Friday, September 1, 2023

QUÁ KHỨ LƯU DÂN QUẢNG TRỊ TUYỂN TẬP 8

 MỤC LỤC 

1- XUÂN THA HƯƠNG 

2- MẸ GÀ

3- NHỚ CÁI GIẾNG KHÔ NƯỚC NHỚ XÓM NHÀ ANH NGUYỄN LAM 

4- NHỚ MỘT THỜI 'HỪNG HỰC' CHIẾC XE THAN 

5- CHUYỆN KỂ VỀ MỘT CUỐN TỰ ĐIỂN PHÁP VĂN 




========================= 

XUÂN THA HƯƠNG 

 

THA HƯƠNG là QUÊ NGƯỜI. Đâu phải chỉ ở ngoại quốc mới là Quê Người. Người Quảng trị từ năm 1972 đã mang kiếp "người dân Do Thái" tản mác khắp nơi, chạy nạn, làm ăn lưu xứ rồi.


      người dân QT ra đi vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Đó là hoàn cảnh riêng trong cái hoàn cảnh chung của thời chinh chiến. Mùa Thu 1972 dù có tái chiếm thành công một nửa nhưng người QT đã bôn ba đi khắp đó đây từ đợt Khẩn Hoang Lập Ấp mà đi tái lập nghiệp xây dựng đời mới quê hương mới trong nam.


người dân tỵ nạn QT di dân vào Bình Tuy 1973-74


Nói trong nam là nói chung nhưng chương trình đó tản mạn nhiều cụm từ Cam Ranh đến Bình Thuận cho đến Biên Hòa hay Long Khánh và nhiều nơi khác nữa.

Rồi biến cố 1975 ập đến. Sau đó, lại có nhiều đợt hồi cư sau 1975 về lại làng quê cũ; nhưng số dân mất đất như người thị xã QT,  chính gốc tỉnh thành phải ra tận Đông Hà kiếm đất định cư. Số bà con này đa phần đi theo con đường buôn bán mở mang kinh tế cho thị trấn Đông Hà sau này  thêm phần sầm uất, thịnh vượng. Đông Hà từ đó có thêm khu thị tứ, có phường khóm, khuôn mặt thị trấn này thay đổi dần hồi trở thành một thành phố lớn. Người QT tái định cư trên khu vực phi trường hay bản doanh quân đội cũ...

thế hệ Nguyễn Hoàng Quảng Trị nay đã định cư và thành công tại Sài Gòn

         Chúng ta phải kể đến một số người QT nhập cư vào Sài GÒn đã trở thành thường trú dân làm Dân Thành Phố. Số người này đa phần thành công trong hoàn cảnh Sài Gòn "muôn mặt". Thành phần học sinh, sinh viên QT trước 1972 có trình độ đều có những công ăn việc làm trong chế độ mới. Một số làm ăn ngành nghề hoặc thế hệ tiếp nối tiếp tục học hành và thành công. 

 Số bà con QT  lưu lạc tận Cà Mau Lục Tỉnh, vùng tây nguyên Darlac Kontum... tất cả đều thành công nhất là trong nông nghiệp đồn điền

Đi và về không biết bao nhiêu trận. Nhưng những cái thời điểm lịch sử dù muốn dù không đã đẩy người QT 'khuếch tán" ra tất cả các tình của miền nam nhiều lắm.


Người QT như vậy, yên tâm định cư, bám gốc tại quê hương thứ 2 hay thứ 3 này

Và số này đa phần đều thành đạt trong mọi phương diện

Đi đâu cũng vậy, tái định cư ngay tại Đông Hà số dân thị xã cũ vẫn thành công

Số tại TP Sài Gòn cũng có địa vị và mức độ kinh tế và cơ sở không thua kém ai!

 Các vùng trù phú như Cao nguyên và Long Khánh hay các nơi khác cùng vựa lúa miền nam người QT đều khá giả.

Đây là một nét chung của Người Quảng Trị Ly Hương

CÒn Hải Ngoại thì dù ly hương chung, người VN nào đều cũng tha hương hay ly hương cả nên chúng ta xin miễn bàn. Nhưng dù sao, người QT tại nước ngoài đều thành công trong thương trường, làm việc hay khoa bảng đổ đạt cao.

Người viết chỉ nói về người QT mình trong nước. Bôn ba nhiều thập niên nay nhưng nét chung rất mừng là thế hệ tiếp nối đều thăng tiến hơn thế hệ đi trước.

Phải chăng đây là đặc trưng từ truyền thống một miền địa linh nhân kiệt cộng thêm bản tính cần cù, chịu khó, luôn cầu tiến vươn lên đã hun đúc cho bao thế hệ con cháu QT chúng ta có được nhuệ khí và tài năng nhằm đạt đến tương lai tươi sáng nơi xứ lạ quê người?

