Tuesday, December 13, 2022

TÂM SỰ CỦA NGƯỜI TÙ BINH

BÀI HÁT-CHÚNG TÔI CÓ HAI MƯƠI NĂM LÀM TUỔI TRẺ (nhạc Vũ thành An, ca sĩ Khánh Ly)

Lời dẫn:

Qua INTERNET tác giả bài viết đã tìm trong cuốn phim tư liệu cũ " Con Đường GP Huế 26.3.1975" của phía CSVN và đã tìm ra được hình ảnh toán tù binh VNCH đầu tiên bị đưa ra Đông Hà. Trong đoàn tù binh đó trong đó có bản thân người viết. Toán tù binh này đang đi trên đoạn Bến Đá đến Cầu Dài gồm 17 người thuộc đại đội 2/TĐ 105 bị vỡ trận vào trưa 23/3/1975 tại làng Trach Phổ xã Phong Bình. Thật lòng nói ra, tác giả quả xúc động khi nhìn lại hình ảnh anh em trong đơn vị một ngày thua trận gần năm mươi năm trước 

Đinh hoa Lư 13/12/2022 / San Jose USA

***

Chúng tôi có hai mươi năm làm tuổi trẻ
Chưa bao giờ hưởng trọn một ngày vui
Khi lớn lên quê hương chung lửa đỏ
Tuổi thanh xuân mà lỡ mất nụ cười...( Nhạc Vũ Thành An) 


TOÁN TÙ BINH VNCH BỊ DẪN RA ĐÔNG HÀ LẦN ĐẦU TIÊN NGÀY 24/3/1975

(đại đội 2/ tiểu đoàn 105 Địa Phương QUân Tiểu khu Quảng Trị)
Người viết bị bắt làm tù binh sau khi tuyến Mỹ chánh bắt đầu "tan hàng" trưa 23 tháng 3 1975. Tác giả cũng là một trong 17 tù binh bị dẫn qua sông Thạch Hãn trưa ngày 24 tháng 3 năm 1975 lúc Huế chưa mất. Số tù binh đầu tiên này bị giam ở thôn An Lạc đông hà những ngày Huế và Đà nẵng trong cơn "hấp hối".

Sự thật những gì trong ký ức, người viết nhằm ghi lại những nốt thời gian kỷ niệm của đời hay rất đông người của miền nam cùng cảnh ngộ một ngày THÁNG TƯ


Hôm nay nhờ vào Internet, và tìm kiếm lại trên cuốn phim Đường Về Huế cũ tôi đã tìm ra hình ảnh của mình và đồng đội trong cuốn phim này
Thú thật với bạn đọc, trong tâm tư người viết có phần nào bồi hồi xúc động. Buổi can qua và thế gian vật đổi sao dời mới đó mà gần đúng nửa thế kỷ rồi .

===================
10 THÁNG BA 1975

Động Tiên 295 m, : Ban mê thuột MẤT tình hình chiến sự sôi động trở lại , tin tức tôi theo dõi nhờ chiếc radio nhỏ xíu nghe BBC hàng đêm

Chốt Đai Đội 2, đại úy Lê Kim Chung làm đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn 105 Địa Phương Quân QT đang án ngữ mặt trước Tiểu Đoàn 105 mà Ban Chỉ Huy đang đóng trên chóp Ông Đô cao độ 275 m.

Trung đội 3 của tôi thì nằm tiền đồn cho đại đội 2. Chốt trung đội tôi nằm chốt ngoài cho D9D92 sát khe Trai. Bên kia Khe Trai là động Tiên.
Hàng ngày bên kia động Tiên vc núp trong lùm cây gọi qua ơi ới như thách thức như trêu chọc:
- Mấy anh bảo an ơi !....
Tôi cũng xin giải thích thêm vào lúc đó chốt bên nào thì ở yên đó theo Thỏa thuận Ngưng bắn Paris
CS miền bắc chỉ vi phạm cách khác, chứ chạm tuyến hai phe chúng làm như tôn trọng Hiệp Định. Ban đêm tôi vẫn nghe phía bên kia tức sau Động Tiên 295 m (của vc) tiếng quân xa rú và đèn dọi lên tầng mây, chứng tỏ vc di chuyển ào ạt.

