Sunday, September 10, 2023

chuyện H.O--ĐỂ MẠ GÁNH CHO & NỖI BUỒN QUA TRẠM

 



ĐỂ MẠ GÁNH CHO



Kính nhớ công ơn và hương hồn Mạ Tôi

ĐHL




GIẤY PHÉP ĐI THĂM TÙ CỦA CA HÀM TÂN /   Tỉnh THUẬN HẢI


    Trại  4 Ái Tử  có Căn nhà THĂM NUÔI vách bằng phên đất, liền vách với cái TRẠM XÁ tức là nơi chữa bệnh cho tù. Hai cái nhà tranh này nằm ngoài Trại cách nhau cái hàng kẽm gai sơ sài thôi và chẳng kỹ càng gì cho lắm. Con đường mòn dẫn vào Nhà Cán Bộ phía bên này là Trại 4. Trại nằm sát con suối ngó qua bên kia là thôn Xuân Khê sau này có cái cầu bằng sắt ri bắc qua thôn đó.


                                          hình: Lá thư nhận trong tù 


   Mạ tôi và thằng em trai tên Trực, nó là đứa em út sinh năm 1967. Cuối năm 1975 mới tám tuổi đã ra đây thăm tôi được lần đầu tiên. Cả hai được ở lại cái nhà thân nhân này. Căn nhà nằm sát mé triền đất gần mấy trãng đồi đất pha sỏi cằn cồi. Phía sau lưng trãng đồi đó là Nại Cửu Phường một nhánh của Làng Nại Cửu lên đây khai phá không biết mấy đời rồi? Có dịp đi củi tôi mới biết có nhà Ô Ổn và một người dì tên HỒng còn ở đó. Có lần đi củi tôi tạt vào thăm nhà Ô Ổn. Ông Võ Ổn trước 1972 là thợ thổi kèn cho các đám tang. Tôi còn nhớ ngày ông gặp nạn là lúc ông đạp xe đạp đi kỵ  bên nhà Ngoại tôi về. Nhưng lần cuối cùng này ông gặp rủi. Chiếc xe đạp của ông  ngang Nhan Biều bị xe quân xa Mỹ đụng.  Tuy không chết nhưng tội cho Ông bị mất trí nhớ từ đó. Dì Hồng tôi, có thời qua làm cho mạ và dì tôi lúc đang bán hàng tại cái tiệm thuê lại của bà Lê thị Trọng sát Lido Ảnh Quán. Đó là thời gian sau 1968 và trước khi chạy loạn 1972. 


BẢN ĐỒ BỘ TỔNG THAM MƯU VNCH 

TRẠI 4 KHOẢNG TRONG VỊ TRÍ HÌNH LỤC GIÁC CỦA BẢN ĐỒ TRÊN. NẠI CỬU PHƯỜNG CŨNG KẾ GẦN  PHẠM VI HÌNH LỤC GIÁC ĐÓ


   Tôi từ trại 4 nhờ đi củi cho Trại nên có cơ hội ghé vào làng Nại Cửu Phường này.  Tôi gặp Dì Hồng vừa đi củi về, gánh củi sim những cành nhỏ leo teo, bó thật to gọi là củi chồm chồm nhưng nhẹ hều, cháy mau. Hai dì cháu nói chuyện một ít thôi, dỉ nhiên dì là du kích trong thôn và tôi là đứa tù binh thì làm gì nấn ná cho lâu?

 

ngoài tăng gia sản xuất trại 4 còn cắt tranh về bán cho ngoài và còn đi làm muối ở Cửa Việt khoảng năm 1976

   Biết mình là tù nên không thể cấn ná lâu, liên hệ đến bà con nên tôi vội vã chào Dì Hồng ra về. Về thì không phải là về hẳn. Tôi ra lại vạt đồi lấy triêng củi dấu trong bụi rồi gánh về Trại. Trên con đường mòn, ẩn mình sau mấy vạt tranh, tôi vừa gánh củi về nhưng đầu óc vẫn lởn vởn hình ảnh Ông Ổn ngồi im lìm trên chiếc giường tre, mù lòa lú lẫn. Rồi một bà dì này là du kích trong thôn...


