VIDEO BY THANH NHO (CAM BÌNH)
CẢNH CHỢ CHIỀU (hình do tác giả Nguyễn Đức và bài thơ Chợ Chiều)
Tác giả Nguyễn Đức có một lần đi ngang ngôi chợ quê Cam Bình tức cảnh sinh tình, tác giả mới tặng người Cam Bình bài thơ như sau
GÓC CHỢ QUÊ.
Chợ quê bán sáng, nghỉ chiều,
Hè về phượng vĩ đỏ đều trời xanh.
Nghỉ chiều! nên chợ vắng tanh,
Đường quê lắt lẻo uốn quanh chợ chiều.
Ai về ta gởi đôi điều,
Thăm quê, thăm chợ, thăm nhiều người thân.
Chợ quê nho nhỏ lại gần,
Tình làng nghĩa xóm, ân cần yêu thương.
Hè về phượng vĩ đỏ đều trời xanh.
Nghỉ chiều! nên chợ vắng tanh,
Đường quê lắt lẻo uốn quanh chợ chiều.
Ai về ta gởi đôi điều,
Thăm quê, thăm chợ, thăm nhiều người thân.
Chợ quê nho nhỏ lại gần,
Tình làng nghĩa xóm, ân cần yêu thương.
Chợ quê một góc bên đường,
Gần thương, xa nhớ...
quê hương...
của mình.
Gần thương, xa nhớ...
quê hương...
của mình.
Bài thơ tuy ngắn nhưng nó đã nói lên một tâm tình chân thật, một cảm xúc có hồn của những người luôn yêu thương người dân sống xa nơi phồn hoa đô hội. Những người dân nơi rẫy sắn nương khoai, những sinh hoạt giản đơn những nhu cầu hạn hẹp nhưng tình làng nghĩa xóm luôn ân cần gắn bó
xin mạn phép tác giả Nguyễn Đức để mào đầu cho bài viết trong lần tu bút này.
ĐHL
***
Tưởng niệm về mạ tôi với một thời nhọc nhằn nơi cái chợ thôn xưa
Địa điểm chợ Cam Bình hiện nay, người viết nghe bà con kể lại rằng bỗng được dời từ chân dốc Trung Giang về, tức khoảng năm 1977. Khu chợ mới mang tên thôn Cam Bình có thể do người Quảng trị muốn lưu lại cái tên Cam Lộ-Bình Long chăng ? (xin xem hiệu đính phần cuối bài [1] ] Nơi mua bán mới mẻ này nằm trên một khoảng cát trắng, bằng phẳng. Như thế mỗi sáng, người thôn tôi khỏi cái nạn đi ngược lên dốc. Thêm một thuận lợi do chợ nằm bên đường Tỉnh lộ 55 dẫn về thị trấn La Gi.
Xã Tân Mỹ vào cuối thập niên 1980 xem như "xóa sổ" vi` nhập vào Tân Thiện một nửa , còn nửa kia trên đồi nhập vào xã Tân sơn. Chợ Cam Bình, cũng như cái trường mang tên Cam Phú gần đó vẫn giữ nguyên tên tuy đã mang tên mới là xã Tân Thiện. Đó là những cái tên, nói từ miệng người dân chứ không thấy ghi tên văn bản giấy tờ gì. Người mình tự đặt với nhau lâu ngày thành quen miệng . Xã Tân Thiện mới rộng hơn , sáu thôn liền một dãy. Chợ ở vào cái thôn cuối cùng của xã tức là Thôn Sáu.
Mấy thôn này dù sao cũng mang một chút hình ảnh đồng bằng tuy không "thẳng cánh cò bay". Vài ba mẫu ruộng hai bên con đường đất dẫn về thị trấn La Gi nơi phố phường đông đúc, thuộc huyện Hàm Tân.
