hay Gia Đẳng, nhưng cá biển mùa giáp tết thật hiếm. Mùa đông lạnh, người ta chủ yếu dùng mắm, ruốc, cá khô nhiều hơn. Cạnh đó là dãy hàng cơm bình dân, dành cho khách buôn bán, lao động trong chợ. Trong luồng gió lạnh, nồi bún xáo, dưa kho từ dãy hàng cơm đang bốc hương nghi ngút khiến ai cũng cảm thấy đói bụng.
Từ chợ cá ngó vô là hàng thịt. Mấy o bán thịt đều ở gần lò thịt bò tại thôn Thạch Hãn hay lò thịt heo tận thôn Đệ Tứ lên bán tại đây. Thời đó người mình còn nuôi heo đen, giống không to nhưng chỉ được nuôi ròng cám và thân chuối nên thịt rất ngon.
Nem chả Quảng Trị thật tuyệt, những lọn nem có truyền thống gói trong một lớp lá vông, rồi mới đến lá chuối mà phải là lá chuối mốc nên nem mau lên chua và sẽ có vị ngon đặc biệt. Kế đến chả lụa cũng theo một công thức gia đình. Khi làm chả người ta cũng kén chọn lắm; thịt heo phải gần ló sát sinh nên khi làm chả thịt còn tươi rói. Giã thịt làm chả cũng lắm công phu; phải giã bằng cối, giã và ‘quết’ cho thật đều tay không nghỉ thì chả mới ngon được.
Từ đường Quang Trung có hai hẻm thông vào chợ. Hẻm thông vào tiệm Vạn An có những loại trái cây được buôn về từ mấy quận miền núi như tắt, quít, thanh trà, bưởi, rau ‘cresson’ từ Nam Đông về, hay thơm, mít, chuối, sắn dây(sắn cơm) từ quận Gio Linh mang vô. Có khi tôi thấy còn thấy bán cả mấy loại trái hoang dã như hồng leo, sim, muồng, mốc, .. luôn cả hạt sót hay mít rừng (mít nài) nữa. Thời con nít tôi hay lân la tới gần mấy sạp hàng trái cây hoang dại này. Gần đoạn này có mấy sạp hàng bánh kẹo làm theo kiểu thủ công gia đình, hay mấy hàng gương lược đơn sơ, mộc mạc. Họa hoằn lắm không khí ở con phố này cạnh tiệm Vạn An mớI ồn ào hẳn lên khi có một xe bán thuốc quảng cáo từ mấy tỉnh trong nam ra tận đây. Họ có thêm con khỉ làm trò giúp vui thu hút đám đông hiếu kỳ tụ lại, nhưng mấy xe bán thuốc Nam này chỉ ra vào mùa nắng ráo mà thôi.
Trước khi vào trung tâm đình chợ, tôi không quên cây sanh cổ thụ, lá xanh ngắt rợp bóng bốn mùa. Dưới gốc cây to có thờ phượng khói hương nghi ngút, người ta cầu xin mua may bán đắt. Qua hết mấy gian hàng gạo và hàng sành sứ cùng tô chén thì đến trung tâm đình chợ. Đình chợ rất rộng được chia theo thứ lớp riêng biệt cho từng loại hàng. Đặc biệt và sang trọng là hàng vải , mấy sạp hàng vải chiếm đa số trung tâm đình. Mấy cô bán vải có dáng dấp đài các ngồi bán trên mấy sạp gỗ lớn bóng loáng. Lúc vắng khách mấy cô khoan thai và chậm rãi ngồi ‘lể’(khều)ốc gạo, một đặc sản từ lòng sông Thạch Hãn, dân chài đem lên chợ đong bán bằng lon sữa bò.
Từ xa là CÂY SANH CHỢ TỈNH. Phía góc phải là ông già đội khăn đóng đứng cạnh cột điện. sau chiêc xich lô là tiệm thuốc Tây Sau chiếc xe bán sinh tố là tiệm bánh Phú Vinh, .đằng xa cuối hình xa là lầu ô Hứa Đức Hào thương gia gạo
Các lầu tiệm từ gần đến xa có lầu tạp hóa MỸ DUNG- Lầu ông Út -Lầu Vạn An xa nhất là Lầu Ông Hứa Đức Hào sau lưng dãy nhà lầu là ĐƯỜNG QUANG TRUNG
*
Song song đình Chợ tôi cảm thấy ồn nhất vẫn là hàng thợ thiếc. Tiếng gõ, tiếng cắt nghe thật chói tai...thế mà mấy chú vẫn làm suốt ngày. Cạnh đó, có mấy quán thợ may kế nhau. Gần tết mấy cô thợ may làm không hết việc. Đa số mấy cô thợ may đều học nghề từ Thanh Bình, một tiệm lớn rất đông học trò gần đình Chợ. Cũng có một ít tiệm may hạng sang (tailor) nhưng chúng đều nằm dọc theo con phố chính Trần hưng Đạo. Những tiệm này mang những bảng hiệu như Vĩnh Tân ở tận lò mỳ Đắc Lập, qua khỏi ngã tư Đồng Dụng mới thấy các tailor như Thiện Mỹ, Phan Xuân Sang…
Trước khi ra khỏi chợ cũng có mấy tiệm vàng như Kim Yến, Kim Ty... khách mua sắm không đông bằng các tiệm khác. Trước mấy tiệm vàng, có một số sạp buôn áo quần may sẵn cùng đồ chợ trời. Cũng có vài ba bó bông huệ hay bông phượng vàng, bánh in để cúng lễ bày bán gần đó. Ai trong túi tiền bạc hơi dồi dào có thể bước qua bên kia, vào tiệm bánh Phú Vinh mua ít trăm "gam" bánh ngon hảo hạng, dành biếu xén hay để các cụ thưởng thức với ấm trà ngon.
