Sunday, November 12, 2023

TRIỀN NÚI XÓM XƯA


DÁNG CỎ XUÂN 

KHI hoa ANH ĐÀO vườn sau nhà tôi nở rộ, là lúc nắng xuân về tràn đầy khắp vùng nhà tôi ở. Sau vài trận mưa đầu mùa, màu xanh cỏ non lên mau phủ kín các triền đồi hướng đông.



Giờ đây là lúc những bầy nai mẹ, con, trong các bụi rậm mọc cạnh mấy villa lưng chừng đồi, chúng yên lặng đi ra, thản nhiên gặm cỏ non, chẳng chút e dè...



Vài con nai con tung tăng đuổi nhau. Chúng trông chẳng khác chi bầy chó con nuôi trong nhà vậy. Bầy chim giẻ không biết từ đâu, chúng trở về hót vang quanh xóm. Đó là lúc tiếng lũ quạ bắt đầu ngơi đi khi mùa hạt sót đã hết. Bầy bò đen của mấy nông trại không biết ra khỏi chuồng từ lúc nào? Đàn bò đang "ung dung" gặm cỏ lên tận chóp núi, xa xa. Tôi chẳng biết mấy nông trại nằm chốn nào phía đó? Dù sao những đàn bò đó nó chẳng bao giờ héo lánh về đây. Có những gì cần biết hay tôi chưa biết bên kia núi là gì? Có điều tôi biết chắc, đó là những vùng đất có chủ, bước chân viễn khách chẳng bao giờ đi hết và chẳng có cơ hội nào cho tôi leo tận đó. 

Có vài triền núi đá lở, dựng đứng cây cổ thụ may mắn còn sót lại, sống cùng thời gian như 'thách đố' với số phận. Bên kia triền núi kia là gì? Tôi tuy thắc mắc nhưng biết rằng mình sẽ không dám mạo hiểm qua gì bên đó. Có thể là hẳm sâu hay vách đá cheo leo nào đó? Núi rừng phong hóa theo thời gian, một lịch sử nước người, tôi chỉ biết qua sách vở. Ngày xưa những bộ lạc du mục những giống dân bản địa giờ họ chẳng còn. Họ về đâu đi đâu? trả lời cho tôi hôm nay chỉ còn là một không gian im vắng...

hình dưới: 
Depiction of Pruristac, a Ramaytush village in what is now Pacifica, by Amy Hosa & Linda Yamane, 2019.

SMCHA 2019.43.1 San Mateo County Historical Association




Nhiều thế kỷ trước vùng Vịnh (Bay Area) này là quê hương của những thổ dân bản địa gọi là Ohlone họ sống trên bán đảo từ San Francisco tới các vùng đồi núi hình chảo bao quanh Vùng Vịnh. Có nhiều ngôi làng nhỏ như một mạng lưới. Người Ohlone có ngôn ngữ chung là nói tiêng Ramaytush nhưng chia nhiều bộ lạc có vị trưởng làng của từng bộ lạc hay làng. Các bộ lạc hay làng có dân số từ năm mươi cho đến năm trăm.

đồ mỹ nghệ của giống dân Ohlone

  Đời sống của họ từ săn bắn đến ngư dân. Họ chế tạo ra đồ vũ khí cung tên hay đánh cá đan thêu cùng làm đồ trang trí... 

hình 3 ngư dân Ohlone đang vượt vịnh San Francisco (hình Louis Choris /Google)


ÁNH CHIỀU VÀNG

 


Chiều về, đó là lúc màu xanh tươi mát của buổi sáng biến mất, nhường chỗ cho những vạt nắng vàng đậm, chiếu sáng tràn trề trên mấy triền đồi. Ánh nắng vàng tôi trông rất lạ mắt, như pha lẫn sắc đỏ nào đó của lửa hay không khí ô nhiễm của thành phố dưới kia?



Hình ảnh cây cổ thụ sót trên triền núi lở, tôi miêu tả vào ban sáng,  giờ in hình rõ nét lên nền trời xanh lơ cùng màu đất vàng vọt bởi buổi chiều thật vàng. Bên một vách núi lở, không biết số phận nó sẽ còn đứng vững với thời gian bao nhiêu năm nữa? Dù sao, hình ảnh độc nhất của nó là chứng tích cánh rừng rậm xưa  nay biến mất.  Giờ đây chỉ còn lại những mảng đồi trống trải. Bù lại là hình ảnh màu xanh cỏ non sau những trận mưa xuân cùng nắng ấm trở về.


nhà cũ của tôi ở năm 2015 (dấu mũi tên chỉ)

Ở tạm và đi, nhà tôi lại rời nơi đây để đi về nơi mới. Đất khách quê người chẳng đâu là nơi 'chôn nhau cắt rốn' của mình. Nhưng lạ làm sao, tâm hồn người mình ai cũng giống nhau, ở lâu thì quyến luyến. Lúc rời nơi này tôi hay nhớ nhất là những lần đi bộ để ngắm những buổi sáng tươi xanh hay nhiều bận chiều vàng trên triền núi gần nhà.

Nắng vẫn lên ban mai và ánh chiều tà vẫn lặn hằng ngày. Bầu trời chung đi đâu cũng thế. Cách biệt quê hương ngàn trùng vạn dặm, những bước chân rảo bước hàng ngày, tôi ngắm nhìn nắng chiều nhưng lại gởi hồn tận đám mây cao./.

đhl 
edition  13.11.2023

No comments:

Post a Comment