Ly Hương Bất Ly Tổ: dù ở đâu trên 3 miền đất nước người con cháu QT vẫn về thăm quê cha đất tổ, mỗi dịp tết đến xuân về. Bịn rịn chia tay bà con,  những chuyến xe chở người QT Tha Hương nay trở về quê hương mới trong nam (hình Nguyễn Hoàng Sài Gòn)

Dù đã lập nghiệp nơi đất lạ nay quê người đã là quê hương mới.  Lớp cháu con của lớp người di dân QT trong quá khứ nay vẫn luôn nhớ về quê cha đất tổ mỗi khi tết đến xuân về.

Ly hương không ly tổ. Dù thiên cư trong hoàn cảnh nào, thế hệ thứ nhất tuy xa quê vẫn một lòng nhắc nhở cháu con nhớ về nguồn cội.

NGÀY XUÂN NHÂM DẦN VÀI DÒNG VIẾT VỘI; NGƯỜI VIẾT XIN CHÚC BÀ CON QUẢNG TRỊ KHẮP NƠI, HƯỞNG MỘT NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 BÌNH AN, SỨC KHỎE DỒI DÀO, TÀI LỘC THỊNH VƯỢNG CÙNG ĐẠT NHIỀU ĐIỀU NHƯ Ý./.


Đinh Hoa Lư

mồng 1 tết Nhâm Dần


==================  


MẸ GÀ

 tái đăng nhân ngày Mother's Day 2023


     Gần tết, vùng biển Hàm Tân gió chướng thổi mạnh. Gió mùa đông bắc ngoài kia vào đem theo không khí hanh khô. Ngư dân úp thúng ngồi vá lưới chờ trời. Họ mong trời chỉ ngơi gió, sóng bớt mạnh là bơi thúng ra bờ  một đoạn, kiếm vài ba mớ cá vụn chứ không ai dám ra xa trong mùa này

   Người làm nông chẳng khá hơnTrong nam mưa nắng hai mùa. Mùa này là mùa hạn. Người ta chỉ thấy ngọn gió quái ác, quất quần quật vào mái lá, cát trắng bay rào rạt, chẳng có gì khác. Những vồng khoai trồng trên cát trắng bới xong mùa rồi đã lâu, đất cát khô rang nóng bỏng một cọng cỏ cũng không mọc nổi trong mùa này.  Lác đác vài bụi cỏ cháy khô, vài gốc sắn thu hoạch xong, nằm ngổn ngang trơ rễ.

   Mái tranh nhà tôi với cái chái bếp thấp lè tè, nơi nấu ăn vừa là "CƠ NGƠI" cho cái chuồng gà. Dĩ nhiên phải cho bầy gà mẹ ấp ở đây do chúng là vốn liếng, là nguồn lợi lớn nhất cho gia đình. Mùa khô hạn bầy gà nhà tôi chẳng còn bao nhiêu. Đáng kể là con gà mái đẻ tuy già những vẫn còn đẻ trứng, ấp con lấy giống chăn nuôi phát triển bầy gà cho năm sau. Vợ chồng tôi thuờng gọi con gà mẹ đó là giống gà 'Shia' (yorkshire)- cho trứng nhiều và trứng lại lớn, quả là giống tốt. Thật thế, con gà mái Shia mấy năm nay tạo cho nhà tôi không biết bao nhiêu "thế hệ gà"? Tôi nuôi chúng lớn, bán đi cũng giúp được cơm gạo, áo tiền...

Mấy hôm nay tôi hay săm soi bế con gà mái này qua bên, xong đếm xem nó ấp bao nhiêu trứng kỳ này:

    - Cũng được hơn mười trứng - không tệ quá!

 Bầy gà hơn mười con khi chúng lớn, trừ hao hụt,  tệ lắm nhà tôi cũng bán được năm sáu con cũng được mớ tiền.  Con gà mẹ đang ấp trứng, thấy tôi nó "gừ rù", lông hơi dựng lông lên lấy lệ. Nó cũng quen khi tôi săm soi đếm trứng như vậy. Thật tội cho thân nó. Càng ấp già ngày , thân gà mẹ nhẹ bấc do nó chẳng chịu đi kiếm ăn. Tôi có cảm giác con gà mẹ nay chỉ còn 'lông và bộ xương' .


*

   Qua bao mùa, tôi từng chống cuốc đứng ngắm con gà mẹ với bộ lông vàng mơ từng dẫn  bầy  chíu chít kiếm ăn quanh vườn .  Chỉ ít lâu thôi, từng bầy gà con như vậy, lớn  nhanh. Mỗi lần cho gà ăn,  chúng chạy lại, tụ đầy trước sân...

 Những tính toán, những ước mong của tôi, đối với con gà mái đẻ quen thuộc, hình như tôi xem nó  là một sản nghiệp không bằng? Từ cái sản nghiệp nho nhỏ đó, tôi lại ái ngại hay thương cho con gà mái đẻ "nhịn ăn -siêng ấp" nhẹ hẩng trơ lông!

   Gió chướng càng gần tết càng mạnh; gà trong xóm đã có hiện tượng dịch. Chợ thôn quê gà bệnh càng "rẻ như bèo"! Vườn nhà tôi hay vườn bên cạnh, thỉnh thoảng có vài con chết khô, bầy chó đói trong xóm thi nhau giành xác.

