Sunday, October 29, 2023

TỔNG HỢP -VUI BƯỚC QUÂN HÀNH

 

NHỮNG LỚP TRAI MIỀN NAM CÙNG KÝ ỨC VƯỜN TAO NGỘ


 

VƯỜN TAO NGỘ VÀ MỘT THỜI TUỔI TRẺ MIỀN NAM


Hôm nay ngày Chúa Nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh.
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi.  ... (Vườn Tao Ngộ / nhạc sĩ Khánh Băng  )   

                                                                          ***







những người trai thời loạn xếp bút nghiên theo bước quân hành
                                                                        
Bạn đọc mến   


nhạc sĩ Khánh Băng (1935-2005)
 
Thả hồn suy tưởng về quá khứ, chắc hẳn chúng ta ai cũng đồng ý rằng ngày đó chỉ có tuổi trẻ miền nam mới từng nghe hay nhớ tới bài hát "Vườn Tao Ngộ" của nhạc sĩ Khánh Băng (bút hiệu Nhật Hà). Chúng ta không khỏi xúc động khi nghe lại thanh âm từ những lời ca mộc mạc chân tình, thẫm đượm tình nước tình người thế kia. 
Ôi mấy mươi năm qua rồi, một nửa thế kỷ thế mà bạn và tôi tưởng chừng như mới hôm qua. 
 Bao hình ảnh cũ vùn vụt qua nhanh như những khúc phim quay ngược. Giá như chúng ta có được phép mầu nào đó, trốn chạy được những dấu ấn thời gian cay nghiệt; rồi cùng nhau trở về được những ngày tuổi trẻ, hào hùng và tràn ngập nhựa sống thương nước, yêu đời.

lá thư từ KBC 4091 Quang Trung

    Một thời tuổi trẻ - đó là những lớp thanh niên tiếp bước nhau lên đường, bỏ lại đằng sau bao ước mơ hoa gấm, chấp nhận tiếng gọi của non sông.


    Vườn Tao Ngộ không chỉ riêng ai, đông lắm, một thời chiến chinh- bao chàng trai gác bút nghiên, ra đi theo bước quân hành.
   Thật vậy, thanh âm và nội dung bản nhạc đưa mình về những ngày đầu Quang Trung với bao cảm giác bỡ ngỡ, lạ lùng xen lẫn lo âu. Những toán thanh niên mới hôm qua, chia tay cùng áo trắng học trò hay nói chung là đời dân sự để bắt đầu vào đây ngưỡng cửa "Nhà Binh". Những mối tình, những hẹn ước với người tình vừa mới chớm mộng yêu đương nay đành gác lại, lên đường theo tiếng gọi của non sông.  Quê hương khói lửa ngập tràn, bên nợ nước bên tình nhà chắc nàng cũng hiểu. 
     Những đêm đầu Quang Trung, nơi quân trường thử thách. Nhiều nỗi nhớ em nhưng anh đành gác lại, chỉ mong có lá thư nàng. Ấm nồng tình cảm và an ủi biết bao, đó là lá thư đầu tiên do nàng gửi đến cho chàng tiếp sau  ba chữ KBC 4091...
Nếu chúng mình ước hẹn, ngày tao ngộ xa quá anh ơi!
Thời gian xin lắng đọng đợi chờ.
Để đôi tim ước mộng đem tình thương tô thắm đôi môi hồng.
Đây một phong thư xanh, trao đến người,
để quên đi những đêm quân trường,
sầu cô đơn hiu quạnh, vùi đầu bên chén trà tìm đọc thư em...


                                            











NHỮNG LỨA TUỔI XANH từng BĂNG MÌNH QUA VƯỜN TAO NGỘ, để lại đây dấu ấn của hiến dâng hay ra đi khi Tổ Quốc Lên Tiếng Gọi 


*
   Có lẽ ai cũng có chung ý nghĩ hay tâm sự giống nhau, đó là tâm lý lạ lùng ngày đầu làm quen đời lính.  