Đến khi màn đêm buông xuống khi tất cả hàng quán đã cửa đóng then gài, nếu có dịp đi hướng sau mấy tiệm vàng ban sáng chúng ta sẽ thấy một quán duy nhất bắt đầu mở cửa: đó là quán bún bình dân Ông Két. Dưới ánh điện vàng vọt lù mù, khách ăn đêm để cả hai chân lên trên mấy băng gỗ dài, đang hì hụp thưởng thức mấy tô bún gân (tai môi bò) nóng hổi và cay xè.
Ăn đêm xem chừng hiếm. Do đêm về hàng quán trong chợ đều đóng cửa. Kể cả mấy tiệm ăn bao quanh chợ tỉnh như Nhuận Ký, Đường Ký, Lưu Khách theo đường Phan Bội Châu hay Thanh Thanh cạnh đường Quang Trung; tình hình chiến sự không ai bán ban đêm. Một thời các quán ăn ngoài bờ sông gần múi đầu đường Quang Trung có bún thịt nướng hay chè đá có bán một ít buổi chiều và đầu hôm ...
Đó là những sinh hoạt quanh chợ tỉnh, ồn ào nhộn nhịp ban ngày. Một thành phố giới tuyến, xa mịt mùng mút đầu miền nam, khói lửa chiến tranh khiến khung cảnh sinh hoạt vui chơi ăn uống về đêm khó hình thành như vài thành phố trong nam.
Nhớ về một thành phố ngày xưa, nói cho cùng, đó là một thành phố lính. Hàng ngày thành phố ngập tràn màu áo ô liu của người lính VNCH. Một thành phố đối diện với VĨ TUYẾN ngăn đôi đất nước VN một thời. Ngày ngày nghe tiếng bom rền đạn réo thay cho những gì lạc thú vui chơi trong thời hòa bình.
*
Đêm đêm nằm nghe súng nổ giữa rừng khuya thác đổ, anh còn nhắc tên tôi ?
Đêm đêm nhìn trăng sáng tỏ bên đồi hoa trắng nở, cuộc đời anh có vui ?
Thời gian qua mau tìm anh nơi đâu
Tôi về qua xóm nhỏ con đò nay đã già
Nghe tin anh gục ngã
Dừng chân quán năm xưa
Uống nước dừa hay nước mắt quê hương (Những ngày xưa THân ÁI / Phạm thế Mỹ)
...Khói lửa chiến tranh vẫn triền miên từ Mậu Thân 1968 tới Hạ Lào 1971 và Cao điểm 1972...thành phố năm xưa từng đón nhận bao chiếc xe chở xác tử sĩ hi sinh trong cuộc chiến. Thành phố từng ngậm ngùi nhìn chiếc cầu Ga sụp đổ hay từng đoàn người dân ra đi hoảng hốt trong khói lửa càng ngày càng đậm nét rồi một ngày 1972 thành phố năm xưa tan nát dập vùi trong bom đạn chẳng còn một viên gạch nào nguyên vẹn.
Dù trong mưa phùn gió bấc rét lạnh căm-căm, hay trong cơn nóng cháy da của nắng lửa Hạ Lào, chợ Tỉnh ngày xưa lúc nào cũng mang một dáng vẻ bình yên và trầm lặng; không xô bồ, náo nhiệt như những thành phố to lớn khác. Lạ thay, tôi luôn cảm thấy nó ấm cúng, gần gũi vô cùng. Giờ hình ảnh, âm thanh hay ngay cả bao hương vị ngày trước nay chỉ còn trong hồi ức của tất cả con người thị xã. Hôm nay nơi ngàn trùng xa cách tôi luôn hoài niệm về Chợ Tỉnh với một nỗi nhớ da diết khôn nguôi nhất là những khi tết đến xuân về.
Tại sao người viết kể lại Chợ Tỉnh là phải nhắc đến Thôn Đệ Nhất. Lý do thôn Đệ Nhất chạy dọc theo đường Quang Trung và có phần nào bao quanh khu Chợ. Nói về Thôn Đệ Nhất (có thể gọi là Phường Đệ Nhất) thì bạn đọc ắt hẳn nhớ tiệm Radio-TV Tân Mỹ? Chẳng lạ chi, do chỉ khi nào có ai đau yếu mới ghé tạt vào mua vài trái cam từ Sài Gòn ra gọi là "cam ký". Những trái cam được để trong cái khay tròn có cạnh cao. Người mình kể lại nghe 'cũng tội', hình ảnh thông thường đi mua cam ký hay ăn cam chỉ khi đau yếu mà thôi; khác với thời này chuyện ăn cam hàng ngày là bình thường. Người viết, còn nhớ hình ảnh Mệ Khiết ngồi bán và nhớ cả hàm răng đen và hình như Mệ còn vấn cái khăn bịt đầu nữa. Chú Khiết người dong dỏng, trắng trẻo hay bận cái sơ mi bỏ ngoài, khi nào cũng tươi cười, hiền hậu. Những cái radio hiệu sony hay philips, lớn nhỏ; có cái bọc da màu đà trông 'phát mê'. Hình như tiệm Tân Mỹ là đại lý honda đầu tiên ở QT thì phải? Những chiếc honda dame hiệu Cub 50, quá bền; bốn mươi năm sau chưa hư. Nhưng chuyện mua các thứ này là chuyện "người lớn", cỡ tôi lúc đó là đứa học sinh làm gì nghĩ đến chuyện mua máy hát mua xe honda?