   Bầy gà con đã đến ngày nở, những cái mỏ nhỏ xíu cố moi lớn cái lỗ nhỏ trên thành vỏ trứng, chúng đang cố thoát ra ngoài. Tôi vừa phụ gở mấy mảnh vỏ trứng trắng trắng quanh mấy con gà con, vừa phủi mấy con mạt đang bám vào tay tôi nhồn nhột ngứa ngáy. Bầy mạt gà, đông vô số ngày đêm chui rúc hút máu trong thời ba tuần gà ấp. Bầy mạt ký sinh quái ác, sống bám trên cái thân còm cõi của con gà mẹ siêng năng , chịu ấp. Mạt gà sinh sôi nảy nở thật khó chịu trong nhà. Cảm giác nhồn nhột trên mặt và trên tay mỗi lần tôi gần chuồng.


   Vài hôm sau, những con gà con tròn như những viên bông xinh xinh lục tục chạy theo mẹ nó. Tôi lại có dịp tính toán -mong đợi- cho bầy gà giống sang năm; khi mùa mưa đến- cây cỏ xanh tươi - côn trùng nhiều, bầy gà sẽ mau lớn. Không chừng, tôi phải gầy thêm vài ba con gà giống 'Shia' này khi con gà mẹ quá già, không còn cho trứng.


   Thật đáng lo, dịch gà trong xóm đang lan dần. Tôi lo lắng mua ít thuốc trụ sinh trộn vào thức ăn cho bầy gà, phòng dịch đang lan.


   Con gà mẹ chăm con  thật tuyệt vời. Gã diều mới vần vũ trên cao, hắn ngày nào cũng chao lượn tìm mồi. Gà mẹ  đã vội xù lông, nghểnh cổ lên quyết liệt chống lại. Có diều là bầy gà con vội núp hết vào cánh mẹ. Con vện- chú chó hàng xóm chạy rong mới gần bầy gà con thôi, gà mẹ đã trương cánh, vươn cổ, hai bộ vuốt của nó tung lên cao mổ  vào con vện, tiếng nghe "bành bạch" ... Ban đêm tôi còn cho chúng vào trong cái lồng sắt, phòng con chuột cống ác hiểm- một thứ chuột lớn sống cô độc,  người trong làng gọi là con "cù lúi ". Con này từng giết nhiều gà con? Hang nó nằm sâu ngay dưới chuồng heo, tôi 
không biết cách nào giết được nó?
                                                 *

    Chợt một hôm, tôi phát giác con gà mẹ vừa ấp con dưới tàng cây, mắt nó như thiu thiu ngủ. Tôi quan sát thật kỹ, thấy khác lạ vì đầu nó vừa chúc xuống- gật gật... 

Thôi rồi gà bệnh!

 điếng hồn, tôi buộc miệng than thầm. Gà mẹ này vướng dịch đang lúc nuôi con, làm sao đây? Tôi vội tới gần muốn quan sát rõ hơn. Như một phản ứng tự vệ , con mẹ giật phắt mình , vươn cổ "gù rù" làm dữ  và dẫn đàn con đi nơi khác. Hôm sau, biểu hiện bệnh càng rõ.  Nó vừa bươi đống rác kiếm mồi cho con, nhưng thỉnh thoảng đứng lại như thiu thiu ngủ, đầu càng chúi xuống thấp hơn. Bầy con vẫn chạy nhởn nhơ, chẳng biết rằng mẹ nó đang vướng vào bệnh dịch tai quái. Tôi quay quắt, thất vọng. Con mái này thuộc loại "miễn dịch ".  Qua bao mùa, nhiều trận dịch gà đã qua, nhưng nó vẫn vượt qua.

     -Ôi, thế mà năm nay?!

Tôi than thầm. 

  Còn cố cầu chút may mắn cuối cùng nào đó,  tôi  vội chạy ra tận cuối thôn, năn nỉ anh bạn bán thuốc thú y heo gà ký cóp số tiền mặt trong nhà mua cho được một số thuốc. Tôi vừa bỏ vào thức ăn vừa đợi đêm về chích vào đùi gà mẹ...

    Những cái đầu gà con đang nhô ra khỏi cánh mẹ ngó láo liên.  Con mẹ đầu chúi xuống mắt nhắm nghiền, cùng lúc nước dải trong mỏ nhểu ra. Hôm nay  lúc tôi tới gần, con mẹ không còn phản ứng gì nổi. Sức nó thực sự đã kiệt. Thứ vi trùng quái ác đang rúc ráy trong cái thân còm cõi cho đến ngày cuối cùng. Bầy gà con - đếm chẵn chục- là niềm hi vọng của tôi. Chúng đang cần con mẹ dẫn đi kiếm ăn đến khi cứng cáp.  Tôi cay đắng nhìn gà mẹ đang rũ cả thân mình  cố che chở cho bầy con mà xót xa không biết tính sao?


