Saturday, March 30, 2024

hồi ký-- BÊN CỘI MAI GIÀ

PHẦN AUDIO-  DÀNH ĐỂ NGHE KHỎI CẦN ĐỌC 



      Căn nhà và cội mai già vắng Cậu Võ thế Hòa đã hai mùa xuân qua. Hôm nay qua hình ảnh, tôi ngắm cội mai mà cảm giác  như nó có ‘linh hồn’, mai vắng chủ cùng ‘lặng buồn’ nhìn vào căn nhà im lìm từ ngày người cậu vĩnh viễn xa nó. Ngày xưa từ thành phố Quảng Trị, những năm niên thiếu tôi là đứa cháu ngoại hay về làng Nại Cửu mỗi khi có việc. Cứ mỗi lần về tôi lại hay ghé thăm nhà Cậu. Nhớ dáng Mệ Tơ lom khom quét ‘cươi’, mệ hay cười hiền từ chào thằng cháu trên tỉnh mới về. Rồi Dì Tưởng, một người dì tần tảo bán buôn cực nhọc từ những gánh rau hàng ngày người dì phải chạy bộ lên tỉnh. Rồi chuyện bà con trong làng, kẻ đi lính người tử trận nên làng ngoại mỗi lúc càng thiếu bóng thanh niên...
  Năm nay cây mai già ra bông lác đác. Sắc vàng tuy vẫn tươi giữa những chiếc lá xanh non mạnh mẽ nhưng hình như tất cả càng nhìn lại càng thấy ảo não. Đã hai xuân qua rồi, Cây mai vắng chủ tỉa lá chăm nom, nó đã đón hai cái tết khi những người thân yêu gần nó lần lượt bỏ đi. Cậu Hòa ra đi do tuổi già xế bóng và lớp trẻ phải tha phương tìm cuộc sống. Làm sao tôi quên cho được cái sân này. Mỗi lần về làng tôi ghé thăm nhà Cậu và qua cái cổng nhà nho nhỏ rồi vào cái sân cũng nho nhỏ này. Mái nhà tranh ngày xưa nay nay thay đổi chỉ bằng một mái ngói bình thường đơn giản như cuộc đời của người cậu cho đến lúc người  ra đi.

Tôi nhớ làm sao, cũng cây mít kia và bụi tre sau nương vẫn còn nguyên vẹn. Đó là những dấu tích vườn xưa còn lại. Nó còn do cái giá của nó chẳng đáng là bao, chẳng đắp đổi gì nên nó vẫn nguyên vậy qua bao ngày tháng. Tôi nao lòng buồn nhất khi nhớ về những người thân thích lần lượt nối tiếp về với trời miên viễn. Lòng se lại khi tôi lặng ngắm một không gian tĩnh lặng, nỗi bồi hồi xúc động chợt dâng trước hình ảnh cái sân im vắng cùng cây mai ngày tết đơn độc ra bông.
Bao hình ảnh tiếp nối... cũng bên cội mai đó, một ngày sau năm 1975 tôi tìm cách trốn trại nửa ngày tìm về làng ngoại. Hai vợ chồng cậu không ngờ gặp được đứa cháu. Cậu quay quắt tìm gì cho cháu trước khi về lại trại tù. Đổi thay, túng thiếu, hợp tác xã, cũng như bao hợp tác khác làm không đủ ăn. Ngày đó cậu tôi nghe, ngay mớ rơm cũng chia theo công điểm. Cảnh vườn không nhà trống đúng nghĩa nhất trong buổi giao thời khó có ai quên. 

    Sự thiếu đói khi vào Hợp Tác chính là hình ảnh đụn rơm nhỏ bé bên hông nhà. Cậu Hòa tìm tòi ngó quanh...trên chái nhà có con gà đang ấp cậu tôi lấy hết rỗ trứng xuống luộc cho đứa cháu. Hai cậu cháu chỉ có một hai giờ gặp nhau không nói hết những điều thay đổi trong những ngày loạn lạc vừa qua. Người làng ngoại tản mác chưa về nhưng chuyện thanh niên trong làng đang vật vả từ miếng cơm manh áo rồi lại chuyện quy hoạch mồ mả không ai lo? Nhưng rồi phải QUY. Hợp Tác đang cần đất tất cả đều bới tung?
 Cậu nói sao cho hết chuyện đổi thay cho đứa cháu chỉ thoáng trốn về làng non hai tiếng đồng hồ? Hoàn cảnh người trong trại, kẻ ở làng có khác chi nhau? Thiếu khổ túng bấn, vô kế khả thi. Cả bầu trời như tối sầm sập, chẳng tìm ra chút ánh sáng, chẳng khác chi một cơn ác mộng. 