Sau này cạnh Tân Mỹ có kèm một phòng khám bịnh bác sĩ quân y Hoàng Trọng Mộng. Ngó qua bên đường là phòng khám của các BS Lê Bá Tung và BS Hoa (?) Hình trên, bạn đọc thấy dấu hiệu chữ thập đỏ ngó qua bên kia đường cũng là phòng khám của BS Tung và Hoa. Kế tiệm sách Tùng Sơn chúng ta còn nhớ phòng răng Hồng Bàng ngó ra đường Trần H Đạo nữa
Phường Đệ Nhất theo tôi, gần múi đầu Nhà Máy Đèn
(điện) theo đường chính Trần Hưng Đạo xuống đoạn nhà sách
Lương Giang, Sáng Tạo, hàng vàng Quảng Ngọc... cho
tới Ngã Tư chính cắt ngang đường Quang Trung. Từ ngã tư
Tân Mỹ - tiệm chị Võ thị Vinh - nó đi theo con đường
Quang Trung chạy cho tới bờ sông Thạch Hãn (nơi gần nhà chị Quỳnh Hoa phu nhân của Kỹ sư Trí).
------------------------
tuy nhiên tôi phải tin theo nhà văn Hoàng Long Hải tức Tuệ Chương thì:
Có khi gọi là thành phố Quảng Trị có 6 phường. Ấy là kể theo tình trạng trước 1945. Phường Đệ Nhất và Đệ Nhị ở kế nhau, là khu vực nhà và phố chung quanh chợ Quảng Trị. Kể từ tiệm ăn Như Ý của bà mẹ Như Xuân + Định, - nhà ông Huy, - gia đình Thu Ba, Mỹ Lệ... dài ra tới sân Vận Động cũ, sau nầy là trường Nguyễn Hoàng là khu vực phường Đệ Tam. Từ đường Nguyễn Hoàng (trường Nguyễn Hoàng cũ), nhà bác Xạ Quí, thân phụ Quang Hiển, Bạch Mai... lên tới địa phận cầu Ga và nhà Ga Quảng Trị, là phường Đệ Ngũ. Tôi không nhớ chắc địa giới!
-----------------------------------------
Theo Quang Trung hướng về bờ sông thì Phường Đệ Nhất
có thể từ hai trường tư thục Teresa và Thánh Tâm đi lần tới ngã tư Tiệm Tân Mỹ nói trên. Bốn góc đường là Đồng Dụng, tiệm hớt tóc ông Toàn, quán sách Tùng Sơn, Radio -TV Tân Mỹ như chúng ta thấy trong hình. Tiệm Tân Mỹ thời này chưa có TV màu, nhưng TV trắng đen sắm được thì khá lắm rồi. "tậu" TV thì khi nào cũng mua thêm bộ phận antenna để bắt cho được đài Huế. Nói đúng ra thời này có phát sóng TV thì phi cơ bay lên bay vòng vòng quanh thành phố suốt thời gian phát sóng vì chưa có cột phát . Đài 11 phục vụ cho tuyến McNamara Ái Tử cũng vậy, toàn là phim cao bồi: Wild Wild West, hay Star Trek (Lỗ Tai Lừa)...
Kể về tiệm sách Tùng Sơn làm sao tôi quên được loạt
truyện tranh nhiều tập "CON QUỶ TRUYỀN KIẾP"
và những tờ báo coi "cóp" để trên cái bàn gỗ nhỏ ở ngoài.
Tiệm Tùng Sơn diện tích nhỏ bé hơn Sáng Tạo, Lương Giang,
Tao Đàn nhưng nó ở ngay Ngã Tư - trung tâm QT làm người ta nhớ lâu.
Kể về cái Miệu Ông Voi, tại sao người viết nhớ lâu?
chẳng qua vì tôi có đứa em trai học vỡ lòng bắt đầu từ đây.
Mái trường nhỏ và ông thầy hồi này vào lứa tuổi trung niên giờ
chắc cũng khó còn tại thế. Những ai học vỡ lòng hay lớp 1, 2
ở đây đều được gọi là HỌC TRÒ MIỆU ÔNG VOI cho dễ nhớ.
Thôn Đệ Nhất con em thành thị khá đông. Giờ các em thuộc lứa tuổi ngũ niên. Tôi cũng ưa cái ý ‘ngồ ngộ’, đề nghị các em nên kêu nhau thành lập cái hội cựu học trò miệu ÔNG VOI cho vui. Hồi này P. Đệ Nhất người ta thấy dân trong phường năng họp ở đây. Bầu ra bác phường xem chừng cũng na ná giống ở hải ngoại bây giờ là làm phường trưởng 'muôn năm' ? Thế nhưng bác Nguyễn Văn Vị - chủ lò mì Vạn Hoa- tuy không có 'lương lá' chi với cái chức phường trưởng bác làm lâu dài phục vụ cho phường một cách vui vẻ không nề hà. Đó là do tình bà con thôn xóm mà ra. Tôi quên giải thích tại sao gọi Miệu Ông Voi? Do có hai con voi phủ phục? nhưng xin ai nhớ nhắc giúp hai con voi đằng trước miệu này đầu ngó vào trong hay ra ngoài tôi quên mất? (Theo Trần Hữu Hội, cư dân phường này còn nhớ:
hai con voi đâu mặt lại với nhau chứ không ngó ra hay vô gì cả).
