HOA NỞ VỀ ĐÊM
Vì trong phút ấy, tôi một mình thì thầm, giờ đã gặp được nụ hoa nở về đêm...
Sáng sớm vừa ra vườn sau, bất giác tôi cảm thấy một mùi thơm rất lạ. Quả thật, có mùi thơm loài hoa nào đó làm khứu giác tôi chợt 'choàng tỉnh giấc'. Có thể vườn hàng xóm đang có cây hoa quý nào đó? Tôi cố nhìn quanh, ngửi theo hướng gió...
Ôi thôi đúng rồi! Có hai đóa quỳnh trắng lần đầu tiên vừa nở trong đêm. Hai đóa bạch quỳnh này đang xen với mấy đóa hồng quỳnh nở hai hôm trước. Mùi thơm lạ này chắc chắn tỏa ra từ hai đóa bạch quỳnh vừa nở, ngay cái chậu gần chỗ tôi đứng, thế mà tôi chẳng hề hay.
Chuyện là mấy bữa nay tôi cứ xun xoe, mừng rỡ, chụp hình, khoe với bạn hữu mấy đóa hồng quỳnh do nó quá đẹp. Thú thật với quý bạn, hoa quỳnh đỏ đẹp thì đẹp thật nhưng tôi chẳng khám phá ra mùi hương nào cả. Giờ phút này, xin thưa thật đây là lần đầu tiên kẻ viết bài này mới khám phá ra một hương thơm tuyệt diệu từ mấy đóa bạch quỳnh vừa nở trong đêm. Trồng quỳnh ba năm, giờ này tôi mới có dịp thưởng thức được sắc hương bạch quỳnh.
Làm sao tôi không vui, khi vừa có thêm sắc hoa màu trắng tinh khiết- cùng một mùi thơm thật lạ làm "dậy" cả hồn người. Hai chậu quỳnh lớn nhất đang liên tục nở hoa. Mấy cành lá xương xẩu, khô khan, thiếu nước, trông bạc nhược một thời gian trước đây, được đền bù bằng những đóa hoa tinh khôi, đẹp rực rỡ.
Người viết cũng xin thưa với quý bạn, hồng quỳnh, hoàng quỳnh cũng từ mấy chậu này. Tôi trồng ba năm nay, ít nhiều đều ra hoa. Mùa trước, hai loại quỳnh vàng, đỏ đã ra hoa nhưng nhỏ hơn. Năm nay, sau khi bưng các chậu quỳnh ra mái hiên sau, chúng cho hoa thật lớn. Tôi nghĩ rằng quỳnh không chịu nắng gắt hay khí trời quá lạnh.
Sáng nay, quả là một bất ngờ đầy thú vị đến với tôi. Khứu giác vừa được mấy đóa bạch quỳnh "ban thưởng" sau mấy năm săm soi, chăm sóc. Hương thơm như vương vấn, đậm đà trong làn không khí lành lạnh của buổi sáng sớm. Một màu trắng tinh khiết cùng mùi hương thật lạ vừa giúp tôi tỉnh người trong buổi sáng tinh mơ. Cảm giác mừng rỡ cũng có, phấn chấn cũng có do tôi biết hai chậu quỳnh lớn này vẫn còn ra hoa. Những búp quỳnh mới nhú, mỗi ngày một dài hơn, chực chờ bung ra nhiều đài hoa lộng lẫy, đỏ đậm hay trắng trinh bạch.
Từng lá quỳnh trông như cố uốn mình, xương xẩu, khô khan trông thật bạc nhược. Do đây là cách thức tôi 'ép' cho quỳnh mau ra hoa theo lời chỉ vẽ của đồng hương, bạn hữu. Giờ công sức này được bù lại bằng những đóa hoa đẹp tinh khôi cùng thứ hương thơm quyến rũ lạ thường.
Một sự phấn kích, khoái trá do cảm giác này "không hẹn mà gặp". Do nó quá bất ngờ lẫn thú vị. Rõ ràng tôi chẳng cần quá cầu kỳ hay tốn kém gì; thế nhưng, sớm nay tôi nhận được một hương thơm đậm đà đến thế.
