BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ đó là bốn chữ, người viết nhớ lại ngày trước luôn đi với nhau. Chè Kê cúng xong, phải là cúng xong mới được ăn với bánh tráng. Chuyện này có nghĩa rằng Chè Kê chỉ có nấu trong lễ cúng chứ không nấu bình thường như các thứ chè dân dã khác. Có thể do KÊ là đặc sản nên từ đó người mình ngày trước hay cúng trong dịp mồng năm ngày tết hay để tỏ lòng trịnh trọng dâng lên trong cúng kỵ cũng nên.
Hôm nay đọc bài viết " TẾT ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH" của Giáo Sư Nguyễn Châu, người thầy vừa là cố vấn trong Ban Chấp Hành Hội Đồng Hương Quảng Trị tại San Jose, tôi chợt nhớ về hình ảnh Bánh Tráng Chè Kê hơn năm mươi năm về trước.
Nếu nói nhớ bốn chữ "BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ" quá da diết đi thì thật ra là sáo ngữ do thời này thiếu chi thức ngon vật lạ. Có một điều kẻ viết bài này xin thật lòng thưa với bạn đọc là cơ hội ăn lại thứ vừa kể trên ngay tại xứ này thật khó làm sao! Khó là không ai bán thứ chè này. Ra tiệm food to go có đủ loại chè nhưng đố ai bán thứ này. Còn tự nấu chè kê, thì ở đây người ta không buôn loại hạt này do không có cầu thì chẳng có cung. Thật ra nếu có kê trong tay, người viết chưa hẳn đã nấu được cho ra chè kê đúng nghĩa và chưa hẳn con cháu bây giờ lại ủng hộ hay ưa thích.
Khó lòng gặp lại, có nghĩa là không bao giờ thấy lại, ăn lại, hay ho hơn một chút là thưởng thức lại. Bên quê nhà chắc hẳn không lạ với thức này. Nhiều nơi vẫn còn. Riêng tôi, hình ảnh đó chỉ bàng bạc trong trí nhớ. Có thể bạn đọc thắc mắc:
-Lạ gì với món chè kê sao mà 'ca cải lương' đến thế?
Xin thưa với bạn: chè kê nếu có bánh tráng thì không hiếm hoi gì, nhưng cách ăn bánh tráng chè kê theo cái kiểu ngày trước theo trí nhớ tôi, chắc có mấy ai?
***
1969-bạn cùng lớp đệ Tứ Ba tên là Trịnh văn Sum thăm nhà ngoại tôi vào ngày hè 9/6/1969. Chỉ có bức hình này còn lưu lại được và có hình CÁI AM nhỏ ngó vô căn giữa của nhà ngoại tại Phường Đệ Tứ xóm Cửa Hậu năm xưa QT
Lòng tôi thật xao xuyến khi nhìn lại hình ảnh cũ tức Cái am thờ trước nhà ngoại tôi đó là nơi tôi hay giúp ngoại đem mấy chén chè kê ra cúng. Nó sắp một dãy ở trong cùng. Cúng này chắc chắn là Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 Âm Lịch, cái tục lệ người Việt mình. Hết mồng 5, đem các thức cúng ngoài am vô, mấy chén chè kê vẫn còn 'an vị' không ai dọn cả. Bà ngoại tôi bảo phải đợi cho nó mốc trên mặt rồi đem vô.
Tôi thắc mắc: sao lại thế?
A! đây là cách ăn hay kinh nghiệm về ăn chè kê của ông bà mình đây.
Thật thế! mấy chén chè để yên như thế khoảng hơn ba ngày, mặt trên sẽ nổi lên một lớp mốc. Nướng xong cái bánh tráng gạo. Giờ ta hớt lớp mốc này bỏ đi, phần chè bên dưới giờ đã lên men một hương vị khó tả lại, nhưng nó khác xa với chè kê vừa nấu xong. Tiếp tục ta lấy bánh tráng thế muỗng múc ăn. Mấy chén chè, số hạn định trên am thờ ngoài vườn thỉnh xuống không nhiều. Có được một chén chè như thế là ưu tiên lắm rồi.
Chè kê bánh tráng kể như thế, có ngon lạ ra sao thì nay thứ hương vị đó nó chẳng chút nào lưu lại trong trong trí nhớ để diễn tả cho đúng. Kể cũng lạ? đã năm mươi năm hơn người viết không có cơ hội nào thưởng thức lại món đó. Có điều tôi chưa quên, khi hớt xong cái lớp mốc trắng xanh trên mặt chén chè bỏ đi, màu vàng của lớp chè kê bên dưới lộ ra kích thích tính tò mò háo hức của vị giác về một cách ăn lạ lùng!
Nhớ ngôi nhà ngoại, tôi nhớ cái am nho nhỏ thờ ở vườn trước. Những ngày rằm mồng một đứa cháu ngoại phải bắc cái ghế mới đặt phẩm vật và thắp nhang cúng được. Ông anh con cậu và tôi, hai anh em háo hức làm sao mỗi lần được sai thỉnh thức cúng trên am xuống. Nải chuối mốc mốc chín đen ngọt đậm, dĩa bánh in mua từ chợ Tỉnh, sao lại hăng hái ...đến thế?!
