Sunday, September 11, 2022

Nhớ Về Làng Nại Cửu: cái thưở xa xưa


Tưởng niệm hương linh cậu Võ thế Hoà vừa tạ thế ngày 11/4/2018 tại Làng Nại Cửu Triệu Đông Triệu Phong Quảng Trị


***

Ruộng đất Làng Nại Cửu không nhiều nhưng chia cho con cháu cũng đề huề cân phân. Phái Võ văn bên ông ngoại tôi làm trưởng phái hồi đó lên tỉnh ở rồi nhưng cũng còn lãnh phần ruộng cho con cháu.

đường về làng Nại Cửu hiện nay 2012

Nhà ngoại tôi lên tỉnh khá lâu, từ thời Pháp nên không trực tiếp làm phần ruộng của mình. Không canh thì có mấy cậu trong phái như cậu Huệ cậu Tú Cậu Dâu lãnh canh và đong phần lúa lại cho mệ ngoại tôi. 

Người ta gọi ông ngoại tôi là ông Bếp Thỏn. Ôn ngoại tôi  làm lính Khố Đỏ  mất vào năm 1949. Tôi nhớ mang máng có thể chức Bếp ngang với hạ sĩ thời Pháp  cũng nên. Do trung sĩ người ta kêu ôn Đội và thượng sĩ người ta gọi là ôn quản. Ôn ngoại tôi mắc bệnh tại Lao Bảo được đưa vào Mang Cá Huế và mất. Vài năm sau cải táng ôn ngoại tôi về làng nghe trong nhà nói mả ôn tôi 'KẾT' 

Đó là chuyện kể trong nhà ngoại tôi. Mà tôi cũng tin phần nào do các cậu tôi sau này đều là sĩ quan hết thảy.


trái sang dì Võ thị Liễu (Trị An sang) Cậu Võ tử Đản thời gian 2007 tại San Jose

Phái Võ Văn bên ông Ngoại tôi làm trưởng phái khác nhánh với Võ Tử Đản có ông Tiến Sĩ Võ Tử Văn thời nhà Nguyễn. Nhánh bên ông Võ tử Đản là nhánh của ông Võ Bào. Hồi nhỏ tôi hay theo nhà ngoại tôi lên Xóm Chùa Tỉnh Hội thăm nhà Ôn Bào. Ông Võ Bào hồi này ở cái nhà lầu ngó qua bên tê đường là Quân Cụ và trạm Tuyển mộ Nhập Ngũ Quảng trị

Cuộc chiến 1972 đã đẩy người Quảng trị nhất là thành phố đi tứ tán vào nam (bắc một ít sau về lại) Nhà ngoại tôi ra đi không mang theo bàn thờ được . Tôi là đứa cháu  ngoại nhưng lớn lên tại nhà ngoại (127 Lê văn Duyệt, phường Đệ Tứ QT) ngày ngày hương khói 2 bận sáng tối rằm mồng 1 ...

Có dịp đọc gia phả phái Võ Văn biết được đời ông Hiển Tổ Võ Bình sau này sinh ra nhiều thế hệ tiếp nối 
Phái Võ Văn sau này liên hệ đời sau này có ông Ngoại Võ Thỏn mất 1949 và anh em chú bác sau này gồm có đời các ông Võ Đồng (Đà Lạt lập nghiệp thời pháp ) ông Võ Ổn xóm Nại Cửu Phường bên Ái Tử , ông Võ Hạch , ông thân các cậu Võ Thế Hoà, cậu Võ Huệ, Võ Vui Võ Tú vân vân ...

Người làng hồi đó ông Hạch hay lên Tỉnh thăm kỵ nhà Ngoại tôi trước mặt Lao Xá địa chỉ nói trên , ôn Võ Ổn hay qua trống kèn Cậu Hoà thì ăn học mấy năm tại nhà bác mụ tức là ngoại tôi  Chuyện đời xưa  lúc tôi còn nhỏ lại hay nắm tay mệ ngoại về làng Nại Cửu. Mệ ngoại tôi  thường dất tôi về làng. Thưở này tôi chưa lên mười nhưng vẫn nhớ những khi đi bộ về làng với ngoại. Đó là những lần họp phái, kỵ giổ, giải mả tức làm cỏ cho mộ phần người thân. 


    cậu tôi tên Võ Văn Cư năm 1969 trước Cửa Hậu Thành Cổ 
(mất tại Xuân Sơn Bà Rịa 2002)