Tiếng xe và đèn bên kia rặng động Tiên, ánh đèn hắt lên tầng mây thấy rất rõ, tôi có báo lên đai đội 2 và tiểu đoàn 105 nhưng phản ứng thật yếu ớt , chỉ một lần trong một đêm từ tiểu khu bắn lên vài quả pháo binh chiếu lệ cho có rồi thôi
Tiểu đoàn phó, đại úy Nguyễn Đôn hay liên lạc và tiếng anh vẫn trực tiếp với tôi:
-Phú Lộc còn "gà cồ" đang gáy chuẩn bị
Ý anh nói pháo binh dưới Diên sanh bắn lên
Tiếng vài viên đạn pháo binh bắt đầu xé gió qua chốt tôi, trong đêm nghe xèn xẹt
vài tiếng nổ vu vơ bên kia rặng núi trước mặt tôi và rồi lặng yên
15/3/1975
tiếng của đại úy Nguyễn Đôn tiểu doàn phó 105 TKQT bên đầu dây PRC 25
-Phú lộc nghe rõ trả lời
Phú lộc là ám danh của tôi
-Phú Lộc nghe Đà Lạt 5/5 ...tôi trả lời anh Đôn
(tưởng cũng cần nói rõ anh Nguyễn Đôn hiện định cư tại San Jose)
- Phú lộc yên tâm khi nào đà lạt( tức anh Đôn) cũng sẵn sàng sau lưng phú lộc nghe , nghe rõ trả lòi...
-Phú lộc nhận rõ.
Quái, chuyện gì đây- Tôi phân vân lo lắng trong lòng
Chốt trung đội 3 của tôi nằm ngoài cùng của đại đội 2 của cố Đại Úy Lê Kim Chung. ĐĐ 2 là nằm trước Động ô Do BCH của Tiểu Đoàn 105 như thế xem như là chốt của tôi nằm ngoài cùng ngó lên là Động Tiên 295 m, phía đó là của VC bên kia rặng Động Tiên theo bản đồ chính bắt đầu hướng Ba Lòng

17 tháng 3/1975 CÁI GÌ ĐẾN ĐANG ĐẾN

TÔI RẤT BẤT NGỜ NHẬN LỆNH TỪ ĐĐ 2

trung đội được lệnh nghi binh, có nghĩa giả sinh hoạt , đứng gác, đồ đạc như thế một lúc trong sáng đó như không có gì xảy ra
Rồi yên lặng rút xuống chốt, men theo giữa rừng tranh rậm để về tập trung tại đỉnh ông Đô. Chúng tôi hi vọng Những đồi tranh chập chùng hi vọng lính chúng tôi rút VC bên kia rặng động Tiên không thấy
BCH tiểu đoàn 105 khui tất cả kho lương thực dự trữ tại BCH tiểu đoàn tại đỉnh ông Đô đa số là gạo sấy phát hết cho lính
-Tất cả di chuyển bộ theo con đường sơn đạo duy nhất đi ngay và sẽ di chuyển cả trong đêm
-Trong đêm 17/3/1975 cả tiểu đoàn tạm nghỉ khoảng giữa đường
Tôi có gặp đượcThiếu tá Lê văn Quang tiểu đoàn trưởng TĐ 122. Hai tiểu đoàn 105 và 122 không ngờ cùng có lệnh rút lui và gặp nhau ở điểm này.

Anh Quang là người anh người anh trong xóm Cửa Hậu Phường Đệ Tứ .Nhà mệ Tý, thân mẫu của anh làm nghề chằm nón. Anh Quang còn có người anh tên Vinh và hai người em gái nữa. Nhà anh cùng xóm với Trần Tài bạn tôi, hắn ra trường thuộc tiểu doàn 126 đang đóng ở mạn biển, chúng tôi thì lên núi.

Tôi sinh ra lớn lên tại xóm Cửa Hậu, đường Lê v Duyệt thuộc xóm nhà anh Quang. Anh thời học sinh rất mến tôi. Tôi không ngờ đây là lần cuối cùng hai anh em gặp nhau do sau này tôi nghe anh chạy vào được Quảng Ngãi thì bị bắn chết trong đó.
Hai tiểu đoàn gặp nhau lại nghe xôn xao có một số bên tiểu đoàn 122 phải bỏ xác lại trên chốt do biết đem về đâu lúc di tản thế này?
-Mẹ cha ơi, thật rủi có con bò cạp từ bụi cỏ tranh nào đó leo lên ba lô làm một phát vào ngón trỏ của tôi đau điếng. Con bò cạp đớp ngay vào ngón tay bóp cò súng làm ngón tay sưng bắt đầu sưng lên nếu đụng trận lúc đó thì làm sao bóp cò súng được?
Nhưng may, cả đơn vị rút lui trong im lặng và an toàn chẳng có gì xảy ra.
-Đơn vị đã di chuyển về gần tiểu khu Quảng trị (cầu dài Hải lăng) vài ụ pháo binh dấu hiệu vừa rút, đất còn mới toanh. Thỉnh thoảng tôi nghe rời rạc vài tiếng pháo VC bắn theo vu vơ đâu đó.
Đã đến tiểu khu QT tại Hải Lăng.

