Thursday, May 25, 2023

MÙA XUÂN LÁ KHÔ


XUÂN 1975 cái TẾT thứ ba trong đời binh nghiệp 


   TRÊN ĐỈNH QUÊ HƯƠNG


Tôi trở lại vùng hành quân vùng xa xôi đá sỏi biết buồnBa tháng hậu phương yên bình tuy vết thương chưa lành hẳnTôi lại đi giữa lạnh sang ĐôngĐời tôi chinh chiến lâu năm, yêu lúc băng rừng như mộng tình nhân...

(Mùa Xuân Lá Khô/ Trần thiện Thanh)

***
    Mấy tháng cuối thu 1974 cả tiểu đoàn đau "rạt gáo"  do một chứng sốt tràn lan một cách lạ kỳ trên vùng Động Ô Đô. Lính bị bệnh cáng về hậu cứ càng lúc càng nhiều. Từ đó quân số Tiểu Đoàn 105 thiếu hụt trầm trọng. Trung đội tôi chỉ còn khoảng hơn hai mươi người. Tính theo đơn vị nhỏ nhất là tiểu đội đôi khi còn ba, bốn người thôi. Thiếu quân như thế, làm sao gác giặc? Hằng đêm chúng tôi phải thay phiên gác tới hai ca. Ca một từ 6 tới 8 giờ tối thì ca hai từ 4 tới 6 giờ sáng...  Sốt rét và thiếu ngủ và thiếu cả cái ăn làm lính càng yếu sức thêm. Tôi tuy là trung đội trưởng nhưng chỉ khỏi gác khi quân số đầy đủ. Tình hình sốt lan tràn toàn vùng Ông Đô, nơi nào cũng thiếu lính không riêng gì trung đội tôi.

Trước khi kể lại chuyện xưa, chuyện một "Mùa Xuân Lá Khô" một đề bài do người viết cảm hứng từ bản nhạc của NS Trần thiện Thanh, tôi cũng đính chính một chút về cái tên "Động Ông Đô" thật ra ngày trước người Quảng Trị mình gọi là "Độn Ôn Do" mà tiếng "Do" người Mỹ đọc trên bản đồ là "Đô" và sau này các đơn vị QLVNCH thì theo vậy mà gọi. Chỉ có một lần ngày xưa còn nhỏ tôi thường nghe người làng Nại Cửu như cậu Võ Thế Hòa (Dâu) thường bàn tán nhau "chèo đò lên Trấm lên độn Ôn Do" kiếm củi...



 Tác giả vốn đã ốm, vướng sốt nên càng lúc càng gầy rọc đi. Đêm đêm trong người mãi sốt ngầm, tóc rụng nhiều. Tôi vẫn bám chốt, vẫn gác 2 ca hàng đêm. Quân số càng lúc càng thưa do lính khai bệnh về hậu cứ. Phần tôi dù cố gắng chi rồi cũng 'chống gậy' theo xe tiếp tế tiểu đoàn về Bệnh Xá Tiểu Khu.

Nói ra thì nghe khá lạ lùng? sao lại "chống gậy" lúc mới 21 tuổi đời? Số là sốt quá, tôi mắt lúc nào cũng hoa lên, cảm giác sẵn sàng nôn ói?  Hơn hai tháng trời không có chất gì trong người. lại phải canh chốt, thức ngủ thì làm sao không chống gậy cho được?


Tiểu Khu QT đóng tại cồn cát Diên Sanh. Lúc này ông Trung tá Đỗ Kỳ làm Tiểu Khu Trưởng. Vào năm sau Ông Kỳ lên đại tá- là "dân" TQLC thì họ biết tin còn chúng tôi ở trên núi chẳng nghe tin này. Thật ra ông Đỗ Kỳ ít được người Quảng Trị biết nhiều. Đại Tá Đỗ Kỳ làm TK Trưởng do cả sư đoàn TQLC đóng tại QT là chuyện hợp lý.

