chào bạn đọc
27-1-1973 ---27/1/2023 đúng nửa thế kỷ ngày ký kết thỏa ước Ba Lê một thỏa ước về nội dung đã đưa VNCH vào vòng 'tử ảnh' của thua thiệt và bị lũng đoạn từ diện địa cho đến nội tình chính trị.
Hoa Kỳ đã có bảo đảm an ninh từ miền bắc để rút hết quân đội về nước. Nhưng cái hậu quả cuối cùng rằng người đồng minh nhỏ bé VNCH phải chịu thua thiệt về nhiều mặt và cái giá cuối cùng là sự sụp đổ của Sài Gòn
Nhân kỷ niệm nửa thế kỷ ngày ký Thỏa ươc Paris người viết muốn trích lại bài viết của cố Đại Tướng Cao Văn Viên cựu TTMT QLVNCH nói về thỏa ước này
ĐHL
***
Đại Tướng Cao Văn Viên sanh ngày 11/12/1921 Tại thành phố Vạn Tượng , Lào Quốc. Gia cảnh Vợ và 4 con, Ông có bằng Cử Nhân Văn Chương Pháp tại trường Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn.
- Tốt nghiệp Trường Quân Sự Cap Saint Jacque ( Vũng Tàu ) năm 1949
- Tốt nghiệp Đại Học Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp, Forth
- Chứng Chỉ Nhảy Dù QLVNCH
- Chứng Chỉ Phi Công KQVNCH
- Chứng Chỉ Nhảy Dù QLHK
- Chứng Chỉ Phi Công Trực Thăng Hoa Kỳ
ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN NÓI GÌ VỀ THỎA ƯỚC BA LÊ 27/1/1973
THẤT THẾ CỦA VNCH KHI KÝ THỎA THUẬN BA LÊ 27/1/1973
Với tư cách là Tổng Tham Mưu Trưởng tôi phát biểu ý kiến trong buổi họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Ý kiến của tôi là rất khó kiểm soát vấn đề ngưng bắn; ngưng bắn tại chỗ kiểu “da beo” có nhiều nguy hiểm. Lối ngưng bắn này không có nơi tụ quân riêng và không có giới tuyến phân biệt đôi bên. Trong tình trạng này, lực lượng địch được quyền đóng quân nơi họ đang có mặt, nhưng dĩ nhiên cộng sản sẽ không đứng yên một nơi. Với bản tính xâm lăng tự tại đã có từ lâu, họ sẽ phân tán ra từng đơn vị nhỏ, xâm nhập vào làng xã và cứ điểm đồn trú của quân ta, và họ sẽ đánh dấu sự hiện diện của họ bằng cách treo cờ cộng sản. Như vậy, Ủy Ban Kiểm Soát và Giám Sát Quốc Tế không có ý nghĩa vì chúng ta đã có đủ chứng cớ để thấy đây là một tổ chức nằm dưới ảnh hưởng của cộng sản từ lâu Trong chiến tranh bất quy ước, sự kiểm soát dân và đất rất khó khăn vì không có ranh giới rõ giữa ta và địch—trường hợp ngưng bắn đang đề nghị lại càng khó khăn hơn gấp bội. Lối ngưng bắn kiểu như vậy được dân miền Nam diễu với nhau qua câu: “Trước đây chúng ta vào rừng săn thú dữ. Bây giờ chúng ta phải đem con thú dữ đó về ở chung nhà.” Đó chỉ là một cách nói đùa, nhưng câu nói cho thấy tâm lý của người dân khi phải đối diện với cộng sản.
VNCH biết chắc chắn cộng sản sẽ không thi hành cuộc ngưng bắn tại chỗ. Kinh nghiệm về hành vi của cộng sản sau năm 1954 cho ta biết rõ cộng sản sẽ làm gì trong lần đình chiến này. Thêm vào đó, tài liệu chúng ta tịch thu được từ một chính ủy tỉnh Quảng Tín vào ngày 10 tháng 10, 1972, cho thấy cán bộ các cấp cộng sản đã được chỉ thị học tập văn kiện hiệp định để chuẩn bị hành động. Tài liệu nói trên được tổng thống Thiệu trao cho Kissinger. Đưa cho Kissinger đọc tài liệu, ý tổng thống Thiệu muốn Kissinger thấy khi VNCH nhận được bản sơ thảo của hiệp định vào ngày 18, thì phía cộng sản đã phân phối tài liệu đó xuống đến tất cả cán bộ các cấp để học tập và chuẩn bị phản ứng. Cùng thời gian đó tin tình báo của chúng ta ở Tây Ninh báo cáo cho thẩm quyền quân sự VNCH và Hoa Kỳ biết cộng sản đã có một khóa học tập đặc biệt về bản sơ thảo hiệp định tại bộ chỉ huy Trung Ương Cục Miền Nam.
