Saturday, January 7, 2023

Mùa Xuân đi gác kèo ong ở rừng U Minh



Mật Ngọt Bao Đời của rng U Minh

January 7, 2023 (trích báo Người Việt)

 Thư Khôi

CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Mùa Xuân hoa nở, cũng là mùa người thợ rừng gác kèo ăn ong. Rừng U Minh, thảm rừng tràm đước rộng gấp bốn lần đảo quốc Singapore, mang trong lòng những tài nguyên quý giá đã thành huyền thoại được ghi lại trong “Hương Rừng Cà Mau,” chuyện trào phúng “Bác Ba Phi,” tiểu thuyết “Đất Rừng Phương Nam”…

Đường vô rừng U Minh Hạ, con kênh ranh giữa vùng đệm và vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt. (Hình: Thư Khôi)

Mật, sáp ong U Minh là đặc sản góp phần tạo ra thương cảng Rạch Giá phồn thịnh. Rừng U Minh giờ chỉ còn phế tích nhưng nghề gác kèo ong và đoàn Phong Ngạn vẫn sống, mật ong U Minh vẫn lóng lánh thơm lừng.

Trong những huyền thoại của U Minh có truyện ngắn “Hương Rừng” của nhà văn Sơn Nam, về loài ong ngũ sắc cho loại mật kỳ diệu có thể luyện thành phương thuốc chữa căn bệnh đứng đầu tứ chứng nan y. Một vị ngự y triều Nguyễn đã từ quan ẩn mình trong góc rừng U Minh tìm ong luyện thuốc chữa bệnh cho cô con gái có sắc đẹp ma mị. Chàng thợ rừng giỏi nhất U Minh đã tìm ra loài ong quý, mở ra mối tình như chuyện liêu trai. Nghề gác kèo ăn ong ở U Minh không chỉ là cách khai thác lâm thổ sản độc đáo mà còn là án văn ly kỳ, huyền hoặc.

Gập ghềnh “đột nhập” rừng U Minh Hạ

Theo địa bộ triều Nguyễn thời Thiệu Trị, vùng Long Xuyên có thuế Hoàng Lạp (sáp ong). Sáp là thổ sản quý để các nước lân bang tiến cống, các địa phương tiến nạp cho triều Nguyễn.

Cũng theo Sơn Nam “Sáp là nguồn lợi làm cho xứ Rạch Giá (bao gồm cả Cà Mau, Bạc Liêu) nổi danh (người Miên gọi là vùng Kramuon – Sor tức là xứ sáp trắng) vì thời xưa ổ ong bám vào cây tràm, lâu ngày rụng xuống rồi trôi trên sông, không người vớt.”

Trải qua bao cuộc biến thiên của lịch sử, thiên tai và tác động xâm thực củ con người, cháy rừng, rừng U Minh 2,000 cây số vuông giờ chỉ còn lại hai Vườn Quốc Gia U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau) mỗi nơi trên 8,000 hécta vùng lỏi và hơn 30,000 hécta vùng đệm. Đất rừng thu hẹp chỉ còn 1/10 ngày trước nhưng nguồn mật ong U Minh vẫn giàu, mỗi năm riêng U Minh Hạ đã khai thác hơn 1,000 tấn mật ong nguyên chất, tinh khiết. Đó chính là nhờ nghề gác kèo ong và giá trị truyền đời, luật bất thành văn của đoàn Phong Ngạn.

Chúng tôi đến ấp Vồ Dơi, trụ sở của Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia U Minh Hạ vào giữa trưa Tháng Tư nắng cháy. Thời điểm này là chính vụ ăn ong mùa khô, sản lượng mật ong cao nhất, phẩm chất tốt nhất so với hai mùa còn lại là mùa mưa và mùa lở. Đây cũng là thời điểm rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nhất để phòng chống cháy.

Chúng tôi đến nhà anh Võ Văn Vinh, ba đời làm thợ rừng nay định canh khai thác 6 hécta rừng nhận khoán ở vùng đệm, trồng tràm, gác kèo ong.

