MỤC LỤC
1- RẠP XI NÊ ĐẠI CHÚNG
2- HƯƠNG XƯA
3- NHỚ CHÙA SẮC TỨ TỊNH QUANG VÀ NGOẠI TÔI
4- BIỂN NHỚ
5- CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI
=======================
RẠP XI NÊ ĐẠI CHÚNG QUẢNG TRỊ
ĐẠI CHÚNG- ĐỒ HỌA CỦA BẠN ĐỌC TRƯƠNG HÒA
***
Tôi hay viết về QUẢNG TRỊ, nhắc lại thành phố cũ mà quên đi cái rạp xi nê (CINEMA) hay rạp chiếu bóng thì thật là thiếu sót lớn. Tôi cho rằng nhắc về hình ảnh kỷ niệm xưa trong đó có một rạp xi nê không cứ do nội dung cuốn phim mà là hình ảnh một rạp chiếu bóng thôi. Cũng như nhắc đến những gánh hàng rong dân dã một thời do không phải thời này không có, mà là vì một hình ảnh giờ không còn tồn tại, đã trôi hết vào quá khứ xa vời. Hôm nay có bạn đọc thấy người viết kể lại gánh hàng bún xáo Quảng Trị mà xúc động nhớ về gánh bún thịt nướng bên thềm rạp Đại Chúng. Bạn đọc này kể rằng:
"ơn HLĐ đã nhắc đến bún xáo QTr và từ " kéo ghế " của xứ mình.
Làm tôi nhớ lại phở gõ ở Huế trong những năm tháng định cư lai thí.
Cứ mỗi chiều về khi nghe tiếng gõ lốc cốc thì gọi vào nhà trọ, những tô phở nhỏ gọn bốc hơi và mũi thơm quyện lên hưởi nghe là thèm.
Cũng cùng hương quê nhà này tôi còn nhớ tô bún thịt nướng tại thềm sân rạp chiếu phim Đại Chúng Quảng Trị. Với tuổi trẻ, cái hương vị thơm ngon của tô bún thit nướng Đại Chúng hồi đó làm tôi còn nhớ và lưu luyến đến ngày hôm nay, cái ngon không chỉ của thực phẩm mà còn thêm gia vị của củ hành chua thật là đậm đà béo ngọt cay nồng ấm áp vào những chiều có mưa bay lất phất.
HLĐ có biết nhớ chỗ này không? ,xin cho một vài cảm nhận có thât không hay chỉ là cảm nghĩ của riêng tôi về quê hương thương nhớ Quảng Trị của chúng ta.
Cảm ơn ĐHL và chúc bạn vui khỏe."
Trước hết người viết cám ơn bạn đọc đã nhắc đến mấy sạp hàng vặt trước khi vào xem phim. Đúng! ĐHL có nhớ thấp thoáng có hàng bún thịt nướng cạnh rạp nhưng chưa có cơ hội ngồi xuống ăn một tô. Gánh này có sau mấy cái sạp hàng vặt như đậu phụng rang, bánh kẹo nhất là trái cây dân dã từ miệt rừng núi QT như Nam Đông Tân Lâm Cam Lộ ..chở vô. Nào sim nào ổi quít tắt chen lẫn mấy khúc mía ngọt ngào cho khách xem phim mua vào rạp. Nhớ cách gói đậu phụng rang nguyên hột: đậu phụng rang thơm giòn nguyên vỏ gói thành những gói chóp nhọn không nhiều. Về đêm mới vui. Những sạp hàng này, vào cổng là thấy ngay. Những bóng đèn điện treo tạm đong đưa vui mắt. Trước khi vào mua vé khách thấy vui vui nhờ vào những hình ảnh thân thương của bà con mình...
Tưởng cũng xin nhắc lại một chút về tôi, do thuở đó tôi là một đứa bé "ghiền xi nê" vô cùng! Và coi phim thì một thời chỉ đi vé dưới hạng chót: nghĩa là 'dúi' cho chú Sinh vài ba đồng là chạy tọt vào trong...
Riêng với các bạn hiện nay đang sinh sống tại thành phố QT mới xây dựng sau này thì cái danh từ "rạp xi nê" chắc hẳn đã vào quá khứ. Phương tiện hiện đại biết bao nhiêu thứ giải trí chắc chắn sẽ không còn nhu cầu phải vào rạp xi- nê như tôi vừa nói. Hơn nữa QT giờ này chưa hẳn đã có ai đầu tư vào loại rạp như thế. Tôi vẫn mong kể lại vì tôi hi vọng các em thế hệ sau này có thể hình dung hình ảnh xa xưa - một thành phố thật sự xóa nhòa.
