Friday, December 23, 2022

MỚI QUA MỸ GẶP ĐỒNG HƯƠNG: THẦY THÍCH TỊNH TỪ CHÙA KIM SƠN

  SƠ NGỘ VỚI THẦY THÍCH TỊNH TỪ

Mới qua Mỹ kiếm được cái Job tại Tiệm Phở 909  thật là dịp may hiếm có cho  những kẻ ra đi theo diện H.O như chúng tôi.

Mới thoáng đó mà đã hai mươi lăm qua rồi. Những ngày đầu tiên tôi là người bồi bàn chăm chỉ làm lụng tại cái tiệm Phở nhưng lại 'kiêm' luôn bánh xèo. Tôi khó quên một nơi cho tôi công ăn việc làm để kiếm ra những đồng bạc mặt đáp ứng cho bao mong muốn cho gia đình, cho bà con những người ở lại. Chuyện những người đi Mỹ hay nước ngoài khác nó cũng từa tựa một hoàn cảnh chẳng khác gì nhau…

Cũng như những lần kể chuyện khác, nơi tiệm ăn này tôi có dịp gặp Nhạc Sĩ Lê mộng Bảo Chủ Nhiệm Nhà Xuất Bản Tinh Hoa Miền Nam xưa kia và đã kể hầu bạn đọc về đời ông khi sang xứ Mỹ này những ngày cuối cùng còn lại.


Hôm nay mồng 1 tháng 11 âm lịch, có dịp thắp hương chùi lại bàn thờ phật tôi tình cờ gặp lại cuốn băng cũ Sự Tích Đức Phật Thích Ca bằng tiếng Anh. Cuốn băng này tôi được Sư Ông Thích Tịnh Từ tặng cho tôi trong một lần sơ ngộ.

Có thể bạn đọc cho rằng người kể chuyện này đi chùa của thầy Tịnh Từ nên được thầy tặng chăng? Không phải thế. Lần sơ ngộ của thầy và tôi lại tại cái tiệm tôi làm bồi bàn vào năm 1995, lúc tôi mới qua.



ĐHL GIÁNG SINH 1995

Tiệm 909 của ông bà chủ tôi tuy bán phở nhưng lại nổi tiếng về món bánh xèo. Thời gian này ở San Jose nghành công nghiệp điện tử rất phát đạt, đó là thời Ông Bill Clinton làm tổng thống.  Công ăn việc làm thịnh vượng, kinh tế lên nên bán buôn phát đạt. Bánh xèo của tiệm tôi đắt khách đến nỗi chúng tôi làm quên cả giờ nghỉ.

Bánh xèo lớp bán cho khách ăn tại tiệm, đắt đến nỗi tôi dọn bàn mệt muốn ‘dứt hơi’ hai tai muốn ‘phun khói’. Đó là một sự thật thưa bạn đọc. Tôi dọn bàn quần quật thế mà khách đông lớp trong lớp đứng chờ ngoài cửa. Một thời làm việc tuy mệt mà có tiền, có công việc còn hơn là thất nghiệp thì thê thảm hơn biết chừng nào?

Đã là bánh xèo thì phải hình dung ra con tôm lát thịt béo ngậy và giá cùng đậu xanh ở trong. Thưa không, tiệm tôi làm còn có BÁNH XÈO CHAY nữa, thưa bạn đọc.

Có một buổi chiều, bà chủ sai tôi dọn sẵn một dãy bàn bảo rằng sắp có mười mấy khách tới ăn. Khi dãy bàn sắp đặt xong thì hình ảnh làm tôi ngạc nhiên nhất là một đoàn thầy tu đi vào. Đa số các thầy đều trẻ, tất cả ngồi hai bên và đằng trước là vị Thầy cao tuổi ngồi chính giữa nhìn xuống. Tôi và hai bà người làm tất bật dọn bánh xèo chay lên cho quý thầy. Buổi làm việc này lạ nhất cho tôi do lần đầu tôi thấy các thầy vào tiệm phở. Bà chủ cho biết các thầy về thăm San Jose và nhân tiện ghé tiệm bánh xèo 909 do nó NỔI TIẾNG. Và dỉ nhiên chuyện bánh xèo chay thì chẳng có gì là khó chỉ thay thịt tôm bằng nấm và đậu xanh là được.


Tôi nghe giọng nói mấy chú nhất là Thầy ngồi đằng trước nói giọng trung cũng hơi ngờ ngợ.  Chợt vị Thầy của mấy chú trẻ tuổi nghe giọng nói của tôi bắt đầu hỏi chuyện...


-Rứa có phải em là người Quảng Trị khôn? Thầy là người QT, ở Long Hưng đây nì.

-Dạ, em là dân QT chạy lúc 72 hiện ở Bình Tuy thưa thầy.

-Thầy gốc Long Hưng- QT đây, thầy vô nam rồi qua đây lâu rồi. Thầy tu trên Kim Sơn khi mô có dịp em lên trên nớ cho biết nghe.