Nơi này có cái "đình chợ". Người ta gọi thế cho ra vẻ, thực ra nó chỉ là những khung nhà trống xiêu vẹo lợp tranh, sau này được thay thế hai mái tôn cũ. Tuy vậy "mái đình" ưu tiên cho những sạp hàng nào giá trị như hàng vải hàng xén...chủ những cái sạp hàng "tạp nhạp" tạo thành hai dảy nằm ngoài đình. Những cái sạp đan bằng cây rừng , trên che vài ba tấm tranh tạm bợ. Người dân quê thuờng mua những thứ cần dùng tại đây, họ cần nhất là thuốc hút , gia vị. Vào buổi sáng khoảng trống trước chợ là nơi mua bán rộn ràng. Những gánh bột lọc trắng tinh, những trái mít chín thơm ngát, những gánh khoai sắn nặng trĩu, nào dưa gang, dưa huờng, cùng bao thứ rau trái khác, gà, vịt ... đa phần từ trên dốc Tân Sơn gánh về.
buổi chợ mai Cam Bình vào vào năm 1995
Người buôn mua lại nông phẩm đem về chợ tỉnh dưới kia. Vùng này cao hơn gần dốc dân mình ở đây gọi là vùng trên còn miệt dưới huyện Hàm Tân thấp hơn , vùng đồng bằng sát biển thì người ta gọi là "dưới". Xe đạp là phương tiện chuyên chở thông dụng nhất lúc này. Những thúng khoai nặng nề , những trái bí tròn trịa được con buôn bỏ vào bao chở sau xe đạp. Những trái mướp thơm dài "thòon" ưu tiên treo vào ghi đông đằng trước. Mấy o con gái Cam Bình mua đi bán lại trong ngày nhanh nhẹn chạy về kịp chợ sáng La Gi. Tảo tần khuya sớm, trưa về cũng đủ tiền gạo- mắm nuôi cha, giúp mẹ.
Người viết phải kể lên đây hình ảnh những chiếc xe thổ mộ, phương tiện xe ngựa này chắc hẳn ngoài quê chưa bao giờ có. Họ ở dưới Ngả Tư Quân Cảnh hay là thôn đầu Tân Thiên thay phiên nhau lên đây chở hàng và khách. Mỗi xe một ngựa, xe độc mã. Con ngựa kéo gầy gò, nhẹ bấc so chiếc xe chở hàng quá nặng. Những bao khoai, sắn, chất cao trên mui , người chật nít bên trong ! chưa hết ! còn bao nhiêu thứ lủng lẳng treo hai bên nữa. Lúc này, cái càng xe đằng trước bị nhấc lên cao kéo theo cả con ngựa "khốn khổ" lên trời, bốn vó nó "chới với" trên không. Chú tài nhảy xuống cùng thêm vài người khách , í ạch một hồi mới kéo được con ngựa cùng cái càng xe xuống lại. Tạm gọi là "bến xe ngựa", họ chờ khách trước nhà máy xay Liên Cao . Bến xe ngựa và nhà máy xay đã góp phần làm cho cảnh chợ thêm phần nhộn nhịp.
Chợ cá "khiêm nhường, núp" phía sau, gần lối ra biển. Hiếm khi thấy cá lớn. Cá lớn , mực , tôm , những hải sản đắt tiền ngư dân chỉ đem về thành phố La gi, ưu tiên "xuất khẩu", chợ quê làm gì mua nỗi ! ngoại trừ vài ba mớ cá vụn, gánh vội vào đây. Trời bù cho là cá rất tươi, biển gần, mới vô, chỉ non cây số.
Những lúc trời động, có khi cá đuối thật to hai người gánh mới nỗi. Cá đuối lúc này thành phố không chuộng, "xuất khẩu " cũng chê, mới "trôi dạt" vào ngôi chợ nghèo.