Hiện nay nền đất cũ của rạp Xi NÊ Đại Chúng xưa là THÁP CHUÔNG THÀNH CỖ (hình Võ thị Ngọc Anh, làng Nại Cữu)
Sau lưng tòa hành chánh cũ có nhà Đại Hội, ngó qua chênh chếch là tòa Án QT, đều nằm theo đường Trần hưng Đạo. Nhà Đại Hội chỉ để hội họp hay các buổi ca vũ nhạc kịch do chính quyền hồi đó tổ chức. Nhưng Rạp Xi NÊ Đại Chúng đã đi vào "lịch sử giải trí " của người dân QT. Nó nằm ngay cuối đường Trần Cao Vân; tôi nhớ mang máng là của bà chủ cây xăng Shell tại bến xe Nguyễn Hoàng hồi đó [theo bác Hoàng xuân Định thì chủ cây xăng này là chủ tiệm ăn Như Ý hồi xưa tại QT ]. Truyện kể ở đây phải là lúc chưa có cái T.V trắng đen, và thiên hạ kể cả thằng bé như tôi chưa hình dung ra TV là gì!
Như thế, niềm vui giải trí về hình ảnh, hay nói khác đi là "Nghệ thuật thứ Bảy" cho dân thành phố dạo này chỉ còn cái rạp xi nê Đại Chúng thôi.
Tôi là đứa "ghiền xi nê, mê xi nê", đến nỗi còn hằn sâu trong trí nhớ cảnh 'làm nũng' với mạ tôi. Lý do: mỗi khi mạ tôi không còn cho vài ba đồng nữa, thế là tôi 'kéo mền- quăng gối' làm 'nư' cho được mới nghe!
Sung suớng làm sao khi mạ tôi 'thua' thằng con trai "cưng"; có đuợc ba đồng ($3) trong tay, tôi ' te- còng' chạy mau tới rạp Đại Chúng. Xin thưa với bạn đọc rằng: ngang đây, tôi chẳng dám tới mua một vé hạng trẻ em ($5.)- hạng chót dành cho mấy dãy ghế ọp ẹp gần sát với tấm màn trắng khổng lồ. Ba đồng- có nghĩa là tôi "lấm lét" chen tới gần bác giữ cửa tức là bác Sinh, tôi còn nhớ tên,"chuồi' cho bác có chút "tiền bỏ túi" thế là "a- lê -hấp" tôi chạy tọt vào trong.
Rõ khổ! hạng trẻ em tức là 5$, ngồi trước, ngăn cách với các hạng người lớn tức là hạng ba tới hạng nhất một hàng rào kẽm gai. Cũng khổ cho mấy đứa nhỏ ít tiền phải ngồi trước tức là chịu đựng mùi "khai nồng " từ mấy lỗ tiểu hai bên ở phía trước. Thế mà chẳng đứa nào ca cẩm than phiền gì? Vào được trong rạp là "sướng như tiên' dù "chuồi' cho bác Sinh hay mua vé 5 đồng cũng là con nít, chẳng ai để ý. Bạn đọc thấy đó, tên bác giữ cửa tôi còn nhớ, chứng tỏ tôi là khách "thường trực" của rạp Đại Chúng rồi.
Phía sau cùng là hạng nhất, giá vé tôi còn nhớ khoảng 20$( có nghĩa là bằng 4 tô bún bò, thời giá lúc đó). Còn trên đầu hạng nhất là balcon tức là hạng lầu 30$. Tôi quên kể rằng hạng nhất nhì và lầu có thể cho kèm theo 1 em nhỏ miễn vé. Em nhỏ này là con em họ nhưng nếu hảo tâm họ có thể dắt em nào sạch sẽ cho vô theo, cũng thế thôi, chẳng ai quan tâm tò mò. Khổ nỗi tôi chẳng dám xin ai bao giờ!
