Wednesday, September 7, 2022

KHÓI THUỐC NĂM XƯA

 

 (bài tái đăng)


nhờ Internet tôi tìm được VỊ TRÍ xưa kia xóm tôi ở ngày đó so với trong hình nay đã khác hẳn (ngoại trừ còn một cây điều nay đã rậm rạp) lý do hiện nay như trong hình có đường trải nhựa hai bên còn có hàng cột điện đường cùng hai mương nước chảy 
Trước năm 1995, con đường này là con đường đất một trận mưa nước chảy lở lói làm đất hai bên đường sứt mẻ hư hao. Nước bùn lở lói màu đỏ chảy ào ạt xuyên vào nền nhà của mái tranh nghèo.
Mũi tên chỉ vị trí nhà tôi và vườn đào khi ra đi bán lại nay cây cối và nhà cửa san sát nhau chứ không thưa thớt  như xưa.Đám đất đó nay người ta phân chia ra bán tiền tỷ do vùng này sắp trở thành một khu CÔNG NGHIỆP LỚN 

***

LY CÀ PHÊ SƠN MỸ


Ngày đó gần chùa Sơn Mỹ có một quán cà phê khá đông khách. Chúng tôi, giới ẩm khách thường gọi là quán Thủy-Hạ. Lý do dễ hiểu do anh Hạ (kiêm sửa xe đạp) cùng vợ anh là chị Thủy người chủ quán.

 Bạn đọc chắc hẳn còn nhớ một thời 'NGĂN SÔNG CẤM CHỢ', từ thành phố cho đến vùng quê người mình sống trong thiếu thốn bức bách, ly cà phê tiếng nhạc điếu thuốc mơ màng là chuyện hiếm hoi. Đến khi thời thế nới lỏng dần hồi, có phong trào mở quán cà phê, có tiếng nhạc "hải ngoại" đem về tự nhiên con người ta  bắt đầu có cảm giác thoải mái, tươi vui hơn. Lớp trẻ sau này nếu đi uống cà phê có thể chỉ do "đi tiệm cà phê" đang trở thành "mốt" thời thượng thôi.  Các bạn trẻ sẽ không hiểu hay khó cảm thông thế nào là tâm lý khoái cảm từ thú nhâm nhi từng giọt cà phê đắng của lớp người đi trước- hàng ngày họ phải lăn lộn trong rừng, tay chai mặt nám với rựa rìu, nắng mưa...


*


Quán cà phê người viết kể lại, lúc đó dần đông lên nhờ kèm theo phong trào nghe lại dòng nhạc sau một thời gian vắng tiếng.  Phải nói cho đúng, thịnh hành nhất là hai giọng ca Tuấn Vũ, Khánh Hà. Những cuốn băng cassette hiếm hoi dùng mãi nên trở thành 'nhảo nhẹt', sứt mẻ. Những hộp băng từng chuyền qua tay nhiều người mới về tới một vùng quê này. Ôi tôi nhớ làm sao những giọng ca ngày đó. Tất cả đều là "số một". Một vài cái quán cà phê hiếm hoi, hai bên con đường đất đỏ Liên Tỉnh 55 (xưa là Tỉnh Lộ 23) từ Xã Tân Thiện vào tận Bình Châu thuộc Bà Rịa. Quán nào cũng sắm cho được cái máy JVC, Panasonic trông nó sướng con mắt làm sao! Xin các bạn chớ coi thường những cái máy này nhé; chúng là cả một gia tài của chủ quán đó. Nhớ làm sao nhiều tiếng hát mượt mà, bao lời ca nghe sao say sưa, chất ngất như mang lại một trời nhớ thương và đồng cảm chân thành...






Uống ly cà phê "phin", nếu lúc đó tôi kêu chủ quán mang lại cho ba điếu thuốc JET bán lẻ thì thật là 'sang'. Đã uống cà phê mà hút "thuốc rê" thì trông sao được mắt. Ba điếu thuốc Jet luôn được chủ quán đặt vào cái dĩa nhỏ. Đó quả là sự phục vụ trịnh trọng cho một loại thuốc hút "thời thượng". 

Nếu nói rộng ra cho thuốc Jet, nó từng được dùng để "giao tiếp" khi đi xin giấy tờ, hay xin thông xe qua trạm... Từng điếu JET trên tay, trầm ngâm hay nhâm nhi vị đắng cà phê…Một khoảng thời gian quý báu nhằm thỏa mãn cho lòng mình trước khi tôi trở lại với thực tế là ...vác rựa VÀO RỪNG. 