Một vấn đề quân sự quan trọng nhất là sự hiện diện của quân đội cộng sản ở miền Nam. Cán cân quân sự hai bên ngang nhau vào tháng 9 năm 1972. Nhưng khi tất cả quân đội Hoa Kỳ rút đi rồi, nếu cộng sản vẫn còn quân ở miền Nam, thì cán cân quân sự chắc chắn sẽ nghiêng về phía địch.
Về phương diện chính trị, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chú ý đến đề nghị thành lập một Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Quốc Gia. Lực lượng chính trị thứ ba này đưa đến nhiều tranh luận và nghi vấn. Nếu Hội Đồng này có thể tổ chức một cuộc bầu cử tương lai, thì nền tảng cuả Hội Đồng đó là gì? Nếu Hội Đồng được thành hình, thì chính quyền đang hiện hữu của VNCH sẽ ra sao, và sẽ hoạt động như thế nào? Đó là những điểm cần phải được giải thích—và bằng tiếng Việt. Trong cuộc họp tiếp theo tổng thống Thiệu hỏi Kissinger về những vấn đề đó. Hai mươi bốn giờ sau, Kissinger trao cho VNCH bản hiệp định soạn thảo bằng tiếng Việt.
Khi phân tích hiệp định sơ thảo bản tiếng Việt, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia biết ra đây là bản văn do cộng sản Bắc Việt soạn chớ không phải bản dịch ra từ bản văn Anh Ngữ. Văn phong của bản hiệp định chứa đầy ngôn ngữ cộng sản kiểu Bắc Việt. Bản văn có nhiều từ ngữ đặc thù, với ý nghĩa gây nhiều tranh luận. Thí dụ, danh xưng của quân đội Hoa Kỳ dùng đúng, nhưng trong ý nghĩa miệt thị: Quân Mỹ. Phía VNCH nhắc phái đoàn Hoa Kỳ nên yêu cầu sửa lại Quân Đội Hoa Kỳ cho nghe lịch sự hơn. Mọi người dân có trình độ ở miền Nam đồng ý chữ Quân Mỹ không phải là sai trong ngôn từ, nhưng đó là lối gọi bất lịch sự và miệt thị.
Một vấn đề quan trọng khác, liên hệ đến ý nghĩa của từ ngữ, khi nói đến cơ cấu Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Quốc Gia. Định nghĩa cơ cấu này, trong bản tiếng Anh viết là “adiministrative structure.” Khi chuyển sang tiếng Việt từ đó trở thành cơ cấu chính quyền—đây là lối chuyển ngữ đầy ẩn ý và nguy hại về sau. Đối với Bắc Việt, mọi cơ cấu chính quyền như Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải có đầy đủ thẩm quyền như một chính phủ. Và với một tập hợp cảu ba lực lượng chính trị, cớ cấu đó không khác gì hơn một chính phủ liên hiệp. Có phải đây là ý định thật sự của hiệp định không? Bản hiệp định bằng tiếng Việt đồng thời nói đến ba quốc gia Việt Nam: Bắc và Nam Việt Nam là hai quốc gia; quốc gia thứ ba ở đâu? Nếu miền Nam có hai quốc gia vậy thì chủ quyền của VNCH phải chia với một lực lượng khác. Đó là những điểm trở ngại quan trọng trong bản sơ thảo hiệp định.