Tôi cố gắng diễn tả mùi thơm của quỳnh, hay cụ thể hơn là bạch quỳnh để quý bạn đánh giá xem sao.
Hương hoa sáng nay không giống hương NGỌC LAN do ngọc lan quá nồng nàn. Nhưng thứ hương này chẳng giống mùi thơm của hoa hồng- thứ hương thơm nhẹ thoáng, vào ban trưa nắng đứng bóng chúng ta mới cảm nhận được. Hoa lài thoang thoảng thơm do hương lài lúc có lúc không như bay bổng theo làn gió nhẹ.
Phải chăng hương quỳnh là một sự kết hợp; hay nó mang một tố chất rất riêng giúp khứu giác của ta không lầm được. Nói, quỳnh hương nồng nàn cũng chưa đúng hẳn; mà thoang thoảng thơm như lài cũng chẳng phải. Tôi phải vận dụng từ ngữ ra sao để diễn tả cho thật đúng một hương hoa vừa cho tôi một cảm giác sảng khoái vào sáng nay...
Một mùi thơm của loài phấn hương trang điểm, kết hợp một ít nồng nàn của ngọc lan cùng hương hồng để cho ta một hương thơm nhẹ nhàng lẫn sâu lắng nào đó nhưng lại thoảng bay xa. Hương thơm thật lạ giữa hai trạng thái chìm đắm nhưng nhẹ bay xa. Một hấp lực nào đó để khứu giác mình phải chú mục, tìm kiếm; không được lơ đễnh coi thường mới cảm nhận được. Một loài hương chẳng cần quá "chiều chuộng" ta, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng "phục vụ", trái lại bắt mình phải trân trọng, săn tìm, nâng niu.
Những sáng sớm khác, nhiều đóa bạch quỳnh nở muộn tiếp tục ra hoa. Có điều khá bất ngờ làn hơi lạnh buổi sáng hay nhiệt độ khác thường khiến hương thơm bạch quỳnh như bữa đầu tiên không còn xuất hiện. Tôi vắt óc cố suy nghĩ tại sao? Cũng hoa quỳnh trắng, cũng nở về khuya sao mùi hương quý báu kia đi đâu mất? Tôi đoán rằng không phải hương quỳnh khi nào hoa nở đều có mà tùy căn duyên theo một lý do nào đó...độ ẩm, hơi lạnh áp suất không khí nói ra điều này mới thấy QUỲNH HƯƠNG quý báu làm sao !
Thế thì người viết có nên cho hương quỳnh là một loài hương quý phái thượng lưu chăng ?
Hay mình nên đặt hương thơm này- hương bạch quỳnh- với cái tên là Hương Tiên Tử.
Ôi nếu được vậy, ai cũng chiều ý thế, thì tôi sung sướng biết bao !
Bình phẩm tùy bạn đọc. Nhưng theo người viết bài, một khi đã thích quỳnh thì chúng mình hãy tận hưởng mùi quỳnh hương nhiều hơn nữa.
Bạch quỳnh nở đều đặn các đêm tiếp theo. Tôi còn biết thêm một kinh nghiệm từ mấy chậu quỳnh. Quỳnh trắng nở sau cùng; chậm nhất nhưng lại thơm, thế mới quý làm sao.
Người viết lại “bụng bảo dạ”- chỉ ngần ấy chậu quỳnh trong nhà là đủ. Người viết sẽ không gầy quỳnh thêm nữa làm gì. Cuộc đời này, cái gì nhiều quá cũng tự nó mất dần giá trị- biết đủ là đủ.
Có hai điều tôi cảm nhận được từ hoa quỳnh đó là LOÀI HOA NỞ VỀ ĐÊM; tiếp đến, quỳnh hương, theo tôi mới chính là HƯƠNG THƠM TIÊN TỬ./.