*


   Miên man, tôi phải trở lại chuyện mạ và em trai út ra thăm tôi. Chuyến ra thăm đầu tiên này như đã kể trong những câu chuyện trước là nhờ đi lấy kẽm gai và ri sắt ngoài căn cứ Ái Tử trước chùa Sắc Tứ nên có người gặp bạn tù cùng lán (nhà tù ) là Lê Cảnh Thu người Bích La nói có tôi ở cùng trại và họ làm cách sao đó làm cho gia đình tôi trong Bình Tuy biết được. Theo lời em trai Đinh trọng Thịnh thì mạ tôi tức tốc ra QT nhưng không có giấy ĐI LẠI nên Trại 4 không cho gặp. Tội nghiệp chuyện đau lòng này tôi không hề biết? Mạ tôi về lại Bình Tuy tốn tiền tốn bạc lại vay mượn tiền đi ra chuyến này mới gặp tôi. Có thể thời gian này là cuối 1975 rồi.


   Trở lại chuyện Mạ và em tôi ra thăm tôi ngày đó. Hai người được  ở lại tại nhà Thăm Nuôi như đã tả trên. Mạ tôi và thằng Trực, em út, là hai người đi thăm tù ngày đó mà thôi. Hai mạ con do ban ngày thì không gặp con nên được  trại cho vô ngay tại lán gồm tất cả hai chục anh em của 4 tổ  tù trùng vào  giờ sinh hoạt ban đêm. 


 Tôi nhớ rõ là Nguyễn Danh Huấn (Gio Mỵ , Gio Linh) làm Lán trưởng. Trần đình Côn cũng người Gio Linh làm tổ trưởng. Non hai năm sau thì Côn và Huấn lần lượt ra trại trước tôi vì có thân nhân CM. Hai người này về địa chỉ Động Đền Hàm Tân kể cả Sơn Mỹ các em tôi đều biết. Một đêm mạ và em tôi trong giờ sinh hoạt nói trên vào thăm trong lán. Một đêm rất lạ do một không khí ấm cúng, mang hơi hám gia đình trong ánh đèn dầu của một lán tù trong giờ “phê bình kiểm điểm” công tác hàng đêm. Một người mẹ và một đứa con nít có mặt trong buổi sinh hoạt này. Ai nấy đều cảm động, thâ ái ra mặt. Từ người cán bộ coi tù, các tổ trưởng, lán trưởng và trại viên như chúng tôi đều cảm động vui vẻ. Thứ tình cảm gia đình đến rất đột ngột, không mong mà có như từ ‘trên trời’ hiện xuống giữa một trại tù.  


   Mạ và em tôi đem củ KHOAI to nhất  của xứ Động Đền (xã Tân Mỹ lúc đó) ra khoe. Có thể trong nhà muốn nói về đất đai và lao động trong Bình Tuy với anh em trong lán.  Tôi còn nhớ trong đêm đó ông Cán Bộ QUản Giáo người Nghệ An thì phải..ai cũng tủm tỉm cười nhất là đứa em tôi khoe củ Khoai To.  Sau đó mạ và em tôi phải ra lại ngoài Trại tức là ở lại Nhà thăm Nuôi (vãng lai) đó một đêm để ngày mai vô lại trong nam ...Quà ra thăm tôi gồm khoai luộc, đường cục, thịt kho bỏ trong gô do mạ tôi có ghé Tây Lộc ở lại và kho đồ ăn và cơm vắt cho tôi cùng vài thứ khác như thuốc rê này nọ...tất cả mọi thứ tôi đều quý như vàng!