   Chợt con gà mẹ vươn mình dậy! một cánh bên xệ xuống, nghiêng hẳn qua một bên.  Mắt nó chợt long lên như  ánh lửa, tiếng kêu khản đặc. Bao nhiêu sức lực còn lại của một đời làm mẹ- đẻ trứng -ấp con, nó chỉ còn lần này ...Gà Mẹ  đang vùng lên một lần cuối cùng, rồi vĩnh viễn gục xuống hẳn ./.

ĐHL
edit 15.5.2023

================================ 

NHỚ CÁI GIẾNG KHÔ NƯỚC NHỚ XÓM NHÀ ANH NGUYỄN LAM THÔN XƯA ĐỆ TỨ



Anh Nguyễn Lam
(CHS NH 1955-1962)

Cái giếng trước con kiệt vô nhà ôông Đội Lạp tiếng thì có giếng đó nhưng cứ cạn queo, nước chẳng bao giờ có. Chỉ mừng cho dân trong xóm khi không có nước thì đi móc gàu người khác bỏ lại cũng khỏi lỗ công đi vét nước.
 
Tui nhắc cái giếng để nhớ nhà anh Báu con trai mệ Báu chuyên đi gánh nước cho mẹ già. Trong xóm không ai gánh giỏi hơn anh Báu. Nước phải về tận thôn Hạnh Hoa mới có. Lại là nước uống mới quý làm sao. Cứ thấy anh sáng sáng chiều chiều là gánh nước về cho mạ. Hai cái thùng dầu hỏa cũ, vuông, mấy lá chuối thả trên mặt thùng cho nước khỏi chao, anh gánh một mạch từ cái giếng nước uống đầu thôn Hạnh hoa về tận xóm nhà ôông Đội Lạp. Khoảng đường khá xa nhưng hai chân anh chạy nhịp nhàng dẻo queo, thấy mà thèm cái sức và đôi vai chịu khó của anh Báu và nhất là anh quả là NGƯỜI CON CHÍ HIẾU
 
Cái giếng này ngó qua là nhà Anh Nguyễn Lam. Nhà anh Lam sát cạnh Khuôn Hội Đệ Tứ, ngó ra đường Lê văn Duyệt. Thằng Lợi em trai út của anh Lam học với tui lên tận lớp Đệ Tứ.
Tui hay tới nhà anh Lam để mua bánh ướt. Lúc này tui là đứa con nít, mạ cho hai đồng là tới nhà anh để mua. Chị Nghệ em gái anh Lam đổ bánh ướt nhà dưới. Ngồi chổm hổm bên chị Nghệ chờ chị cuốn cho đủ HAI tì bánh ướt gói trong lá chuối, cộng thêm chút nước mắm nấu trong cái chén mang theo. Một thời chưa có kỹ nghệ nylon như sau này. Lá chuối làm chuẩn; mọi thứ đều gói lá chuối.
 
Anh Lam thời nay đã đi làm; anh là anh trưởng trong nhà. Anh còn có hai đứa em trai là anh Thảnh và em trai út là thằng Lợi, bạn tui. Tội nghiệp thằng Lợi chỉ học xong lớp đệ tứ, hắn đi lính và sau đó mất sớm. Tui biệt tin thằng Lợi trước năm 1972 sau hỏi mới biết...
 
Tui nhớ cái nhà anh Lam, cái nhà xưa thời kiểu thời trước còn lại. Cái chái dọc phía bên làm nhà bếp và làm bánh ướt. Xóm tui nhiều nghề, nhiều nhất là bánh ướt, đổ bún, hàng ăn, đậu hũ ...kể không hết. Chiều chiều có hai đồng mạ cho tiền ăn hàng không lên nhà anh Lam mua bánh ướt thì tới mụ Đạo hay mấy o nhà xóm trước mặt hồ đối diện xóm Trần Tài mua bún. Bún hay bánh ướt gì cũng mua tận bếp nên nóng hổi. Chủ lò cho chút nước mắm nấu sẵn thế là le te chạy về ...
 
Kể chuyện xóm anh Nguyễn Lam để nhớ con đường kiệt vào sâu phía trong là nhà anh Ngô Tùng và Ngô Dũng tức là anh con Sáu bạn học ngang lớp tụi tui. Một thời tui hay lên tận xóm này chơi đá lon và hô la manh với con sáu thằng Lợi còn anh Dũng anh Tùng thì còn lo học bài dưới ngọn đèn đường đâu thèm chơi với lũ con nít tụi tui ...
 
Từng con đường kiệt từ đường Lê v Duyệt vào sâu trong xóm. Tất cả đều đâm ra cánh đồng ruộng Cổ Thành, Hạnh Hoa...đồng ruộng lan rộng đến xóm Tiêu xóm Đồng về xa hơn nữa sẽ gặp làng An Tiêm...
 
