MỒNG TƠI- từ ca dao và đã vào thơ
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng...
.(Người Hàng Xóm- thơ Nguyễn Bính 1940)
Bài thơ ngày xưa của Thi Sĩ Nguyễn Bính từng viết bên hồ Trúc Bạch Hà Nội, đâu phải chỉ
lời thơ chất phát chân thật như ta tưởng; hình ảnh dậu mồng tơi đã vào thơ mới với bao lãng mạn, trữ tình. Nói như thế, mồng tơi trong ca dao ngày trước chỉ là hình ảnh đơn thuần, chất phát chăng? chưa hẳn, nếu chúng ta khám phá ra rằng khóm cây có màu lá xanh non mơn mởn kia,
mấy chùm trái lúc chín chuyển qua màu đen tuyền vẫn mang nhiều nét "ướt át,
tình cảm" chẳng kém gì thơ văn hiện đại:
Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang…
Ngày xưa là ngày xưa nào? Ôi! ca dao xưa sao tình
ý lại ‘đong đưa’ đến thế. Những ví von hư cấu từ cái “cầu mồng
tơi” cho đến "dải yếm" của nàng chỉ là ẩn dụ cho tình yêu
trai gái đang đạt đến phúthuận lòng để nàng sẵn sàng ‘cho đi' tất cả...
BỤI MỒNG TƠI NHÀ TÔI
Đó là chuyện mồng tơi trong ca dao hay thơ. Trở về thực tế
trong đời, hôm nay người viết đang đứng trước khóm mồng tơi sau vườn.
Số hạt mồng tơi do bà con bên quê nhà gửi qua, nay đã
leo giàn. Mới leo giàn thôi, nhưng tôi đã thưởng thức
được hai bữa canh mồng tơi do bà xã tôi nấu. Khóm mồng tơi sau khi ra lá lại
bắt đầu có trái. Những chùm trái xanh non tuần trước nay đang chuyển thành
màu đen hạt huyền. Một chút nào bâng khuâng, do màu đen của trái mồng tơi
làm tôi đang đứng ở đây nhưng hồn tôi bất chợt trôi về nửa thế kỷ
trước, một thời nhỏ dại của MỰC MỒNG TƠI.
Ngày xưa đó chắc còn nhiều bạn còn nhớ đến hạt mồng tơi
chín, chúng từng được chúng ta tạm dùng làm mực tím “viết chơi”. Viết mà
chơi - đồng nghĩa với viết tạm thôi, do thứ mực này không thể nào thay mực
viên được. Ôi chao, chúng ta phải hái tới nhiều chùm hạt mồng tơi đen nhánh,
xong ép ra thứ nước tím rồi chấm, rồi viết trên trang vở học trò.
Những lứa tuổi thơ cứ tiếp nối đi qua. Làm sao chúng ta quên
bờ dậu nghiêng nghiêng cho cây mồng tơi vắt vẻo, lá xanh đến mát mắt cùng những
hạt đến hồi chín muồi đen nhánh. Ai từng 'phát minh' ra loại mực này? có thể đó
là những lúc cạn mực, hay bình mực đổ rồi không còn một giọt? cũng có thể là
một cái thú khám phá hay tò mò của tuổi nhỏ học trò. Có con chim sâu nghiêng
đầu trên cành dậu mồng tơi lắc lẻo, chúng vội bay đi khi tôi thơ thẩn tìm cho
đủ số hột mồng tơi chín đậm đen nhánh để vào nhà 'chế ' ra mực. Một ước mơ nho
nhỏ của tuổi ấu thơ đó là 'làm mực'. Đó là lúc cái quán đầu xóm không còn mực
viên để bán cho cậu học trò. Trước sau gì, mực mồng tơi cũng không nộp bài
được, do mực là mực và mồng tơi là mồng tơi. Thực tế đã
phá đi bao thứ tưởng tượng trong trí óc thơ ngây.
Dù sao chăng nữa, "mực mồng
tơi" màu tím nhạt một thời góp công giúp cho tôi tập vài nét nguệch
ngoạc trên giấy học trò...tiếc rằng nó không thể tồn tại lâu dài để trở thành
một kỷ niệm nào đó cho mình.
Thật vậy, mực mồng tơi làm sao để
sánh với những thứ mực thật và ngay cả những thứ mực cao cấp sau này nằm trong
các thứ “bút bi” mà thời đó hay gọi là "bút nguyên tử". Tuổi lớn khôn
đi kèm với bút giấy đắt tiền và những câu thơ, lời văn lãng mạn đa tình nào
đó. xa rời một thời với "mực mồng tơi" cho những ai hay thương
về kỷ niệm ấu thơ mới còn chút gì nhớ đến nó và viết cho thứ mực này một vài
câu an ủi.
Người đời, biết bao nhiêu văn nhân
thi sĩ từng viết về kỷ niệm ngày xưa thơ mộng của tình yêu đôi lứa, bao trang
tình sử lãng mạn, sầu thương nào đó. Nhiều áng văn chương hay thơ tình mơ mộng
từng được nắn nót trên nhiều trang giấy đẹp...