    Những hồi còi chói tai, những tiếng chân chạy rầm rập, vội vàng. Xếp hàng, tập họp, điểm danh trước những căn nhà dài lê thê. Nếp sống tập thể bắt đầu. Phải làm quen với những tiếng tiểu đội, trung đội, đại đội.v.v.
    Thật vậy, cả một 'bước ngoặc cuộc đời' bắt đầu...
    Lạ lẫm, nhớ nhung trong tôi tăng gấp bội. Bao lo lắng hay tâm sự riêng tư của thanh niên từ miền trung khô cằn sỏi đá ngoài kia vào đây cũng 'nhân đôi' khi so sánh với  những anh chàng quê ở gần Sài Gòn. 
     Mùa hè  Đỏ Lửa 1972, một mùa đi đầy tang thương, đau khổ. Tội cho dân mình, người Quảng Trị từ đó phải ra đi, phải xa quê hương chẳng hẹn ngày về. Số bị kẹt đã đành, nhưng rất đông người lìa xa quê hương bản quán đành cam chịu kiếp sống tạm cư tại Đà Nẵng. Chiến tranh tiếp nối chiến tranh bao người lưu linh về phương nam tìm đất sống...

Nhà tôi "sống nhờ- ở tạm" tại Thị Xã Mỹ Tho. Ai giờ đây chỉ còn hai bàn tay trắng, vốn liếng của cải chẳng còn. Người viết có ghi lại ít nhiều tâm sự  khi mới tới tỉnh Định Tường, thành phố đón nhận chúng tôi, ngày đầu xa lạ.

*


Rồi những đứa bạn mới quen hai ba hôm nay, ngày đầu nghiệp lính. Chúng tôi cùng nhau đi nhận quân trang. Những bộ áo quần lính màu ô liu, đậm, nhạt bận vội vào người, có lúc lại rộng thùng thình.  Cái mũ lưỡi trai nhà binh, lần đầu tiên đội vội lên đầu, thấy lạ. Làm sao quên, hai đôi giày bố đen cái mang cái móc vào ba lô.  Tôi vẫn nhớ hình ảnh cái bao quân trang dài, cứ tưởng tượng nó như thu được 'cả bầu trời' vào được trong đó, chẳng khác chi trong truyện thần thoại thời con nít, tôi đọc không bằng?

   một câu lạc bộ tại Trung Tâm Huấn Luyện  Quang Trung 

                2 kỷ vật đời lính 

    Còn gì để nhớ trước khi được chuyển qua TTHL Quang Trung? Quân trang phần nhiều chúng tôi được nhận tại cái trại tiếp nhận sát nách Quang Trung, đó là Trung Tâm 3 Tuyển Mộ  Nhập Ngũ. Tôi khó quên hình ảnh cái ca uống nước i-nốc, cái bi đông đựng nước, cái ga men để nhận phần cơm...


    Thôi rồi, mái tóc bồng bềnh đen nhánh của tuổi học trò nay cũng bị cắt ngắn đi từ đó! Cuối hết tôi xin kể ra một chuyện cần nhớ, cần phải mang nó theo suốt đời lính, đó là chuyện SỐ QUÂN. Sau khi nhận số quân, có m
ột vị sĩ quan tại TTHL Quang Trung có nói một câu khiến tôi nhớ mãi:

"Từ nay số quân này sẽ theo các anh cho đến lúc chết. Phải nhớ loại máu các anh là gì? Số Quân và Loại Máu có trong thẻ bài, phải luôn đeo vào cổ, nhớ đó!"

Từ đó, Quang Trung "nắng cháy da người" và những màn phạt nhà binh nhớ đời hay trách nhiệm 'chà láng' tức là thoa vuốt bằng bùn lên bờ giao thông hào, công sự chiến đấu cá nhân trong trại phải thật láng, nếu không đẹp thì bị ghi phạt! Còn nhiều thứ để nhớ làm sao? Những cơn thèm ngủ, những giờ ăn eo hẹp chỉ mười mấy phút, thức ăn thiếu thốn, và sau hết là đồng lương tân binh ít ỏi...

    Đời lính phải tập luyện, dạn dày cực khổ, thiếu thốn gian lao. Còn nhiều thứ để huấn luyện cho những tân binh, cho những ngày mịt mù phía trước. Khói lửa chiến tranh còn tàn phá quê hương, bao tiếng khóc dân mình còn ai oán ngày đêm...


