Sunday, September 4, 2022

HOÀNG LONG HẢI: Ô CHÂU ÁC ĐỊA

 


 

 TUỆ CHƯƠNG

HOÀNG LONG HẢI

(trích trong tập: Quê Ngoại)

 

            Theo “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim thì…

“Năm tân sửu (1301) thượng hoàng đi sang Chiêm Thành xem phong cảnh, có ước gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Được ít lâu, Chế Mân cho người đem vàng bạc và các sản vật sang cống và xin cưới. Triều thần có nhiều người không thuận, Chế Mân lại xin dâng châu Ô và châu Rí làm lễ cưới, bấy giờ Anh Tông mới quyết ý thuận gả. Đến tháng 6 năm bính ngọ (1306), cho công chúa về Chiêm Thành.

            “Sang năm sau (1307) vua Anh Tông thu nhận hai châu Ô và Rí, đổi tên là Thuận châu và Hóa châu, rồi sai quan là Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị.

            “Huyền Trân công chúa lấy Chế Mân chưa được một năm thì Chế Mân mất, mà theo tục Chiêm Thành, hễ khi vua đã chết, thì các hậu phải hỏa thiêu chết theo.

            “Anh tông được tin ấy, sai Trần khắc Chung giả mượn tiếng vào thăm để tìm kế đưa công chúa về. “

                                                      (VNSL - TTk - Q. 1 trang 167)

 

            Theo chính sử, việc gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành, lúc ban đầu, không thấy nói tới việc dâng đất hai Châu Ô và Rí. Vì vậy vua Chiêm chỉ cho mang vàng bạc và sản vật làm sính lễ mà thôi. Mãi đến khi “triều thần có người không thuận”, nên Anh Tông cũng không thuận chăng. Vì vậy, “Chế Mân lại xin dâng đất châu Ô và châu Rí làm lễ cưới, bấy giờ Anh Tông mới quyết định thuận gả”. Do vậy, nhìn chung vấn đề, có hai châu Ô và Rí mới gả chông chúa. Còn như không có đất, chắc gì đã có việc hôn nhân?!

Đâu có riêng gì "Triều thần có người không thuận" như Trần Trọng Kim viết mà trong dân gian cũng có nhiều người thương trách:

 

"Tiếc thay cây quế giữa rừng,

      Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.

Hay:

Tiếc thay hột gạo trắng ngần

      Đã vo nước đục lại vần lửa rơm

 

            Cây quế ám chỉ Huyền Trân công chúa, giữa rừng là giữa nước Chiêm Thành còn mọi rợ. Dĩ nhiên, thằng Mán, thằng Mường là mấy ông vua Chiêm.

            Hột gạo trắng ngần cũng là ý nói công chúa Huyền Trân. Vo nước đục là gả ho Chế Mân, sau lại “đi lạc” với Trần Khắc Chung là coi như lửa rơm; hay mối tình của hai người, - công chúa và Trần Khắc Chung - cũng chỉ là ngọn lửa rơm?

            Nước ta, ở miền quê, thường khó kiếm củi để đốt, nấu nướng. Nông dân tận dụng rơm để làm chất đốt. Rơm là phần ngọn của cây lúa, sau khi gặt về, đập lấy hột xong, người ta chất rơm thành đống cao, thường gọi là “Cây Rơm”.  Người ta rút rơm để đưa vào bếp đốt dần. Lửa rơm cháy mạnh, nhưng mau tàn. Người nấu lửa rơm phải canh chừng, hẽ rơm trong bếp cháy tàn thì bồi tiếp thêm rơm vào cho ngọn lửa được liên tục. Khi nấu cơm, muốn cơm mau sôi, cho rơm vào nhiều. lửa cháy to. Khi cơm đã cạn, cho rơm vào bếp ít lại để cơm được chín. Nếu tiếp rơm vào nhiều, lửa cháy to, cơm bị cháy, khê nếu để lửa tàn, không còn hơi nóng thì cơm sống. So ra, nấu rơm khó hơn nấu củi.