Trở lại chuyện tôi, về được bệnh xá Tiểu Khu, nhưng để lại một trung đội thiếu quân số, thiếu mọi thứ...những anh em khác đau quá về trước tôi. Đến phiên người trung đội trưởng về sau hết. Ngày đó quả thật tôi ốm quá người quen chẳng nhận ra:

``-Ui chao, mi đó Phúc?!

 Người nhà của Trần Tài, bạn cùng xóm trước đây bất ngờ gặp tôi đều thương cảm thốt lên như rứa. Bác Cai Trà, mạ hắn hay anh hắn đều ở Khu Thị Tứ trước mặt Tiểu Khu. Cả một vùng đóng trên cồn cát Diên Sanh. Bà con cố cựu đều là dân thị xã trước đây cả. Người cùng xóm cũ, quả thật ai cũng ái ngại, thương cho tôi hoàn cảnh xa gia đình cha mẹ. Nhà tôi tất cả đều di dân vào nam rồi.











Em Gái Hậu Phương & Tiểu Đoàn 105 TKQT tại Cầu Ba Bến 1969 (2 đại úy Lê kim Chung và Trần quang Hiền người giữa) Thời gian này tác giả chưa ra đơn vị 

*
 Lúc nằm bệnh ở đây tôi biết Ông Đại Uý Quân Y Hoàng Trọng Mộng làm trưởng Bệnh Xá. Tôi biết ông bác sĩ Mộng do Ông là "người tình" của dì tôi. Khi hai người có đứa con gái tên Hoàng thị Mộng Hằng thì dì tôi và gia đình đã ra đi theo chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp.  Đứa con gái dì tôi nay ở Trị An, sau này cũng liên lạc được với cha mình.  Ông Hoàng trọng Mộng sau 1975 được tái hành nghề bác sĩ tại Sài Gòn cho đến khoảng gần năm 2020 thì mất.  Ngày đó nằm bệnh xá, ông Mộng có xuống thăm thương bệnh binh. Thật tâm tôi chẳng muốn nói hay nhìn quen biết làm chi. Tôi về nằm bệnh ở đây là hợp lý chẳng cần "thân quen hay xin xỏ" ai nữa. Nhìn người tôi lúc đó- ốm tong teo, xanh xao do sốt rétthiếu ăn, mất ngủ như rứa thì ai mà không cho nằm viện?

Nằm tại Bệnh Xá được năm mươi lăm ngày, tôi dần hồi khỏe người vui vẻ trở lại. Ngày ngày vào câu lạc bộ tiểu khu, vui quá nói chuyện huyên thiên đến nổi có bà ngoại mẹ người chủ rầy la "sao ồn quá". Hết bệnh tôi cầm tờ giấy phép vào tận Mỹ Tho thăm gia đình. 

Tôi có ghé Bình Tuy thăm bà con ở Động Đền. Động Đền là một cái tên của một vùng chứ không phải tên thôn hay tên xã nào cả. Động Đền là một vùng từ múi đầu của tỉnh lộ 55 chạy đến chân dốc xã Tân Sơn thuộc Quận Hàm Tân, Bình Tuy hồi đó.

 Người QT năm 1974 đã vào Bình Tuy hơn một nửa, chỉ một phần ba hồi cư về lại QT thôi. Tiểu Khu QT cũng chia đôi để đi theo Chương Trình Khẩn Hoang LẬP ẤP