Tôi thật mừng và vui lắm khi có vị thầy trụ trì trưởng phái đoàn vô ăn tiệm hôm nay là người QT “quê miềng”. Nhưng khổ nỗi tôi đâu dám đứng nói chuyện lâu với thầy Tịnh Từ. Phải làm việc, phải phục vụ rau và xì dầu cho cả bàn ăn bánh xèo chay của quý thầy và mấy chú…



 Sư Ông Thích Tịnh Từ đã phát triển Tu Viện Kim SƠn trên Núi Mandonna vùng Los Gatos (*)

Thầy ngồi đầu bàn ngó xuống cười nói rất tự nhiên vui vẻ. Thầy cười giọng hồn hậu ấm áp..Thầy Tịnh Từ lâu lâu ngó tôi chạy tới chạy lui lăng xăng. Thầy biết những người mới qua như tôi rất rụt rè lo làm việc. Viêc làm là trên hết, dù thầy hay bất cứ ai quen với hoàn cảnh nào người bồi bàn không được đứng lề mề nói chuyện lâu dài được.


Bữa tiệc chay Thầy với các sư môn vừa xong thì trời sập tối. Trời cuối năm trời mau tôi. Những người từ Tu Viện trên kia lật đật ra về. Từ San Jose lên Watsonville còn khá xa lại còn ngoằn ngoèo leo núi do Tu Viện ở trên chóp núi. Mười mấy người vội vã ra hai chiếc xe van đang đợi ngoài kia.


Tôi tiếp tục dọn bàn, sắp đặt lại vị trí cũ mấy chiếc bàn thì thật ngạc nhiên khi có một chú đệ tử của Thầy lật đật đi vào. Chú trao cho tôi cuốn băng Video Cassette Sự Tích Phật Thích Ca và một cuốn băng Cassette nghe bài Pháp Thoại “Chiếc Bè qua Sông” của Thầy Thích Tịnh Từ.



Thì ra Thầy ra về, nhưng lòng còn nhớ một người Đồng Hương QT một kẻ vừa có cơ hội vượt trùng dương qua vùng “Đất Hứa

 Thầy tuy vội lên chùa do trời đã tối mà chùa còn xa lên núi, leo đèo...phần tôi thì phải lo làm việc. khách ăn tối đang lũ lượt vào tiệm.

Thầy Tịnh Từ hiểu điều này và hơn bao giờ hết thầy cho đệ tử đem cuốn băng vô cho tôi làm kỷ niệm một lần Sơ Ngộ với nhau giữa hai đồng hương giữa một thầy tu và người thường lao động.


Từ ngày đem cuốn băng Sự Tích Phật Thích Ca bằng phim hoạt họa này về nhà, đứa con trai út của tôi lại mê coi nhất trong những thứ nó thích. Ngày nào nó cũng coi, đến nổi nó thuộc lòng


Nhớ lại năm gia đình chúng tôi mới qua (1995) ở thành phố San Jose này, hàng sáng vợ tôinghe radio băng sóng 1430AM (cả 1500 AM) đều có giờ pháp thoại của Thầy Thích Tịnh Từ. Có khi thầy mở đầu bằng bài kệ, có khi thầy lại hát một bài ngắn..Người VN qua đây các đài radio tiếng Việt Nam có khá nhiều. Những làn sóng phát thanh tiếng VN từ 1120AM, 1430AM, 1500AM, 96.1FM...nhửng làn sóng đó nó là đời sống tinh thần cho những người xa xứ. Nhất là vợ tôi,  khi nào cũng nghe để đỡ nhớ quê, nhớ người thân. Còn tôi  may mắn nhờ  vào công việc. Việc làm  giúp cho tôi phôi pha, chính là nhờ vào những giờ lao động chân tay.


 Năm 2007 dì tôi từ chùa Vĩnh An VN qua thăm San Jose và lên chùa Kim Sơn  

             
               Mẹ và con trai Đinh Duy Trung 2007  Kim Sơn

Kể cũng lạ, cuốn băng thầy tặng đã hai mươi lăm năm qua. Hôm nay thử lại nó vẫn còn tốt như ngày nào. Cũng may còn cái máy VCR nên mới xem được. Thời này có ai còn xài VCR để xem băng Cassette nữa đâu? Ít nhất là DVD nhưng DVD bây giờ cũng lạc điệu rồi. Tôi thì ưa xài đồ cỗ nên còn giữ cái VCR đi kèm với cái màn hình nên mới thử cuốn băng này, một kỷ niệm khó quên ngày đầu sơ ngộ với vị thầy đồng hương Thích Tịnh Từ./.