ĐHL
edition
==========================
CANH TẬP TÀNG
Hai Tiếng "Tập Tàng" nghe sao xa lắc lơ. Nhất là vào thời đại bây giờ chắc mấy ai còn nhớ. Mà nhớ làm chi những mảnh vườn 'ốm o' những tâm tình 'gầy guộc' những miếng đất cỏn con đào lên bới xuống không biết mấy lần. Một ngày xưa tất cả gộp lại phải chăng đó là một bản "giao hưởng u buồn".
BA MẠ TÔI VÀ CÁI VƯỜN XƯA
Sau mái tranh nghèo là mảnh vườn bạc màu của nhà chúng tôi hồi đó. Mấy cây xoài chẳng bao giờ thấy trái. Hàng năm những cây xoài là 'vùng đất' cho bầy rầy xanh bu kín phá hoại không ra nổi bông. Mấy cây ổi ốm yếu trồng từ hồi mẹ tôi buôn trái cây từ Mỹ Tho về đến Bình Tuy. Nhưng cũng nhờ mấy cây ổi đó mạ tôi cũng kiếm vài ba lon gạo. Còn ba tôi thì bán cho mấy đứa học trò vài đồng để dành mua thuốc lào.
Ba tôi kiếm đâu ra một cây mướp đắng loại trái nhỏ tí teo. Thứ mướp này thân nhỏ chẳng khác chi sợi chỉ, mọc vắt vẻo trên vài ba nhánh nè. Lạ thật? giống mướp này cành khẳng khiu như thế, chỉ vài ba trái loe ngoe, có to lắm cũng chỉ bằng ba ngón tay chụm lại.
Cây mướp đắng như thế, dĩ nhiên chẳng giúp gì cho mạ tôi cả. Đám rau đắng bên hông nhà mọc tốt, nó còn cho mạ tôi kiếm được ít tiền.
Ngày vợ chồng tôi về thăm quê hương, tháng 1 năm 2017, chỉ nghe mẹ tôi nằm trên giường ngâm nga, ậm ừ mãi về trái khổ qua. Phải chăng mạ tôi tuy mụ mẫm tuổi già nhưng vẫn nhớ ba tôi và cây mướp đắng 'ốm o nay đã không còn...
Đói lòng ăn trái khổ qua
Nuốt vô thì đắng, nhổ ra họ cười ...
Ba tôi đã đi xa về miền dĩ vãng hơn hai mươi mấy năm rồi. Tôi cứ mường tượng hình ảnh con chim sâu hay bay về láo liên, nhảy nhót trên nhánh khổ qua. Mấy trái đắng nhỏ bé, cong queo vẫn mãi đu đưa theo gió.
Mấy mươi năm về lại vườn xưa. Đám rau đắng còn mọc xanh tốt nhưng bóng Mạ không còn. Cái chợ quê đã mấy thu qua, vẫn nhớ bước chân mẹ già, hàng ngày tần tảo...
Ai đó có hoài niệm, riêng tôi thì thương nhớ về hai chữ "tập tàng". Nói sao chăng nữa, đó là tình cảm gắn bó với nguồn sống chắt chiu nhưng đó là ân tình sâu đậm cho cả nhà tôi còn sống đến hôm nay
"Chúng ta đi mang theo quê huơng", ở đây người viết mong bạn đọc nhìn cái vườn này, rồi các bạn sẽ thấy những loại rau bình thuờng nhất tại quê nhà đều có ở xứ người ta.
ĐHL trong khu vườn xứ Mỹ
Tại sao tôi nói vậy? Những thứ như rau lang, rau má, rau dền, rau cải, rau chanh, húng lủi ngay cả rau SAM vị chua chua bông vàng cũng có tại vườn người viết hôm nay.
Tôi lại thích đặt tên cho cái vườn này là vườn rau "tập tàng "hay VƯỜN TẬP TÀNG , vì mỗi khi "nổi hứng " là tôi hai mỗi thứ mỗi ít vô "nấu canh chơi ". Vì sao mà "nấu canh chơi" vì khi bà xã tôi "nấu canh thiệt" thì tôi đây chỉ tới bàn ngồi ăn thôi. Còn lúc bà xã tôi bận, hay đi đâu thì "vắng chủ nhà , gà bươi bếp" thế là Hai Lúa tôi chạy ra vườn "trổ tài ". Vừa nấu canh tập tàng "ăn chơi " giải trí vừa có lúc ôn lại chuyện xưa cũng đõ buồn.