Giây phút vui thú nhất là lúc đèn phụt tắt. Trước tiên lúc nào cả rạp cũng phải chào quốc kỳ, phim thời sự VN của bộ thông tin, rồi đến phim chiếu dạo để 'chào hàng " các phim mà bà chủ sắp thuê từ HUẾ ra kỳ sau. Tôi thỉnh thoảng liếc nhìn những lằn sáng trắng từ 3 cái lỗ vuông sau lưng hạng lầu đang thay nhau làm việc. Chúng thi đua chiếu tới cái màn trẳng cao, rộng thênh thang trước mắt. Đừng có trở ngại kỹ thuật nghe! vì mỗi lần có trở ngại là thiên hạ la hét chí chóe điếc cả tai tôi , tiếng huýt gió , gõ ghế, cười cợt ôi thôi đủ loại âm thanh. Tội cho chú chiếu phim! chắc chú đang "lính qua lính quýnh" trên đó.
Mấy anh chị người lớn thì mê phim tình cảm còn gọi là phim Pháp. Nhưng những loại "siêu phẩm" thì mấy khi ra đến thành phố địa đầu giới tuyến này, nên mấy vị hay vô Huế coi. Còn tôi thì mê phim Hercules, Samson mạnh như thiên thần. Những tảng đá lớn Hercules, Samson bưng nhẹ như chơi. Sau này thì phim cao bồi Django, chú cao bồi vừa cỡi ngựa vừa bắn súng "đoàng đoàng " thật oai. Còn phim Ân Độ khi nào cũng "ế khách " vì vừa phim trắng đen lại khi nào cũng múa hát. Trai gái ưa nhau, phải tình nhau xong là đến màn vừa múa vừa đuổi theo nhau tán tỉnh. Chuyện mới kỳ cho phim Ân Độ- phim đóng tân thời cũng múa và hát theo nhịp trống--không có không được.
Thì ra ai ai trong cái thành phố này cũng "mê xi nê " như tôi mới lạ. Tôi thưong cảm cái thành phố bé nhỏ này là vậy đó. Nhớ về những buổi phim hay, thiên hạ mua vé đứng chờ vào cửa nhưng mấy cuốn phim thì đang trên "đừơng thiên lý ", có thể phim còn 'bon bon' chạy trên chiếc xe đò Huế --Quảng trị ,chưa về đến bến Nguyễn Hoàng cũng nên?
Người này hỏi người kia- rồi người kia hỏi người nọ:
- Phim về chưa mi?
- Răng xe chạy chậm dữ rứa?
Thiệt tội! nhưng rồi cái gì đến sẽ đến thôi. Khoảng gần hai giờ chiều, chiếc xích lô đạp đổ phịch trứơc cửa rạp. Trên xe, chồng phim còn nằm trong cái bao bố hở miệng. Mọi người đồng loạt reo lên, mừng rỡ như thấy đứa con đi lạc phương xa mới về. Khách ùn ùn vô cửa. Chú chiếu phim hấp tấp vác chồng phim hình bánh xe đi mau lên lầu...
Thời gian sau này những phim võ hiệp Hồng Công Đài Loan với những siêu phẩm quyền cước làm người thành phố QT mê mệt. Từ Khương Đại Vệ, Địch Long và sau này là Lý Tiểu Long...đều là thần tượng quyền cước trong lòng bao lứa trẻ cũng như tôi trong đó. Nhớ làm sao những cú đá liên hoàn hay cú đấm thần tốc của Lý Tiểu Long! Người kể còn nhớ Đại Chúng chỉ chiếu đến Đường Sơn Đại Huynh còn chờ Mãnh Long Quá Giang. Rồi phim Việt Nam đang say mê với Chân Trời Tím còn chờ Nắng Chiều thì Quảng Trị...CHẠY?
Hùng Cường -Kim Vui trong Phim CHÂN TRỜI TÍM
Thật tiếc làm sao!
Thú giải trí của người thành phố QT có gì đâu? dĩ nhiên chỉ còn rạp phim Đại Chúng là số một!
*
Gần qua đầu thầp niên 1970, sau vụ nổ lựu đạn trong rạp, Đại Chúng sang lại cho một bà chủ giàu có Ấn Độ nghe đâu tên là "Fatima" hay gì đó? Rạp mang tên mới là KIM CHÂU. Ngoài Kim Châu ra, QT chẳng có thêm cái mới ngoại trừ cái tháp nước máy khổng lồ mới xây bên cạnh. Người kể nhớ không lầm, nước máy này chưa hoạt động gì thì đã xảy ra chuyện 1972 Mùa Hè Đỏ Lửa.