 ĐHL 16/12/2020

Monday, December 19, 2022

BÊN BỜ TIỀN GIANG









mùa hè 1972 tôi hay ngồi thơ thẩn bên bờ sông Tiền- vườn Hoa Lạc Hồng -thành phố Mỹ Tho



NGÀY  SAU SẼ RA SAO


   Mùa hè Ly Loạn 1972 đã đưa đẩy không biết bao nhiêu người Quảng Trị phải bỏ xứ ra đi. Hành trình về nam rời xa quê ngoại, gia đình 
tôi phải vào tận Thành Phố Mỹ Tho. Lần đầu tiên trong đời -năm mưòi chín tuổi, tôi vào tận một nơi xa mịt mù, xa hơn cả Sài Gòn. 

Mỹ Tho nơi ngừơi ta hay quen miệng nói ngắn bớt  chỉ còn chữ "Mỹ":
-Đi Mỹ, dzề Mỹ không?
Đó là những lúc tôi ngơ ngác tìm xe về Mỹ Tho ở Bến Miền Đông. Những chiếc xe ca chở nhiều người, xe lô chở hơn mười khách . 

  
bến xe Mỹ Tho Định Tường  (1968)


               Mỹ Tho 1972 

  Kỷ niệm về quê hương tôi đã viết nhiều, nhưng với một thành phố mới-MỸ THO- một nơi từng dang tay đón gia đình tôi, những ngày ly loạn- dù ít, dù nhiều trong tôi vẫn nhớ.
 

góc Vườn Hoa Lạc Hồng ghẹo trái sẽ là Trưng Trắc nắp theo bờ sông Tiền
    Mỹ Tho!



  Ngày đó, làm sao tôi quên được những con đường đầy lá me bay. Những cây me cổ thụ, tôi không biết được trồng bao lâu? Tôi hay đi trên con đường Hùng Vương dẩn ra vườn Hoa Lạc Hồng, rồi ngồi thơ thẩn bên bờ sông Tiền, ngắm những thuyền bè tấp nập, những làn sóng- nước đục- lao xao...

 
Tôi là người xa lạ từ miền trung khô cằn cát đá trôi lạc vào một thành phố phương nam. Nơi đây có những lùm mận chín hồng, những vườn cam chĩu trái, cây lá xum xuê. Điều đáng nhớ cho tôi là lòng người nơi đây cởi mở bao dung làm tôi chạnh lòng thương cho thân phận quê mình sao quá gian truân đau khổ?


    Những ngày chạy loạn đã đưa đẩy số phận 
bạn bè cũng như tôi chính thức giã từ bút nghiên sách theo tiếng gọi quân hành. Ngày đầu tiên đếm bước một hai... trong quân trường Quang Trung bụi nắng. Những lúc này lòng tôi luôn hướng về gia đình đang lưu ngụ trên quê hương mới  miền Nam mưa nắng hai mùa. 

Bước chân bỡ ngỡ vào nam chưa nơi ăn chốn ở. Tiếp theo là đời sống tập thể và quân trường biết bao xa lạ với tuổi học trò? Chưa hết nhớ một quê hương bỏ lại nay tôi lại nhớ về một nơi mới đến có ba mẹ anh em và bà con ở đó.


                                                           chợ cá Mỹ Tho 1972

Tôi nhớ làm sao những giây phút sung sướng lâng lâng trong lòng khi cầm tờ giấy phép tạm rời Trung Tâm 3 về thăm nhà. Tôi nhớ chuyến xe lam Gò Vấp qua xa lộ Đại Hàn về Bình Chánh. Tôi nhớ những chuyến xe đò Sài Gòn - Mỹ Tho hay những chuyến xe lô 12 chỗ ngồi. Xe qua cầu Bình Chánh xe về Long An rồi theo Quốc Lộ 4 ngang ngã 3 Trung Lương là rẽ về Thành Phố Mỹ Tho.


sông dọc theo đường Trưng Trắc gần Chợ Gạo

Con đường Nguyễn Trãi chốc bỗng thành thân thiết do đại gia đình cậu mợ tôi và ba mẹ tôi trú ngụ tại đó. 
Tôi dần dần nhớ chợ Vườn Bông nhớ Vườn Hoa Lạc Hồng nhớ con sông Tiền hay nhánh sông qua cầu Quay luôn luôn rộn rã thuyền bè bán buôn. Những vựa trái cây rau trái, những tiệm ăn Tàu Việt với món hũ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng khó quên.

  ***

CHẲNG LÀ HẸN ƯỚC VÀ MÃI MÃI RA ĐI


Chóng vếnh chẳng bao lâu, chỉ vài tháng tôi có mặt phố "Mỹ" thế mà một thứ tình cảm cùng kỷ niệm khó quên một thành phố hiền hòa yên tĩnh cùng một mối tình ban sơ của 'người hàng xóm' đối diện nhà cậu mợ tôi, nơi nhà tôi cư ngụ. Rồi tôi phải ra đi, lại giã từ môt cảm tình cũng như một tình yêu vừa chớm. 


