Friday, October 20, 2023

KÝ ỨC VỚI RỪNG


ĐƯỜNG RỪNG VÀ NGƯỜI TÙ BINH



(riêng tặng các bạn tù Ái Tử Bình Điền)

Đồi cao dốc núi quá cheo leo.
Nhớ thương tràn dâng đến nơi thôn nghèo.  (Đường Chiều Sơn Cước .Minh kỳ Lê Dinh)


Tôi muốn viết về Chuyện” Đường Rừng chứ không có ý là “Truyện” Đường Rừng. Đó là những chuyện buồn vui “cười ra nước mắt” khi lội trong rừng kiếm gỗ hay tìm lối ra. 


Vào rừng khi có lối mòn thênh thang dễ đi thì lo gì chuyện lạc. Nhưng càng dễ đi thì càng khó kiếm gỗ. A mà gỗ phải thẳng đó nghe. Tôi sẽ kể cho bạn nghe cách tìm cây gỗ thẳng ra sao vào đoạn giữa. 


Giờ thì bạn cùng tôi phải tìm chỗ nào ít người đi để dễ có cây gỗ thẳng muốn tìm. Đó là những nơi rậm rạp nhất ít hay chẳng có dấu chân người. Vừa chặt những dây leo, bao cây nhỏ để có lối chun vô. Vâng nói là chun vô do sao? Chỉ do có công đâu mà phát cho rỗng dễ đi. Còn phải lo thì giờ về nữa chứ? Phải để ý chặt làm dấu làm sao mà biết lối ra? Có nghĩa bạn phải đừng hấp tấp chun vô mà quên làm dấu lúc ra về. Đó là sao vậy? Có thể tôi làm một số cây nhỏ chặt nghiêng làm sao một hướng nhất định để chỉ lối ra. 


Cũng là lối mòn tôi phát quang để vào nhưng có khi tôi vô ý không lo trước sẽ lạc vào  sâu hơn thay vì đi ra sau khi có gỗ.


Hừm! Gian nan chừng nào thì gỗ cây càng lắm chừng đó; do chưa có ai chặt. 


Kìa cây gỗ thẳng trước mắt! Mừng rơn,  tôi quên cả đói. Vâng cái bụng thằng tù bắt đầu ‘biểu tình’ nghe ồn ột đây rồi.
Xin lỗi bạn tôi dùng chữ hơi “Bắc kỳ” một tí vì cán bộ quản giáo chúng tôi phần nhiều ngoài bắc. 


Đừng vội mừng. Bươn bả ào tới dù gai mây dù dây leo vướng ngã tới nới té ra cây gỗ thẳng mà lại ‘cong’?! Do sao vậy? Một cây gỗ nếu nhìn một hướng có thể thấy thẳng nhưng đứng vị trí khác lại cong có thể nao nao cong thế là ‘hỏng” (lại giọng Bắc Kỳ)? Kinh nghiệm đường rừng: một cây gỗ thẳng “đạt chỉ tiêu” bạn phải đứng 3 vị trí; tất cả 3 vị trí đều thẳng đứng thì có thể xác nhận là cây gỗ thẳng. 


Thế là ta tha hồ 'phang'!

Cái rựa của tôi chặt liên hồi mặc dù bụng còn đói nhưng phải hạ cây nầy xuống mới được ăn. Tại sao tôi chưa dám ăn? xin thưa mấy bác (lại Bắc) do còn mười mấy cây số đường về trại nữa? Ăn sớm thì đói sớm! Câu trả lời ‘giản đơn’ vậy thôi.


Chưa hẳn thành quả này đã là vào tay ta!? Tôi phải biết "mở miệng- cắt gáy" khi hạ một cây rừng ngã xuống. Trời hỡi! Sao ác quá! 


Ôi  cây "rượng” mất rồi!

Gốc nó lìa rồi nhưng đọt hắn còn vướng trên cao? Mấy sợi dây rừng nó đeo cứng trên kia.  Phải kéo nó xuống không thể bỏ cuộc được.

Nhưng một mình sức yếu, tôi không thể nào kéo cây này xuống nổi?!

-Hò huầy , hò huầy...


Tôi tự hô to lấy thêm sức mà kéo? Giây phút này tôi  ao ước có bạn tù nào đó bên mình? Nhưng mỗi người tới rừng đều chia nhau đi tìm mỗi hướng. Cây thẳng càng lúc càng hiếm phải phân tán như thế. Chúng tôi đã hẹn cùng ra lại tại "bãi đáp" này sau khi có cây.

Giờ làm sao đây? 


Thất vọng!