    Sáng lại tôi đinh ninh là không còn gặp được mạ và em tôi để từ  giã. Nhưng một DỊP MAY lại tới:


   Trại 4 vào sáng đó bất ngờ  có công tác đem bán hơn một trăm gánh tranh cho Hợp Tác Xã Triệu Long phía ngoài đường 1 hướng Chùa Ái Tử ngó ra. Tức là gần Chợ Hôm và sông Thạch Hãn. Lán 2 của tôi tức lán hồi hôm mạ tôi được vào thăm cũng gánh tranh ra Triệu Long. Cả đoàn tranh lũ lượt gánh ra gặp lúc mạ và em tôi cũng trên đường ra ngoài đó. Quả là một dịp may. Thật vậy hai mẹ con không có gì mừng hơn. Mạ và em tôi bươn bả đi nhanh theo đoàn người. Cả trăm gánh tranh nhấp nhô lên xuống theo con đường đất đỏ của căn cứ Mỹ trước đây, lúp xúp chạy theo là mạ và em tôi cố gắng chạy theo ở giữa đoàn tù đang gánh tranh ra hướng Quốc Lộ.


   Tôi thì quen rồi gánh vác nhiều tháng rồi. Được dịp may gánh tranh ra hướng Quốc Lộ rồi có thời giờ đi với mạ và em mình một đoạn đường như vậy thì không gì mừng hơn. Thật ra mạ tôi một tay dắt con trai út, vừa đi nhanh cố bám theo tôi nhưng tôi lại thấy trên mặt mạ mình sao quá nhiều ĐAU XÓT. 


Tôi hiểu lắm, do từ ngày giã từ thời học sinh cho đến lúc vào lính ra trường ‘lon lá’ đàng hoàng oai phong, tề chỉnh; rồi đây là lần đầu tiên mạ tôi  thấy  đứa con trong bộ đồ tù rách rưới, gầy gò và gánh hai bó tranh to chạy lúp xúp như thế này đâu? Tôi lại nghĩ có thể mạ tôi đang lo cho tôi đang đau vai và mệt lắm chăng? Mạ tôi đâu có biết rằng tôi đã quen rồi với những ngày lao động. Cả cây gỗ nặng, lội trong rừng, ra đến rừng bụng đói còn vác được mười mấy cây số, về trại. Huống gì giờ đây là gánh tranh khô khốc, và được gần bên mẹ và em mình thì chẳng có gì là khổ cả.


   Đoàn tù gánh tranh đang qua chiếc cầu vượn bắc qua con suối, đoạn này đã đến thôn Ái Tử.


   Chợt mạ tôi lên tiếng:


            -ĐỂ MẠ  GÁNH  CHO  CON ?


           -Thôi mạ,  con không mệt, ăn thua chi mô, con quen rồi mạ đừng lo.


    Nét mặt mạ tôi lúc đó vẫn không hết âu lo, áy náy. Phần tôi lo gánh theo đoàn không có cơ hội dừng lại nói cho mạ tôi hiểu rằng vai tôi gánh gồng đả quen cho mạ tôi bớt buồn. Cán bộ dẫn tù cho mạ và em tôi đi bám theo đoàn tù như hôm đó dù sao họ quá dễ dàng lắm rồi.  Có thể  không ai nỡ lòng đành đoạn cản ngăn chuyện này. Mạ và em tôi cũng là hình ảnh gia đình của họ ngoài kia. Và đã là người chiến thắng rồi thì họ chẳng cần làm chuyện khó dễ làm chi?


   Mấy cây số ba mẹ con gần nhau, trên đoạn đường quê hương của một miền rú càn gần chùa Sắc Tử. Ngoài chùa Sắc Tử còn có mộ phần của những người thân, một ngôi chùa thân quen với bà ngoại tôi từng là bà Vãi và tôi với những kỷ niệm ra chùa thăm. Sau lưng tôi là Nại Cửu Phường cũng là bà con làng ngoại lên đó lập nghiệp. Những con đường quê hương đầy mùa sim chín đầu tiên của tháng tám năm 1975 là năm đầu tiên xây trại tù Ái Tử…từ lúc ở Ba Lòng chuyển tù về đây.


   Cho đến hôm đó một lần mạ tôi ra thăm đứa con trai. Cũng là lần đầu mạ tôi thấy tôi lam lũ, mồ hôi ướt đẫm bên gánh tranh vẫy nhịp chạy với cả đoàn tù đi bán tranh dài lê thê như thế. 