Hơn hai mươi năm sau khi ở tù về cũng là lúc bà con chúng ta phần nhiều không còn đất Quảng Trị năm xưa nữa. Vùng thôn quê trong nam đó là Động Đền nơi rất đông người Quảng Trị vào sinh sống sau đợt chạy giặc 1972. Tôi về với gia đình cho đến khi lấy vợ sinh ra bầy con cũng nơi vùng kinh tế sắn khoai. Đứa con trai thứ của vợ chồng tôi tên Đinh trọng Viễn Dương cơ may lại sinh đúng vào ngày mồng năm tháng năm 1991. Mẹ cháu vừa gắng múc chén chè cúng mồng Năm tháng Năm mà đang đau chuyển bụng. Mồng năm tháng năm đó dưới mái tranh nghèo vợ chồng tôi làm gì có được BÁNH TRÁNG CHÈ KẾ. Trời bù lại trời vừa sáng hẳn thì thằng con trai chào đời khỏe mạnh cứng cáp. Nghĩ lại thương cho người chị dâu bên vợ lại lận bận mất cúng mồng năm do phải đi gấp đỡ đẻ cho vợ tôi.
Đinh trọng Viễn Dương đứa con trai sinh vào sáng Đoan Ngọ Tân Mùi 1991
Cúng rằm mồng một là chuyện hàng tháng. Riêng BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ quả là hiếm. Hiếm đây không phải là quá đắt đỏ hiếm hoi, mà so thiên hạ chẳng thiết tha tìm tòi gì nữa. Thời này đủ thứ không biết cơ man nào là vật phẩm hảo hạng cho người mình nấu cúng ngày đó. Có nơi nào đó còn giữ lệ hay tìm tòi thì thứ này chỉ đi với dịp tết Đoan Ngọ mồng năm tháng Năm thì may ra.
Thời nay, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ về chắc chắn có những thức cúng ngon, lạ hơn nhiều. Không biết lớp trẻ sau này hay "ưa của lạ" như tôi ngày đó hay không? Người viết mong sao quê mình giữ mãi lệ cúng CHÈ KÊ để thứ chè này sẽ đi cùng với thứ bánh tráng mộc mạc bình dân, làm từ hạt gạo của ruộng lúa quê mình. Nhưng rồi nghĩ lại thân phận bao kẻ lưu vong, lại chạnh lòng do biết những người xa xứ chẳng còn cơ hội thưởng thức lại BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ thêm lần nào nữa./.
ĐHL
Mồng 5 tháng 5 ÂL Tân Sửu
nhân đọc bài viết MỒNG NĂM THÁNG NĂM của GS Nguyễn Châu
Căn nhà và cội mai già vắng Cậu Võ thế Hòa đã hai mùa xuân qua. Hôm nay qua hình ảnh, tôi ngắm cội mai mà cảm giác như nó có ‘linh hồn’, mai vắng chủ cùng ‘lặng buồn’ nhìn vào căn nhà im lìm từ ngày người cậu vĩnh viễn xa nó. Ngày xưa từ thành phố Quảng Trị, những năm niên thiếu tôi là đứa cháu ngoại hay về làng Nại Cửu mỗi khi có việc. Cứ mỗi lần về tôi lại hay ghé thăm nhà Cậu. Nhớ dáng Mệ Tơ lom khom quét ‘cươi’, mệ hay cười hiền từ chào thằng cháu trên tỉnh mới về. Rồi Dì Tưởng, một người dì tần tảo bán buôn cực nhọc từ những gánh rau hàng ngày người dì phải chạy bộ lên tỉnh. Rồi chuyện bà con trong làng, kẻ đi lính người tử trận nên làng ngoại mỗi lúc càng thiếu bóng thanh niên... Năm nay cây mai già ra bông lác đác. Sắc vàng tuy vẫn tươi giữa những chiếc lá xanh non mạnh mẽ nhưng hình như tất cả càng nhìn lại càng thấy ảo não. Đã hai xuân qua rồi, Cây mai vắng chủ tỉa lá chăm nom, nó đã đón hai cái tết khi những người thân yêu gần nó lần lượt bỏ đi. Cậu Hòa ra đi do tuổi già xế bóng và lớp trẻ phải tha phương tìm cuộc sống. Làm sao tôi quên cho được cái sân này. Mỗi lần về làng tôi ghé thăm nhà Cậu và qua cái cổng nhà nho nhỏ rồi vào cái sân cũng nho nhỏ này. Mái nhà tranh ngày xưa nay nay thay đổi chỉ bằng một mái ngói bình thường đơn giản như cuộc đời của người cậu cho đến lúc người ra đi.
Tôi nhớ làm sao, cũng cây mít kia và bụi tre sau nương vẫn còn nguyên vẹn. Đó là những dấu tích vườn xưa còn lại. Nó còn do cái giá của nó chẳng đáng là bao, chẳng đắp đổi gì nên nó vẫn nguyên vậy qua bao ngày tháng. Tôi nao lòng buồn nhất khi nhớ về những người thân thích lần lượt nối tiếp về với trời miên viễn. Lòng se lại khi tôi lặng ngắm một không gian tĩnh lặng, nỗi bồi hồi xúc động chợt dâng trước hình ảnh cái sân im vắng cùng cây mai ngày tết đơn độc ra bông. Bao hình ảnh tiếp nối... cũng bên cội mai đó, một ngày sau năm 1975 tôi tìm cách trốn trại nửa ngày tìm về làng ngoại. Hai vợ chồng cậu không ngờ gặp được đứa cháu. Cậu quay quắt tìm gì cho cháu trước khi về lại trại tù. Đổi thay, túng thiếu, hợp tác xã, cũng như bao hợp tác khác làm không đủ ăn. Ngày đó cậu tôi nghe, ngay mớ rơm cũng chia theo công điểm. Cảnh vườn không nhà trống đúng nghĩa nhất trong buổi giao thời khó có ai quên.
