Tuesday, May 9, 2023

1973-2023 NĂM MƯƠI NĂM DI DÂN CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ

 Chiều nay gửi tới quê xưa

Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người ... (Thuyền Viễn Xứ Nhạc Sĩ PD

           ***

                            
HÔM NAY đúng năm mươi năm kỷ niệm cho lưu dân Quảng trị phiêu bạt vào nam theo chương trình KHẨN HOANG LẬP ẤP 1973 - 2023. 

Năm mươi năm rồi hay nói đúng ra là đúng nửa thế kỷ kể từ ngày bà con chiến nạn tạm dung thân quanh thành phố Đà Nẵng nếu kể ra thì còn khá nhiều kẻ nhớ người quên. Ôi chuyện nửa thế kỷ qua, người QT cất bước phiêu bồng trôi dạt vào nam phương tìm đất sống. Chuyện ra đi cũng lắm đoạn trường, nhưng nay có thể kẻ  ra đi về trời miên viễn khá nhiều, lớp lớn lên sau thì chỉ còn một vài kỷ niệm mờ nhạt của một chặng đường bồng bế nhau qua đoạn Cầu Dài và non hai năm trời tạm dụng tại Đà Nẵng.

Người viết cũng từng viết về hồi ký này cách đây mười năm nay cũng xin nhắc lại khi dấu ấn chia phôi từ ngày giã từ Đà Nẵng theo chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp của một chính phủ nay cũng không còn.

chợ tạm cư mái tranh vách lá cho đồng bào QT 1973 tại Hòa Khánh Đà Nẵng


Đã năm thập niên ròng rã,  có ai còn nhớ chăng dòng người chiến nạn Quảng trị tạm lưu trú tại Đà Nẵng rồi cũng phải lưu luyến chia tay vùng đất tạm dung và nhiều tình cảm như Non Nước, Hòa Khánh, Hòa Cầm ôi những trại tạm cư biết bao kỷ niệm vui buồn. Ngót nghét gần hai năm, ăn ở tạm bợ học hành cũng tạm bợ. Những trợ cấp từ những bao gạo, những ổ bánh mỳ cùng bao nhiêu thứ khác. Lưu dân Quảng trị lại phải chia tay nhau, một nửa ra lại Quảng trị những vùng nào ra được như Triệu phong, Hải lăng. Nhưng phân nửa chọn con đường KHẨN HOANG LẬP ÂP vì nhà cửa, đất đai chẳng còn gì hứa hẹn.                 


1973 đồng bào chiến nạn QT tại Đà Nẵng được chính phủ VNCH cấp phương tiện chuẩn bị đồ đạc vào nam được biết 4 gia đình được đi cùng một chuyến xe tải vào nam (Bình Tuy) 



Một lần nữa lại ra đi.Dấu ấn 1973 xa dần theo gót chân người dân phiêu bạt. Giã từ và cám ơn Đà Nẵng một tình cảm che chở cho người dân mất đất. Chẳng ai quên được những tháng những ngày, nôn nao nơi vùng đất đầu lạ sau quen rồi cùng nồng ấm với nhau cùng một thứ tình nghĩa đồng bào qua hai năm xem nhau chẳng khác chi ruột thịt.


Chúng ta nhớ làm sao mấy chiếc quán cà phê nho nhỏ cùng vài chiếc bàn ọp ẹp dưới mái là tạm thời. Nỗi buồn xa xứ bên bao giọt cà phê rơi rơi. Ly cà phê đắng đơn sơ như đang chia sớt tâm tình cùng nhiều đứa con trai QT lỡ vận đang đợi ngày tòng quân nhập ngũ. Chuyện những người thất lạc người thân. Họ tuy chạy được vào ĐÀ Nẵng nhưng hàng ngày đốt điếu thuốc bên ly cà phê; tâm trạng chơi vơi trong niềm nhung nhớ nôn nao bởi người thân mất tích...

 

Chi nhánh Nguyễn Hoàng, chi nhánh BỒ Đề, Hiền Lương Nghĩa Thục... không bao giờ xao lãng nhiệm vụ giáo dục cho con em  QT lưu lạc vào đây. 



