Thursday, September 21, 2023

HẠ TRẮNG



      Đông về  mang màu lá úa sẵn sàng rụng theo làn gió nhẹ. Ta ngồi buồn nhớ về mùa hạ nắng hồng, làn hơi ấm của gió của mây trôi thênh thang trong một vũ trụ nồng nàn HẠ ẤM



    
Hạ xưa... bao buổi chiều vàng rong chơi dưới trời quê huơng, một thời trẻ dại. Những con diều căng gió vụt bay  trong thế giới riêng tư của tuổi thơ hồn nhiên, thoải mái khi ngọn gió chiều đang nhẹ lướt qua cánh đồng thân yêu còn trơ gốc rạ. Ta hay một mình lang thang  trên đường quê, những chùm hoa dại bên đường, chẳng phô sắc huơng nhưng lắm thân tình. Đường quê nuôi thêm tuổi lớn. Hạ về mây trắng bay, những khoảng trời xanh ươm mộng mơ cho những chuyến viễn hành một thuở HẠ XƯA.


sông Thạch Hãn bên kia là Nhan Biều
  
Những mùa hạ tiếp tục qua mau. Quê nghèo vẫn ấp yêu ta qua bao chắt chiu,  khô khan trong nắng lửa Nam Lào thổi qua từ con truông Lao BảoCon sông quê đôi bờ vổ sóng, đem nước nguồn xanh vun bồi thêm sức lớn để những lớp người tiếp tục ra đi.  Trời quê huơng quạnh hiu khi Hạ trắng gọi sầu;  mùa hạ biết buồn và nhớ tương tư ! đường tan trường, những tà áo trắng tung bay. Dễ thuơng thay cho lứa tuổi biết yêu , cho bao đứa học trò ngày đó - bao luyến lưu những lúc chia tay ... HẠ VỀ!



  Rồi bao tà áo trắng thật sự ra đi, dứt lìa quê cũ! Hạ nối hạ vùn vụt qua mau,  để những khi trống vắng chợt chạnh lòng nhớ nhau trong nỗi niềm   HẠ  VẮNG.




SẦU ĐÔNG NĂM CŨ

Có môt loài cây tôi chưa bao giờ thấy được tại xứ người đó là cây sầu đông. Hôm nay chợt thấy lại hình ảnh những lùm hoa này trên mạng Internet làm tôi nhớ về những cây sầu đông năm cũ.


Hình ảnh cây sầu đông chẳng lạ gì trong một thời bé bỏng cho đến lúc lớn lên độ tuổi thanh niên và bước đầu xa rời Quảng Trị. Ngày đó, tôi đã có những lúc gần gũi với loài cây này cho đến lúc cùng nhau giã biệt xóm xưa, thành cũ; tất cả đều ra đi cho đến bây giờ.

Tôi muốn viết hay giản dị hơn là nhắc lại đến cây sầu đông năm cũ.  Đó là lúc bầu trời thành phố Quảng Trị không còn u ám, nặng chình chịch hơi nước, những ngày cuối đông. Tháng Giêng vội vã 'bỏ đi'.  Thế rồi những cánh mai vàng thực sự rụng hết. Thời gian này là lúc những khóm lá xanh lục của cây sầu đông bắt đầu thi nhau che khuất những cành cây khẳng khiu trong mấy tháng "sầu đông".

Không đợi lâu, nhiều chùm hoa màu tím, trắng nhàn nhạt thi nhau mọc chen với màu xanh của lá. Một 'tổng hợp' hoa và lá, vươn mạnh dưới khoảng trời nồng nàn nắng ấm.

Huơng sầu đông nhẹ nhàng, thoảng thoảng. Điều lạ, nếu ta lắng tâm, tập trung tất cả khứu giác để phân biệt, ngửi cho kỹ, thì đó là một thứ huơng ngào ngạt, lan xa khắp cả một khoảng trời đầu hạ. 

Đối với tôi, đó là mùi thơm dân dã, không quá nồng nàn như những loài hoa quý. Mùi huơng thân quen, lại hào sảng'' quyện lấy tất cả những người đang núp nắng dưới tàng cây của nó. Ý nghĩ này đến với tôi lúc nắng lên cao, núp dưới bóng cây, tôi tận huởng huơng thơm 'không mất tiền mua'. Chìm - sâu đậm... tôi khó diễn tả do không thể dùng một tiếng 'thơm' trơ trọi, đơn điệu không thôi.