Tiệm ăn Tàu Thanh Thanh, tôi khó quên, do hay sà vào đó ăn loại mỳ heo, 25 $ một tô. Tiệm Thanh Thanh này không đặc sắc bằng Nhuận Ký và Đường Ký tại đường Phan bội Châu nên không đáng nhớ. Bên cạnh tiệm THANH THANH là tiệm bánh kẹo Chị Uyển tức phu nhân anh Nguyễn Hữu Sinh, trước khi vào chợ.
Trước mặt tiệm Thanh Thanh là con hẻm vào Lò Mỳ Vạn Hoa mà người chủ là bác Nguyễn Vị mấy đời làm phường trưỏng phường Đệ Nhất này. Tôi nhớ con hẻm này do nhà dì tôi ở đây. Dì tôi là em dâu bác Vị. Sau vụ Mậu Thân 1968, mẹ tôi cùng các em tôi lên đây ở chung với nhà dì tôi. Vào sâu trong hẻm, trước khi qua nhà bà Toàn làm nghề sửa kim hoàn , đổi đô la thời đó là đến cái lầu của chú Lành, trung sĩ quân y, anh ruột Cô Hồng, xong mới đến nhà dì tôi, lò mỳ Vạn Hoa.
Nhà bác Vị chủ lò mỳ này có cây đào cổ thụ gần cả trăm năm, người ta đồn linh thiêng. Bởi thế mệ Vị tức là mẫu thân bác Vị hái đào bị "ma xô" sau này khi nào mệ cũng chống nạng. Thân phụ của bác vị cũng là thân phụ của dượng Ngọ (Nguyễn văn Ngọ) tôi nghe đồn là thầy pháp cao tay lắm bởi vậy bị ma nó "thù" làm cho mệ bị gãy chân chống nạng sau này? Tin hay không tin, chứ tôi thì chẳng bao giờ héo lánh dưới cây đào tiên rậm rạp cao ngất này do..."sợ ".
Tôi nhắc nhiều tới nhà bác Nguyễn văn Vị vì tôi không
quên được cái lò mỳ mà những đổi thay lò mỳ cho đến nay tôi còn nhớ.
Lò mỳ nằm sâu nhất trong xóm và cuối ngõ kiệt tôi vừa kể này. Lò xây bằng gạch. Những thanh củi to lớn được đốt bên trong suốt nửa ngày cho lò thật nóng. Xong mới người thợ mới hì hục kéo tro than ra chùi sạch bằng nhũng thanh gỗ dài có quấn bao tải ướt ở đầu. Giả mỳ đầu tiên khi nào cũng cháy nhiều và còn dính một ít hạt than. Lúc này tôi được chú Lô cho mấy ổ mỳ 'cháy', nhưng nóng hổi ăn ngon đáo để. Tiếp tục làm giả thứ hai thì mỳ mới đẹp.
Những cái cần xế đựng mỳ có sẵn mối lái. Những đứa bé bán mỳ cũng vô lấy mỳ ở đây. Giai đoạn làm bột thật là công phu. Toán thợ thanh niên, sức vóc, ủ bột nhồi bột sau khi có thêm bột "la virre " nhập từ Pháp cho nở mỳ. Khối bột mềm mại trắng bóc, thợ rứt ra đều đặn, không quên bỏ lên cái cân bàn. Những con bột trông như những con đỉa lớn màu trắng, nhọn hai đầu đặt dài theo mái chèo gỗ mỏng dẹp. Chú thợ dùng nửa miếng dao cạo thoăn thoắt rạch 1 đường ở giữa từng con bột trước khi chuồi sâu vào lò mỳ. Các đường bột đã đầy lò, chú thợ đậy mấy cái lỗ lò trông như mấy cái lỗ châu mai mà chúng ta hay thấy tại các lô cốt thời Pháp vậy. Mỳ vàng tới, là toán thợ hối hả kéo mỳ ra. Những ổ mỳ nóng dòn, vàng hươm rớt nghe rôm rốp vào những cái cần xế đan bằng tre. Những ổ mỳ nóng đến nỗi lúc này tôi không thể nắm lên tay lâu được. Bạn chớ chê mỳ cháy; nó ngon nhất lúc này. Tôi ăn bao nhiêu chú Lô người thợ chính của bác Vị chẳng nói chi; em út mà!
Sau này thời đại dầu hỏa "lên ngôi" (đúng ra gọi là dầu cặn (diesel) khi đốt nó hôi nặng mùi hơn dầu hoả), lò mỳ không đun nóng bằng củi vì thiệt ra trong thời chiến tranh khó mua củi hơn dầu nhiều. Đốt bằng dầu vừa sạch vừa tiện công hơn. Lò mỳ bằng gạch lò Vạn Hoa vẫn giữ nguyên. Nhưng không đốt than thì lại thế bằng các máy thổi chạy bằng dầu. Những luồng hơi lửa trông như súng phu lửa trong chiến trận mà chúng ta thấy trong phim ảnh, thổi ào ào hàng giờ vào trong cái lò gạch. Khi đủ độ nóng, thợ lò chùi sơ là bỏ con mỳ vào được. Lạ thay tôi thích ăn mỳ đốt bằng lò củi hơn nhiều. Các tiệm mỳ điện sau này cũng có, ví dụ Liên Thịnh nhưng làm mỳ ngọt thôi. Lò mỳ Vạn Hoa công suất nó nhiều, cung cấp nhiều mối buổi sáng và mỳ ra chiều ít hơn dành cho bán tối. Kinh doanh mở rộng hơn, lò Vạn Hoa còn cung cấp những cái thùng 4 mặt kiếng hình khối vuông, sơn màu vàng cho các mối bán mỳ xíu lẻ mượn lâu dài.