Vợ tôi hồi đó mới xong tú Hai, lúc này còn trẻ, độc thân, sau này kể chuyện lại với chồng tức là tôi rằng, may mắn được thầy Minh Lương tuyển vào dạy tại chi nhánh Bồ Đề tại trại tạm cư Hòa Khánh. Mới mười chín tuổi đời lại mang cái chức CÔ thì nàng làm sao khỏi ngỡ ngàng, lúng túng. Dân tình chạy nạn có được một việc như thế là may rồi nên vợ tôi phải cố gắng, mặc dầu hàng ngày phải tập tành  bạo dạn với các thầy "ngắm nghé" - các lứa học trò tuổi  ngang bằng hay ít hơn vài tuổi thôi !

   

         học trò QT tại vùng tạm cư Hòa Khánh đi chơi biển  1973


   Cô giáo Huệ - chi nhánh BỒ Đề Hòa Khánh - vào năm này là đề tài cho các thầy "thách đố" nhau , là "mục tiêu" cho các lứa học trò "nhất quỷ nhì ma" trêu chọc , làm cô giáo trẻ  phải bước thấp bước cao, lính qua lính quýnh những ngày tập sự. Vợ tôi không bao giờ quên kỷ niệm rằng : Có lần quýnh quá vợ tôi bị vướng quấn té, lật cả móng chấn chảy máu , và cũng là một "dịp may " cho các thầy thi nhau làm "y tá "!


 cô giáo và học trò tại tạm cư Hòa Khánh Đà Nẵng 1973
lớp học sinh này nay đã trên 60 tuổi 


Thế mà thời gian dạy cho BỒ Đề qua nhanh như gió thoảng.  Những buổi dã ngoại đi chơi biển với học trò.  Cô- trò như chị như em .  Không khí trường như vui hẳn lên, đầy sức sống cho các thầy "hăng hái thi nhau " dạy học  từ khi có bóng dáng cô giáo Huệ trên bục giảng của trường . Lạ một điều cũng từ ngày đó các thầy thi nhau ăn bận chỉnh tề "oai ra phết" !
 RỒi truòng BỒ Đề cũng phải chia tay nhau theo chương trình di dân 1973. Cô trò chia tay, bằng hữu chia tay , và những gia đình cũng phải chia tay ra đi . NGười vào Nam, kẻ ra lại huớng bắc tức là trở về lại QT. 



Lưu Dân QT năm 1973 theo chương trình KHẨN HOANG LẬP ẤP CỦA QUỐC VỤ KHANH PHAN QUANG ĐÁN VÀO ĐÔNG NHẤT TẠI ĐỘNG ĐỀN BÌNH TUY 


ĐÃ 50 NĂM NỬA THẾ KỶ TRÔI QUA LỚP CHA MẸ CHÚNG TA NAY ĐÃ RA ĐI THẬT XA CÒN LẠI LỚP CHÚNG TA NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI NHỮNG AI LÀ LƯU DÂN QT KHÓ QUÊN DẤU ÂN NHỮNG NGÀY KHAI PHÁ VỦNG ĐẤT ĐỘNG ĐỀN HAY CÁC KHU RỪNG LÁ BÌNH TUY hay lớp người QT ngoài Cam Ranh  THEO Linh Mục ÁI VÀO tận CAM RANH 


Theo Hồi Ký của một Viên Chức ông Hoàng Thân Vinh làm việc tại Bình Tuy, ông viết ...


 Bình Tuy trước năm 1975 là một tỉnh rất nhỏ nằm về phía Bắc của Vùng 3 Chiến Thuật, tuy là tỉnh nhỏ nhưng không phải dễ ở! Bằng chứng chỉ trong có 4 năm (1971 1975) thay đổi tới 6 vị tỉnh trưởng, trong đó 3 vị là đại tá và 3 vị là trung tá. Ngoài ra trong mùa hè đỏ lửa 1972, khoảng 20 ngàn đồng bào nạn nhân chiến cuộc Quảng Trị (gồm 3 quận Gio Linh, Cam Lộ và Ðông Hà) đã vào định cư ở Bình Tuy (1972 1975), Hiện nay tại Song Thành Minnesota có rất nhiều gia đình quê quán Bình Tuy hay Quảng Trị thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ 3 sinh sống & làm việc ở Minnesota.