Tôi ghé thăm vùng đất mới Động Đền vỏn vẹn hai ngày nhưng nhiều ấn tượng. Hình ảnh những cánh rừng mới bị chặt hạ ngổn ngang trên vùng đất cao xã Tân Sơn. Có mấy cái quán tranh bán cà phê nho nhỏ trước cái chợ có tên Động Đền. Những mái nhà tôn xi măng và tranh xen kẽ. Đi đâu cũng là người là người QT. Bà con gần nhau, đùm bọc nhau mà sống. Năm này chỉ có bà con ngoại tôi ở đây. Dì kế mẹ tôi có mở cái quán cà phê cũng lợp tranh tại chợ Động Đền. Cái quán ngó qua con đường tỉnh lộ 55 là quán tiết canh. Mệ bán tiết canh một thời nổi tiếng tiết canh ở chợ Sãi QT trước 1972. Nay mệ mở quán, bà con đặt cho cái tên là "Quán Mệ Tiết Canh". Năm 1974 người QT Khẩn Hoang Lập Ấp vào đây, than củi bán mua còn tấp nập. Cà phê bán cũng đắt khách do người dân còn trợ cấp, còn tiền làm than rồi đất đai mới khai hoang nông sản dồi dào. Trường học như tư thục Thanh Linh do Linh mục Nguyễn vân Nam làm hiệu trưởng. Bên cạnh đó trường học công do chương trình Khẩn Hoang Lập ấp BS Phan Quang Đán tài trợ mở mang từ Động Đền cho đến các xã trên cao như Sơn Mỹ đều được xây bằng xi măng lợp tôn vững chắc...

Gia đình ba mẹ tôi một năm sau tức là sau 1975 mới giã từ Mỹ Tho để về Động Đền. 

Hết phép mười lăm ngày, tôi ra lại miền trung  đúng vào dịp Noel 1974. Trước khi lên núi lại, tôi có hai ba ngày, lẩn quẩn về  thăm xã Hải Thọ thăm nhà mợ tôi. Cậu Võ Hoa tôi làm Phòng Ba/ TKQT và mợ tôi cũng là người Diên Sanh. Nhà mợ Lành gần ngã ba vào Chợ Diên Sanh. Vùng này một thời ai cũng biết người anh của mợ tôi. Anh ấy tên Xíu; người to con vạm vở, sức mạnh vô cùng. Sau này anh mất sớm.

 Ngày đó tôi dắt đứa em gái, con đầu của cậu mợ tôi- Võ thị Sớm Hồng- mới hai, ba tuổi đi vào Chợ Diên Sanh. Ai cũng ngỡ ngàng: 

-A Ôn Ch. Úy có con, mà răng còn trẻ dữ rứa?

 Ra trường vào cuối tháng 11 năm 1973, tôi đúng hai mươi tuổi đời, còn độc thân. Chuyện lập gia đình quả là xa vời, thật lòng tôi chưa bao giờ nghĩ đến.  Ngày đầu tiên trong đời binh nghiệp, từ Quân Trường Đống Đế tôi là người đầu tiên trong khóa  tình nguyện chọn về lại quê hương Quảng Trị. Cả khóa đứa nào cũng vỗ tay cho là 'anh hùng'? tôi đâu phải là anh hùng, do tôi chỉ muốn về lại quê hương mà thôi.

 Những ngày trình diện đơn vị mới là mùa Giáng Sinh 1973. Đúng một năm sau, mùa giáng sinh 1974, tôi đi phép bệnh và ra lại TKQT trả phép. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi phép đơn vị. Một cái phép "bất đắc dĩ" do nằm bệnh non 2 tháng mà có.  Tôi vào nam xong ra lại Đà Nẵng thăm cậu tôi- Đại Úy Võ Bình, binh chủng Lôi Hổ đang đóng tại Sơn Trà. Quà cậu tôi cho là quả lựu đạn mini nhỏ xíu bằng trái cau, bỏ túi phòng thân. Tại sao tôi gọi là "quà" do thứ lựu đạn nhỏ xíu đó chỉ có "dân biệt kích nhảy toán" hay "bóng ma biên giới" mới có, binh chủng khác không bao giờ được cấp phát.

