Saturday, September 16, 2023

LÍNH NGHĨ GÌ




   T
ôi là lính xa nhà đi trấn Sơn khê
Hai mùa mưa mây mù che nẻo đường về
Khi vào lính nhân nếp sống đơn sơ
Vơi đàng sau nhiều đơi chờ...

(Lính Nghĩ Gì, Hoài Linh)

***

Mình, đời lính độc thân, chưa có được diễm phúc quen được người con gái Nha Trang, miền Thùy Dương Cát Trắng.

Hàng liễu rũ trong quân trường Đống Đế, một màu xanh 
thuớt tha  làm sao? Ôi! chẳng khác chi làn tóc mây mỹ nữ. Mình cứ tưởng tượng một vóc dáng ẻo lả, rồi hình dung đó sẽ theo mình vào "" sau một ngày la -lết tập luyện, mệt nhoài.





 Đời lính bộ binh nào dám mơ cao ,  đâu dám ngang hàng bao chàng trai hào hùng biển cả hay không quân "lướt gió tung mây" cao vút mấy tầng kia?


MIỀN TRUNG HỎA TUYẾN ĐỊA ĐẦU 


  Những người lính bộ binh giã từ quân trường. 
Đời lính sẽ làm quen với bùn lầy nước đọng, những sườn núi gập ghềnh hay thác réo, vượn hú chim kêu...

Chuyện bình thuờng của lính bộ binh là thế. Súng cầm canh, người lính chiến thu mình đứng trong những chiều mưa biên giới hay bóng tối của rừng khuya. Quê mẹ dưới kia, xa xa nay mờ nhạt mây sa. Đời lính nay làm bạn với hoa rừng, bao cánh chim trời bay mãi phương nao?

BUỒN...

Có những mảnh giấy vô tình mãi trắng, biết viết gì đây? chẳng có lời nào. Những lúc này nguòi lính chợt buồn khi chưa một "mảnh tình vắt vai " cho bớt đơn côi mỗi khi chiều rừng tắt nắng.






LẶNG NGẮM  QUÊ  HƯƠNG 

Có một con sông nhỏ, một khám phá lý thú cho riêng tôi khi dò trong bản đồ vùng tôi đóng quân. Nó mang tên là "SÔNG NHÙNG'. Ngày xưa tôi quen gọi là "Nhồng'. Cầu Nhồng là cái tên tôi không bao giờ quên. Ngày tôi còn nhỏ những năm lớp nhì- lớp nhất tôi hay vào Diên Sanh. Lúc này xe hàng từ Quảng Trị vô phải qua Cầu Nhồng. Con đường Quốc Lộ 1 vào Diên Sanh phải qua Hải Thượng tức là con đường cũ. Xe qua Cầu Nhồng rồi mới đến Cồn Dê trước khi đến Diên Sanh tức là Xã Hải Thọ.

Huyển thoại về Cầu Nhồng, thời nhỏ tôi chưa quên. Người ta kể rằng: thời Pháp qua Cầu Nhồng hay có ma. Có khi ma nó xui cho tài xế thấy cả "hai cầu Nhồng" trước mắt và lái tòm xuống sông? Đó là chuyện thời xưa khi còn Pháp, tôi chưa ra đời. Rồi thập niên 1964-65 khi ba tôi làm tại Chi CA Hải Lăng người hay lái xe vào Cầu Nhồng, đi bộ lên một đoạn ném lựu đạn bắt cá. Có hôm bắt được con cá tràu khoanh lại to gần bằng cái bánh xe hơi?

Hôm nay Cầu Nhồng chắc đã vào quên lãng khi Quốc Lộ 1 đổi hướng từ Ngã Ba Long Hưng qua Cầu Dài vào tuốt Mỹ Chánh. Khi viết những dòng này, tôi không biết chiếc cầu đó còn không? Có điều tôi chắc chắn Diên Sanh trở thành "Thị Trấn Đìu Hìu". do Quốc Lộ không còn đi qua nó nữa.