Tháng 6, 2012

Hoàng Thân Vinh

...Ðồng bào Quảng Trị định cư được cấp tiền nuôi ăn ít nhất là 6 tháng đến 1 năm, tính theo đơn vị gia đình được cấp đất thổ cư (đơn vị 200 m2), cấp tiền làm nhà, cấp đất canh tác mỗi gia đình chừng 1/2 mẫu (5,000m2) đất đã được khai quang sẵn để dễ dàng cho đồng bào canh tác (ở khu Ðông Hà đất canh tác do nhà thầu tư nhân khai quang, giá khai quang đâu gần 100 ngàn đồng/mẫu, còn Khu Ðồng Ðền do đơn vị Công Binh khai quang,( công binh này đóng tại dốc Tân Sơn ) có lẽ Phủ QVK chỉ trả tiền xăng nhớt.). Ðịnh cư với nhiều đồng bào là 1 công việc to lớn, nên Phủ QVK/PQÐ có lập riêng 1 văn phòng đại diện ở tỉnh... (trích báo Người Việt)


***

Bình Tuy, một thời là mật khu hay rừng thiêng huyền bí. Nào là những cánh rừng san sát - ken dày cây gỗ quý - di dân QT bắt đầu vào đây khai phá, lập nên nương rẫy và những khu định cư. Những khu định cư người di dân QT cũng đặt cho những cái tên từ quê huơng như quân Hàm tân có xã Tân Hà do đa số người Đông hà. Tại xã Sơn Mỹ có vùng Hà Mỹ Lễ, gọi tắt cho dân các xã của quân Gio Linh trước đây là Gio Hà, Gio Mỹ và Gio Lễ. Tại vùng Động Đền có thôn Cam Bình, Cam Mỹ để nhớ quận Cam Lộ...

 
Cuộc thế đổi dời thêm một lần nữa , sau 1975 chỉ hai năm lưu dân QT tại vùng đất mới Bình Tuy lại phải đổi thay cuộc sống di cư thêm một lần nữa. Than củi ruộng vườn nhưng đất hẹp người đông người QT lại phải chia tay nhau tại đây . Sau 1977  kẻ vào tận các tỉnh tận cùng miền nam, Bạc Liêu, Rạch giá. Gần hơn sau này thì đi làm phu nông trường cao su những vùng đất đỏ Long Khánh Biên Hòa. Khai phá đất hoang thành ruộng lúa ở mấy vùng rẫy ruộng thuộc quận Tánh Linh - Hoài Đức sau nay đổi là Đức Linh. Nhiều thế hệ sinh sau 1975 tại quê huơng thứ hai nói đặc giọng QT quê miềng, mới lạ.


Chúng ta cứ thử một chuyến du hành từ Bình Tuy vào tận Long Khánh đi đâu cũng nghe giọng nói Quảng trị , và ngay cả những nét mặt bộ điệu hỏi ra cũng là đồng huơng QT cả thôi.


Năm thập niên dòng đời trôi chảy, bao lớp người chạy giặc năm xưa, vào Đà Nẵng rồi phiêu bạt đó đây. Còn ai nhớ lại những người lính hay công chức ngày đó cùng đi theo dân để phục vụ. Rồi những cô những cậu học trò Nguyễn Hoàng, Bồ Đề trại tỵ nạn Hòa long, Hòa Khánh , Hòa CẦm, Non Nước vv  giờ chắc đã lứa tuổi lục tuần, thất tuần. Chuyện của bốn mươi năm mới đó, chỉ chớp mắt ngày ra đi đó lại là chuyện của năm mươi năm hay nửa thế kỷ. Năm mươi năm đi từ thế kỷ 20 và vươn tới thế kỷ hai mươi mốt; ôi năm thập kỷ trôi nhanh, bao mái đầu xanh này đà nhuộm bạc. Đôi khi chúng ta còn diễm phúc ngồi mà nhắc lại chuyện ngày xưa. Hơn ai hết là chuyện nhớ thương bao người QT chắc hẳn phải ngậm ngùi, vương vấn cùng nợ thời gian để thương hay tiếc nhớ bao kỷ niệm ngập tràn. Ôi thời gian nghiệt ngã cuộc đổi đời mà đau lòng nhân thế. Chỉ chớp mắt thôi mà năm thập niên trôi qua vùn vụt. Lồng lộng giữa trời cao mây nước, bao cánh chim bay qua  rặng núi ngày qua ngày nối bóng ác tà. Rồi đến lúc chiều nghiêng bóng xế, bao kẻ ra đi nay đã thành thiên cổ. Năm mươi năm chúng ta ngồi vọng cố hương, nhớ bao biến cố thăng trầm mà ngỡ nằm mơ khi nửa thế kỷ qua đi chẳng khác chi huyền sử vì đời này sao lắm chuyện bể dâu ./.


edition by ĐHL


10.5.2023

No comments:

Post a Comment