VƯỜN TAO NGỘ



Viết sao cho hết bao cảm giác bồi hồi xúc động khi được kêu tên ra thăm thân nhân. Vườn Tao Ngộ là tiếng gọi thân yêu, nơi thăm viếng dành người nhà của những anh lính mới dành cho các tân khoá sinh tại Trung Tâm Huấn Luyện vào ngày cuối tuần. Ai có qua đó thì khó lòng quên cái tên Vườn Tao Ngộ, một dấu ấn hay kỷ niệm đầy thương cảm năm nào.

 Anh tân binh còn nằm thừ người đợi chờ chợt ngồi bật dậy khi trật tự viên chạy vào:
 
    -Danh số 151 có người nhà tới thăm!


"Người Nhà Tới Thăm" đồng nghĩa là anh tân khóa sinh sẽ bận bộ đồ lính sạch nhất, cầm vội theo những thứ gửi lại nhà như bộ áo quần dân sự, giày dân sự hay những thứ đời lính không cần rồi chạy ù theo người trực đại đội vừa kêu tên mình...

    Cổng Tao Ngộ kia rồi, thời gian quý báu làm sao! Bên ngoài cổng trên bãi cỏ là những poncho trải vội. Đôi ba cặp tình nhân nói chuyện cùng ăn uống với nhau. Giờ hình dung lại, bài hát sao chân thật quá như gom lại tất cả  hình ảnh đáng nhớ ngày qua!


    Những người tình cho anh tân binh ngày đó có thể tận Cà Mâu, Lục Tỉnh nhưng nỗi nhớ nhung đã gạt phăng tất cả. Anh tân binh mới vào đời lính, chỉ vài tháng xa nhau mà cảm thấy lâu như cả 'chục năm'?

    Có ông bà già nào đó từ miệt vườn lên thăm con. Hai ông bà đang ngồi với đứa con trai. Quà cáp bới lên chắc hẳn còn thơm mùi lúa chín, mùi mãng cầu xiêm hay vài bịt mận chín mọng ngọt ngào. Hai bàn tay nhăn nheo ông bà già rờ mãi vào vai cậu con trai. Nhìn nước da xạm nắng của con hai người lắc đầu ái ngại. 

    Hai ông bà  từ miệt vườn lên thăm con cũng là hình ảnh ba mẹ tôi lặn lội từ Mỹ Tho lên thăm, an ủi con những ngày đầu quân ngũ. 

    Mùa hè 1972, Gia đình tôi  trôi dạt vào Mỹ Tho. Giờ đây chỉ còn hai bàn tay trắng, vốn liếng của cải chẳng còn chi.  Tôi không quên con đường Hùng Vương cùng hai hàng me cổ thụ, Vườn Hoa Lạc Hồng bên giòng Cửu Long bốn mùa lao xao sóng nước cùng ăm ắp phù sa hay tấp nập thuyền bè.  Rồi các em tôi lại bỡ ngỡ làm quen cùng trường học mới nhưng trọ trẹ tiếng trung? Nơi  xứ lạ quê người dần quen cuộc sống cũng là lúc tôi cất bước xa nhà. 



Bãi Tập Quang Trung 1/1973 hình tác giả 

đến tuổi về chiều tôi còn nhớ ngày xưa: Danh Số 151 Tiểu Đoàn Phan Đình Phùng, trại Võ Tánh Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung
SQ: 73/008310 



Đất nước chiến tranh, bao lớp người trai lần lượt ra đi. Vườn Tao Ngộ ngày đó chứng kiến những phút giây tao ngộ trùng phùng, cảm động, thiết tha và lại hiếm hoi khi gặp nhau chỉ ngần ấy thôi! Rồi cha mẹ cũng phải chia tay con ra về,  người tình cũng phải ra về, để lại những người trai tiếp tục con đường tập huấn, nắng mưa thao trường. 