Nói sao hết những hình ảnh thân thương của đường xưa lối cũ. Trong đó có những bậc tiền bối những lớp đàn anh nay lần lượt đã chia tay làm người THIÊN CỔ
 
Từ đại tá Nguyễn Bé, Trung Tá Ống Viết Lạc, thiếu tá Hùng Móm, cho đến các thiếu tá Thuận, Thiếu tá Quang, Thiếu Tá Thương (em O Gái bán chè tươi) Thiếu tá Trương Đá... Đại Úy Ngô Tùng cho đến Thiếu tá Khanh, con ông Cai Ngữ, đại úy Liệu  và còn nhiều nữa... cho đến các cậu tui Phương, Ba, Cư,  Bình, Hoa đều đã ra đi và nay đến anh Nguyễn Lam bậc đàn anh lão làng bao nhiêu năm đi theo bà con Quảng Trị vào phương nam quê hương mới của bà con Quảng Trị tận xứ Tân Hà, Bình Tuy và nay Anh cũng chia tay ra đi để về với lớp lớp tiền nhân  của PHƯỜNG ĐỆ TỨ  thân yêu muôn thuở.
 
Người viết mường tượng trong chốn siêu hình nào đó, các bậc đàn anh quê hương năm cũ đang nắm tay nhau về thăm nơi chôn nhau cắt rốn:
CÁI CỔNG THÀNH CỬA HẬU UY NGHI MUÔN THUỞ, CON ĐƯỜNG LÊ VĂN DUYỆT THÂN YÊU SỐNG LẠI TRONG CÕI VÔ HÌNH... RỒI ĐOẠN ĐƯỜNG QUA CHÙA TỈNH HỘI, QUA ĐẬP RÌ RÌ BÊN DÒNG THẠCH HÃN THÂN YÊU NƯỚC LẶNG LỜ TRÔI, TRONG HỒI CHUÔNG CHÙA TỈNH HỘI NGÂN NGA, TRONG MỘT CÕI THINH KHÔNG SIÊU THỰC ...
 
Từ phương xa, tui xin thắp lên một NÉN HƯƠNG LÒNG ĐỂ TƯỞNG NHỚ ĐẾN ANH NGUYỄN LAM NGƯỜI PHƯỜNG ĐỆ TỨ NĂM XƯA
 
Đinh Hoa Lư

================== 


NHỚ MỘT THỜI HỪNG HỰC CHIẾC XE THAN 




Tết đến nơi. Quê nhà vẫn một điệp khúc năm hết tết đến đáo đôn làm sao có một ngày xuân đầy đủ. Công nhân học sinh có ngày về quê ăn tết bỏ bao ngày làm quần quật hay học bù đầu trên thành đô hoa lệ.


Nói gì thì nói phương tiện hôm nay quá đầy đủ,dư dật, thừa cung hơn cầu. Không cần nhấc phôn như mấy năm trước, bà con ta chỉ bấm bấm hay chọt chọt vào cái Iphone mới tinh cũng có xe tới cửa đón mình. Nếu có tới bến xe thì cũng ngồi thoải mái trên hàng ghế nệm êm ru!


Ăn tết hay đi lại thời nay sao nghĩ mà thương về cái năm "mồ ma bao cấp"; nói tới hai chữ ĐI LẠI bà con mình "vạn bất đắc dĩ" mới đụng vào.

Khổ ơi là khổ cho cái vé xe!

Ba bốn giờ sáng đã chầu chực tại bến xe rồi. Tờ mờ sáng bắt đầu chen nhau mua vé. Nhưng chỉ vài ba người đầu thôi. Hết ưu tiên một ưu tiên hai đến dân thì HẾT VÉ?
Bao nhiêu chiếc xe thời trước 75 bắt đầu bị 'Cải tiến' hay 'biên chế' vào 'chế độ CHẠY THAN'? Chủ xe vào Hợp Tác không Chạy Than thì chạy cái chi chi?
Cả nước đang đi lên phấn đấu từ lương thực đến nhiên liệu. Xăng nhớt cần gì? Biết bao nhiêu là rừng tha hồ dùng 'THAN CHẠY MÁY"?
Những chiếc xe than chạy cà rịch -cà tang trên bao con đường thiên lý của quê hương mình. Thỉnh thoảng xe dừng thằng lơ xe chạy xuống ruộng múc nước đổ lên cái thùng cao trên mui xe giúp mát máy. Xong, hắn lại chạy lui phía sau lấy cái que sắt dài xoi "thùng thục" vào cái thùng than nóng hừng hực phía sau.

Nhớ mà thương cho bà con mình: ai phải bu (hay bám) phía sau, vừa mõi tay vừa chịu đựng hơi nóng từ cái thùng than quái ác kia.

Ôi xe than nhớ mãi một thời! Người viết lại miên man nhớ về hình ảnh cha mình ngày đó. Có việc đi xa, Ông lo chuẩn bị bao thứ linh tinh từ chiều hôm trước. Sợ quên, cha tôi soạn sẵn nhiều thứ trên cái bàn ọp ẹp- nào bình thuốc lào, nào cái ví giấy tờ nào cái bị lác đựng mấy thứ cần dùng...