Gặp được Quốc lộ 1, chúng tôi không về huớng Tiểu Khu mà quẹo phải di hành theo QL vào huớng Mỹ Chánh...
TKQT đã di tản. Trên đường có nhiều đồ đạc đồng bào vứt lại...chứng tỏ di tản gấp thiếu phương tiện, tôi cảm nhận một không khí ngột ngạt im lặng

Qua khỏi cầu Mỹ Chánh chúng tôi được lệnh quẹo trái men theo bờ sông về Huớng Ưu Điềm

Tất cả các tiểu đoàn Đia phương Quân TKQT 105-110-122-119-126 đều dàn theo tuyến Mỹ Chánh từ núi đến biển.
Dọc đường từ chợ Mỹ Chánh về ngang Ưu Điềm Trạch Phổ ...đồng bào ai còn ở lại đổ xô ra ngó lính chúng tôi đi qua. Người viết còn nhớ có người còn đem con gà ôm bên người đứng bên đường ra bán cho lính hi vọng có ít tiền
Bà con đâu có hay lính chúng tôi chưa hề nhận lương tháng 3 / 1975. Tiểu khu rút từ Diên Sanh vào Huế cả tuần rồi mới cho chúng tôi trên núi RÚT? và họ còn đem cả lương hướng vào Huế (Mang Cá) rồi thì ai đem lương tháng 3 lên NÚI phát cho lính? Không biết các tiểu đoàn như 126 đóng ở mạn biển có nhận lương tháng 3/1975 không?
trọn bộ số lương tháng 3/1975 nằm trong bí mật của SĨ QUAN TÀI CHÍNH TIỂU KHU QT BIẾT? Thông thường mồng 10 hàng tháng là Tiểu KHu đã vào Quân KHu nhận Lương từ Đà Nẵng ra rồi...
Đó là lý do lính từ núi về toàn bộ không ai có đồng nào để mua bán với dân
19 tháng 3/1975
Tiểu đoàn 105 có lệnh đóng tại Làng Siêu QUần + đại đội 2
Đúng là địa danh "MUỖI SIÊU QUẦN" thành ngữ này ai đặt mà đúng dữ a?
Ruộng dân mới cấy , muỗi làng Siêu Quần này nhiều đến nỗi ban ngày đi "cầu" giữa đồng bầy muỗi nó tấn công tới tấp
- Nghe chợ Đông Ba cháy , ai đốt chẳng biết , trong Huế hoảng loạn quân nhu tiểu đoàn không mua được thức ăn tiếp tế
-tất cả lực lượng ĐPQ của TKQT đang nằm theo tuyến này chắc đói "phơi râu "
-phòng tuyến 2 tại Phò Trạch nhắm không cho ai rút qua tuyến này để vào phía nam?
-thế là tụi này chắc hi sinh hết ngoài này
-tiếng pháo binh từ Phong Điền dội ra vẫn nghe hàng ngày pháo binh đang rót qua bên bờ bắc sông Mỹ chánh , thế là sông Mỹ Chánh trở thành sông Thạch Hãn 1973 rồi , tôi thở dài.
NGÀY 23/3/1975
sáng sớm đại đội 2 được lệnh di chuyển , cả đại đội vượt qua cánh đồng mới cấy trơn trợt đi ngược ra huớng bắc ra huớng Trạch Phổ gần Uu Điềm xã Hải Văn
đến trưa mới trám được cho vị trí của 1 đại đội của tiểu đoàn 110 nghe đâu bị "lũng' hồi đêm
công sông Mỹ chánh nhìn rõ qua bên kia , im lìm nhưng chứa đựng bao bí ẩn sau những bờ tre kia
-ban chỉ huy đại đội đóng trong cái nhà thờ , dân đã bỏ chạy hồi hôm không thấy ai
-khoảng 2 giờ chiều lính trung đội hoảng hốt báo
-tụi nó vượt sông rồi
- nó thổi súp lê nữa ôn ơi(gọi tôi)
xạ thủ trung liên lại xách khẩu súng đó vừa nói vừa "dze" lui?!
Tôi còn nhớ một sự tức giận đến bất ngờ, như một phản xạ, ngón tay tôi như muốn 'bóp cò' cho sự rút lui vô lý như vậy... đột nhiên ngón tay tôi buông ra