Thế mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian như nước trôi qua cầu hay gió thoảng mây bay xa mãi về vùng dĩ vãng. Nếu giờ đây các em nhỏ đang sống trong thành phố Quảng Trị, thì các em chỉ quen giải trí với thế giới digital, remote control ... điều khiển từ xa cùng bao nhiêu phương tiện hiện đại khác. Kể sao hết bao thứ giải trí thừa mứa hôm nay; nào TV màu với nhiều phim truyện dài lê thê hàng cả trăm tập, nào compact disc, DVD, youtube, online... Kể không hết!
Có thể đến một lúc nào đó, trong thế giới dư thừa vật chất hôm nay, chúng ta bất kể người lớn trẻ nhỏ, không còn hào hứng hay xúc cảm với một cuốn phim hay bản nhạc nào nữa. Có thể tâm lý hôm nay đến từ tâm lý do mọi thứ đều sẵn có trong tầm tay, quá sẵn, quá dễ dàng và nhất là quá 'thừa mứa'!
Thế thì xin trở lại với thời gian quá khứ kể trên, nếu có thể, bằng hoài niệm, cái thời một thành phố chỉ có một rạp xi nê, khi TV chưa phải là hình ảnh phổ biến cho mọi nhà của người thành phố. Người viết tin rằng tâm lý chúng ta thời đó chắc hẳn phải thích thú, say mê sau những buổi đi vào rạp xi nê Đại Chúng. Một thời-khi thiên hạ chưa hề nghe cái từ Internet là chi?
Có thể các bạn và tôi đang có nhiều nỗi nhớ về một thành phố năm xưa. Lưu lạc bốn phương trời, nhưng còn lắm người khi ra đi còn nhớ về ĐẠI CHÚNG, một rạp xi nê từng "thủy chung" với số phận của một thành phố nay chìm khuất trong kỷ niệm xa vời ./.
Edit by Đinh Hoa Lư
HƯƠNG XƯA
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao ...
(Hương Xưa –Cung Tiến)
Không đợi lâu, những chùm hoa màu trắng tím, nhàn nhạt cũng thi nhau mọc chen với màu xanh của lá . Một 'tổng hợp' giữa hoa và lá vươn mạnh dưới khoảng trời nồng nàn nắng ấm.
Huơng sầu đông nhẹ nhàng, thoảng thoảng ; nhưng nếu ta lắng tâm, tập trung tất cả khứu giác của mình để phân biệt , ngửi cho kỹ, thì đó là một thứ huơng ngào ngạt, lan xa khắp cả một khoảng trời đầu hạ. Đối với tôi, đó là mùi thơm dân dã, không quá nồng nàn như những loài hoa quý. Mùi huơng thân quen, lại hào sảng'' quyện lấy tất cả những người đang núp nắng dưới tàng cây của nó. Ý nghĩ này đến với tôi lúc nắng lên cao, núp dưới bóng cây, tôi tận huởng huơng thơm 'không mất tiền mua'. Chìm - sâu đậm... tôi khó diễn tả do không thể dùng một tiếng 'thơm' trơ trọi, đơn điệu không thôi.
Tôi thích hoa và hương sầu đông từ mùi thơm hình ảnh cuối cùng do nó là cả một trời tự do, quãng khoát pha lẫn chút nào hoang dại. Tôi từng thú vị khi tha hồ hít thở thỏa thích. Một kết hợp bình dị nhưng sâu lắng giữa hương thơm và sắc tím. Tất cả đều vươn tỏa dưới bầu trời ngập nắng, hòa điệu với lớp tuổi hồn nhiên.
Làn gió tiễn xuân xôn xao, lồng lộng trong bầu trời trong xanh. Trời Quảng Trị bước vào hạ. Gắng ít ngày học nữa, tôi sắp sửa được vui thú ngày hè để đuổi chim, đá rế, bắt chuồn chuồn ... Tội nghiệp mấy con chuồn chuồn 'vô tội' sẽ bị tôi ngứt đuôi, thế vào đó những đọt lá tre non chưa nở nhọn như que tăm. Một thuở vô tư, chưa hề biết thế nào là 'trầm tư mặc cảm'?