Sự thiếu đói khi vào Hợp Tác chính là hình ảnh đụn rơm nhỏ bé bên hông nhà. Cậu Hòa tìm tòi ngó quanh...trên chái nhà có con gà đang ấp cậu tôi lấy hết rỗ trứng xuống luộc cho đứa cháu. Hai cậu cháu chỉ có một hai giờ gặp nhau không nói hết những điều thay đổi trong những ngày loạn lạc vừa qua. Người làng ngoại tản mác chưa về nhưng chuyện thanh niên trong làng đang vật vả từ miếng cơm manh áo rồi lại chuyện quy hoạch mồ mả không ai lo? Nhưng rồi phải QUY. Hợp Tác đang cần đất tất cả đều bới tung? Cậu nói sao cho hết chuyện đổi thay cho đứa cháu chỉ thoáng trốn về làng non hai tiếng đồng hồ? Hoàn cảnh người trong trại, kẻ ở làng có khác chi nhau? Thiếu khổ túng bấn, vô kế khả thi. Cả bầu trời như tối sầm sập, chẳng tìm ra chút ánh sáng, chẳng khác chi một cơn ác mộng.
Giờ đây nếu tôi cố tưởng tượng lại cũng không sao hình dung ra hết thứ cảm giác vào buổi giao thời đó
Chỉ có hai cậu cháu ngồi chênh chếch gần cội mai này, đầu lối vô cái sân đất đầy kỷ niệm. Cậu tôi chỉ ăn hai cái trứng còn bao nhiêu cho đứa cháu ăn để lên lại trại. Người cậu hiểu tôi thèm khát đủ thứ. Có thể cậu chạnh lòng nghĩ tới những ngày tôi còn là một học sinh trên tỉnh, đầy đủ biết bao? Ai có ngờ đâu? giờ đây thân phận đứa cháu lại khổ như vậy? Gia đình, bà con, giờ ở trong nam, biền biệt tin tức biết dò ra răng? Hai cậu cháu ước gì cái thành phố trên kia giá như mà không có chuyện 1972 thì giờ dù có chuyện 1975 cũng không có cái cảnh làng mạc, họ hàng tứ tán mỗi người mỗi ngã?
Cậu ái ngại và thương xót đứa cháu gặp được người thân trong hoàn cảnh oái oăm cùng khổ. Nét mặt cậu quay quắt đau khổ làm sao, do không kiếm ra cái chi cho đứa cháu trở về bên trại? Từ vườn vào nhà hai vợ chồng cậu chẳng tìm ra chút gì thiết thực cho cháu lúc này? Ôi, cái phút giây trùng phùng cay đắng và buồn tủi! Tôi vội đứng dậy, dáng vẻ lấm lét của người tù binh, khi nào cũng thế. Hai cậu cháu bịn rịn chia tay. Cậu còn đứng ngó theo đứa cháu lom khom bước vội như có ai đuổi. Cái dáng cao ốm nhom, chiếc áo kaki bạc màu với cái túi vải xẹp lép bên vai, đứa cháu khuất dần đầu khúc quanh xóm Rộộc...Hắn sẽ đi lên xóm Chùa, tìm người ông bà con nhánh phái bên ông ngoại hắn.
GÔ CƠM HẤP SẮN
Ông Hạch (Võ Hạch) sáng nay đang ngồi chuốt lại mấy sợi lạt tre còn sót, gom được vài bó đầy. Ngày mai bà con trong xóm sẽ tới phụ lợp mái nhà mới cho đứa con trai. Mặt trời mới hơi nghiêng con sào mà trong xóm hôm nay tự nhiên ông thấy vắng ngắt. Ông Hạch có cảm giác vắng vẻ này từ năm ngoái, tức là năm 1975 cái năm mà chính quyền trong nam này sụp đổ. Bà con có dính đến chính quyền thì đi "học tập" mô xa ông chẳng rõ. Trong khi có người chạy tuốt vô nam , lại có một số thì đi kinh tế mới tận Khe Sanh.
Hòa bình rồi, hết tiếng súng,tiếng pháo hằng đêm, hết chạy tản cư lên Tỉnh. Đó là cái mừng ban đầu cho ông cũng như mọi người khác trong làng Nại Cửu. Nhưng sau một thời gian, ôn Hạch bỗng dưng cảm thấy cái buồn khác ập đến. Đó là sự thiếu vắng, cô quạnh khi số bà con ông hàng ngày “chộ” (thấy) mặt nay thất lạc tứ phương?
Hợp Tác Xã làng ông cũng có. Đợt quy hoạch đất đai dưới Phát Lát tức là ngã ba ngó qua bên tê sông Ba Bến gần nhà mấy đứa cháu khác trong chi phái ông tức là thằng Dâu, thằng Tú, cũng còn may khi còn mấy đứa này. Tại răng mà may? Ông nghĩ, số là khi quy hoạch mồ mả mấy đời dưới Phát Lát,, thanh niên trong làng không còn ai. Bốc mộ thì nhiều, lại di dời lên tận thôn trên. Nếu không có mấy đứa cháu sót lại như thằng Dâu thằng Tú thì mả mồ trong phái ôn lộn xộn, sót vãi hết trơn!