Tôi chẳng để tâm đến những 'nàng hoa ' được trồng công phu trong mấy cái vườn nhà ai đó trong xóm. Những chậu quỳnh, thuợc dược, những khóm hoa huờng, mẫu đơn hay mấy giàn tigon ...đó là công lao, thú vui của người lớn- nói đúng ra là của các cụ già râu tóc bạc phơ đang an nhàn huởng thú điền viên.

THOANG THOẢNG HƯƠNG XƯA


Tôi thích hoa và hương sầu đông do cây sầu đông từng sống tự do dưới một trời màu xanh lồng lộng pha lẫn chút nào hoang dại. Những lùm hoa sầu đông trên cao cho tôi tha hồ hít thở thỏa thích. Kỷ niệm không quên từ một kết hợp rất bình dị nhưng sâu lắng giữa hương thơm và sắc tím trắng. Tất cả đều vươn tỏa dưới bầu trời ngập nắng, hòa điệu với lớp tuổi hồn nhiên.

Làn gió tiễn xuân xôn xao, lồng lộng trong bầu trời trong xanh. Quảng Trị bước vào mùa hạ. Gắng ít ngày học nữa, tôi sắp sửa được vui thú ngày hè để đuổi chim, đá rế, bắt chuồn chuồn ... Tội nghiệp mấy con chuồn chuồn 'vô tội' sẽ bị tôi ngứt đuôi, thế vào đó những đọt lá tre non chưa nở nhọn như que tăm. Một thuở vô tư, chưa hề biết thế nào là 'trầm tư mặc cảm'?

Nhưng hiện tại lúc đó chỉ mới cuối xuân, mùa của bao lùm bông tim tím bắt đầu hé lộ. Chúng tôi tụm năm, tụm ba chơi bi, dưới bóng mát của hàng sầu đông trong xóm. Những tàng cây vươn dài, lần lượt thi nhau tỏa huơng hai bên con kiệt.

Mấy đứa bạn và tôi tiếp tục lớn lên từ cái xóm thân yêu đó. Những tàng sầu đông cao nhanh, theo lớp tuổi chúng tôi. Con đường kia bỗng sao 'khang khác'? Chúng tôi hết là con nít, biết để ý, biết nhớ vẩn vơ bao tà áo trắng tan trường hay những câu bỗng ngập ngừng với ngưòi khác phái? Đó là thời gian tôi hay ngồi dưới bóng sầu đông, chờ 'người năm cũ' đi qua khi  sáng đi học hay chiều tan trường về, thay vì hít thở làn huơng như những năm tuổi dại.


RỒI CHIẾN TRANH ẬP ĐẾN!

Người Quảng Trị phải đi, tất cả phải lìa xa mọi thứ... Bao mơ mộng, hoài bão đều bỏ lại phía sau. Chìm trong phương trời quên lãng đó, trong tâm tưởng tôi ẩn hiện mấy hàng cây sầu đông xóm vắng năm nào.

Kỷ niệm nào qua đi, phất phơ, nhàn nhạt như hương và hoa sầu đông. Chút HƯƠNG XƯA tận đâu trong tiềm thức- môt khoảng trời, một loài hương có khi thoáng dậy trong góc nhớ cuộc đời.

================== 

TIM TÍM MỒNG TƠI


Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn...


(Người Hàng Xóm-  Nguyễn Bính)



    Bài thơ ngày xưa của Thi Sĩ Nguyễn Bính đâu phải chỉ lời thơ chất phát chân thật như ta tưởng; thơ mới khởi đầu vẫn mang nhiều nét lãng mạn, trữ tình cùng mơ mộng biết bao! 

 Nhưng không chỉ thơ mới đi cùng với nhiều thi sĩ nổi tiếng đương đại mới lãng mạn diễm tình, bàng bạc trong  ca dao chúng ta cũng khám phá ra nhiều tình cảm ướt át, lãng mạn có kém gì thời này đâu:


Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang...

hay

Làm giàn cho bí leo chơi

Chẳng may bí đẹt mồng tơi leo nhờ (ca dao)..


Ngày xưa là ngày xưa nào? Ôi! ca dao nước ta sao 'lãng mạn' đến thế? Những ví von hư cấu của cái cầu mồng tơi cho đến "dải yếm" của nàng chỉ là "ám ngữ" cho một tình yêu trai gái đã đạt đến phút thuận lòng để nàng sẵn sàng 'cho đi' tất cả...lối ví von tuy ngụy ngữ đến thế mà "dễ thương" chi lạ?


*

                                                                                                            

    Đó là chuyện ca dao và thơ, tuy nhiên trong đời thực tôi đã chứng nhân cho cái “nghĩa đen” của câu ca dao đó. Có nghĩa là vườn sau của nhà tôi mùa cái giàn bầu không ra gì nhưng hiện nay mấy hạt mồng tơi từ VN gửi qua đã leo nhờ và bà xã tôi đã nấu được hai ba bữa canh rồi.