Nhưng hiện tại lúc đó chỉ mới cuối xuân, mùa của bao lùm bông tim tím bắt đầu hé lộ. Chúng tôi tụm năm, tụm ba chơi bi, dưới bóng mát của hàng sầu đông trong xóm. Những tàng cây vươn dài, lần lượt thi nhau tỏa huơng hai bên con kiệt.
Chiến tranh ập đến! tất cả phải đi, phải lìa xa mọi thứ. Bao mơ mộng, bao ước ao đều bỏ lại phía sau. Chìm trong phương trời quên lãng đó, trong tâm tưởng tôi ẩn hiện mấy hàng cây sầu đông xóm cũ.
Kỷ niệm nào qua đi, phất phơ, nhàn nhạt như hương và hoa sầu đông. Chút HƯƠNG XƯA tận đâu trong tiềm thức- môt khoảng trời, một loài hương có khi sống dậy trong vũng nhớ cuộc đời ./.
CHÙA SẮC TỨ TỊNH QUANG VÀ NGOẠI TÔI
-ĐHL
Sau khi ông ngoại tôi qua đời vào năm 1949, gần mười năm sau mệ ngoại tôi tu tại gia. Thời gian này Mệ hay về nấu nướng cho quý thầy dưới chùa Tỉnh Hội. Trụ trì gồm hai thầy, tôi còn nhớ hình thầy Thích chánh Trực (?)và một thầy khác . Ngoại tôi cho treo hình hai thầy trụ trì trong chùa Tỉnh Hội ở căn giữa nhà, đối diện bàn Phật.
Khoảng gần năm 1960, ngoại tôi chính thức xuống tóc và qua tu bên chùa Sắc Tứ. Làm bà vãi, có nghĩa là Mệ nấu ăn cho các thầy và các chú tu trong chùa. Ngoại nấu chay khéo và ngon nên thầy nào cũng thích. Đứa cháu như tôi, cho đến giờ cũng không quên mấy món mệ nấu. Mỗi lần Mệ vè nhà, tôi cứ "lẩn quẩn" gần mệ ngoại để có dịp người cho món chay ăn.
một lính Mỹ đóng ngoài căn cứ Ái Tử gần chùa tới thăm khoảng sau 1968 lúc Ngoại tôi còn ở đây, mấy chú tiểu này cũng rất thân với ngoại tôi. Các chú này là đệ tử của thầy THích Ân Cần tu sau các chú Đăng và Tăng đều làng Trà Trì Hải Lăng
Thầy Thích Chánh Trực 1968 Tỉnh Giáo Hội QT
Ngày 31-3 (4-3-Đinh Dậu) tại Tổ đình Kim Tiên, phường Trường An, thành phố Huế đã trang nghiêm diễn ra lễ Húy nhật cố Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931 - 1995)
***
hình Chú Tăng (làng Trà Trì ) một buổi thăm nhà ngoại tôi tại Cửa Hậu P Đệ Tứ QT (1969)
Tôi hi vọng nhắc lại không quá lời, vì ngoại tôi nấu không ngon làm sao tôi nhớ đến bây giờ? Mấy báp chuối ( người Bắc gọi là hoa chuối), sau khi hấp xong, Mệ xé nhỏ ra trộn với rau răm rồi mệ nói thịt gà bóp. Củ bính tinh (hoành tinh) bánh tráng, không biết làm sao Ngoại cuốn lại chiên lên thành món ram chay ngon còn hơn ram mặn. Tôi còn nhớ mệ tôi cho ăn thịt gà bóp bằng mỳ căng, hay món phở chay, bánh bột lọc chay...ôi thôi đủ thứ ! tôi không còn nhớ hết? Chuyện đặc biệt , có món "cá chiên" của mệ làm, giờ tôi lại quên, không biết làm từ gì?
Làm sao các thầy quên được mệ tôi ? Sau khi chùa thu hoạch đậu nành, mệ tôi cũng làm ra mấy hũ tương ngon, đậm đà , để dành ăn suốt năm . Chỉ có rau muống bò nổi trên mặt nước trong hồ sen , mệ luộc chấm với tương này, ai cũng thích, không có gì hơn. Ăn chay thì kể chuyện tương, chao. Tôi còn nhớ hình ảnh mệ tôi làm chao sao lắm công phu ! Những lát khuôn đậu, mệ lót trên tro qua lớp vải quyến . Ngày sau, mệ tôi cẩn trọng xếp từg lớp vào thẩu. Những lớp muối tiêu, ngay cả rượu nữa...thêm bao thứ tôi còn nhớ lan man trong đầu. Nhưng thứ chao được tay ngoại tôi làm , khi mở thẩu ra thì thật đúng mùi chao ! Những lúc cúng kỵ tôi có dịp ăn thử . Thứ huơng vị đậm đà nhưng lại nồng, thứ nồng rất riêng của chao làm cho tôi khó quên . Sau này dù đi đâu, tôi lại chưa gặp thứ chao nào bằng ngoại tôi làm, thế mới lạ !