đỉnh Hòn Khô-NGÀY GẮN ALPHA  8/1973 TRƯỜNG ĐỐNG ĐẾ NHA TRANG (hình tác giả) 



Tiếng nói cùng tiếng cười, giờ tao ngộ lưu luyến bên nhau.
Mừng vui chưa nói được cạn lời,
Giờ chia tay não nề ngại ngùng thay chân bước đi không đành.
Vui đời trai phong sương,
Vai gánh nặng tình non sông bước chân miệt mài.
Dù núi biếc sông dài, dù trời cao đất lạ đừng buồn nghe anh 


    Những ngày Chủ Nhật qua đi. Vườn Tao Ngộ của "Quang Trung nắng cháy da người" tiếp tục đợi chờ. Những lớp  người trai lên đường nhập ngũ; rồi những lần tao ngộ. Lá cây bàng ngoài cổng trại tiếp tục la đà rơi theo gió. Những chiếc xe lambro, lambretta, daishu... quen thuộc, lần lượt rồ máy chở những người thân yêu của lính tạm biệt Vườn Tao Ngộ. Những lần tao ngộ nối tiếp theo nhau, còn nhiều lớp trai tiếp tục đi vào quân trường, chia tay, ra đi về bốn vùng chiến thuật./. 

=========================== 


TỪ KBC


VIẾT TỪ KBC


Tặng bạn FB từng là LÍNH


Từ KBC giá lạnh rừng sâu.
Anh gửi lời thăm về em yêu dấu….(Mạc Phong Linh -Viết từ KBC)

*



Bạn mến, 

Chúng ta từng là lính, người lính VNCH từng ra đi để bảo vệ mảnh đất Quê Cha Đất Tổ. Ôi nhớ làm sao ngày đầu nhập ngũ, những giây phút ngỡ ngàng, lạ lùng với đời sống quân trường. 




Những ngày tháng thao trường, chúng ta vật vả mồ hôi trong nắng nóng cùng các buổi tập luyện mệt nhoài. Nào những đêm đi ứng chiến, nhớ sao bao phút chúng ta tâm sự .  Dần hồi chúng ta có thêm bạn mới, đó là những ngày đầu quân ngũ. Nhiều người trai từ mọi miền đất nước cùng nhập ngũ rồi lại quen nhau. Ngày tháng quân trường, chúng ta từng kể cho nhau nghe nhiều tâm sự cất giữ  tận đáy lòng, nhiều mối tình vừa chớm lại vội ra đi...


một câu lạc bộ tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung






Ai còn nhớ chăng những phút nghỉ  ngơi hiếm hoi sau một ngày hay sau giờ tập huấn?



Chúng ta nhớ sao mấy ly chanh đường trong câu lạc bộ. Sướt mướt vài  bản nhạc tình, bạn và tôi cùng lắng đọng tâm tư. Trong giây phút đó, tụi mình thấm thía làm sao từng câu từng chữ? Những khúc hát như thấm vào tim, bao cảm xúc rung động thật tình. Thật vậy, mỗi đứa chúng ta ai mà không có một mối tình tạm gác ở hậu phương. Cuộc sống mới-nhà binh, bắt đầu cuộc đời quân ngũ...bốn vùng chiến thuật đang ngóng đợi chúng ta. Một ngày chúng ta sẽ tản mác tứ phương, ba lô nặng trỉu, súng đạn lên đường. Chốn bùn lầy nước đọng, núi rừng thâm u của cao nguyên gió hú, hay vùng "hỏa tuyến địa đầu"... biết ngày mai ra sao để cho anh hẹn một ngày về? 





Có nhiều kỷ niệm cho mấy tháng quân trường. Nước da chúng ta sạm đen dưới nắng. Thân thể mệt nhoài từ kỷ luật và lối sống nhà binh. Bao lớp trai sẽ tiếp nối những lớp đàn anh để bảo vệ quê làng. Người lính miền nam ra đi không vì lòng tham lấn đất, không vì những lý tưởng nhồi nhét căm thù hay man trá. Người miền nam chỉ ngần ấy ước mơ bình dị. Thanh niên quê hương miền nam chúng ta xếp bút nghiên lên đường. Bổn phận làm trai chúng ta tạ từ cha mẹ già, em thơ và người yêu thương nhớ chỉ mong một ngày thanh bình về lại với ruộng mía nương dâu.