Khác với năm 1973, vào Giáng Sinh năm 1974 người QT tại Hòa Khánh và Non Nước đã hồi cư hay di dân vào nam hết. Các trại tạm cư tại Đà Nẵng không còn. Tôi giã từ Đà Nẵng, vội về lại Diên Sanh.

trường TH Nguyễn Hoàng và khu Thị tứ  1973

*
Tôi chưa vô gấp Tiểu Khu, lại lên Khu Thị Tứ. Khu Thị Tứ lập ngay trước mặt Tiểu Khu QT. Tôi đi  thăm bà con lối xóm mới hồi cư. Nhất là người bạn trong xóm Cửa Hậu năm xưa tức là Trần Tài. Tài là con út của ôn mệ Cai Trà, Phường Đệ Tứ QT cũ.  Tôi vào nhà Tài. Lúc này còn gặp mẹ Tài. Gạo hồi cư 6 tháng cũng vừa hết. Bà con sống nhờ vào đồng lương lính hay công chức quá eo hẹp không biết làm sao sống trên cồn cát trắng phau? Có thể bà con giờ này ai còn sống cũng có thể quên những ngày 'cơ khổ' lúc hồi cư? Gạo thiếu củi hết? những cồn cát bới tung hết rễ sim mốc làm chất đốt, nhưng rồi dần dà cũng cạn kiệt? Đời sống phải giảm thiểu từ ba bữa ăn trở thành hai bữa ăn tức là lúc 10 giờ sáng và 4 giờ chiều. Đó là chương trình hồi cư thì chỉ biết là hồi cư nhưng sống ra sao thì không ai tính trước cho người trở về Khu Thị Tứ.

TKQT và khu Thị Tứ Hải Lăng 1973

*
Đó là những gì gọi là đời sống bà con cố cựu của tôi khi tôi về đơn vị. Vào hậu cứ Tiểu Đoàn 105 chờ xe tiếp tế lên núi để đi theo. Tôi không đợi quá lâu vì mỗi tháng đều có ba chuyến tiếp tế lên đơn vị.

*

Chiếc GMC của tiểu đoàn 105 ì ạch mò quanh co theo con đường sơn đạo lên hướng Ô Đô mất gần nửa ngày. Tất cả mạch sống của mấy tiểu đoàn hướng núi chỉ nhờ vào sơn đạo này. Làm gì có máy bay vào lúc này hoạ chăng TQLC còn may ra. Lính Địa thì mong chờ vào hai bàn chân và mấy chiếc GMC của TK tuy cũ kỹ nhưng là người tiếp vận đắc lực cùng trung thành nhất.



              CĂN CỨ ĐÔNG Ô ĐÔ 



Men theo những triền tranh tôi về chốt trung đội. Anh em gặp nhau mừng vui hỉ hả như thể người thân vừa về lại  nhà. Tội nghiệp tôi chẳng có quà gì cho anh em ở lại. Đi bệnh viện về có gì đâu ngoài cái thân  ốm "còm nhom" đó thôi.

Trung đội phó tên Thản suýt xoa kể cho tôi nghe chuyện đêm kia khi nghe quả lựu đạn gài dưới chân đồi phát nổ ra sao? Tất cả Trung đội lên đạn sẵn sàng, tưởng sắp bị đánh?

 Đó là một đêm vắng mặt tôi, người trung đội trưởng. Sáng dậy một người bò xuống chốt. Té ra con mang bị vướng lựu đạn chết oan. Được mười mấy ký thịt- chất tươi đàng hoàng.  

"Tiếc quá không có mặt ch. uý liên hoan một trận cho đả"


Trung đội phó Thản vừa kể vừa phân trần. Phó Thản  vác sang đại đội trưởng Lê Kim Chung một cái đùi sau, còn chia cho 2 chốt tiểu đội kia...

-Vừa xong thì chuẩn uý lên...

Tôi không nhớ có cám ơn tấm lòng anh em trung đội hay không?  chỉ tiếc là chưa thưởng thức hương vị thịt mang ra sao? xưa tôi hay nghe "Mang lạc là mác làng" không biết lành hay dữ?

Nhưng mà ở chốn núi rừng, có nhiều đêm tôi hay nghe mang 'tác' rồi có sao đâu? động trời thì mang nó tác chẳng có chi lạ.

