Tuesday, January 10, 2023

HÀ THANH & NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN

 

 

By Đinh Hoa Lư


 Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người

Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ...

(Nhớ Một Chiều Xuân - Nguyễn văn Đông)

 

                                     *

 nữ danh ca gốc Huế - Hà Thanh (sinh năm 1937) đã qua đời vào ngày 1-1-2014 (giờ địa phương) tại TP Boston, tiểu bang Massachusetts - Mỹ, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư máu. Bà hưởng thọ 76 tuổi.

 Nữ danh ca Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh tại Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hà Thanh là con thứ tư trong một gia đình gia giáo có 10 anh chị em nhưng chỉ có bà đi theo con đường ca hát. Là người theo đạo Phật, từ nhỏ bà theo học Trường Đồng Khánh và hát trong chương trình Tiếng hát Học sinh Quốc học - Đồng Khánh trên Đài Phát thanh Huế.

Nữ ca sĩ Hà Thanh khi còn trẻ

Nữ ca sĩ Hà Thanh khi còn trẻ

Năm 1955, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài Phát thanh Huế tổ chức, bà đoạt giải nhất khi chỉ mới 16 tuổi, với 6 nhạc phẩm, trong đó có ca khúc Dòng sông xanh. Sau đó, tên bài hát trở thành nghệ danh của bà: Hà Thanh Năm 1955, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài Phát thanh Huế tổ chức, bà đoạt giải nhất khi chỉ mới 16 tuổi, với 6 nhạc phẩm, trong đó có ca khúc Dòng sông xanh. Sau đó, tên bài hát trở thành nghệ danh của bà: Hà Thanh.

Từ trái sang phải là các ca sĩ Anh Ngọc, Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao và Hà Thanh chụp năm 1992

Từ trái sang phải là các ca sĩ Anh Ngọc, Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao và Hà Thanh chụp năm 1992 

(trích Nữ danh ca Hà Thanh qua đời tại Mỹ - Báo Người lao động (nld.com.vn)

*


   Tiếng hát cố ca sĩ Hà Thanh đã bay xa, giã từ giới mộ điệu hơn tám năm rồi. Giống như hoàn cảnh nhiều ca sĩ trước 1975,khác, tuổi đời chồng chất nay phần nhiều đã nối tiếp "nắm tay nhau" giã từ tiếng hát lời ca và đi xa” về trời miên viễn. 


Đôi lúc ngồi thưởng thức lại tiếng hát của nhiều danh ca thời trước,  trong đó khán thính giả khó quên một chất giọng trong trẻo, ngọt ngào của người ca sĩ cố đô. Hà Thanh -ngưới nữ ca sĩ với giọng hát trong trẻo nếu ta muốn ví von thì chẳng khác chi một dòng sông xanh, nước chảy trong ngần. Đôi khi trống vắng, chúng ta ngồi nghe lại vài bài hát ngày trước, có nhiều tiếng hát cùng chia sẻ với ta bao hình ảnh ngày xuân. Ngày đó là quảng đời tuổi trẻ này chỉ còn quá khứ xa xăm.

 

                *

TỪ NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN TA LẠI NHỚ ĐẾN XUÂN XƯA MỘT THUỞ CHƯA LÀM KIẾP LƯU VONG BIỆT XỨ 




Thương bao kỷ niệm êm đềm lúc chúng ta chưa lìa xa miền đất Quảng Trị. Nhớ nhiều thứ, nhất là cành mai lá thiệp mỗi dịp tết đến xuân về.

Ngày xưa mỗi dịp xuân về, nhà nào  dù cực khổ chi cũng kiếm cho ra  một cành mai để chưng giữa nhà. Tháng chạp là tháng ai cũng tất bật lo toan kiếm thêm lợi tức lo cho ngày tết. Gạo nếp bánh mứt. thịt mỡ dưa hành… đó là chuyện của những bà nội trợ. Chuyện kiếm cành mai thật đẹp là chuyện của người gia trưởng, hay quý ông.

Thông thường  người  thành phố QT hay mua mai từ Tích tường Như lệ. Có người phải ra tận Gio linh hay vào Hải lăng mua cho được cành mai đem về. Cũng có người lại trồng đươc cây mai thật lớn giữa sân, Xuân về mới lựa một cành thật đẹp đem vào nhà chưng tết, đôi khi chủ nhân lại cắt biếu bạn hay bà con ít cành.