Và thời gian qua mau, quê hương tiếp
tục tô bồi thêm tuổi lớn. Những trang giấy pellure màu xanh mơ mộng, màu hồng
tình yêu, dần dà thay thế cho
trang giấy vở học trò. Nhiều loại mực và viết đắt tiền sẽ dần hồi là phương
tiện cho lứa tuổi biết yêu, đã giã từ tuổi nhỏ.
Có khi nào bạn và tôi, thoáng một
giây phút nào đó cùng nhớ về ngày xưa bé bỏng với hình ảnh bình MỰC MỒNG
TƠI? Hình ảnh đó thực sự đã trôi xa về miền dĩ vãng
NHƯNG CHÚNG TA VẪN THƯƠNG HOÀI MỘT
THỜI CÓ MỰC MỒNG TƠI
Những cô cậu học trò nay bước vào thời viết máy. Chúng
ta tự hào làm sao khi bước vào thời trung học. Chúng ta lại “hãnh
diện” khi trên túi áo trái lại lấp ló nắp viết máy màu vàng óng ánh.
Tuyệt đỉnh ước mơ là ngòi pilot hay
tạm được thì có cây viết máy parker. Những
thứ viết này đều tiện lợi cho học trò trung học, chẳng còn là thời
tiểu học - lớp ba lớp tư… với ve lọ, mực viên cùng cái cán viết cùng mấy thứ
lưỡi viết chấm mực thô sơ, lạc hậu.
Thời thế đổi dời vùn vụt. Có
mấy ai tưởng tượng ra đời sống hôm nay chúng ta đang sống với thời đại “a còng”. Thật vậy, chắc hẳn là
không ai lường được cái cảnh bưu điện - giây thép nay người làm việc lại
phải ngồi không việc. Cuộc đời thật lắm đổi thay.
Cảnh đợi cánh thư xanh người yêu từ
phương trời xa tít ngày qua ngày ngóng bác bưu tá viên đầu ngõ nay quả không
còn. Đánh giây thép “tích tịch tè tè…” rồi cũng bác bưu tá viên đó, vài chữ
trên tờ điện tín khẩn cấp nay cũng đi vào dĩ vãng. Thế đó, thế gian biến
đổi khôn lường không ai ngờ được. Nhưng đố ai biết được, có thể mai
đây sẽ có một ngày- bạn cũng như tôi thèm và nhớ làm sao
một “lá thư xanh” với đôi dòng chữ tự tay người viết xuống. Có thể lúc đó,
có ai cho là chuyện “huyền thoại” mà thôi. Thời buổi hiện đại, bạn
thân lắm thì sẽ hiện trong iphone đôi dòng "mét- xịt", thế là
đủ ấm lòng rồi. Ngày đó trong tương lai không xa, người viết
tin rằng sẽ tới thật đó bạn ạ. Đó là tương lai gần; khi thiên hạ lười viết chẳng cần nắn nót nét chữ làm chi.
Ngón tay nay quen rồi khi chỉ biết gõ và bấm thôi. Những dòng
"mét xịt" trong Iphone sẽ thay cho hàng chữ dịu dàng trìu mến trong
lá thư xanh nào đó. Phong bì và những con tem không ai còn nhớ. Hình ảnh tờ
giấy viết thư loại pelure màu xanh hi vọng hay hồng tình yêu sẽ không ai nhớ
hay biết đến nữa! Những thứ đó sẽ là “đồ cổ” trong một bảo tàng văn hóa nào đó.
Chúng ta đang sống trong buổi giao thời giữa viết và giấy vẫn còn cùng máy tính
điện tử. Giữa những chiếc iphone càng lúc càng tinh vi và những
con 'rô- bốt tin học'…tất cả sẽ
thay người cùng viết và giấy một thời đã dùng chúng trong trao đổi tâm tư.
Một ngày, sẽ có người mong nhìn
lại một thời mực tím cùng đôi dòng tự tình trên trang vở
nhưng sẽ không còn tìm ra nữa. Ôi
Những câu thơ nắn nót công phu ghi lại từ một bài thơ lãng mạn đa
tình của một thi sĩ nổi danh. Thật vậy, một thời có nhiều bài thơ tình hay
và rung động đến não lòng làm người ta phải nắn nót chép lại,
e ấp cất dấu bên trong cuốn vở học trò hay cuốn sổ nhật ký ngày xanh.
Còn nhiều chuyện để nhắc lại một thời VIẾT và GIẤY. Lãng mạn hơn một chút, chúng ta có thể gọi đây là Nỗi Buồn Bút Mực. Nếu ai còn đi ngược thời gian xa hơn nữa sẽ còn nhớ lại ngày xưa còn bé, một thuở dại khờ bên dậu mồng tơi mà thương về một sắc tím thời gian trong đó có MỰC MỒNG TƠI. Thơ thẩn tuổi già, có những buổi chiều mây trời bảng lảng, có khi chúng ta thả hồn trôi về dĩ vãng mà thương về hình ảnh ngày xưa./.
ĐHL EDITION 10/12/2022
No comments:
Post a Comment