Thiệt tình trong bụng ông chẳng ưa chi cái chuyện 'di dời' mồ mả cha ông hàng loạt như rứa! nhưng thời thế đổi dời, mấy ai mà "bẻ nạng chống trời"?
Con chó già đang nằm bên đụn rơm trước sân, cái mõm nó kê lên nền đất cày của cái sân phơi trước nhà. Bỗng nó sủa lên vài tiếng khàn khàn làm ôn Hạch ngước nhìn lên... Một người thanh niên dáng ốm, cao lỏng khỏng đang lom lom bước vào sân. Người thanh niên này cái áo bộ đội bạc màu như lượm của ai. Đầu đội cái mũ vải tai bèo. Bên vai anh ta lại đeo cái túi tự may bằng vải cũ bạc màu đường may vụng về thô kệch.
- Ôn , ôn ..ôn còn nhớ cháu khôn?
- ờ ờ,,,eng là ai đây hè?
-Cháu là thằng Phúc, cháu cậu Cư ở trên tỉnh đây!
-Cháu eng Cư trên tỉnh? phải cháu Bác BếpThỏn khôn rứa?
-Đúng rồi ôn, mệ ngoại cháu là bếp Thỏn, mạ con là Nhỏ dì con là Nhoi đó mà.
-Ui cha thằng Phúc! con ở mô về đây? nhà con ra răng rồi?
Người thanh niên mừng khấp khởi khi ôn Hạch nhìn ra đứa cháu. Anh ta nói lại tình hình gia đình và bà con trên tỉnh cho Ông nghe, xong lại nói về tình hình chính anh đang "cải tạo" bên thôn Xuân Khê, gần Nại Cửu Phường, phía bên kia sông Thạch Hãn.
Nhớ lại thằng cháu trên tỉnh ông Hạch mừng lắm. Mấy năm trước, những lúc cúng kỵ trên nhà mệ ngoại thằng cháu này, khi nào ôn Hạch cũng chộ mặt. Hồi đó mỗi lần lên Tỉnh, ôn chộ trong nhà Bác Bếp Thỏn -tức là bác mụ, vì ông Bếp Thỏn đã mất từ năm 1949 - khi nào cũng đông đúc. Con trai Bác Bếp "mai vàng, mai trắng" đeo trên cổ áo. Bác Bếp mụ thì xuất gia qua tu bên chùa Sắc Tứ, nên nhà trên lúc nào bàn thờ phật trang nghiêm.
Rứa mà...theo lời đứa cháu trưa nay tạt vô thăm ông kể lại, nhà mệ ngoại nó trên tỉnh giờ phiêu dạt khắp nơi chẳng còn ai trên nớ? Ôn vừa nghe vừa gật gật đầu, mắt như hướng về phía tỉnh, nơi có một thành phố chỉ là một đống gạch, người ta đang ra công xây lại.
-Rứa... chừ con ở đây một chắc (mình), khôn ai thăm nuôi con hết răng?
-Dạ nhà con trong nam hết chẳng còn ai đây cả ôn nờ!
Ôn chắt lưỡi ái ngại cho đứa cháu ngoại trong làng. Thời chiến trận, xao lạc hết trơn! Thằng cháu ni về ngang làng làm ôn nhớ mấy đứa cháu khác, mấy năm trước theo trận Hạ Lào chết mất xác bên đó luôn, chừ không biết ngày đơm tháng kỵ là ngày mô nữa?
Như nhớ ra, ôn Hoạch thình lình hỏi:
-Rứa con ăn chi chưa?
-Dạ con có ghé cậu Dâu nhà cậu không có chi để nấu cả, chỉ còn ổ trứng, con gà đang ấp cậu ấy truống xuống luộc hết "bồi dưỡng" cho con rồi ôn nờ. Nhắc đến đây,người thanh niên nhớ hình ảnh vợ chồng cậu Dâu cùng ngồi chồm hổm giữa cái nền sân đất. Mấy cái trứng gà chưa nở, bị luộc vội cho đứa cháu đang ở tù ăn nhanh để lên lại trại. Cậu ấy vừa nhìn cháu ăn vừa hỏi chuyện. Người cậu ít nhiều lo lắng cho đứa cháu lên kịp trước điểm danh không? Trong nhà rõ ràng quá túng không biết lấy chi mà nấu cho đứa cháu, hắn xuất hiện quá bất ngờ, quá gấp gáp chẳng khác chi "một kẻ tội phạm", lấm lét như sợ ai nhòm ngó.
-Ui chà! tội rứa ...đợi chút con, ôn nấu cơm cho con ăn nghe!
-Thôi ôn, con phải đi chừ ôn ơi, con ghé thăm ôn chút con lên khôn thì khôn kịp họ biết thì khổ .
Ôn Hạch loay hoay không biết lấy chi cho đứa cháu ngoại trước lúc nó đi. Ông đang tìm một thứ chi đó xung quanh.
-Con có cái chi đựng khôn rứa?
- Dạ, con có cái lon gô đây ôn.