Nhớ về lò mỳ Vạn Hoa tôi còn nhớ một "thiên tình sử" giữa chú Lô trưởng thợ và con gái bác Vị tức chị Anh. Chú Lô người Huế lưu lạc Quảng Trị làm với bác Vị. Anh lanh lợi, hoạt bát, đẹp trai. Có điều tôi nhớ chú hát vọng cổ rất hay. Làm lụng với con gái ông chủ lâu ngày, tình yêu phát sinh. Hình như phân biệt giữa giai cấp "chủ tớ" hồi này là lằn ranh ngăn cách sâu đậm, gia đình chị không ưa. Chuyện tình anh chị qua nhiều phen gay cấn lắm nhưng "thề non hẹn biển" nên cũng tới nơi, tức là 'bến đổ tình yêu". Cái miếu âm hồn trong xóm cũng đã lâu năm bên hông nhà chị Chư tức mẹ ca sĩ Khả Tú lâu nay. Nhưng cái thời tôi ở trong xóm này chắc Khả Tú chưa ra đời. Và chị Chư lại bà con với dượng Ngọ tôi mà nay lại ở gần nhà tôi ở San Jose này. Chị Yến, chị đầu của chị Chư thì là vợ của chú Lành, mà chú Lành là anh ruột cô Hồng. Bà con quanh đi quẩn lại, té ra biết nhau cả thôi. Đó là tôi chưa nhắc đến anh Viễn Khởi dòng Tôn Thất đâu trong Huế, tình duyên sao lại tới với chị đầu con gái bác Vị. Chú Khởi một thời có nhiều bàn tán về cái chức chi nghe đâu "to lắm " mỗi lần ra xóm trong bộ đồ lính "rằn ri" đội mũ đỏ mà lại có tài xế lại lái xe "dân sự"? Tôi lúc này là đứa học trò, chẳng để ý làm gì. Lạ lùng thay vào trong trại tù cải tạo sau này bên Ái Tử, lại thấy chú Khởi cũng ở tù nhưng lại làm trưởng khối "đúc song nồi" cho trại, chuyên cưa vụn xe lội nước quân đội M 113 trong rừng về trại nấu lỏng ra mà đúc. Sau này chú Khởi "biến mất" tôi không còn thấy cho đến lúc này cũng "bặt tăm hơi"?
Ra lại con hẻm vừa nói trên, đi về trái ra bờ sông qua khỏi các tiệm tồn xi măng ông Tài vài vài căn phố nữa mới tới tiệm xi măng đồ xây dựng túc là nhà chị Quỳnh Hoa trước khi giáp giới bến đò. Anh Quang hội trưởng QT giờ còn trẻ, thằng Quốc bạn tôi em anh Quang hồi này học với tôi một lớp. Tôi ít tới nhà, lâu lâu đi ngang thấy ba thằng bạn tôi tức là ba anh Quang lâu lâu ở mô về, đeo 3 cái mai vàng sáng chói ! Thằng Quốc ngó thì "hoang " vậy mà rất thương tôi, tôi thì hiền mà hắn chẳng khi nào ăn hiếp tôi cả. Bên kia kế ngõ vô chợ là tiệm Hứa Đức Hào thương gia mễ cốc thuộc loại lớn nhất nhì tỉnh Quảng Trị. Con ông Hào tức là Hứa Thạnh thân với thằng Quốc bạn tôi. Hứa Thạnh hắn thuộc dân "Bồ Đề" nên chơi với Trương Sừng - dân Phường Đệ Tứ là bạn trong xóm với tôi.
Góc này có vài tiệm bán tạp hóa nhà lụp xụp hơn ngó qua là chợ cá và hàng thịt. Họ vào từ năm 1954 nói tiếng Bắc. Có nhà thằng Đạo học với tôi từ hồi Trường Nam Tiểu Học. Cái giọng Bắc của nó rất chuẩn với chính tả nên thầy giáo thường bắt thằng Đạo đọc chính tả cho cả lớp. Tại sao mà tôi gọi là chuẩn - theo cái từ lúc này - vì tôi còn nhớ chữ có dấu hỏi như chữ ‘bảo vệ’ thì giọng Bắc đọc cái accent "nặng xuống", trái lại những chữ có dấu ngã như chữ ‘bão’ thì giọng Bắc đúng thì đọc cao hơn.
Kể miên man như thế, tôi không biết cái bến đò cuối đường Quang Trung thuộc về quyền hành chánh của phường nào. Còn mấy quán chè và bún thịt nướng gần cái bến Đò thì thuộc phường Đệ Nhất hay không? Tôi tin chắc rằng người dân phố Quảng Trị hay phường Đệ Nhất không ai quên được mấy quán chè và bún thịt nướng ở cạnh bến đò này. Ở đây có mấy cây ngô đồng nó lên cao khá nhanh che cho mấy quán chè. Hình như vị trí này hiện nay là cái miếu thờ bộ đội to lớn và mấy quán cà phê hiện tại thì phải.