 -Thôi ta đi tìm cây khác. 

Tôi bụng bảo dạ thế.

Trời còn thương kẻ sa cơ thất thế. Có cây gỗ lấp ló đàng xa kia kìa...


Ôi cây gỗ THẲNG đứng cả 3 phía đều “chộ’ thẳng ro; nó 'dễ thương' làm sao! 


Cây thứ hai này giờ đã ngã, hắn nằm dài thườn thượt trước mắt tôi. Trời đã quá đứng bóng. Hít một điếu thuốc Rê đem theo như tự thưởng công cho mình và bóc vỏ cây. Cái rựa của tôi đi từng đường “tuyệt vời” lớp vỏ cây từng mãng theo làn rựa tách ra khỏi thân cây gỗ, giờ trắng hếu như làn da “mỹ nữ” không bằng. Tôi thưa với bạn rằng, bóc vỏ sẽ làm cây nhẹ đi phần nào nhờ không còn vỏ và hơi nước trong thân tươi khô bớt.


ôi vòi cây mây nước quái ác 

Đã xong xuôi, trời bắt đầu xế. Tôi giờ mới có "quyền đánh chén" cái phần  cơm trưa tức là cái gô đựng nửa cơm nửa sắn. Loáng một cái tôi đã ăn xong phần ăn đem theo. Cái túi bao cát và cái gô thân yêu chúng nó là người bạn 'chí cốt' chẳng hề rời lưng. Đúng thế, giờ đây chính nó là 'chất sống' giúp tôi có sức ra khỏi rừng và về lại trại.  


 Tìm cách đưa cây gổ lên vai xong tôi bươn mình lũi trong cái lối đi nhỏ hẹp vừa phát sơ lúc vào. 

-Ta phải cẩn thận không thì lạc. 

Tôi tự nhủ thế.

 Hai con mắt tôi căng tròn nhìn dấu những cây nhỏ tôi chặt lúc vào...

Ôi  mấy vòi mây nước hắn ác làm sao? Mấy cái móc như vuốt mèo muốn “hại thằng bán mỳ” thật tình?! Móc cây mây nhọn cong móc thứ gì là dính thứ đó. Giờ nó lại treo tòn ten cái mũ vải của tôi trên cao? Chúng như muốn trêu tức tôi, một người đang mệt lử? Thế là tôi đành phải bỏ cây xuống, níu lấy cho được cái mũ vải quý báu lại. Thêm một lần nữa tôi phải tốn sức xốc cây gỗ lên vai, mấy lớp vải vá bằng bao cát trên vai phải tôi giờ lại rách tả tơi thêm nữa...
-Thật "trời hại thằng bán mỳ!
 cái vòi mây quái quỷ làm sao!

Sợ nhất là lạc khi ra. Tôi nhớ những lần lạc trong rừng bữa trước. Ôi mệt đứt hơi kèo mớ đòn tay xuống khe lên dốc té ra “lại về chỗ cũ”? 

Cẩn thận; lần này tôi phải cẩn thận. Tôi chẳng còn cái cảm giác sợ thú dử, sợ rắn rết hay bao thứ khác trong rừng. “Cùi đâu sợ lở” chỉ lo một điều đó là LẠC thôi!  các anh ngoài kia đang nóng lòng đợi tôi. 

“Bãi Đáp”  kia rồi!

 Một vùng sáng quang đãng làm sao, tươi đẹp làm sao! Mấy anh bạn thấy tôi đang  lóp ngóp mò ra nhoẻn miệng cười:

-Ê Mi Còn Thuốc Rê Khôn Rứa P. ?


Câu hỏi tuy đơn sơ nhưng tôi nghe ấm lòng chi lạ do biết mình đã RA KHỎI RỪNG không còn lạc nữa.

Xa thẳm dưới đồng bằng,  non hai mươi cây số đường rừng, Trại Tù đang chờ chúng tôi trở lại cùng những cây gỗ thẳng bên vai ./.

===================== 

MÂY RỪNG 


Người viết xin thưa trước, mây đây không phải là những đám mây trời bồng bềnh trôi trên bầu trời xanh lơ trong một ngày nắng đẹp đâu thưa quý bạn. Mây đây là những cây mây, bụi mây rừng đầy gai nhọn trong rừng xanh núi thẳm.


Tôi nhớ một thời làm bạn với những bụi mây rừng, những lần 'làm bạn bất đắc chí' khi còn phận làm tù và hàng ngày lên rừng rút mây đẽo gỗ vác về trại.