Khác với "VƯỜN ĐỊA ĐÀNG" của các vị phú gia, người viết chỉ sở hữu được cái 'VƯỜN TẬP TÀNG' đơn sơ này thôi. Bình dị đời thường chừng nào càng hay, càng hợp ý người viết chừng đó. Những loại rau quá bình thuờng, thế mà khi chúng "cất cánh bay xa" mọc tại quê người sẽ cho tôi thứ cảm giác ra đi mà vẫn mang theo hình ảnh vườn xưa, rồi chính tay tôi đã nấu được nồi canh "tập tàng xứ Mỹ"./.
*
Ra tù, tôi được cho về Hàm Tân. Cái tên Động Đền người Quảng trị "Di DÂn Lập Ấp" Bình Tuy 1973 ai cũng biết. Động Đền là một địa danh , không là tên của thôn hay xã nào cả.
Những mái nhà tranh nằm gọn giữa những vồng khoai, sắn. Những khoảng cát trắng, vài miếng ruộng hiếm hoi. Họa hoằn có vài mái nhà tôn xi măng [*]; đó là hình ảnh của một 'Động Đền' sau 1975.
một tấm tôn XI MĂNG từ thời 'di dân lập ấp 1973' sót lại này thưng che gió nấu bếp
Nhà tôi có thêm 'lợi tức'. Hai chữ "lợi tức" nghe sao lớn? thật ra là kiếm được thêm vài đồng bạc 'mắm muối' nhờ vào vạt mía lau sau hè.
Khi tôi ra trại về nhà thì vạt mía lau này đã rậm rồi. Mấy đứa em tôi trồng vào thuở 'thanh niên xung phong'. [**] Vạt mía mọc chi chít. Những thân mía sao "ốm o", dài cong queo , nằm xen trong bao lá khô, rậm.
Thế mà mạ tôi kiếm ra tiền mới lạ?
Trước kia người mình ăn mía, nhai mía; nhưng là mía mừng chứ đâu phải mía lau. Những đốt mía mừng to, bậm, róc vỏ xong, nhai mềm ngọt lịm. Nước mía thơm ứa ra trong từng kẻ răng cho người ăn đỡ cơn khát, mùa hè Quảng trị một thời.
Giờ về đây, Động Đền, dân mình mua từng đốt mía lau, cứng ngắt, nhai đỡ 'thèm chất ngọt'. Mía lau rất cứng, chỉ để ép ra nấu đường thôi. Cứng, mẻ răng, đứt lưỡi làm sao ăn được? Nhưng tất cả đều là tiền, là chút lợi tức chắt chiu như từng bó rau heo, mớ khoai vụn một thời khốn khó cho bà con ở đây , hình ảnh nay tôi vẫn còn nhớ mãi.
mía mừng
Mà lạ, tại sao người ta không trồng mía mừng vào lúc này? theo tôi do đất đai hiếm hoi khi nhìn những miếng ruộng cỏn con như trồng 'làm cảnh' thì đất đai trồng mía ăn chơi, 'phí' quá thôi.
Một thời sắn khoai thay gạo. Bột khoai , bột sắn là những 'dinh dưỡng cao cấp' . Vạt mía lau sau nhà, dùng để giữ làn nước dữ sau cái đê cát thủy lợi. Tôi nhớ sao hình ảnh những trận mưa xối xả trong màn trời giông tố. Bao làn nước từ dốc Sơn Mỹ 'hồng hộc' tràn về thôn tôi, ập vào nhà tôi, tràn vào nền đất, xô rào rạo cái vách lá...
Những đồng bạc hiếm hoi kiếm được từ những đốt mía lau, 'ốm o' khô đét như nhánh nè , nằm cạnh gánh hàng của mạ tôi trong buổi chợ quê. Mạ tôi chắt chiu mua thêm con cá, hay lon gạo đó là những gì nâng niu trân quý cho từng tấc vườn, từng gốc cây ổi, cây xoài. Ngay bụi mía lau sau hè tưởng chừng hoang dại; nhưng lại là từng đồng bạc, từng lon gạo kiếm thêm.
