trích đăng từ NGÀY XƯA QUẢNG TRỊ tập sách hồi ký online của Đinh Hoa Lư
Nhớ về bà con xóm Cửa Hậu năm xưa
CON ĐƯỜNG NGỰ là đường nào? Nó bắt đầu từ đường Lê v Duyệt rẽ thẳng góc đâm về hướng An Tiêm. Khởi đầu là cái quán của mạ tôi. Cái quán trước đường Cửa Hậu là cái quán nhỏ từ đời mệ ngoại sang qua lại cho mạ tôi bán ở đây. Quán sát cái giếng nằm lọt vào đất ông Xạ Lịch (Lê ái Lịch) tức là anh chú bác với mệ ngoại tôi. Quán nhỏ mà đắt khách do trong xóm cần chi là có ngay. Từ cái kẹo, chai bia, ly rượu, kim chỉ, giấy tiền vàng bạc, vở sách bút chì, chai dầu gió ...thuốc hút, đá lạnh, nước chanh, mì xíu ban sáng ...tôi kể không hết. Quán trước cửa Lao Xá nên hay có các chú lính Bảo An ra mua. Những lần thăm nuôi tù nhân trong Lao xá, quán cũng bán được một ít hàng nhờ số thân nhân này mua.
Xế chiều, người kể còn nhớ chú Vân, chú lái xe tracion Qt-Huế về là ghé quán mạ tôi, uống một ly rượu thuốc trước khi vô nhà. Khách rượu thuốc quán mạ tôi còn có bác Cai Trà, bác Thuần. Nhà Chú Vân, đi một khoảng xa ngó ra cánh đồng lúa An Tiêm và hạnh Hoa. Nhà chú ở một bên đường Ngự, đối diện với nhà Ông Lâm tức là ba chú Tùng và chị Dao. Sau lưng là trường Ấp tân Sinh mới được xây một dãy dài.
Xóm Cửa Hậu càng lúc càng đông. Đồng bào tản cư tránh chiến tranh, vợ con lính càng lên nhiều và xây liên tục nối xa tận ngoài đồng kể không hết. Sau trước 1967 có thêm Đại Đội Chiêu Hồi lập gần nhà Ông Nguyễn tri Duyến, (ông thân của các chị Đoàn, chị Liễu) nên đồng ruộng càng bị lấn đất dần nhưng quang cảnh càng vui thêm.
Qua các bài viết từ trước tới giờ, tác giả cố 'vắt' trong tim óc những gì mình còn nhớ lại thôn xóm năm xưa ngõ hầu bà con cố cựu- "những ai còn lại", đôi lúc được thả hồn về "đường xưa lối cũ"...
Giờ để tiếp nối, mời bạn đọc và những người quen biết "đi một chuyến tàu tưởng tượng" , hình dung lại xóm Cửa Hậu xa xưa trong bài viết này...
CON ĐƯỜNG NGỰ LÀ CON ĐƯỜNG NÀO VẬY?
TRÊN TRANG BLOG tôi viết đến đây chắc bạn đọc, ngoại trừ người thôn Đệ Tứ, chắc ít ai nhớ. Đó là con đường gắn liền với tôi lúc sinh ra lớn dần lên một thời niên thiếu trước Cửa Lao Xá mà nay đã thực sự mất tên, và bị lấp mất bởi nhà cửa người ta xây lên trên. Đã thế con đường Lê văn Duyệt cũng vô cớ bị xóa tên. Theo sử thì tả quân Lê văn Duyệt cũng là một võ tướng thời xưa công tội là chuyện của nhà Nguyễn , đến đời Thiệu Trị cũng được phục danh và cái Lăng Ông to lớn ai ở Sài Gòn mà chẳng ghé một lần trong đời.
Đường Phan đình Phùng đã có trong lịch sử thành phố QT xa xưa rồi, việc tréo ngoe chồng lên con đường Lê v Duyệt thì không hay chút nào.
hình người viết chụp cho cậu ruột Võ đình Cư vào năm 1969. Cậu tôi đang đứng chính ngã ba Lê văn Duyệt và lối vô Cổng Thành Cửa Hậu (sau 1967 bị lấp kín do vụ tấn công vào Cửa Hậu)- cậu tôi đang ngó thẳng ra con ĐƯỜNG NGỰ về hướng An Tiêm
bạn đọc thấy, trên cổng thành phía cánh phải chúng ta thấy có một mái che tồn nhô lên, mấy chú bảo an đêm nào cũng gác đó, lâu lâu đánh kẻng đổi gác nghe vài ba tiếng rời rạc trong đêm trường ...
Bây giờ tôi tiếp tục kể về con ĐƯỜNG NGỰ. Con đường này chính ngay Cửa Hậu ngó ra thẳng về An Tiêm. Lúc tôi còn nhỏ, mệ tôi thường kể là con đường vua Ngự nên gọi là thế nhưng trong nhà ngoại tôi không biết vua nào. Chẳng qua là truyền miệng cho nhau. Cho đến gần đây, ông Nguyễn lý Tưởng có giải thích thêm thời vua Hàm Nghi chạy ra Tân SỞ 1884 đặt tên để ghi nhớ vua Hàm Nghi khi thất thủ kinh thành 1884 có di chuyển qua đây. Dân quân ở đây đắp thành một con đường đất lớn để quan quân di chuyển. Như vậy về thời gian cho đến 1972 lớn lên cạnh con đường lịch sử hơn cả trăm năm...
AI ĐẶT TÊN CON ĐƯỜNG NGỰ
Theo tin tức của cháu nội của cụ Ưng Siêu
là Tay sáo Nguyễn Thành Tín (sinh 1957) hiện đang sinh sống tại Thị Trấn Vĩnh An, là con trai bác Nguyễn Thanh Quế người cùng phường Đệ Tứ và quen biết với anh em tôi. Nhờ viết bài “HAI BÊN CON ĐƯỜNG NGỰ”, Thành Tín mới xác nhận là Ông Bà Nội của Tín tức là Cụ Ưng Siêu và Bà Nghè là người ĐẶT TÊN cho con Đường Ngự (cũng như nhiều con kiệt khác trong Phường).
