Sunday, September 3, 2023

TỔNG HỢP 11 QUẢNG TRỊ XA XƯA

 MỤC LỤC 


1- THIÊN THAI  

2- MỘT THỜI HOA DẠI

3- BAO GIỜ EM QUÊN

4- DƯA MẮM NGÀY XƯA -MỘT THỜI ĐẠM BẠC

5- ĐÒ CHIỀU


===================== 


THIÊN THAI 




Tuổi ấu thơ trong trí óc trẻ con ngập tràn bao câu chuyện thần tiên cùng những ước mơ thần thoại, là khoảng thời gian êm đềm nhất trong đời. Đố ai ngược được thời gian trở về lại quá khứ - rồi xin một lần "thôi lớn khôn thêm"! để mộng mơ với những gì nhỏ dại nhất trong đời. 


***

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên...
Thiên Thai (Văn Cao)


Kính Nhớ Hương Hồn Thân Phụ 


    Người viết cứ lần lửa, hẹn mãi trong lòng rằng phải viết lại những hình ảnh của ký ức của mình, một thời nhỏ dại. Đó là quảng thời gian lúc tôi là thằng bé hay lon ton chạy theo gót chân thân phụ. Thời gian người viết mong kể lại với bạn đọc đó là thân phụ tôi phục vụ tại Ba Lòng, một nơi có thể gọi là "thâm sơn cùng cốc".

 Người kể nhớ lại lúc  em gái thứ hai khoảng một tuổi, do thân mẫu tôi bận bịu với con dại và có thể chính đó là cái cớ cho ba tôi dắt tôi đi chơi xa tận thung lũng Ba Lòng.


Trước khi đi Ba lòng, nói cho đúng là chèo đò lên đó, tôi phải nhắc lại những gì về thành phố thân yêu Quảng trị trước khi tôi phải tạm xa. Làm sao tôi quên được những quán sách quen thuộc hai bên con phố chính Trần hưng Đạo... Lương giang , Sáng tạo; đi về ngã tư có quán Tùng Sơn. Rẽ vào phía chợ có quán sách Văn Hóa. Xuôi về dưới này là Tao Đàn quán sách thân thiện nhất với tôi vì thuận đường về nhà.

Tôi không hiểu tại sao, hồi này tôi quen dùng chữ quán thay cho tiệm sách. Người QT hồi này hay nói quán sách chứ không nói tiệm sách, ngoại trừ tiệm Nhuận Ký, tiệm may Thiện Thành ... giống như trong khai sinh của tôi có khi lại dùng thôn thay phường chẳng hạn.




    Thuở đó tôi là khách hàng thân quen nhất hay lui tới mê mẩn với mấy cuốn truyện tranh mỏng giá một hay hai đồng. Mỗi lần mua được cuốn truyện tranh về nhà là tôi ngấu nghiến đọc. Đứa nhỏ cứ thả hồn theo trí tưởng tượng của mình nghĩ về những '"tiên ông, tiên bà" thường sống trong những vùng núi non hùng vĩ, mây nước chập chùng hay những thác động âm u huyền bí, sắc màu huyền ảo.

   Ngày ngày cắp vở đến Trường Nam Tiểu Học hay trước đó khi còn lớp vỡ lòng với Thầy BỒi người dạy trong nhà gần chùa Tỉnh Hội, tôi hay ngó chằm chặp lên dãy  núi Trường Sơn xanh thẩm. Trong trí óc ngây ngô tôi hay tưởng tượng trong dãy núi chập chùng đó là một thế giới rất khác, là thế giới của thần tiên ở... 
Thằng bé đó cứ thắc mắc hoài trong đầu hình ảnh thế giới thần tiên trên rặng núi xa đó.

Cho đến một ngày tôi không ngờ thằng bé như tôi lại được ba mình cho đi theo tức là lên chơi trên nớ. Ôi cái dịp ngàn năm một thuở, như là trong mơ..


TẠM XA THÀNH PHỐ TUỔI THƠ QUẢNG TRỊ

   Mới hai ba giờ sáng, trời còn tối nhưng ba tôi và tôi cùng hai chú làm việc với ba tôi đã tới bến đò cuối con đường Gia Long bên chợ Tỉnh. Giã từ ngọn đèn đường vàng vọt gần cuối đường Quang Trung, người cảnh sát tan ca gác cuối cùng gần chợ chào hỏi nhóm người của ba tôi vài ba câu chuyện gì đó. Trong ánh sao khuya, bác lái đò hình như đã hẹn sẵn lúc nào? Ai nấy đều sẵn sàng cho cuộc hành trình hẹn trước. Chuyến đò này dành riêng cho các người trong Chi CA của ba tôi, chèo ngược dòng sông Thạch để lên Ba Lòng.


Kià đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền...

Điều đáng nhớ  trong cuộc hành trình này là Đò Chèo. Trước tiên bác lái đò dùng chiếc sào đẩy con thuyền ra xa bờ. Mái chèo bắt đầu khua nước trong khuya. Tôi là đứa trẻ duy nhất trong chuyến hành trình. Ngồi thu mình trong khoang, bên ngọn đèn dầu lù mù, tôi lắng tai nghe tiếng nước róc rách dọc hai mạn con đò. Thuyền nhè nhẹ lướt trong màn đêm dần dà về sáng.  

   Tôi ngủ thiếp đi khi nào không hay... chợt tỉnh giấc thì con đò đã chèo qua Cầu Ga lúc nào. Tôi nghe tiếng bác lái đò loáng thoáng nói rằng đò vừa qua An Đôn Như Lệ gì đó thôi. Nhìn lên trên bờ sông còn có chiếc xe GMC nhà binh nào đó chạy sớm, nó theo con đường mé bờ Thạch Hãn chạy lên.

Tiếng các chú râm ran nói chuyện, tôi mới biết đò qua khúc quanh có tên là Trấm. Con sông dường  như hẹp lại, nước cạn dần, mùa khô có đoạn đò chạm đáy không chèo được.
Thế là tất cả mọi người không ai bảo ai, đều nhảy xuống dòng nước cạn:  

-Hò...hầy!
-Hò ...hầy!  

Ai nấy đều ra sức vừa hò vừa đẩy ...

Tôi là đứa bé, nên được ngồi yên bên trong. Tiếng hò lơi của ba tôi và mấy chú thi nhau, rầm rập gắng đẩy đò qua đoạn sông cạn đầy cát bồi. Vói tay qua khe hở dưới mái vòm cong cong, tôi khuấy chơi với làn nước trong leo lẻo đang chảy ngược về sau. Làn nước trong khiến tôi thấy rõ lớp cát trắng tận đáy sông và chẳng hề có bụi rong nào.


BÃI CÁT VÀNG


   Trời gần trưa con đò được nghỉ gần một khúc quanh sông. Bãi cát vàng bồi lên cạnh khúc lượn của con sông không biết lúc nào . Tôi được rời đò lên chơi trên bãi cát tinh khiết và quý báu này. Trong kia là khu rừng yên lặng. Đối với đứa nhỏ như tôi đó là một không gian thâm u, huyền bí. Cánh rừng rậm rịt, có đôi ba tiếng con thú kêu rời rạc. Tôi men theo con nước nhỏ xíu, một con lạch từ trong khu rừng bí ẩn kia chảy ra. Lạch nước trong ngần quanh co, giữa bãi cát vàng. Làn nước óng ánh phản chiếu ánh nắng như con suối nhỏ chảy ra nhập vào 'sông mẹ'.



  

    
    Tôi vừa hồi hộp vừa lo sợ bâng quơ, chẳng khác gì đang có chuyến 'phiêu lưu mạo hiểm' nào đó không bằng?  Vọc nước chơi xong, tôi đứng yên giữa bãi cát vàng phẳng phiu ngó vô khu rừng thâm u. Không biết trong đó có gì không? Có thể có những hang động huyền bí hay những "ông tiên ông bụt" nào chăng? 

nhờ vào Google tôi tìm lại vị trí của bãi cát vàng năm đó vào khúc quanh này 


  








Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn...


Có tiếng ai kêu tôi về. Con đò tiếp tục lên nguồn, ngược giòng Thạch Hãn  tận những gì bí mật của núi rừng. Ngoái lại sau, chưa gì tôi lại nhớ thành phố Quảng Trị, nhớ mọi người đang ở lại phía xa, tất cả như đợi tôi về.



BỮA CHÁO CÁ TRÔI




Càng ngược giòng, sông càng hẹp, có lúc rừng càng sát lại với con đò. Vách núi hai bên lại càng cao lên tôi phải ngẩng đầu lên để nhìn. Có mấy con rạch chảy ra nước cuộn sóng. Con đò có lúc đi giữa hai vách núi. Có vài gốc cây vươn mình ra sông, cánh lá nghiêng nghiêng, vài cây gỗ mục vắt vẻo bên bờ. Chợt đò dừng lại gần một vũng sâu nhất. Tôi nghe tiếng ba tôi và mấy chú đi theo lao xao nói chuyện trước mũi đò. Ba tôi đang cầm cái gì ném xuống sông,(dĩ nhiên sau này tôi lớn lên sẽ hiểu là ném lựu đạn) vài giây sau tôi nghe một tiếng "ùm" kèm theo một cột nước trắng xóa vọt cao lên cao.



    Có hai chú nhân viên của ba tôi nhảy xuống nước. Sau một lúc lặn hai chú quăng lên đò hai con cá rất lớn. Cá đánh được lớn hết sức. Trông hình chúng giống cá gáy, lớp vảy trắng bạc, vi lại vàng hươm. Tôi còn nhớ nhóm người trên đò gọi là CÁ TRÔI. Lần đầu tiên trên đời tôi có dịp thấy tận mắt hai con cá đầu nguồn lớn như vậy.Tôi cứ thắc mắc tại sao cá đó có tên cá trôi? 

  Cặp cá được bác chèo đò phụ làm một bữa liên hoan ngay trên đò. Lớp vảy tròn, trắng óng ánh, bị cạo tơi ra. Bữa cháo cá nấu ăn ngay trên đò ngon béo làm sao. Thời gian đò tạm dừng nấu ăn, chú Đệ- nhân viên của ba tôi-nhảy  lên bậc đá cạnh con đò. Chú Đệ cầm khẩu carbine báng xếp đi nhanh khuất lẩn vào trong những tàng cây bên vách núi. Một giờ sau khi bữa cháo cá trên đò nấu xong chú Đệ trở về, một tay cầm cây súng, một tay xách buồng cau xanh ngắt. Tôi cứ thắc mắc: làm sao trong rừng xanh lại có cau được? hay là cau rừng? Cau chỉ có dưới đồng bằng trong mấy xóm Thạch Hãn hay Trí bưu, Hạnh Hoa, ngã ba về Quy thiện sao có ở rừng xanh? Sau này tôi mới hay: sau rặng núi kia, có những bản làng người Thượng họ có trồng cau như mình.

cau rừng

 Cả đò ăn bữa cháo cá lấy sức để tiếp tục hành trình. Tôi nghe phảng phất, ông lái đò nói gần đến Ba Lòng rồi.                 



 Trời đã về chiều, núi rừng chuyển qua màu đen nhạt. Con đò vẫn nhịp nhàng khua mái ngược giòng. Mùa khô nước không chảy mạnh nên đò đi nhẹ nhàng. Lúc này tôi mới hiểu tại sao ba tôi lại chọn mùa khô để lên lại vùng này. 












Vài cây khô còn vướng lại bên bờ sau mùa lũ trước như không muốn rời xa quê hương hùng vĩ của chúng. Con đò có lúc lại sát rừng đến nổi tôi còn thấy vài loại cây phong lan bám trên mấy nhánh cao. Những nhánh phong lan đẹp lạ lùng buông la đà từ mấy cành cao, ngoài tôi ra chẳng ai để ý. Tôi còn nghe được nhiều tiếng chim lạ kêu lanh lảnh, lạ tai làm sao. Thỉnh thoảng có vài con bìm bịp thoáng bay qua mấy bụi lách. Hai bên vách núi lại có vài nhánh khe nhỏ nước chảy mạnh đổ vào giòng sông. Có lúc dòng khe đập vào mỏm đá làm nước tung lên trắng xóa. Tiếng nước chảy cùng tiếng chim kêu; tất cả hợp lại dội vào hai bên vách núi như "tấu lên" khúc nhạc rừng chiều.

*
                            BẾN ĐÁ NỔI


         -Đến rồi!

   Có tiếng người reo to.

ĐẦU NGUỒN SÔNG THẠCH

           



  Mặt trời bắt đầu lặn bên triền núi thì con Đò đến nơi. Chiếc đò cập vào một bờ sông cạn nước. Tôi còn nhớ ba tôi gọi bến này là Bến Đá Nổi.  Nơi con đò cặp vào là một bãi đá thiên nhiên lớp lớp muôn triệu viên đá tròn nhẵn thín, có viên to gần đầu người. Một sự mài dũa thiên nhiên nên bờ sông này mới có tên Đá Nổi. Một bãi đá, một cái tên và chỉ một lần trong đời lên đây nhưng tôi vẫn nhớ mãi kỷ niệm tuổi thơ tận đầu nguồn Sông Thạch. 

    Thân phụ tôi dắt con xuống thuyền. Đứa bé vội vã đi theo cha và các chú. Ánh chiều bị dãy núi chắn ngang làm cái bến vắng nhá nhem thêm. Tiếng chân bước rào rạo, càng khó đi do đá lổm nhổm.  Lần đầu trong đời, đứa bé như tôi,  mới thấy một bãi đá lạ lùng?!  Giờ, bờ sông đầy đá đó tôi chẳng biết còn hay mất Tên? Muôn triệu viên đá tròn trịa bóng nhẵn năm xưa đó không biết còn không ?

            BA LÒNG - THUNG LŨNG THẦN TIÊN


    Tôi vào làng, nói đúng hơn là vào thung lũng Ba Lòng thì trời đã nhá nhem tối. Cho đến sáng hôm sau thức dậy mới nhận chân ra đây là khoảng trời mở rộng cho đầu nguồn sông Thạch.

Một thế giới thần tiên như trong ảo mộng nhưng lại hiện thực cho tôi ngày xưa ấy. Những liếp nhà tranh ẩn hiện trong làn sương mờ buổi sáng; nơi đây là cả một thế giới khác một vùng cư dân lên đây lập nghiệp hồi nào mà tôi không thể ngờ ra . Tôi đã có dịp rong chơi và ngắm một thung lũng rộng mênh mông, một vùng đất hứa trù phú cho mấy rẫy bắp xanh tươi,bông bắp rung rinh theo làn gió lan truyền mãi tận xa tít, hết cả tầm mắt của tôi.   Tôi làm sao quên được mấy nồi bắp tươi nấu xong thơm phức, mùi bắp nếp lan tỏa khắp nơi trong mùa thu hoạch . Những nồi thịt heo rừng chú Đề, tay thiện xạ chú nấu với lá lốt rừng. Những con gà rừng cũng không thoát khỏi bàn tay thiện nghệ của các chú.

hình minh họa HEO RỪNG CÁC CHÚ NGÀY XƯA HAY ĐI SĂN BẰNG SÚNG SHOTGUN 


   





    Ngày tháng vui chơi trên vùng đất mới, có khi đứa bé trai tưởng mình đang ở "xứ thần tiên" như trong mấy cuốn truyện tranh thiếu nhi tôi từng đọc.   Núi rừng trùng điệp, bao quanh một vùng đất thưa dân và đìu hiu hoang vắng. Xóm làng của "thung lũng thần tiên" trong trí tưởng tượng bé thơ  mịt mờ trong khói núi sương chiều. Đứa bé xa nhà mường tượng như bị tách biệt hẳn khỏi thế giới con người khi sáng chiều đều nghe nhiều âm thanh xa lạ của một thế giới chim kêu vượn hú  cùng mây che bàng bạc, mờ ảo cả lối về.


Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên. 
(Thiên Thai)

  
    Chỉ một thời gian ngắn,tôi bỗng nhớ nhà. Quảng trị, thành phố thân yêu dưới xa nay đang khuất bên kia triền núi xanh lam mờ mịt. Dưới thành phố đó, ắt hẳn cả nhà tôi - mẹ và mấy đứa em thơ đang đợi tôi về.                                     
      Người viết còn nhớ một thứ cảm giác mộng mơ cùng chút nào đó bâng khuâng, lưu luyến chẳng khác chi  "Lưu Nguyễn,Từ Thức" trong mấy trang truyện tranh từng đọc.  Rồi trước sau gì tôi phải có ngày lại theo con đò chèo xuôi giòng sông Thạch, về lại "cõi trần " trong trí óc tưởng tượng của mình. Con đò chèo lại xuôi dòng Thạch Hãn về lại thành phố thân yêu nơi đó có cả nhà đang đợi tôi- đứa bé trai trở về từ  một xứ thần tiên xa lạ có tên Ba Lòng./.


ĐHL chớm Đông 2010


edition 4/9/ 2023  San Jose USA


                                thung lũng Ba Lòng  hiện nay

edit 3.9.2023


================================ 

  MỘT THỜI HOA DẠI

Những bông hoa dại không người hái

Lặng lẽ bốn mùa khắp mọi nơi

Không có người mong và kẻ đợi

Thời gian vô nghĩa tháng năm ơi...

(Hoa Dại/ Hà Thiên Sơn)




    Người viết nhớ có lần nhắc (hay viết) về một loài hoa dại làm bạn bè 'nhao nhao' cả lên. Trước tiên là cái tên. Văn hoa một chút thì là hoa ngũ sắc; quê mùa một ít thì gọi là tiêu hoang. Có vài tên cho thứ hoa này. Nhưng đó là quá khứ xa xưa của lũ con nít chúng tôi, một thời Quảng Trị.





Rồi bạn bè nói cách ăn nó ra sao? Có người thì nhắc lại chuyện 'hút' mật loài hoa này rồi khen ngọt và thanh. Khi hoa nở rộ ngứt từng cánh rồi hút ở đằng sau chất nước ngòn ngọt hiếm hoi nhưng ngọt thanh. Thật ra giữa đồng hoang cỏ dại có gì hơn nó? Có bạn vừa nhắc lại cái tên là tiêu hoang (không phải là tiêu pha hoang phí) nhưng cái tên tiêu hoang này được bạn đó cho hết vào miệng phun phì phì mà thôi không ngọt ngào thanh tao như hút nó lúc hoa hoang nở rộ.


    Chuyện đáng nói là loài ngũ sắc, tiêu hoang gì qua xứ Mỹ này đều thấy người ta bày bán một cách trịnh trọng. Giá nó lại không rẻ mới là chuyện đáng bàn?


bạn bè mua hoa này ở Mỹ


bạn bè và sim hoa


Rồi Sài Gòn người ta dùng làm cảnh cho mọi nơi tư gia công sở. Thế là Tiêu Hoang đã có thế đứng và phẩm vị trong giới yêu hoa.


HOA DẠI TỪNG CÓ MỘT QUÁ KHỨ VÔ DANH VÀ CÔ ĐỘC 


A té ra cuộc đời này cũng có nhiều chuyện 'đổi đời' ngay cả loài hoa hoang dại không 'đáng xu' nào vào thời xa lắc xa lơ nói cho 'cường điệu' một chút là vào thưở "hồng hoang tuổi nhỏ' của ngoại ô QT. Lớp con nít thời đó tha hồ rong chơi vui thích biết chừng nào! Có những nhà thơ từng thương hại cho những loài hoa dại vô danh người  đời chẳng màng tơ tưởng thi sĩ Hà thiên Sơn từng chua chát viết... 


Hoa dại vẫn là hoa dại thôi

Từ thuở xa xưa chẳng có người

Đặt cho tên gọi loài hoa ấy

Hoa dại suốt đời chẳng có đôi.



Nhưng nay đã khác rồi, người viết nghe đâu ở Sài Gòn người ta lại bày bán loài hoa dại dù có tên nhưng có một quá khứ hoang dã như hoa ngũ sắc hoa mua...


hoa mua


Phải vậy chứ, ai giàu ba họ ai khó ba đời.


 Những loài 'hoa thượng lưu' phải nhường bước cho những loài hoa dân dã và ngay cả những thứ còn hoang dại hơn cả dân dã nay có dịp đổi đời.


          ngày xưa Quảng Trị có những đồi hoa sim lan xa  

Công bằng mà nói thì đâu phải hoa ngũ sắc như người viết trình bày đâu? Ngay cả hoa sim trâu nay cũng được người đời nâng niu trồng trong các chậu. Ôi một thời sim trâu, cái tên thời con nít tôi còn nhớ được, lúc đó không ai thèm ngó ngoài trừ sim thường. Sim trâu còn có cái tên khác nữa? Sau khi tìm tòi người viết mới biên thêm rằng...Sim không ăn được đó chúng ta còn gọi là "SIM MUA". Cây sim mua cũng có trái, nhưng thô ráp, không chín ngọt như sim thường, chỉ được một điều: sắc hoa mua màu E ẤP DỊU DÀNG xen kẻ với những lùm sim hoa trái ken nhau dưới một bầu trời mây gió thênh thang, hoang dại.

Từ những loài hoa dại cho đên các loài cây dại rồi đến các sinh vật hoang dại vào thời này đều có 'đẳng cấp' hết thảy.


Có thể đây không là chuyện lạ do nó là luật đời (hay chuyện đời). Nhưng có cái đáng nói do thời này ta khó tìm lại thú vui hồn nhiên của lớp tuổi thơ ngày cũ? Khó lòng có được trong một xã hội mọi thứ đều bị 'quy hoạch' ra tiền như hôm nay.


Ngày xưa có những lớp tuổi nhỏ dễ dàng có những niềm vui thơ dại. Chỉ một bụi hoa hoang dã bên đường hay một ít cành cây, khóm lá không mất tiền mua cũng đủ vui thích, thỏa mãn. Một thời, tâm hồn con người dễ dàng hòa điệu với thiên nhiên, không đòi hỏi giá trị và điều kiện tiền bạc, giàu nghèo... Mây gió, đồng hoang cỏ dại, cùng tuổi thơ từng 'hợp tấu' để làm nên khúc nhạc đời chất phác, hồn nhiên biết chừng nào./.



ĐHL tối 28/3/2019 



===================================== 



BAO GIỜ EM QUÊN và tiếng hát cố ca nhạc sĩ DUY KHÁNH

 



Bao Giờ Em Quên

 

Chuyện ngày xưa, chuyện của bao chàng trai miền trung phải giã biệt quê nghèo, khô cằn sỏi đá ra đi, hướng về phương nam tìm con đường sự nghiệp. Bởi vì sao? bởi vì "quê em nghèo lắm anh ơi! mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn" như cố nhạc sĩ Phạm đình Chương từng viết.


Có những chàng, tuổi chưa đến hai mươi, bước chân phiêu bạt ra đi mang theo nhiều ước vọng nơi chốn phồn hoa. Phải chăng phương ấy từng là chốn đam mê, lôi cuốn cho ai phụ rẫy lời 'thề non hẹn biển' nào đó với người yêu nơi quê hương, cố lý. Còn ai nhớ lại hình ảnh năm xưa với cô thôn nữ bên luỹ tre làng, từng dưới trăng hò hẹn, khi lúa mới trổ đòng đòng khi mùa giáp hạt như ngấn lệ đau thương cho những cuộc tình tuy đượm nồng nhưng mãi hoài bươn chải  trong đói cơm rách áo?


Và những khoảng cách ngày xưa xa vời vợi. Ra đi, về nam nhưng cô thôn nữ lại tưởng như 'ngàn trùng diệu vợi' chẳng bao giờ gặp lại người thương. Một lần đi như rứt ruột, người phương nam có giữ được thề xưa, để người con gái đợi chờ và mãi đợi chờ?

Hỏi em rằng, em ở ngoài ấy ra sao?

Má xưa còn thắm còn thắm hoa đào?

Mắt xưa còn xanh màu biếc?

Nụ cười có đẹp trăng sao?

(Bao giờ em quên- DK)



Người tình ra đi nhưng lòng đau đáu hướng về quê, nơi người yêu đang mãi đợi. Mong nét xưa còn "xanh màu biếc", đợi anh xin vững niềm tin như hai ta thường nhìn lên bầu trời quê hương hằng đêm đẹp như trăng sao ngày đó.

Những khoảng cách hun hút xa xôi, quê hương cách trở quan san. Một ngày xưa không có những chiếc máy bay hiện đại hay những chiếc xe đò tân tiến xa hoa như hôm nay. Những khoảng cách khi ra đi, và ngày trở lại có thể tóc đã bạc hay má đã nhăn theo vết hằn năm tháng.

 

Một khoảng cách của núi rừng trùng điệp, của con đường thiên lý xa khuất tầm nhìn. Người trai ra đi có ngoài lại đằng sau, quê hương khuất xa hơn cả chân trời.

 

Thời gian vẫn là điều thử thách. Phương nam mịt mù, khi đã quyết ra đi tìm tương lai vẫn mong em tin ngày trở lại. Sự hồi hộp lo âu cho người yêu có thể mòn mõi đợi chờ. Thời xuân sắc của người con gái chỉ có một lần không bao giờ trở lại. Và người con trai lo âu cái cảnh:

 

 phòng không đêm vắng?

Ai về mai nắng chiều mưa? (DK)

 

Rồi người yêu xưa khó lòng chờ đợi, phải sang ngang do e rằng tuổi xuân heo hắt khi người con gái chỉ một lần xuân.

Có thể ngày trở về anh chỉ còn dấu chân kỷ niệm, bên bến đò xưa chỉ còn lại dấu vết đám đưa dâu, để anh phải thất vọng ê chề nhìn cảnh


"Hương Giang thuyền không chỗ đậu

...

Đưa người đẹp ấy sang ngang "


Anh rất mong đừng bao giờ thế. Dù miền nam mưa nắng hai mùa, dù phương nam "bốn mùa nắng cháy" anh thề sẽ trở về quê khi công thành danh toại để cùng người yêu "thấp sáng hoa đèn". 

Nhưng đêm đêm anh vẫn hướng về miền trung thương nhớ và mong rằng:


"xin đừng bao giờ em quên"


Chỉ thế thôi em ơi!


ĐHL 1/9/2016


nhớ về tiếng hát Duy Khánh


========================== 


DƯA MẮM NGÀY XƯA -MỘT THỜI ĐẠM BẠC 



Tôi sinh ra đời là đứa cháu ngoại đầu tiên lại được gần gũi với đại gia đình ngoại tôi nhiều nhất. Đại gia đình ngoại tôi thuộc thành phần "cố cựu" sinh cơ lập người từ thời Pháp  tại Cửa Hậu thuộc phường Đệ Tứ thập niên 1940 cho đến 1972 mới cùng  bà con làng xóm ra đi... 

Mợ cả tức là dâu đầu của nhà ngoại người Phò Trạch về  làm dâu trước khi tôi ra đời. Mợ còn chăm sóc mấy ông chú tức là các cậu tôi từ hồi  niên thiếu. Mợ là người dâu trưởng cùng là người chứng kiến nhiều bao thăng trầm vinh nhục trong đại gia đình.


Giờ tôi xin kể cho trong nhà nghe những món 'nhà quê' dưa mắm đó là chi?

Nhưng trước tiên phải xác nhận là đại gia đình ngoại tôi sống nhờ vào đồng lương công chức thì tất nhiên không phải là những 'sơn hào hải vị' nào cả.

Cà pháo dầm muối: bàn tay mợ tôi muối thật khéo. Từng khạp cà pháo dầm muối, nổi men chua trắng bóc trên mặt . Mợ dầm với nước mắm tỏi ớt thôi mà cả nhà đều thích. Trí nhớ tôi còn nhớ như in , cà pháo dầm chua là Mọ hay làm. Cậu Cư lại là nguòi ghiền cà pháo (ngoại trừ anh Sanh chỉ ghiền thịt , cá món hiếm vào thời buổi hàn vi.


Người viết lại kể tiếp về món dưa chuối muối chua. Ngày xưa, các cậu đi học ăn nhờ vào gia đình anh cả tức là cậu mợ cả . Mợ  là người nội trợ quán xuyến trong nhà thì làm sao phải giúp đại gia đình đông đúc kham đuọc chuyện 'dua muối' qua ngày. Già rồi, tôi mói cảm phục đức tính này của mọ. Những cây chuối con mợ bói từ bụi chuối sứ sau nương (góc nương này sau này ngó qua là căn phòng của anh Lê bá Lư đang học lớp đệ tam nhưng thời này nhà anh Lư chưa lên, sát nương ông Lâm tức là nhà bác Kinh sau này) mợ đem vào cắt mỏng trộn rất nhiều vói cây kiệu. Cây kiệu là thổ sản của đất QT nên khạp dưa chuối vừa chua vừa thom kiệu. Món dua chuối này mợ kho nước ruốc để chấm. Thế mà cả nhà đều khen ngon đưa cơm ngon miệng.


Từng gốc cây chên tức dền , hay gốc cây đu đủ mợ cũng phơi khô trộn với mắm nục tù Gia Đẵng hay Cửa Việt lên, fthế là cả nhà đều có những thẩu mắm chên ngon 'nhớ đòi' . Phải thật sụ là nhớ đòi vì cho đến lúc này ngày mọ tạ thế đã hơn 50 năm mà tôi đây còn nhớ.

Cái khéo léo giỏi giang, gọn gàng tính toán của mợ tôi thật sự thán phục . Đồng bạc eo hẹp, miệng ăn đông trong nhà , cậu ỏ xa , mùa đông tháng giá chọ đò không có chi; miếng cá chuồn khô nướng, tô cà pháo, dĩa dưa chuối ; họa hoằn khi cậu Cư vào hay nhũng lúc sau này cậu Cư làm ở QT mói có dưa giá thịt heo hay món canh thịt bò .

Tôi lại nhớ cái tài mợ um đồ ăn; cũng ngần ấy thịt bò bạng nhạng' là loại hai , nhiều gân và mõ , chỉ một trăm gram thôi , mọ um thật khéo léo nồi canh thật ngon. Giờ đây hình ảnh và cách um của mợ thằng cháu này còn nhớ rành rành trong đầu. Ướp nuóc mắm hành cho thấm chờ chút mõ trên song sôi lên phi hành cho thơm bỏ chén thịt ướp vào đảo đều không lâu và không mau quá, xong bỏ dưa cải chua vào đảo đều cho thấm,  Cho nửa chén nước vào sôi riu riu lại rồi mới thêm nước cuối cùng vào để tạo thành nồi canh cải chua. Chưa xong đâu, mợ truống nồi canh qua bên đánh thêm nủa muổng cà phê ruốc ngon QT đánh tan trong ít nước lạnh thế là có một huong vị nồi canh cải chua QT rất ư là QT vì nó không giống chi là canh chua trong nam cả .

Kể dong dài về những món ăn đạm bạc của Mợ mà tôi nhớ nhiều nhất. Trong đại gia đình Dì Liễu có tài về cách nấu các món ăn kiểu cách ; chỉ có mợ là người rành rọt về những món ăn dân giả ,nhưng đầy huong vị quê huơng và nồng ấm tình cảm gia đình ; đó là sự chắt chiu dè xẻn, tính toán chi ly mà mợ là người chịu trách nhiệm của người dâu đầu chị cả trong nhà.

Cho đến những ngày chạy loạn vào Đà NẴNG , tôi là thằng cháu ngoại từ quân trường ra ,ghé Non Nuóc (1973) trong thoáng chốc nhưng hình ảnh Mọ chắt chiu tùng bụi cỏ khô bên rìa phi trường bỏ hoang Non Nuóc vào làm củi đốt trong trại Non Nuóc 5. Thời này tuy gạo chạy giặc có cấp phát cho lưu dân QT nhưng củi đốt là cả vấn đề gay cấn. Luu dân QT chạy vào sống tạm bọ tại các trại tạm cu như Non Nước, Hòa Khánh 1972-73 làm gì đào ra 'chất đốt' . Ván trại lần hồi bị tháo ra dần làm củi đốt chụm nhưng rồi cũng hết, cỏ khô cũng hết ... thật lạ nan giải cho đến lúc DI DÂN KHẨN HOANG LẬP ẤP vào tỉnh Bình Tuy 1973.

Vào tận Bình Tuy hàng vạn di dân QT lại bắt đầu cuộc đời nương rẫy khi được chính phủ cấp phát đất rừng cho làm ăn. Buôn bán nông phẩm cho đến chuyện rẫy rừng bắt đầu từ dạo đó. Cho đến sau này cùng lúc với thời thế đổi dời người gốc QT càng lúc càng nhiều đi đâu cũng thấy. Kể chuyện cho đời sau này cho con cháu hình dung một quá khứ đạm bạc muối dưa của cha ông mình nó quyện lẫn với đất đai phong thổ với chuyện lụt bão hàng năm như là định mạng qua bao nhiêu đời nay đã là chuyện thường tình. 

ĐHL edit 3.9.2023

========================== 

       ĐOẢN VĂN
                            ĐÒ   CHIỀU 



*
vạn đò chợ Bến Hộ, Quảng Trị trước 1968

    Có một dòng sông ngày xưa từng qua bến Chợ. Người đi nhớ sao da diết một thời  đông vui bên sông nước thân thương. Rồi cuộc chiến điêu tan và cuộc đời dâu bể. 

    Có một ngày dòng sông lặng lẽ trôi qua bến vắng, nhưng chỉ còn lau lách đìu hiu và gạch đá vô tình. Có những nhịp cầu gãy nhịp bắc nam; Sông chứng kiến từng ngày- quê hương biên thêm dòng lệ sử. 


        mạ buổi chợ về (trước 1968)

    Bến xưa còn đó nhưng chẳng còn con đò năm cũ. Con đò xưa từng đưa mạ mỗi sáng sang sông, giúp qua kịp chợ. Trẻ thơ doi dỏi mong bóng mạ về. Mạ tất tả xuống đò, kịp chuyến. Đò sang sông mang cả niềm vui trong gói quà mạ mua về cho con dại. Mấy đồng bạc chắt chiu, mạ tháng ngày tần tảo. 


     Những đứa con của mạ năm nào có về lại bến xưa, dáng mạ thân yêu giờ là hư ảo...xa xa gió cuốn mây trôi, hình bóng mạ đã là một trời miên viễn.


cuộc đời sông nước (trước 1968)

    Cuộc đời âm thầm trên sông nước bao năm. Cô gái đưa đò, chờ khách sang sông. Sóng sánh dòng nước sông xưa, nước êm ả về xuôi, người khách lạ trộm nhìn cô gái đưa đò. Lòng muốn nói, nhưng đò đã cập bến tê, khách xuống đò cho rau qua kịp chợ. 

    Có ông lão trải đời qua tháng ngày bập bềnh sông nước. Gió thu hiu hắt, sóng gợn lăn tăn. Con chim bìm bịp kêu chiều như tiếng buồn đời lão. Sông lạnh chiều đông, lão ngồi thầm đếm tuổi đời trên sông nước quạnh hiu trong nghèo khó cơ hàn. Gió đông về, thổi hồn cô quạnh, lão cúi đầu thầm nguyện những ước ao. Bụng đói ăn, thân người thiếu vải; đời lão chai lì trong nỗi truân chuyên. 

vạn nghèo bên sông Vĩnh Định An Tiêm (chụp từ cầu Sải) sau năm 2000

    Bốn mươi năm hay năm mươi năm chuyện cũ, ngày trở lại bến xưa chắc không còn ai nhớ cô gái đưa đò và ông lão nghèo nàn bên bến nước cô liêu...

    Nhớ về quá khứ, tôi thương sao hình ảnh dòng sông quê hương. Dòng sông quê có bóng con đò và những người năm cũ, nay như lẩn khuất trong sương khói thời gian./.

ĐHL 


============================== 


No comments:

Post a Comment