Hai giờ sáng, cha tôi đã dậy rồi. Khi tiếng gà canh hai đầu thôn eo óc gáy cùng tiếng lao xao của đoàn người gánh than từ trên dốc gánh xuống đó là lúc cha tôi vội vàng  "khăn gói" bước ra hoà nhập với họ để về bến xe nơi phố thị. Người cha già cuốc bộ về đến bến xe phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Nơi đó có mấy chiếc xe than đang im lìm 'ngủ' trong đêm. Tờ mờ sáng xe than sẽ thức dậy đốt lò; nó sẽ tiếp tục 'cà rịch cà tang' trên con đường quê hương đất nước giúp chở đám dân nghèo.

Bạn ơi! thời này chúng ta đang tận hưởng sự thoải mái với xe cộ khi đi lại đó đây; đó là lúc dựa lưng vào thành ghế chiếc xe du lịch đời mới, có máy lạnh, chạy êm ru. Hi vọng sẽ có một thoáng giây nào đó chúng mình nhớ lại một thời HỪNG HỰC XE THAN, gian nan trên con đường gió cát quê nhà mà  thấy thương về ngày tháng cũ./.

====================== 

CHUYỆN KỂ VỀ MỘT CUỐN TỰ ĐIỂN PHÁP VIỆT NĂM XƯA

 

1 TRANG TỪ ĐIỂN PHÁP VIỆT Đào Văn Tập XB 1949 (hình Internet)



Tự điển Pháp Việt phổ thông (Dictionnaire Général Francais Vietnamien) Nhà sách Vĩnh Bảo S. 1949


    Đại gia đình bên ngoại tôi tản cư từ Quảng Trị vào đến Đà Nẵng xong vào Bình Tuy theo chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp 1973, vốn văn hóa mang theo là cuốn từ điển Pháp Văn của soạn giả Đào Văn Tập.

Cuốn Từ Điển này phát hành vào năm 1949. Phía gáy sách còn đề ba chữ lớn VÕ TỰ PHƯƠNG đó là tên của cậu tôi, ghi nhớ một thời đi học trước khi giã từ đời học sinh biền biệt vào nam.

HÌNH 1959 (?) chụp tại QT: (lúc cậu tôi AET  Võ tự Phương mới ra trường SQ Thủ Đức về thăm QT)
6 anh em xuất thân từ Phường Đệ Tứ Thị Xã Quảng Trị: 127 đường Lê Văn Duyệt cũ-
trái sang hàng trên: Võ tự Phương, Võ tự Bé , Võ đình Cư
trái sang hàng dưới: Võ Bình, Võ Ba, Võ Hoa 
tất cả hiện nay đều đã về với trời miên viễn 

*

Cậu Phương tôi vào nam trước là đi Thiếu Sinh Quân (AET) và sau khi ra trường, người cậu đương nhiên đăng vào trường Sĩ quan trừ bị. Cậu tôi sau khi ra trường Thủ Đức lại vào quân chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tôi còn nhớ khoảng năm 1959 lúc ra trường Thủ Đức, cậu tôi có ra quê Quảng Trị. Mấy người cậu  chụp chung một tấm hình tại Lido Ảnh Quán trên phố Quảng Trị:  Các cậu Cư, Bé, Phương, Hoa, Ba, Bình và tấm hình này có treo trong nhà ngoài QT. May thay sau này trong nam vẫn còn lưu lại được một tấm.



Cho đến lúc Cậu lấy vợ trong nam thì Mệ Ngoại, Các cậu và Dì Liễu có vào Sài Gòn  làm đám cưới tại Nhà Hàng Mỹ Cảnh. Từ ngoài trung vào tận Sài Gòn vào thời đó là cả một quá trình và tốn kém cho ngoại. Lúc này dì Liễu chưa buôn bán lớn như sau năm 1968 mà hoàn cảnh gia đình ngoại lúc đó mới sau 1960. Các cậu đều còn học sinh, cho đến sau này cậu Ba cậu Bình nối tiếp cậu Phương đi vào Thiếu sinh quân như anh mình. 

Cho đến một ngày của cuộc chiến VN, bên sông Vàm Cỏ một ngày của năm 1970 cậu Phương hi sinh vì nước. Bên kia sông đơn vị Biệt Động Quân có người and trai tức là cậu Võ tự Bé đóng quân mà không hay em trai mình đã đền nợ nước.  


cậu Võ tự Bé (ngồi) tháng 7 năm 2022 tại Fremont California những ngày già yếu


Những ngày già cả ở xứ người tức là Hoa Kỳ cậu Bé thường buồn rầu kể lại như thế. Đám cậu P. được đưa về QT; quan tài cậu có xe Tiểu Khu QT hộ tống về chỉ viếng ngang cửa ngõ nhà Ngoại mà thôi và đưa ngay qua chùa Sắc Tứ để an táng. Gần một tuần lễ sau ngày Cậu tạ thế, Cậu P mới về lại quê hương và an táng tại chùa Sắc Tứ. Nơi này có mẹ già tu hành gửi thân nơi cảnh phật và có mộ phần của em trai Võ Ba cũng như cháu chắt và người thân khác sau này...Nhớ làm sao khi nghe tin Cậu tử trận, tôi vội lái xe honda qua ngay chùa Sắc Tứ báo tin và chở Mệ ngoại về nhà. Mệ vừa ngồi sau yên chiếc honda, tôi vừa lái qua lại thành phố QT cùng nghe tiếng khóc rấm rức của Mệ sau lưng; tiếng khóc nho nhỏ thoang thoảng theo làn gió vút 