Nói xong, anh vội lấy cái lon gô đen trong cái túi may tay đeo cạnh đưa ra cho ôn.
Bỏ hết phần cơm nguội trong cái nồi đồng nhỏ vào cái lon nhôm cũng chưa đầy, ông Hạch vừa dận cơm xuống vừa ái ngại bỏ thêm mớ sắn lát hấp cho đầy cái gô, vừa nói:
-Ôn thêm ít sắn nì nữa lên trại ăn cho no nghe con.
Hai ông cháu chỉ gặp nhau trong thoáng giây, người thanh niên vội vã đi. Ôn ngồi thừ trước hàng hiên ngó theo đứa cháu ngoại trong làng, cái dáng lỏng khỏng cao của nó xa dần....
CHUYỆN BA MƯƠI LĂM NĂM SAU (năm 2010)
Nhà Dì An ở gần chùa Nại Cửu và cũng gần nhà thờ họ VÕ. Nhà dì cũng đầy đủ xe nổ có điện thoại đời sống không đến nỗi "chân lấm tay bùn ". Ngó vậy cũng không phải là dì có ông anh tức là ông Võ Đản đi Mỹ -mà nhờ dì biết làm ăn. Ông anh năng gửi tiền về làng nhưng trước là đóng góp, tôn tạo cho xong nhà thờ họ Võ sau là ủy lạo một vài bà con già cả neo đơn mỗi người vài ba chục ký gạo mỗi kỳ cho có tình làng nghĩa xóm. Nghĩa là ông anh dì An ở xa nhưng ông anh và bầy con cháu bên Mỹ không quên làng nước bà con. Đó là dì An sung sướng rồi, chẳng cần chi hơn nữa.
Mấy ngày nay trong nhà dì bàn tán một chuyện là lạ. Số là ông Hạch mất lâu rồi răng mà có người bên Mỹ gửi tiền về cho ôn? Hôm ni tức là mười hai giờ trưa theo hẹn nói chuyện với ông anh bên Mỹ, dì An sẽ hỏi cho ra lẽ?
Năm 2017 dì Võ thị An từ VN qua thăm ông anh là Võ Đản tại San Jose, có ghé thăm nhà ĐHL v (ngồi bên phải của ĐHL bên trái là mợ sau của cậu Võ Đản )
Tiếng ông Đản đầu dây bên kia:
-Rứa o không nhớ thằng Phúc à , con o Nhỏ trên tỉnh ở trước mặt Lao xá hồi nớ đó?
-A cái thằng cháu ngoại o Bếp Thỏn, trắng trắng, cao cao phải khôn eng?
-Đúng, đúng rồi ...số tiền nớ hắn bảo ngày giỗ ôn Hạch năm ni mua phẩm vật đặt trên bàn thờ cho ôn để nhớ ngày và nhờ o khấn giúp cho hắn như vầy như vầy ...
-Dạ em nhớ rồi eng, để em mua và qua bên nhà ôn Hạch khấn như rứa.
Cái chuyện gô cơm độn sắn cho người tù cải tạo năm nào từ miệng ông Đản, qua tai dì An, tiếp đến là đầu đề cho ngày giỗ ôn Hạch năm 2010. Bà con trong làng vào ngày đó, vừa ăn kỵ vừa trạo chuyện "gô cơm độn sắn" mà khen cho tấm lòng biết ơn của đứa NGOẠI trong LÀNG, một ngày sa cơ thất thế./.
Phải là cư dân thôn (phường) Đệ Tứ thành phố Quảng Trị mới biết lò heo quay ôn Phụng
Vợ Chồng ông Phụng có cái lò heo quay này khá nổi tiếng nhờ đem bán lên tận hàng thịt tại Chợ Quảng Trị. Người thị xã ngày đó nếu có ai từng ghé hàng thịt và có mua một vài trăm gam thịt heo quay tại đó quả là cơ hội ăn được món thịt heo "gia truyền" quay từ Lò Ông Phụng.
Người viết trước ở Phường Đệ Tứ đi bộ về Lò Ô Phụng không xa. Tác giả là cậu con trai siêng năng chuyên môn phụ giúp bán quán cho mẹ và từng có dịp về lò của ông. Làm sao người viết quên được hình ảnh cái quán của mẹ mình. Quán nằm ngay đầu ngã ba con Đường Ngự và con đường Lê văn Duyệt cũ. Quán ngay trước Cửa Hậu tức là cửa thành cổ. Hàng ngày lính trong thành, các chú bảo an hay ra mua chác tại quán mẹ tôi.
Quán mẹ tôi bán đủ thứ. Phận sự làm con của tôi là hàng ngày đạp xe lên chợ tỉnh hàng lấy hàng về cho quán mình. Từ khúc nước đá lạnh hiếm hoi trời nắng hạ, chờ từ sáng sớm tinh mơ mới có, tới tút (cây) thuốc Ruby Queen, Cotab hay hàng hóa lặt vặt ...
TẠI SAO TÔI HAY VỀ LÒ HEO QUAY ÔNG PHỤNG
Quán mẹ tôi còn bán bánh mì xíu. Mì ổ tôi đạp xe lên lấy từ lò Vạn Hoa tại Phường Đệ Nhất. Bánh Mì thì phải có xíu. Mẹ tôi còn nghĩ thêm một cách về lò Ômg Phụng không phải mua heo quay mà mua NƯỚC HEO QUAY để về làm nước xíu. Đó là dịp tôi biết được lò ông.
Tiếng là lò nhưng chẳng to lớn gì. Cái lò đất ông xây bằng đất mối ngoài ruộng đem vào tận căn bếp nhà dưới. Đã lâu năm nên lò đất đen xám màu than củi. Heo của ông mua về là con heo đen vừa to chứ không "lớn cả tạ" như heo hạ thịt.
Căn bếp làm lò lờ mờ ánh sáng. Con heo quay từ từ được xoay vòng chầm chậm trên than. Thỉnh thoảng ông dùng cái que đặc biệt của ông chấm nước gia vị "gia truyền" châm châm vào con heo đang vàng dần theo sức nóng của lò. Châm nước đồ màu vào da heo và thứ đồ màu đó là gì dĩ nhiên ông chẳng nói với ai. Châm đều tay và khéo đó là cái nghề của ông chủ lò. Tôi là thằng nhỏ ngồi chồm hổm cạnh lò nhìn và nhớ những gì ông làm, bụng mong chai nước mỡ heo quay mau đầy, trả tiền cho ôn xong, mau mau đem về cho mẹ.
Cách quay heo không phải nằm trên đống lửa như trong phim ta thường thấy mà chỉ dùng sức nóng của than củi truyền qua trong lò mà thôi. Ông làm sao với một cách riêng để nước quay từ con heo ứa ra theo con đường riêng giọt giọt tuôn vào cái chai đặt ngoài miệng lò. Cách này chẳng phí chút nào do ông đã tận dụng thu lại những thứ ngon từ gia vị, nước mỡ con heo quay không chảy xèo xèo vào than lò mà đi vào cái chai đang đợi phía dưới. Mà thật tình cũng nhờ cách riêng này của ông mà tôi còn đặt mối xuống lò ông Phụng hàng ngày để lấy thứ nước quay đó về phụ cho món hàng mì xíui.
Cho đến hôm nay tôi còn nhớ thứ nước mỡ màu đen béo ngậy đen sóng sánh nhờ vào sự hòa lẫn với gia vị "riêng" để quay heo của ông sẽ giúp cho món mì xíu mẹ tôi bán có vị ngon rất khác biệt có thể là không ai có hay bắt chước được.
Con heo quay xong, mệ Phụng đem bỏ mối lên chợ Tỉnh. Bảy tám giờ sáng là thấy mệ Phụng gánh hàng đi ngang Cửa Hậu. Tới chợ mệ Phụng sẽ bỏ mối lại cho mấy hàng thịt heo, mỗi nơi một ít chứ không dư nhiều. Ai cần mua tại lò ông cũng có. Mua tại nhà ngon đáo để nhờ thịt con heo không dày, thấm đồ màu, da heo quay mỏng dòn vàng hươm tất cả thấm thứ đồ màu heo quay của lò ông nên thật là một cơ hội thưởng thức.
Thịt heo quay của Lò Ôn Phụng cũng nhờ ngon nhớ đời nên dù đi nơi đâu,..vào nam hay qua tận Mỹ có heo quay người Tàu làm, thú thật không thấy heo quay đâu ngon bằng với thứ heo quay ngày đó.
Một thời xứ mình chỉ có heo đen. Heo đen bán thịt lúc nào cũng vừa to. Thịt heo đen xứ mình ăn cám chuối một thời chưa bao giờ uống bột nên thịt bùi săn giòn ngon đáo để.
Con heo quay qua tay ô Phụng lại còn đúng “gu” hơn. Không heo con, chẳng phải heo già mà lại choai choai. Một ngày, một con heo quay như thế thì nhu cầu lúc nào cũng thiếu.
Thật sự không phải lúc nào ta cũng ăn heo quay; phải có dịp đặc biệt mới mua vài trăm gam. Phường tôi khỏi cần lên chợ tỉnh, chỉ cần về Thôn Hạnh Hoa tới lò ông Phụng đúng giờ giấc là có heo quay vừa ra lò ngon đáo để ăn "ngậm mà nghe".
Kể ra đây hôm nay, nhưng giờ này ông mệ Phụng làm sao còn tại thế được. Người viết chỉ mong góp nhặt đôi lời chúng ta cùng nhau vẽ lại phường xưa xóm cũ, một thành phố xa xưa đã vùi sâu trong vòng dĩ vãng...
Kỷ niệm ngày xưa dù bất cứ chuyện gì cũng êm đềm thương nhớ. Trong các món ăn dân dã từ ít tiền cho đến đắt tiền...nào bánh ướt, bún luộc, bún xáo, lọn nem đòn chả hay cả miếng thịt heo quay béo bùi giòn tan và nhiều thứ hàng ăn khác đều nằm trong văn hóa ẩm thực của ngày trước.
Hiện nay phong vị ăn uống do giao thoa ba miền không ít thì nhiều có phần thay đổi. Từ sự tăng trưởng và pha trộn dân cư sau nửa thế kỷ đổi thay sẽ khó lòng giữ được nét riêng cho từng nơi như ngày trước.
Đây là một sự thật. Nếu như có ai tin điều này thì những bài viết về ẩm thực ngày trước nó đã cách đây đúng nửa thế kỷ rồi. Tác giả hi vọng thế hệ con em sẽ được phác họa lại sơ sài đôi nét phong vị ẩm thực của người xưa, một thời Quảng Trị./.