***

Trời sắp đón xuân 1975 hay cái tết đầu tiên tôi đón xuân trên miệt núi. Tết 1974 đơn vị tôi đang đóng ở cầu Ba Bến. Tôi thì giữ cái cầu Tham Triều. Ngồi bó gối trong cái hầm bên cống Tham Triều mà nhớ gia đình ba mẹ anh em đang ở tận trong nam.

Giờ thì Xuân 1975 về rồi. Ban ngày từ chóp núi, tôi ngắm về đồng bằng. Dưới tầm mắt tôi là cả một mãng mù sương. Ngày nào quang đãng, hướng mắt về Diên Sanh tôi thấy rõ những viền cát trắng. Những lúc trời thật trong tôi còn nhìn thấy mép đại dương xanh ngọc bích.

Ban ngày chúng tôi có thú vui là đánh bài xẹp. Bài xẹp gần giống bài tứ sắc. Đó là cái thú tiêu khiển cho đời lính đóng chốt ở đây. Radio nghe riết cũng hết pin mà hết pin thì khó lòng mua được ngoại trừ dùng lại những cục pin cũ của máy PRC 25 tức là máy truyền tin của trung đội. 

Tất cả đều thiếu thốn. Mười ngày mới có một chuyến xe tiếp tế phải tới đỉnh Ông Đô nhận hàng do xe không thể bò tới chốt của từng đại đội được. Từ chốt trung đội tôi có thể men theo đồi tranh đi tắt bằng con đường tự mở để tới chốt đại đội 'ký sổ'. 

Ký sổ có nghĩa là mua thiếu hàng tại chốt đại đội. Nào kẹo đậu phụng nào sữa ông thọ cộng với bột bích chi nào thuốc hút .. những thứ này không thể thiếu. 

Nước uống thì vác ống đạn bò xuống chân núi để lấy nước khe. Đoạn đường nguy hiểm và hồi hộp, nhưng không có nước thì xem như ngồi trên chóp núi mà chết khát thôi. 
Dù nguy  nan cũng phải chia phiên vác ống đạn mò xuống khe lấy nước. Bên chốt kia, có người đi xuống lấy nước bị mất tích luôn? Hạ Sĩ Hoát (hoác?) xuống khe Trai lấy nước, không về? Sau này khi ở tù tại Trại Ái Tử, chúng tôi đi chợ mua rau tại chợ Đông Hà, bạn tù cho hay hạ sĩ Hoát làm phu kéo xe tại chợ Đông Hà. Thì ra ngày đó ông Hoác bị phía bên kia bắt cóc chứ không phải cọp vồ mất xác.


Đủ thứ nghi ngại cho căn bệnh sốt tại miền núi Ông Đô vào thời gian này: co thể do thuốc khai quang, có thể do muỗi vì sao nguyên nhân nào không quan trọng. Chuyện đáng lo là quân số quá thiếu, tiếp vận quá nghèo? 

***

Chuyện đời lính là vậy, còn 'cái mạng' để ngày ngày ngắm cảnh trời trăng mây nước, kể ra cũng còn may lắm.


Một con sông nhỏ, một khám phá lý thú đối với riêng tôi khi dò trong bản đồ vùng tôi đóng quân. Nó mang tên là "SÔNG NHÙNG'. Ngày xưa tôi  quen gọi là "Nhồng'. Cầu Nhồng là cái tên tôi không quên. Thời lớp nhì lớp nhất tôi hay vào Diên Sanh, xe phải qua Cầu Nhồng. Hồi này con đường Quốc Lộ 1 vào Diên Sanh phải qua Hải Thượng tức là con đường cũ. Qua Cầu Nhồng rồi mới đến Cồn Dê trước khi đến Diên Sanh tức là Xã Hải Thọ. 