   Trong niềm sung sướng vô bờ khi biết tin con trai còn sống, còn ở tù ở đây và cũng kèm theo những quặn thắt đau trong lòng mạ tôi khi nhìn hình ảnh   thảm não của tôi hôm đó?


   Đoàn tranh đã ra đến Quốc Lộ 1. Mạ và em tôi phải đứng lại bên Lộ chờ xe hướng Đông Hà vô…

Tôi không được phép dừng lại tiễn mạ và em tôi vô nam, chẳng được thì giờ dừng lại nhắn nhe điều gì cả? Tôi phải chạy theo cho kịp đoàn người đang qua Lộ. Bên tê đường  vào sâu trong đó, Trại sẽ bán tranh cho Hợp Tác Xã Triệu Long. 


   Tôi cố gắng ngoái lại vài ba lần,  như cố ghi lấy hình ảnh mạ và em tôi đang chơ vơ đứng đợi xe bên Lộ Một...


 Hình bóng hai người thân yêu nhỏ dần và khuất hẳn sau những bụi dứa dại... Tôi tiếp tục bám theo đoàn tù mà lòng buồn da diết.  Vừa gánh tranh chạy, tôi vừa nguyện cầu mong sao cho mạ và em tôi mau đón được chuyến xe nào vô nam bình an vô sự ./.



---------------------------- 


NỖI BUỒN QUA TRẠM



cảm tạ những người vợ tù cải tạo

Hai hàng cây so đũa
Lặng đứng nhìn xe qua
Lên thăm anh lần cuối
Hàng cây cũng nhạt nhòa
Lên thăm anh lần cuối 

trong lòng em khóc thầm... (Nguyên Huy-Trọng Minh)

 

TRẠM LÁN GÒN  HAY LÁN  CÓN?

Xe vừa rời thị trấn La Gi, đổ dốc Tân An, qua cái cầu Suối Đó là đến trạm kiểm soát Lán Gòn. Cái trạm còn có cái tên khác là 'quản lý thị trường'. 

   Bóng mấy người đeo băng đỏ nét mặt lúc nào cũng lầm lì. Những cặp mắt "sắc như dao", lạnh lẽo vô hồn. Mấy người đó từng là "ác mộng" đối với dân buôn chuyến và nhất là T. nàng mới làm quen vài chuyến buôn lên về "Thành Phố" (Sài Gòn) 


xe than thời bao cấp

  Tiếng cằn nhằn của ông già ngồi băng ghế trước; ông muốn vào VÕ Xu cho kịp đám kỵ. Tiếng than thở của bà già ngồi gần ông; bà cũng gấp vào Biên Hòa vì con trai của bà bị tai nạn xe máy. Mấy ông "kẹ" vẫn tỉnh bơ xét hàng. Thằng 'lơ xe'  lay hoay chạy vô, ra trạm, tay hắn không quên cầm theo bao thuốc JET mới "keng" chưa bóc tem. Bác tài xế đứng nói gì nho nhỏ với người trưởng trạm Lán Gòn. 

   -Bao gì đây?
   -Dạ ...dạ, khoai đó eng (anh), không có chi mô! tui vô thăm con tui trong Biên Hòa "xéc" (mang ) theo chút hàng (quà)

   Người đàn bà dáng  từ trên xã Sơn Mỹ về, vội vả trả lời người quản lý, ôm ốm nước da tai tái, mặt "lạnh như tiền".

Hắn  không lấy tay mà dùng cái que nhọn một đầu để săm soi tìm "chiến lợi phẩm". Mục tiêu của trạm này là tóm cho được số mực khô, thứ hàng phải bắt vào dạng 'ưu tiên một'.  Mùa này, Thành Phố (Sài gòn) đang cần mực khôNgười ta đồn rằng mực khô lúc này là mặt hàng "xuất khẩu". Thời gian đó, những cái gì có giá trị cao đều được liệt vào "hàng xuất khẩu".  Ác hại thay! do thứ hàng nhiều tiền, nó trở thành cái cớ để trạm Lán Gòn tịch thu sạch không chút  nương tay?