Với từng ấy kinh nghiệm và năng khiếu bẩm sinh, anh Vinh được dân Phong Ngạn kiềng mặt gác kèo mát tay, đạt hiệu suất cao nhất. Hóa ra cũng từng ấy vật dụng, cũng cùng trên một cánh rừng nhưng không phải ai cũng đạt kết quả như nhau. Có người gác 10 kèo, ong đóng tổ đến chín, nhưng có người chỉ đạt 4-5, thậm chí thấp hơn. Không phải do hên xui chim trời cá nước mà chủ yếu ở con mắt tinh tường, sự nhạy cảm chọn trãng, chọn hướng đặt kèo.

Tổ ong trắng muốt. (Hình: Thư Khôi)

Bí quyết chọn chỗ gác kèo

Đường vô rừng lởm chởm đất dớn (đất pha than bùn, xác là tràm đặc trưng của U Minh), khô cứng rất khó đi. Anh kể nghề gác kèo ong cũng lãng mạn và nhàn nhã như nghệ sĩ. Theo luật tự nhiên, đến mùa tràm trổ bông từ Tháng Chín tới Tháng Mười, đàn ong kéo về ăn bông, tìm chỗ đóng tổ để sinh con đẻ cái. Nếu không có kèo, ong làm tổ có khi quá cao, khi quá sâu trong rừng, việc ăn ong, lấy mật sẽ khó khăn. Gác kèo là tạo ra cái khung sườn nhà phù hợp cho ong đóng ổ.

Bộ kèo ong rất đơn giản chỉ gồm ba đoạn cây. Hai đoạn cây được cắm xuống mặt đất để làm trụ (thường là cây tràm), đầu trên vạt nhọn. Cây cao khoảng trên dưới 2 mét được gọi là cây nống, cây thấp (khoảng 1.7 mét) gọi là cây nạng. Cây thứ ba là cây kèo (cây tràm, cây cau, cây bình bát) được khoét lỗ hoặc vạt ngàm để gác lên trên đầu của cây nống và cây nạng theo một góc chênh chếch với mặt đất, theo cách nói của anh Vinh là tỉ lệ 7/3. Nói đến đây, anh Vinh nở nụ cười bí hiểm: “Cách thức đơn giản nhưng hay dở là ở chỗ chọn, phơi đẽo gọt kèo sao cho ong ưng bụng đậu lại đóng ổ, tui làm được mà không kể được!”

Chia sẻ về bí quyết chọn chỗ gác kèo, anh Vinh nói nhẹ khô. Ngoài bộ kèo thiệt ngon, ăn thua còn là chọn chỗ gác kèo, hướng gác kèo. Điểm gác kèo tốt nhất là cây tràm thấp có nhiều bông, có trảng trống, thuận đường cho ong bay, có lượng nắng mặt trời chiếu xuống thân kèo phù hợp. Thường là hai phần nắng một phần mát vào mùa mưa và một phần nắng hai phần mát vào mùa khô. Đầu kèo hướng về phía mặt trời mọc. Chọn hướng gió thích hợp tùy theo mùa gió bấc, chướng, nồm để đặt hướng gác kèo thuận cho đường bay của đàn ong… Người gác kèo phải hiểu tánh ý của đàn ong mà chọn độ cao, hướng kèo rồi còn phải dọn cỏ, cắt cây che mát chỗ này, tạo khoảng trống chỗ kia để đàn ong ưng ý đáp vô kèo đóng ổ.

Chừng nửa tháng sau ngày gác kèo, đi một vòng dòm ngó đã biết được bao nhiêu kèo có ong đóng ổ và thêm hai tuần nữa đã có thể ăn ong lấy mật.


Tổ ong trên thân kèo của anh Võ Văn Vinh. (Hình: Thư Khôi)

Ăn ong! Một cuộc dạo chơi

Hoa đẹp là hoa có gai, ong cho mật ngọt nhưng ong cũng biết chiến đấu và có vũ khí hữu hiệu để tự vệ là kim châm và nọc độc. Nhưng với thợ rừng như anh Vinh thì việc ăn ong đơn giản lẹ làng như cuộc dạo chơi.

Mặc áo quần bảo hộ, đội nón có lưới che mặt, mang theo con cúi bện bằng rễ gừa và lá tràm khô, một con dao bén, một cái thùng xô chứa mật, chỉ sau vài phút tiếp cận, bằng ba lưỡi dao, người thợ rừng đã thu hoạch xong một kèo ong và rời đi nơi khác.