 

            Đất châu Ô và Rí, sau đổi thành Thuận châu và Hóa châu. Thuận châu là tên ngày xưa, bây giờ gọi là gì? Phải chăng đó là đất thuộc tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị ngày nay? Một thời, Huế được gọi là Thuận Hóa, bao gồm cả châu Thuận và châu Hóa, hay chỉ đó là một cách gọi, Huế tượng trưng cho cả hai châu nầy?

 

            Có lẽ ngày trước, hình như việc mấy cô ra đi theo chồng không mấy khi vui?

            Vu qui là ngày vui? Trong thực tế, không ít cảnh “Nước mắt ngày vu qui!” Tại sao vậy? Rõ lắm! Trước hết, vì người con gái rất thương mẹ nên khi lìa nhà theo chồng, người con gái không vui là chuyện rất thường:

                       

                        “Cậy em em ở lại nhà,

                        Vườn dâu em đốn mẹ già em thương.

                        Mẹ già một nắng hai sương

                        Chị đi một bước trăm đường xót xa…”

                                    (Lỡ Bước Sang Ngang - Nguyễn Bính)


            Chỉ “một bước đi” mà những “trăm đường xót xa” thì sự xót xa đó phải là lớn lắm. Ca dao cũng có những câu tương tự như vậy: “Tay mang khăn gói sang sông, Mẹ kêu mặc mẹ theo chồng cứ theo.” Nhưng đến khi về nhà chồng rồi thì “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.” Ruột tuy đau chín chiều nhưng phải dấu, phải âm thầm, nếu không thế thì tại sao phải ra đứng ngõ sau mà không đứng ngõ trước. Ngõ trước có nhiều người qua lại, sợ người ta thấy đấy!

            Ngày nay, tôi thấy con gái khi lấy chồng thường hay cười hơn khóc. Vậy thì người đời nay hạnh phúc hơn người xưa?

            Tuy nhiên, với trường hợp người chị của Nguyễn Bính thì không chỉ thương mẹ. Nếu chỉ vì thương mẹ thì sao gọi là “Lỡ Bước…” Có thể người chị của thi sĩ đã có một người tình, chị ông phải bỏ người tình, phụ tình mà đi lấy chồng.

            Huyền Trân công chúa cũng vậy. Công chúa cũng có một người tình, nhưng vì lời hứa của vua cha, vì sự nghiệp của nhà Trần, vì nước nên phải qua làm dâu xứ Hời để mở mang bờ cõi. Cảm thông tình cảnh đó, vua Tự Đức viết lời cho bài ca Nam bình, theo tôi nhớ thì hình như nhà vua, mô phỏng theo một bài thơ của công chúa (?):

 

                        Nước non ngàn dặm ra đi

                        Cái tình chi,

                        Mượn màu son phấn

                        Đền nợ Ô-Ly

                        Tiếc thay vì đương độ xuân thì (1)

           

            Có người bảo rằng Huế là tiếng gọi trại của Hóa. Đất kinh đô, thường kỵ húy, tức là tránh gọi thẳng tên các ông vua, bà chúa, phải gọi trại đi để khỏi mắc tôi “khi quân” nên Hóa thành Huế. Cũng có người cho rằng không phải như thế.

            Thật ra, ở Huế, nói trại là việc rất thường, phổ biến. Hồng trại thành Hường, Nhậm trại thành Nhiệm vì Hồng Nhậm là tên vua Tự Đức. Chỉ một cái tên Hoa là tên vợ vua Minh Mạng mà lắm sự lộn xộn xảy ra: Thanh Hoa (tỉnh) đổi thành Thanh Hóa (có dấu sắc) hoặc Hoa nói trại là Huê (Hoa Kỳ hay Huê Kỳ cũng là một), hoặc Đông Hoa đổi thành Đông Ba (Cửa Đông Ba, chợ Đông Ba – “Chợ Đông Ba đem ra ngoài dại, cầu Trường Tiền đức lại xi-moong”), v.v… Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, … đổi thành một, hơi, bơ, tứ, niêm, siếu,… để trở thành một ngôn ngữ Việt Nam “mới”, cũng chẳng lạ gì nếu các ông vua Nguyễn còn tiếp tục ngồi trên ngai vàng ở Huế cho tới… bây giờ.