***

Kể chuyện xưa, tôi chẳng muốn so sánh với thời này. Nếu ta đặt tâm trạng của giới trẻ thời nay vào thì thật tình khó lòng cảm hết tâm trạng người viết. Có thể các bạn đồng ý: cái gì chúng ta thiếu hay quá cần mới giá trị. Thời nay do quá thừa mứa, quá dễ dàng thì khó mà đạt tới một tâm lý sung sướng nếu không muốn nói là hạnh phúc, thỏa mãn như tôi lúc đó.

***

                 HOA SỨ BƠ VƠ

============================


Đợi giọt cà phê rơi rơi, cũng là lúc ẩm khách ngồi ngắm mấy mảnh vườn quanh quán…


Quanh tôi, hình ảnh mấy vườn mít tiêu điều do sâu bọ đục thân, phá đọt.  Một thời vùng này nổi tiếng về MÍT nay chỉ còn lại những gốc cây mục nát cùng cành lá xác xơ, trông thật đau lòng. Người thôn tôi ở càng ngày càng ít lợi tức từ vườn nhà mang lại nên cùng nhau vào rừng làm rẫy để kiếm thêm bắp đậu. Hàng ngày người ta vào rừng làm rẫy, đốt than để lại ông già bà lão hay trẻ thơ lại nhà. Thế là vườn nhà càng lúc càng vắng vẻ, trơ trọi. 




Nhìn ra khung cửa lá của quán, vườn ai đó còn sót lại đôi ba cây bông sứ. Những cây bông sứ chẳng ai màng chăm sóc nhưng vẫn lây lất sống, dai dẳng với tháng ngày.  Những bông hoa sứ rơi rụng, bơ vơ, rải rác trên nền đất nửa cát, nửa đất thịt bazan đo đỏ. Chẳng ai màng đến mùi thơm của sứ -những thứ tầm thường chẳng còn cần thiết, do nó không bán ra tiền bằng trái mít, hạt điều hay củ sắn củ khoai.


Nhìn cây sứ làm tôi nhớ về thời đi học. Thời lớp ba lớp tư tôi hay đem hoa này ướp vào vài trang vở. Có khi tôi cất chúng vào túi thỉnh thoảng đem ra ngửi chơi. Khổ một điều, cây sứ hay trồng ở chỗ miếu thờ linh thiêng. Mỗi lần tôi đi học ngang qua cái Miếu Âm Hồn của phường Đệ Tứ, hoa sứ rơi lả tả nhưng tôi là đứa nhát gan, chẳng bao giờ dám mò vào lượm do...sợ.


Tôi từng thích mùi thơm hoa sứ vào thời tiểu học. Tuổi nhỏ ngày đó tôi chưa biết chi như những ý tưởng trong bài hát "Hoa Sứ Nhà Nàng" mà tôi thưởng thức bên ly cà phê ngày đó. 



Hoa sứ chỉ còn là những gốc cây vô ích. Người ta không cần chặt bỏ làm gì do đất đai, vườn nhà  đã bạc màu chẳng còn lợi tức. Qua bao mùa "trồng xuống bới lên" không biết mấy bận. Trong vùng tôi ở, ai cũng lo chạy theo nhu cầu miếng ăn, mong sao có sắn khoai no bụng. Hình ảnh chén cơm trắng tinh là cả một ước mong sâu lắng trong lòng. Có thể ngoài tôi- một người tiều phu "bất đắc chí"- đang trầm ngâm nhâm nhi ngụm cà phê cuối cùng vừa ngắm mấy đài bông sứ nằm vất vưởng đó đây vừa tiếc cho một loài hương đang chìm vào quên lãng và thờ ơ nhân thế.


Đó là vài ba ý  nghĩ  thoáng qua  nhanh trong tôi lúc ngồi ngắm sứ. Cho đến khi điếu thuốc đã tàn, ly cà phê chẳng còn giọt nào, tôi phải trở về thực tại trước mắt, đó là... VÀO RẪY.


