Saturday, November 14, 2020

RA TRẠI chương 6 : NHA TRANG NGÀY VỀ

 


QUA LẠI NHA TRANG  
Trích Hồi Ký Ra Trại của Đinh Hoa Lư

Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại
Ầm ầm tiếng sóng xa đưa ...(Minh Kỳ)

 *****

                                         Bãi Tiên Nha Trang 
Tôi mất một ngày và một đêm trên chuyến tàu chợ vào Nha Trang. Nếu là tàu Thống Nhất, nó sẽ đi suốt vào tận Sài Gòn, nhưng đây là “tàu chợ’ nó ngang Nha Trang là hết. Tôi nghe cái tên “Tàu Thống Nhất” từ hồi còn ở trại Ái Tử. Những tờ báo Nhân Dân trên “căn tin” (tiếng này tôi không tự đặt ra mà trại gọi tên cho cái phòng đọc báo) hay cứ cho là 'thư viện tù' cho nó quan trọng một tí. Những tờ báo Nhân Dân đóng nẹp tre cẩn thận, móc trên vách đất của phòng đọc báo trong trại ngoài ra không có sự chọn lựa nào khác. Nhớ đến ‘căn tin’ đọc báo kia, nếu không lầm ngày đó có tập truyện mỏng có tựa là "Cây Đa Bến Cũ" của hàng binh Phạm văn Đính. Gần hai ngày, chiếc tàu không có 'dịp may' nào dừng lại chờ tàu Thống Nhất qua mặt nên tôi không hình dung tàu đó nó đẹp, sang, to lớn ra sao?

*****
 Khoảng sáu giờ sáng tàu sắp qua hầm đèo "Rù Rì'. Người ta cho biết, và tôi cũng biết khi tàu qua Ninh Hoà, đi vào thêm vài chục cây số nữa.



Tôi đã về nhưng chẳng còn ghé được Nha Trang!
Tính từ ngày ra trường, cuối tháng 11 năm 1973 đến nay tháng Tám 1980 ngót 7 năm xa Đống Đế, xa đèo Rù Rì và những bãi tập chiến thuật trong mấy tháng quân trường. Mau quá, hơn bảy năm qua biết bao biến đổi cho một miền nam và cuộc đời những thằng lính, những đứa tù binh?
 Bao người nằm xuống thì an phận rồi. Họ đã đền xong nợ nước, kể cả nợ đời hay nợ áo cơm.

Nhưng nhiều người còn lại phải chật vật, khốn khổ với hai chữ "ĐỔI ĐỜI”. Hoàn cảnh giờ đây chẳng khác gì những mớ rác hỗn độn, đủ màu sắc bị quăng vào và lắc đều trong cái thùng lớn, từng ngày từng giờ. Hình ảnh trước mắt tôi hai ngày nay, kể cả bản thân bị chao đảo, dồn ép trong những toa tàu chợ hôi hám, nóng nực.

Tàu đã vào khoảng tối cái hầm. Những ngày huấn luyện giai đoạn 2 tại Đống Đế đại đội khoá sinh tôi từng qua lại hầm này. Ngày đó chúng tôi đi sát vào thành hầm để giữ an toàn. Lúc chúng tôi qua hầm xong, tôi nhớ không có chiếc tàu nào tới. Hầm này không dài hơn hầm ở Hải vân, Đà Nẵng được. Tôi tưởng tưởng hướng trên đầu tôi, sườn núi Rù Rì- Đống Đế những buổi tập 'Trung Đội Phòng Thủ' hay "Trung Đội Di Tản Chiến Thuật' ... Những ngày tập sát Bãi Tiên, sóng biển bạc đầu, rì rào gió mát. Nào là Đỉnh "Thằng Cù Lần" tức là cái tượng lính sơn trắng trong tư thế “cầm súng thao diễn nghỉ". Nào đỉnh Hòn Khô phải chinh phục nó trước đêm gắn alpha cũng vào tháng Tám năm 1973.
Giờ tôi về đây, cũng vào tháng Tám trong thân thể gầy còm, áo quần tả tơi bạc phếch'? "chiến bại binh' trở về làm sao mà 'oanh liệt, oai hùng' cho được?


Tôi nhớ hai câu truyền miệng trong Quân Trường Đống Đế:
"Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
Em ngồi xoả tóc đợi chờ ai?"

Tôi chẳng biết tác giả là ai? khoá đàn anh nào trong quân trường? Nhưng chúng tôi cứ truyền miệng cho nhau, dễ quá sao mà không thuộc.
Đêm về, từ "chambre" đại đội tôi ngó lên Hòn Khô, viền núi đen sẫm in hình lên nền trời sáng mờ.  Tôi tán thưởng, gật gù, “công nhận trông giống hình 'người con gái nằm xoã tóc' hết sức!”
"Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ”, “thằng Cù Lần” trên đỉnh 100 m, trước Hòn Khô, ngay sau lưng tiểu đoàn khoá sinh mang số 13 của chúng tôi.


Những cuối tuần đi phép, chỉ đi 12 tiếng trong ngày. Chúng tôi từ Đống Đế có thể về 'bát' phố Nha Trang. Nhưng Nha Trang, một thành phố dành cho 'người yêu Hải Quân, Không Quân'. Đây là tôi viết thật cho ngày đó, bởi thế tôi chẳng về Nha Trang. Do “tự ti mặc cảm” làm tôi chỉ du ngoạn ngang Cầu Xóm Bống hay Tháp Bà rồi trở lui. Uổng công đánh giày xi ra, ủi áo quần phép.

