Lạу chúa con là lính trận ngoài biên
Vì xa thành phố xa quá nên quênĐêm naу ngôi hai trời xuống
Ánh sao lung linh muôn màu
Ϲon tưởng hỏa châu soi tuуến đầu...
Người viết xin kể lại ký ức của một mùa Noel, trầm lặng và u buồn nhất cho một thành phố Địa Đầu. Phải nói đó là lần Noel cuối cùng của thành phố Quảng trị cũ trước đây vào năm 1971. Thành phố QT trong tâm khảm bao con người xa xứ, nói cho chính xác là không có mùa Noel năm 1972. Làm sao có mùa Noel 1972 khi một thành phố đã trở thành một đống gạch đá hoang tàn cùng chết chóc ghê sợ...
Hình ảnh mùa Giáng Sinh 1971 đơn điệu, trầm lặng từ một mùa lễ một thành phố nhỏ, heo hút từ chốn địa đầu. Một thành phố còn vương nhiều đau khổ từ trận chiến nơi vùng Giới Tuyến triền miên chịu đựng.
Năm 1971 kết thúc cuộc chiến Hạ Lào, người mình khó quên những chuyến xe nhà binh mang về thành phố biết bao xác tử sĩ hi sinh ngoài mặt trận. Người thành phố vẫn nghe nhiều tiếng pháo kích vu vơ không biết điểm đến ở đâu. TP còn đón nhận nhiều toán dân chạy giặc từ hướng Gio Linh Cam Lộ Đông Hà bôn ba vào tỉnh ...biết bao khuôn mặt thất thần sợ hãi
Đạn xé không trung đêm đừng đêm vẫn nghe
Từng lớp trai đi cho ngàу mai vẫn đi
Đêm naу người xuống đời
Xin đem nguồn vui tới
Ɲhững đôi môi lạnh cúi lâu không cười...
Noel năm 1971 về cho miền địa đầu, niềm vui lễ hội đã nhạt nhòa đi theo những vành khăn tang cô phụ và những trẻ mồ côi từ vết thương chiến trận Hà Lào còn mưng mủ chưa nguôi ngoai trong lòng dân miền đất khổ. Quảng trị đang vào những ngày cuối năm cũng là mùa đông cuối cùng cho mấy con đường quen thuộc, những căn phố nhỏ và là lễ Giáng sinh cuối cùng trước khi chịu cảnh bom đạn cày xới, nát tan...
***
Lạу chúa con còn lứa tuổi học sinh
Vì cha là lính con thiết tha xin
An vui cho người đầu tuуến
Trẻ thơ уên tâm sách đèn
Để mẹ hiền con hết ưu phiền.
(Lá Thư Trần Thế)
Nhóm bạn chúng tôi năm đứa cùng học chung lớp (12 A3 nk 1971-72) có hẹn với nhau sẽ đi dạo chơi đón đêm Giáng Sinh. Trời tối thật mau, chúng tôi bắt đầu đi từ múi đường Trần hưng Đạo góc Lê văn Duyệt nhưng vừa ngang gần Trại Tuyển Mộ lại rẽ vào múi đầu Phan đình Phùng cạnh trường Nữ Tiểu học mới sau này, rồi sẽ đi ngược lên ...
Năm đứa mới đi một đoạn ngắn thì đã đến quán bún bò "Nông Tín", quán không có tên nhưng do gần ty Nông Tìn thì nó lại mang cái tên vậy để khách ăn dễ nhớ. Đêm đón Lễ, quán bún vẫn đông khách, ánh đèn trong quán hiu hắt dọi ra đường, kèm theo mùi thơm của nồi bún xáo quyện vào trong hơi lạnh đêm đông tạo nên một cảm giác rất chi là rất ‘Quảng trị'. Nó cũng là mùi xáo nhưng mùi xáo này gần gũi với mùi nấu nướng trong nhà.
một thời uống cà-phê cùng nghe nhạc Trịnh công Sơn qua băng nhạc máy và băng Akai
Qua Trường Nam Cửa Hữu tức cổng thành Đinh Công Tráng, vẫn theo đường Phan đình Phùng chúng tôi lên thêm một đoạn thôi chút thì đã tới quán cà-phê Hoài lúc nào chẳng hay. Thành phố địa đầu nhỏ lắm, đi chưa mõi chân thì đã tới phố rồi. Người viết nhớ làm sao hình ảnh ly cà –phê ‘phin’ kèm gói thuốc nhỏ hiệu con mèo ‘Craven A’ màu đỏ, hộp nhỏ loại 10 điếu. Vừa nhâm nhi trong tiếng nhạc Trịnh cống Sơn là "gout" thưởng thức của lứa tuổi con trai chúng tôi một thời.
Chúng tôi không quên hình ảnh quán Hoài đêm đó rất đông khách. Bên trong, chiếc máy hát AKAI với 2 dĩa băng loại lớn đang quay đều, volume mở lớn hết cỡ. Dòng nhạc thời đó vẫn là nhạc Trịnh Công Sơn (chúng tôi không kêu là nhạc Trịnh như sau này) cùng tiếng hát Khánh Ly từng khóc than cho cuộc chiến.
Ngang tiệm sửa xe Bảy Hiền chúng tôi cua trái lên hướng Lê thái Tổ.
Quán Khuya nho nhỏ, chỉ vài ba bàn gỗ thấp lè-tè. Thời đó quán cà-phê đua nhau mọc nhiều trong thành phố. Có những quán lớn như Hoài, Quyên, Ly Ly..cũng có mấy quán nhỏ mang vài cái tên cộc lốc một chữ như Khuya, Nghèo, Gió…những cái tên của mấy quán nhỏ nghe lại rất là ‘cà-phê’. Mốt đặt tên cho quán như vậy sau này vào Tạm Cư Hòa Khánh Non Nước cũng đặt lại cùng tên.
QT một thành phố tạm dung cho người dân ngoài kia chạy vào. Ai ngờ đâu một năm sau Đà Nẵng cũng là vùng đất tạm dung cho người Quảng Trị. Tạm cư Non Nước Hòa Khánh, Hòa Cầm những khu tập trung chính cho người dân Nạn Nhân Chiến Cuộc. Những lần lảnh gạo lảnh mỳ những lúc kiểm tra hộ khẩu ...quán cà-phê nho nhỏ ăn tạm nằm nhờ cũng mọc lên theo. Thời gian chờ đợi chiến tranh tàn lụi, nỗi chờ đợi mỏi mòn theo cường độ gia tăng chiến cuộc.
Phải nói từ năm 1971 hay trước đó, quán cà phê có thêm cái kiểu’ lợp một mài tranh đằng trước, phía sau lại có vách đan bằng tre phát xuất từ thành phố Quảng Trị. Khách uống cà- phê có thể thích mốt này. Do lúc thưởng thức cà phê, nghe nhạc khách có thể thả hồn xa cái thế giới đầy dẫy không khí chiến tranh bên ngoài.
Bạn bè chia tay nhau khi thành phố QT sắp vào giờ reveillon. Một thời chẳng biết chuyện ngưng chiến trong mùa lễ hội. Người QT đón giáng sinh 1971 nhưng vẫn nghe xa xa có tiếng đại bác vọng về. Một mùa giáng sinh trên vùng đất khổ, và cũng ngờ đâu đó là mùa lễ cuối cùng cho một Thành Phố sắp thành tro bụi trước bom đạn vô tình./.
ĐHL
==========================
No comments:
Post a Comment