Đằng trước, rộn ràng vài ba tiếng đồng hồ vì Cam Bình là đầu mối cho những mặt hàng rau quả buôn về thị trấn. Những chiếc xe đạp chở rau quả, những chuyến xe ngựa, chất hàng xong, lóc cóc theo sau chạy về huớng tỉnh. Rồi ngược lại, những o con gái Cam Bình buôn hàng từ La Gi cũng vừa lên tới . Chợ bán đi những hàng nông phẩm, thì cũng cần tiêu thụ những thứ buôn lên từ La Gi. Vài ba ký thịt heo, thịt bò loại hai, loại ba, có nghĩa là "thịt vụn" được buôn lên đây. Vài thứ rau quả Đà Lạt như ca rốt , su hào, ít mớ khoai tây cũng loại "hai, ba", người ta gọi là hàng legume, vài chục ổ bánh mỳ mới ra lò tô điểm thêm cho "mặt hàng thành phố". Người bán kẻ mua, bà con thôn xóm cả thôi. Những cô con gái lớn lên từ vùng đất trước đó gọi là Động Đền quanh quất chẳng ai xa lạ. Sau này ngôi chợ to dần, mấy chiếc honda đời cũ dần dà thay thế mấy chiếc xe đạp.
ĐỘI BÓNG CAM BÌNH truoc 1995
trước quán cà phê chú Thậm (qua đời 2017). Ở giữa là bác Lê v Linh (đã qua đời )+ Anh Thành làm cho Xã Tân Thiện & lớp trẻ xung quanh nay đã khá tuổi con cái đùm đề
Con đường Tỉnh Lộ 55 (ngày xưa còn gọi là liên tỉnh lộ 23) đi qua chợ Cam Bình, tiếp tục được tu bổ nhiều lần. Bao lớp đất đỏ từ xa chở về, đắp dần cho đến Bình Châu. Bộ mặt ngôi chợ từ đó thay đổi. Vài ba quán cà phê: quán Chú Thậm, Chú Thư. Tiệm chụp hình & thuốc tây của Chú Nho, tiệm bán đồ xây dựng Sáu Huế, nhà máy xay Liên Cao sau này thành tiệm tạp hoá, đại bài gạo Lâm Tín ... theo nhau mọc lên.
Trong đình chợ còn thêm vài ba tủ kiếng bán mua vàng bạc như Kim Ty , Kim Phượng . Hàng vải hàng xén gia đình bác Định, bác Miễn ... hàng ăn cùng kẹo đậu phụng nổi tiếng của vợ chồng chú thím Lý- Sâm . Lò heo ông Giáo , Ông Tình bà Cẩm, tiệm tạp hóa o Cháu , o Đồng, Chị Trà con bác Miễn v v...quanh đi quẩn lại cũng là bà con Cam Lộ -Gio linh không ai xa lạ.
Chỉ tiếc một điều một hai năm gì đó sau 1980 vắng bóng gánh cháo lòng O Nuôi mẹ thằng Châu. Phải công nhận o Nuôi nấu cháo lòng rất ngon, cháo không bao giờ rền như cháo hầm. Tô cháo thơm ngát mũi, khách đi qua không thể nào không ghé. Nhà thằng Châu con trai độc nhất của O cũng nhờ gánh cháo o bán trong mái nhà tranh cạnh chợ. O nhờ gánh cháo mà nuôi đứa con trai cưng của o đầy đủ không thua ai. Người viết về đây thì hàng "đột đột" -tiếng dân QT gọi về lu vại- của ông Hai Than cũng hết bán . Nhưng còn nghe thiên hạ kể trận lụt lớn 1977 lướt qua chợ làm lu vại của ông Hai Than bị vùi lấp gần hết. Trận lụt lớn thiệt! lấp trường Cam Phú một nửa, cát cuốn tràn đầy các phòng học . Cho đến 1980 xe máy xúc trên huyện về mới cào ra hết cát . Số cát cào ra này tạo quanh trường y như một con đê che chở một doanh trại hay pháo đài nào đó.