 Khóm mồng tơi leo nhờ như tôi vừa nói hiện nay đang đơm trái. Những chùm trái xanh xanh vài ba bữa nữa chúng sẽ xẩm màu. Cái màu xanh đậm đó sẽ chuyển thành màu đen. Dĩ nhiên, tôi chẵng còn thiết tha hay quan tâm gì về màu đen của mồng tơi hôm nay tại xứ người ta. 

Nhưng khác với hôm nay, chính màu đen mồng tơi hơn nửa thế kỷ trước, tôi từng thơ thẩn đi quanh vườn hàng xóm, gom góp về nhà làm... MỰC.

Vâng, ngày đó chúng ta hay gọi là: MỰC MỒNG TƠI



cây mồng tơi bà xã tôi trồng vườn nhà 849 Toyon Avenue San Jose cuối năm 2021

    Hạt mồng tơi khi chín cũng tạm làm mực tím viết chơi. Những chỉ viết tạm thôi chứ không thể nào thay mực viên hoàn toàn được. Thế mà người viết còn nhớ có lúc có dùng rồi. Những chùm hạt mồng tơi khi chín đen nhánh, ép nước tím nó ra chấm rồi viết trên trang giấy vở học trò nhàn nhạt, không ra thể thống gì? Thương hạt mồng tơi ra sao nhưng phải kể rằng có những người bạn thuở nhỏ cũng như tôi đã có lần 'viết mực mồng tơi'. Làm sao mà quên bờ dậu nghiêng nghiêng cho cây mồng tơi vắt vẻo, lá xanh đến mát mắt cùng những hạt đến hồi chín muồi đen nhánh. Ai từng 'phát minh' ra loại mực này? có thể đó là những lúc cạn mực, hay bình mực đổ rồi không còn một giọt? cũng có thể là một cái thú khám phá hay tò mò của tuổi nhỏ học trò. Có con chim sâu nghiêng đầu trên cành dậu mồng tơi lắc lẻo, chúng vội bay đi khi tôi thơ thẩn tìm cho đủ số hột mồng tơi chín đậm đen nhánh để vào nhà 'chế tạo' ra mực. Một ước mơ nho nhỏ của tuổi ấu thơ đó là 'làm mực', khỏi phải chạy ra cái quán đầu xóm để mua? Trước sau gì cũng thất bại, do mực là mực và mồng tơi là mồng tơi một sự thật đã phá đi bao thứ tưởng tượng trong trí óc thơ ngây.


          lứa tuổi của "mực mồng tơi"


Dù sao chăng nữa, "mực mồng tơi" tim tím, nhàn nhạt một thời góp công giúp cho tôi tập vài nét nguệch ngoạc trên giấy học trò...tiếc rằng nó không thể tồn tại lâu dài để trở thành một kỷ niệm nào đó cho mai sau. 


Thật vậy, mực mồng tơi làm sao so sánh những thứ mực thật và ngay cả những thứ mực cao cấp sau này nằm trong cái bút bi mà thời đó hay gọi là "bút nguyên tử"? Lớp tuổi lớn khôn đi kèm với bút giấy đắt tiền và những câu thơ lời văn lãng mạn đa tình nào đó. Khoảng thời gian này nó đã xa rời một thời với "mực mồng tơi" cho những ai hay thương về kỷ niệm ấu thơ mới còn chút gì nhớ đến nó và viết cho thứ mực này một vài câu an ủi. 


Biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ từng viết về kỷ niệm ngày xưa thơ mộng của tình yêu đôi lứa, những trang tình sử lãng mạn, sầu thương nào đó. Những áng văn chương hay những trang thơ tình ướt át tràn đầy trên nhiều trang giấy...




Và thời gian qua mau, quê hương tiếp tục tô bồi thêm tuổi lớn. Những trang giấy pellure màu xanh mơ mộng, màu hồng tình yêu, dần dà thay thế những trang giấy vở học trò. Nhiều loại mực và viết đắt tiền sẽ dần hồi là phương tiện cho lứa tuổi biết yêu đã xa dần tuổi nhỏ. 


Có khi nào bạn và tôi, thoáng một giây phút nào đó cùng nhớ về ngày xưa bé bỏng với hình ảnh bình MỰC MỒNG TƠI? Hình ảnh đó thực sự đã trôi xa về miền dĩ vãng ./.


tổng hợp ĐHL  21.9.2023

No comments:

Post a Comment