những ngày khóa sinh Đống Đế Nha Trang













Rồi mấy tháng quân trường qua nhanh. Bạn bè mỗi đứa một phương trời - Bốn Vùng Chiến Thuật- khó biết tin nhau? Khói lửa chiến chinh bao phủ khắp miền. Đỉnh cao rừng rậm, loang lổ hố sâu bom đạn. Giây phút nào thảnh thơi tựa ba lô viết lá thư tình, người lính giờ đây thật là một trời lãng mạn. Có những lá thư viết vội đường nét không đều. Cũng có những lá thư dang dở và có thể có những lá thư mãi mãi sẽ không về được quê 
nhà khi chỉ viết được vài dòng  người lính phải tiếp tục hành quân và có kẻ không bao giờ còn phần đoạn kết.












Đừng buồn em ơi! Nếu hiểu được anh.

Đây miền rừng xanh bụi vương áo lính.
Khi quê mình khói lửa điêu linh.
Nhớ em nhiều biết sao thôi đành.
Vùi chôn khỏa lấp chữ tình 
(nhạc)


Đó là một thời khi người lính miền nam từng ra đi, hi sinh mọi thứ để che chở cho người người đang ở hậu phương. Đó là một thời có những lá thư VIẾT TỪ KBC chứa chan bao nhớ thương của người lính trẻ quê tôi.Ôi nhớ làm sao những dòng chữ chân tình thẩm đượm biết bao tình thương nỗi nhớ. Ngày ra đi nàng trao chàng cái khăn tay kỷ niệm. Mẹ già tần ngần run run trao nắm cơm thơm. Đứa em thơ tần ngần nhìn anh không biết nói gì? Nước mắt lưng tròng kẻ ở hậu phương trông theo bóng người đi cho đến khi khuất dạng... 


Viết Từ KBC người lính năm xưa từng trăn trở, ước mong nhưng biết làm sao khi nhiệm vụ chưa tròn. Viết Từ KBC nợ nước tình nhà mãi còn lỡ hẹn, nỗi đau còn đó cho đến bao giờ? Viết Từ KBC, bi tráng và đẹp sao những tấm chân tình hậu phương  tiền tuyến ngày nào./.

======================== 

NHỮNG NGƯỜI  CHIẾN  SĨ  VÔ DANH


VIẾT VỀ ANH NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI


   LẠI MỘT THÁNG TƯ  đưa tôi trở lại với bao kỷ niệm và hình ảnh ngày xưa. Nhưng hôm nay tôi nhớ về các anh, những chiến sĩ bao năm ở lại cam chịu những hoàn cảnh sống éo le bên quê nhà. Tôi là một trong những người may mắn đã ra đi thật xa. Rồi tại xứ người những kẻ ra đi được bù đắp xứng đáng,  được nhiều cơ hội thăng tiến, nhất là được bảo vệ chở che. 

TÔI LÀM SAO SO ĐƯỢC VỚI CÁC ANH, NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI?

Tôi không có chút gì là can trường chịu đựng nào so với các anh. Chính các anh mới là những chiến sĩ già còn lại trên quê hương một ngày tháng Tư bao nỗi nhục nhằn. 

Hôm nay, non nửa thế kỷ đi qua, các anh vẫn sống, vẫn chịu đựng lê lết quảng đời còn lại trong bao đắng cay, bao thiệt thòi không hề than oán.




Các anh, những người còn lại mới chính là những anh hùng!

Cứ đến tháng Tư, dù tôi có khoác lại chiến y ngày cũ, dù huy chương lấp lánh, lon lá um sùm hay ngay cả cờ xí rợp trời nhưng tôi vẫn là kẻ núp bóng trong sự chở che của xứ người. Tôi vẫn luôn sống trong sáo ngữ, khẩu hiệu, ý chí rụt rè chẳng hề can đảm? 

Tôi tự hổ thẹn khi so với các anh! Có vinh quang chăng so với hình ảnh các anh- những mảnh đời lưu lạc nuốt lệ nhục vinh theo tháng ngày khắp nẻo quê hương hay nơi phố thị đông người? 