Bà con phải nhắc đến cái Quán Cơm XÃ HỘI do chính quyền Tỉnh trợ cấp, giúp cho học sinh nghèo và người lao động. Tôi không có dịp vào đây vì đã ăn cơm nhà rồi. Nhưng các học sinh ngụ cư, từ xa tới tỉnh học, hay nhắc đến Quán Cơm Xã Hội Quảng Trị. Sau lưng Quán Cơm XH này tới hướng Vườn Bông xưa là Đình Thạch Hãn. Nhà máy nước đá Mỹ Phát - tức là chú Hiếu - gần đình này.
Trở lại bây giờ tức là năm ngoái- năm 2016- khi dự đám tang bà Quảng Tường (tức là mạ của Ngọc Hà và chị Bích) tại TP San Jose, bắc California, người viết có gặp thím Mỹ Phát. Khi tôi nhắc lại chuyện nước đá hiếm hoi vào ngày hè nam nắng xứ Quảng Trị ra răng, thím Hiếu cười vui, hồn hậu. Thím không ngờ cho đến nửa thế kỷ sau vẫn có người nhớ đến tiệm nước đá của chú Hiếu; ôi cái cái tiệm nước đá năm xưa của chú Hiếu trên đường Trần Hưng Đạo ngó qua nhà máy đèn (điện). Chú Hiếu thì mất lâu rồi, chú mất ở tiểu bang Hạ Uy Di tức là đảo Hawaii mà thiên hạ hay bay tới du lịch.
Ngó qua bên kia là trường Nữ Tiểu Học (đây còn gọi là Vườn Bông) nhưng sau này lại trở thành ‘hiu quạnh’ vì phải dời về dưới xa cuối đường Trần Hưng Đạo do con số học sinh càng lúc càng đông. Trại Hiến Binh sát bờ sông gần đình Thạch Hãn cũng dời về trước mặt cổng thành Đinh Công Tráng. Gần năm 1972 thương gia Hứa Đức Hào xây thêm một lầu mới 5 tầng ngó ra bờ sông nhưng chưa ở. Trước khi chạy giặc 1972 phong trào xây lầu thêm ở thành phố QT đua nhau thêm nhiều lắm. Tiệm Tân Mỹ có 3 tầng cao thêm nhưng các tầng này thấp hơn thông thường do sợ "quá tải". Lầu Nhà In Nguyễn V Phước. Tất cả theo Con đường Quang Trung như sống lại hay chỉ còn là hình ảnh kỷ niệm trong bản nhạc Con Đường Buồn Hiu của Nhật Ngân và Song Quang mà thôi.
Nhà của anh bên dòng sông Thạch Hãn
Và xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng
Ngày hai buổi đi về đường Quang Trung...
CHÚ QUÝ PHU CHỢ hay VỊ 'VUA' KHÔNG NGAI TRONG CHỢ QUẢNG TRỊ NĂM XƯA
HÀNG CÁ VÀ HÀNG THỊT CHỢ QUẢNG TRỊ HÌNH 1963
TRONG HÌNH CHỢ TỈNH DƯỜNG TRƯNG TRẮC ngang CHợ Cá CÓ NHIỀU CÁI "DU DU" HÌNH VUÔNG NGƯỜI BÁN HÀNG THUÊ CHE MƯA NẮNG hình chụp từ balcon bà Khóa Lạng
Chào bạn đọc,
Thời Covid không dám đi đâu xa. Nghe quý bạn nhắc chú Quý, Tôi ngồi kể chuyện tào lao cho quý bạn nghe chơi
Chuyện như vầy...
Chợ Quảng Trị trước MÙA CHẠY 1972 còn sầm uất bán mua vui vẻ. Nhà tôi thuê lại tiệm của Bà Trợ Trọng để kinh doanh bỏ hàng sỉ lẻ trong chợ. Nhắc lại một tí về căn lầu của bà Trọng sát với Ảnh quán Lido cho quý bạn dễ hình dung lại. Khoảng một hai tuần là dì tôi thuê xe chở hàng từ Đà Nẵng ra. Năm sáu tấn hàng nặng nề nhất là nước mắm thùng sau đó là bia cam đóng bao và nhiều thứ nhu yếu phẩm khác.
Nặng nề đương nhiên là phải có người bốc dỡ hàng xuống, mà thời nớ người ta gọi là porteur. Chợ QT có nhiều ekip porteur này. Thời này các toán bốc vác làm không hết việc. Hết xe hàng của tiệm dì và mạ tôi là những chiếc xe chở gạo cho các thương gia như ông Hứa Đức Hào, Nguyễn Xuyến...vật liệu xây dựng cho tiệm Mệ Xạ Bình, Trương công Tài... những chiếc xe tải dài loại Desoto, International từ Đà Nẵng ra rất cần người đem hàng xuống.
Chú Quý là một toán bốc dỡ hàng tại chợ QT mà tôi nhớ nhất. Đặc biệt có chuyện để nhớ nhiều là chú Quý có nhiều bà vợ. Dĩ nhiên bà nào ăn ở với chú thì chúng ta gọi là vợ thôi. Năm sáu bà hay hơn nữa đố ai biết? Tiệm hàng dì và mạ tôi hay thấy "bầy đoàn thê tử" tức là các thím và toán con của chú nhưng không tài nào nhớ được. Chú rõ ràng là một ‘Hoàng Đế không ngai” trong chợ. Cơ ngơi hay chúng ta tưởng tượng thêm một ít là "kinh đô" của vị vua tên Quý đóng trong chợ QT chứ không ai khác nữa. Chú chia cho các bà ở từng nơi trong chợ. Có người ở vừa giữ gìn thêm an ninh cho chợ nên chẳng có ai phiền hà. Có “triều đình” của chú đóng đô nên người kể chẳng nghe gì chuyện trộm cướp, cạy hàng, mất cắp...
