Wednesday, December 25, 2024

NGU -YÊN: THƠ THỜI NAY

 

ĐỌC BÁO GIÙM BẠN- Ngu Yên bàn về thơ dở thơ hay


BÀI TRÍCH TỪ BÁO NGƯỜI VIỆT 25/12/2024


 KENNEDALE, Texas (NV) – Mới đây, nhà thơ Ngu Yên đưa lên mạng (Academia.com), một bài viết ngắn bàn về thơ: “Câu Hỏi Về Bài Thơ.”

hình 


Họp mặt ở Arlington, Texas, năm 2022. Từ trái, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Doãn Nho, Ngu Yên, Đinh Yên Thảo, Nguyễn Xuân Thiệp, Thận Nhiên. (Hình: Trần Doãn Nho)

Ông than phiền thơ bây giờ tràn lan trên mạng: “Báo chí, tập san, sách in, nhất là trang mạng và mạng thông tin xã hội, đầy dẫy thơ, cát và ngọc lẫn lộn, ngọc ít cát nhiều. Người đọc ít được diện kiến thơ hay mà phải liếc qua nhiều thơ dở, khiến thơ càng ngày càng mất uy tín, mất thưởng ngoạn. Thơ, giờ đây, không phải chỉ là rẻ rúng, mà miễn phí vẫn không lôi kéo được mắt nhìn, như cá ươn chợ chiều cho không, chẳng ai lấy.

Thực ra, không phải chỉ thơ, mà gần như tất cả mọi hình thức viết lách, từ sáng tác cho đến phê bình, tiểu luận hay tản mạn đủ loại (chính trị, kinh tế,văn hóa, giáo dục…) đều chịu chung một số phận: chữ nghĩa đầy dẫy, không những ngọc lẫn trong cát và cát trộn đều với ngọc, mà còn lẫn lộn với  vô số thứ tạp nham khác như thịt thà, rau quả loạn xà ngầu, khiến người đọc không biết phương hướng nào mà chọn lựa.

Đó là thành quả – mà cũng là một căn bệnh – của thời (hiện) đại: Internet. Phương tiện mới này tạo điều kiện để người ta mặc sức tự thể hiện mình trong hầu như mọi lãnh vực nghệ thuật: ai cũng có thể sáng tác, có thể hát, có thể đóng phim, quay phim, chụp hình… rồi đưa ngay sản phẩm của mình ra công chúng, không cần phải kinh qua  bất cứ một hình thức biên tập nào.

Dễ và nhanh nhất là viết. Càng dễ và càng nhanh hơn nữa là làm thơ. Làm xong, chẳng cần phải nhờ ai, tự đưa vào Facebook của mình, hay gửi đến bạn bè và người quen (và cả những người không quen) qua một bản danh sách email dài dằng dặc sưu tập được. Đó là một trong những lý do khiến cho thơ ngập tràn trên mạng như một cái gì thừa mứa. Không bị “rẻ rúng” mới là chuyện lạ!

Để tránh khỏi rơi vào hoàn cảnh đáng buồn trên, người làm thơ và người đọc thơ cần phải biết phân biệt giữa “thơ dở” và “thơ hay.” Đó là điểm mấu chốt trong tiểu luận “Câu Hỏi Về Bài Thơ.” Tuy nhiên, tác giả Ngu Yên khẳng định ngày từ đầu bài rằng, ông bàn về thơ không phải từ nhãn quan của một nhà phê bình chuyên nghiệp. Tại sao? Ông nêu ra hai lý do:

-Thứ nhất, luận lý của nhà phê bình chuyên nghiệp, tuy “đứng đắn” và “tốt đẹp,” nhưng thường khó hiểu hoặc hiểu mà không thể áp dụng.

-Thứ hai, một nhà phê bình giỏi nghiên cứu về thơ mà không (biết) làm thơ, thì có điều không ổn. Vì theo Ngu Yên, “Khác với văn xuôi, thơ hay có bí mật riêng mà chỉ người làm thơ lão luyện, khăng khít, mê thơ mới có thể cảm nhận.”

Có lẽ không mấy ai phản bác nhận xét này.

Từ cái nhìn căn bản đó, Ngu Yên “xung phong nói giùm các nhà nghiên cứu về thi ca. Họ nói chuyện, khô và khó. Tôi thông dịch vui, ướt và dễ.” Và ông bắt đầu với nhận xét: “Người ta khó đồng ý với nhau một bài thơ hay, nhưng dễ thỏa thuận với nhau về một bài thơ dở.” Ông nêu ra năm “đặc tính” giúp người đọc nhận biết một bài thơ là dở:

-Không ý tưởng hoặc ý tưởng sáo mòn: đó là bài thơ không truyền đạt được một ý tưởng nào đó của người sáng tác; hoặc nếu có thì đó lại là một ý tưởng cũ xưa, đã được người ta lặp đi lặp lại nhiều lần.