Tôi hay dùng lại tiếng tàu hỏa tiếng ngày xưa người mình hay dùng để chỉ tàu lửa. Đó là những chiếc tàu chợ phun khói phùn phụt và hú từng hồi còi dài. Hơn nửa thế kỷ qua rồi, giờ đây có thể các bạn đang ngồi trong những toa xe hạng sang xuyên Việt, có đầu máy chạy bằng diesel tối tân với tốc độ nhanh chưa từng có. Hình ảnh chiếc tàu hoả năm xưa không lạ đối với lớp người lớn tuổi, nhưng thế hệ bây giờ có muốn đi cũng không có? Ôi một thời tàu chạy lắc lư những cột khói đằng đầu tàu phun lên tiếng còi tàu huýt liên hồi khi gần đến ga nào đó... Tàu đi qua những vùng hoang dại thôn dã ruộng nương mỗi lúc rời sân ga và xa thành phố. Tàu đi tàu về người nhớ kẻ thương...một thời rung động trái tim người nhạc sĩ cống hiến cho chúng ta nhiều bản nhạc. Tàu hoả với người nghệ sĩ là chuyện chia phôi cùng đợi chờ chuyện ngày xưa những tình cảm mặn mà lãng mạn nghe rung động làm sao?
Người viết khơi lại hình ảnh chiếc tàu hỏa xa xưa, có nghĩa là khoảng thời gian cuối từ 1960 trở về trước khi con đường sắt cận sơn tỉnh Quảng trị còn đi qua những vùng hẻo lánh - hoang vu. Lúc này đường xe hỏa trong Nam vẫn còn xuyên suốt từ Sài Gòn ra đến Đông hà. Thế hệ sinh sau 1970 có thể nhìn thấy những đầu máy xe lửa cổ xưa, đen sì chạy bằng than đá và củi trong sách vở. Riêng thế hệ chúng tôi còn có cơ hội đi trên những chuyến tàu chợ ngày xưa, trước khi chúng bị bỏ hoang phế ở những góc vắng tại các nhà ga lớn nào đó. Ngày đó, nhà ga xe lửa Quảng Trị cách cầu Thạch hãn không xa. Bởi thế ngày xưa dân mình hay gọi cầu này là Cầu Ga. Tàu từ Đông Hà vô, dừng Ga Quảng Trị. Ngược lại muốn ra Đông Hà, bạn có thể tới Ga Quảng Trị đáp chuyến tàu ra. Chiếc cầu dành cho cả tàu hỏa và xe hơi, nên mỗi khi có tàu qua xe và người đi bộ đành phải chờ. Thời này tôi hay đi tàu hỏa dù chỉ một đoạn ngắn từ Quảng trị vào Mỹ chánh hay từ Quảng trị ra Đông hà.Nhà mẹ đích tôi kế chợ Mỹ chánh, mỗi lần tôi từ Quảng trị vào thăm xong tôi đi lên ga xép Mỹ chánh đón cho được chuyến tàu chợ cuối ngày để ra Quảng trị.
Tôi mường tượng hình ảnh cũ. Thời con nít, cái gì cũng vĩ đại. Đi được với người thân trên tàu đối với tôi chẳng khác gì là một chuyến viễn hành. Tôi nhớ mang máng nhà ga Mỹ chánh nằm trên một khoảng dốc khá cao. Tôi ngồi đợi tàu với ba mình, trong lòng thấp thỏm ngóng mong. Có tiếng còi tàu từ Huế ra, hú lên từ xa. Những hồi còi, lúc đầu con nghe văng vẳng nhưng càng lúc càng to. Từ xa, một cái chấm đen tròn, cột khói đen ngòm bốc lên. Cái đầu tàu đằng trước, khói bốc"phì phò"càng lúc càng rõ. Rồi tiếng rầm rập trên con đường sắt. Hồi hộp làm sao khi cái khối sắt kia từ từ chậm lại rồi dừng hẳn trước cái sân ga nhỏ bé, đìu hiu.
Tàu chợ tạm dừng ít phút, lấy thêm khách hay cho một vài người xuống. Cột khói từ trên cái đầu tròn dài đen nhẵn của đầu máy còn "gầm gừ" như 'doạ nạt' thằng bé như tôi. Trong trí tưởng tượng của tôi lúc đó, những bánh xe sắt khổng lồ của đầu tàu cùng lửa, khói, hợp lại trông chẳng khác gì một con “quái vật” đen đúa đến ghê sợ. Đó là bao dấu ấn hằn ghi trong trí óc trẻ thơ.
Người phu lái tàu áo quần đầy dầu mỡ, xốc xếch, nhảy xuống khỏi đầu phòng lái. Hình như ông chỉ đứng lái tàu chứ không ngồi như bác tài xế xe hơi. Đứa bé như tôi, nhớ mang máng, ông lái tàu vội vàng dùng cây sắt dài, hì hục nạy đống lửa và than đang cháy hừng hực trong cái đầu tàu. Đó là công việc chuẩn bị cho đầu tàu tiếp tục chạy ra Quảng Trị.
Lại hồi còi khác lanh lảnh rúc lên, đằng trước nhà ga người phu trạm phất lá cờ đỏ báo hiệu cho con tàu lăn bánh. Tiếng “sình sịch, sình sịch", lúc đầu còn chậm sau nhanh dần. Tàu từ từ rời ga Mỹ chánh, người phu trạm đứng ngó theo. Bóng ông cùng cái nhà ga khuất dần.