Chú Quý, người tầm thước hay nhỏ con. Đặc biệt chân chú đi có tật thì phải? Dù chú có nhỏ con, chân đi có tật thế mà chú rất có uy với vợ con. Bà lớn bà nhỏ gì cũng răm rắp nghe lệnh chú. Chẳng bao giờ từ trong tiệm hàng của nhà tôi nghe được tiếng ì xèo ghen tương tranh chấp gì cả. Thật là cái uy của “vua”. Tại sao chú nhiều vợ thế kia? Có những hoàn cảnh ngặt nghèo bà nào lỡ thì lỡ phận thì có chú đưa bàn tay nhân ái và tình nghĩa ra đùm bọc. Rồi chốn ‘Hoàng Cung’ trong khu chợ lại thêm một “hậu cung cho thứ thiếp’ nữa mà không cản trở chi chuyện mua bán của bà con trong chợ mới là hay.
Ban ngày từ “Vua” cho đến “hoàng hậu thứ phi” gì đều đi làm. Hàng hóa đến và đi đủ thứ. Tám nẻo đường thành, nói chơi mà thật: đó là tám hẽm vô chợ QT đều bán mua tấp nập, thứ lớp hẳn hoi. Có điều đáng nói là 'vị vua tên Quý' này không bao giờ động đến tay chân? Việc bốc vác thì có "đệ nhất Hoàng Hậu" tức là vợ đầu của chú chỉ huy hết thảy. Tất cả các bà đều nghe "Hoàng Hâu" răm rắp chẳng có bất mãn hay tức bực, trên thuận dưới hòa mới là chuyện đáng ghi nhớ? Có khi ngồi trong tiệm hàng nhìn ra chú Q đi lui đi tới cạnh mấy cái du du mà nhà chú làm ra cho người bán dưa mắm hàng legume thuê ngày. Nhà chú làm khá nhiều cái du du che nắng này chú cho thuê và ai cần thì chỉ cần cho chú biết là có ngay
Chỉ có đêm về khu trung tâm Chợ mọi chủ bán đều đóng hàng về nhà hết. Khu đình chợ bên trong giờ đây là một “hoàng cung” của vị vua có tên là chú Quý đó thôi. “Lân quốc” của chú Quý cũng có. Đêm về phía sau mấy cái kiosque bán vàng ngó ra đường Trần Hưng Đạo có ánh đèn vàng le lói; đó là quán bún gân tai mui bò của ông Két. Những tô bún bò bình dân cay xè thơm đậm vị bún xáo quê hương mà chỉ có khách sành ăn đêm mới biết.
Vị vua này “trị quốc an dân” sao thật hay. Bán mua tại chợ QT mấy năm tôi chẳng nghe chuyện trộm cướp nào. Lâu lâu chú cùng con vợ xách gậy đi tuần quanh chợ. Con đường Trưng Trắc tạo thành một ô vuông bao quanh đình chợ càng yên tâm hẳn lên khi có tiếng tuần phòng của “vị vua không ngai’ có tên là chú Quý; một thưở thanh bình.
XE MỲ PHỐ XƯA
Chào bạn đọc
Bánh mỳ có gì lạ không mà kể. Thế mà lạ do đi đâu người viết cũng không thấy nơi nào có hình ảnh các em bé bán bánh mỳ giống ở thành phố QT năm xưa. Ngày xưa các em bé bán bánh mỳ đêm thường mang bao mỳ nóng một bên vai đi bán quanh thành cổ. Cách cột bao mỳ nóng của mấy em này chỉ có ở QT. Bao bánh mỳ lấy từ vải đựng bột mỳ tại các lò mỳ dùng xong cho mấy em này, do đây là mối ban đêm của mấy lò mỳ trong thành phố.
Chỉ có đêm về mới có tiếng rao bánh mỳ nóng của các em. Dĩ nhiên là mỳ không. Người viết còn nhớ thời đó một ổ mỳ không như thế giá 2 đồng. Bất hạnh cho các em nhỏ này, rao bán như vậy bao lâu mới hết bao mỳ? Bờ vai một lớp tuổi thơ Quảng Trị ngày đó do cảnh nhà cực khổ phải lam lủ như thế để giúp gia đình, cha mẹ...
Người viết sau ngày, vào nam có thấy chợ đò có bán mỳ không. Nhưng khác với QT, trong nam,không có các em nhỏ đi bán rao bánh mỳ không ban đêm. Người ta bỏ mỳ không trong các cần xế lớn bán dạo hai bên phố. Lên xe đò, có các em nhỏ bán mỳ Sài Gòn bỏ sẵn trong bao ny lon dài. Xe mỳ xá -xíu, mỳ thịt nguội, ba tê gì cũng có. So ra xe mỳ QT và Huế nhỏ hơn xe mỳ xíu trong nam.
Bánh mỳ NÓNG này phân biệt với mỳ xíu trong phần kế tiếp. Các lò bánh mỳ còn ra giả chạng vạng tối để phân phối cho các em bé bán mỳ rao vào ban đêm . Vài chục ổ bánh mỳ nóng dòn , loại 2 đồng (như trong hình) được các em bỏ vào trong hai lớp bao mỳ trắng , mang một bên vai, vừa đi nhanh vừa rao khắp các con đường ngoại ô thành phố. Tôi còn nhớ như in rằng không bao giờ thấy các em bé bán mỳ này mặc quần dài, chỉ những chiếc quần đùi và đi chân đất. Lại một điều nữa, nghề rao mỳ nóng ban đêm chỉ có các em trai thôi.