Giờ đây nếu tôi cố tưởng tượng lại cũng không sao hình dung ra hết thứ cảm giác vào buổi giao thời đó

 Chỉ có hai cậu cháu ngồi chênh chếch gần cội mai này, đầu lối vô cái sân đất đầy kỷ niệm.  Cậu tôi chỉ ăn hai cái trứng còn bao nhiêu cho đứa cháu ăn để lên lại trại. Người cậu hiểu tôi thèm khát đủ thứ. Có thể cậu chạnh lòng nghĩ tới những ngày tôi còn là một học sinh trên tỉnh, đầy đủ biết bao?  Ai có ngờ đâu? giờ đây thân phận đứa cháu lại khổ như vậy? Gia đình, bà con, giờ ở trong nam, biền biệt tin tức biết dò ra răng? Hai cậu cháu ước gì cái thành phố trên kia giá như mà không có chuyện 1972 thì giờ dù có chuyện 1975 cũng không có cái cảnh làng mạc, họ hàng tứ tán mỗi người mỗi ngã? 

 Cậu ái ngại và thương xót đứa cháu gặp được người thân trong hoàn cảnh oái oăm cùng khổ.  Nét mặt cậu quay quắt đau khổ làm sao, do không kiếm ra cái chi cho đứa cháu trở về bên trại? Từ vườn vào nhà hai vợ chồng cậu chẳng tìm ra chút gì thiết thực cho cháu lúc này? Ôi, cái phút giây trùng phùng cay đắng và buồn tủi!
 Tôi vội đứng dậy, dáng vẻ lấm lét của người tù binh, khi nào cũng thế. Hai cậu cháu bịn rịn chia tay. Cậu còn đứng ngó theo đứa cháu lom khom bước vội như có ai đuổi. Cái dáng cao ốm nhom, chiếc áo kaki bạc màu với cái túi vải xẹp lép bên vai, đứa cháu khuất dần đầu khúc quanh xóm Rộộc...Hắn sẽ đi lên xóm Chùa, tìm người ông bà con nhánh phái bên ông ngoại hắn.

                 GÔ CƠM HẤP SẮN 

    Ông Hạch (Võ Hạch) sáng nay đang ngồi chuốt lại mấy sợi lạt tre còn sót, gom được vài bó đầy. Ngày mai bà con trong xóm sẽ tới phụ lợp mái nhà mới cho đứa con trai. 
Mặt trời mới hơi nghiêng con sào mà trong xóm hôm nay tự nhiên ông thấy vắng ngắt. Ông Hạch có cảm giác vắng vẻ này từ năm ngoái, tức là năm 1975 cái năm mà chính quyền trong nam này sụp đổ. Bà con có dính đến chính quyền thì đi "học tập" mô xa ông chẳng rõ. Trong khi có người chạy tuốt vô nam , lại có một số thì đi kinh tế mới tận Khe Sanh.

   Hòa bình rồi, hết tiếng súng,tiếng pháo hằng đêm, hết chạy tản cư lên Tỉnh. Đó là cái mừng ban đầu cho ông cũng như mọi người khác trong làng Nại Cửu. Nhưng sau một thời gian, ôn Hạch bỗng dưng cảm thấy cái buồn khác ập đến. Đó là sự thiếu vắng, cô quạnh khi số bà con ông hàng ngày “chộ” (thấy) mặt  nay thất lạc tứ phương?

   Hợp Tác Xã làng ông cũng có. Đợt quy hoạch đất đai dưới Phát Lát tức là ngã ba ngó qua bên tê sông Ba Bến gần nhà mấy đứa cháu khác trong chi phái ông tức là thằng Dâu, thằng Tú, cũng còn may khi còn mấy đứa này. Tại răng mà may? Ông nghĩ, số là khi quy hoạch mồ mả mấy đời dưới Phát Lát,, thanh niên trong làng không còn ai. Bốc mộ thì nhiều, lại di dời lên tận thôn trên. Nếu  không có mấy đứa cháu sót lại như thằng Dâu thằng Tú thì mả mồ trong phái ôn lộn xộn, sót vãi hết trơn!