Sau khi duyệt xét kỹ càng, chính phủ VNCH đưa ra 26 điểm cần được thay đổi trong bản sơ thảo. Trong khi cuộc hội thảo giữa VNCH và Hoa Kỳ đang diễn ra, tòa đại sứ VNCH ở Hoa Thịnh Đốn báo cáo về Sài Gòn là, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí ngoại quốc, thủ tướng Phạm văn Đồng tuyên bố hòa đàm ở Ba Lê đang tiến triển với nhiều kết quả tốt đẹp, và chánh phủ lâm thời trong tương lai sẽ là một chánh phủ liên hiệp của ba thành phần. Báo cáo từ Hoa Thịnh Đốn tăng thêm sự hoài nghi về một sự lừa dối: ai đang lừa ai, và ai bị lừa. Đây là một lý do nữa để tổng thống Thiệu chống lại hiệp định mạnh hơn khi VNCH và Hoa Kỳ thảo luận trở lại vào ngày 22 tháng 10. Đêm đó, tổng thống Thiệu viết cho tổng thống Nixon một bức thư, trao qua tay Kissinger Lá thư đề cập đến những khiếm khuyết của bản hiệp định, và lý do tại sao VNCH không thể nào chấp nhận bản hiệp định đó.
Với những phỏng đoán về sự chấp nhận và ký kết bản sơ thảo hiệp định bợ lỡ dở, Kissinger đánh điện tín cho Lê Đức Thọ, nói là lịch trình ký kết bản hiệp định quá cấp bách để Hoa Kỳ có thể ký hiệp định vào ngày 31 tháng 10 như đã định. Cùng lúc, Kissinger thông báo cho Bắc Việt biết Hoa Kỳ sẽ ngưng mọi oanh tạc từ vĩ tuyến thứ 20 trở lên vào ngày 25 tháng 10.
Về phần tổng thống Thiệu, ông lên đài truyền thanh và truyền hình thông báo cho toàn quốc biết VNCH không thể chấp nhận một chính phủ liên hiệp. Cùng lúc, Bắc Việt không đứng yên: họ tung quả bom tuyên truyền. Bắc Việt đưa ra công chúng nội dung cả bản hiệp định sơ thảo, lịch trình ký kết hiệp định, và lên án tổng thống Thiệu là người phá hoại hòa bình. Bắc Việt đòi hỏi Hoa Kỳ ký hiệp định vào ngày 31 tháng 10, 1972 như đã hứa theo lịch trình. Đối diện với những biến chuyển mới, Kissinger mở cuộc họp báo để giải thích nội dung của bản hiệp định. Kissinger tuyên bố “Hòa ình đang ở trong tầm tay,” và chỉ cần họp với Bắc Việt một lần nữa thì hòa đàm Ba Lê sẽ kết thúc.
Trong tháng 11, nhiều cuộc trao đổi qua lại giữa Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn, nhưng nội dung của bản hiệp định vẫn không thay đổi. Trong tháng 11, qua chương trình quân viện có tên là ENHANCE PLUS, Hoa Kỳ viện trợ cho VNCH một số lượng quân cụ, chiến cụ quan trọng. Vận tải cơ C-5 Galaxy và vận tải hạm đem đến Việt Nam chiến đấu cơ A-37, F-5, xe tank M-48, vận tải cơ C-130, trực thăng, và đại pháo 175 ly. Cộng thêm số chiến cụ, Hoa Kỳ chuyển lại cho quân đội VNCH tất cả các căn cứ và đồ trang bị ở các nơi đồn trú. Với số quân viện đó, Bộ Tổng Tham Mưu lập thêm các đơn vị pháo binh nặng, phòng không và thiết giáp. Những phi đoàn không quân C-130A và F-5A cũng được thành lập. Tuy nhien một số chiến cụ chưa dùng ngay được. Đây là số chiến cụ dùng để thay thế chiến cụ cũ hay bị hư trong tương lai theo những qui ước trong hiệp định. Chương trình quân viện qui mô và cấp tốc ENHANCE PLUS này có hai mục đích: về quân sự, chương trình gia tăng khả năng và sức mạnh của quân đội ta; về chính trị, Hoa Kỳ muốn chứng tỏ họ là một đồng minh tin tưởng được, để hy vọng chính phủ VNCH dung hòa hơn trong chuyện chấp nhận bản hiệp định.