Qua khỏi xóm Chùa là con đường thân quen đi thẳng về khúc quanh ngang cái quán dì Táo (sau này là vợ hai cậu Đản) Quán Dì Táo nằm trước nhà Ông Sừng mà dì tôi hay kêu là chú. Tuổi nhỏ nhưng tôi còn nhớ mãi dì Táo hay bận cái áo bà bà màu trắng mỗi khi gặp tôi đứa cháu cưng của cậu Võ Đình Cư là dì vội cười hỏi chuyện vui vẻ. Làm sao Dì Táo lại bỏ lơ tôi do trước đây nghe đâu Dì cũng là người yêu của cậu Cư tôi nhưng sau này cậu tôi đi kháng chiến Việt Minh và gặp mợ tôi cùng Trung Đoàn 95, Đảng kết cho nên duyên chồng vợ và cuộc tình xem như 'chấm dứt' 
Đó là chuyện người lớn nhưng cái trí nhớ tôi tuy nhỏ nhưng nhớ dai mới lạ. 

Tôi còn nhớ nước da ngăm đen của ôn Sừng. Kỳ thật, trong làng thấy thằng nhỏ như tôi mỗi lần về làng ngoại là ai cũng hỏi thăm vui vẻ. Hình như trong làng ngoại tôi ngang đây chỉ có cái quán dì Táo, và sau này khi tôi đi được honda về làng mới thấy vài cái quán bán trong nhà mọc lên sau này. Những cái quán này tiếp liền theo đoạn nhà Mệ Tơ về thẳng về Bích La dưới kia.


đường vô nhà cậu Võ thế Hoà (hình Đinh thị Hiệp thang 3/ 2015)




trái sang: tác giả, Mợ Hoà, Cậu Hoà, Dì Võ thị Lý (dì ruột tác giả từ Trị An ra) vợ tác giả trần tuý Huệ gốc làng Quảng Lượng . hinh chup 23/6/2012




Mấy cậu họ tôi như cậu Tú, Cậu Dâu, Cậu Huệ (có em là Vui chết trận Hạ lào) đều ở gần nhau. Cậu Võ thế Hoà một thời kỳ lên tỉnh ở chung nhà với mệ ngoại tôi cùng với mấy cậu trên tỉnh. Trên tỉnh tôi ở với nhà ngoại và nhớ mãi cuốn sách L'Anglai Vivant của cậu Hoà nhưng tôi vẫn quen miệng và nhà ngoại tôi ai cũng gọi là cậu Dâu mà thôi. 
cậu Võ văn Hoa (Võ Hoa) sinh sống và mất tại Trị An 2017

Trong nhà ngoại tôi ai cũng chăm học. Từ đó tôi cũng bắt chước học chăm theo cũng nên. Cậu Dâu tuy ở chung trên tỉnh với các cậu tôi nhưng rồi mấy cậu lớn dần dà vào nam lập thân Ai cũng vào con đường quân đội và làm sĩ quan. Chỉ còn cậu Võ Hoa đi sĩ quan chậm hơn. Cậu Dâu học vài năm đi làm thông dịch vài  năm bên Ái Tử (1969) (Cty Pacific Architech Engineers, Inc) cho đến sau này cuộc đòi thay đổi...Ngang đây đứa cháu như tôi xin móc ngoặc cái chuyện tại sao thời chiến tranh mà cậu Dâu lại không đi quân dịch?

Số là vậy:
Thời gian các anh em con chú con bác ở chung nhà ngoại tôi để đi học. Cậu Hoa tôi tháy máy khẩu súng của cậu Võ Văn Cư. Ai dè tai nạn ập đến. Một đêm nọ tôi thì ngủ say cho đến sáng mới hay tin cậu Dâu được cấp cứu khẩn cấp lên bệnh viện tỉnh do bị bắn lũng bụng. Cậu Hoa tôi tháy máy súng của ông Anh không dè cướp cò? Cũng may câu Dâu chỉ lũng bụng. Sau này cậu Hoa tôi bị tù vài tháng nhờ bà con bãi nại nhưng từ đó cậu Dâu cũng được miễn đi lính (miễn quân dịch) luôn

Cậu  Võ thế Hòa chỉ học vài năm sau đi làm vài năm thông dịch  & an ninh bên Căn Cứ Ái Tử (1969) (Cty Pacific Architech Engineers, Inc)

*
Tôi lại trở về hình anh nhỏ bé trước kia hay lon ton chạy theo mệ ngoại về làng. Cái bến đò trước nhà Cậu Dâu đi xuống con sông Vĩnh Định im lìm. Cái bến quá vắng ngó qua bên tê cũng còn là Nại Cửu nhưng thuộc xóm nhà Ôn Chở Ôn Hường làm nghề thợ mộc. Tôi nhớ mặt hai ôn do hai ôn có kỳ lên làm cửa lá sách cho nhà mệ ngoại tôi khoảng trước năm 1968. Hàng ngày hai ôn đạp xe lên nhà ngoại tôi để làm cho xong mấy bộ cửa chính và cửa sổ lá sách cho cái nhà ngói còn gọi là nhà trên cho nhà  Ngoại. Hai ôn hàng ngày bào bào đục đục thế mà tôi để ý và nhớ cho đến nay. Ôn Chở sau này té ra là ôn gia của cậu Hoà.