  Thiệt tình trong bụng ông chẳng ưa chi cái chuyện 'di dời' mồ mả cha ông hàng loạt như rứa! nhưng thời thế đổi dời, mấy ai mà "bẻ nạng chống trời"?

   Con chó già đang nằm bên đụn rơm trước sân, cái mõm nó kê lên nền đất cày của cái sân phơi trước nhà. Bỗng nó sủa lên vài tiếng khàn khàn làm ôn Hạch ngước nhìn lên...
      Một người thanh niên dáng ốm, cao lỏng khỏng đang lom lom bước vào sân. Người thanh niên này cái áo bộ đội bạc màu như lượm của ai. Đầu đội cái mũ vải tai bèo. Bên vai anh ta lại đeo cái túi tự may bằng vải cũ bạc màu  đường may vụng về thô kệch.

  - Ôn , ôn ..ôn còn nhớ cháu khôn?

  - ờ ờ,,,eng là ai đây hè?

  -Cháu là thằng Phúc, cháu cậu Cư ở trên tỉnh đây!

  -Cháu eng Cư trên tỉnh? phải cháu Bác BếpThỏn khôn rứa?

  -Đúng rồi ôn, mệ ngoại cháu là bếp Thỏn, mạ con là Nhỏ dì con là Nhoi đó mà.

  -Ui cha thằng Phúc! con ở mô về đây? nhà con ra răng rồi?

   Người thanh niên mừng khấp khởi khi ôn Hạch nhìn ra đứa cháu. Anh ta nói lại tình hình gia đình và bà con trên tỉnh cho Ông nghe, xong lại nói về tình hình chính anh đang "cải tạo" bên thôn Xuân Khê, gần Nại Cửu Phường, phía bên kia sông Thạch Hãn.

Nhớ lại thằng cháu trên tỉnh ông Hạch mừng lắm. Mấy năm trước, những lúc cúng kỵ trên nhà mệ ngoại thằng cháu này, khi nào ôn Hạch cũng chộ mặt. Hồi đó mỗi lần lên Tỉnh, ôn chộ trong nhà Bác Bếp Thỏn -tức là bác mụ, vì ông Bếp Thỏn đã mất từ năm 1949 - khi nào cũng đông đúc. Con trai Bác Bếp "mai vàng, mai trắng" đeo trên cổ áo. Bác Bếp mụ thì xuất gia qua tu bên chùa Sắc Tứ, nên nhà trên lúc nào bàn thờ phật trang nghiêm.

   Rứa mà...theo lời đứa cháu trưa nay tạt vô thăm ông kể lại, nhà mệ ngoại nó trên tỉnh giờ phiêu dạt khắp nơi chẳng còn ai trên nớ? Ôn vừa nghe vừa gật gật đầu, mắt như hướng về phía tỉnh, nơi có một thành phố chỉ là một đống gạch, người ta đang ra công xây lại.

   -Rứa... chừ con ở đây một chắc (mình), khôn ai thăm nuôi con hết răng?

   -Dạ nhà con trong nam hết chẳng còn ai đây cả ôn nờ!

    Ôn chắt lưỡi ái ngại cho đứa cháu ngoại trong làng. Thời chiến trận, xao lạc hết trơn! Thằng cháu ni về ngang làng làm ôn nhớ mấy đứa cháu khác, mấy năm trước theo trận Hạ Lào chết mất xác bên đó luôn, chừ không biết ngày đơm tháng kỵ là ngày mô nữa?

  Như nhớ ra, ôn Hoạch thình lình hỏi:

   -Rứa con ăn chi chưa?

  -Dạ con có ghé cậu Dâu nhà cậu không có chi để nấu cả, chỉ còn ổ trứng, con gà đang ấp cậu ấy truống xuống luộc hết "bồi dưỡng" cho con rồi ôn nờ.
  Nhắc đến đây,người thanh niên nhớ hình ảnh vợ chồng cậu Dâu cùng ngồi chồm hổm giữa cái nền sân đất. Mấy cái trứng gà chưa nở, bị luộc vội cho đứa cháu đang ở tù ăn nhanh để lên lại trại. Cậu ấy vừa nhìn cháu ăn vừa hỏi chuyện. Người cậu ít nhiều lo lắng cho đứa cháu lên kịp trước điểm danh không? Trong nhà rõ ràng quá túng không biết lấy chi mà nấu cho đứa cháu, hắn xuất hiện quá bất ngờ, quá gấp gáp chẳng khác chi "một kẻ tội phạm", lấm lét như sợ ai nhòm ngó.