Phải đồng ý tổng thống Nixon đã thật sự quan tâm đến những dị biệt trong bản hiệp định do chúng ta đưa ra. Nixon ra lệnh duyệt xét lại các điểm bất đồng ý kiến. Các điểm cần xét lại gồm có:
Các điểm quan trọng: (a) Vùng Phi Quân Sự phải được coi như biên giới giữa Bắc và Nam Việt Nam, như Hiệp Định Geneva phân định từ trước. (b) Phải có một cuộc rút quân tượng trưng từ phía Bắc Việt (có thể 25 ngàn quân), và ngược lại VNCH sẽ giảm một số quân tương đương. (c) Cuộc ngưng bắn phải được áp dụng cho toàn thể Đông Dương. (d) Lực lượng quốc tế kiểm soát đình chiến phải mạnh và sẵn sàng làm việc khi hiệp định có hiệu lực.
Các điểm không quan trọng: (a) Hai bản Anh và Việt ngữ của hiệp định phải được sửa lại để cùng có ý nghĩa như nhau, để ý nghĩa về cơ cấu của Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải QUốc Gia không bị hiểu lầm. (c) Bản hiệp định phải được bốn bên chánh thức ký nhận.
Ngày 9 tháng 11, 1972, chuẩn tướng Alexander Haig, Jr. đến Sài Gòn. Haig trao cho tổng thống Thiệu một bức thư của tổng thống Nixon, và nhấn mạnh tính chất quan trọng của chương trình quân viện ENHANCE PLUS. Nhưng khi thấy chính phủ VNCH giữ vững lập trường, không chấp nhận hiệp định, tướng Haig cho biết chính phủ Hoa Kỳ có thể ký hiệp định đó đơn độc với Bắc Việt. Vài ngày trước, ngày 5 tháng 11, các quốc gia Gia Nã Đại, Hung Gia Lợi, Nam Dương và Ba Lan đồng ý trên căn bản là họ sẽ dự phần vào Ủy Ban Kiểm Soát và Giám Sát Quốc Tế.
Ngày 20 tháng 11, Lê Đức Thọ và Kissinger họp mặt lại. Lê Đức Thọ xuất hiện trước, tuyên bố với báo chí là Bắc Việt nghi ngờ sự thành thật của Hoa Kỳ. Tuy không nói trắng ra, nhưng Lê Đức Thọ muốn nói đến chương trình viện trợ ENHANCE PLUS, và chuyện Hoa Kỳ đã không ký hiệp định vào ngày 31 tháng 10 theo lịch trình đã định. Khi gặp nhau, Kissinger đưa ra những đòi hỏi của phía VNCH và Hoa Kỳ. Không khí hai ngày thương lượng đầu tiên cởi mở trong sự trao đổi. Nhưng bất ngờ Lê đức Thọ trở nên cứng rắn với những đề nghị từ ngày 23 tháng 11. Lê Đức Thọ gạt hết tất cả đề nghị của Hoa Kỳ và đòi Hoa Kỳ thay chính phủ VNCH. Có lẽ đây là chỉ thị mới từ Hà Nội. Kissinger rất ngạc nhiên về thái độ trở mặt này của Lê Đức Thọ. Kissinger yêu cầu Lê Đức Thọ cho biết lý do, nhưng sự giải thích từ phía bên kia không làm hài lòng lắm. Kissinger nhấn mạnh đến sự thiện chí trong cuộc hòa đàm Hoa Kỳ ngưng oanh tạc từ vĩ tuyến 20 trở lên; nhưng Lê Đức Thọ trả lời là Hòa Kỳ đã đòi hỏi thêm nhiều điều kiện mới. Bị bế tắc, hai bên ngưng nói chuyện với nhau vào ngày 25 tháng 11, nhưng đồng ý gặp lại vào đầu tháng 12. Ngay trong thời điểm này, đặc sứ VNCH Nguyễn Phú Đức đến Hoa Thịnh Đốn để trao cho tổng thống Nixon một lá thư từ tổng thống Thiệu. Lá thư giải thích vị trí VNCH đối với hiệp định Ba Lê.