Phòng khám bệnh BS Anh nằm ngay chân dốc Tân Sơn đổ về
Ông Hai Than mua bán vậy cũng có tiền nuôi con học lên bác sĩ . Bác sĩ Anh sau này về phục vụ bà con tại đây. Phòng khám bệnh nằm ngay chân dốc Tân Sơn đổ về, sau lưng là đồi cát trắng hiu quạnh. Một thời bà con trên đồi Tân Sơn và ngay cả Cam Bình mắc chứng "sán móc" quá nhiều nên phòng khám bs Anh làm không hết việc. Người viết không thể nào quên thời này ra đường gặp rất đông người dân có màu da vàng vọt vị cái bệnh sán quái ác .
biển Cam Bình ngày nay 2014 -vẫn những chiếc thúng , đánh vét cá ven bờ kiếm sống qua ngày
Khoảng cuối thập niên 1980 những chiếc xe mô tô Minsk của Liên xô ra đời tạo thêm công ăn việc làm cho đàn ông trong thôn. Nghề chạy xe ôm khá tiện lợi. Ai cần đi đâu gấp như ra bến xe hai ba giờ sáng: có xe ôm! Ai cần ra Quốc Lộ 1 đón xe ra Trung:có xe ôm! Thậm chí ai bệnh nặng cấp kỳ cũng cần xe ôm! Mấy anh xe ôm chở khách đằng sau, hai chân chống hai bên lội chiếc xe Minsk qua mấy ổ gà đầy nước...Nghề chạy xe ôm tuy cực nhưng cũng đỡ vất vả hơn khi đứng cuốc giữa cánh đồng bạc màu cho ít hoa lợi. Mùa rảnh, rõ ràng chiếc xe ôm đã giúp cho mấy anh nông dân kiếm thêm lợi tức.
Thế mà...
Dù hiện nay chợ Cam Bình đã thuộc xã mới có tên là Tân Phước nhưng không khá hơn chút nào, đó là vì sao ? Cái chợ quê như người viết đã kể trên không phải không gặp chuyện bất ngờ! Kinh tế đổi mới thêm, đường sá thông thuơng hơn. Con đường đất năm xưa giờ đã trải nhựa đến tận Bình Châu. Phương tiện dồi dào, đi đứng thuận lợi, nhấc điện thoại lên sẽ có xe đò chờ ngoài ngõ. Nhất là đời sống người dân Cam Bình nay đã lên cao. Nhà nào cũng có phương tiện xe máy " rù" một xíu là đến ngay chợ La Gi. Ngôi chợ quê nay dưng ế ẩm? đông người bán, ít kẻ mua? Chợ dần hồi thu nhỏ không giống như cái thời mới bắt đầu ..."đổi mới ".
thỉnh thoảng có khách xa về thăm biển Cam Bình nhưng chưa giúp gì kinh tế CAm BÌnh lên cao?
biển Cam Bình hôm nay Những con đường ra biển nay bỗng thông thuơng, trải nhựa, xe hơi chạy được. Quán xá, chợ đò, mở thêm sát biển cho khách hóng mát, du lịch. Nhà nghỉ , quán trọ, thi nhau mọc lên. Tất cả cộng lại khiến ngôi chợ phía trong càng lúc càng khó làm ăn! Đã thế, nhà cửa thi nhau xây lớn thêm xung quanh khiến nó càng "co rúm " lại giữa, khó nhìn ra !