-Ngôn ngữ sử dụng không phù hợp với ý thơ, với chủ đề và với nội dung bài thơ.

-Thiếu những hình ảnh thơ trong thơ kết hợp để tạo thành thi tứ, tức là ý thơ. Những hình ảnh thơ thường giúp người đọc “thấy” hình ảnh trong thơ rõ hơn, sống động hơn là hiểu ý nghĩa của chữ.

-Không kích thích trí tưởng tượng của người đọc.

-Không gây cảm xúc nơi người đọc. Nếu bài thơ “không” làm cho người đọc cười, khóc, phẫn nộ, tức tối, buồn rầu, thanh thản, vân vân là bài thơ dở.

Trong số những “đặc tính” trên, theo kinh nghiệm thưởng thức riêng, tôi nhận thấy có hai “đặc tính” dễ nhận diện nhất:

-Một là: sáo mòn. Hầu hết những bài thơ dở mà người đọc nhận ra ngay, chính là sự lặp đi lặp lại ý tưởng hay hình ảnh hay từ ngữ đã được sử dụng quá nhiều, như người ta cứ ăn mãi một món ăn đến chán ngấy. Chẳng hạn như khi đề cập đến sầu muộn, nhớ nhung, phôi pha, biệt ly…, hầu hết những bài thơ như thế đều sử dụng lại hình ảnh và từ ngữ mà nhà thơ TTKH đã từng biểu hiện trong bài “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn” ngày xưa, đại khái như:

“Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương”

-Hai là: không tìm một cách diễn tả của riêng mình, tức là không biết vận dụng ngôn ngữ để tạo nên nét độc đáo. Vận dụng ngôn ngữ ở đây không có nghĩa là “làm cho khác người” (lập dị) hay làm cho ra vẻ “bí hiểm.” Lập dị hay bí hiểm khiến bài thơ đâm ra khó hiểu. Khó hiểu thì khó thưởng thức, khó thưởng thức thì khó hay.

Thử đọc lại hai câu thơ quen thuộc này của Nguyễn Bính:

“Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

Thơ Nguyễn Bính thường là như thế, chữ nghĩa giản dị, mộc mạc, đọc lên là ai cũng hiểu được ngay ý của ông. Điểm khiến người đọc, ở một khía cạnh nào đó, thấy nó “hay” nằm ở chỗ: thay vì nói rằng cô gái bị chốn thị thành quyến rũ nên đánh mất phần nào cái đẹp thôn dã chơn chất làng quê, thì nhà thơ tạo ra và kết hợp được hai nhóm chữ (mà cũng là hai hình ảnh) lạ: “hương đồng gió nội” và “bay đi.” Hai câu thơ tạo được nét độc đáo riêng nhờ cách dùng ngôn ngữ – thuật ngữ chuyên môn gọi là “ẩn dụ” – như thế.

Đó là nói về bài thơ. Còn về người làm thơ thì sao?

Nói cho ngay, đã làm thơ, không ai muốn làm một bài thơ dở cả. Nhưng tại sao người ta lại vẫn cứ làm ra một bài thơ dở? Ngu Yên quả quyết: “Thơ dở vì thiếu quan tâm.” Ông nêu ra một số yếu tố – cũng là bí quyết – cần phải quan tâm khi sáng tác một bài thơ:

-Bài thơ phải tập trung vào một ý tưởng chính, tức là một chủ đề nào đó, và quan trọng hơn hết, chủ đề đó phải được giữ xuyên suốt toàn bài thơ, không nên mông lung, đi lạc khỏi đề tài.

-Làm thơ là kể một câu chuyện nào đó, dù là một câu chuyện không đầu đuôi, chỉ có thân bài.  Do đó, phải xây dựng một câu chuyện thật thú vị, thật hấp dẫn. Càng thú vị, càng hấp dẫn thì  người đọc càng yêu thích. Dựa vào cách diễn đạt, những gì không nói ra trong bài thơ là những khoảng trống cần thiết để người đọc tưởng tượng hay hư cấu thêm.