Đã là tàu chợ thì nó phải chạy chậm. Tàu vừa chạy vừa lắc lư. Tôi được dịp ngắm say sưa những triền cát, nhiều vạt rú càn cùng nhiều mảng đồi hoang sơ hoang vắng. Nhìn lên xa, bên trái là dãy núi Trường Sơn, trùng trùng điệp điệp. Tất cả gom lại tạo cho tôi thứ cảm giác “phiêu lưu, mạo hiểm” cho một đứa nhỏ đi xa. Con tàu vẫn nhịp nhàng lắc đều. Thỉnh thoảng tàu kéo lên một hồi còi, phá tan không gian tĩnh lặng. Gần đến ga Quảng Trị, tàu kéo còi liên tục. Tôi sắp về đến nhà cùng với niềm vui của một đứa bé đi chơi xa về lại thành phố.
Lớn thêm một ít, tôi có dịp vào Huế về thăm quê nội tôi tức là Truồi và tôi cũng có dịp đi tàu hỏa nữa. Rồi tôi còn được theo người lớn cùng lấy vé tàu tại ga Truồi mà vào đến Đà Nẵng. Nói sao hết nỗi vui mừng của tôi với cái thú "phiêu lưu " xa xôi như lúc này. Làm sao quên được hình ảnh sóng nước rì rào khi con tàu chạy men theo bên đầm Cầu Hai, Đá Bạc, giã từ cái đầm Lăng cô, tiến sâu vào chân núi Hải vân.
Nếu chúng ta hiện nay có những phương tiện dồi dào - hiện đại thì mới thấu được nỗi “gian nan" của chiếc tàu chợ đen đúa năm nào. Chiếc đầu máy chạy bằng than phải ì-ạch kéo cả đoàn tàu qua núi Hải vân nơi có những độ dốc khiến nó phải "phì phò" phun khói dày đặc tưởng chừng muốn "ngất lịm " đến nơi .
Hầm tàu Hải Vân
Cảm giác rờn rợn của tôi tăng lên khi con tàu phải chui qua mấy cái hầm dài xuyên qua núi Hải vân. Những toa xe không có điện, tối om như cảnh “âm ti địa ngục”. Mỗi lúc qua một hầm, mấy kẻ thích đùa cứ la hét vang lên như dọa nạt những ai yếu bóng vía. Khói tàu trong hầm chui vào hết trong các toa, mùi hắc ín mùi khói than khét lẹt. Con tàu trước khi vào hay ra khỏi một hầm, thường hú lên một hồi báo hiệu. Cứ mãi vậy cho đến cái hầm thứ thứ 6 - cái hầm dài nhất thì mới qua ranh giới Đà Nẵng. Toa xe sáng lần lên cho đến khi tất cả đều lọt vào khoảng trời quảng khoát bên ngoài. Ai nấy đều hít thở sảng khoái, nhìn lại nhau thì ôi thôi mặt ai cũng có một lớp mỏng muội khói.
Một thuở thanh bình người dân tự thoả mãn với những gì hiện có trong tay. Người ta đi tàu chợ, Nhiều khúc củi to tướng đốt lẫn với than. Hình ảnh những cột khói hình nấm, phùn phụt bay lên trời cao cùng tiếng còi tàu hú dài lê thê nhưng đem niềm vui cho khách đi tàu.
Làm sao tôi quên được những lúc đợi con tàu về ga cũ. Tôi đã áp tai vào đường tàu cố lắng nghe chấn động con tàu lan truyền từ những dặm xa. Có tiếng còi tàu xa xa âm thanh mơ hồ -phảng phất. Niềm vui của tôi tăng dần khi nhìn thấy làn khói đen từ phía chân trời cùng lúc tiếng còi tàu to dần liên hồi như tiếng reo vui của người con đi xa nay về lại cố hương. Đoàn tàu thân quen đã về bến cũ để đón thêm người đi, lưu luyến chia tay cho ai ở lại. Từng cụm khói tàu bốc cao lên trời, tàu vẫn tiếp tục chuyến viễn hành, vẫn tiếp tục chia phôi, để lại phía sau một sân ga bé nhỏ cùng số phận đợi chờ.
Con tàu năm cũ sẽ đưa chúng ta về với thời hoang dại. Những chuyến tàu hoàng hôn ra đi về bóng tối của thời gian; nơi đó đã chôn kín bao kỷ niệm vơi đầy, một thời tuổi nhỏ.
Rồi thời gian trôi mau, phôi pha bóng dáng con tàu ngày xa xưa đó. Bao nhân ảnh cuộc đời cũng lần hồi nhạt nhòa theo quá khứ. Từng hồi còi lịm tắt - từng sân ga xa bé nhỏ của thành phố năm xưa xa dần và khuất hẳn trong ánh tà dương. Chúng ta chia tay theo từng ngã rẽ cuộc đời; nhưng rồi tất cả sẽ theo nhau trôi chung về một vùng kỷ niệm. Nơi chân trời góc bể nếu có ai ngồi nhớ lại ga xưa chợt nghe đâu đó thoảng đưa thanh âm giục giã của Chuyến Tàu Hoàng Hôn, ga chiều Quảng Trị ./.