Monday, December 2, 2024

PHỐ XƯA QUẢNG TRỊ MỘT THỜI COI "BÁO CỌP"

 

Chào bạn đọc

Thật sự mà nói, nhóm chữ "coi báo cọp" là từ khá xưa, trước 1975 miền nam hay nói. Thời này bên quê nhà chúng ta có thể hiểu đại khái đó là "coi báo ké" chứ không có gì khác. Nói rõ ra, chữ "coi báo cọp" dành cho khách ghiền đọc tin tức mà chẳng hề bỏ tiền ra mua cho tiệm sách một tờ báo nào hầu giúp cho tiệm khá thêm "chút chút". Xin bạn đọc thông cảm cho người khách ngày xưa đó, lý do chính yếu là khách chẳng có tiền. Con mắt thì muốn coi nhưng cái túi không chẳng hề "cho phép"? "Nghèo là cái tội"- nói như nhà văn hay triết gia nào đó.

Trong số những người khách ghiền đọc tin tức mà túi trống không chính là tác giả viết bài này. 

HÌNH- chiếc vespa vừa qua cổng Quân Trấn QT, phía phải chiếc vespa là cổng Tòa Hòa Giải Rộng Quyền (tòa án), sau lưng ngang cái băng rôn màu vàng là Tiệm Sách Tao Đàn

Ôi nhớ làm sao một thời chinh chiến khi khói lửa chiến tranh ngập tràn trên quê hương đau khổ Việt nam mà vùng "Giới Tuyến" lại chịu thảm nạn hình như là hàng ngày. Tiếng bom gầm đạn réo chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Ban ngày từng loạt đạn pháo binh gần xa dội về thành phố hay từ trong thành cổ bắn đi. Những đoàn chiến đấu cơ phản lực sau những phi vụ oanh kích lại nghiêng cánh như "chào thành cổ" trước khi bay ra hạm đội hay vô lại phi trường Đà Nẵng. Đêm về người học sinh vừa học bài nhưng tai lại lắng nghe từng hồi bom B 52 dài lê thê từ Trường Sơn vọng về rung rinh nền đất. Vừa học bài nhưng cậu học trò vừa để ý tới từng hồi hú của pháo hỏa tiễn 122 ly của phía bên kia  bắn vô thành phố, vội quăng sách vở kêu mau mọi người chui nhanh xuống hầm trú ẩn...

Người viết kể dông dài như thế chẳng qua để giải thích lý do cái "bệnh ghiền tin tức" theo dõi thời sự một thời lại cần thiết đến thế.
Hàng ngày, nghe tin chiến sự thì có cái radio. Radio thì dành cho bậc cha mẹ hay các vị công chức có đồng lương hàng tháng. Những vị này còn có tiền đặt báo tháng. Cỡ học sinh, 'bô lô chi trớt' ngoài cái nghề 'nhà báo' hay 'báo nhà' -tốn cơm hao vải- đào đâu ra tiền? Thế là phải đi COI BÁO CỌP đó thôi.

Chữ CỌP ở đây dĩ nhiên ngày trước ai cũng hiểu từ chữ copier tiếng Pháp mà ra. Sinh viên học sinh thời đó cần tài liệu nhưng thiếu tiền thì vào tiệm sách lấy cớ xem sách nhưng mục đích là copy vài dòng hay tài liệu nào đó để về làm bài. Nghèo lấy đâu tiền? Thời nay thư viện ê hề sẵn sàng giúp sinh viên về chuyện đó.


Người viết xin thưa lại chuyện COI BÁO CỌP chẳng hề liên quan gì đến sưu tra tài liệu như hôm nay cả. Ngày đó, chiến tranh là câu chuyện thời sự nóng bỏng nhất. Ngang qua tiệm sách, không ghé không được. Người kể chuyện từng đứng trước cái sạp báo, mê làm sao những tờ báo mới ra đọc ngấu nghiến mấy cái tựa đề tin tức CHIẾN SỰ NÓNG BỎNG...

Nào Gio linh, Đông Hà khói lửa, nào Chiến Dịch Hạ Lào, chuyện căn cứ Carol, Khe Sanh căng thẳng chiến sự, chuyện rút quân di tản... Người học sinh gần đến tuổi thi hành quân dịch, hàng ngày chứng kiến những chiếc GMC chất đầy xác tử sĩ hi sinh đi về hướng Trại QUÂN CỤ. Chuyện oái ăm, Trại Quân Cụ lại gần môt bên Trại Tuyển Mộ Nhập Ngũ? Cứ thế, một bên hàng ngày tiếp nhận từng toán thanh niên đi vào trình diện rồi họ sẽ ra chiến trường. Trớ  trêu thật, phía trại Quân Cụ hàng ngày người lính thợ hàn hỏa tốc hàn kín những chiếc hòm kẽm bỏ vào những chiếc quan tài bằng gỗ màu lam. Những chiếc hòm kẽm kia sẽ theo C 130 vào nam quê hương của những tử sĩ TQLC.


HÌNH- Tiệm sách Tùng Sơn bên phải có dấu đỏ

    Trên cái bàn bỏ báo, có nhiều tên như CHÍNH LUẬN, SÓNG THẦN, TRẮNG ĐEN, ...mới in theo chiếc xe đò Huế Quảng Trị vừa ra tới bến xe Nguyễn Hoàng vội phân phối ngày tới các tiệm sách Sáng Tạo Lương Giang, Tùng Sơn, Văn Hóa, Tao Đàn, ...Người chủ sau khi để dành cho khách báo tháng còn bao nhiêu bỏ ra ngay ngắn trên cái bàn gỗ trước tiệm. Trên mặt bàn những sợi dây cao su  màu đen nhằm ép các tờ báo xếp hai ngay ngắn do sợ gió bay. Cảm giác khó khăn cho anh chàng "COI BÁO CỌP" chính là lúc này đây...