  Qua bến đò này sang bên kia đi ngược lên cầu Ba Bến và theo con tỉnh lộ Ba Bến Trí Bưu hai ba cây số cũng lên được Phường Đệ Tứ về lại nhà Ngoại tôi. Đó là một buổi chiều hai mệ cháu lên tỉnh thì trời bắt đầu mưa. Mệ tôi vào nhà ai đó xin tàu lá chuối đội đỡ lên đầu. Mệ đã xuống tóc quy y nhưng chưa qua ở chùa. Người bận bộ đồ màu đà lại quên mang nón. Tôi lon ton chạy nhanh theo ngoại để lại phía sau con sông Vĩnh Định im lìm trong màn mưa cùng hai bờ tre nhạt nhoà mờ ảo. Con đường đất tỉnh lộ từ biển Gia Đẳng lên qua cầu Ba Bến và đoạn đường còn lại đưa hai bà cháu bước nhanh lên đến ngã ba Trí Bưu thì trời sập tối.

Thật ra lối về Làng chính yếu phải đi theo Chùa Tỉnh Hội qua đập Rì Rì, xong qua Cầu Sãi cũng về được Nại Cửu. Đây là con đường chính sau này tôi hay lái honda về. 


Bước vào thời trung học nhà ngoại tôi hay nhờ tôi lái chiếc honda 70 về liên lạc với làng mỗi khi trong nhà ngoại cần. Tôi là người tài xế honda mà trong nhà mệ và di tôi tin tưởng nhất.  Dì Liễu tôi buôn bán trên tỉnh nhưng năng lo chuyện cúng tế trong làng đó là lúc tôi có nhiệm vụ lái honda liên lạc. Thời gian này thì mệ Ngoại tôi đã qua tu bên chùa Sắc Tứ. 


Tôi nhớ những khuôn mặt của làng ngoại và đa phần nay đã bước vào tuổi già trí nhớ lu mờ nhưng còn nhiều người còn nhớ tôi: đứa cháu ngoại hay về làng vào thưở đó tức là trước 1972...

Kể chuyện dông dài cái thưở xưa xa tít, trước cái thời 1972 khi đi từ làng Nại Cửu đã thấy cái chòi canh cao ngất trên Thành Cổ xa xa. Một hai cây số đường chim bay thế mà hồi đó mỗi khi về làng tôi tưởng như 'du lịch'?

Tôi nhớ cái vườn mít sau nhà cậu Dâu, đám lá lốt mọc chi chít xanh um. Mấy trái mít chín hiếm hoi nhưng  nhà cậu Dâu tức là nhà dì Tưởng và mệ Tơ khi nào cũng vui vẻ đem xuống 'đãi' thằng cháu ngoại trên tỉnh về. Mấy dì tôi trên tỉnh hay gọi mẹ cậu Dâu là "Thím Tơ". Mệ Tơ là lấy tên của con trai trưởng là Cậu Tơ. Cậu Tơ lập nghiệp hay đi lính trong nam ít khi về làng. Tôi chỉ nhớ mang máng có gặp một lần trong đời. 



Cái thưở cậu Dâu tôi còn độc thân, vui tính, cái cuốn sách L'Anglais Vivant và vài câu Anh Văn hàng ngày Cậu học chung với các cậu tôi trên Tỉnh. Thế mà bao lâu nay tôi còn nhớ mãi cuốn sách bìa ngoài tuy cứng cáp nhưng màu bạc phếch do anh em các cậu chuyền tay nhau năm này sang năm khác? 

Rồi cảnh biển dâu xao xác, thời thế vật đổi sao dời. Có lần sau 1975 cậu Dâu lúp xúp đi bộ lên vùng trại "cải tạo" thăm đứa cháu ngoại đang ở tù tại trại 4 bên thôn Xuân Khê vùng trên Ái Tử vài cây.