MỆ THỌ GIỚI SA DI TẠI CHÙA KIM TIÊN HUẾ
CHUYỆN 'CHÚ HỢI' NUÔI Ở CHÙA SẮC TỨ NĂM XƯA
CHÚ HỢI cái tên từ thầy Trụ Trì cho đến các chú và mệ ngoại tôi hay kêu chính là con heo đen trong chùa. Chùa nuôi con heo này để lấy nguồn phân bón. "Chú Hợi' xem như là kẻ gần gũi ngoại tôi nhất vào thời gian ngoại tu bên chùa. Chuồng chú được đặt gần bếp phía nhà trai bên phải chùa. Khi nào chuồng cũng có rơm rạ, phân bổi, ngoại tôi là người trực tiếp cho 'Chú' ăn.
Chú Hợi sống thọ đến nỗi nanh chú dài ra. Mỗi dịp qua thăm chùa, tôi để ý thấy nanh 'chú' dài ra một ít. 'Chú' chỉ nằm không còn đứng được. Coi bộ cái chuồng chật hẹp đối với 'Chú'. Có lần ngoại tôi khoe " chú được thầy cho quy y rồi" . Tuy nhỏ, nhưng lòng tôi cũng cảm thấy hân hoan giùm cho 'chú'.
Cát trắng sau chùa không có nguồn 'phân bón' của 'chú' xem như chẳng ra chi. Những vồng khoai tía, những cây vú sữa cũng nhờ phân chuồng từ đây . Những sào sắn thì đành chịu do không đủ phân đắp bồi cho sắn . Phân lót từ chuồng này, Thầy bảo chỉ ưu tiên cho khoai tía khoai từ và mấy cây ăn trái thôi . Cát trắng không đủ hoa màu, Chùa nhờ lòng hảo tâm của khách thập phuơng, nhất là các thuơng gia bên Chợ Tỉnh. Thuơng gia mễ cốc Nguyễn Xuyến là người thầy trụ trì (Thầy Thích Ân Cần) hay nhắc nhất.
Chú qua đời trước biến cố 1972. "Công quả" của 'Chú' ít nhiều chi cũng có với chùa. Bao nhiêu vồng khoai tía, khoai từ, mấy cây vú sữa và bóng ngoại tôi lom khom bên chuồng ...
Cho đến 1972 ly loạn, thầy, điệu, bà vãi mỗi người một phương. Ngoại tôi theo gia đình vào Đà Nẵng, Trại tạm cư Non Nước, phi trường hoang phế Non Nước lưu dấu bà con Quảng Trị non 2 năm thì gia đình ngoại và cậu tôi theo chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp vào vào Bình tuy (1974) cũng như hoàn cảnh bao nhiêu người dân Qt khác vậy.
Chùa hoang phế hư hại sau 1972 cho đến 1975 người viết khi còn tù cải tạo tại một trại gần Nại Cửu Phường. Nơi này cũng gần Thôn Xuân Khê tạm coi là gần vùng trung du, cách chùa khoảng năm cây số. Lần đó nhờ vào lúc trại phân công đi tìm dây thép kẽm gai còn sót tại căn cứ Mỹ cũ nên có ghé tạt vào thăm chùa. Thời gian này hai thầy Thích Chánh Trực và Thích Ân Cần cùng trụ trì tại đây với một số chú tiểu còn nhỏ tuổi. Hai thầy cùng với các chú tiểu tự túc canh tác sống qua ngày. Chánh điện trước chùa còn hư hao, người dân quanh làng chưa ai hồi cư đông đủ...