Lấy mỳ xong, là các em tản mác khắp các huớng , càng đi xa trung tâm thành phố càng tốt. Những nơi này người ta đang chờ các ổ mỳ nóng các em đem tới. Khách đàng hoàng thì họ lựa nhanh cho các em . Khách khó tính thì lôi ra bỏ lại , nắn bóp coi ổ nào dòn hơn , làm nhàu nhèo các ổ mỳ của em thật tội nghiệp !
Đi được một khoảng ngắn , em lại rao lên "mỳ nóng ồ..."
Tiếng rao lan dần qua các phường quanh thành phố về khuya.
MỲ XÍU
Ổ mỳ xíu vào lúc này tại QT không có bỏ rau , dưa leo , đồ chua giống trong Sài Gòn, hay vào thời này. Ổ mỳ xíu Qt đơn giản, chỉ quan trọng là thịt xíu kho "thấm tháp" và nước xíu thật ngon để chan vào giữa như người viết miêu tả tiếp sau.
Giờ này quanh chợ tỉnh cửa sắt trước những cửa tiệm đều đã đóng kín mít, quanh mấy góc phố chỉ còn thấy mấy chiếc xe ‘mỳ xiu’ thôi. Nhắc đến tiếng ‘mỳ xíu’, hồi đó tôi hay thắc mắc: phải chăng tiếng này phát xuất từ tiếng Tàu là bánh mỳ ‘xà xíu’ hay ‘xíu mại’ gì đó rồi người QT mình đơn giản đi gọi là ‘mỳ xíu’ cho gọn chăng? Tôi hay ghé mấy xe mỳ xíu này mỗi khi đi xem phim trên phố về. Trên con đường phố ban khuya, vừa đi tôi vừa gặm ổ bánh mỳ nóng dòn, thơm phứt, thật là thú vị!
Tôi để ý thấy, mấy xe bánh mỳ đêm ít khi đi xa tận mấy xóm ngoại ô. Các người bán mỳ xe này chỉ loay hoay quanh phố thôi. - Dạo đó có hai lò mỳ lớn là Đắc lập gấn nhà máy đèn và Vạn Hoa gần miếu Ông Voi đường Quang Trung cạnh chợ. Sau này còn có thêm một lò mỳ và kem gần trường trung học Nguyễn Hoàng như lò kem Thanh Long của thầy Lê hữu Thăng , lò mỳ ngọt Liên Thịnh, lò kem gần trường Nguyễn Hoàng... Chiếc xe bán mỳ xíu trông nhẹ nhàng hơn chiếc xe phở nhiều. Ba bánh xe làm từ bánh xe đạp. Phía trong thùng xe chú không đựng củi, chỉ một ít than nho nhỏ, lúc nào cũng có sẵn vài ba ổ mỳ nóng sẵn. Phía trên thùng xe có chắn 3 mặt kính hẳn hoi, trong đó có những lớp bánh mỳ sắp ngay ngắn màu vàng hươm. Tầng trên chú cón chưng một ít phó mát - (fromage) loại đắt tiền của Pháp như ‘La Vache Qui Rit’ , hay một tảng phó mát hình khối tam giác màu vàng bình dân và rẽ tiền hơn. Hinh như khách của chú đa số chỉ ưa hương vị mỳ xíu tự tay chú làm hơn. Tôi cũng vậy, tôi chỉ thích loại mỳ xíu của chú bán thôi. Nói là tiếng mỳ xíu chứ thật ra không mang một chút hơi hám gì của Tàu cả mà ‘xíu’ ở đây hoàn toàn Việt nam hay nói cho đúng là hoàn toàn Quảng trị ! Nhìn mớ xíu của chú kho từ thịt heo, lẫn một ít chả cắt mỏng, ngoài ra không có thêm thứ gì cầu kỳ cả. Lạ thay, khi chú bỏ thứ xíu này vào trong ổ mỳ nóng dòn, tôi cảm thấy hương vị mỳ xíu QT rất riêng, thấm thía, ngon hơn bánh mỳ thịt nguội trong Nam nhiều lắm. Bánh mỳ thịt nguội trong Nam tuy có vị ngon béo , chua ngọt đầy đủ nhưng thiếu cái đậm đà của ổ mỳ xíu QT, một thứ đậm đà khó diển tả vô cùng . Đó là những lúc tôi còn đủ tiền, đi xem phim về hết tiền chỉ đủ mua ổ mỳ không. Chú không hẹp hòi gì, xẽ mỳ, chú chan thêm cho một xí nước xíu nữa là xong.
Một điều lạ, bánh mỳ xe về đêm không bao giờ cất tiếng rao cả . Chú [chú Hưng ]lần lượt đẩy xe qua từng góc phố chờ khách. Có người lại chỉ bán cố định một chỗ về đêm. Thỉnh thoảng chú khơi lại lò than trong thùng xe, ngước mắt nhìn năm ba người bộ hành qua lại như mời mọc, đón chào.
Phố càng khuya càng vắng khách dần. Thật lâu mới có một chiếc xe tuần nhà binh chạy qua hay một chiếc honda đi đâu, lái vội về nhà. Có lúc chú yên lặng đứng nghe tiếng đại bác từ hướng Gio linh, Đông hà vọng về. Lúc đó hình như trên mặt chú hình như thoáng một nỗi buồn xa vắng.
No comments:
Post a Comment