Chỉ một khoảng thời gian ngắn mà cả đại đội bị dồn ra giữa đồng
Trung sĩ Hài THƯỜNG VỤ ĐẠI ĐỘI cũng vừa rút ra khỏi vị trí
Thôi rồi, tan hàng mau quá. Bắc quân hình như đã được biết trước cuộc chiến đang đến hồi CÁO CHUNG. Họ hí hửng thổi còi vượt sông Ô Lâu bắt đầu vào hơi xế trưa ngày hôm đó.

LÀNG TRẠCH PHỔ ƯU ĐIỀM BỜ SÔNG Ô LÂU
Hậu quả không tránh được khi liên đoàn ĐPQ chịu ở lại tuyến Mỹ Chánh, hi sinh cho 2 sư đoàn tổng trừ bị rút về bảo vệ SG. Tiểu Khu QT thì đang ở trong Huế. Thêm tin chợ Đông Ba cháy, cái tin này mới choáng do không có gì tiếp tế cho chúng tôi ngoài này cả. Tôi nhớ chuyến xe tiếp tế cuối cùng men theo đường biển về tới Làng Siêu Quần chẳng mua được gì cho lính? Những ngày đó tôi không còn nhớ lính ăn uống những gì? Làng mạc, đồng bào chạy hết, không ai ở lại...

Lương tháng 3 chúng tôi cũng chưa nhận được xu nào?
Tôi còn nhớ trong ví chỉ còn 500 tháng 2 sót lại. Mấy ngày trước hành quân về vùng này, dân bên đường bán con gà còn lại tôi chẳng có đủ tiền mua.


TRẠCH PHỔ CHIỀU ĐỊNH MẠNG 23 - 3 - 1975

Từ rú Uu điềm bị trói tay dẫn về lại sông Mỹ Chánh , tôi bị té mấy lần , tay bi trói nên không gượng lên được. Tên VC hình như lính chính quy lôi tôi dậy
Tội nghiệp cái chân lính quen mang giày, nay giày không có, qua mấy đám cây mắc cở đầy gai đau điếng
Giữa đường có mấy du kích đang cáng người bị thuơng đi ngược hướng với tôi. Có người bảo người lính miền bắc đang dẫn tôi, bảo bắn mẹ nó đi dẫn gì cho mệt.
Số tôi hên , người lính miền bắc vẫn chấp hành lệnh bắt giữ tù binh nên tôi vẫn được dẫn lui phía sau tức hướng sông Ô Lâu
Dọc đường tôi nghe vài tiếng pháo binh vu vơ từ Phong điền tiếp tục bắn ra, tiếng xé gió vun vút nổ đâu đó. Nhưng pháo binh bắn cho có lệ một vài quả mà thôi chẳng có gì dử dội cả.
Tôi nói thầm trong bụng
-mẹ, đại đội tan hàng từ lâu rồi bắn làm gì nữa?
Tôi đâu biết rằng phía dưới Siêu Quần cả Tiểu đoàn 105 cũng bắt đầu ...rút
TỐI 23.3/75 CHÚNG TÔI ĐƯỢC DẪN RA ĐÔNG HÀ







THÌ RA ra đám tù binh toàn đại đội 2 chúng tôi , 17 người tất cả : 2 sĩ quan duy nhất là tôi và Ngọc hai trung đội trưởng , không có tiểu đội trưởng nào
hình ảnh trước mắt chúng tôi trong văn phòng xã Hải văn
đồ đạc tung tóe , ảnh TTthiệu thì bị xé và vứt trên nền nhà
-một người xưng là Lộc , 27 tuổi xưng là tiểu đoàn trưởng "lên lớp" chúng tôi xong một người khác xưng là chính trị viên tiểu đoàn tiếp tục" lên lớp và kể tội" chúng tôi
Tôi còn nhớ mãi tiếng nói của tiểu đoàn trưởng LỘC:

-TÔI LÀ LỘC, 27 TUỔI TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG...
CHÚNG TÔI NHẬN LỆNH MANG QUÂN TƯ TRANG GỌN NHẸ NHẤT ĐỂ ĐUỔI THEO TRÁM VÀO CHỖ CÁC ANH VỪA RÚT NHƯNG CÁC ANH RÚT ...NHANH QUÁ
Đây là những gì tôi chẳng cần phải thêm hay bớt: người Tiểu đoàn Trưởng VC tên Lộc nói đúng