Con đường trải nhựa chạy suốt từ La Gi một mạch vào tận Bà Tô, Bà Rịa cho đến Sài gòn. Những chiếc xe hàng , xe khách nhiều kiểu chạy qua càng lúc càng nhiều. Cái đáng nói chẳng chiếc xe nào cần thiết phải dừng lại trước cái chợ này. chợ Cam Bình ngày nay khách vắng dần nên càng lúc càng thu hẹp lại. Chỗ mua bán trao đổi nông phẩm rộng trước chợ nay chẳng còn. Lác đác một hai anh xe ôm uể oải ngồi đợi khách( hình Trần thiên Khải , Cam Bình )
cảnh chợ chiều
cho đến hôm nay ngôi chợ Cam Bình đã thu nhỏ lại khuất hẳn sau hai cây phượng vĩ, khó nhìn ra, thật đúng hình ảnh một cảnh "chợ chiều "
[hình Thanh Nho 10/2014]
THAY CHO PHẦN KẾT
BAO LỚP TRẺ RA ĐI nay xa Cam Bình
Những lớp người trẻ sinh ra trên mảnh đất Cam Bình, lớn lên từ nhành lúa bạc màu củ khoai củ sắn nơi miền thôn cũ, giờ khôn lớn học hành đổ đạt phải ra đi tìm đất sống. Những lớp bán buôn xưa giờ không còn tìm đâu ra lợi tức nơi vùng đất cũ. Bao kẻ ra đi. Hôm nay Cam Bình quạnh vắng bên sóng biển ngàn năm rì rào vỗ nhịp. Cam bình chỉ còn lại lớp tuổi già nua, ngồi ngóng tin con ra đi tìm đời mới, đầy đủ hơn, tại chốn thị thành .
Hai chữ Cam Bình dần dà chắc sẽ theo lớp người xưa đi vào dĩ vãng, một thời lem luốc củi than. Hình bóng bao cánh rừng bạt ngàn cùng lớp người xưa nay đã khuất hẳn vào trong quá khứ cũng như tiếng rìu tiếng rựa một thời...
Ngót nghét hai mươi năm người viết mới có dịp về thăm lại thôn xưa. Chợ Cam Bình nay không còn khách. Các o, các mệ, bán hàng hai mươi năm trước, nay theo nhau khuất bóng. Ai còn tại thế như mẹ tôi nay trí óc đã hao mòn mụ mẫm lúc nhớ lúc quên? Cảnh CHỢ CHIỀU trong bao ngày tần tảo mà mẹ tôi nhọc nhằn một nắng hai sương nuôi sống gia đình...lớp lớp mồ hôi nhọc nhằn trên đôi vai gầy guộc của mẹ. Ngày ngày quẩy gánh ra chợ mẹ tôi mong sao kiếm sống qua ngày...
Thế gian 'vật đổi sao dời', đó là lẽ thuờng của cuộc đời. Tuy thế trong lòng người viết vẫn bồi hồi mỗi khi nhớ về ngày tháng cũ. Hình ảnh cái chợ quê mang hai chữ "CAM BÌNH"-Cam Lộ, Bình Long- người dân Quảng trị "mang theo quê huơng" khi ra đi KHAI HOANG LẬP ẤP.
Mong sao mai kia, dù ngôi chợ đó có bị xóa đi dấu tích, vẫn còn người nhắc lại CHỢ CAM BÌNH cho thế hệ cháu con .
mong thay !
chốn an nghỉ cuối cùng của lưu dân Quảng trị tại Cam Bình là đây , nghĩa địa Cam Bình trên cái rẫy có tên "chồm Chồm"
[hình : em trai tác giả đang đứng tại lăng thân phụ 16/10/2014 ]
đinh hoa lu
9/4/2014
[1]: theo thu thập vài nguồn tin cũng như theo trí nhớ tác giả thì trước phong trào di dân lập ấp cho đồng bào chiến nạn QT từ Đà Nẵng vào Bình Tuy vào năm 1973 thì đã có một số đồng bào Bình Long chạy giặc vào năm 1972 về sinh sống ở vùng Động Đền Hàm Tân này rồi. Khi người Cam Lộ vào dịnh cư tại Động Đền mới lập nên vùng này gọi là Cam Bình thuộc xã Tân Mỹ thuộc Huyện Hàm Tân. Cam BÌnh là ghép tên từ CAm Lộ và Bình Long thì đúng hơn. năm 1980 tác giả ra trại về lại CAm Bình còn quen một số bạn và gia đình người Bình Long còn làm nông ở thôn 6 Tân Mỹ này. Địa phận xã Tân Mỹ từ dốc Thanh Linh cho đến dốc chợ Trung Giang . Sau này xã Tân Mỹ xóa tên Cam Bình thuộc Tân Thiện và một phần trên dốc thuộc về xã Sơn Mỹ.