-Con ...con ơi!  

bà ngoại trong ngày đám tang cậu Võ Ba tôi hi sinh vì nước vào năm 1969

Có thể bà Ngoại đau xót lắm; do cậu P. là người cậu xa quê hương sớm nhất và cậu đi biền biệt ít khi về QT. Chỉ lần cậu ra trường 1959 và một lần vào năm 1969 khi cậu Võ Ba Trung đoàn 2 Sư đoàn 3 hi sinh tử trận tại Gio Linh mà thôi. Đám cậu Ba xong, cậu P  tôi vào lại nam và 1 năm sau cũng đền nợ nước.

Tôi là đứa cháu sinh ra và lớn lên từ bên ngoại nên những kỷ niệm của nhà ngoại tôi đều nằm lòng. Các cậu tôi thường truyền tay cho nhau, anh học xong trao cho em. Trong nhà cha mất sớm, các cậu lần lượt theo bước chiến chinh khoác quần áo trận như bao lớp trai thời loạn. Những cuốn sách đầy hình ảnh kỷ niệm trong nhà ngoại tôi đều nhớ; từ cuốn L’Anglais Vivant cho đến từ điển Anh Văn bỏ túi của Lê Bá Công tôi đều nhớ.

Nhà ngoại tôi Chỉ có cuốn Từ Điển Đào Văn Tập này là dày và giá trị nhất. Tôi không biết sao lúc chạy giặc 1972 lại đem theo được? Cậu Võ tự Phương vào tận phương nam lập thân, để lại cuốn từ điển Pháp Văn xuất bản từ năm 1949 là cuốn sách duy nhất theo bước chân nhà ngoại có thể là theo tôi đưa cháu ngoại chăm học nhất nhà vào đến trong nam.

tết 1993, dưới mái nhà tranh xã Sơn Mỹ Hàm tân, nền đất mối mọt nhiều nên cuốn sách Pháp Văn kỷ niệm này bị mối bò lên làm hư đục thủng một số trang sách 

*

Cuộc đời nương rẫy suốt mười lăm năm tại đất Hàm Tân Bình Tuy, thỉnh thoảng lúc rảnh tôi thường tham khảo vài từ Pháp. Nhờ nó cho đến nay tôi còn nhớ vài thành ngữ mà người Việt Nam hay dùng nhưng lại phát xuất từ Pháp văn. 

Ba năm về lại địa phương, chưa lập gia đình, ở với cha mẹ cùng hai đứa em trai, tôi chăm nom sửa nhà, cuốc đất trồng khoai. Tu nhiên năm thì mười họa tôi cũng dỡ cuốn từ điển của người cậu năm xưa để nhớ về một thời học sinh ngoài quê cũ. Nhìn lên cái sạp hẹp, cao cao đan bằng phên tre, chỉ có cuốn từ điển Pháp Việt đó là giá trị nhất. Dưới mái tranh nghèo, cuốn sách được đặt một nơi cao ráo và nhất là tránh được mưa san cùng mối mọt. Một thời sau 1975 học ngoại ngữ là vấn đế ‘quốc cấm’ chứ đâu phải như thời bây giờ. Chuyện kể thế hệ sau không ai tin, sau 1975 sách vở Anh văn đều bị đốt  hay tịch thu may thay có thể cuốn từ điển dày này tiếng Pháp nên số nó còn tồn tại, và chờ tôi cho đến lúc tù cải tạo về. Cạnh nhà có hai vợ chồng già người An Cư, ông mệ Phục là gia đình gần gũi và thân với ba mẹ tôi nhất. Bác Phục gái là cháu nội của Cụ Nguyễn văn Tường vị quan lớn dưới thời nhà Nguyễn. Bác Phục trai là ông già trong thôn, bác rất khó tính nhưng lại thân với ba tôi và nhất là đối với tôi người con trai lớn của gia đình vừa tù cải tạo về. Giọng nói của Bác  rất nhanh, khó nghe cho kịp. Thế mà lạ bác Phục có lúc lại nói chuyện với tôi, ngày tôi mới tù về.  Con trai lớn của bác là anh Hưng còn tù cải tạo ở đâu xa chưa về. Anh là sĩ quan- hải quân trung úy, ra trường thủ khoa. Tôi về với gia đình vào năm 1980 còn anh Hưng khoảng hai hay ba năm sau mới về sum họp với gia đình.  