Tôi đã nhận ra mặt các người quen trong đại đội 2:

Hạ sĩ Con người lo nấu ăn cho đại đội trưởng



chuẩn úy Ngọc người Huế cùng đại đội 2 với người viết sau này cùng ở chung lán trại tù
***

Một sự rút lui ồ ạt không phải MỘT ĐƠN VỊ MỘT TIỂU KHU MÀ CẢ QUÂN KHU cả một THẤT BẠI CHIẾN LƯỢC SAU KHI VÀO TÙ HAY VNCH MẤT RỒI MỚI THẤY NÓ ĐÚNG
MỘT LỆNH RÚT TỪ SÀI GÒN NHANH VÀ VÔ TRÁCH NHIỆM ĐẾN NỖI AI CŨNG NGỠ NGÀNG NHƯ NẰM MƠ
***
TOÁN TÙ BINH ĐẦU TIÊN QUA SÔNG THẠCH HÃN
Trưa 24 /3/1975 chúng tôi 17 người, là toán TÙ BINH ĐẦU TIÊN BỊ ĐƯA QUA SÔNG THẠCH HÃN
-tối đó được ăn uống , có mấy trái bính ngô đám tù binh nấu ăn xong tối được dẫn đi ngay
qua mấy khúc sông cạn người lính VC thản nhiên" trut quần" lội qua , vai vẫn đeo xuống , qua sông bận quần lại "khỏe re" thật đơn giản như du kích.
tối đó chúng tôi được dẫn ra phía Bến Đá đường lộ 1
sa’ng 24 tháng 3/75
cả toán tù binh đại đội 2 chúng tôi 17 người đang bị dẫn ra huớng Đông hà ,khoảng 2 vệ binh VC đi theo . Chặng Cầu Dài. ( trong thời gian tù chúng tôi được biết phía bên VC lính trơn tức binh nhì họ gọi là "VỆ BINH")

Từng toán du kích đi ngược huớng chúng tôi họ theo đường lộ tiến vô huớng Huế. Đồng bào lại một lần nữa chạy lui do QT đã mất .
Du kích ai cũng đeo ba lô bộ đội màu xanh đầy cứng
Chúng tôi là đám tù binh đầu tiên đang bị dẫn ra huớng Bắc sau khi Quảng trị di tản

Thế là tuyến Mỹ chánh lũng rồi , tuyến Sông BỒ chắc đang nao núng thậm tệ
-Ngang khoảng gần Cầu Dài chúng tôi được lệnh nghỉ chân ,kiếm gì ăn bên các nhà hoang bên đường
-vài du kích tò mò hỏi thăm chúng tôi , có một số cho lương khô 701
họ nói:
-mừng cho mấy eng rứa là sống rồi...
-Ba Lô họ mang nặng chịch, chúng tôi được biết toàn là cờ "giải phóng "
-lần đầu tiên tôi thấy mấy o du kích to con lục lưỡng người chắc nịch , ba lô sau vai toàn đi bộ họ ở đâu giờ đây xuất hiện lại đông thế?

Có hai vệ binh VC tiếp tục dẫn chúng tôi ra huớng Đông Hà. Có thể ngang đoạn này toán quay phim ghi lại hình ảnh chúng tôi đang đi bộ tiến ra lại hướng Quảng Trị và sông Thạch Hãn. Thật may, 2 người vệ binh dẫn tù đón được chiếc xe Molotova đang chạy không về lại đơn vị liền ngoắc lại xin quá giang và khỏi đi bộ. Người tài xế bộ đội đang chạy ra không, thấy dẫn tù cũng ra tay hào hiệp chịu chở chúng tôi ra Đông Hà.

-Đến sông Thạch Hãn lần đầu tiên chúng tôi thấy chiếc cầu phà do công binh VC lắp nhanh để quân họ tiến vô nam.

- Quá trưa 24/3/75, chiếc xe molotova thả chúng tôi gần chợ Đông hà.