Ngày đó, người mình trồng cây mai giữa sân để ngắm chơi hay chưng tết mà thôi. Thật bình dị đời thường; khác với thời nay, thiên hạ chơi mai rất kiểu cách nhằm "khẳng định sang giàu”.  Thời nay, những chậu mai  được đánh giá qua "tỷ này triệu nọ", hấp lực  tiền bạc đã xóa đi phong vị của cành mai ý thiệp chẳng biết lúc nào?

 Trở lại chuyện cành mai ngày xưa, mai ở xa đem về nhà thường cách tết hơn cả thángtrời. Cành mai được hui gốc, tỉa hết lá thật kỹ, xong cắm vào cái bình nào đẹp nhất. Chuyện mai nở đúng tết là điều sung sướng nhất của chủ nhà. Lại thêm chuyện mai nở bao nhiêu cánh lại là một niềm mong đợi  nhen nhúm trong lòng. Một niềm vui thật đơn sơ, bình dị của người Quảng trị. Người ta thích bông mai năm cánh do cho rằng mai năm cánh "mới sang”.

  Thông thường  mai núi lá nhiều bông nhỏ, đều nhiều hơn năm cánh. Bạn tri kỷ, trò chuyện bên nhau cùng chén trà thơm. Có khi với hàng xóm hàn huyên mỗi sáng ngày xuân. Bạn hữu bên nhau cùng ngắm và thưởng thức cành mai. Giờ phút đó, hình như hoa cũng có tâm hồn; chúng đang nở đón xuân cùng hòa điệu vào niềm vui rạo rực cùng mong đợi của chủ nhân.  Có gì sung sướng và thỏa mãn cho bằng khoảng 25 tháng chạp, những búp mai bắt đầu thi đua hé nở. Những cánh mai tự trong búp hoa xanh lục, như muốn bức tung ra lộ dần những cánh sắc vàng tươi. Tất cả người và hoa cùng nhau đón ánh xuân về.

 Rồi các ngày cận tết, hay kế cận giao thừa, những cánh mai vàng đã nở “rộn ràng” trên cái cành xương xẩu, khẳng khiu, chen lẫn vài ba chiếc lá xanh lục, mượt mà. Chủ nhà sung sướng, mãn nguyện. Người Quảng Trị dễ dàng sung sướng dù chỉ một cành mai, bông nở đúng kỳ cùng lòng tin năm tới chắc hẳn "ĂN NÊN LÀM RA".


DÀ NẴNG XUÂN 1973


THIỆP XUÂN kỷ niệm lúc QT TẢN CƯ VÀO HÒA KHÁNH ĐÀ NẴNG TẾT 1973

                                     *

 Đó là chuyện mai và bông. Nhắc lại những cánh thiệp đầu xuân, trước giao thừa là chủ nhà đã trịnh trọng đặt xen giữa cành mai. Bạn hữu thân quen hay gửi thiệp. Người buôn bán làm ăn thì có thiệp gửi từ người "mối lái" bán buôn.

Ai có tiền thì mua thiệp loại sang, có hình ông Phước Lôc Thọ hay hình ảnh mai vàng chim muông, cây cảnh, thiếp vàng óng ánh. Giới bình dân thì mua vài ba lá thiêp nho nhỏ bên trong có đề vài dòng thân chúc. Dù sao chăng nữa, nét văn hóa ngày xưa đó là phong tục đáng nhớ, mang đầy ý nghĩa từ tình làng nghĩa xóm, tình cố cựu thông gia, tình thầy trò hay bằng hữu đồng môn.

 Tết đến chốn chợ đò rộn ràng cảnh sắm sanh bánh mứt. Trong mấy quán sách có đủ các loại thiệp tết. Khách mua tha hồ lựa chọn. Có người phải mua sớm để gởi bưu điện cho kịp tới các tỉnh xa do ngại gửi cận tết thiêp đến trễ là điều đáng tiếc.

Cành mai - cánh thiệp đầu xuân là hai thứ không thể tách rời. Cánh thiệp bạn hữu thân quen gửi tặng sẽ được chủ nhà trân trọng gắn vào giữa những cánh mai đẹp nhất. Ngày đầu năm khách đến thăm nhà, câu đầu tiên chủ nhà ưa nghe nhất là: 


          -CHÀ, NHÀ ENG MAI NĂM NI NỞ ĐẸP DỮ HÈ!


   Rồi lát mứt gừng, tách trà thơm, ông khách cùng chủ nhà cứ thế mà hàn huyên tâm sự. Bên cành mai đang rộ sắc vàng, cùng lời nói chuyện tâm đắc với nhau là tâm tình tao nhã của người  Quảng Trị năm xưa mỗi độ tết về. 