Tôi thuơng về kỷ niệm Động Đền, một thời khốn khó. Hình ảnh mãi ghi trong tim tôi là hình ảnh một mái nhà những mái lá lưu dân Quảng tri trong đó có nhà tôi. Tôi còn thuơng sự dễ dãi, xuề xòa người xóm tôi, ăn mía lau mà quên đi đốt mía mừng ngọt mềm, ngày trước.
Ôi thời gian! mới đó mà mấy mươi năm lao qua nhanh lúc nào chẳng hay? Con đường thôn xưa um tùm cỏ dại cùng bao vạt mía lau của xứ Động Đền nay đà mất dấu. Mấy đám mía trong xóm nhà tôi nay biến thành những vườn điều cùng những ngôi nhà xây mới. Thời này, lò ép đường thô sơ các xã lân cận nay cũng không còn. Đời sống vật chất thời nay đã thay đổi rất nhiều. Những loại đường trắng tinh khôi nhập từ nước ngoài đã thay thế phần nhiều những bánh đường đen thô sơ mộc mạc. Dù sao chăng nữa, có thể nơi nào đó còn trồng mía lau đễ cung cấp cho những xe nước mía thành phố. Đất đai bây giờ tiền muôn bạc tỷ chắc không còn thừa mứa để trồng những loại cây như vậy.
lối xóm cạnh nhà mẹ tôi hôm nay (tết Đinh Dậu 2017)
Hôm nay vợ chồng tôi về, đường sá thênh thang, phố phường mở rộng. Lối cát nay mất dấu chân xưa. Lồng lộng trong gió biển Hàm Tân một thời phi lao vi vu hát, làm tôi nhớ thuơng đám mía lau mộc mạc ngày đó biết bao./.
ĐHL 1/8/2015
[**]: sau này lập gia đình, vợ tôi kể lại giống mía lau xuất xứ từ nhà vợ tôi bên xóm, các em tôi qua xin về làm giống.
Em đến tôi một lần.
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân... (VĂN CAO)
Bạn đọc thân mến,
Gia đình tui qua Mỹ gần ba mươi năm rồi thế mà Lúa tui vẫn không quên cái chuyện rẫy nương của mình. "Chuyện rẫy nương" đó là cái chi thưa bạn đọc? Chẳng qua đó là cái thói quen 'chự' vườn của tui chẳng hề thay đổi. Có đôi khi tui nghĩ, nó giống y như mình chưa đi Mỹ không bằng?
Vườn sau của tui có trồng một mớ cải cay. Năm đó Lúa quyết phải có giống hột cải để làm cho vụ sau. Chuyện hột giống nghe qua chẳng có chi là lạ? Mười mấy năm lăn mình với đời nương rẫy bên nhà đủ cho Lúa tui có 'chút chút' kinh nghiệm.
chim hummingbird xám
Nhưng người làm vườn tại đây có nỗi khổ là phải chống trả tìm cách chống chọi với sự phá phách của bầy chim tại xứ Cao Bồi này? Trước hết Lúa xin kể bạn đọc nghe về những con hummingbird hay người ta còn gọi là "chim ruồi". Chim ruồi hay chim ong trong sách vở nhưng ở đây người ta quen gọi là hummingbird. Thứ chim này, chúng nhỏ hơn chim sâu bên mình, nhưng 'anh chàng' này có cái độc đáo mà chim sâu bên nhà cũng 'chào thua'. Chim ruồi là loại ưa 'mổ' hột cải nhất. Ô la la, cái mỏ dài, nhọn hoắc của chúng lựa hột nào là chắc ăn hột đó. Nó không mổ tứ tung, lại nhắm vào nhánh hột nào vàng chín mà thôi. Những hạt cải vừa chín tới nếu không 'đấu tranh sinh tồn' với loài chim này thì xem như thua luôn, mất giống?!Tui kể bạn đọc nghe sự phá hoại của mấy chú chim ruồi ra làm sao...Chim hummingbird thường bay vào vườn tui rất bất ngờ. Từ đâu nó xẹt ngang trước mắt tui nhanh tựa tia chớp! Nó vụt qua lại từng cái nhánh bông hạt cải xem chín chưa? không ưa, vụt chú chim bay mất qua vườn bên hay đâu đó chỉ có trời biết.chim ruồi ban đêm
Chuyện này chắc Lúa phải "bắc thang lên hỏi Ôn Trời"?