            Vậy thì Hóa có đổi thành Huế cũng không có chi lạ cả.

            Người Việt, nói chung, và dân Trị-Thiên nói riêng, ngày nay nên có một ngày kỷ niệm công lao công chúa Huyền Trân cho phải đạo, mặc dù Thuận châu hay Hóa châu chỉ là sự đổi chác và “lật lọng” của vua nhà Trần, mà con cháu phải gánh cái nghiệp binh đao, máu đổ xương rơi, hơn nơi nào hết trên dãi đất hình chữ S. Cái nghiệp ấy, đau đớn đến cái độ, Huy Phương phải cất tiếng than:

 

                                    Châu Ô, châu Lý mà chi nữa,

                                    Đất đã mang về nỗi biệt ly.

 

            Cái nghiệp người xưa làm, người nay chịu. Điều người xưa làm ấy, như tôi nói ở trên là “lật lọng”. Việc đó có nói trong chính sử, còn sau đây là dã sử:

            Khi Chế Mân chết, - lúc ấy Chế Mân cũng đã già - lấy vợ mới chưa được một năm mà qua đời là vì tuổi già sức yếu hay công chúa Huyền Trân có số sát phu -, vua Anh Tông lo quá, sợ theo phong tục Chiêm, con gái mình sẽ lên giàn hỏa, nên hỏi triều thần có ai chịu vào Chiêm quốc, giả nói là đi phúng điếu nhưng thực ra là để lén cứu công chúa đem về?

Đi cứu người đẹp!

Có trang phong nhã hao hoa nào tình nguyện xin đi? Không ai bằng Trần Khắc Chung. Theo dã sử thì Trần Khắc Chung là người tình cũ của công chúa. Đi cứu người tình cũ của mình, có cái nào “vạn hạnh” hơn cho Trần Khắc Chung. Không cần vua hỏi, Trần Khắc Chung cũng đi, huống gì vua đã hỏi có ai tình nguyện.

            Vì trọng trách vua giao, vì tình yêu với Huyền Trân, Trần Khắc Chung đã “xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ”, đem công chúa về tới đất Thăng Long, sau một năm “đi lạc” vì bão. Đường từ Bình Định (thành Đồ Bàn, kinh đô Chăm-Pa từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15) ra Hà Nội đâu có bao xa mà “chàng và nàng” đi lạc những một năm. Một năm đi lạc là một sự lạ, và không kém phần kỳ thú. Một chuyến “đi lạc” hay nhất trong những thiên tình sử của nhân loại, hơn cả “Tiểu Nhiên Mỵ Cơ”.

            Thế là sau gần hai năm, công chúa Huyền Trân ra đi rồi lại trở về. Người (hay giai nhân) của nước Đại Việt ra đi thì không mất, (“một sợi lông chân”, như tục ngữ thường nói) -, nhưng Chiêm Thành thì không bao giờ lấy lại được đất hai châu Ô và Rí. Trong cuộc đấu đá tranh giành nầy, người ta cho rằng người Việt thì khôn mà người Hời (tên nôm na của người Chiêm) thì dại. Hãy nghe quan đại thần Hoàng Cao Khải tự hào về cái khôn của dân tộc mình:

 

                       

                    Công chúa Huyền Trân

 

                                    Đổi chác khôn ngoan cũng nực cười

                                    Vốn đà không mất lại thêm lời

                                    Hai châu Ô, Rí vuông ngàn dặm

                                    Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi

                                    Lòng đỏ khen ai lo việc nước

                                    Môi son phải giống mãi trên đời

                                    Châu đi rồi lại châu về đó

                                    Ngơ ngẩn trông theo mấy đứa Hời

                                                                        Hoàng Cao Khải

 

            “Châu đi rồi lại châu về”. Viên ngọc (châu) đã đi mà lại về. Hơn truyện Kiều xa: “Biết đâu Hợp phố mà mong châu về”.