Chuyện non nửa thế kỷ, eo ơi! thời gian qua nhanh vùn vụt thế mà hình ảnh những vòi mây đầy móc nhọn còn 'vẩn vơ' hay 'lắc lư' trong trí nhớ tôi.

Có khi tôi tách bạn tù vào một đám rừng "một mình một rựa" âm thầm rút mây. Tôi lội bì bõm dọc theo con khe ánh sáng mờ ảo do ánh mặt trời bị cây rừng che phủ . Mây nước đó, những bụi mây nước rậm rịt vòi cao lên tới sườn núi. Tước mây cũng phải có 'kỹ thuật' còn không thì hì hục với hàng hàng lớp lớp gai nhọn quanh thân mây nhìn cũng rùng mình?

Chọn nhành mây dài nhất, cái rựa sắc chặt phăng, tôi vừa nhún uốn thân mây từ dưới lên trên, vỏ mây cùng gai sẽ từ từ lóc ra. Nhún, uốn lắc nhành mây là cách thức tước võ mây chứ không róc vỏ như róc cây mía được. Nhành mây dài, không lấy phần đọt do nó non không tốt. Thế là được một cây mây. Tiếp tục lũi theo khe như vậy bạn sẽ làm sao cho được một VÁC bó lại, ra khỏi rừng là trời hơi xế. 

Tôi ngao ngán những vòi mây đu đưa trên cao? chúng có nhiều cái móc hình móng mèo thỉnh thoảng chúng móc cái mũ vải của tù rút lên trên không lắc lư như "trêu ghẹo" ? Vừa mệt vừa đói muốn ra khỏi rừng cho nhanh, trời sắp tối nhưng tôi phải vứt cây gỗ trên vai xuống hì hục lấy lại cái mũ vải 'thân thương'; rồi lại vác gỗ lên vai bươn bả ra khòi rừng



Mây nước dùng làm gì? Nó dùng để cột rui mèn đòn tay. Mây nước có cái tên này do chịu đựng được trời mưa gió nên để làm nhà thôi chứ không làm đồ mỹ nghệ được. Ngoại trừ một chuyện đó là làm GHẾ MÂY. Xưa nay người ta đan ghế mây ngồi êm chịu mưa gió , thiết kế tại quán cà phê hay đồ mỹ nghệ khá thích hợp.

Tôi kể lại chuyện rừng ngày đó. Nếu ra khỏi rừng còn thì giờ người tù cải tạo sẽ đi kiếm một vài thứ mây khác đó là MÂY PHUN, MÂY ĐẮNG , MÂY TẮT ...

Những thứ mây này mọc tại sườn núi, có nghĩa là không nằm dưới khe. Nhưng lùm mây phun mây đắng, lóc ra trắng nõn nà , thân nhỏ dài lê thê. Tôi sẽ cuộn lại một bó riêng đem về trại cho bạn bè đan đát. Thân mây phun mây đắng chúng tôi chẻ ra xong vuốt mỏng, đẹp đan thành giỏ (làn tiếng Bắc) đựng đồ đạc, mũ mây đội trên đầu cho nó 'hoách'. Những ông tù khéo tay còn đan thành những thứ 'độc đáo' hơn bảo đảm thành phố không thế nào có đặng?


những thứ mũ giỏ mây này đã xuất hiện trong tù từ lâu. Thú thật những người tù gốc là trung đội trưởng nghĩa quân (Huế Thừa Thiên) có bàn tay khéo léo nhất. Có thể họ xuất thân từ nông thôn giỏi về đan lát họ làm những thứ này trong thời gian rảnh trong TRẠI . Người viết khó học được nghề này chỉ nhìn thôi?
Viết miên man trong trại còn nhiều nghề thủ công mỹ nghệ (phát sinh) nữa bạn đọc nên hình dung cái rá nhỏ kia làm gì? để CHIA PHẦN SẮN KHOAI cho bữa ăn trong tù thôi. Những người nào nhớ nhà thì giữ lấy chờ gặp người nhà thăm nuôi gửi về làm quà ...

Nhưng những thứ mây này, còn vài thứ nữa người viết có thể quên, chỉ nằm trong nhà không thể chịu mưa gió như 'anh chàng' mây nước được đâu?

Còn một thứ mây nữa đó là mây tắc (hay tắt?) những danh từ chỉ nghe chứ tôi chưa hề đọc thành 'chữ' trong tù. Mây tắc thân nhỏ hơn chiếc đũa, dài lê thê có thể mấy mươi mét xuyên vắt vẻo bụi  này sang bụi khác lưng chừng núi. Thân mây tắt không gai lá cũng không mấy gai, không e dè khi rút nó. Mây tắt về tới trại chúng tôi sẽ chẻ ra vuốt mềm mại dùng 'nứt' vành cho những dụng cụ nhà quê như trẹt, mủng, rá...