Bổn phận của tui là làm răng giữ cho được một mớ hột giống cải cay này. Lúa vừa có thú điền viên vừa có loại rau ăn bánh xèo. Chợ Á Châu ở đây ít bán loại rau cải cay cho bánh xèo. Nếu chợ có thì không chắc sạch như rau vườn nhà, vừa tươi vừa không phun thuốc.
***
THẰNG BÙ NHÌN VƯỜN HAI LÚA TRƯỚC ĐÂY
Vài tuần trước khi đám cải còn một màu vàng rực rở tươi đẹp thế kia nhưng mấy chú giẻ, sẻ, hay ngay cả Hummingbird chẳng màng . Chúng bay qua chẳng để ý, ít khi ghé lại. Ngoại trừ mấy con chim đất, tròn trỉnh chịu khó lũi dưới đám cải tìm mồi thật sớm.
Tôi cho là chúng ở Mỹ, suốt đời chúng chẳng có cơ hội nào đảo cánh qua những cánh đồng, vườn tược, rẫy nương bên quê hương VN thì làm sao chúngq biết được 'thằng bù nhìn' là cái 'chi chi'?
Vốn lòng vì nước há vì dưa
Xét soi trước mặt đôi vừng ngọc
Vùng vẫy trên tay một lá cờ
Dẹp giống chim muông xa phải lánh
Giận quân cày cuốc gọi không thưa
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa./.
Tui ưa ý quá. Nhờ kiên trì chịu khó 'chự' chim tui có dư dả hột giống cho đến năm nay -2023-đi ở nơi khác, hạt giống cải vẫn còn rất nhiều. Dời nhà, tui vẫn ưa thích làm vườn. Làm vườn giúp mình vận động lại có ích khi có rau ăn. Và dĩ nhiên tới vườn mới, có một lần tui lại treo thằng bù nhìn dọa chim như trước. Ngoài hạt cải cay, tui còn có thêm khá nhiều hạt giống cải dưa "chính gốc" nữa. Người quen cũng được Hai Lúa chia sớt các thứ hạt cải về trồng.
CÁNH DIỀU THẢNH THƠI
Bầu trời trong xanh tràn trề nắng ấm. Chú diều vần vũ lượn vòng dưới bầu trời quãng khoát, không một bóng mây. Đôi cánh rộng của con chim thuộc loại lớn dang rộng, như đang lười biếng hoạt động nhưng vẫn đủ giữ cho diều đảo từng vòng thật chậm trên cao. Thỉnh thoảng, cặp cánh của nó lại đập ít cái, chỉ ít cái thôi, thế là diều lại tiếp tục bay vòng như cũ. Chú chim lơ đãng này khi lượn vòng như thế, thường bay một mình. Hình như nó đang tận hưởng một buổi rong chơi nhàn nhã, tự do và thênh thang.
TÉ RA CHIM CŨNG BIẾT BẢO VỆ ‘GIANG SƠN, LÃNH THỔ’ CỦA CHÚNG
Thình lình từ dưới thấp có ba bốn chấm đen vụt bắn lên, rồi liên tiếp nhiều chấm đen khác vụt bay lên! Một bầy quạ đang bay lên ‘nghênh chiến’! Thì ra diều ta đang lạc vào ‘lãnh thổ’ của bầy quạ không biết bao giờ?
hạt sót California rất nhiều
Quạ vùng này nhiều lắm. Chúng sống từng bầy. Thỉnh thoảng không biết từ đâu chúng đậu vào các lùm cây hạt sót, kêu vang chí chóe. Cây hạt sót trồng nhiều ở vùng này là thức ăn của loài quạ. Đến mùa, hạt sót bị quạ ăn rơi vãi đầy mặt đất.
