Kính nhớ hương hồn Ngoại tôi
BÀI NÀY tác giả đăng lại lên đây, để lưu dấu hình ảnh của một mái chùa Sắc Tứ Tịnh Quang khác với hôm nay. Ngày xưa hình ảnh Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang Tự là một hình ảnh tiêu sơ xung quanh hoang vắng, vài ngôi làng thưa thớt xa xa. Nửa thế kỷ qua nhanh, Ái Tử bây giờ là thị trấn đang ào ạt xây dựng, ngôi chùa lịch sử nay phải lọt vào giữa chốn nhà cửa, công sở dinh thự náo nhiệt khác thường.
Chạnh lòng nhớ lại ngày xưa còn nhỏ, có lần tôi một mình đi bộ qua cầu Ga, rồi lần theo Quốc Lộ. Qua khỏi Cầu Ái Tử, tôi đi băng qua bãi cát và cồn cỏ Ái Tử để tới một thôn làng sau lưng Chùa Sắc Tứ. Ngày đó tôi qua nhà đứa bạn tiểu học có nhà bên làng. Thời này chưa có căn cứ Mỹ đóng. Quanh chùa là những cồn đất hoang vu, xa xa trong kia làng mạc thấp thoáng. Đi xuyên qua vùng đất hoang, có những con sơn ca thay nhau bay lên cao đập cánh đứng yên trên không kêu lảnh lót. Con này kêu xong từ từ hạ cánh tiếp liền có con sơn ca khác tiếp tục bay lên... lại đập cánh đứng yên hót liên hồi...
ÁI TỬ hôm nay không còn là cánh đồng vắng như xưa nữa
Ngôi chùa Sắc Tứ nay lại bị che lấp giữa một thị trấn phát triển và càng lúc càng đông đúc chẳng khác chi chốn phồn hoa. Quả thật, nếu ai về lại ghé thăm Chùa Sắc Tứ nay quang cảnh đã thay đổi quá nhiều do phải 'lọt' ở giữa những khu dân cư , dinh thự chi chít hỗn độn của thời đại mới "đất hẹp người đông"
ĐHL
NHỚ NGOẠI TÔI bà Vãi Chùa Sắc Tứ trước 1972 và những MÓN CHAY
Sau khi ông ngoại tôi qua đời vào năm 1949, gần mười năm sau mệ ngoại tôi tu tại gia. Thời gian này Mệ hay về nấu nướng cho quý thầy dưới chùa Tỉnh Hội. Trụ trì gồm hai thầy, tôi còn nhớ hình thầy Thích chánh Trực (?)và một thầy khác . Ngoại tôi cho treo hình hai thầy trụ trì trong chùa Tỉnh Hội ở căn giữa nhà, đối diện bàn Phật.
Khoảng thời gian 1967- 1968 căn cứ Mỹ đóng quanh Chùa, có vài quân nhân Hoa Kỳ hay qua thăm cảnh chùa và chụp hình ảnh này. Những quân nhân này sau này về lại Mỹ và họ đưa lên mạng Internet hình ảnh Chiến Tranh VN trong đó có hình này
Gần năm 1960, ngoại tôi chính thức xuống tóc và qua tu bên chùa Sắc Tứ. Làm bà vãi, có nghĩa là Mệ nấu ăn cho các thầy và các chú tu trong chùa. Ngoại nấu chay khéo và ngon nên thầy nào cũng thích. Đứa cháu như tôi, cho đến giờ cũng không quên mấy món mệ nấu. Mỗi lần Mệ vè nhà, tôi cứ "lẩn quẩn" gần mệ ngoại để có dịp người cho món chay ăn.