Làm xong các vật dụng thúng mủng rá nói trên phải có cái vành ,mà có vành thì chúng ta liên tưởng đến cặp vành ép miệng trẹt, rá vừa đan xong. Và muốn ép hai vành tre đó vào sát nhau  thì phải có sợi mây tắt mềm mại dài lòng thòng 'nứt' nó  lại 

Ngang đây nếu người viết không viết tới những bụi cây giang là loại tre rừng là một thiếu sót lớn. Những đốt giang này có thể dài tới cả mét. Thời này rừng Quảng Trị nhiều vô số giang rừng. Thân nó không như lồ ô mà khác tre. Những bụi giang rậm rạp nằm vắt vẻo bò ngang dọc trong rừng. Những đốt giang chúng tôi chặt ra bó lại thành hai bó và gánh về trại. 
Lạt giang là thứ quán quân để lợp tranh, xây nhà kèo cột. Nhưng lạt giang chúng tôi dùng nó đan rỗ rá thì thuộc loại 'quán quân".

Vùng thôn quê khi lợp nhà cần những sợi lạt nhưng  làm sao có giang rừng? Tất cả đều dùng từ những đốt tre 'cái'. Nhưng tre không thể nào có những đốt dài bằng đốt giang rừng được. Vì có mắt ở giữa nên lạt tre thường bị gảy còn lạt giang thì không.

Rừng Ái Tử QT có nhiều mây, tiếp tục vào đến Bình Điền tây nam Huế chúng tôi lại một lần nữa lại gặp những rừng mây nhiều vô số. Người ta hay nhắc câu “Nước khe Điên cọp Bình Điền,” toàn vùng này nằm trong rừng mây nên rất độc, uống nhằm nước này hay lên cơn sốt rét. Những năm đầu 1980 những cánh rừng mây nước ỏ đây đã bị những trại tù cải tạo san bằng đốt dọn để trồng lên những rẫy sắn bạt ngàn.

Chuyện đường rừng, chuyện  ngày xưa nhớ gì kể đó. Những hình ảnh đó nó tái hiện trong khoảng trời xa xưa khi rừng thiêng còn rậm rạp thâm u. Đã nửa thế kỷ qua rồi, khi con người càng lúc càng đông thì rừng rú năm xưa trong đó có những đồi mây  làm gì còn tồn tại?

Khi mây trời vẫn mãi mãi tồn tại, tự do, thênh thang, thì dưới đất những đám "MÂY RỪNG" chắc đã không còn? 


===============================  

MỘT THỜI 'TÀU BAY '


THƯA BẠN

Tàu bay còn gọi là phi cơ những thứ mà người dân mình hình như đa phần đều không lạ lùng gì nữa. Kinh tế đổi mới xã hội đi lên phương tiện giao thông dồi dào, ngoài các chuyến xe khách hạng sang giờ đây các thành phố tại VN đều nối với nhau bằng những chuyến tàu bay phản lực bay tuyến nội địa 
Chuyện 'tàu bay' kể lại đây không dính líu chi đến những chuyến phi cơ vần vũ trên trời mà tàu bay đây là "Rau Tàu Bay" một loại cỏ hoang ăn được. Một thời từng là BẠN cho những người tù binh lúc SA CƠ THẤT TRẬN 











Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay (ca dao)


    Người viết dám tin rằng DƯA TÀU BAY là một danh từ chỉ dành cho thành phần tù nhân chính trị sau 1975 họ mới biết thôi. Miền nam sụp đổ những người còn lại đã bắt đầu chịu sự 'trả thù ' ghê gớm qua một danh từ "cải tạo" đó là thời gian mà hàng ngày có quá nhiều cái bao tử tù chính trị đang bị hành hạ, bào xé tận xương!


***

 Ba tiếng kẻng báo cho từng khối tù đi lãnh phần sáng lên chia trước khi đi làm. Chuyện trước tiên là chia phần MUỐI. Đúng vậy quan trọng nhất là muối. Những người 'cải tạo' như chúng tôi cần muối. Tuy mỗi người chia ra khoảng non 2 muỗng cà phê muối sống nhưng ai cũng cất thật kỹ.

Chuyện cũng lạ đời từ khoai sắn cơm canh gì cũng chia đều lại phần muối ban sáng để chấm sắn ăn cũng phải chia. Mà lại chia cho cân phân mới là khó cho anh nào trực trong ngày.