TẠI SAO RẤT ĐÔNG NGƯỜI TRONG CHỢ ĐÔNG HÀ CHẠY RA XEM TÙ BINH TRONG NAM RA

Sau này chúng tôi dễ hiểu, do họ là người Triệu Phong và Quảng Trị bị kẹt lại vào năm 1972 đến nay, bà con QT đang ở Chợ Đông Hà đây là lần đầu tiên nghe tin Có lính VNCH bị bắt và đang bị đưa ra đây. Lính TKQT đa số là Triệu Phong và Hải Lăng , bà con kẹt lại biết có bà con mình trong số đó nên chạy ra đứng đầy hai bên để coi.
Quả đúng, trong số anh em tù binh này có người nhận được bà con, họ cho luôn tờ bạc bắc 10 đồng lớn màu đỏ . Sau này tôi biết được tờ bạc này lớn nhất tại miền bắc lúc đó.



tối 24 tháng 3/75

chúng tôi bị đưa về thôn An Lạc Đông hà tạm giữ tại đây. Khoảng một tuần lễ tại đây lưu trú trong mấy xóm nhà dân bỏ hoang cạnh sông đông hà. TÔi và Ngọc là hai trung đội trưởng nhưng lại là hai sĩ quan duy nhất trong số tù binh dẫn ra đầu tiên tại đây. Hàng ngày hai tôi và Ngọc phải lên gặp cán bộ. Họ theo dõi tình hình chiến sự hàng ngày , Huế đang thất thủ , đang có rối loạn ở Thuận An.

Mấy cán bộ ở đây bảo tôi vào Ngọc thu băng cassette kêu gọi anh em trong Huế buông súng theo tờ giấy họ viết sẵn. Tôi còn nhớ họ bảo tôi phải sửa lại một vài chữ thí dụ họ bảo xóa những chữ ...ĐỐI XỬ NHÂN ĐẠO THEO CÔNG ƯỚC GENEVA TÙ BINH QUỐC TẾ mà họ bảo nói lại...ĐỐI XỬ NHÂN ĐẠO THEO CHÍNH SÁCH KHOAN HỒNG VÀ NHÂN ĐẠO 12 ĐIỂM CỦA CÁCH MẠNG

Mấy người chính trị viên làm rất gấp vấn đề trên. Thời gian này là Thuận An đang khủng hoảng vấn đề giải tỏa số quân đang tập trung tại đó rất đông. Đủ thứ binh chủng nhất là dù và TQLC. Đèo Hải Vân đã bị chận.

26 tháng 3

tôi nghe tin Huế mất
cán bộ VC theo tình hình từng giờ
tôi nghe tin Thuận An quá rộn.
Sau này tôi mới biết có một số của Tiểu Đoàn 105 TKQT chạy vào Thuận An nhưng trước sau gì cũng bị bắt và bị dẫn ra lại QT lên đến Khe Sanh, Tà Cơn đi bộ xa xôi tơi tả hơn chúng tôi nhiều lần. Chúng tôi bị bắt sớm nhất nhưng lại đi bộ ít hơn do từ Mỹ Chánh ra mà thôi.

29 tháng 3
tôi nghe tin Đà nẵng mất
Những tin chiến thắng như thế các chính trị viên đều cho tù binh hay vừa khoe thành tích của họ vừa lung lạc tinh thần chúng tôi

Đầu tháng 4/1975

chúng tôi được cho di chuyển về trường Tiểu Học Lai phước. Trường này khá nhiều dãy lớp, gần sông. Lai phước từ Đông hà đi vô hướng Quảng Trị.
Trường gần ngay sông Lai Phước cách cầu khoảng vài trăm mét.
Thời gian trú ngụ khoảng một tuần
-Tù binh trong Huế bắt đầu ra đông, chuyện ăn ở càng lúng túng, nhờ con sông Lai phước chúng tôi ra giặt giủ tắm rửa và ngủ trong trường này.

LÊN BA LÒNG
Qua Đèo Ba Lòng

15/4/1975

Sau khi ngủ qua đêm trong một đơn vị lán trại bộ đội bỏ trống tại Cùa, đoàn tù binh chúng tôi được dẫn bộ theo một sơn lộ đi về hướng Ba Lòng. Con đường đất đỏ quanh co, hai bên còn loang lổ hố bom, đi xuyên qua mấy trãng đồi tranh xanh ngắt. Đi từ sáng tinh mơ khoảng xế trưa thì đoàn tù binh bắt đầu qua Đèo Ba Lòng.