Tôi thú vị với hai chữ Sông Nhùng để ngày ngày ngắm nó uốn éo lượn lờ dưới chân núi. Tiếng là sông nhưng chỉ là con suối dài, nước chảy còn mạnh qua nhiều nơi tung nước trắng xoá. Sông và thảm rừng dưới xa là cả một bức tranh thuỷ mạc.

Đời lính và quê hương đôi lúc tình cảm phát sinh là những lúc lặng ngắm non sông như thế. Trước khi đổi quân lên núi, tôi từng đóng quân mạn biển. Khi tai nghe sóng trùng dương và mắt ngắm biển trời bao la bát ngát, tôi mợt chợt nghiệm ra tình yêu nước dâng trào trong cơn gió lộng. Lên đây, vùng cao: một lần nữa khi đứng trên đỉnh cao ngắm xuống một con sông đang lượn lờ uốn khúc, tôi mới nhận ra quê hương sao đẹp quá! HỒN THIÊNG SÔNG NÚI ngàn đời mãi xanh.



..So với tuyến Barbara vùng núi Mỹ Chánh và Phong Điền ngó lên tuyến Động Ông Đô là tuyến núi ngoài cùng. Chốt trung đội 2 của tôi lại là ngoài cùng của tiểu đoàn 105 do đó xem như tôi là 'đứa ngoài cùng biên giới'? Cái mõm chốt của chúng tôi ngó lên Động Tiên cao chớm chở. Động Tiên thuộc về "bên kia" nên rậm rạp hoàn toàn. Họ không bao giờ biết "đóng chốt" là gì ngoài cái việc ẩn nấp và bụi rậm làm nhà hay khe suối, vực sâu làm đường di chuyển...


Từ chốt này tôi lại nhìn về được hướng Trấm có khúc sông hình chữ U của dòng Thạch Hãn. Con sông uốn mình ở đây và đi tiếp về Cầu Ga. Từ độ cao này nếu cố gắng, tôi còn nhìn thấy hình dáng cái cầu Ga đen sì gãy đổ xuống sông từ năm 1972.

Ở vị trí mới này tôi chẳng còn nhìn về được hướng Hải Lăng nữa. Tôi chẳng còn nhìn xuống được khởi đầu của Sông Nhùng đang uốn lượn dưới kia.

Nơi chốt mới đối đầu với Động Tiên tôi chỉ thấy được mạn An Đôn Tích Tường và cái cầu đen sì gãy đổ xuống dòng sông. Con sông mang tên Thạch Hãn sẽ âm thầm chảy qua chiếc cầu gục ngã đó, rồi men theo những đống gạch vụn cùng lau lách đìu hiu. Một thành phố mà hơn ba năm trước còn lao xao tiếng guốc tới trường. Những toán học trò còn vô tư cắp vở đi học, trong đầu chỉ là những hoài bão ước mơ ngây thơ trong trắng...

Còn lắm điều tưởng nhớ về đống tro tàn của một thành phố thân yêu mà ba năm trước nó còn nguyên vẹn. Rồi tất cả đều phải lìa xa? Còn lại gì? họa chăng là tiếng gió hú đêm trường như thanh âm của những oan hồn kêu khóc.  Rồi từ một đỉnh cao quê hương ngày tôi trở lại, hướng về đống gạch đá đổ nát đó, người lính càng nghĩ, càng ngắm, rồi trầm ngâm ngổn ngang bao cảm xúc trong đầu? Tất cả chỉ là vị đắng, đến bởi bao nỗi tiếc nuối, oán hận khôn nguôi và cũng là lạnh giá như nòng súng bên người.
                                                 
Có thể lớp con cháu sau này sẽ ngạc nhiên khi tôi chỉ nhắc chuyện chiếc cầu đã gãy cùng một thành phố lịch sử từng là một đống hoang tàn từ độ 1972. Một ngày hè, có những người dân khốn khổ phải lìa xa quê hương bản quán trong nước mắt bi thương, khổ hận của một đoạn đường tràn đầy máu lệ. Nếu mai kia có ai thương về Quảng Trị, xin hãy cùng thắp lên một nén hương lòng.

 TIỀN ĐỒN ƠI! Quảng Trị ơi!  ngày đó xa rồi./.

ĐHL   

No comments:

Post a Comment