            May mà nước Chiêm Thành sau đó bị tiêu diệt, không bao giờ phục hưng lại được. Giả tỉ nước Chiêm Thành ngày nay vẫn còn đó, thì mối hận bị mất đất biết bao giờ mới nguôi, và chiến tranh giành lại đất của Chế Chí (2) khi nào mới dứt.

            Giả tỉ nhà Trần hồi ấy, đem con gái về thì trả đất lại cho Chiêm Thành, thế là sòng phẳng. Hoặc ít ra, gả một công chúa khác cho Chế Chí thì đâu đến nỗi gây nên mối thù hận ngàn năm! Quả thật An nam là một đế quốc, Tây gọi là L’Empire d’ Anam. Đế quốc thì thường hay ức hiếp các nước nhỏ, gây nên thù hận.

Vua, hay những người cầm quyền của một nước, thường vì quyền lợi riêng mình, đem đất dâng cho người. Người dâng đất thì vui mừng, vì đất là đất chung, - cha chung mắc chi mà khóc - nhưng người dân, hay nói rộng ra là dân tộc, bị mất đất thì lòng thù hận biết bao giờ nguôi? Ông vua già Chế Mân, được vợ trẻ đẹp thì mừng hí ha hí hửng, nhưng dân Chiêm ở hai châu Ô và Rí phải bỏ quê mà đi thì có vui được chăng?

            Việc nầy khác với việc Mạc Đăng Dung dâng đất năm động cho Tàu. Sử chép:

            “Quan nhà Lê sang Vân Nam kể rõ việc họ Mạc làm điều thí nghịch. Quan nhà Minh tâu với vua xin cử binh mã sang đánh.”

            “Việc định sang đánh họ Mạc không phải là vua nhà Minh có vị gì họ Lê, nhưng chẳng qua cũng muốn nhân lúc nước Nam có biến, lấy cớ mà sang làm sự chiếm giữ như khi trước sang đánh họ Hồ vậy.  Ta phải biết rằng phàm những việc nước nọ giao thiệp với nước kia thường thì là người ta mượn tiếng “vị nghĩa” mà làm những việc “vị lợi” mà thôi. (3)

            “Năm đinh dậu (1537), vua nhà Minh bèn sai Cừu Loan làm đô đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ, đem quân sang đóng gần cửa Nam Quan (4) rồi truyền hịch đi mọi nơi, hễ ai bắt được cha con Mạc Đăng Dung thì thưởng cho quan tước và hai vạn bạc. Lại sai người đưa thư sang cho Mạc Đăng Dung bảo phải đưa sổ ruộng đất, nhân dân sang nộp và chịu tội, thì tha cho khỏi chết.

            “Mạc Đăng Dung sai bọn Nguyễn Văn Thái sang sứ nhà Minh để xin hàng.

            “Đến tháng 11 năm canh tí (1540), Mạc Đăng Dung thấy quân nhà Minh sửa soạn sang đánh, sợ hãi quá chừng, bèn để Mạc Phúc Hải ở lại giữ nước, rồi cùng bọn Vũ Như Quế, cả thảy hơn 40 người, tự trói mình ra hàng, sang chịu tội ở cửa Nam Quan, lạy phục xuống đất để nộp sổ điền thổ và sổ dân đinh, lại xin dâng đất 5 động, là động Tê Phù, động Kim Lạc, động Cổ Xung, động Liễu Cát, động La Phù và đất Khâm Châu. Lại đem vàng bạc dâng riêng cho nhà Minh.