Điều thú vị là tổ ong được thiết kế rất bài bản theo quy tắc nghiêm ngặt. Phần cao ở đầu kèo chứa toàn sáp và mật ong còn được gọi là khúc mức, kế đến là phần ong non và ong già. Người ăn ong đến gần đốt con cúi và thổi khói vào tổ, ong bị say khói bay đi. Khúc mức hiện ra một khối màu trắng ngà, mọng nước mật, lần ăn ong đầu tiên chỉ cần cắt khúc mức đem về nhà vắt mật.

Khi cắt mật, đường cắt thứ nhất cắt từ đầu kèo đi xuống từ trước ra sau để tách phần mật ra khỏi phần tàng ong, đường thứ hai cắt khúc mật ra khỏi tổ ong, đường thứ ba cắt ngang theo thân kèo nơi phần tổ ong gắn liền với kèo để cắt hẳn khúc mật ra khỏi tổ ong.

Từ lần thứ hai trở đi, phải làm thêm động tác tỉa gọn lại tổ ong cho gọn nhẹ để không bị gió thổi hư, Cắt một phần tổ cũ, cột vô đoạn kèo trống từ khúc mức đã cắt để ong tái tạo ổ nhanh hơn, lần thu hoạch kế tiếp ngắn hơn. Cứ như vậy, một lần đắt kèo ong có thể thu hoạch từ bốn đến năm lần cho đến khi hết mùa, ong bay đi.

Đây chính là nghệ thuật độc đáo của nghề gác kèo ong ở U Minh vừa khai thác mật, sáp ong vừa bảo tồn sinh thái. Theo các nhà khoa học thì Cambodia và Indonesia cũng có nghề ăn ong nhưng họ khai thác ổ ong chỉ một lần. Trong thập niên 1990, Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã tổ chức hội nghị để những người ăn ong các nước Đông Nam Á, chủ yếu là Cambodia và Indonesia học tập cách gác kèo của U Minh.

Anh Võ Văn Vinh gác kèo ong trong một khoảng rừng thưa. (Hình: Thư Khôi)

Giải mã đoàn Phong Ngạn!

Nhưng nghề gác kèo ong không chỉ điệu nghệ, sáng tạo về kỹ thuật mà còn có một tập tục, luật bất thành văn của nghề ăn ong là luật đoàn Phong Ngạn. Người dân địa phương, những người ăn ong tự hào nhắc luật lệ của đoàn nhưng nghĩa đen đoàn Phong Ngạn là gì thì không ai biết.

Sách “Cà Mau Xưa và An Xuyên Ngày Nay” có nhắc đến thuế Phong Ngạn thu của người ăn ong, cho thấy đây không phải là từ dân gian cũng không phải là từ mới có thời Pháp thuộc mà là chữ Hán Việt theo văn bản hành chính của triều đình nhà Nguyễn, phù hợp với các loại thuế Hoàng Lạp (sáp vàng) hay thuế Điểu Đình (sân chim).

Một số phim truyền hình giải thích là nghề ăn ong phải coi theo hướng gió nên gọi là Phong Ngạn nghe trớt quớt. “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” của Vương Hồng Sển, “Từ Điển Hán Việt” thì không thấy từ này.

Sách “Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam” có viết một khúc như vầy: “Thời Tự Đức (và có lẽ trước hơn), quan lại địa phương chia rừng tràm ra từng ‘ngan’ tức là từng lô nhỏ, lấy những con rạch thiên nhiên làm ranh giới. Nay hãy còn dùng làm địa danh. Ngan Trâu, Ngan Dừa, Ngan Rít, Ngan Vọp. Nghề ăn ong gọi là ‘ăn ngan,’ lô rừng đem đấu thầu gọi là sở phong ngạn (phong là ong, ngạn là bờ ranh).”

Nhà từ điển học Trần Văn Chánh giải thích rằng chữ Ngạn có nhiều nghĩa trong đó có nghĩa là bờ nhưng theo cú pháp Hán Việt thì Phong Ngạn không thể dịch là ong bờ mà phải dịch là bờ ong và cả hai đều tối nghĩa.

May mắn là “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” đã cắt nghĩa, phong là ong mật, ngạn (còn được phát âm ngàn) là rừng.