Tết về là dịp để gia đình đoàn tụ, cúng nhớ tổ tiên. Ngày đầu năm, xóm giềng bà con chúc lành cho nhau. Qua  năm mới làm ăn khấm khá, nhà nhà cởi mở, thịnh vượng hơn xưa. So với thời nay có đôi chút khác; ngày đầu năm thiên hạ hay thi nhau đốt những tràng pháo quá dài  nghe sao “đinh tai nhức óc”,  đến nỗi sau này tục đốt pháo bị cấm, làm cái phong vị ngày tết bị 'mất oan'. Ngày xưa khác hẳn, nhà nào dù nghèo hay giàu đều có cũng có một  phong pháo đốt ngày tết tượng trưng, cho "có tiếng" góp vui với xóm làng.  Hình như bà con mình muốn nhắc nhở nhau trong xóm biết cái giờ đầu tiên năm mới mà bưng mâm lễ ra cúng  giữa trời. Tiếng pháo ngày xưa nghe sao vui vẻ trong lòng. Đó còn là sự góp tiếng, cũng như cùng thức trong đêm "trừ tịch" làm  ấm áp thêm tình làng nghĩa xóm với nhau. Tiếng pháo giao thừa là chan hòa góp tiếng. Phong pháo tuy ngắn nhưng mang nhiều ý nghĩa. Áng chừng mọi người đều cảm thấy phấn kích, xúc động trong khoảnh khắc đầu tiên khi tổ tiên cùng ông Táo, Ông Thần Tài, năm mới sẽ bước vào từng cửa, "xét xem"  gia đình có đón tiếp trang trọng hay chăng?


Tết thời nay, nhất là tại thành phố, thiên hạ ưa "đổ xô" đi hết ra đường, thể hiện cái ăn chơi phung phí như trong các thành phố lớn. Tết  ngày xưa là dịp tỏ lòng kính tôn kính lên trên bàn thờ là việc trước nhất, thứ đến là săn sóc ông bà cha mẹ và lớp nhỏ được miếng ăn ngon hay manh áo mới sau một năm bận rộn làm ăn.


  Đường sá ngày xưa trong ba ngày tết thuờng vắng vẻ hơn ngày thuờng một ít. So với hôm nay, tết về là lúc đường sá đông đúc nhộn nhịp thêm hơn, muôn màu muôn vẻ. Tiếng còi xe, tiếng mua bán ồn ào. Trong nhà, trái lại thuờng im lìm vắng vẻ vì từng lứa tuổi chia nhau đi chơi mỗi người một hướng tùy theo sở thích.


                            *

vc chúng tôi về quê hương hưởng lại "mùi khói tết"(2017)

 














Rồi cuộc thế đổi dời, người Việt chúng ta đành ly hương biệt xứ. Từ Mỹ, hai vợ chồng tôi cùng nhau về quê để tìm lại chút hương vị nào đó của ngày giáp tết. 


Trong đêm khuya cạnh kề phụ mẫu, bên nồi bánh tét đang sôi, chúng tôi ngửi lại mùi khói cay cay trong đêm khuya lập loè ánh lửa. Một đêm dài sâu nặng tình quê, sống lại với bao kỷ niệm xa xăm nào đó để ngày mai chúng tôi phải giã từ đất mẹ. Về lại phương xa, chúng tôi mang theo bao nhung nhớ ngập lòng. 



*

Nói sao hết bao hoài niệm ngày xưa. Mỗi năm ngắm hoa đào đua nở nơi đất khách, lòng tôi luôn bùi ngùi nhớ về mai vàng Quảng Trị. Xa quê hương có mấy ai hẹn ngày trở lại? Biết nói sao với hai chữ NGÀY MAI?

 

Kiếp nhân sinh là phù ảnh, lung linh; nhưng trời

 quê hương vẫn xuân về, mai nở. Thương nhớ làm 

sao khi thiếu bóng "chinh nhân" không còn trở lại 

thôn xưa. Bờ lau cũ bên con đò cắm sào đứng đợi, 

để một độ tết đến xuân về sao lạc lỏng đến nao lòng.

 

Đó là cái khó để diễn tả cho lớp con em sau này hình dung ra cảnh tết xa xưa. Duy ở lớp người lớn tuổi, mỗi độ xuân về là thời gian còn lại cho họ ngồi hình dung lại hình ảnh CÀNH MAI LÁ THIỆP mà nhớ thuơng bao kỷ niệm êm đềm của một thời xuân./.


Đinh hoa Lư - San Jose California


ĐHL edit và tái đăng ngày giáp tết quý mùi 2023


No comments:

Post a Comment