            “Quan nhà Minh tuy làm bộ hống hách, nói đem binh sang đánh, nhưng cũng sợ mấy cái vạ như mấy năm bình định ngày trước, vã lại được tiền bạc của Đăng Dung rồi, cái lòng nhiệt thành vị quốc cũng nguội đi, cho nên mới tâu với vua nhà Minh xin phong cho Mạc Đăng Dung làm chức Đô Thống sứ, hàm quan nhị phẩm nhà Minh.”

 

            Việc dâng đất năm động của Mạc Đăng Dung cũng là một sự “lật lọng” của người Việt chúng ta. Thật vậy! Đất năm động do Mạc Đăng Dung dâng cho nhà Minh chỉ là đất trên… giấy tờ. Trên thực tế, đất năm động ấy không có ở đâu cả. Có thể đó là đất của Tầu (Đất Tầu đem dâng cho Tầu), hay Tầu đã chiếm các động ấy từ lâu rồi, hoặc đất do Mạc Đăng Dung “tự biên tự diễn” trên… giấy tờ. Khi quan Tầu đi nhận đất, không thấy đất đó ở đâu cả, giận lắm, nhưng biết làm sao được. Tập họp binh mã lần nữa để sang hỏi tội Mạc Đăng Dung là việc đâu phải dễ. Vã lại, vua quan gì đó bên Tầu cũng đã được Mạc Đăng Dung “đấm mõm” cả rồi, “Ăn xôi chùa ngọng miệng”, biết nói năng ra làm sao! Hơn nữa, cái chết của Liễu Thăng ở núi Đạo Mã Pha (Chi Lăng), cái gương Vương Thông xin hàng, được Lê Lợi tha về, hay Mộc Thạnh, nghe tin Liễu Thăng chết rồi, ba chưn bốn cẳng “tam thập lục kế” cũng chưa hẵn đã phai mờ trong lịch sử xâm lăng của nước Tầu. Nói như Trần Trọng Kim ở trên thì khi đã có cái lợi cho bản thân rồi “cái lòng nhiệt thành vị quốc cũng nguội đi”. Ai bảo người Tầu yêu nước hơn người Việt?!

            Trong lịch sử nước ta, việc “bắc cự Tầu, nam diệt Chiêm” chưa bao giờ ông cha chúng ta thua thiệt, mất người mất đất. Đó là sự khôn ngoan hay “lật lọng”? Việc đó, tôi không dám nói chắc, xin để lịch sử phê phán. Tuy nhiên, ở đây, xin nói rõ, phải chi ải Nam Quan cũng là đất khống như đất năm động thời nhà Mạc thì nước ta khỏi mất đất mà cha con nhà Hồ (Hồ Chí Minh, không phải Hồ Quí Ly) cũng như đảng Việt Cộng khỏi mang tội với lịch sử.

            Đã lật lọng, người Việt chúng ta có khinh người khi gọi người Chàm là Hời. Tiếng Chàm hay Chiêm Thành hay Chăm-pa còn nghe được. Còn tiếng Hời nghe không tôn trọng người ta chút nào! Người Chiêm chết hiện thành con ma rút ruột đi ăn phân người thì gọi là ma Hời. “Muôn ma Hời sờ soạn dắt nhau đi.” Chế Lan Viên viết như vậy đấy. Tệ hơn, quan đại thần Hoàng Cao Khải, như viết ở câu thơ trên là lũ: lũ Hời: “Ngơ ngẩn trông theo một lũ Hời.” 

 

            Xin trở lại chuyện châu Ô và châu Rí, nói rõ là Rí, không phải Lý. Trong chữ Hán và chữ Nôm, không có chữ Rí nên ngày xưa ông cha chúng ta phải mượn chữ Lý để thay cho Rí. Nay chữ quốc ngữ có thể viết được chữ Rí, nên tôi giữ lại tên cũ là Rí cho đúng với tên của người Chăm.