Tại sao lại cần và cất kỹ thế? Trốn trại ư? Không dám!

Hay làm gì khác?

Chuyện là vậy: chúng tôi đã đạt đến trình độ 'thượng thừa' về làm DƯA.

Mà dưa thì CẦN MUỐI. Nguyên tắc đơn giản là vậy thôi.

Chà ở tù mà ăn dưa thì cầu kỳ quá sá? Dưa giá chấm thịt heo à?

Không đâu quý bạn ơi. Dưa giá thịt heo là chuyện nằm mơ trong giấc ngủ thôi. Đêm về hai cái sạp dài trong cái lán dài lê thê có hai dãy ngườ. Sau một ngày rừng rẫy giờ chúng tôi đang say sưa trong giấc ngủ ngon lành. Đây là thời gian tha hồ mà thả hồn về dĩa dưa giá miếng thịt heo béo ngậy... Khi tỉnh giấc chuyện thực tế của tù là Dưa tàu bay thôi.

Những đồi càn vùng trung du Quảng Trị sao rau tàu bay mọc nhiều quá? Những bao tàu bay non mơn mởn chúng tôi hái xong, khi qua suối không quên rửa sạch.  Về lại trại tù sẽ ăn độn thêm với cháo sắn ngõ hầu nhét đầy cái bao tử xép ve đang sôi lục bục ì xèo!

Ai đó, bạn tù nào đó có sáng kiến thông minh đã làm thử dưa tàu bay xem nó ra sao?

Những đợt thử đầu tiên thấy nó ngon thật. Chúng tôi đặt tên cho nó là "Dưa Cải Thượng Du". Nó có chua nó có dòn, đúng nó ngon thật! Chỉ khổ một điều chúng tôi thiếu 'DĨA THỊT HEO BA CHỈ VÀ CHÉN NƯỚC MẮM ỚT TỎI'.



Chuyện này xin đợi đêm về! Sau tiếng kẻng Trại báo đi ngủ, chúng tôi sẽ  thiếp đi trong giấc mộng. Ai  nấy tha hồ thả hồn phiêu du rồi 'liên hoan' DƯA CẢI THỊT HEO!


Hiện tại ta có miếng dưa tàu bay đưa khúc sắn đắng vào miệng cho no, thế là ngon rồi.

Đó là lý do tại sao chúng tôi cần muối. Rồi buổi kiểm thảo phê bình công tác ban đêm, dưa tàu bay cũng là đề tài bị đem ra chỉ trích? Người đội trưởng lại một lần nữa nhăn mặt nhíu mày. Anh cực chẳng đã  phải nói, phải rầy, nếu không thì khổ 'với trên'? Chuyện nhắc nhở vấn đề CẢI THIỆN LINH TINH làm phiền lòng người "vệ sinh viên" phải dọn dẹp trong lán.  Chuyện 'vi phạm' của mấy lon gô DƯA TÀU BAY ai đó treo lủng lẳng từ đầu nằm trong lán  nay trở thành đề tài 'thời sự'?

Cũng tội cho số đi làm về. Có người buồn lòng, lại càm ràm, ca cẩm  do 'mất hũ tàu bay' thứ dưa đang hồi chua chín, thơm mùi dưa cải: hương vị khó quên năm xưa khi tết đến xuân về. Nhớ mùa xuân xưa nào soạn sành phẩm vật cúng kiến, nào dọn mâm linh đình. Ôi dưa hành củ kiệu, chả thịt, nồi  hầm ngon đáo để! Lại còn có dưa cải chua, thịt heo ba chỉ trong mâm cơm cúng tất niên...

***

Còn ai từng làm thân phận người tù Ái Tử nhớ đến những mảng đồi trung du ngập trắng hoa tàu bay. Những sợi bông  trắng  nhẹ đến mùa tàu bay nhẹ bấc la đà bay theo gió núi.

Hiện nay rau tàu bay; loài rau dại đều là vị thuốc, là tiền. Tàu bay cũng như bao cây dại khác như cây mây, cây đót... khắp vùng trung du là "của trời ban" giúp người nghèo kiếm sống.

Chuyện thời nay là vậy. Chỉ còn chúng tôi, lớp tuổi về già ngồi nhớ chuyện xưa...nhớ sao chuyện muối và dưa tàu bay. 

Tàu bay, loại rau tên nghe thật lạ nhưng là một kỷ niệm nhớ nhớ, thương thương, nhưng bỗng nhiên tôi cay cay con mắt ./.

ĐHL tổng hợp & edit
20.10.2023 San Jose USA

No comments:

Post a Comment