Rồi có lần người viết 'trốn trại' về làng, một ngày khoảng năm  1976. Cảnh thôn làng vào 'hợp tác' kinh tế sa sút, nhà không vườn trống chẳng có cái gì 'bỏ vào nồi'? Một thời lúa và rơm cũng chia theo công điểm, dân trong làng bỏ đi theo kinh tế mới Khe Sanh. Cảnh hàng đoàn người làng mình lên khai hoang trên rừng làm thêm sắn khoai...có một ngày từ bên trại 4 tôi nhìn qua đoàn người vác cuốc rựa gánh gồng qua thôn Xuân Khê ngược lên thôn Hiệp Khế để lên rừng  trồng thêm khoai sắn. Ngày đó tôi còn nhớ cậu Tú trong đoàn người lên rừng kia? Có đoàn người làng ngoại lên rừng, trong đó tôi nhìn ra cậu Tú gồng gánh theo làng đi "tăng gia sản xuất'. 

Hình ảnh cậu Tú vác cái cày từ ruộng về mỗi lúc tôi có dịp về Nại Cữu, tôi khó lòng quên. Nhà cậu Tú ở cạnh sông Vĩnh Định cái ngã ba rẽ lên thôn An Tiêm và ngược lên quán Dì Táo và ngã ba này còn gọi là Phát Lát là nơi chôn cất người thân trong làng và người nhà Ngoại tôi. Sau 1975 nghĩa địa này cũng di dời dành chỗ làm Hợp Tác Xã. 



Lúc di dời mồ mả ở Phát Lát nhờ ơn cậu Dâu -cậu Tú... nên trong phái ông ngoại tôi (Họ Võ Văn) mới khỏi thất tán mổ mả. Sự kiện 1975 trong làng tản mác khắp nơi bà con mỗi người mỗi hướng nên họ Võ tại Nại Cửu không còn ai để lo cả. Nhờ các câu này mà mồ mả họ Võ mới quy lại đây sau này ở Mỹ cậu Võ tự Bé và Võ Bình cùng con cháu gửi thêm tiền về tu bổ sơn quét và xây thành bao quanh.

người trong hình là cháu ngoại Đinh thị Hiệp về làng thang Ba năm 2015 lúc này cậu Dâu (Võ thế Hoà) đang còn 

*
Nhờ cậu Võ Tú cũng ra người thiên cổ lâu rồi. Hình ảnh ông Hạch ông Sừng cũng như bao người xưa năm cũ như mệ ngoại tôi, các cậu  trong nhà ngoại tôi, nay đến lượt cậu Dâu (Võ thế Hoà mất 11/4/2018) lần lượt "nắm tay nhau" về miền đất xa thật xa ...phai mờ theo dĩ vãng?
Cậu Tơ dì Tưởng gặp lại nhau nơi đất khách quê người Kontum 2000 Chị mù loà , em bại liệt ôi thời gian Biết ngày nào gặp lại vườn xưa nơi làng Nại Cửu ngày cả nhà sum họp còn đông bóng người thân ?Giờ đây người xưa nay đã đà khó gặp do thiên cư tản mác khắp nơi: Kontom Phú Bổn, Đồng Nai Sông Bé Ruộng đồng nam phương hay đã về với người muôn năm cũ? Hình ảnh xa xưa tất cả đều nằm trong vùng kỷ niệm. Nói với lớp người sau này, người viết chỉ một mong vẽ lại một nét sơ sài của LÀNG NGOẠI ngày đó, lâu lắm rồi ít ai nhớ lại.

Còn lại Quê hương bây giờ đổi thay mọi thứ. Sự đổi thay mà người viết dám nói đến mức 'xa lạ'? Có những lệ làng ngày nay không còn trong đó cái lệ đất hương hoả hay phần  ruộng chia cho con cháu nay đã không còn.

Thời gian qua  nhanh. Bao biến cố thăng trầm đưa những hình ảnh thân yêu vùn vụt trôi về quá khứ. Không ai tránh khỏi định luật này. Riêng tôi mỗi lần nhớ về quê ngoại, trong lòng vẫn hoài ghi hai cảm giác trái ngược nhau: Một thời bé bỏng khi níu tay ngoại về làng trong tự do, vui thú bên nhiều tình thương trìu mến. Trái với khi  'sa cơ thất bại' - cũng về làng, về ngoại nhưng là lần về ngắn ngủi lén lút của người tùRồi hình ảnh vợ chồng người cậu (Dâu) ái ngại nhìn theo đứa cháu từ giã thật nhanh.  Tiếng thở dài của người ông (ông Hạch ) đang ngồi trước hiên nhà. Tiếp tục chuốt lạt, mắt ông hướng theo đứa cháu  xa dần về đầu xóm Chùa. Nó sẽ qua một bến đò để về cái trại vùng trên Thôn Ái Tử .


Đinh Hoa Lư 1/4/2018
update 12/4/2018

No comments:

Post a Comment