Theo lời cán bộ dẫn tù cho biết: độ dài của đèo Ba Lòng phải tới bảy tám cây số. Đường đèo thì leo dốc, do vậy thỉnh thoảng chúng tôi được nghỉ giải lao. Họ là bộ đội nên áp dụng “luật quân hành”có nghĩa đi  bộ một giờ được nghỉ giải lao mười lăm phút. Ngang lưng chừng đèo, chúng tôi được dừng nghỉ sức theo quy định. 
Được nghỉ, tôi để nguyên cái ba lô dựa vào vách núi.  Vài ngọn đót, mấy vòi mây nước từ trên cao buông vu vơ trước mắt tôi. Tôi lại nghe xa xa tiếng ve núi bắt đầu 'ca vang' đón hè. Trời tháng Tư khí hậu Quảng Trị bắt đầu nóng. Cái áo ka ki của tôi giờ đã thấm ướt mồ hôi. Gần ba tuần , tù binh bị giam tại trường Lai Phước chưa có gì cả? Ai có gì bận đó; đa số còn bận áo lính, chân mang đủ thứ dép. Có điều đặc biệt không ai được mang giày lính?

Có mấy ông cán bộ vc, có thể là cấp úy, họ có bình thủy nước trà mang theo uống dọc đường. Tôi chưa quên một kinh nghiệm khá 'lạ lùng'  do những người này chỉ cho tù binh khi lên dốc nên mang ba lô ngược trước ngực, sức nặng sẽ kéo giúp đi lên mạnh hơn. Trái lại lúc xuống  đèo, thì đưa ba lô  trở lại phía lưng- nó sẽ kéo người lui sau, khỏi chúi người. Thật là thứ kinh nghiệm 'vượt đèo'  lạ lùng, lần đầu tiên trong đời chúng tôi nghe được.
 Quy định dừng chân tạm nghỉ là mười lăm phút cho một giờ đi, nhưng thời gian nghỉ có khi khá lâu. Mấy người bộ đội này cho biết lên tới đỉnh đèo đổ xuống bên kia là thung lũng Ba Lòng. Sắp tới rồi hay sao? Như thế là đoàn tù này sẽ tới Ba Lòng, cái đích của chuyến đi này.

 Tôi tiếp tục dựa lưng vào vách núi ngắm cái hẽm núi trước mắt mình. Vài bóng mây nhàn nhạt  đang la đà dưới đó. Những làn mây mỏng không che hết màu xanh của lá cây. Tiếng ve thỉnh thoảng ngưng kêu, trả lại sự im lặng cho núi rừng.


Mới hôm qua,  lần đầu tiên chúng tôi ăn củ cây bông chuối (trước tôi gọi là chuối tây), ngày xưa người mình hay trồng làm cảnh. Họ cho  tù binh nhổ lên, nấu ăn tối. Té ra chuối tây phần củ của nó khi nấu chín ăn chẳng khác gì củ hoành tinh. Họ bảo đó là cây "cứu đói". Bộ đội ăn rồi trồng lại ngay để bộ đội tới sau có "cái ăn". Đất Cùa quả thật tốt. Những bụi cây bông chuối cao ngang đầu người, rậm rịt, chúng che mất mấy "cái lán" nho nhỏ. Một đơn vị bộ đội nào đó từng ở đây giờ họ đi đâu, chỉ còn lại những túp lều vách đất, trống không?

Bao nhiêu hình ảnh xáo trộn trong đầu...thế mà ba tuần rồi tính từ lúc đại đội chúng tôi tan hàng tại Mỹ Chánh. Mười bảy người được dẫn bộ ra múi cầu Đông Hà trú một tuần tại Thôn An Lạc. Thời gian này chúng tôi nghe tin Thuận An náo loạn? Tiếp đó Đà Nẵng ...Sau đó họ dẫn chúng tôi lên tại một trường học Lai Phước đóng tạm tại đây. Tù binh trong Huế ra càng lúc càng đông.  Ngày ngày ra tắm giặt bên con sông. Sau hai tuần, đoàn tù có lệnh di chuyển. Chúng tôi được dẫn bộ theo đường số Chín lên đến Cam Lộ thì rẽ lên hướng Cùa. Tối qua và đi đến trưa nay thì cả đoàn tù được dừng  nghỉ tại đây.