Giở sợi cao su đen lên lấy tờ báo ra để coi bên trong thì đường đột hay suồng sã với chủ tiệm. Nét mặt khó chịu của người chủ bên trong họ đang phục vụ cho khách mua sách hay đang bán vài thứ gì đó. Khách coi cọp kia đành 'nuốt nước bọt' xem mấy hàng tin tức CHÍNH YẾU CHỮ LỚN trên nửa tờ báo, chúng được xếp ngăn nắp, bẹp dí dưới những sợi dây cao su màu đen to bản.

Hình_ người đàn bà đội nón đang đi qua tiệm sách Lương Giang bên kia người  đạp xe đạp đang qua Sáng Tạo 

Truyện dài đăng nhiều kỳ thì nằm ở trang trong. Thứ này không cần thiết do những tờ báo cũ có thể được cho lật ra coi. Nhưng cái khó chịu nhất vừa cho chủ vừa cho khách "Coi Cọp" là báo mới nó rất cần cho ai có chút tiền mua giúp cho Tiệm? Chưa hề có sự phẫn nộ hay phiền hà của chủ tiệm đối với khách coi cọp. Tâm lý khó xử hay sao cũng từ lương tâm con người thời đó sinh ra. Có thể báo cũ rẻ tiền hơn còn báo mới thì chẳng ai bớt cả. Thật tiếc, người viết quên hết giá cả một tờ báo Sóng Thần, Chính Luận, Trắng Đen vào thời đó là bao nhiêu? Nhưng có điều chắc chắn nó phải rẻ hơn giá bao thuốc capstan hay tô bún bát phở vào thời đó. Dù 25$ hay 50$ một tờ báo nhưng đối với học sinh làm gì có tiền?

Nửa thế kỷ sau, thế hệ con em bây giờ làm sao hiểu được tâm lý của một người, một thời "COI BÁO CỌP". Giờ đây, chính yếu nhờ vào ngòi viết của ta. Tác giả phải cố mà viết cách nào để cháu con thời này thông cảm được cái thiếu của một thời chưa hề có sóng Internet, wifi ...hay vô số phương tiện điện tử giống lúc này. Một thời, tờ báo in ra từ thủ đô Sài Gòn theo máy bay dân sự ra đến miền trung xong theo xe hàng phân phối ra Huế. Hôm sau báo mới đó lại theo chiếc xe Renault "hỏa tốc" ra tận TP Quảng Trị. Nhanh lắm cũng mất non hai ngày trời. Tờ báo mới in xong rạng hôm qua tại Sài Gòn, ra đến Quảng Trị, tỉnh Địa Đầu Giới Tuyến có nhanh chi cũng hai giờ chiều hôm sau mới đến. Hai giờ chiều hôm sau, là thời gian nhanh nhất cho các tiệm sách Sáng Tạo Lương Giang Tao Đàn Tùng Sơn có BÁO MỚI.

báo mới từ Huế sẽ theo xe hàng Renault ra tận bến xe Nguyễn Hoàng Quảng Trị

Báo và tin MỚI đúng nghĩa tức là "Hôm Qua". Mặt trận mới nhất tức là hôm qua. Những nạn nhân chiến cuộc, những chiến sĩ nằm xuống, vừa nhắm mắt giã từ một đất nước nghiệt ngã đau thương trong cuộc chiến tương tàn, đã là HÔM QUA! Đoạn đường từ Sài Gòn ra đến tỉnh Địa Đầu Giới Tuyến có nhanh chi cũng từ hôm qua.

***

    Ai là người trong cuộc mới thấm thía một thời "COI BÁO CỌP". Thoắt đó thoắt đây mà đã nửa thế kỷ qua rồi. Từ những tiệm sách cho đến quán hàng hay chợ đò thân thương của một thành phố hiền hòa nay đã vùi sâu trong vùng quên lãng.

Phố Quảng ra đi và gót chân 'giải phóng' tràn ngập. Hình ảnh các đơn vị CSBV tràn ngập tp Quảng Trị ngang ngã tư Quang Trung -Trần hưng Đạo nơi mua bán phồn thịnh, có nhiều tiệm hàng. Trong hìnhTiệm Tân Mỹ ngó qua tiệm sách Tùng Sơn Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 

Hôm nay nếu ai có tấm lòng nào đó ghi lại chút gì cho thành phố ngày xưa nay đã vùi sâu dưới 'nấm mồ dĩ vãng' âu cũng là giúp nhau trở về với bao kỷ niệm nhạt phai. Có những hình ảnh một thời khó quên cho thành phố thân yêu, hay một Đoạn Đường Cầu Dài máu lệ. Biết bao mẫu chuyện đau thương của máu cùng nước mắt từng bị dập vùi hay cố tình cho người đời quên hết bằng NHỮNG  MỸ TỪ THAY THẾ CHO THAM VỌNG XÂM LĂNG?

Hôm nay có nói ra như thế cũng trễ, cũng thừa. Chúng ta chỉ mong ít hay nhiều gì, bạn và tôi hãy cảm thông cho những ai từng đi "COI BÁO CỌP", một thời Quảng Trị ngập tràn khói lửa chiến tranh./.

Đinh hoa Lư 14/10/2024

San Jose USA

==================== 


No comments:

Post a Comment