Huyền thoại về Cầu Nhồng, thời nhỏ tôi chưa quên: người ta kể rằng: thời Pháp qua Cầu Nhồng hay có ma có khi nó xui cho tài xế thấy cả "hai cầu Nhồng" trước mắt và lái tòm xuống sông? Đó là chuyện ma thời xưa khi còn Pháp hay tôi chưa ra đời.  Rồi ba năm 1963-65 khi ba tôi làm tại Chi CA Hải Lăng, người hay lái xe vào Cầu Nhồng.xong đi lên một đoạn ném lựu đạn bắt cá. Có hôm bắt được con cá tràu quá lớn. Con cá nằm sau xe,  khoanh lại to gần bằng cái bánh xe hơi ? 

Hôm nay, Cầu Nhồng có thể đã vào quên lãng khi QL 1 đổi hướng từ Ngã Ba Long Hưng qua Cầu Dài vào tuốt Mỹ Chánh không qua Diên Sanh nữa. Từ thời có con đường mới nối QT tới tận Mỹ Chánh, khi không Diên Sanh trở thành "Thị Trấn Đìu Hìu"!



hơn 40 năm sau Sông Nhùng sạt lở  khiến nhiều căn nhà của người dân nứt nẻ, có nguy cơ đổ sật bất cứ lúc nào (Baomoi.com 12/2017)

Tôi cảm thấy thú vị với hai chữ Sông Nhùng để ngày ngày ngắm nó uốn éo lượn lờ dưới chân núi. Tiếng là sông nhưng chỉ là con suối dài, nước chảy còn mạnh qua nhiều nơi tung nước trắng xoá. Sông và thảm rừng dưới xa, hợp với nhau trông chẳng khác chi một bức tranh thủy mạc. 

***

Đời lính và quê hương đôi lúc tình cảm phát sinh là những lúc lặng ngắm non sông. Năm 1974, chính xác hơn là hè 1974 khi tiểu đoàn chúng tôi rời Ba Bến, chuyển quân về mạn biển hoán đổi Tiểu Đoàn 120. Mấy tháng đóng ở đây, khi lắng tai nghe sóng trùng dương dội vào bờ cát hoang vu cùng ngắm biển trời bao la, tôi cảm thấy tình cảm đối với quê hương dâng trào trong gió lộng. Tiếp nối, đơn vị lại hoán chuyển lên vùng núi. Tôi lại có dịp đứng trên đỉnh cao, trông xuống một dòng sông nhỏ đang lượn lờ uốn khúc. Chính lúc này, tôi mới nhận chân ra quê hương sao đẹp quá, hồn thiêng sông núi ngàn đời mãi xanh!

 Xuân 1975 sắp tới rồi, chỉ hai ba hôm nữa thôi. Một buổi trưa im vắng, tôi lại đứng trên đồi cao.  Quanh tôi toàn là những đám  rừng tranh bạt ngàn. Xuân đơn vị không một sắc hoa đó là điều chắc chắn. Màu xanh của lá màu áo ô liu thay hoa màu tết. Quà tết hậu phương, bánh chưng bánh ú từ Diên Sanh, hậu cứ Tiểu Khu đang được gửi lên.  

Hơn bốn muơi mùa xuân đi qua nhưng lòng tôi vẫn nhớ mãi mùa xuân của một chín bảy lăm. Từ mùa xuân đó tôi vĩnh viễn chẳng còn cơ hội nào đứng trên đỉnh cao để chiêm ngưỡng cảnh đẹp non sông núi rừng hùng vĩ. Dù rằng những mùa xuân biên giới hay "mùa xuân lá khô" đã thật sự trôi nhanh về miền dĩ vãng; nhưng đoá hoa QUÊ HƯƠNG vẫn thắm mãi trong lòng người bao người con xa xứ. Cứ độ tết đến xuân về nơi chân trời góc bể, vẫn còn nhiều người lính già xa quê còn ngồi vọng tưởng đến một thời cống hiến, bên chiến hào xưa chợt dâng lên nỗi hoang lạnh tâm hồn./.


Đinh hoa Lư 
Tái biên & edit 25.6.2023

No comments:

Post a Comment