Điều đáng nói đoàn Phong Ngạn là ý nghĩa, giá trị nhân văn của nó. Dân gian Nam Kỳ có câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá.” Cả nước có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt.” Rừng U Minh không chỉ có cọp dữ, heo độc chiếc, trâu rừng mà trên không có ong độc, đại bàng, mặt đất đủ loài rắn độc, dưới nước đầy cá sấu. Người đi khai phá rừng cũng là lưu dân tứ chiến, có thể tranh giành cướp bóc thậm chí giết chóc lẫn nhau.

Trong truyện “Hương Rừng” đã thể hiện mỗi thợ rừng ngày xưa đều rèn cho mình những chiếc búa thật bén, thật cứng làm vũ khí. Tai họa có thể đến từ mọi phía nên người ăn ong từ xa xưa đã kết hợp với nhau theo từng nhóm gọi là đoàn.

Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tín, sinh ra và gần cả đời gắn bó với Cà Mau, thì luật lệ của đoàn Phong Ngạn rất chặt chẽ và cũng rất nhân văn.

Mỗi người trong đoàn được giao một phần rừng để gác kèo và chịu trách nhiệm bảo vệ rừng. Có lẽ do tính chất đối kháng dữ dội với thiên nhiên và con người thời ấy nên thành viên phải là đàn ông, phải búi tóc.


Anh Võ Văn Vinh và gần 10 lít mật thu hoạch từ một kèo ong. (Hình: Thư Khôi)

Người trong đoàn không được xâm phạm lãnh địa, không được ăn ong trên kèo thành viên khác. Thông thường trên mỗi đầu kèo, thân kèo có khắc tên hoặc dấu hiệu của người chủ. Khi một thành viên của đoàn mất mà không có con, cháu trai thừa kế thì số đầu kèo và phần đất rừng khai thác của người ấy sẽ chia đều cho người khác.

Để bảo vệ an toàn cũng như bảo đảm sự minh bạch, các thành viên Phong Ngạn không tự ý vô rừng mà phải báo cho đoàn trước mỗi chuyến đi. Cũng không đi một mình mà phải đi ít nhất hai người.

Khi va chạm với thú dữ với các nhóm đối kháng khác phải hết lòng hết sức, liều chết bảo vệ nhau.

Mỗi thành viên gia nhập đoàn phải qua nghi lễ trang nghiêm và cùng cắt máu ăn thề với lời thề độc địa mà thông thường nội dung bảo chứng chính là sinh mạng của mình. Người vi phạm sẽ bị xử theo luật lệ của đoàn mà mức phạt cao nhất là bị đuổi ra khỏi đoàn.

Trong bối cảnh thời ấy, làm một thợ rừng đơn lẻ, không có sự hỗ trợ của cộng đồng là mất mạng như chơi. Vì vậy, những thành viên của của đoàn Phong Ngạn vẫn tự hào bảo nhau người Phong Ngạn.

Mãi đến thập niên 1990, khi chưa có chủ trương quy hoạch vùng đệm và giao khoán cho dân, huyện Trần Văn Thời, U Minh đã tái lập hợp tác xã, tập đoàn Phong Ngạn với các quy tắc giản lược như khi giao dịch mua bán phải trung thực, không pha nước, không nói sai chủng loại, không đong thiếu…

Còn đó đạo ăn ong

Hiện nay, rừng vùng đệm được giao khoán, mỗi người tự gác kèo ong trên phần đất khoán của mình. Tiền đề vật chất của đoàn Phong Ngạn không còn nữa nhưng ý thức đạo lý sống đoàn kết tương trợ cùng bảo vệ rừng vẫn còn nguyên.

Anh Võ Văn Vinh tự hào và tuân thủ theo đúng đạo ăn ong của dân Phong Ngạn. Hằng năm anh khai thác hàng trăm lít mật từ 6 hécta rừng nhận khoán. Thứ mật thiên nhiên thuần khiết được bán với giá ngay thật chỉ 400,000 đồng ($18) một lít. Thu nhập ấy đủ để anh trang trải đời sống và nuôi con học đại học ngành nhà hàng khách sạn. Nguyện vọng của cháu cũng gắn với rừng U Minh là sẽ giới thiệu với du khách những đặc sản ẩm thực khẩn hoang từ nguyên liệu của rừng, sông biển U Minh theo phong cách mới. Đoàn Phong Ngạn đã quá vãng nhưng đạo và người Phong Ngạn vẫn sinh sôi. [qd]

 báo Người Việt Nam California 

No comments:

Post a Comment