            Khi mới “gia nhập” lãnh thổ nước Việt, Ô Rí là đất ô hợp. Chữ ô (hợp) nầy có 2 nghĩa. Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh thì Ô có nghĩa là “nước đục, nhớp nhúa, chỗ đất thấp, ẩm, con quạ. “Ô châu ác địa”: Ngày xưa, khi Chiêm Thành nhường đất Ô châu lại cho nước ta, các đời vua thường di dân đến đó để mở mang đất đai, người ta đồn rằng đất đó là xứ ma thiêng nước độc, nên gọi là “Ô châu ác địa”. (Đào Duy Anh)

Khi còn nhỏ, qua gia đình, tôi biết nơi tôi sinh đẻ (thị xã Quảng Trị) ngày xưa thuộc đất Ô châu. Nếu có chuyện gì xấu xa xảy ra, tôi từng nghe mẹ tôi than bằng câu ca dao: “Đất nầy là đất Ô châu, ai đi tới đó mang bầu về không!” Bầu là cái bụng bầu hay ôm bầu tâm sự mà về quê! Tôi không rõ.

            Trong định nghĩa nói trên của ông Đào Duy Anh, ông viết “di dân đến đó”. Dân nầy là dân như thế nào?

Luật Hồng Đức đời Lê Thánh Tôn có 3 tội lưu (bị đi đày ra khỏi xứ). Đó là: Lưu cận châu: đày vào Nghệ An, lưu viễn châu: đày vào Bố Chính, lưu ngoại châu: đày vào Tân Bình, Thuận Hóa. Các vua đời Lê cũng cho thành lập các dinh điền, giao cho các quan dinh điền sứ trông coi, đưa binh lính vào đấy để khai khẩn đất hoang.

Như vậy, tổ tiên đầu tiên của người Việt ở hai châu Ô và Rí là những tội đồ bị lưu ngoại châu hoặc binh lính dinh điền. (5)

            Không hẵn hoàn toàn như vậy.

            Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa năm 1558, ông mang theo tướng sĩ binh lính của mình, cũng như bà con thân thuộc. Những người đi theo Nguyễn Hoàng, nhìn chung, đâu phải hàng hạ lưu. Khi Nguyễn Hoàng vào tới Ái Tử (phía bắc sông Thạch Hãn), vì đây là cái truông cát (Truông Ái Tử, tên thường gọi) quan quân khát nước. Dân chúng đem nước ra dâng. Thấy vậy, Nguyễn Ư Kỷ, cậu của chúa Nguyễn, đi theo làm quân sư, mới nói rằng: “Nay mới đến trấn mà dân đem nước ra dâng. Ấy là điềm trời cho. Nước ấy là nước vậy.”

            Cảm cái ơn của dân chúng, Nguyễn Hoàng bèn đóng quân tại Ái Tử. Do đó, khởi thủy, chúa Nguyễn dựng đất ở phương nam, lập nên nghiệp lớn là ở Ái Tử. Ái Tử thuộc châu Ô hay châu Rí?

Để rõ hơn, tôi xin chứng minh:

            Sông Ô Lâu - cách cầu Mỹ Chánh đúng 9 km về phía nam, là ranh giới hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên. Thời chiến tranh Việt Pháp 1945-54, xe thiết giáp hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên hộ tống các đoàn công-voa dân sự, tới cầu Ô-Lâu thì hai bên bàn giao cho nhau. Thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, đường sá được chỉnh đốn thì ngay cầu Ô-Lâu, phía bờ nam có bảng đề ranh giới hai tỉnh. Có nghĩa là ty công chánh Quảng Trị chịu trách nhiệm chăm sóc, tu sửa cây cầu nầy. Cũng thời chiến tranh nói trên, phía thượng nguồn sông Ô-Lâu là chiến khu của Việt Minh, có ai đó, tôi không rõ tác giả, đặt bài hát như sau:

 

                        Ôi giòng Ô, vang chiều nay,

                        Trong khói sương buồn,

                        Mây chiều buông xuống,

                        Lau lách ven bờ, đìu hiu gió sương.