-Do độ dài của bài thơ có giới hạn, cho nên nó phải huy động được “thất tình” (hỷ, nộ, ai, ái, lạc, ố, dục) “lục dục’ (sắc, thính, hương, vị, xúc, pháp) trong tâm trí người đọc, trong một khoảng thời gian ngắn và dồn dập. Tuy nhiên, tùy trường hợp, bài thơ tạo được một cảm xúc nhẹ nhàng và ý tứ thâm trầm cũng được xem là đủ, theo Ngu Yên.

-Phải biết sử dụng những ngôn ngữ tạo ra hình ảnh, vì chính những hình ảnh liên kết với nhau mới tạo ra tứ thơ. Giống như một bức tranh hoặc một khúc video ngắn, những “hình ảnh và sinh hoạt của chúng phải mạnh, ấn tượng và lôi cuốn.” Nếu muốn làm những bài thơ mang tính triết học hoặc bày tỏ tư tưởng sâu sắc, thì người làm thơ chủ yếu phải sử dụng ý nghĩa của ngôn ngữ, kết quả của tư duy, để xây dựng nên bài thơ.

-Sau cùng, phải quan tâm đến sự lưu loát, trôi chảy của toàn bài thơ. Để kiểm tra điều này, Ngu Yên đề nghị: một trong những cách hay nhất là khi làm xong bài thơ, hãy đọc to lên. Nếu thấy không trơn tru từ đầu đến cuối, thì nên điều chỉnh lại hoặc chờ đợi một thời gian rồi bắt đầu làm lại bài thơ.

Sau khi nêu lên 15 điểm giúp người ta nhận ra một bài thơ hay, ông kết luận: “Đã làm thơ, đâu ai muốn làm thơ dở. Đã đọc thơ, đâu ai không muốn đọc thơ hay. Điều phức tạp và dễ ngộ nhận là chữ “hay.” Hay có nhiều cấp bậc hay, vì vậy, những gì tôi chọn để viết hôm nay trực chỉ vào chữ “hay” vừa phải của một bài thơ hội đủ kỹ thuật và nghệ thuật thi ca. Còn những bài thơ hay theo kiểu thông diễn, theo kiểu ra ngoài phạm vi của hiểu biết, hoặc hay theo kiểu xuất thần, thì xin hẹn hôm nào sẽ cùng nhau bàn thảo hai chữ: “tài tình.”

Đúng thế. Rút ra từ kinh nghiệm cá nhân về việc làm thơ và thưởng thức thơ, có vài yếu tố rất quan trọng trong chuyện làm thơ “hay” mà Ngu Yên không hay chưa đề cập đến trong bài này. Một là, phải  thích, phải mê thơ đến độ “quên ăn bỏ ngủ;” hai là, phải có năng khiếu “trời cho;” và ba là, phải có cảm hứng nữa. Phải chăng, chính những yếu tố này mới thực sự đưa đến cái “tài tình” trong thi ca, như nhà thơ của chúng ta hứa hẹn sẽ bàn đến một ngày nào đó trong tương lai! (Trần Doãn Nho) [qd]


Ngu Yên là bút hiệu của Nguyễn Hiền Tiến, sinh năm 1952 tại Bình Định, hiện cư ngụ ở Houston, Texas. Ông cộng tác với nhiều tạp chí văn chương hải ngoại, giấy cũng như mạng: Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Việt Magazine, Quê Mẹ, Làng Văn, Da Màu, Gió-O, Tiền Vệ, Văn Việt…

Ông đã xuất bản hàng chục tác phẩm đủ loại: sáng tác (truyện ngắn, thơ, ca khúc), biên khảo (văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, kịch nghệ), dịch thuật (thơ, tiểu luận), đồng thời chủ trương tạp chí “Đọc và Viết” đã phát hành hàng chục số, mới nhất là “Tạp chí Đọc và Viết, Tam Cá Nguyệt, số mùa thu 2024.”

Nhận xét về thơ Ngu Yên, nhà thơ Chân Phương nhận định: “Một nét nổi bật trong sáng tác của Ngu Yên là tứ thơ thường bật ra từ óc quan sát thông minh điểm thêm nụ cười tinh nghịch khi thi sĩ chứng kiến những việc thường ngày trong cuộc sống di dân. (…) Nhà thơ của chúng ta chụp bắt có ý thức các bức tranh của hiện thực sinh động khác xa sự uốn éo ráp chữ của vô số bài thơ thiếu máu chỉ biết nhai gặm cảm tính nghèo túng trên những trang mạng thừa mứa chữ nghĩa hôm nay.

nguồn trích

Ngu Yên bàn về thơ dở thơ hay


================ 



No comments:

Post a Comment