Chỉ mấy tháng với Mỹ tho thôi, lạ thay hình ảnh Mỹ tho vẫn ghi mãi trong tiềm thức tôi. Mấy đứa em tôi lúc đó bắt đầu quen tên trường mới Nữ Trung Học Lê Ngọc Hân, tôi thì quen với bến xe Mỹ Tho, chuyến xe lô Minh Chánh 12 chỗ ngồi do lên về Sài Gòn lo chuyện thi cử, đầu đơn vào không lực và sau này là những chuyến về phép từ quân trường. 

Từ Sài Gòn những chuyến xe của thập niên 1972 đưa tôi về Mỹ Tho. Những cánh đồng Long An, những vườn trái cây dần dà quen mắt. Tất cả đều trở nên quen thuộc và có chút nào đó thân mến hơnTôi không ngờ sau khi ra đơn vị, từ năm 1973 là tôi ra đi về lại miền trung và từ đó tôi vĩnh viễn chia tay Mỹ Tho không một lời từ tạ?


                                     QL 4 truoc 1972

    Mấy chục năm xa Mỹ Tho một nơi tôi chỉ ở "thoáng qua", nhưng trong tiềm thức tôi vẫn âm vang tiếng sóng nước lao xao, hình ảnh lá me bay, những con phố hiền hòa trầm mặc, những khuôn mặt người dân vui tươi cởi mở, nhiều tấm lòng hào sảng vị tha...

phà qua Kiến Hòa


Bên kia bờ sông Tiền là Kiến Hòa, là Bến Tre, chỉ qua phà cầu Bắc là đến thôi; thế mà tôi đã thất hứa với chính mình. Bên hai ly nước dừa với người con gái tôi quen trong một lần sơ ngộ, những cảm xúc và bỡ ngỡ của hai người khác phái đến với nhau từ hai miền đất xa xôi, lạ lẫm.

    Và xót xa sâu lắng nhất là tôi đã không hứa với nàng người con gái xứ Mỹ Tho một điều gì? Chỉ thoáng quen nhau, rồi tôi biền biệt ra đi cho đến bây giờ. Giờ nàng đã là người thiên cổ. Tôi vẫn bâng khuâng không biết 
những phút sau cùng đó có lần nào nàng nghĩ về tôi không?

Câu hỏi này chắc 
mãi theo tôi?

ĐHL  08/04/2012

edit 14/8/2017



   rạp chiếu phim Vĩnh Lợi trước mặt Chợ Mỹ Tho vào năm 1972  không có máy lạnh và chiếu theo xuất



rạp chiếp phim có máy lạnh Định Tường chiếu theo xuất nằm bên đường Trưng Trắc dọc theo bờ sông 










Múi vườn Hoa Lạc Hồng và đầu đường Trưng Trắc


1 comment:

  1. Dinh Thi Hiep Đó, đất đai Mỹ Tho màu mỡ thế đó, con người Mỹ Tho cũng phóng khoáng; gia đình mình nương sống ở đây tránh được mùa hè đỏ lửa 1972.
    LikeShow more reactions · Reply · 2 hrs
    Manage
    Thach Han
    Thach Han Thấm thoắt đã 45 năm trôi qua!!! Em vẫn nhớ như in ngày đầu tiên bước chân đến vùng đất lạ!!! Với dĩa cơm tấm Mỹ tho hương vị lạ lùng! Ly chè đậu đỏ sao mà chẳng ngọt sắc như ở Quảng trị??? Những ngày đầu bỡ ngỡ xa quê,tụi bạn mới lại hay chọc ghẹo vì tiếng trọ trẹ,buồn lắm vì nhớ quê,cứ leo lên mái tôn sau nhà nhìn mây bay về phương Bắc! Lòng nghĩ rằng chắc mây sẽ về tới quê hương Quảng trị với bao thương nhớ!!!
    Những hình ảnh trong bài em đều nhớ! Con đường Hùng Vương ngày ngày đi học rợp lá me bay! Chợ Mỹ tho tấp nập gần các vựa trái cây cập ven sông đầy ắp hoa quả 4 mùa! Nhớ vườn hoa Lạc Hồng tươi mát cạnh sông Tiền cuồn cuộn phù sa! Nhớ tiếng còi phà trầm mặc cùng ánh tà dương lấp lánh trên sông! Nhớ lắm Mỹ Tho dù chỉ 3 năm cho gia đình mình nương náu! Thương rất nhiều những ân tình của Cậu Mợ,của những con người phóng khoáng của đất miền Tây !
    Nhớ lắm tiếng chuông nhà thờ cổ kính,nhớ trường Nam,trường Nữ, Lê Ngọc Hân,Nguyễn Đình Chiểu,La San,trường Dòng...! Nhớ rạp hát Vĩnh Lợi,Định Tường,Tân Viễn Trường...! Nhớ cầu Quay,chợ Gạo...! Nhớ nhiều các Thầy Cô,bạn bè...chắc giờ này nhiều người đã kg còn!!! Mỹ Tho, vùng đất kg bao giờ phai trong ký ức!!!