Nguyễn Thành Tín có trả lời tác giả như sau:
“Cảm ơn anh P. Bài viết mần chợt dzớ tới ba tui có lần dzắc về Ông Nội tui một thời sơ khai ở Đệ Tứ. Trước số là Ông Cố tui, (Nguyễn Phúc Hồng Chiếu,Trưởng Tử của Vua Thiệu Trị, lý do nội bộ phải bôn ba ra tận Quảng Bình và sinh Ô. nội ở đó (Nguyễn Phúc Ưng Siêu,1866-1942). Đến thời vua Hàm Nghi (Nguyễn Phúc Ưng Lịch) xuất bôn để lãnh đạo phong trào chống Pháp,lập căn cứ tại Tuyên Hoá, Quảng Bình (1885) thì Ô. nội tui theo giúp. Tới năm 1888, tên phản thần Trương Quang Ngọc bắt vua nộp cho Pháp. Ô. nội tui phải thay tên Nguyễn Thái Xuân, vô Quảng Trị tránh Việt gian truy lùng. Lấy vùng ruộng hoang sơ từ sông Vĩnh Định chạy tới An Tiêm ra tới thành cổ... Sau thời tạm yên lấy Bà nội tui (bà Nghè) sinh được 3 gái,1 trai là ba tui. Để nhớ thời giúp vua Hàm Nghi,nghe đâu Ông Bà đặt nhiều tên xóm trong đó có đường Ngự như bài viết. Ông tôi đi nhiều nơi, ới mô cũng có vợ có con (sơ sơ 9 bà khoảng 21 con!, may là ai cũng hiếu học, có việc lương thiện yêu nước để sống). Lúc tui ra đời (1957), ở gần trước nhà Bác Nẫm, ba của anh Đại tá N. Bé, đại uý Bích... số 41b Lê Văn Duyệt, Đệ tứ phường tới '72...”
Hình- trái là bác Nguyễn thanh Quế trưởng chi thông tin Cam Lộ- tiếp đến là thân phụ tác giả bận vest trắng, trưởng chi CA Cam Lộ 1959- (hình gia đình)
Ngày đó, bắt đầu con đường này là cái giếng lớn được xây từ thời Pháp. Cái giếng này thoạt đầu có xây nắp đậy đàng hoàng , một nửa mở ra hình bán nguyệt. Nước dùng cho cả xóm. Dì tôi, tên Thừa (Lý ) ngày nào cũng đem hai anh em tôi , xin lỗi "ở truồng" kỳ cọ tắm cho cháu. Cậu Bình tôi lứa anh Liệu anh Thăng, khi nào cũng thi gan lấy hai tay chống vào thành giếng thả cả người xuống và đu lên. Đến khi dân đông, giếng cũng không đủ nước , nhất là mùa tháng hạ phải vét. Mùa khác khi nước sâu , thả móc tìm gàu bị đứt lại được luôn "gàu người khác " mừng như thể tìm được 'tàu Titanic" bị chìm tôi đem về "làm của" luôn. Cả xóm nước uống phải gánh tận thôn Hạnh Hoa . Nơi đó có cái giếng nước uống trong veo , thơm tho. Nhắc đến nước uống dưới giếng Hạnh Hoa tôi nhớ hình ảnh anh Báu. Anh ở tận xóm ông Đội Lạp (tức là ông thân của anh Tùng anh Dũng và Ngô thị Sáu gần xóm Tống thị Nhạn phía trên), ngày nào cũng đi tận dưới xa gánh nước cho mẹ. Đàn ông con trai mà anh gánh nước quá nhịp nhàng, trông mà "phát mê".
Trở về lại cạnh cái giếng và cái quán tạp hóa mạ tôi đầu con Đường Ngự. Người tù trong Cửa Lao Xá (hay Cửa Hậu) hay được phép mua hàng khi đi làm tạp dịch về. Mấy chú coi tù hay ra mua hàng ở quán mạ tôi nên nhà tôi bán hàng khá đắt. Cái quán này là đầu đường Ngự nằm vào đất của nhà ông Xạ Lịch (Lê ái Lịch), bà ngoại tôi kêu là anh (con chú bác). Ông xạ Lịch theo đạo công giáo cùng vợ. Ông có mấy con trai là các cậu là Lê ái Phương anh cả ở xa và Lê ái Long ở chung với ông cùng dì Cúc em sau...Nhà ông Lịch thời này không giàu bằng nhà ông Lê ái Thanh, anh của ông Lịch có nhà cạnh bên. Nhà ông Lê ái Thanh, ông thân của cậu Lê ái Minh có xe đò chạy QT- Huế (tên xe là Thiện Thành). Cậu Long con ông Lịch tuy là công chức nhưng cũng cố gắng "tậu" được một chiếc xe gobel, "còm măng" từ bên Ý gửi qua. Xe com măng về, cả xóm đều chạy tới coi. Chỉ là chiếc mô tô thôi, thế mà hồi đó được đựng trong một cái thùng gỗ bằng ván thông to lớn. Sau khi dùng 'xà beng' cạy ván ra, chiếc xe GOBEL mới toanh được cậu Long dựng ở trong nhà, trông thật "hách" làm sao. Thời này nếu chúng ta nhớ lại kỹ, xe honda chưa có, chỉ có những chiếc mobylette, lambretta, hay velo solex mà thôi.
Cũng đầu đường Ngự nhưng đối diện quán mạ tôi, phía bên kia là nhà của chú Huỳnh Chốn thân sinh của Huỳnh Rô, và Huỳnh Toàn, Huỳnh thị Liên ...số nhà là 65 Lê v Duyệt. Nhà của chú Huỳnh Chốn là chủ xe Phước Toàn tên của hai đứa em của Rô. (Hình như Huỳnh Rô có người em gái tên Liên nữa). Trước khi nhà Huỳnh Rô ở, đây là nhà của chú Nguyễn văn Ba, cha của đứa bạn thân Nguyễn văn BỐn của tôi. Thời này nhà bạn tôi đã có xe đò chạy Qt Huế. có cho chú Kỳ thuê làm quán may. Cái quán may chú Kỳ ngó ra là cái cống thông ra hồ của thành cổ. Chú Kỳ bằng tuổi cậu Hoa tôi. Người rất vui tính và lại tinh nghịch nữa. Có bữa chú ngồi may nhưng lấy tờ bạc cột một đầu kéo ra giữa con đường nhựa, còn đầu kia chú buộc vào cái máy may singer. Sau khi "ngụy trang" sợi chỉ, có người khách đi đường dưới Góc Bầu đang le-te đi chợ Tỉnh. Bà cúi xuống lượm bị chú Kỳ đạp lẹ cái máy may, sợi chỉ kéo phăng tờ bạc lui làm bà chụp trật "tiu nghỉu" bỏ đi một mạch. Người lượm bạc "trật" chỉ biết cúi đầu đi nhanh chẳng dám cự nự ai một lời. Đêm về ngay đầu đường Ngự này, tức là cái cống và cái cột đèn của con đường Lê v Duyệt trước cổng Thành, tụi tôi chơi đá lon hay "hô la manh" với nhau. Môn chơi "hô la manh" đại khái như trốn tìm, hay thấy được 'kẻ địch' là hô to lên nói cả tên là đứa bị thua phải ra "trình diện" ngay...cho đến giờ tôi vẫn làm biếng chưa tra cứu cái từ "hô la manh" đó là cái chi chi?