một lính Mỹ đóng ngoài căn cứ Ái Tử gần chùa tới thăm khoảng sau 1968 lúc Ngoại tôi còn ở đây, mấy chú tiểu này cũng rất thân với ngoại tôi. Các chú này là đệ tử của thầy THích Ân Cần tu sau các chú Đăng và Tăng đều làng Trà Trì Hải Lăng
hình Chú Tăng (làng Trà Trì ) một buổi thăm nhà ngoại tôi tại Cửa Hậu P Đệ Tứ QT (1969)
Tôi hi vọng nhắc lại không quá lời, vì ngoại tôi nấu không ngon làm sao tôi nhớ đến bây giờ? Mấy bắp chuối ( người Bắc gọi là hoa chuối), sau khi hấp xong, Mệ xé nhỏ ra trộn với rau răm rồi mệ nói thịt gà bóp. Củ bình tinh (hoành tinh) bánh tráng, không biết làm sao Ngoại cuộn lại chiên lên thành món ram chay ngon còn hơn ram mặn. Tôi còn nhớ mệ tôi cho ăn thịt gà bóp bằng mỳ căng, hay món phở chay, bánh bột lọc chay...ôi thôi đủ thứ ! tôi không còn nhớ hết? Chuyện đặc biệt , có món "cá chiên" của mệ làm, giờ tôi lại quên, không biết làm từ gì?
Làm sao các thầy quên được mệ tôi ? Sau khi chùa thu hoạch đậu nành, mệ tôi cũng làm ra mấy hũ tương ngon, đậm đà , để dành ăn suốt năm . Chỉ có rau muống bò nổi trên mặt nước trong hồ sen , mệ luộc chấm với tương này, ai cũng thích, không có gì hơn. Ăn chay thì kể chuyện tương, chao. Tôi còn nhớ hình ảnh mệ tôi làm chao sao lắm công phu ! Những lát khuôn đậu, mệ lót trên tro qua lớp vải quyến . Ngày sau, mệ tôi cẩn trọng xếp từg lớp vào thẩu. Những lớp muối tiêu, ngay cả rượu nữa...thêm bao thứ tôi còn nhớ lan man trong đầu. Nhưng thứ chao được tay ngoại tôi làm , khi mở thẩu ra thì thật đúng mùi chao ! Những lúc cúng kỵ tôi có dịp ăn thử . Thứ huơng vị đậm đà nhưng lại nồng, thứ nồng rất riêng của chao làm cho tôi khó quên . Sau này dù đi đâu, tôi lại chưa gặp thứ chao nào bằng ngoại tôi làm, thế mới lạ.
THƯƠNG QUÁ "NỐT NHANG" TRÊN ĐẦU NGOẠI
Năm đó khoảng 1970, Mệ tác giả may mắn và hân hạnh được quý thầy tại Tổ đình Sắc Tứ cho đi theo dự mùa Kiết Hạ tại Chùa Kim Tiên trong Huế. Tiếng là bà vãi bếp núc cho Chùa nhưng tu thì phải "hành". Gần mãn mùa Kiết Hạ tại Chùa Kim Tiên, Mệ tôi cũng được thọ GIỚI SA DI sau khi qua đợt thử sức tịnh tâm qua lệ "đốt nhang" lên đầu? Sau khi thử sức tu hành nghĩa là cái tâm huớng niệm hay định tâm ngang mức độ nào bằng cách dùng cây nhang đang cháy, dúi lên và phải dốc tâm niệm phật cho quên cơn nóng khi lửa dúi vào da đầu. Mừng cho ngoại tôi đã thành công viên mãn lên được Sa Di và ngoại được Chùa cấp Y Bát.
Mệ về nhà mang một vết tròn lỡ lói trên đầu, tôi phải xức thuốc cho mệ , nhưng trong lòng đứa cháu ngoại cũng tự hào khi mệ ngoại mình vừa được một "nốt tu hành" trên đỉnh đầu. Quả là một chứng cớ rõ ràng nhất về niềm tin và tấm lòng nhất tâm tu tập cùng thành tâm niệm phật.
CHÚ HỢI
NHỚ 'CHÚ HỢI' NUÔI Ở CHÙA SẮC TỨ NĂM XƯA
CHÚ HỢI cái tên từ thầy Trụ Trì Thích Ân Cần cho đến các chú và mệ ngoại tôi hay kêu chính là con heo đen trong chùa. Chùa nuôi chú HỢI chỉ một mục đích lấy nguồn phân bón trồng cây. "Chú Hợi' xem như là kẻ gần gũi ngoại tôi nhất vào thời gian ngoại tu bên chùa. Chuồng chú được đặt gần bếp phía nhà trai bên phải chùa. Khi nào chuồng cũng có rơm rạ, phân bổi, ngoại tôi là người trực tiếp cho 'Chú' ăn.
Chú Hợi sống thọ đến nỗi nanh chú dài ra. Mỗi dịp qua thăm chùa, tôi để ý thấy nanh 'chú' dài ra một ít. 'Chú' chỉ nằm không còn đứng được. Coi bộ cái chuồng chật hẹp đối với 'Chú'. Có lần ngoại tôi khoe " chú được thầy cho quy y rồi" . Tuy nhỏ, nhưng lòng tôi cũng cảm thấy hân hoan giùm cho chú Hợi.
Cát trắng sau chùa không có nguồn 'phân bón' của 'chú' xem như chẳng ra chi. Những vồng khoai tía, những cây vú sữa cũng nhờ phân chuồng từ đây . Những sào sắn thì đành chịu do không đủ phân đắp bồi cho sắn . Phân lót từ chuồng này, Thầy bảo chỉ ưu tiên cho khoai tía khoai từ và mấy cây ăn trái thôi . Cát trắng không đủ hoa màu, Chùa nhờ lòng hảo tâm của khách thập phương, nhất là các thương gia bên Chợ Tỉnh. Thương gia mễ cốc Nguyễn Xuyến là người thầy trụ trì hay nhắc tên nhất.
Chú Hợi qua đời trước biến cố 1972. "Công quả" của 'Chú' ít nhiều chi cũng có với chùa. Bao nhiêu vồng khoai tía, khoai từ, mấy cây vú sữa và bóng ngoại tôi lom khom bên chuồng ...
Cho đến 1972 ly loạn, thầy, điệu, bà vãi mỗi người một phương. Ngoại tôi theo gia đình vào Đà Nẵng, Trại tạm cư Non Nước, phi trường hoang phế Non Nước lưu dấu bà con Quảng Trị non 2 năm thì gia đình ngoại và cậu tôi theo chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp vào vào Bình tuy (1974) cũng như hoàn cảnh bao nhiêu người dân Qt khác vậy.
Chùa hoang phế hư hại sau 1972 cho đến 1975 người viết khi còn tù cải tạo tại một trại gần Nại Cửu Phường. Nơi này cũng gần Thôn Xuân Khê tạm coi là gần vùng trung du, cách chùa khoảng năm cây số. Lần đó nhờ vào lúc trại phân công đi tìm dây thép kẽm gai còn sót tại căn cứ Mỹ cũ nên có ghé tạt vào thăm chùa. Thời gian này hai thầy Thích Chánh Trực và Thích Ân Cần cùng trụ trì tại đây với một số chú tiểu còn nhỏ tuổi. Hai thầy cùng với các chú tiểu tự túc canh tác sống qua ngày. Chánh điện trước chùa còn hư hao, người dân quanh làng chưa ai hồi cư đông đủ...
***
Từng thập niên liên tục đi vào quá khứ. Hình ảnh các thầy trụ trì Tổ Đình Sắc Tứ kể cả ngoại tôi, bà vãi giữ chùa đã dần khuất trong vùng quên lãng. Lạ thật, tôi cứ nhớ hoài những món chay của mệ ngoại mình. Có một điều tôi không thể bỏ qua, là tôi nhớ và thương cho vết nhang "từng đốt" trên đầu Mệ, tôi vẫn không quên sức nóng nốt nhang đang cháy đó . Sự thử sức quá gay go, giá như tôi thì chẳng bao giờ "dám thử " ! Ngoại tôi thật dốc lòng tu mới quyết tâm chịu đựng như thế , sức nóng ghê gớm từ nốt cháy của đầu nhang kia ! trong khoảnh khắc nhất tâm, quán tưởng đến Phật , niệm liên hồi , mồ hôi nhễ nhai , tội và thương cho Mệ quá!