                        Thuyền lên chiến khu, mái chèo đưa nhanh

                        Lau xanh nghiêng nghiêng,

vươn mình giòng Ô…

Ôi! Giòng Ô,

Vươn mình băng qua khe suối,

Qua thác ghềnh, bọt tung sóng reo lao xao.

                        (Tôi chỉ nhớ có chừng đó – (6)


 (6) Anh Võ Cư, nhân viên ty Công An, (anh của Võ Tử Bé và Võ Hoa, hát rất hay), ở chiến khu về, tập cho tôi hát bài hát nầy và đàn vọng cổ bằng guitar. Hồi ấy, năm 1951, tôi chưa thấy người ta đàn vọng cổ bằng đàn guitar như anh Võ Cư.

 



            Trong cách đặt tên của người xưa, tên mới thường nhại theo tên cũ. Tên mới là Ô Lâu, nhại theo tên cũ là châu Ô.

            Lại cũng theo học giả Thái Văn Kiểm, trong một bài viết trên tờ “Phụng Sự” của Quân Đội Cộng Hòa xuất bản khoảng năm 1957, thì đất Nam Ô, nổi tiếng nước mắm ngon ở phía nam chân đèo Hải Vân, có nghĩa là “Phía Nam châu Ô” (Nam Ô). Theo cách nhìn như vậy, châu Ô có thể từ sông Ô Lâu tới đèo Hải Vân. Người ta thường dùng đèo hay sông là những vật cản thiên nhiên để làm ranh giới. Xem ra, theo nhận xét đó, thì tỉnh Thừa Thiên nằm gọn trong lãnh địa châu Ô ngày trước.

            Phần đất còn lại, tỉnh Quảng Trị, thuộc châu Rí chớ còn gì nữa. Như vậy, châu Rí, kể từ phía bắc sông Ô Lâu tới chỗ nào thì hết địa phận?

            Xin trở lại lịch sử. Sử chép:

            “Nước Chiêm Thành hay sang quấy nhiễu, ngài (Lý Thánh Tông – tg) thân chinh đi đánh. Đánh lần đầu không thành công, đem quân trở về. Đi đến châu Cư-liên (?) nghe thấy người khen bà Nguyên phi ở nhà giám quốc, trong nước được yên trị. Thánh tông nghĩ bụng rằng: “Người đàn bà trị nước còn được như thế, mà mình đi đánh Chiêm thành không thành công, thế ra đàn ông hèn lắm à!” Lại đem quân trở lại đánh, bắt được vua Chiêm thành là Chế Củ. Năm ấy là năm kỷ dậu (1069). Thánh tông về triều, đổi niên hiệu là Thần Vũ.

            “Chế Củ xin dâng ba châu để chuộc tội, là châu Địa lý, châu Ma Linh và châu Bố Chính. Thánh tông lấy ba châu ấy và cho Chế Củ về nước.

            “Những châu ấy nay ở địa hạt tỉnh Quảng bình và tỉnh Quảng trị.”

                                    (Việt Nam Sử Lược -Trần Trọng Kim.

     Q. 1 trang 100)

            Theo cách đặt tên như nói ở trên, tên Nam Ô và sông Ô-Lâu, thì tên Bố Chính nay còn ở trong tên huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tên Ma Linh, còn lại trong tên phủ Vĩnh Linh, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị.