Ngày 4 tháng 12, Kissinger và Lê Đức Thọ gặp lại nhau. Lần này thái độ của Thọ giống như lần họp vừa qua; thái độ cởi mở hơn một chút trong những buổi họp sau, nhưng cuộc nói chuyện không có một tiến triển nào. Hai bên bàn cãi trở lại những vấn đề tưởng đã được giải quyết rồi. Ngày 13 tháng 12, Kissinger rời Ba Lê nhưng các phụ tá của ông ở lại để thương lượng những dị biệt với Bắc Việt. Sự bế tắc lần này thật và có điềm không tốt.
Sau khi họp và duyệt lại những chi tiết của cuộc hòa đàm với Kissinger ở Hoa Thịnh Đốn, tổng thống Nixon gởi một điện tín cho Hà Nội, thông báo nếu Bắc Việt không trở lai thương nghị một cách nghiêm chỉnh, Hoa Kỳ sẽ dội bom trở lại trong vòng 72 tiếng. Khi không thấy Bắc Việt trả lời, Hoa Kỳ dội bom trở lại trên toàn lãnh thổ Bắc Việt. Không chịu nổi cuộc dội bom khủng khiếp—Hoa Kỳ dùng cuộc dội bom như muốn nói ý định quyết liệt của mình trong vấn đề thương lượng—Bắc Việt thương lượng trở lại. Theo ý tôi (Cao văn Viên) Bắc Việt đã bị bắt buộc trở lại bàn hội nghị. Hoa Kỳ ngưng cuộc dội bom khủng khiếp đó vào ngày 30 tháng 12 năm 1972.
Tám ngày sau, ngày 8 tháng 1 năm 1973, Kissinger gặp Lê Đức Thọ. Lần nói chuyện này khả quan hơn. Hai bên duyệt lại bản sơ thảo của hiệp định từng điểm một. Vào ngày 14 tháng 1, Kissinger báo cáo với tổng thống Nixon về những tiến triển khả quan của cuộc họp. Ngày hôm sau, Hoa Kỳ ra lệnh tất cả đơn vị Hoa Kỳ ngưng tấn công Bắc Việt.
QUÂN ĐỘI HOA KỲ RỜI VN TẠI SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT CÓ SỰ GIÁM SÁT 4 BÊN
Ngày 16 tháng 1, chuẩn tướng Haig đến Sài Gòn. Chính phủ VNCH vẫn còn đòi hỏi sửa đổi một vài quy tắc trong bản hiệp định. Nhưng vào ngày 19 tháng 1, Hoa Kỳ thông báo chính phủ VNCH bản hiệp định định không còn thay đổi được nữa. Bản hiệp định sẽ được thảo duyệt lần cuối vào ngày 23 tháng 1, và bốn bên sẽ chính thức ký vào ngày 27 tháng 1 tại Ba Lê. Hiệp Định sẽ có hiệu lực vào 8 giờ sáng, ngày 28 tháng 1 năm 1973, giờ Sài Gòn. Được biết thêm vào ngày 21 tháng 1, tổng thống Nixon có gởi cho tổng thống Thiệu một lá thư, hăm dọa VNCH là nếu VNCH từ chối hiệp định, Hoa Kỳ sẽ ký một mình, và khi chuyện đó xảy ra, Hoa Kỳ sẽ cắt tất cả ngân khoản viện trợ. Nếu VNCH đồng ý ký bản hiệp định thì (1)tổng thống Hoa Kỳ sẽ hết lòng can thiệp với quốc hội Hoa Kỳ để tiếp tục viện trợ cho VNCH và (2) chính phủ Hoa Kỳ hứa sẽ phản ứng quyết liệt trong trường hợp cộng sản Bắc Việt vi phạm hiệp định. Sau nhiều buổi họp với hội đồng an ninh quốc gia và thảo luận với nhiều nhân vật có tiếng nói ở quốc hội và các cơ quan hành chánh, tổng thống Thiệu viết cho tổng thống Nixon một lá thư đồng chấp nhận hiệp định Paris.Trong thư tổng thống Thiệu đề nghị một cuộc họp mặt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau khi hiệp định Paris được ký kết.
NGUỒN
SÁCH
Cao văn Viên. Những Ngày Cuối Cùng của VNCH. Nhà Sách Văn Bút 2003, trang 40-49.
No comments:
Post a Comment