      -Ui chà! tội rứa ...đợi chút con, ôn nấu cơm cho con ăn nghe!

       -Thôi ôn, con phải đi chừ ôn ơi, con ghé thăm ôn chút con lên khôn thì khôn kịp họ biết thì khổ .

    Ôn Hạch loay hoay không biết lấy chi cho đứa cháu ngoại trước lúc nó đi. Ông đang tìm một thứ chi đó xung quanh.

  -Con có cái chi đựng khôn rứa?

  - Dạ, con có cái lon gô đây ôn.

Nói xong, anh vội lấy cái lon gô đen trong cái túi may tay đeo cạnh đưa ra cho ôn.

 Bỏ hết phần cơm nguội trong cái nồi đồng nhỏ vào cái lon nhôm cũng chưa đầy, ông Hạch vừa dận cơm xuống vừa ái ngại bỏ thêm mớ sắn lát hấp cho đầy cái gô, vừa nói:

    -Ôn thêm ít sắn nì nữa lên trại ăn cho no nghe con.

    Hai ông cháu chỉ gặp nhau trong thoáng giây, người thanh niên vội vã đi.  Ôn ngồi thừ trước hàng hiên ngó theo đứa cháu ngoại trong làng, cái dáng lỏng khỏng cao của nó xa dần....


 CHUYỆN BA MƯƠI LĂM NĂM SAU  (năm 2010)

   Nhà Dì An ở gần chùa Nại Cửu và cũng gần nhà thờ họ VÕ. Nhà dì cũng đầy đủ xe nổ có điện thoại đời sống không đến nỗi "chân lấm tay bùn ". Ngó vậy cũng không phải là dì có ông anh tức là ông Võ Đản đi Mỹ -mà nhờ dì biết làm ăn. Ông anh năng gửi tiền về làng nhưng trước là đóng góp, tôn tạo cho xong nhà thờ họ Võ sau là ủy lạo một vài bà con già cả neo đơn mỗi người vài ba chục ký gạo mỗi kỳ cho có tình làng nghĩa xóm. Nghĩa là ông anh dì An ở xa nhưng ông anh và bầy con cháu bên Mỹ không quên làng nước bà con. Đó là dì An sung sướng rồi, chẳng cần chi hơn nữa.

 Mấy ngày nay trong nhà dì bàn tán một chuyện là lạ. Số là ông Hạch mất lâu rồi răng mà có người bên Mỹ gửi tiền về cho ôn? Hôm ni tức là mười hai giờ trưa theo hẹn nói chuyện với ông anh bên Mỹ, dì An sẽ hỏi cho ra lẽ?

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg1LBWU_9BmYKQHbUOYeyCTn64pTpbR1-1MzgQ96HQy-HtUf3syaHfxb1KERiSu1Dt9BF3ccABR1fpZD3L0rV3wW_noOP6G0KkiPTgyo18ZGOwgab_xJnQIm1avtB0dkaY5kkliePqDmDA/w640-h480/d%25C3%25AC+an.jpg

Năm 2017 dì Võ thị An từ VN qua thăm ông anh là Võ Đản tại San Jose, có ghé thăm nhà ĐHL v (ngồi bên phải của ĐHL bên trái là mợ sau của cậu Võ  Đản )

  Tiếng ông Đản đầu dây bên kia:

     -Rứa o không nhớ thằng Phúc à , con o Nhỏ trên tỉnh ở trước mặt Lao xá hồi nớ đó?

    -A cái thằng cháu ngoại o Bếp Thỏn, trắng trắng, cao cao phải khôn eng?

     -Đúng, đúng rồi ...số tiền nớ hắn bảo ngày giỗ ôn Hạch năm ni mua phẩm vật đặt trên bàn thờ cho ôn để nhớ ngày và nhờ o khấn giúp cho hắn như vầy như vầy ...

    -Dạ em nhớ rồi eng, để em mua và qua  bên nhà ôn Hạch khấn như rứa.

   Cái chuyện gô cơm độn sắn cho người tù cải tạo năm nào từ miệng ông Đản, qua tai dì An, tiếp đến là đầu đề cho ngày giỗ ôn Hạch năm 2010. Bà con trong làng vào ngày đó, vừa ăn kỵ vừa trạo chuyện "gô cơm độn sắn" mà khen cho tấm lòng biết ơn của đứa NGOẠI trong LÀNG,  một ngày sa cơ thất thế./.

ĐHL edition  

No comments:

Post a Comment