Chuyện bác Phục ông, có một chút gì đó liên quan với cuốn từ điển của Cậu tôi kể ở phần trên. Số là Bác Phục là người trí thức, tuổi già ông chỉ làm bạn với đọc báo hay những cuốn sách xưa tiếng ngoại. Mỗi khi đi ngang nhà bác, tôi vẫn thấy một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi ở căn giữa chăm chú trên cuốn sách nào đó trên cái bàn thấp.  Có một hôm trời đã xế chiều bác chống gậy đi qua nhà tôi. Bác qua nhà  tôi là chuyện lạ. Bác chỉ ngồi đọc sách trong nhà chứ hiếm khi đi đâu. Lay hoay quanh nhà hay ra chợ sau vườn con heo con gà…đều một tay bác gái trông coi hết. Tôi cũng ngạc nhiên khi bác hỏi mượn cuốn từ điển Pháp Việt này để tra từ. Tôi thắc mắc trong lòng, ủa sao bác biết tôi có cuốn từ điển này thế. Tôi lật đật lấy cuốn sách trao cho bác. Hình ảnh bác Phục rung rung hàm râu, lật từng trang tại trước cửa nhà tôi. Bác không mượn về do bác không hiểu một từ nào đó khi đang đọc sách…



Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh bác Phục gật gù gật gù …


-Đúng ừ ừ…đội mũ rơm đội mũ rơm…

Có thể  bác đã tra nghĩa cái từ khó trong sách Pháp bên nhà là động từ “ĐỘI MŨ RƠM” thì phải. Tôi cũng chẳng để ý trang nào từ nào, bác tra nghĩa xong, mượn cuốn sách vài ba ngày rồi trả. Cả xóm, đào đâu ra cuốn từ điển, cái thời sắn khoai thay gạo, rẫy rừng mù mịt thế kia? Ngày xưa nghe đâu thời Pháp bác là công chức nghành Bưu Điện Đông Dương; đó là lời bác gái nói với nhà tôi vậy. Bác chỉ thân với ba tôi. Ba tôi đi đâu xa, ra thăm con cái ngoài Cam Ranh chẳng hạn, qua bác mượn cái mũ nỉ. Cái mũ nỉ của Đức làm gì có cái thứ hai trong xóm Cam Bình thời đó. Tết Giáp Tý 1984, Con gái bác, chị Liên từ Tây Đức về thăm nhà nơi vùng quê này, đi đâu thì đi ngày tết cũng qua chụp cho vợ chồng tôi cùng đứa con trai đầu lòng một tấm hình màu làm kỷ niệm. Một thời hình màu là của hiếm, chỉ có nước ngoài về mới có.

Lập gia đình xong, sau 1984 có con trai đầu lòng tôi lên xã Sơn Mỹ ở với vợ con cạnh vách tường loang đổ của mái trường quê. Làm một căn nhà tranh giữa lô đất của Trường tôi cũng trịnh trọng đặt cuốn Từ Điển Pháp Việt có tên Võ tự Phương bên gáy sách ở ngăn sách giữa nhà. Tôi quý cuốn Sách đó thật. Nó quả có nhiều từ ngữ phong phú kể cả thành ngữ điển tích, cụ Đào Văn Tập đều giải thích biên soạn rốt ráo. Rồi đến một ngày, quá bận rẫy nương, cuốn sách cứ nằm yên vậy và một tai họa âm thầm đến cho Sách. Mái tranh vách đất là nơi của mối. Bầy mối từ dưới đất đã âm thâm men theo vách lá tiến lên ăn và đục thủng giá sách của tôi. Bầy mối đã tiến sâu vào giữa lòng cuốn từ điển Pháp Việt đục thủng và mất chữ môt số trang.

Cho đến ngày đi Hoa Kỳ, tháng  năm 1995 tôi trịnh trọng tặng cuốn từ điển này cho vị bác sĩ dưới vùng ba mạ và gia đình tôi ở. Bác sĩ Hà Anh, thời trung học là bạn học với em trai tôi Đinh trọng Thịnh. Tôi tặng cuốn sách cho BS Hà Anh với lời ân cần rằng có lúc cần tra cứu vài toa thuốc ngoại chữ Pháp và nó là cuốn từ điển kỷ niệm của gia đình tôi, của các cậu tôi và trong đó có tên một người cậu tên Võ tự Phương đã hi sinh vì nước.

Cho đến năm 2017 khi về lại VN thăm gia đình, hỏi lại cuốn sách kỷ niệm này thì gia đình người bác sĩ này bảo rằng do thay đổi chỗ ở nhiều lần này cuốn sách đó không còn nữa. Thời gian xa cách đã lâu, qua mấy chục năm trời, tôi không trách gì cả. Nghĩ cho cùng,  cuốn sách đó đâu phải là kỷ niệm gì của họ. Chỉ có kỷ niệm của mình thì mình mới quý thôi.

Cuốn sách, cuốn từ điển xa xưa xuất bản thập niên 1940 nay đã theo cát bụi thời gian. Chính soạn giả Đào văn Tập, các cậu tôi tất cả nay đã không còn. Chỉ còn trong trí nhớ, tôi mường tượng cuốn sách cũ dày, bìa cứng màu đỏ tía; ngoài ra tôi chỉ còn nhớ được mang máng một vài thành ngữ Pháp Việt nhưng chữ còn, chữ mất./.


San Jose  25/7/2022

cháu ngoại ĐHL


===============================================  


No comments:

Post a Comment