    ReplyDelete

Friday, December 16, 2022

CÁI THỜI MỰC TÍM MỒNG TƠI

 


 MỒNG TƠI- TỪ CA DAO VÀ ĐÃ VÀO THƠ


Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng...

.(Người Hàng Xóm-  thơ Nguyễn Bính 1940)

Bài thơ ngày xưa của Thi Sĩ Nguyễn Bính từng viết bên hồ Trúc Bạch Hà Nội, đâu phải chỉ lời thơ chất phát chân thật như ta tưởng; hình ảnh dậu mồng tơi đã vào thơ mới với bao lãng mạn, trữ tình. Nói như thế, mồng tơi trong ca dao ngày trước chỉ là hình ảnh đơn thuần, chất phát chăng? chưa hẳn, nếu chúng ta khám phá ra rằng khóm cây có màu lá xanh non mơn mởn kia, mấy chùm trái lúc chín chuyển qua màu đen tuyền vẫn mang nhiều nét "ướt át, tình cảm" chẳng kém gì thơ văn hiện đại:

Gần nhà mà chẳng sang chơi

Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu

 Mồng tơi chẳng bắc được đâu

Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang…

Ngày xưa là ngày xưa nào? Ôi! ca dao xưa sao  tình ý lại ‘đong đưa’ đến thế. Những ví von hư cấu từ cái “cầu mồng tơi”  cho đến "dải yếm" của nàng chỉ là ẩn dụ cho tình yêu trai gái đang đạt đến phúthuận lòng để nàng sẵn sàng ‘cho đi' tất cả... 

  

                      BỤI MỒNG TƠI NHÀ TÔI



Đó là chuyện mồng tơi trong ca dao hay thơ. Trở về thực tế trong đời, hôm nay người viết đang đứng trước khóm mồng tơi sau vườn. Số hạt mồng tơi do bà con bên quê nhà gửi qua, nay đã

 leo giàn. Mới leo giàn thôi, nhưng tôi đã thưởng thức được hai bữa canh mồng tơi do bà xã tôi nấu. Khóm mồng tơi sau khi ra lá lại bắt đầu có trái. Những chùm trái xanh non tuần trước nay đang chuyển thành màu đen hạt huyền. Một chút nào bâng khuâng, do màu đen của trái mồng tơi làm tôi đang đứng ở đây nhưng hồn tôi bất chợt trôi về nửa thế kỷ trước, một thời nhỏ dại của MỰC MỒNG TƠI.

Ngày xưa đó chắc còn nhiều bạn còn nhớ đến hạt mồng tơi chín, chúng từng được chúng ta tạm dùng làm mực tím “viết chơi”. Viết mà chơi - đồng nghĩa với viết tạm thôi, do thứ mực này không thể nào thay mực viên được. Ôi chao, chúng ta phải hái tới nhiều chùm hạt mồng tơi đen nhánh, xong ép ra thứ nước tím rồi chấm, rồi viết trên trang vở học trò.

Những lứa tuổi thơ cứ tiếp nối đi qua. Làm sao chúng ta quên bờ dậu nghiêng nghiêng cho cây mồng tơi vắt vẻo, lá xanh đến mát mắt cùng những hạt đến hồi chín muồi đen nhánh. Ai từng 'phát minh' ra loại mực này? có thể đó là những lúc cạn mực, hay bình mực đổ rồi không còn một giọt? cũng có thể là một cái thú khám phá hay tò mò của tuổi nhỏ học trò. Có con chim sâu nghiêng đầu trên cành dậu mồng tơi lắc lẻo, chúng vội bay đi khi tôi thơ thẩn tìm cho đủ số hột mồng tơi chín đậm đen nhánh để vào nhà 'chế ' ra mực. Một ước mơ nho nhỏ của tuổi ấu thơ đó là 'làm mực'. Đó là lúc cái quán đầu xóm không còn mực viên để bán cho cậu học trò. Trước sau gì, mực mồng tơi cũng không nộp bài được,  do mực là mực và mồng tơi là mồng tơi. Thực tế  đã phá đi bao thứ tưởng tượng trong trí óc thơ ngây.

 


Dù sao chăng nữa, "mực mồng tơi" màu tím nhạt một thời góp công giúp cho tôi tập vài nét nguệch ngoạc trên giấy học trò...tiếc rằng nó không thể tồn tại lâu dài để trở thành một kỷ niệm nào đó cho mình.

Thật vậy, mực mồng tơi làm sao để sánh với những thứ mực thật và ngay cả những thứ mực cao cấp sau này nằm trong các thứ “bút bi” mà thời đó hay gọi là "bút nguyên tử". Tuổi lớn khôn đi kèm với bút giấy đắt tiền và những câu thơ, lời văn lãng mạn đa tình nào đó.  xa rời một thời với "mực mồng tơi" cho những ai hay thương về kỷ niệm ấu thơ mới còn chút gì nhớ đến nó và viết cho thứ mực này một vài câu an ủi.