Kể lại về cái thú uống cà phê như vậy chắc hẳn các bạn có thể tin người viết thổ lộ thật lòng. Thật khó quên những lúc kẻ uống cà phê này phải thiếu chủ quán ít nhiều, cũng do hoàn cảnh? Không sao! do người viết là khách quen hơn nữa là xóm làng quen biết không lo chi  chuyện thiếu tiền. Thiếu tiền cà phê còn có một từ nghe khá vui đó là “ghi sổ”. Chờ cho đến khi khách hàng bán được cái gì từ vườn, rẫy sẽ trả xong món "nợ nhâm nhi" này. 


Bất ngờ có một ngày, nhờ vào Facebook tôi biết được tin vợ chồng chủ quán cà phê ngày xưa vẫn còn. Cái quán  đó vẫn còn trên nền cũ nhưng được xây lại to lớn hơn xưa. Liên lạc với chủ quán, tôi cám ơn anh nhắc lại cho tôi hai câu đối ngày đó nhưng tôi quên mất.


Chuyện hai câu đối, đó là kỷ niệm của chúng tôi trong mấy ngày "tết đến xuân về". Thời gian này, rảnh làm rẫy, chúng tôi hay ngồi tán gẫu trong cái quán tranh. Làm sao quên được một chặng đời khó khăn,  thú uống cà phê lại đam mê nó là "vị thuốc tinh thần" giúp chúng tôi quên đi hiện tại. 


Ngày đó khi trả xong số tiền nợ, lòng ai cũng thoải mái, tâm trạng thật nhẹ nhàng sung sướng. Cuối năm hết nợ lại được anh chủ quán cùng ẩm khách vừa nhâm nhi vừa gật gù tán thưởng hai câu:


NĂM HẾT NỢ XONG VUI XUÂN THOẢI MÁI

CUỐI NĂM SỔ SẠCH HƯỞNG TẾT UNG DUNG 


***


Hơn hai mươi bảy năm rời xa một vùng quê mang tên Sơn Mỹ, tôi vẫn mong có ngày trở lại chốn xưa để đi tìm một vài dấu tích cũ nào đó. Mọi thứ chắc chắn đã đổi thay, sẽ không còn những cái quán nghèo như xưa nữa.  Chúng đã  khuất dần trong kỷ niệm chẳng khác chi mấy ngụm khói thuốc jet ngày đó lảng đảng bay cao. 


 
Thời nay khó lòng sống lại với tâm trạng giống với ngày trước. Nếu giờ tôi có đi uống cà phê, hay được ngồi vào vị trí ngày xưa tôi từng ngồi đợi giọt cà phê rơi, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ tìm lại được tâm trạng như xưa được nữa. Tôi sẽ không bao giờ có được thứ cảm giác y trước, thời gian ngồi trong cái quán cà phê lợp tranh rồi ngắm đôi, ba hoa sứ như bơ vơ rơi rụng cùng thưởng thức giọng ca "não nùng, sướt mướt" phát ra từ cái máy cassette màu đen. Đối diện là cái bàn gỗ ọp ẹp có tôi ngồi lắng hồn trong tiếng hát, bên ly cà phê hiếm hoi cùng khói thuốc từng giúp tôi (hay bao người khác cùng hoàn cảnh) có một khoảnh khắc nào đó quên đi thực tại, lâng lâng bay bổng tận đâu đâu. Tôi cứ tạm cho đó là những phút giây riêng tư được phiêu du chốn "bồng lai tiên cảnh' ảo huyền nào đó trước khi trở lại với thực tế đắng cay  ./.


========================== 


HÌNH ẢNH


 SƠN MỸ NGÀY NAY

nhờ vào FB tôi có được hình ảnh dưới đây 


        
  Sơn Mỹ  và quán cà phê Thủy Hạ hôm nay đã khác xưa. 



hình dưới: nhờ vào FB người viết mới biết được hình ảnh của vợ chồng chủ quán cà phê Thủy Hạ



  Chùa Huệ Đức (hôm nay) ngày xưa gần cà phê Thủy Hạ 

ghi chú

xóm người viết ở năm xưa (vòng tròn xanh ) nghèo nàn heo hút hiện tại đang hình thành một khu công nghiệp tương lai của huyện Hàm Tân.

ly cà phê nho nhỏ trong cái quán tranh, khói thuốc buồn vương bên miếng đất bạc màu, lác đác vài bông sứ bơ vơ nào đó là những gì trong  dĩ vãng. 

Đinh Hoa Lư 

edit

8/9/2022

No comments:

Post a Comment