Bắt đầu đi sâu vào là nhà bà ngoại tôi hay nhà tôi lớn lên bên các cậu tôi là Võ đình Cư , Võ tự Bé , Võ tự Phương , Võ Hoa , Võ Ba và Võ Bình...ngoại trừ cậu Võ Cư là CA còn các cậu khác lớn lên các cậu tôi đi Trường Thiếu sinh Quân hay binh nghiệp khác. Cậu đầu Võ Cư trước là trung đoàn 95 VM , sau này về lại bên Cộng Hòa là công an. Có thời bên VM cho người đàn bà về lại 'móc nôi' nhưng bất thành. 1968 nhà sập một nửa nhà dưới cái nhà ngói trên hư hại ít ỏi. Tôi tuy là đứa cháu ngoại nhưng là thắp hương khói sớm tối trong nhà ngoại tôi. Ông ngoại tôi mất sớm từ năm 1949, sau này bà ngoại tôi lại làm bà vải tận chùa SẮC TỨ Tịnh Quang tận bên Ái Tử. Thỉnh thoảng có việc gì tôi mới qua chở bà ngoại về. Đối diện nhà Ngoại tôi tức là bên kia con đuòng là nhà Ôn Vui và mệ Dịu. Nhà Ôn Vui có hai cây khế, một cây chua một cây ngọt. Cây khế ngọt yếu ớt ít trái nên ít khi tôi kiếm được vài trái khế ngọt nào. Trái lại, cây khế chua to lớn rậm rạp phủ một nhánh qua sân nhà Ông Nguyễn trọng Thệ. Nhà mệ Dịu làm nghề thợ may trong nhà. O Lài là con gái đầu. Ôn mệ Vui có người con trai tên Hiền đi ăn học đâu xa thỉnh thoảng mới về. O Lài là chị lớn đi tu đạo sau về nhà, em o Lài tên Diệm xấp xỉ tuổi tôi. Bên lưng nhà mệ Dịu là nhà O Hoài mẹ chị Hường và Hoàn. O Hoàn tuy miệng có tật do hơi méo nhưng cũng có người chồng là chú Dũng lính kỹ thuật cho không quân là người chồng hiền lành rất yêu thương vợ con. O Dượng Hoài còn người con gái nữa là Hòa ngang tuổi và bạn trong xóm ngay từ thuở nhỏ. Tội nghiệp con trai o Hoài- bị pháo vô thành, lạc ra ngoài khoảng 1967 chết oan mất thằng Gioan. Tuổi nhỏ anh em chúng tôi, Võ Đình Sử, Võ thị Huệ (Ngâu) trong nhà ngoại cùng trang lứa với mấy nàng hồi đó là Diệm, Hòa bốc chẵn lẻ ăn thua sợi thun (địu) hay nhảy 'cò cò" tức còn gọi là "chơi thiên trời" vui vẻ hồn nhiên đúng là thời con nít ...
Theo con đường này tiếp nhà ôn Vui mệ Dịu là nhà Ông Nguyễn trọng Thệ như vừa nói. Ông Thệ là ông thân của các chú Nguyễn trọng Kỳ- Khôi -Tống -Toàn. Anh Nguyễn trọng Toàn sau này là chồng của chị Thí. Ông Thệ có cái tính rất sạch. Sáng chiều chi cũng thấy ông cầm cái chủi cán dài quét quét trước cươi (sân). Ông Thệ hình như là người Ngô Xá. Rảnh là ông thay áo quần lên phố thăm ông Thầy Thoàn (thân sinh tướng Hoàng xuân Lãm ). Nhà ông Thệ trước đây mua lại của chú Vọng. chú Vọng hay đi chiếc mobylette chạy lẹt đẹt. Sau này chú VỌng về ở gần nhà mệ Cửu Mình là mệ cậu Hiếu ở kế bên trụ sở phường Đệ Tứ - hay gần kiệt xuống nhà bạn Nguyễn Văn và Ng Kiệt.
Sau 1967, nhà này ông Thệ bán cho chú Huỳnh Chốn, ba của Huỳnh văn Rô. Còn nhà Huỳnh Rô số 65 trước đường thì lại bán cho mẹ và dì tôi . Nhưng nhà tôi số 65 trước đường ở một năm thì bị cháy vì vụ Mậu Thân 1968. Sau đó nhà tôi phải lên thôn Đệ Nhất làm ăn.
Tiếp tục con đường Ngự, nối tiếp nhà Ngoại tôi là nhà của bác Hà công Kinh tức là ông thân của Hà thị bích Hường. Thời tôi còn nhỏ, đây là nhà của ông Lâm, thân sinh của võ sĩ Bách Tùng Lâm- chú Tùng lấy tên ba người: ông Lâm , chú Bách là anh của chú Tùng. Ông Lâm có võ gia truyền, sau này chú Tùng mới là võ sĩ nổi tiếng. Chú Bách, chú Tùng là bạn với hai cậu Võ Phương và Võ Hoa của tôi. Một thời 1960 nhà của ông Lâm còn là nhà tranh, có đụn rơm và bụi tre. Tôi còn nhớ trong Sài gòn, ra làm một cuốn phim , đóng cảnh thanh niên chiến đấu. Có thể vào thời Ấp chiến Lược thịnh hành. Đêm đó thật vui, có cả anh Nguyễn Bích sau này là chồng chị Lê Thạnh, cùng với các thanh niên trong thôn được dựng cảnh thanh niên chiến đấu bận đồ đen cầm đuốc lập lòe chạy cạnh đống rơm hay bụi tre rậm sau vườn nhà ông Lâm. Cái máy quay phim có điện chóa, khung cảnh rộn ràng trong đêm thật vui. Sau này ông Lâm bán nhà vườn này lại cho bác Hà công Kinh, ông thân của Hà thị bích Hường. Ba của Hường làm kiều lộ hay là công chánh tỉnh QT. Mua nhà ông Lâm rồi, ông thân của Bích Hường xây hai nhà ngói to lớn liền kế nhau có cái Sân Thượng là tiêu đề cho bài thơ Sân Thượng Nhà Em của chàng trai Lê Bá Lư ở xóm bên kia nhưng kế sau lưng vườn nhà của Hà thị Bích Hường. Tưởng cũng điểm thêm một ít là ông thân của anh Lê Bá Lư là ông Lê bá Oa lên ngụ cư bên xóm kia gần với xóm của Nguyễn thị Thanh Tâm. Lúc này anh Lư học đệ Tam sau vườn nhà ngoại tôi nhìn qua hay thấy phòng học của anh Lư. Gần nhà xa cửa ngõ, chàng trai Bích La để ý thế kia mà chẳng thổ lộ cùng ai kể cũng ái ngại biết mấy. Hà thị Bích Hường là em gái nhỏ trong xóm. Học sau người viết khoảng một hai lớp. Nhà Hường có khả năng nên thầy dạy kèm toán cho Hường phải là Cao học Toán như anh Sỏ em trai thiếu tá Lê công Khanh. Người viết nhớ mỗi lần nghỉ hè trong đại học toán trong Huế ra anh Sỏ dáng đi thoăn thoắt, nhanh nhẹn qua nhà ông Kinh để phụ dạy toán cho nàng. Mấy mươi năm sau tình đơn phương của anh Lư mới được khám phá chỉ nhờ bài thơ Sân Thượng Nhà Em mới hay...
Bên kia nhà ông Thệ thì bán cho nhà chú Huỳnh Chốn. Cả hai ông Lâm và ông Thệ không đi đâu xa mà ra mua đất phía sau ruộng tức là tiếp tục con đường Ngự để lập vườn vui thú điền viên.
ĐƯỜNG NGỰ HÔM NAY CHỈ CÒN DẤU TÍCH PHÔI PHAI
Bức hình này người viết xin đánh dấu hôm nay là ngày năm 2022 Lấy từ cái mốc thời gian là năm 1972 tức đã tròn 50 năm hay đúng nửa thế kỷ lạnh lùng qua đi, nay con Đường Ngự chỉ còn là gờ đất mỏng manh giữa cảnh đồng lúa lên xanh tốt.
Ôi thời gian, chỉ là kỷ niệm xa dần cho những ai ra đi nhưng còn thương về quá khứ
Bao nhiêu kỷ niệm ập về cho người viết bài này. Chính đây là đoạn đường mà người viết thời còn bé bỏng hay men theo con con đường này đi về tận bờ sông Vĩnh Định rồi phanh mấy vạt dưa quả của người làng An Tiêm trồng ven bờ để tìm ra năm ba con dế trong mùa hè nghỉ học. Thuở đó gờ đất này là một con bờ đất cao chia cánh đồng lúa ra hai. Thỉnh thoảng mới có một cái cống đất thông nước ruộng cho cánh đồng. Giờ đây đoạn đường phía khởi đầu con đường đã không còn. May thay phía cuối cùng là ruộng không ai giành đất xây dựng mới còn một ít dấu vết.
Có còn hơn không; cám ơn bạn đọc Kim Nguyễn một lần nữa, đã hào sảng thời gian không ngại khó đi ra ruộng tìm và chụp cho một tấm hình minh chứng cho một dấu vết lịch sử của thành phố Quảng Trị năm xưa.
Con Đường Ngự ngày đó dài lắm! Nó chạy thẳng về tận bờ sông Vĩnh Định có làng An Tiêm. Như người viết đã trình bày, lúc sinh ra thì đã thấy nó rồi. Thời trước 1963, từ đường Lê v Duyệt đi ra khỏi nhà ông Lâm là gần hết nhà, hai bên toàn ruộng. Hồi đó, mùa mới cấy lúa tôi hay cùng anh Võ đình Sử con cậu Võ Cư cùng chị Dao em gái chú Bách tùng Lâm ra bắt cua đồng tức con đam, ốc bưu (bươu) đi vài giờ là có cả gàu đầy. Cũng nên nhắc lại với quý bạn đọc, lúc này không có phong trào bơm thuốc trừ sâu gì cả. Ruộng mới cấy lúc nước trong thấy đam lội từng bầy hay con ốc bưu (không phải bưu vàng như thời này) nhởn nhơ tha hồ bắt bỏ vào gàu. Vô nhà ngâm nước một hôm là luộc với lá sả. Cò đam thì người viết nhớ chị Dao rang với ớt sả ...ăn rất ngon chẳng e sợ gì.
Mùa khô thì cậu cháu chúng tôi ra cánh đồng đang khô gốc rạ thả diều chơi. Diều các cậu tôi chơi là diều "người lớn". Diều này nó có hai cánh rộng, mang cả 3 ống sáo trên lưng. Cột dây lèo rất khó. Cánh ruộng phải rộng để căng dây , đợi gió là phóng lên. Con diều không phải có cái đuôi như con nít chơi, mà nó đựng gió bằng hai cánh rộng và bung lên trời. Dây diều bằng dây gai chắc và to mua từng cuộn lớn trên tiệm Ông Kỳ trên phố mới có. TÔi không cầm dây nổi, người lớn mạnh mới cầm nổi cho con diều lên cao hơn trăm mét. Mỗi lần đứt dây, nó bay về tận ruộng Hạnh hoa dưới xa.Cậu Võ đình Cư tôi mang mấy ống sáo diều từ ngoài Gio Linh vào , những cái sáo này nghe cậu tôi kể lại do môt tay nghề làm sáo diều làm cho. Tiện thể tôi kể luôn hình dáng nó là cái ống lồ ô vừa, vót sạch cật , hai đầu có bít lại , mỗi đầu có đường rãnh thông gió theo kiểu lưỡi gà . Ba ống sáo, hết cật thì nhẹ gắn chồng lên nhau cùng được nằm trên lưng con diều lớn. Lên không trung gió hút vào miệng phễu hai đầu sáo, thế là tạo thành âm thanh kêu "o..o " mãi không thôi.
Xin bạn đọc thứ lỗi, người kể lại lan man nữa... tiếp theo nhà của Hà thị bích Hường là nhà ông Nguyễn tri Duyến. Ông Duyến là anh hay em của ông Nguyễn Tri Kiệt quận trưởng Cam Lộ. Ông Duyến là ông thân của chị Đoàn, chị Liễu và người em trai cùng một em gái nữa ngang lứa với chúng tôi. Chị Liễu một thời kỳ yêu nhau tha thiết với chú Nguyễn Bích (em đại tá Bé) nhưng duyên số không thành chi cả. Đó là chuyện người lớn, con cháu chúng tôi không hề để ý. Chỉ có một điều là tôi sợ hai con chó nhà chị ông Duyến đến phát khiếp không dám ra nhà bạn Bốn. Đó là hai con chó trắng và đen của nhà ông, tôi khi nào đi ngang cũng "ngán". Con chó đen nuôi sau to lớn hơn, sủa vang nhưng không "độc" bằng con chó trắng. Con chó trắng chờ tụi tôi đi ngang qua là im lặng chạy vụt ra không sủa tiếng nào để cho mình đề phòng mới đáng sợ.
Qua lại phía bên này đường cửa Hậu, sau cái nhà ngói của Huỳnh Rô là nhà của chú Phan Hưu, cũng làm CA như cậu Võ Cư. Đất nhà chú Hưu trước đó là cái hồ khá rộng. Cái hồ này có từ xưa, nó ở sau nương của nhà bác Dô lan qua bên xóm kia gần lưng nhà của bạn Trần Tài. Phía bên đó sau này hàng ngày có phu kéo rác của MACV về đổ ở hồ này. Phía cạnh hồ sát con đường Ngự thì người ta lấy đất cày đổ thêm lấp cao làm cái nền cho nhà cho chú Phan Hưu. Trước khi có nhà chú Hưu, ngang đây có bụi tre càn không cao không rậm nhưng mỗi khi trời tối có việc đi sau xóm về nhà ngang đây tôi đều 'ngán' vì sợ "ma". Nhắc lại bụi tre này, tôi lại nhớ Mệ Thuần tức là mẹ của ông Thuần mệ mắc bệnh lẫn đêm đêm mệ cứ cầm cái đèn dầu lò mò đi ra tận bụi tre này. Thời này tôi và mấy đứa bạn cứ cho là mệ bị "ma nhập ". Trước kia tôi hay câu cặm ở cái hồ này. Những buị tre gần hồ chiều chiều có tiếng con chim chài màu xanh đậu chờ mồi. Đất đai phủ dần hồ thay vào đó là nền nhà chú Hưu Trong xóm chỉ có nhà chú Hưu là khổ nhất. Vợ chú sinh xong đứa trai cuối thì thím bị tâm thần. Cúc là con gái đầu , ngang tuổi tôi, cùng lứa bạn trong xóm với nhau. Cúc là người con gái đảm đang, chí hiếu. Cúc từng thay mặt mẹ, giúp cha tảo tần phụ ba nuôi bầy em nhỏ dại. Trưa hè, lúc lúc tôi lại nghe tiếng thím nói và la mắng những gì không hiểu. Tuy vậy thím không làm phiền ai, chỉ cái bệnh là nói những lời độc thoại đầy vẻ bất mãn. ( lúc người viết vừa kể ngang đây về Cúc thì được tin em út cho hay là Cúc đã mất vào năm 2018 do bạo bệnh tội nghiệp cho Cúc. Thời đó tôi rất cảm phục nàng do đức tính hiếu thảo và tình thương của một người chị cả đối với gia đình. Nhớ làm sao những đêm khuya khoắt Cúc vẫn lể mể nách cái thúng bánh kẹo đi bán ở bãi chiếu xi nê công cộng về, cái đèn dầu lù mù bên một tay. Cúc tảo tần để kiếm đồng lời nuôi em nuôi mẹ)
Hai đứa con trai đầu của chú Hưu là Phan Trung và Phan Phùng hay bên phía Hà thị bích Hường có mấy em trai- tôi xin lỗi- hồi này đặt cái tên là... "Chó Nậy... Chó Con". Nhà chú Chốn, thì có Cu Rô...thời này mấy đứa con nít hay có cái tên "cu ..." nằm đầu mới vui. Tỷ như em trai của Nguyễn v Bốn, bạn tôi có tên Năm bị kêu là "cu Đen" vậy. trong xóm cứ gọi theo tục danh, tên "cu"...
-Ê mi đi mô rứa Cu...?
Riết hồi tôi quên luôn cái tên thật của mình luôn? Tôi không biết sao trong xóm tôi lại nhiều "tên Cu " lắm thế? Có khi lấy tên cha gắn theo chữ C, ví như Quyền con chú Vân thì gọi là Cu Vân. Tôi cứ gọi là Cu Vân và rồi chẳng biết tên giấy tờ của em là gì nữa.
Trước hiên nhà ngoại tôi sau 1968 có một bàn ping pong khá lớn. Cho thuê giờ kiếm thêm "mắm muối". Khách trong xóm ngoài các bậc cha chú như chú Hưu ,đánh rất hay là đối thủ với cậu Cư tôi. Đa phần là khách con nít như mấy "thằng cu" tôi vừa kể trên . Giờ hỏi lại, chẳng hẳn mấy đứa em này...không quên cái bàn ping- pong đó.
Tên tôi thật may, ngoài cái chữ "sù sựa" do chú Trương Đá đặt cho tôi vào năm 1960, thoát cái nạn bị gọi tên là "Cu Phúc" , tôi không biết vì sao nữa? Tại sao mà chú Trương Đá đặt tôi cái tên "sù sựa"? vào khoảng 1960 lúc mẹ tôi cho em gái tôi là Đinh thị Hiệp bú , chú Đá có tới nhà thăm cậu Hoa tôi và thấy Đinh thị Hiệp khoảng chưa đầy mười hai tháng tuổi, đang bị ngộp sữa mẹ. "cái chi rứa phúc ? " chú Đá hỏi tôi. Tôi lúc nhỏ nói chớt nổi tiếng trong xóm, lý do vì hai cái răng cửa bị sún cả 2 năm không chịu mọc... trả lời lắp bắp..."dạ ...cái sù sựa" tức là sữa. Từ đó chú Trương Đá đặt cái biệt danh này cho tôi. Suốt thời kỳ "sún răng" này mấy thằng bạn như Trương Sừng, Trần Tài, nhất là Nguyễn văn BỐn (còn gọi là thằng Vạy) gọi riết tên tôi là "sù sựa" đến nổi, tụi nó quên mất tên tôi luôn. Sau tôi cũng quen, cứ cho là tên mình cũng chẳng sao.
Tiếp theo nhà chú Phan Hưu là nhà ông Phương có người con trai đi lính không quân. Anh hay lái nguyên bộ đồ bay ghé tạt thăm ông bà. Ông Bà Phương có chị con gái đi nữ tu nhà dòng sau lại về. Chị ấy trắng trẻo đẹp gái và quá hiền lành. Kế là nhà vườn mới của ông Nguyễn trọng Thệ (sau khi bán nhà cũ cho nhà Huỳnh Rô, ông Thệ xây nhà mới ở lô đất mới này). Sân trước trồng mấy cây trứng gà, ông không bỏ thói quen, quét cái sân đổ bằng đất cày ngoài ruộng gánh vô "láng xì cón ". Cũng là cái chổi cán dài cùng cái dáng thanh nhàn của ông trong bộ áo quần phú hộ màu vải trắng. Tôi là đứa bé thân với nhà ông từ lâu nên cứ ra vô nhà ông chơi có khi ngủ lại luôn. Sáng sáng ông dậy sớm, chế ly cà phê sữa rồi. Người viết còn nhớ như in ba ông - ông Thệ, ông Kinh cùng cậu Cư tôi sao mê đánh "tài bàn" (tổ tôm)đến thế. Lúc nhà ông Kinh, mai nhà cậu tôi hay nhà ông Thệ. Có thể thú vui mê nhất của ba người là tài bàn. Có khi ba ông đánh cho đến sáng mới về nhà.
Từ lúc có phong trào "di dân" ra phía ruộng. Có nghĩa người ta bán mặt tiền ngoài đường Lê v Duyệt ra tậu đất ngoài này. Cái ranh giới cuối cùng mở rộng ra ; ví dụ phía nhà ông Nguyễn tri Duyến thì có Đại Đội Vũ Trang Chiêu Hồi được thành lập. Lịch sử Trung Tâm chiêu Hồi này phải trước 1967 chắc chắn có Mỹ trợ giúp. Do sao tôi biết rõ? Nhưng giữa Trung tâm chiêu Hồi và nhà Ông Duyến, có hai nhà lên ngụ cư tạm thời nên đắp đổi đất đai tạm thời làm mái tranh tôn qua ngày tháng. Đó có nhà o Hảo cũng là quả phụ. Gần nhà o Hảo có thêm một nhà cũng tạm cư nữa, trong nhà có đứa bé tật nguyền chỉ nằm bất động không đi đứng được rất tội nghiệp. Những mái nhà tạm bợ như vậy, nền thấp mỗi khi khi nước lụt về là ngập gần nửa nhà quá khổ sở.
Nhớ lại vào năm 1967 là năm cổng Thành Cửa Hậu bị bên kia đánh để giải thoát tù chính trị. Có một chuyện đáng nói, phía 'bên kia' cũng giả dạng "chiêu hồi " để theo dõi địa thế tình hình. Những người "chiêu hồi giả" này hay ra chơi phía quán mạ tôi để quan sát cửa thành tức là Cửa Hậu trước. Họ nhắm địa thế cổng thành và sau đêm đánh xong họ cũng "biến mất ". Hồi đó tôi có quen một anh lính chính quy người Hà Nội về chiêu hồi có tên Sơn, đẹp trai , giọng Hà Nội rất hay. Sơn hay la cà từ ty Chiêu Hồi qua chơi nhà ngoại tôi hay vào phòng học tôi ở mái sau. Thấy tôi chăm học, Sơn rất thích và làm quen. Anh còn mở bóp lấy tấm ảnh kỷ niệm một quán nước đâu ở Hà Nội trước ngày anh đi lính vô nam và sau đó anh "chiêu hồi". Sau khi cổng Lao Xá Cửa Hậu bị đánh (1967), Sơn cùng người bạn đặc công sau đó chiêu hồi tôi mới quen cũng biến luôn. Hồi này còn có mấy anh CHiêu Hồi lính chính quy khác nữa mà tôi quên tên mất. Đêm đánh Cửa Hậu cả nhà ngoại tôi nằm mọp dưới giường mà run. Họ giải thoát gần hai trăm tù chạy rầm rập ngoài con Đường Ngự rút ra phía đồng về hướng An tiêm. Kỳ lạ thay, họ rút ngang Đại Đội Chiêu Hồi nhưng không hề thấy đánh vào trung tâm đó? Và Đại Đội chiêu Hồi đó cũng núp im re? Họ tập trung lại băng bó này nọ tại Trường Ấp Tân Sinh ngoài ruộng không xa Đại Đội Chiêu Hồi bao xa và thản nhiên rút về hướng An Tiêm tức là Triệu Phong ...Gần sáng chỉ có ông Tỉnh Đông chạy lui. Ông tỉnh Đông bị tù do vụ 1963 nhưng may tù chính trị trong đó không ai biết mặt ông nên toán tù được giải thoát có mặt ông Tỉnh Đông mà chẳng ai tố giác cả. Ông tỉnh Đông bận bộ đồ đen, chạy lui khoảng 5 giờ sáng ngồi trước hiên nhà ngoại tôi khiến ai nấy đều run không biết ai ngoài hiên...
Trở lại chuyện Đại Đội Chiêu Hồi...Lính Hoa kỳ tận bên Ái Tử có công nhiều trong việc xây dựng Đại đội Chiêu Hồi đó. Xe Mỹ chở đất, liên tục ngày tháng, để lấp đầy vạt ruộng rộng thì phải biết là bao nhiêu thước khối đất chở từ xa về. Quân xa họ chạy ra vô suốt ngày, đến nổi tôi học được vài ba tiếng Anh cũng đề đầu đường vô, cạnh cái cột đèn dòng chữ trên tấm giấy carton- "Children, slow down" tôi không biết thêm chữ please cho lịch sự như bây giờ. Mấy ông Mỹ lái xe chở đất xong đi ra cứ“ngo ngó” vào tấm bảng.
Quân đội Hoa Kỳ còn đem về đại đội Chiêu Hồi này ban nhạc hợp tấu giúp vui cho mấy anh VC. Bữa đó, cả xóm chạy ra nghe đội hòa nhạc Mỹ hòa tấu bản "ĐÊM ĐÔNG" nghe hay đáo để. Cậu Võ Hoa tôi lò dò lấy cái máy Cassette ra thu tiếng, làm như là phóng viên , tôi không nhớ có thu được không?
Từ sau thời gian thành lập Đại Đội Chiêu Hồi phía ruộng thì “phong trào” xây nhà ra xa hơn nữa, hai bên con Đường Ngự. Căn bản những người cố cựu trước đường ra "lập nghiệp" ngoài này như nhà ông Nguyễn Trọng Thệ, nhà chú Nguyễn v Ba tức là ông thân bạn tôi Nguyễn văn Bốn. Nhà võ sĩ Bách tùng Lâm, nhà chú Vân lái xe traction chạy QT- Huế.
Tiếp nhà chú Vân là trường Ấp tân Sinh mới được xây mới gồm một dãy dài nhiều lớp. Tiếp nối còn thêm người dưới làng tình trạng chiến tranh lên đây lấn ruộng ở hai bên con đường khá nhiều.
Đó là phía trái con Đường Ngự. Phía phải con đường, người kể xin trở lui lại ngang nhà mới của ông Thệ (ngó qua là nhà ông Nguyễn tri Duyến đoạn trên). Tôi xin nhắc đến nhà chú Xứng kế nhà ông Thệ. Nhà chú Xứng mới ở sau này. Chú làm nghề cắt dép bằng lốp xe hơi mà đầu tiên trong đời tôi thấy. Dép lốp của chú mang bán trên chợ Tỉnh. Tuy là cắt dép lốp, nhưng không có hình dáng dép lốp như bộ đội sau này, mà hình dép nó đẹp hơn dù có quai dép bằng ruột xe. Hết nhà chú Xứng làm nghề guốc dép mới tới nhà chú Nguyễn văn Ba tức ông thân thằng Bốn bạn tôi nói ở trên. Trước đó, chú Ba bán căn nhà số 65 Lê văn Duyệt ngoài đường cho chú Huỳnh Chốn xong ra đây vừa có đất xây cái nhà ngói "to đùng" vừa có chỗ đậu xe và còn dư đất xây thêm nhà trên nữa. Nhà cửa rộng, chú còn thuê thêm người dạy kèm toán cho mấy đứa con. Bạn học cùng lớp với tôi là Lê thanh Tâm nhà ở Quy Thiện có thời kỳ dạy kèm toán con chú Ba. Trở Đất đai tại sao mà rẻ? Thời này có phong trào di dân lập nghiệp trong Long Khánh. Không phải di dân lập ấp 1973 đâu, thưa bạn đọc. Phong trào này có từ lâu. Nhà cậu tôi cũng treo bảng bán, may mà không ai mua. Nhưng cũng vì lưu luyến nên chần chừ. Do phong trào vô nam này mà đất ngoài ruộng khá rẻ. Thời buổi chiến tranh ai ở càng gần đường phố thì cái bụng lại yên tâm hơn. Kế gia trang của Nguyễn v Bốn là nhà của ông Lâm, thân sinh chú Tùng ,tức là võ sĩ Bách Tùng Lâm như tôi vừa nói đoạn trên. Ông Lâm bán nhà cạnh nhà cậu tôi cho ba mẹ Hà thị Bích Hường xong thì ra đồng. Cũng nhà gỗ nhà tranh và làm ruộng thôi. Nhà ông Lâm hay gọi cho đúng là nhà chú Tùng (sau này làm trưởng nhóm lính của Mỹ gọi là "xi ti" gì đó) có cái đụn rơm và mấy cây mít, um tùm cái ao rau muống trông ra vẻ thôn quê. Ông Lâm ra ở đây rồi, tôi ít có dịp ra chơi nhà ông khác với thời vườn ông sát cạnh nhà ngoại tôi trước đó.
Ngó qua đường Ngự là nhà chú Vân ba của Nguyễn thị Ba , Nguyễn thị Bốn , có một "thằng Cu " nữa hay em trai mà tôi hay gọi là Cu Vân. Giấy tờ là Quyền nhưng tôi có khi nào nghe đâu, cứ con trai là "cu" xong lắp thêm tên cha là "yên chuyện". Cái lối gọi này như một cái "luật bất thành văn " tự nhiên cho tất cả bà con trong thôn xóm. Chú Vân lái xe taxi thuê cho chủ , nghèo hơn . Đi về là chú không quên ghé quán mạ tôi đầu đường Ngự uống một hai cốc rượu thuốc mới vô nhà. Chú làm tài xế cho người ta nên nghèo. Cái nền nhà xây xong , chỉ trơ mấy hàng táp lô năm này qua năm khác. Cũng phía này kế nhà chú là dảy trường ấp tân sinh khá dài gồm mấy lớp. Qua lại bên này đường là nhà chú Thí em rễ Chú Ba. Lạ, là bà nội của thằng Bốn tức mẹ của chú Ba lại thích ở với o Gái vợ chú Thí thôi. Chú Thí cũng là tài xế lái thuê nên nghèo hơn nhiều. Sát nhà chú Thí là nhà chú Nguyễn Ngụng là lính trong thành. Nhà chú cũng lên ngụ cư sau này. Tôi nhớ chú Ngụng là nhớ chiếc xe dodge carte nhà binh, khi nào chú về nhà cũng kéo một cái xe rơ -móc (remorque) đầy nước về cho nhà xài , khỏi gánh. Nhà chú Ngụng ở đằng trước , phía sau là một cái xóm dưới các làng mới lên đây tạm cư, người ở chen chúc. Vì chiến tranh mà họ tạm cư lên đây. Ruộng vườn bỏ lại dưới làng , ăn theo đồng lương "lính tráng" chắc là khó khăn nhiều. Phía cạnh xóm này là bãi tha ma lâu đời tiếp giáp với hai thôn CỔ Thành và Hạnh Hoa.
Hồi này có làng Cổ Thành gần Trí Bưu và Hạnh Hoa còn Thành Cổ người ta còn gọi là Thành chứ không phải Cổ Thành như bây giờ hay gọi. Ví dụ ngày đó người dân hay nói ...lính trong Thành , có pháo kích trong Thành , khu gia binh trong Thành , Tiểu Khu sau này đóng trong Thành...
Ra lại con đường Ngự, tiếp tục bên phải là cái vườn ông bà Tám. Cái vườn rất rộng của bác Tám tức là ông bà thân của chị Lê thị Hoa , Lê v Lành , Lê thị Thêm (Quỳnh Ni sau này). Nhà bác Tám tôi nhớ mang máng lúc trước bán tiệm tạp hóa dưới Góc Bầu gần tiệm bác Kỳ. Tiệm bà Kỳ sát bên nhà chú Đặng sĩ Tịnh (sau này bút danh là Trịnh duy Nhượng), bạn cậu người viết là Võ Hoa (sau này bút danh là Trần giã Viên). Nhà bác Tám cũng theo phong trào "di dân" ra con đường Ngự này "khai hoang lập ấp". Cái vườn cuối cùng trước khi chạy vụ 1972 mới đáng nói. Do bác Tám ông đã tạo dựng một vườn ổi xá lị rộng cả mẫu đất. Trước ngõ là cái quán bán tạp hóa nho nhỏ cho xóm kiếm thêm lợi tức trong nhà.
Một ngày tôi và mấy đứa bạn vô thăm quán bác Tám. Bác gái đon đả chào mời khá "đặc biệt" với tôi. Bác còn chỉ ghế cho tôi ngồi. Không lạ chi, do tôi là "thầy" mà, thầy dạy kèm cho bầy nhỏ trong xóm cùng cả út gái của Bác là Thêm (sau này di dân 1973 nàng vô Bình Tuy có tên là Quỳnh Ni, nhưng tôi là người lính chiến trở về trấn quân ở chốn Địa Đầu thế là “hai phương trời cách biệt cho đến ngày “gãy súng” làm kiếp tù binh). Lớp hè 1970 và cả 1971 tại nhà ngoại tôi, không kéo dài lâu. Học trò chẳng ai xa lạ là em của bạn tôi Nguyễn văn Bốn và em của Huỳnh Rô hay con Chú Phan Hưu...đặc biệt chỉ có Thêm là con gái. Chỉ cái tội, mấy đứa học trò con trai lại quá "đáo để" dám "cáp đôi" Thêm với "Thầy". Cứ nhớ thằng Cu Đen (Năm) em của Bốn cứ liếc và kín đáo cười. Đối với vườn bác Tám là xóm nhà ngụ cư cuối cùng cả chục gia đình từ dưới làng lên vì chiến tranh lên tỉnh. Là hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận được cho đến cái mút thời gian 1972. Hè 1972 nói cho đúng ra chỉ là tháng 3 năm 1972 người QT vội chia tay trong xao xác, hãi hùng. Ai cũng lo tìm phương tiện đi cho thật nhanh để vào Huế khi ngày đêm làn khói pháo kích bên Ái Tử nổ dồn dập. Những sự chia ly không mời mà đến kể cả mối tình đầu của người viết chỉ vừa chớm chưa nói lên lời nào thề ước đã vội ra đi. Hôm nay edit lại Hồi Ký này tôi chẳng màng chi e ngại và chẳng tiếc chi đôi chữ về hình ảnh con đường Ngự thân yêu của bà con xóm Cửa Hậu cũng là nơi tôi sinh ra và lớn lên cho đến cái tuổi biết yêu biết thương thầm trộm nhớ. Nhớ một sáng nắng lên rực rỡ tôi ngồi bên gốc sầu đông, vô tình hay cố ý chờ người em gái nhỏ cắp cặp từ ngoài xóm xa đi học ngang qua.
-THI SĨ NGỒI LÀM THƠ ĐÓ À
Đó là câu nói đầu tiên nàng dành cho tôi, chỉ câu nói ấy thôi và chẳng còn gì tiếp nối do số phận và định mệnh quê hương đang ấp tới bằng pháo kích và chiến tranh. Bên kia sông Thạch ầm vang khói lửa, từng đoàn dân hốt hoảng chạy loạn, cả thành phố nhốn nháo tìm mọi phương tiện ra đi…
Từ đó người thành phố, người thôn xưa xóm cũ mỗi người một ngã, một đất trời xa lạ tại phương nam…Đó là chút gì người viết xin kể về mình và xin trở về với CON ĐƯỜNG NGỰ.
Con đường NGỰ CÒN DÀI lắm , nó phải chạy ra xa nửa gần giáp với bờ sông Vĩnh Định giáp với thôn An Tiêm. Một thời tuổi nhỏ tôi có những "chuyến phiêu lưu" đi theo con đường đất rộng cao như con đê này về các vườn dưa gần An Tiêm kiếm rế . Tôi không quên được những cây mắm xôi , những bụi chứa dại và mấy con châu chấu voi to lớn. Hai bên là cánh ruộng loáng nước mùa cấy , cho đến lúc nước lụt với cảnh nước đục ngầu mênh mông , hay mùa khô cánh đồng trơ gốc rạ...
Tuổi dại lớn lên bên con ĐƯỜNG NGỰ cùng tình bà con làng xóm , tôi cứ nhớ mãi suốt đời.
Nỗi nhớ da diết đó vẫn mãi theo tôi cho đến hôm nay, nhất là những ngày hè nghỉ học tôi hay lang thang đi chơi dọc theo con con đường thân quen đó. Tôi không quên những khóm hoa ngũ sắc, mấy bụi mâm xôi, bụi dứa dại, cây lá ngái mọc dại bên đường; lạ thật, qua xứ người, mỗi khi ngắm những chậu hoa ngũ sắc người ta bày bán trong mấy tiệm Home Depot năng nhắc tôi nhớ về 'đường xưa lối cũ' , cái thời 'đuổi hoa bắt bướm' …
Rồi tất cả cùng chung số phận, cái tên đường Lê văn Duyệt cùng thành phố đó mất rồi . Cũng như con ĐƯỜNG NGỰ, nó theo nhau về miền dĩ vãng. Nỗi cảm hoài u uẩn cho những gì thuộc chuyện xưa tích cũ đến khi viết lại cho thế hệ mai sau là góp nhặt cát đá dựng xây lại hình ảnh xa xưa giờ đã mất./.
No comments:
Post a Comment