hình 1930 người bộ tộc da đỏ tại California và hạt sót
Thật ra ngày xưa người Mỹ bản địa tức là thổ dân da đỏ họ dựa vào nguồn hạt sót làm thức ăn chính cho họ. Những bộ tộc da đỏ thường chế biến tích lũy hạt sót làm thức ăn. Các nhà dinh dưỡng học cũng phân tích cho rằng hạt sót có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Con diều tuy to lớn thế, nhưng lại bay chậm. Hai ba con quạ bay nhanh hơn diều, chúng thi nhau lao vụt vào cánh trái và cánh phải của diều ‘gặp nạn’. Diều giờ đây hốt hoảng lo tìm đường thoát. Bao phút an nhàn vừa qua biến đâu mất, nó chỉ còn vội bay thẳng một hướng thoát thân. Nhưng lũ quạ đâu chịu buông tha? Thỉnh thoảng cánh của nó bị quạ mổ trúng, từ trên cao tiếng diều kêu lên quang quác. Mấy con quạ vừa đuổi địch thủ vừa kêu nhau chí chóe. Thật thương hại cho con diều ham chơi, nó lạc vào ‘không phận’ bầy quạ mới ra cớ sự như thế? Bao nhiêu uy dũng của giống nhiều đi đâu mất? Từ dưới đất người chứng kiến mới lo ngại thay cho thân nó. Diều đâu phải là thứ chim hiền? nhưng than ôi: “mãnh hổ nan địch quần hồ” diều thua là phải, lo bay đi tránh ‘giang sơn’ lũ quạ. Có mục kích cảnh này mới thấy sự ‘quyết chiến’ đầy hăng say xen lẫn đoàn kết từ bầy chim đen đúa, ồn ào là quạ. Những thứ chim khác nhỏ hơn thường biết ‘thân phận’ của nó nên hiếm khi thấy quạ ‘tranh chấp’ với các bầy chim nhỏ khác, ngoại trừ có bóng diều lai vãng là bầy quạ chẳng hề ‘tha thứ’?
KHI ĐÃ 'BẢO VỆ' VÙNG TRỜI QUẠ CŨNG KHÔNG THA THỨ CẢ MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI DRONE
Tại vùng ngoại ô nào đó ở Australia một chiếc drone của con người thả chơi cũng bị một chú quạ bay lên "nghênh chiến". Khi đã có nhiệm vụ 'bảo vệ không phận' quạ thi hành rất đúng nhiệm vụ của quạ. Chiếc máy bay nhỏ có 4 chong chóng trong hình đang bị chú quá đậu vào phần đuôi và 'mổ cắn' tứ tung?!
Quạ không tha thứ từ con diều nào đó lơ đễnh bay lạc vào, cho đến máy móc của con người có động cơ đang hoạt động nó vẫn không hề sợ hãi. Sự tấn công không khoan dung có thể làm con quạ này trở thành một 'chiến sĩ' của loài chim.
CAO NHÂN TẮC HỮU CAO NHÂN TRỊ
Chim cắt (kestrel) Bắc Mỹ là giống chim tương cận với chim ưng (falcon) nhưng nhỏ hơn. Nó là giống chim săn mồi tuy nhỏ bé nhưng dũng mãnh
Thế mà một ngày, người viết có dịp nhìn thấy lũ quạ dữ tợn kia lại bị một “khắc tinh” trị nó, đó là CHIM CẮT.
Cũng là bầu trời của vùng Alum Rock Park, nơi gia đình tôi ở. Cũng một sáng trời quang đãng và tràn đầy nắng ấm. Tôi nghe trên cao có tiếng quạ kêu quang quác khác thường? Thì ra có mấy con quạ đang bay loạng choạng và hỗn độn. Tiếng quạ nghe chí chóe như có chuyện bất thường?
Có một bóng chim nhỏ hơn, bay xẹt qua, ngang dọc nhanh như những “lằn đạn”?! một đường bay của bóng chim này là một lần cánh con quạ đen bị va trúng khiến quạ ta, có thể đau quá, kêu vang... mấy con quạ trên kia đang bị xé lẻ, mỗi con mỗi hướng, cố né tránh con chim nhanh nhẹn kia?
THÌ RA CÓ CON CHIM CẮT ĐANG TẤN CÔNG QUẠ
chim cắt bay như một mũi tên đánh quạ - quạ chỉ biết bay trốn
BẦY QUẠ ĐANG BỊ CON CHIM CẮT TẤN CÔNG
Con chim cắt từng sống đơn độc không từng bầy như quạ nhưng là ‘kẻ thù không đội trời chung’ với bầy quạ. Người ta nói “nhanh như cắt” quả thật không sai! Trên cao, chúng ta không thể thấy được rõ ràng hình dạng của chim cắt, nó chỉ là một bóng đen bay xẹt qua lại như “như những lằn đạn” không hơn không kém! Quạ bay khá nhanh, thế mà không thể nào so với con cắt được.
Tôi cho rằng tốc độ trên không là ưu thế hàng đầu của chiến thắng. Sự to lớn dềnh dàng rõ ràng không là yếu tố thắng thế trên không trung.
Lạ làm sao? Tôi thắc mắc có thể bầy quạ này đang lạc vào “không phận” của con chim cắt kia mới ra cớ sự này?
Hài hước một ít chúng ta nghiệm ra “Lãnh thổ và không phận” của loài chim- có thể là một luật lệ tự nhiên của tạo hóa trao cho chúng mà con người ta không thể hiểu hết? Người viết tin rằng bẩm sinh và tự nhiên của chim muôn hay thú vật bẩm sinh chúng cảm nhận ra cái 'ranh giới' kia.
Người viết lại hình dung nơi thâm sơn cùng cốc; “RỪNG NÀO CỌP ĐÓ” đây là kinh nghiệm dân gian nhưng chúng ta tin rằng điều này có thật. Một rừng không thể hai cọp; một điều kiện rất bẩm sinh mà muôn thú tự nhiên biết lấy để chia ra ‘ranh giới’ trong rừng, nhất là loài thú dữ.
Một ngày rảnh rang thoải mái, có đôi lúc chúng ta ngồi ngắm trời mây và tự cho rằng một bầu trời cao kia quả là một vùng không gian tự do rộng mở.
Nhưng sự thật nay đã khác hẳn trong tôi: thì ra ngay cả chim chóc vẫn biết 'phân chia gìn giữ vùng trời vùng đất' cho chúng huống hồ gì loài người trong thế giới hôm nay. Phải chăng có một dịp nào đó có những nhà quân sự trên thế giới này nhìn cảnh những loài chim đánh nhau trên bầu trời rồi nảy sinh ra những ý tưởng, chính sách quân sự?
Đó là những hình ảnh không chiến trên bầu trời vào thời chiến tranh. Các nước đang thi đua nhau chế tạo càng lúc càng nhiều chủng loại phi cơ chiến đấu với những lợi thế trongkhi KHÔNG CHIẾN để đạt cho được chiến thắng trên không. Các loại phi cơ tiêm kích càng lúc càng lợi hại hơn thi đua nhau ra đời đưa cuộc chạy đua vũ trang trên không hiện nay chưa bao giờ ngưng nghỉ.
Chuyện chiến tranh của loài người lại càng dễ hiểu khi chúng ta nhìn lên bầu trời hàng ngày vẫn còn những loài chim khắc kỵ nhau quyết tranh giành nhau vùng không gian của chúng thì các "con chim sắt" của không quân các nước vẫn "nối gót" như vậy để bảo vệ giang sơn của họ.
Cuộc sống trên trái đất vẫn còn tiếp diễn thì sự cạnh tranh của muôn loài tất còn hiện hữu. Âu đây cũng là định luật sinh tồn ./.
Đinh hoa Lư 26/9/2021
Bầu trời East Hills Alum Rock Park California
No comments:
Post a Comment