            Nếu Gio Linh thuộc châu Ma Linh ngày trước thì châu Rí nhỏ lắm, giới hạn từ hết địa phận huyên Gio Linh, phía tả ngạn sông Hiếu Giang, con sông chảy ngang làng Điếu Ngao, làng của Leyna Nguyễn, nay là phường 2 thị xã Đông Hà, nên gọi là sông Điêế Ngao, tới sông Ô Lâu. Vậy châu Rí nằm gọn giữa hai con sông: Sông Ô Lâu ở phía nam và Hiếu giang ở phía bắc, bề ngang từ biển lên tới biên giới Việt Lào đã hẹp, hẹp nhất trong cái eo của bản đồ Việt Nam, chưa tới 50km, và bề dài, đoạn giữa hai con sông nói trên cũng chưa tới 50km.

 

            Bài viết nầy, chỉ là việc khai triển lại cuộc nói chuyện hạn chế với một số bạn cũ, gồm cả những cựu giáo sư Nguyễn Hoàng từ Việt Nam qua thăm đồng hương, trong dịp “hội ngộ học sinh liên trường Quảng Trị” tổ chức tại Houston, Texas đầu tháng 7 năm 2008 vừa rồi.

 

                        Mass cuối tháng 7-2008

                        hoànglonghải.

 

(1)        Nước non ngàn dặm ra đi,

Cái tình chi,

Mượn màu son phấn

Đền nợ Ô Ly,

Tiếc thay vì đương độ xuân thì

Số lao đao hay nợ duyên gì

Má hồng da tuyết

Cũng như liễu hoa tàn trăng khuyết

Vàng lộn theo chì

Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì

Thấy chim hồng nhạn bay đi

Tình lai láng

Hướng dương hoa quì

Dặn một lời Mân quân

Như chuyện mà như nguyện

Đặng vài phân

Vì lợi cho dân

Tình đem lại mà cân

Đắng cay muôn phần./

 

(2) Chế Chí: “Từ khi Chế Mân chết rồi, Chế Chí lên làm vua Chiêm Thành. Nhưng Chế Chí hay phản trắc, không giữ những điều giao ước trước, cho nên năm tân hợi (1311) Anh tông cùng với Huệ võ vương Trần Quốc Chân, Nhân huệ vương Trần Khánh Dư, phân binh làm ba đạo sang đánh Chiêm thành, bắt được Chế Chí đem về An-nam và phong cho người em là Chế- đà a-Bà làm vua Chiêm thành.

Chế Chí về An nam được phong  làm Hiệu thuận vương, nhưng chẳng được bao lâu thì mất ở huyện Gia lâm. Vua sai đưa hỏa táng. Từ đó về sau nước Chiêm và nước Nam thành ra có điều thù oán mãi. (trích SĐD – trang 168)

(3) Không rõ bây giờ, “dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, (và tư tưởng Mao, tư tưởng Hồ) - Cộng Sản Bắc Kinh và Cộng Sản Hà Nội có khác đi chăng. “Thế giới đại đồng” thì có đem ải Nam Quan mà dâng cho Trung Cộng cũng chẳng sao?!?!???

(4) Đóng “gần cửa Nam Quan”, không dám đóng ngay cửa Nam Quan vì sợ, bấy giờ cửa Nam Quan chưa được chính quyền Cộng Sản Hà Nội đem “biếu” cho Trung Cộng.

(5) Khi tôi còn ở trại tỵ nạn Pulau Bidong, linh mục Quentin, người Úc, khuyến khích tôi đi Úc, ông sẽ giúp đỡ. Tôi gởi thư cho con tôi ở Mỹ, hỏi ý kiến. Sợ tôi đi Úc, con gái tôi nhắc lại lịch sử Úc, tổ tiên họ là những người tù Anh Quốc bị đày sang xứ sở nầy.

(6) Anh Võ Cư, nhân viên ty Công An, (anh của Võ Tử Bé và Võ Hoa, hát rất hay), ở chiến khu về, tập cho tôi hát bài hát nầy và đàn vọng cổ bằng guitar. Hồi ấy, năm 1951, tôi chưa thấy người ta đàn vọng cổ bằng đàn guitar như anh Võ Cư.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment