Sunday, March 31, 2024

BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ

 MỒNG NĂM THÁNG NĂM  VÀ BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjJ77A6b1vrL-eeKMSKlwa4CEFgDBtM1-8hz3z_8mQTSaCx5N3WhpHa0HuoX_B7tPC7Vm3A8Bz5ubimbyNIPjoVruJmeeIbHaR5oIdpd8iXmxPzz6fvcFDAJl0QTfOBiByrudJDb4b004M/w400-h225/tr%25C3%25A1ng+k%25C3%25AA.jpg

Chào bạn đọc

       BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ đó là bốn chữ, người viết nhớ lại ngày trước luôn đi với nhau. Chè Kê cúng xong, phải là cúng xong mới được ăn với bánh tráng. Chuyện này có nghĩa rằng Chè Kê chỉ có nấu trong lễ cúng chứ không nấu bình thường như các thứ chè dân dã khác. Có thể do KÊ là đặc sản nên từ đó người mình ngày trước hay cúng trong dịp mồng năm ngày tết hay để tỏ lòng trịnh trọng dâng lên trong cúng kỵ cũng nên.

Hôm nay đọc bài viết " TẾT ĐOAN NGỌ MỒNG  5 THÁNG 5 ÂM LỊCH" của Giáo Sư Nguyễn Châu, người thầy vừa là cố vấn trong Ban Chấp Hành Hội Đồng Hương Quảng Trị tại San Jose, tôi chợt nhớ về hình ảnh Bánh Tráng Chè Kê hơn năm mươi năm về trước. 

Nếu nói nhớ bốn chữ "BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ"  quá da diết đi thì thật ra là sáo ngữ do thời này thiếu chi thức  ngon vật lạ. Có một điều kẻ viết bài này xin thật lòng thưa với bạn đọc là cơ hội ăn lại thứ vừa kể trên ngay tại xứ này thật khó  làm sao! Khó là không ai bán thứ chè này. Ra tiệm food to go có đủ loại chè nhưng đố ai bán thứ này. Còn tự nấu chè kê, thì ở đây người ta không buôn loại  hạt này do không có cầu thì chẳng có cung. Thật ra nếu có kê trong tay, người viết chưa hẳn đã nấu được cho ra chè kê đúng nghĩa và chưa hẳn con cháu bây giờ lại ủng hộ hay ưa thích.

Khó lòng gặp lại, có nghĩa là không bao giờ thấy lại, ăn lại, hay ho hơn một chút là thưởng thức lại. Bên quê nhà chắc hẳn không lạ với thức này. Nhiều nơi vẫn còn. Riêng tôi,  hình ảnh đó chỉ bàng bạc trong trí nhớ. Có thể bạn đọc thắc mắc: 

      -Lạ gì với món chè kê sao mà 'ca cải lương' đến thế?

Xin thưa với bạn: chè kê nếu có bánh tráng thì không hiếm hoi gì, nhưng cách ăn bánh tráng chè kê theo cái kiểu ngày trước theo trí nhớ tôi, chắc có mấy ai?

                                ***

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhPjgSFWlPovTuXnoKNu9CpNA_zQb2mOVrz5yrIq_Yi5RNNO9B_KtA8MMe6cdGdhbsItgD1AxntZxEvuDjjWUP42eydkXTZvt5PGw4WuM6HKf3-3LW19SOC6j7g308iL5VMi0Of6qU-E2s/w303-h400/b%25E1%25BA%25A1n+sum.jpg

1969-bạn cùng lớp đệ Tứ Ba tên là Trịnh văn Sum thăm nhà ngoại tôi vào ngày hè 9/6/1969. Chỉ có bức hình này còn lưu lại được và có hình  CÁI AM nhỏ ngó vô căn giữa  của nhà ngoại tại Phường Đệ Tứ xóm Cửa Hậu năm xưa QT

Lòng tôi thật xao xuyến khi nhìn lại hình ảnh cũ tức Cái am thờ trước nhà ngoại tôi đó là nơi tôi hay giúp ngoại đem mấy chén chè kê ra cúng.  Nó sắp một dãy ở trong cùng. Cúng này chắc chắn là Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 Âm Lịch, cái tục lệ người Việt mình. Hết mồng 5, đem các thức cúng ngoài am vô, mấy chén chè kê vẫn còn 'an vị' không ai dọn cả. Bà ngoại tôi bảo phải  đợi cho nó mốc trên mặt rồi đem vô.

Tôi thắc mắc: sao lại thế?

A! đây là cách ăn hay kinh nghiệm về ăn chè kê của ông bà mình đây.

Thật thế! mấy chén chè  để yên như thế khoảng hơn ba ngày, mặt trên  sẽ nổi lên một lớp mốc. Nướng xong cái bánh tráng gạo. Giờ ta hớt lớp mốc này bỏ đi, phần chè bên dưới giờ đã lên men một hương vị khó tả lại, nhưng nó khác xa với chè kê vừa nấu xong. Tiếp tục ta lấy bánh tráng thế muỗng múc ăn. Mấy chén chè, số hạn định trên am thờ ngoài vườn thỉnh xuống không nhiều. Có được một chén chè như thế là ưu tiên lắm rồi.

 Chè kê bánh tráng kể như thế, có ngon lạ ra sao thì nay thứ hương vị đó nó chẳng chút nào lưu lại trong trong trí nhớ để diễn tả cho đúng.  Kể cũng lạ? đã năm mươi năm hơn người viết không có cơ hội nào thưởng thức lại món đó. Có điều tôi chưa quên, khi hớt xong cái lớp mốc trắng xanh trên mặt chén chè bỏ đi, màu vàng của lớp chè kê bên dưới lộ ra kích thích tính tò mò háo hức của vị giác về một cách ăn lạ lùng! 

Nhớ ngôi nhà ngoại, tôi nhớ cái am nho nhỏ thờ ở vườn trước. Những ngày rằm mồng một đứa cháu ngoại phải bắc cái ghế mới đặt phẩm vật và thắp nhang cúng được. Ông anh con cậu và tôi, hai  anh em háo hức làm sao mỗi lần được sai thỉnh thức cúng trên am xuống. Nải chuối mốc mốc chín đen ngọt đậm, dĩa bánh in mua từ chợ Tỉnh, sao lại hăng hái ...đến thế?!

Hơn hai mươi năm sau khi ở tù về cũng là lúc bà con chúng ta phần nhiều không còn đất Quảng Trị năm xưa nữa. Vùng thôn quê trong nam đó là Động Đền nơi rất đông người Quảng Trị vào sinh sống sau đợt chạy giặc 1972. Tôi về với gia đình cho đến khi lấy vợ sinh ra bầy con cũng nơi vùng kinh tế sắn khoai. Đứa con trai thứ của vợ chồng tôi tên Đinh trọng Viễn Dương cơ may lại sinh đúng vào ngày mồng năm tháng năm 1991. Mẹ cháu vừa gắng múc chén chè cúng mồng Năm tháng Năm mà đang đau chuyển bụng. Mồng năm tháng năm đó dưới mái tranh nghèo vợ chồng tôi làm gì có được BÁNH TRÁNG CHÈ KẾ. Trời bù lại trời vừa sáng hẳn thì thằng con trai chào đời khỏe mạnh cứng cáp. Nghĩ lại thương cho người chị dâu bên vợ lại lận bận mất cúng mồng năm do phải đi gấp đỡ đẻ cho vợ tôi. 

Đinh trọng Viễn Dương đứa con trai sinh vào sáng Đoan Ngọ Tân Mùi 1991

Cúng rằm mồng một là chuyện hàng tháng. Riêng BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ quả là hiếm. Hiếm đây không phải là quá đắt đỏ hiếm hoi, mà so thiên hạ chẳng thiết tha tìm tòi gì nữa. Thời này đủ thứ không biết cơ man nào là vật phẩm hảo hạng cho người mình nấu cúng ngày đó. Có nơi nào đó còn giữ lệ hay tìm tòi thì thứ này chỉ đi với dịp tết Đoan Ngọ mồng năm tháng Năm thì may ra.

Thời nay, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ về chắc chắn có những thức cúng ngon, lạ hơn nhiều. Không biết lớp trẻ sau này hay "ưa của lạ" như tôi ngày đó hay không? Người viết mong sao quê mình giữ mãi lệ cúng CHÈ KÊ để thứ chè này sẽ đi cùng với thứ bánh tráng mộc mạc bình dân, làm từ hạt gạo của ruộng lúa quê mình.  Nhưng rồi nghĩ lại thân phận bao kẻ lưu vong, lại chạnh lòng do biết những người xa xứ chẳng còn cơ hội thưởng thức  lại BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ thêm lần nào nữa./.


ĐHL 

Mồng 5 tháng 5 ÂL Tân Sửu

nhân đọc bài viết MỒNG NĂM THÁNG NĂM của GS Nguyễn Châu


No comments:

Post a Comment