Người đời, biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ từng viết về kỷ niệm ngày xưa thơ mộng của tình yêu đôi lứa, bao trang tình sử lãng mạn, sầu thương nào đó. Nhiều áng văn chương hay thơ tình mơ mộng từng được nắn nót trên nhiều trang giấy đẹp...

Và thời gian qua mau, quê hương tiếp tục tô bồi thêm tuổi lớn. Những trang giấy pellure màu xanh mơ mộng, màu hồng tình yêu, dần dà thay thế cho trang giấy vở học trò. Nhiều loại mực và viết đắt tiền sẽ dần hồi là phương tiện cho lứa tuổi biết yêu, đã giã từ tuổi nhỏ.

Có khi nào bạn và tôi, thoáng một giây phút nào đó cùng nhớ về ngày xưa bé bỏng với hình ảnh bình MỰC MỒNG TƠI? Hình ảnh đó thực sự đã trôi xa về miền dĩ vãng

NHƯNG CHÚNG TA VẪN THƯƠNG HOÀI MỘT THỜI CÓ MỰC MỒNG TƠI

 

Những cô cậu học trò nay bước vào thời viết máy. Chúng ta tự hào làm sao khi bước vào thời trung học. Chúng ta lại “hãnh diện” khi trên túi áo trái lại lấp ló nắp viết máy màu vàng óng ánh. Tuyệt đỉnh ước mơ là ngòi pilot hay tạm được thì có  cây viết máy parker. Những thứ viết này đều tiện lợi cho học trò trung học, chẳng còn là thời tiểu học - lớp ba lớp tư… với ve lọ, mực viên cùng cái cán viết cùng mấy thứ lưỡi viết chấm mực thô sơ, lạc hậu.


Thời thế đổi dời vùn vụt.  Có mấy ai tưởng tượng ra đời sống hôm nay chúng ta đang sống với thời đại “a còng”. Thật vậy, chắc hẳn là không ai lường được cái cảnh bưu điện - giây thép nay người làm việc lại phải ngồi không việc. Cuộc đời thật lắm đổi thay.

Cảnh đợi cánh thư xanh người yêu từ phương trời xa tít ngày qua ngày ngóng bác bưu tá viên đầu ngõ nay quả không còn. Đánh giây thép “tích tịch tè tè…” rồi cũng bác bưu tá viên đó, vài chữ trên tờ điện tín khẩn cấp nay cũng đi vào dĩ vãng. Thế đó, thế gian biến đổi khôn lường không ai ngờ được. Nhưng đố ai biết được, có thể mai đây sẽ có một ngày-  bạn cũng như tôi thèm và nhớ làm sao một “lá thư xanh” với đôi dòng chữ tự tay người viết xuống. Có thể lúc đó, có ai cho là chuyện  “huyền thoại” mà thôi. Thời buổi hiện đại, bạn thân lắm thì sẽ hiện trong iphone đôi dòng "mét- xịt", thế là đủ  ấm lòng rồi. Ngày đó trong tương lai không xa, người viết tin rằng sẽ tới thật đó bạn ạ. Đó là tương lai gần; khi thiên hạ lười viết chẳng cần nắn nót nét chữ làm chi. Ngón tay nay quen rồi khi chỉ biết gõ và bấm thôi.  Những dòng "mét xịt" trong Iphone sẽ thay cho hàng chữ dịu dàng trìu mến trong lá thư xanh nào đó. Phong bì và những con tem không ai còn nhớ. Hình ảnh tờ giấy viết thư loại pelure màu xanh hi vọng hay hồng tình yêu sẽ không ai nhớ hay biết đến nữa! Những thứ đó sẽ là “đồ cổ” trong một bảo tàng văn hóa nào đó. Chúng ta đang sống trong buổi giao thời giữa viết và giấy vẫn còn cùng máy tính điện tử.  Giữa những chiếc iphone càng lúc càng tinh vi và những con 'rô- bốt tin học'…tất cả sẽ  thay người cùng viết và giấy một thời đã dùng chúng trong trao đổi tâm tư.

Một ngày, sẽ có người mong nhìn lại một thời mực tím cùng đôi dòng tự tình trên trang vở nhưng sẽ không còn tìm ra nữa. Ôi Những câu thơ nắn nót công phu ghi lại từ một bài thơ lãng mạn đa tình của một thi sĩ nổi danh. Thật vậy, một thời có nhiều bài thơ tình hay và rung động  đến não lòng làm người ta phải nắn nót chép lại, e ấp cất dấu bên trong cuốn vở học trò hay cuốn sổ nhật ký ngày xanh.