 Trạm Lán Gòn một thời nổi tiếng vơ vét thẳng tay!  Biết bao nhiêu người đi buôn mất vốn? Người dân ngẩn ngơ không biết cái gì là "quốc cấm"? Cái gì là đúng 'chính sách chế độ'... Vài xắc gạo từ Đức Linh về, vài bao khoai khô từ Sơn Mỹ đem đi, vài chục ký đậu xanh đậu phụng...mọi thứ đều có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào nếu trạm này muốn.  Đó là lý do người ta đặt tên cho trạm cái biệt danh "Láng Cón" thay vì đúng tên Láng Gòn...

  Tim T. đập thình thịch. Cái que của người xét hàng  sắp xoi đến cái bao cát đựng đậu phụng hột đặt sát với cái bao đựng khoai  của người đàn bà từ xã Sơn Mỹ về kia. Thoáng nghĩ nhanh trong đầu, mười lăm ký đậu phụng hột loại 1 nếu bị mất đi thì khá nặng cho cái vốn cỏn con của nàng. T. vừa tập buôn vài lần thôi.  Gã cán bộ Quản Lý Thị Trường có cặp mắt tinh đời, chỉ thoáng nhìn nét mặt của hành khách hắn đoán được có phải người đi buôn hay không? Cũng may, T. mới vào nghề nên y chưa quen mặt. Những con buôn chuyên nghiệp khác , đi nhiều lần thì gã "quen mặt". "Nghề nuôi nghề"  Nghĩa là sao? tha vài chuyến cho con buôn kiếm chút lời xong bắt một chuyến, và cái vòng này cứ lẩn quẩn nuôi "mập thây" cái trạm quản lý 'hắc ám' nhất vùng này.


   
Những lúc này, con buôn "bắt bồ" với lơ xe , lơ xe. "Bắt bồ" với trạm- thế là đôi lúc "linh động " , cái que xoi kia lãng đi chỗ khác. Hay "chuyên nghiệp " hơn, lơ xe sẽ dấu giùm cho. Nàng còn  nghe phong phanh có người "bắt bồ đúng nghĩa" với lơ xe để bảo vệ hàng "quốc cấm" cho họ nữa? Thực ra nàng không muốn phải "lẳng lơ , ỏng ẹo" với mấy lơ xe để bảo vệ cái vốn đi buôn nghèo nào eo hẹp này. Những người vì thời cuộc đang dần dà trở thành "người đi buôn" , một "giai cấp" đang bị kỳ thị trong cái thời quản lý thị trường hay "ngăn sông cấm chợ". Sự "giằng co cọ xát, đấu trí, thông đồng, hay thoả hiệp" ngày cũng như đêm, trên mọi ngõ ngách,  mọi con đường quê huơng, giữa những người đi kiếm sống, nuôi đàn con, cha mẹ già, tiếp tế cho những thân nhân đang bị chế độ 'chiến thắng' giam cầm và những người chuyên đi tước đoạt vốn liếng hay miếng ăn của họ.

một thời xã hội thiếu thốn hàng hóa đến cùng cực nên người ta ví von "thủ kho to hơn thủ trưởng"



   T. chưa "bắt bồ" với lơ xe nào, nàng còn thả liều vào may rủi.  Nàng chỉ biết khấn trời, phật trong lòng phù hộ cho nàng thoát nạn. Sáng nay, T. gặp may do có một o từ Sơn Mỹ đi cùng xe là người chủ bao khoai kia, không hẹp hòi chi, ưng thuận cho T. bỏ "ké"(giúp) bao đậu phụng chung với bà dưới cái băng ghế dài:

       - Có chi o nói giúp cho con nghe o? con sắp đi thăm nuôi 'dôn'(chồng) con ngoài Trại Sông Mao o nờ!. 

  O đó dáng tuổi dì hay mẹ của T.  O không hẹp hòi chi. Nghe chồng nàng đang ở tù ngoài Trại Sông Mao, o cũng cảm động. Người làng của O cũng có mấy đứa cháu đi sĩ quan trong này còn đang 'cải tạo' ngoài đó chưa về. 