NGÀY NGOẠI TÔI “TRỞ VỀ” TỔ ĐÌNH SẮC TỨ
Những ngày chạy loạn 1972, Mệ cũng như bao lưu dân QT khác phải lìa bỏ quê hương vào tận miền Nam. Mệ theo gia đình vào Bình Tuy theo Chương Trình Khẩn Hoang Lập Ấp 1973. Cho đến 1986 mệ mãn phần tại Xuân Sơn Bà Rịa nhưng lòng cứ đau đáu về Tổ Đình Sắc Tứ.
Hai mươi năm sau, khoảng 1992, Ngoại tôi được cải táng về lại Tổ Đình Sắc Tứ như lòng Mệ hàng mong ước.
Cậu người kể là Võ Hoa đã cải táng Mệ, đem Mệ về lại Tổ Đình nơi Người từng gắn bó với quãng đời còn lại. Nhớ năm đó trời nóng như thiêu đốt, cái giếng vuông nhỏ bé thân thiết với ngoại tôi xưa trong cạnh bờ trúc khô quắt, nước không còn một giọt. Lạ thay ! ngày đem cốt Ngoại về, cái giếng của Chùa đang khô bỗng cho nước như mừng người xưa nay đang trở lại Chùa hay Tổ Đình thân yêu "dang tay" đón ngoại tôi về. Mái chùa thương yêu ngày xưa đón Ngoại về, một nơi ngoại tôi hàng ngày với tấm lòng thương yêu, tém nhặt từng cọng rau, chắt chiu từng món tương chao, dưa muối, giúp cho quý thầy và các chú ngon miệng.
thập niên trước 1972 , từ chùa Sắc Tứ nhìn ra đường QL 1 , chúng ta thấy chỉ là bãi cát hoang sơ
Mỗi lần nhìn lại hình ảnh bức tượng Quan Âm trước hồ sen của chùa, tôi lại nhớ những ngày hè qua thăm Mệ. Lảng vảng trong đầu tôi hình ảnh mấy con cá phi lượn lờ dưới lòng hồ hơi cạn nước. Mặt hồ lác đác mấy đóa sen trắng, những khóm tím hồng hoa sún. Dưới tượng Đức Quan Thế Âm , cái lư hương lớn chỉ còn lại chân nhang. Khung cảnh chùa sao tiêu sơ, thanh tịnh quá !
Ngắm cảnh xong tôi đi qua bên phía phải chùa bên rặng trúc thưa gần cái giếng miệng vuông nho nhỏ. Hàng ngày, ngoại tôi lom khom rửa rau, rồi bóng người lẳng lặng vào lại phía căn nhà trai bên phải chùa. Trên kia vẫn là rặng Trường SƠn muôn thuở. Thỉnh thoảng sau từng đám dứa dại, có mấy con chim sơn ca lần lượt bay lên cao. Chúng vỗ cánh đứng yên trên lưng chừng, hót liên hồi rồi từ từ hạ xuống đất.
Chiến tranh tăng cường độ, căn cứ Mỹ xây nhiều quanh chùa. Tiếp đến là năm 1975 với bao nhiêu biến đổi. Giờ thì nhà cửa, dinh thự đã bao quanh chùa dày đặc! May thay, Tổ Đình Sắc Tứ vẫn còn, nay đã trùng tu.
Vật đổi sao dời, cảnh chùa biến đổi mấy lần. Hiện tại mấy ngôi bảo tháp di tích Tổ Đình vẫn còn, làm cái gốc cho Chùa tái lập. Dân cư càng lúc càng đông, càng ít đi sự thanh tịnh ở đây. Càng về sau, tôi thấy thương khung cảnh hoang sơ thanh tịnh của Tổ Đình Sắc Tứ năm xưa. Nơi đó có ngoại tôi, bà vãi của chùa, một bà vãi nấu ăn nhưng lại được một nốt nhang trên đầu , chứng tích của một người nhất tâm niệm Phật.ĐHL 18/7/2014
No comments:
Post a Comment