***
Từng thập niên liên tục đi vào quá khứ. Hình ảnh các thầy trụ trì Tổ Đình Sắc Tứ kể cả ngoại tôi, bà vãi giữ chùa đã dần khuất trong vùng quên lãng. Lạ thật, tôi cứ nhớ hoài những món chay của mệ ngoại mình. Có một điều tôi không thể bỏ qua, là tôi nhớ vàthương cho vết nhang "từng đốt" trên đầu Mệ, tôi vẫn không quên sức nóng nốt nhang đang cháy đó . Sự thử sức quá gay go, giá như tôi thì chẳng bao giờ "dám thử " ! Ngoại tôi thật dốc lòng tu mới quyết tâm chịu đựng như thế , sức nóng ghê gớm từ nốt cháy của đầu nhang kia ! trong khoảng khắc nhất tâm, quán tưởng đến Phật , niệm liên hồi , mồ hôi nhễ nhai , tội và thuơng cho Mệ quá!
Những ngày chạy loạn 1972, Mệ cũng như bao lưu dân QT khác phải lìa bỏ quê hương vào tận miền Nam. Mệ ra đi, nhưng lòng cứ đau đáu về Tổ Đình Sắc Tứ.
1996 cháu ngoại Đinh trọng Thịnh về QT có ghé Chùa thăm phần mộ mệ ngoại đã cải táng về lại chùa
thập niên trước 1972 , từ chùa Sắc Tứ nhìn ra đường QL 1 , chúng ta thấy chỉ là bãi cát hoang sơ
Mỗi lần nhìn lại hình ảnh bức tượng Quan Âm trước hồ sen của chùa, tôi lại nhớ những ngày hè qua thăm Mệ. Lảng vãng trong đầu tôi hình ảnh mấy con cá phi lượn lờ dưới lòng hồ hơi cạn nước. Mặt hồ lác đác mấy đóa sen trắng, những khóm tím hồng hoa sún. Dưới tượng Đức Quan Thế Âm , cái lư huơng lớn chỉ còn lại chân nhang. Khung cảnh chùa sao tiêu sơ, thanh tịnh quá !
Ngắm cảnh xong tôi đi qua bên phía phải chùa bên rặng trúc thưa gần cái giếng miệng vuông nho nhỏ. Hàng ngày, ngoại tôi lom khom rửa rau, rồi bóng người lẳng lặng vào lại phía căn nhà trai bên phải chùa. Trên kia vẫn là rặng Trường SƠn muôn thuở. Thỉnh thoảng sau từng đám dứa dại, có mấy con chim sơn ca lần lượt bay lên cao. Chúng vỗ cánh đứng yên trên lưng chừng, hót liên hồi rồi từ từ hạ xuống đất.
Kính nhớ Huơng Linh Ngoại
ĐHL 18/7/2014
BIỂN NHỚ
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt Chờ người về vui trong giá buốt Người về bơ vơ ...lính gác chiều mưa |
CÓ CẦM SÚNG CANH GÁC trong những cơn mưa rừng rơi mãi mới thấy thấm thía từng lời trong bài hát của người nhạc sĩ Nguyễn v Đông. Thật vậy, màn mưa biên giới vẫn một màu xám ngắt chẳng khác chi một bức màn màu xám che khuất biết bao nhiêu chốt của đại đội khác trên vùng núi Ông Do. Trong căn hầm ẩm thấp đợi thời gian qua - ngày lại ngày nó như vô nghĩa. Tiếng "sè sè" của chiếc máy truyền tin PRC 25 mà người trung đội trưởng như tôi chẳng bao giờ dám ra lệnh tắt. Lệnh nhà binh là vậy. Máy truyền tin là mạch sống của đơn vị, phải mở suốt ngày đêm. Những chiếc máy truyền tin như mãi đợi tiếng nói giữa người và người để biết rằng chúng tôi chẳng hề cô độc. Dù mưa rừng gào thét, nguồn liên lạc vẫn kết nối với nhau.
Trong cơn mưa rừng, có những chiếc poncho, người lính gác đang làm nhiệm vụ đang im lìm trong màn mưa. Trong những căn hầm chìm, ẩn trong làn mưa rạt rào qua bao rặng núi bao quanh, mấy giòng nước len qua vách đất, thi nhau chảy vào hầm. Sấm chớp giăng giăng, cả không gian như chìm lỉm, tối mịt trong của màn mưa nặng nề, hung hãn...