   T. tiếp tục tính toán trong đầu...nếu sáng đó nàng bị mất bao đậu phụng, thì vốn và lời từ  hai bó mực nàng đang cột sát vào hai đùi nàng sẽ bù vốn. Nàng sẽ huề vốn. Nhưng! cái ngày thăm nuôi định kỳ cho chồng ngoài trại SÔng Mao sẽ không có chi cả? Hoặc giả, nếu nàng dùng số tiền còn lại này mua hàng cho chồng thì khi về lại sẽ không còn vốn nữa!

  Mắt nàng giờ liếc nhanh về người quản lý thị trường, cái que xoi vây vẫy, chợt đảo nhanh qua băng ghế đối diện...
    
     -Bao  gì đây?
      -Dạ... dạ...


   Một cái bao lác đan bằng lá buông, trên để một mớ khoai luộc, lại "làm quà cho bà con " nhưng dưới là lớp mực mới phơi xong, đang tìm đường về ...Thành Phố.

  Cái bao lác kia bị lôi xuống, đem ngay vào trạm. Người chủ bao kia không còn giấu được lật đật chạy theo vừa chỉ trỏ khóc lóc, van xin...

  T. giờ mới dám thở mạnh. Nàng chợt thấy khỏe trong người sau những phút quá sức hồi hộp khiến tim nàng như muốn ngừng đập. Mắt T. chợt nhìn vào mặt người đàn bà kia, một ánh nhìn trìu mến, biết ơn.


  
Chiếc xe rồ máy chạy đi, bỏ người chủ bao mực khô kia lại với cái trạm. Hành khách tiếp tục bàn tán, nói chuyện, oán trách chửi khéo, than thở... ôi! đủ thứ chuyện.

  Bác tài xế và thằng lơ càu nhàu, than thở do chưa thu tiền xe người đàn bà thiếu may mắn vừa rồi. Thằng lơ tiếc bao thuốc JET chưa khui, hắn vào và đặt trên bàn cái trạm Lán Gòn nhưng chẳng kết quả gì. Có thể giá trị bao thuốc không đủ sức để trạm 'bỏ qua' chăng? Cái chính là chiếc xe chưa đóng tiền "hụi" tháng này cho trạm? 

-Hèn chi! 

Hắn nghĩ, cho đó là lý do xe hắn bị làm khó dễ sáng nay.

*

ngã ba 46 ( khoảng thập niên 1990) từ Sài Gòn ra, rẽ phải về thị trấn Lagi Hàm Tân

    Xe ra đến Ngã Ba 46, nó rẽ trái vô huớng Sài Gòn.

 Ngọn gió biển yếu dần khi xe ra đến đây. T. không cảm thấy chật chội hay nực nội chút nào. Thay vào đó, một cảm giác hạnh phúc, yêu đời bất chợt ập đến. Biết bao nhiêu mừng rỡ làm nàng quên luôn cảm giác ngứa ngáy khó chịu từ hai bó mực đang bó sát đùi nàng, gần "chỗ kín".

  "Nhờ vậy mình mới thoát được bàn tay "thằng quản lý" kia" 

 Nàng nghĩ thầm và cho đó là một "sáng kiến thông minh". Tuy vậy, nàng không quên cái lợi thế từ cái quần đen rộng ống của mình.

   Còn vài trạm "đột xuất" trên đường nhưng lơ xe và tài xế đã "lo trước" rồi. Những trạm sắp tới còn "nhân đạo " hơn cái trạm "Láng Cón" trong kia - cái trạm từng tịch thu hay làm đói biết bao gia đình.

   Xe bon bon chạy; thằng lơ thỉnh thoảng "ầm ừ " vài câu vọng cổ mà nó thuộc lòng đâu đó.

    T. lim dim mắt nhớ đến chồng ngoài trại Sông Mao đang ngày đêm mong đợi vợ thăm. Mường tượng khuôn mặt xanh xao và tấm thân gầy gò của chồng trong chuyến ra lần trước, bất giác T. không che giấu được  hai hàng nước mắt nhớ chồng  ứa ra không biết lúc nào ./.
 
Đinh hoa Lư 


================================== 



No comments:

Post a Comment