Từ độ cao này tôi định hướng nhìn về hướng dưới kia- Đông Hà hay Quảng Trị một đường ngang của một dãi đồng bằng hẹp, bằng phẳng. Hướng nam trong kia xa hơn. Giờ này thì Huế và Đà Nẵng mất rồi. Hai tuần tù binh trú tạm tại trường học Lai Phước cạnh con sông, tù từ trong đó ra càng lúc càng đông: nhiều thứ lính: từ áo ô liu cho đến rằn ri.  Giờ trong nam ra sao? Bình Tuy ra sao? Người ta đồn ranh giới hai bên có thể là Phan Rang? Tôi mong sao được như thế. Nếu được thế Bình Tuy, bà con tôi bà con QT còn thuộc VNCH còn lại...hình ảnh ngày cuối cùng tôi bị bắt. Ruộng Ưu Điềm mới cấy, Làng Siêu Quần- cái làng có đàn muỗi vo ve đến 'chóng mặt'. Về ngược lại Trạch Phổ gần Ưu Điềm bên này sông Ô Lâu nơi nào đồng bào cũng chạy sạch? Chuyến xe tiếp tế cuối cùng và tin chợ Đông Ba cháy đó là những tin tức sau cùng trong đời quân ngũ. Cho đến ngày 23 tháng 3- cái ngày tôi và mười mấy người trong đại đội trở thành tù binh bên sông Mỹ Chánh.  Đám ruộng làng Trạch Phổ, Ưu Điềm thuộc Xã Phong Bình có tên trên tấm bản đồ mà người trung đội trưởng như tôi luôn nhét trong ngực. Tấm bản đồ cùng quả lựu đạn mini nhỏ xíu- quà kỷ niệm của cậu tôi cho ngày ra phép cuối năm 1974 tôi ghé tạt qua Sơn Trà, một đơn vị Lôi Hổ- tất cả đều vứt lại tại cánh ruộng mới cấy đó...

***
       nguồn Thạch Hãn (Ba Lòng)

Dòng suy nghĩ của tôi dừng lại khi toán ‘quân’ nói đúng hơn là toán tù được lệnh tiếp tục đi. Có vài người  kiếm đâu ra thanh cây lụi làm que chống để lên đèo, riêng tôi thì không. Tôi và Ngọc do là hai sĩ quan trung đội nên cùng có nhau trên chuyến đi Ba Lòng này. Có một số khác đều từ Huế ra: Bãi Thuận An, Phú Bài, Trung đoàn 54...chúng tôi chưa biết nhau.

Hơn hai tiếng đồng hồ, toán tù binh đã lên đến đỉnh và tiếp tục đổ đèo. Tầm nhìn bên kia bắt đầu mở rộng trước mắt chúng tôi. Một phong cảnh hoàn toàn khác lạ. Bắt đầu xuống đèo...dưới kia thấp thoáng ánh nước một dòng sông. Thạch Hãn và Thung Lũng Ba Lòng đó rồi chăng?!

                Thung Lũng Ba Lòng hôm nay

***
Khoảng năm 1960, tôi có theo ba tôi lên Ba Lòng. Nhưng lúc đó ba tôi theo đò chèo ngược dòng Thạch Hãn để lên quận này. Thời gian đó, Quận Ba Lòng vẫn còn. Quận và Chi CA  còn đóng trên này.  Tôi mới sáu, bảy tuổi nên trí nhớ không rõ ràng lắm. Giờ này, dù ai có giải thích hay nói một tên khác nhưng tôi từng tới vùng đất dưới kia từ thưở bé thơ. Đó là một ngày có con đò chèo từ thành phố thân yêu đi ngược Thạch Hãn, tận một thung lũng có tên Ba Lòng. Một nơi có làng mạc có dân cư hiền hòa cùng những đồng bắp tốt tươi. Riêng tôi, tất cả hình ảnh nằm trong kỷ niệm như thôi thúc chân tôi bước nhanh hơn để xuống đèo xem tận mắt giờ cái vùng kỷ niệm nay ra sao.

Chúng tôi cố bước theo nhau- những bước chân đi như không định hướng. Sự sụp đổ lan nhanh không ai ngờ mà chẳng ai chống lại được? Tôi vừa đi vừa thả hồn về hình ảnh cũ: Rà Vịnh- Ba Lòng- Bến Đá Nổi, có thể người bên kia chiến tuyến chưa ai từng nghe qua. Đối tôi vẫn giữ mãi trong lòng những cái tên đó...Một ngày xưa có tiếng chèo của người trạo phu khua nước trong đêm, có thằng bé theo cha ngược dòng Thạch Giang lên tận một nơi được người viết xem như là một "thung lũng thần tiên".  

Gần hai mươi năm sau, đứa bé kia lại được về lại cái thung lũng "thần tiên" đó nhưng trong thân phận của người tù binh chiến bại. Ngoái về hướng nam, người tù bình biết chắc một điều là Xuân Này Con Không Về, mẹ và người thân yêu xin đừng đợi nữa./.


No comments:

Post a Comment