 Còn nhiều chuyện để nhắc lại một thời VIẾT và GIẤY. Lãng mạn hơn một chút, chúng ta có thể gọi đây là Nỗi Buồn Bút Mực. Nếu ai còn đi ngược thời gian xa hơn nữa sẽ còn nhớ lại ngày  xưa còn bé, một thuở dại khờ bên dậu mồng tơi mà thương về một sắc tím thời gian trong đó có MỰC MỒNG TƠI. Thơ thẩn tuổi già, có những buổi chiều mây trời bảng lảng, có khi chúng ta thả hồn trôi về dĩ  vãng mà thương về hình ảnh ngày xưa./.


ĐHL EDITION 10/12/2022

Thursday, December 15, 2022

HAI VỢ CHỒNG GIÀ CÙNG CHUYẾN XE BUÝT SAN JOSE


Tôi thuờng gặp vợ chồng lão già đi cùng chuyến xe BUÝT 64 của thành phố San Jose. Khác với sự thoải mái của tôi- một mình với sách cặp đến trường- lão khi nào cũng bận bịu với người vợ bại liệt phải ngồi xe lăn.

   Hai vợ chồng có vẻ nghèo nàn. Bà lão hình dáng gầy gò, da nhăm tụm. Hơi thở của bà xem chừng mệt nhọc. Chiếc xe đẩy lại nặng thêm do nó phải được cột thêm một bình dưỡng khí bên cạnh. Ông lão thì râu tóc lởm chởm. Hai má lão hóp do thiếu răng. Điều này làm gương mặt ông co rúm. Đôi mắt ông lão nhỏ, mí lại sụp, núp dưới hai hàng lông mày bạc trắng. Da mặt lão mốc thếch.  Hai bên má bị che mất bởi đám râu bạc. Cái mũ trùm đầu bằng nỉ bạc phếch, che gần hết đầu tóc, tuy nhiên vẫn còn những chùm tóc bạc, cong queo lòi ra bên ngoài.

  Đưa vợ lên xe xong, ông chồng không đợi người tài xế làm bổn phận trợ giúp cho người khuyết tật, nhanh nhẹn cột dây an toàn cho chiếc xe đẩy. Lão thành thạo khi từng vị trí cột dây an toàn ở đâu lão đều biết. Những người tài xế coi bộ quen mặt vợ chồng này nên để yên cho lão làm nhiệm vụ người chồng.

  Tôi lặng lẽ quan sát người chồng đang đứng bên vợ nói chuyện với hai ba hành khách. Theo tôi, ông lão coi bộ thích thú và hạnh phúc với bổn phận ông làm. Chưa bao giờ tôi thấy ông to tiếng hay cằn nhằn do hàng ngày phải làm công việc đơn điệu, đó là đẩy xe cho vợ. Có thể tôi đoán đúng. Ông hiện là người duy nhất phải chăm lo từng “miếng ăn giấc ngủ” cho bà ở nhà nữa.

 Người chồng già nua này đang hãnh diện với công việc. Chăm sóc người vợ không còn một chút khả năng, nói đúng hơn là một "gánh nặng" đối với cách nghĩ của người khác. Riêng tôi, mọi dịp gặp hai vợ chồng này trên chuyến xe buýt,  chưa bao giờ tôi thấy người chồng ra vẻ bực dọc bên chiếc xe lăn.

Có điều lão nói hơi nhiều.

 Khi chiếc xe lăn được cột yên vào vị trí chỉ định, là lúc lão bắt chuyện ngay với người khác. Lão nói đủ thứ chuyện. Ai cũng nhận ra chút gì đó hưng phấn,vui vẻ, niềm hạnh phúc quá dễ dàng bắt gặp trên gương mặt xương xẩu , khô khốc kia. Phẩm chất một người chồng tận tụy, chung thủy đang thể hiện qua sự phục vụ cho một bà lão, khó tánh, hay gắt gỏng,  do không còn một khả năng di chuyển, phải ngồi mãi trên chiếc xe lăn.

    Người ta còn thêm một cảm nghĩ rằng: lão phục vụ người vợ, là niềm vui duy nhất,không thể thiếu và dường như lão "cần vậy" là đằng khác.  Vui vẻ trên xe với mọi người; thỉnh thoảng lão cúi thấp, nho nhỏ nói vài câu với bà như "dỗ dành đứa trẻ". Giọng ngọt ngào, mơn trớn. Hai hàm râu bên má lão rung rung theo lời nói, đôi khi tôi cảm thấy động lòng.

 
 -Ước gì mình có một ít tính “kiên trì và chịu đựng” như lão!

  Có thể tôi sai, có phần xúc phạm với lão, giá như lão biết rằng tôi dùng hai chữ "chịu đựng".

  Hai vợ chồng đó hay xuống xe vào nửa đường, gần downtown. Bà tiếp tục càu nhàu ngay khi xuống trạm.
 Tôi ngoái theo nhìn. Dáng lão vừa đẩy xe cho vợ đi nhanh vừa chỉ trỏ như làm trò "con rối" cho bà vui...