HÌNH ngày cưới của tác giả 1/1/1983 ngày đi họ qua nhà gái có người bạn cùng xóm tên Xiềng người Bình Long (đi vào gần cuối hàng bận sơ mi trắng ) còn tất cả còn lại trừ chú rễ đều là người Cam lộ.
từ trước lui sau: chú Nguyễn văn Lý Cam lộ, Tác giả hay chú rễ, Dũng phụ rễ con bác Lê Mãng gốc Cam lộ,phụ rễ Nguyễn Hiến gốc Gio Linh, anh Nguyễn Thuận Cam Lộ, bạn Xiềng người Bình Long
HÌNH ngày cưới của tác giả 1/1/1983 ngày đi họ qua nhà gái có người bạn cùng xóm tên Xiềng người Bình Long (đi vào gần cuối hàng bận sơ mi trắng ) còn tất cả còn lại trừ chú rễ đều là người Cam lộ.
từ trước lui sau: chú Nguyễn văn Lý Cam lộ, Tác giả hay chú rễ, Dũng phụ rễ con bác Lê Mãng gốc Cam lộ,phụ rễ Nguyễn Hiến gốc Gio Linh, anh Nguyễn Thuận Cam Lộ, bạn Xiềng người Bình Long
CAM BÌNH- MỘT TIẾNG QUÊ ĐÃ MẤT
CHỢ XÂY LẠI 26/4 /2018 VỚI CÁI TÊN MỚI LÀ CHỢ TÂN PHƯỚC
TIẾC CHI HAI CHỮ "CAM BÌNH"?!
THIÊN HẠ ĐỔI DỜI, SỐ PHẬN CHỢ CAM BÌNH tuy đổi tên là Tân Phước nhưng may thay vẫn còn nằm trên nền đất cũ. Chợ Tân Phước Chợ Cam Bình thay đổi tên cũng như bao di tích nào đó từ thời trước đến nay cũng chung số phận. Tên gọi một địa danh có khi nó lại kèm theo một di chứng LỊCH SỬ truyền khẩu cho muôn đời con cháu mai sau. Thói đời THAY CŨ ĐỔI MỚI là chuyện thường tình. Nhưng có khi cháu con lại vô tâm đánh mất đi một dấu ấn của cha ông để những ngày sau mất công tìm lại.
TRĂM NĂM BIA ĐÁ THÌ MÒN: đúng vậy cung vàng điện ngọc hay xây dựng công phu nào đó cũng bị thời gian phế bỏ
nhưng...
NGÀN NĂM BIA MIỆNG VẪN CÒN TRƠ TRƠ: chính đây là cái thâm ý của tổ tiên chúng ta bao đời dặn dò con cháu rằng: chỉ có BIA MIỆNG Ý NGHĨA chính đó là truyền khẩu muôn đời như câu ca dao điệu hò của mẹ nó vẫn TRƯỜNG TỒN MÃI MÃI VỚI THỜI GIAN.
Thế ta tiếc chi hai tiếng CAM BÌNH sao thế nhân nỡ lòng XÓA MẤT? Đề cho con cháu chúng ta đời sau và đời sau nữa chẳng còn gì một hình ành ngày xưa NGÀY KHAI HOANG LẬP ẤP có một cảnh CHỢ CHIỀU MANG HAI CHỮ THÂN YÊU CAM BÌNH CỦA ÔNG BÀ NGÀY TRƯỚC
TIẾC LẮM THAY!
ĐHL EDITION MÙA COVID-VŨ HÁN USA 14/8/2020
chợ cũ năm 2018 đang bị đập phá để xây mới
hình ảnh cuối cùng cái đình chợ CAM BÌNH sau bao năm che chở nắng mưa cho người dân Quảng Trị
No comments:
Post a Comment