ÔI THÀNH PHỐ NGÀY XƯA CHỈ CÒN LÀ BÓNG MỜ DĨ VÃNG
Tôi trở về thành phố
làm khúc hát một mình,
buổi chiều chưa ngã xuống
bóng đêm còn viễn chinh.
...Những con đường cũ nay tôi chẳng còn nhìn ra. Nhà cửa hiện giờ san sát bên nhau, không còn dư một mét đất nào. Nhiều nhà trọ, khách sạn đua nhau xây dựng từ Quốc Lộ 1 đi về. May thay còn sót lại rất ít di tích cũ chiến tranh, rõ nhất là mảng vách Trường Tư thục BỒ Đề nhưng loang lỗ dấu đạn... đó là những gì sau bốn thập niên tôi có thể sờ mó và có thể cảm nhận được niềm xúc động cho ngày trở lại phố xưa...
làm tuổi thơ một mình.
Mỗi ngày đi ngả trái,
bờ sông nước mênh mông...
người dân thành phố Quảng trị đang ở hiện nay là ai? "con bầy cháu lũ " mới đó mới đây giờ toàn là thế hệ trẻ -mới. Trong tôi hình như có một cảm giác họ chẳng còn dính dáng gì mình nữa , mặc dầu họ đang sống trên đất QT và tôi là cư dân sinh ra lớn lên trên thành phố QT nay đang trở về.
Bốn cổng đường thành nay đã xây lại, nhưng lạ thay tôi có cảm giác đường nét không còn mềm mại - uyển chuyển như xưa. Với tôi, người sống trước cổng thành QT ngót hai mươi năm mới xa ; hình dáng thành xưa đã khắc ghi trong trí nhớ. Quảng trị mới, có cổng thành mới, bao gạch đá đổ nát trong cuộc chiến nay đã vùi sâu dưới lòng đất, ai cũng tiếc cho một di tích ngàn xưa lưu vết tiền nhân...
Khi xưa vừa ra khỏi thành phố tôi phân biệt ngay là đang về làng. Những mái tranh , những con đường đất quanh co qua bao đồng lúa, bao làn khói lam chiều cho nồi cơm dùng rơm nấu bếp. Cái nghèo, cái mộc mạc đơn sơ khi về quê ngoại vẫn mãi lưu giữ trong lòng kẻ tha huơng bao tình cảm và nỗi nhớ nhung theo chân tôi qua đến xứ người cùng mấy thập niên trôi nổi...
*
Sẽ có người trách người viết sao mãi bám vào những ý nghĩ khắt khe, cứng nhắc kia. Quê huơng đổi thay cùng "lột xác" hoàn toàn từ làng đến tỉnh nhưng sao cứ khư khư, cố chấp với bao chuyện xa xưa vô ích thế kia.
Thật tình, tôi khó giải thích thứ tâm lý trong lòng một người trở lại. Tôi nhớ mang máng lúc còn nhỏ, có đọc một bài đọc ngắn trong cuốn quốc văn, có một người đàn bà sau bao năm lưu lạc về lại quê làng. Bà nhìn lại hình ảnh cây đa bến cũ mà không cầm được nước mắt. Những hình ảnh thân yêu lúc người đó ra đi từ thời son trẻ cho đến ngày lui bước trở về thôn xưa vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Tâm lý của người trở về như người viết còn buồn hơn nhân vật trong câu chuyện cũ; do bà về còn có “cây đa cũ- bến đò xưa” để an ủi, còn tôi (hay nhiều kẻ khác) nay chẳng còn chi...
về lại quê xưa tôi bỗng dưng hụt hẩng, khác với sự háo hức lúc sửa soạn khởi hành. Lý do do khó tìm lại hình ảnh đồng quê - hình ảnh phân biệt để biệt giữa nông thôn và thành thị. Có thể dần hồi chúng ta sẽ không còn nhận được làn hơi ẩm thấp từ cái vách đất, mùi ngai ngái của tấm phên lá, hay thứ cảm giác là lạ khi nằm trên cái giường tre ngày trước. Từ tỉnh về quê, khó cởi thoát được cảm giác cái vách xi măng xung quanh mình. Sự phát triển là đây- khi ranh giới giữa đô thị và thôn làng từ từ biến mất. Nhưng nó lại kèm theo sự mất mát tâm lý cho ai có cái thú "du lịch đồng quê " . Tôi có cảm tưởng rằng giờ đây mọi người đang thi đua "xi măng, cốt sắt hóa" tất cả - mọi huớng, mọi nơi. Tôi hình dung cuộc sống giờ như đang đuổi theo tốc độ của những chiếc xe máy. Mọi trao đổi giao tiếp đều hối hả, vội vàng, pha trộn, khô khan, cộc lốc.
Hình ảnh QT xưa giờ đã xóa nhòa. Từ bến đò bên dòng sông Thạch cho đến bãi Nhan Biều đều lạ lẫm. Thời học trò, bốn mươi năm trước tôi từng đứng bên ni sông ngó qua bên tê , bãi Nhan Biều đất bồi thoai thoải , sâu vào trong- những truông bắp một màu xanh ngắt.
Tôi trở về thành phố,
một ngày chưa thấy em,
ba ngày chưa thấy nốt,
bây giờ tôi bỏ đi
(NS Y VÂN)
Một đất nước đang chuyển mình - sống vội - nhưng mục đích không biết về đâu? Quảng trị đang tìm cách hòa mình vào một nhịp sống khác xưa như những thành phố lớn hiện nay: Đà Nẵng, Sài gòn, Hà nội. Những giấc ngủ ngắn hơn -chờ ngày mai thức dậy lại lao vào một chuẩn mực mới của thế hệ: đi kiếm sống , sắm sanh, trả nợ, nhậu nhẹt lấy sức và lại tiếp tục kiếm tìm. ..
Chỉ có đi lâu trở về dễ nhận ra rằng mình đã lạ hẳn đi trong cách giao tiếp , bở ngỡ rụt rè- vì trong tâm người về nhận ra rằng “đường xưa lối cũ” không còn ! kể cả người xưa - những con người "thị xã"- giờ phiêu dạt nơi đâu ? họ ra đi biền biệt phương nào ?
Giờ tôi lại giã từ Quảng Trị, một thành phố mới, xa lạ với riêng tôi. Tôi ra đi vẫn mang theo hình ảnh một thị xã xa xưa mờ nhạt trong lòng./.
EDIT BY ĐHL
18.11.2023
No comments:
Post a Comment