Mưa ngơi dần, nhưng tiếng tí tách của những giọt nước vẫn còn rơi rớt trên vành nón sắt. Người lính giữ chốt đang lắng nghe động tĩnh của rừng thiêng. Anh cố căng mắt nhìn xuyên qua màn mưa sâu thẳm. Sấm sét vọng vang, lan qua bao rặng núi. Nơi đây vẫn còn bao người trai lòng sâu lắng nhớ nhung trong màn mưa biên giới.
Mưa rừng, người lính chẳng còn cơ hội ngắm nhiều đám mây bềnh bồng trôi về miệt biển. Dưới xa kia là một khoảng đồng bằng. Quê hương lãng đãng hiện ra dưới những màn mưa lướt thướt trong gió rừng. Khoảng cách của nhớ thương ôm ấp bao kỷ niệm một thời học sinh nay xa dần trong vùng dĩ vãng.
***
Giã từ áo trắng học trò để chấp nhận những gì khi quê hương lên tiếng gọi. Tuổi đến trường đã đi xa mang theo bao ước mơ hoa gấm. Thực tại hôm nay là đời người lính trẻ với bao cảm giác nôn nao bỡ ngỡ, thời gian ba năm từ ngày về đơn vị mới. Rồi cảm giác hôm nay là chốn rừng thiêng, dãy Trường Sơn trùng điệp cùng bao màn mưa xối xả, mịt mù.
Đời lính của tôi có thật nhiều kỷ niệm với những ngày trên đỉnh cao hay ven bờ đại dương xanh ngắt khi tôi chọn trở về để giữ đất quê nhà. Ra đơn vị chỉ ngần ấy ba năm nhưng đôi lúc trong lòng lính chiến chợt phát sinh tình cảm yêu quê hương đất nước chân thành, mộc mạc. Có những lúc tôi ngồi ngắm sóng biển vỗ bờ hay lên đây có dịp đứng trên đỉnh cao vào lúc trời quang mây tạnh rồi có được những phút giây lắng lòng nhìn ngắm non sông. Năm 1974, chính xác hơn là hè 1974 khi TIỂU ĐOÀN 105 rời Ba Bến, chuyển quân về mạn biển hoán đổi cho Tiểu Đoàn 120. Mấy tháng đóng ở đây, khi lắng tai nghe sóng trùng dương dội vào bờ cát hoang vu cùng ngắm biển trời bao la, tôi cảm thấy tình cảm đối với quê hương dâng trào trong gió lộng. Sau hè, đơn vị chúng tôi lại hoán chuyển lên vùng núi Ông Do. Tôi hay đứng trên đỉnh cao, trông xuống một dòng sông nhỏ đang lượn lờ uốn khúc. Chính lúc này, tôi mới nhận chân ra quê hương sao đẹp quá, hồn thiêng sông núi ngàn đời mãi xanh.
KHÔNG ẢNH QT CHỤP TỪ CAO ĐỘ TẠI VÙNG NÚI NHÌN VỀ MẠN BIỂN
Xuân 1975 sắp tới rồi, chỉ hai ba hôm nữa thôi. Một buổi trưa im vắng, tôi lại đứng trên đồi cao. Quanh tôi toàn là những đám rừng tranh bạt ngàn. Xuân đơn vị không một sắc hoa đó là điều chắc chắn. Màu xanh của lá màu áo ô liu thay hoa màu tết. Quà tết hậu phương, bánh chưng , bánh ú của đồng bào từ Diên Sanh, hậu cứ Tiểu Khu đã gửi lên hai hôm rồi.
Ngót nghét năm mươi mùa xuân qua nhanh như gió thoảng, nhưng lòng tôi vẫn nhớ mãi mùa xuân của một chín bảy lăm. Từ mùa xuân đó, tôi vĩnh viễn chẳng còn cơ hội nào đứng lại trên đỉnh núi quê nhà để chiêm ngưỡng cảnh đẹp non sông và rừng thiêng hùng vĩ. Dù rằng những mùa xuân biên giới hay "mùa xuân lá khô" đã thật sự trôi nhanh về miền dĩ vãng; nhưng đoá hoa QUÊ HƯƠNG vẫn thắm mãi trong lòng người bao người con xa xứ. Cứ độ tết đến xuân về nơi chân trời góc bể, vẫn còn nhiều người lính già xa quê còn ngồi vọng tưởng đến một thời cống hiến, bên chiến hào xưa cùng dâng lên nỗi hoang lạnh tâm hồn./.
ĐHL edit 19.9.2023
========================================
No comments:
Post a Comment