                                  di hành qua Bãi Tiên

Ôi những kỷ niệm lính qua nhanh, những cảm xúc, những nỗi nhớ mang máng hay sâu đậm. Nhưng cuối cùng tất cả đều buồn, đều tủi, cho những đời lính "đứt gánh giữa đàng'.
Tàu chui ra hầm. Hòn Dung còn đó. Những ngày lính quân trường di hành qua đây, mấy xóm phong cùi, giờ còn không? Chúng tôi lúc đó vẫn mua thức ăn tại bãi tập gần núi Dung, người làng đó có thể ra đây bán thức ăn gói sẵn trong mấy cái gói nylon, chúng tôi chẳng e sợ gì cả.

BẾN XE NGUYỄN HOÀNG- NHA TRANG

Anh xe ôm rồ xe chở tôi tới bến xe Nguyễn Hoàng lúc giờ bán vé gần hết. Hình ảnh những chiếc xe dài liên tỉnh thời trước vẫn còn đó, cũ hơn. Những chữ Hợp Tác Xã Xe Đò ...giờ được thế vào những cái tên tư nhân ngày trước. Nha Trang ồn ào, náo nhiệt hơn Huế. Vẫn có những đứa trẻ bán mỳ và hàng rong đeo theo nài nỉ với chiếc xe sắp chạy.
Tôi chạy nhanh vào phòng vé ...người ta lắc đầu làm gì có vé giờ này ?
Một anh nói lớn với cụ già:
-Ra đầu đường đón mới có về Sài Gòn mau lên!
Tôi nghe vậy liền chạy theo họ.

Quả đúng! người ta rành chuyện này. Phải “linh động” tránh bến xe một đoạn khá xa. Mấy chiếc vừa rời bến sẽ tấp vào đón khách thêm, ngoài số khách tiêu chuẩn mà vé đã bán. Hợp tác xã xe khách là vậy.
 Sau này tôi mới hiểu có vậy mới sống còn, nghĩa là biết “linh động” với nhau. Người ta bán vé tiêu chuẩn chỉ ít thôi, theo giá "nhà nước" quy định thì làm xe 'sống' được?
Chiếc xe dài vàng nhạt sà vào:
-Dzô Sài gòn, Sài Gòn phải không- 
' Lơ' [1]xe một tay bám vào thành cửa, đầu nghiêng ra ngoài, hỏi lớn.
Tôi bám theo ba người đi Sài Gòn, khỏi cần hỏi khi nghe họ đi Sài Gòn. Xe đón 'gió' kiểu này không có thì giờ cho hai bên 'kỳ kèo' giá cả. Lơ xe vừa nói vừa kéo, vừa đẩy mấy người khách như 'tống' mạnh vào trong cho người tài xế rồ ga chạy mất như bị ma đuổi?
-Anh kia dzô đâu?
Thấy bộ dạng tôi, anh chàng 'lơ xe' có thể đoán là người 'ngoài kia' vào. Tôi quên mất là cái mũ cối bằng rơm ép, màu vàng của tôi đang dội trên đầu [2]
 nên làm họ lầm là người "ngoài bắc" vào? (sau này tôi tiếc hùi hụi sao không đưa giấy ra trại cho lơ xe? người trong này biết 'tù về' thì không ai ép giá cao bao giờ)
-100 đồng ‘dzô’ Bình Tuy?
Tôi không còn nhớ có ‘kỳ kèo’ trả giá với người lơ xe đó không? Tôi chỉ nhớ là đưa ngay 100 đồng cho anh ta; lại còn mừng do anh ta lôi ra cái ghế 'súp'(3) bằng gỗ nhỏ xíu, bảo tôi lui ngồi tít cuối xe.
Có được chuyến xe vô nam, có được cái ghế nhỏ khỏi phải đứng thế là tôi mừng rồi.  Tuy biết rằng 100 đồng lớn lắm, nhưng tôi còn đủ tiền. Cám ơn tình cảm từ mẹ đích tôi, từ bạn bè, bà con  ngoài Huế, Quảng Trị, Đông Hà, giờ tôi mới ngồi trên chuyền xe khởi hành từ Nha Trang này.
Tuy ngồi sau đuôi xe, lắc và nhồi nhiều nhất, nhưng tôi lúc đó thật thích thú khác xa với hai ngày trên chuyến tàu chợ vừa qua.


Chiếc xe qua ngã ba Diên Khánh bắt đầu quẹo trái
 vào hướng nam:
-Ba Mẹ ơi! cả nhà ơi! con gần đến nhà rồi!

Lòng tôi  sung sướng lâng lâng. Ước gì cả nhà tôi trong kia biết được giây phút này đây, tôi đang có mặt trong chuyến xe đò vào nam./.

ĐHL
Edit mùa Đại Dịch 23/4/2020 (San Jose -California)
=========================================
[*] đây là cái tên 'chọc tếu' với nhau trong quân trường , truyền miệng có tính hài hước trong đời lính quân trường. Thực ra là tượng lính chống súng trong tư thế thao diễn "Nghỉ", sau 1975 đã bị phá huỷ
[1] lơ xe: phụ giúp cho tài xế lái xe
[2]: sau này trong nhà tôi tiếc cho tôi sao không nói với họ là "tù về" nghe tù "cải tạo" về là họ bớt tiền cho liền
[3]: ghế 'súp'(supplementaire): tức là ghế phụ thêm ,dấu theo dành ghi thiếu ghế cho khách

========================================


No comments:

Post a Comment