 HƠN MỘT NĂM SAU 



Mùa xuân năm nay, cũng trên chuyến xe
BUÝT 64 này tôi thấy vắng hình bóng vợ chồng kia cùng chiếc xe lăn. Bỗng một hôm, có một ông già lên xe. Sau vài phút để ý, tôi nhận ngay chính là lão già năm ngoái.


Nhưng lần này lão lên xe một mình. Khuôn mặt ông già năm nay co rúm nhiều hơn. Màu râu nay bạc hơn, rậm rạp, lởm chởm đến mức độ “gớm ghiếc”! Hai con mắt ti hí đen thẩm, như một vũ trụ đen tối, sâu thẳm, càng khó đoán ông đang nhìn ai?


Tôi nhận ra lưng lão càng gù hơn trước. Tay xách thêm một cái túi cũ mèm đựng những thứ lỉnh kỉnh,  lão ngồi co ro đằng góc xa của dãy ghế trống do toán học sinh vừa xuống.  Lão thỉnh thoảng nói lẩm bẩm, không ai nghe. Thỉnh thoảng lão húng  hắng ho; có khi lão cố gắng dằn cơn ho lại sợ phiền lòng người khác.

Tôi cầm lòng không được- dĩ nhiên là nói bằng tiếng Anh: 

    
 -Chào ông, ông còn nhớ tôi không?


Lão ngẩng lên một lát:


    
    - À...à! tôi nhớ anh... anh hay đi vè downtown; tôi thuờng gặp mà.


Tôi cảm thấy thoải mái khi lão nhận ra tôi.
 Ngần ngừ ít giây, tôi đánh bạo hỏi tiếp:


    -T
hế thì vợ ông đâu, thưa ông?


Lão chợt chỉ ngón tay lên trời:


    
 -Bà ấy mất rồi.
     -Ô! xin chia buồn cùng ông.
     -Bà ấy ra đi ngay mùa Christmas năm ngoái.


Tôi ái ngại an ủi:
   
 -Tôi tin bà lên thiên đường rồi ông ạ.
Bắt chước ông ta, tôi vừa nói vừa chỉ ngón tay lên trời. Như thế cái ngày tôi gặp vợ chồng ông lão lần đầu tiên cũng là cái ngày gần cuối đời của bà lão.

Bỗng ông già trở nên vui vẻ.  Đôi mắt như sáng hơn, rồi lại đưa ngón tay lên trời thêm lần nữa.  Thoáng nhìn ông kỹ hơn, tôi tin ông hiện đang sống cô độc. Lão từng vui với công việc là người tự nguyện đẩy xe và săn sóc vợ. Giờ người vợ bệnh hoạn kia bỏ lão một mình để "lên thiên đường " trước, thì sao lão  tránh được buồn rầu và suy sụp.

Hôm nay tôi là người duy nhất bắt chuyện với lão. Trong tiếng ho kia, lão tự biết thân phận ngồi chỗ nào xa, kín đáo, để khỏi khó chịu cho ai. Tôi chào lão, nắm chặt song vịn sát trần, bước lui ít bước để khỏi làm phiền.

Chiếc xe buýt hàng ngày vẫn đón vài người tật nguyền đi xe lăn như người vợ quá cố của lão. Có những người già, những đứa bé bị bệnh DAO đi xe lăn. Anh tài xế vẫn kiên trì làm công việc thuờng nhật là móc dây an toàn cho từng người khách bệnh hoạn này khỏi chao chạnh lúc xe chạy.  Giờ lão là ngườ hết nhiệm vụ. Người thân yêu nhất kia đã vĩnh viễn chia ra đi. Lão là người "ở lại" trên cõi trần này buồn nhiều hơn vui. Giờ con người này thật sự cô độc, trong một xã hội không có thứ văn hoá "tam đại, tứ đại đồng đường". Bà lão còn sống, lão là người chăm sóc. Nay bà lão ra đi, để lão một mình trơ trọi, không ai săn sóc, không ai ở kề.


 Lão lại tiếp tục húng hắng ho,  tiếp tục che miệng hay cúi gầm xuống lẩm bẩm nói một mình. Có thể ông già đang tâm sự với bà trong chốn vô hình nào chăng?


 Nửa đường, ông già xuống xe. Cái túi đựng thức ăn của lão chợt lộ lên hàng chữ "Cơ Quan Cứu Tế CITY TEAM San Jose"; bên trong chắc hẳn là một số đồ hộp thức ăn cấp phát cho người nghèo.

Chiếc xe tiếp tục chạy.  Tôi ngoái lại nhìn, hình bóng con người cô đơn kia lảo đảo bước về huớng khác để lại cái trạm ngừng xe trống vắng bên đường. /.


Đinh Hoa Lư 
edition
15/12/2022