Hơn bốn thập niên qua rồi từ ngày "gảy súng",  các anh vẫn thách đố với đói khổ, nhọc nhằn hay đắng cay nhục nhã. Bao mảnh chiến y bạc màu, vá víu qua ngày tháng che chở thân anh  để lết lê dọc đường gió bụi. Từng đêm dài, các anh đếm lại vinh quang trong đau khổ hao gầy!?

Chúng TÔI những người đã ra đi, CHẲNG LÀ GÌ SO VỚI CÁC ANH




Thật vậy, những chiến sĩ già còn lại trên quê nhà, họ còn chút gì trãi lòng trước "chuyến đi cuối cùng".  Những người lính già lần lượt xuống tàu, trên ga vắng đìu hiu  vẫy tay chào tiễn biệt chuyến tàu thời gian vẫn miệt mài chạy về phía trước. Người thương binh- những chiến binh một thuở hào hùng vệ quốc; họ đã sống trọn vẹn  một thuở Can Qua.  Những buổi chiều tà, ánh xế cuộc đời các anh từng mong một lần bận lại đầy đủ  bộ quân phục ngày xưa.


một bộ rằn ri xuất hiện trong đám cưới tại Đức Linh Bình Thuận tháng 8/2018

Một màu xanh ô liu làm sống lại trong huyết quản héo úa cạn kiệt một niềm tin một sức sống một niềm tự hào đúng nghĩa và chân lý cuối cùng rằng:

CÁC ANH KHÔNG CÓ GÌ SAI VÀ ĐÃ CHỌN ĐÚNG CON ĐƯỜNG CÁC ANH ĐÃ CHỌN.

Các anh không còn gì để mất và không còn gì để sợ. Một màu áo trận lẻ loi trong một lễ hội trong những gì còn lại của quê hương sau bao năm tháng âm thầm; nhưng trong màu áo kia có một tâm hồn chẳng bao giờ 'cô đơn trong những tấm lòng những tâm tình hoà điệu. Đó là một ý nghĩa ân tình một an ủi cuối cùng cho những đời lính từng một thời hi sinh và cống hiến




Đúng thế từ bên này bờ Thái Bình Dương tôi viết lên đây niềm cảm phục sự quả cảm của các anh với sự chân thành tự đáy lòng rằng các anh thật can đảm. Trong Hang Hùm Miệng Sói các anh vẫn nói lên tiếng nói gói ghém bao lâu tận đáy lòng: các anh đã hi sinh và đã làm đúng những gì trong trách nhiệm người trai thời loạn. 

Bên phố đông người tại các thành phố lớn, nay thấp thoáng các màu áo chiến binh xưa. Các anh đã âm thầm đơm mầm hi vọng trong ánh mắt người dân. Các anh đã mặc khải chính  nghĩa năm xưa trả lời cho bao lời dối trá thoá mạ trước đây.

Các anh mong được khoác lại màu áo năm nào để làm sống lại những niềm tin, cùng nhau khơi lại lòng tự hào ngày đó. Bên đường quê hương, hay từ phương trời xứ lạ, càng lúc càng  có nhiều tấm lòng ngưỡng mộ giúp sưởi ấm những mảnh đời băng giá sau nhiều thập niên trầm mặc trong giá băng cùng nỗi niềm đơn côi do nhân thế hững hờ... 

Bên này bờ đại dương, tôi thán phục và ngưỡng mộ các anh. Tôi quý trọng những ý muốn sau cùng của những người chiến sĩ già nhưng  can trường, một thời son trẻ.

Các anh không có chút quyền lợi dù đã hi sinh. Các anh âm thầm chịu đựng buổi xế chiều rơi rớt lại của cuộc đời chiến sĩ. Chính các anh mới là những chàng trai thời loạn, non năm thập niên âm thầm chịu đựng khổ đau từ thể xác tới tinh thần. Đối với tôi, các anh thật sự là những anh hùng, dù sa cơ thất thế nhưng vẫn tràn trề tấm lòng vị tha, uy dũng./.



ĐHL  

No comments:

Post a Comment