Tuesday, October 31, 2023

TỔNG HỢP--TÔI LÀ LÍNH ÂM THẦM TÔI NGHĨ THẾ THÔI

 



tôi là lính âm thầm tôi nghĩ thế thôi 
trăm lần không bao giờ tôi giận cuộc đời
Xin đừng oán mà hãy mến thương tôi
Trong tình thương người và người

(Lính Nghĩ Gì -NS Hoài Linh)

lời tâm sự của tác giả
Mộng Không Quân "tung mây lướt gió" không thành, tôi phải lên đường nhập ngũ vào bộ binh tức là SQTB như bao thanh niên cùng lứa tuổi khác. Từ nhiều trại Tuyển Mộ khắp 4 vùng chiến thuật đều tập họp lại Quang Trung để học giai đoạn I Căn Bản Bộ Binh. Ở đây còn nhiều anh từ các đại học cao học chứ không riêng gì tú 1 và tú 2 như chúng tôi. Các anh ở đại học lớn tuổi hơn chúng tôi vài tuổi họ "gãy gánh đại học" giữa đàng còn tôi thì mộng bay cao đã rớt từ dưới đất do lỗ tai không tốt ...
     
Hình tác giả "bạch diện thư sinh" cuối cùng chụp tại SG  tháng 7/72  trước khi vào Trung Tâm BA Tuyển Mộ Nhập Ngũ theo lệnh đôn quân VNCH

 Đây là tấm ảnh cuối cùng của đời học sinh, một ngày tháng Mười năm 1972 ngày tôi bắt đầu bước vào cuộc đời quân ngũ. Thật là một dấu ấn thời gian khó quên do nó là một bước ngoặc cuộc đời khi tôi cũng như bao thanh niên khác bắt đầu bước vào một lối sống  tập thể:

ĐỜI LÍNH

QUANG TRUNG NẮNG CHÁY DA NGƯỜI  
Có nghĩa là tóc hớt ngắn 2 centimet, hai bên cũng láng 'cóng' trông lạ làm sao?    Còn đâu thời thư sinh bạch diện! chào mi - chào mái tóc bồng bềnh ngày xưa với biết bao kỷ niệm học trò?

    Thời gian Quang Trung bắt đầu cái màn "chà láng , hít đât" đếm bước một hai và theo những bài hùng ca.

  Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu...một hai ba bốn vừa mỏi chân, vừa mệt, ưa ngồi phịch xuống đất nghỉ cho khỏe,  đến đâu thì đến!


nói như nhạc sĩ Vũ thành An, "lâu rồi đời mình cũng quen..."


    Sáng dậy nghe còi thổi cái "réc" , 'a lê hấp' lăn xuống giừong trước tiên là màn chạy bộ , về lại chà láng [1]phần giao thông hào trước khi lo vệ sinh lãnh
 khúc bánh mỳ +đường cát ăn riết 'phát ớn'. Đúng giờ nghe còi thổi cái "réc" chạy mau, xếp hàng, chuẩn bị ra bãi tập.

Một hai ba bốn
 Đường còn dài
 Nhưng chân cứng đá mềm 
Một hai ba bốn anh em ơi!
...

         Ba tháng nắng cháy da người ra sao?


[1] chà láng là chi?
 có nghĩa là phần mô đất trên giao thông hào hay công sự chiến đấu tại quân trường phải lấy nước phun lên chà trơn tru như xi măng. Ai không làm láng phần mình thì phải bị phạt. Buổi sáng nghe súp -lê thổi phải nhanh tay làm chà láng trước xong đi vệ sinh rửa mặt, lảnh bánh mỳ sáng dường hay chuối. Xong chuẩn bị tập họp ra bãi tập .


 ĐỐNG ĐẾ NẮNG MƯA THAO TRƯỜNG 





ĐU DÂY TỬ THẦN


                                1 màn phạt nhà binh

  Giã từ QT tiếp tục quân trường khác...
   
Kỷ luật hít đất, phạt dã chiến [2], ôi "bầm dập thân em" !

    

 Sáu tháng quân trường Nha Trang nắng sớm mưa chiều. Nhớ làm sao hình ảnh mấy bãi tập cạnh bờ đại dương sóng vỗ lao xao hay những đồi dương Nha Trang lộng gió.


Đống Đế Nha Trang- buổi di hành qua Bãi Tiên ngoài kia là Hòn Rùa  

BÃI TIÊN 


Album Khóa 12 B / 72 Ba Đình SQ TB - Tiểu Đoàn 13 Q trường Đồng Đế NT


















============================= 
[2]phạt dã chiến là gì?
ngoài bãi tập hay đâu đó lính quân trường bị lỗi có phần nặng; không bị phạt tại chỗ mà đợi xong ngày tập luyện xong về lại trại vào đêm đúng ra được nghỉ ngơi, ngủ, thì bị kêu ra ngoài.
 Mang ba lô nón sắt tuỳ đơn vị trưởng, và hít đất hay chạy làm bất cứ cái gì nặng nhọc, hóc hiểm nhất.
Cho đến khi mệt đứ. Có lúc cả tập thể bị phạt dã chiến, có khi vài người, có khi một người. 
============================= 

                          hinh    Hòn Khô 
 Hòn Khô mấy mươi năm sau : núi rừng trơ trụi lá, đất mẹ sao quá xác xơ






    
Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
    Em nằm xỏa tóc đợi chờ ai [3]


[3]
 [hai câu thơ lưu truyền trong trường vì tượng lính màu trắng trên đỉnh núi cao 100 m ngay sau lưng Trường (điểm trắng trong hình ) & hình dãy núi sau lưng quân trường Đống Đế ban đêm in lên nền trời giống người con gái nằm xỏa tóc] 
=====================  

    Tôi đợi chờ ai? 

Mình, đời lính độc thân, chưa có được diễm phúc quen được người con gái Nha Trang, miền Thùy Dương Cát Trắng.

Hàng liễu rũ trong quân trường Đống Đế, một màu xanh 
thuớt tha  làm sao? Ôi! chẳng khác chi làn tóc mây mỹ nữ. Mình cứ tưởng tượng một vóc dáng ẻo lả, rồi hình dung đó sẽ theo mình vào "" sau một ngày la -lết tập luyện, mệt nhoài.



                                 đường ra Bãi Tiên 

 Đời lính bộ binh nào dám mơ cao ,  đâu dám ngang hàng bao chàng trai hào hùng biển cả hay không quân "lướt gió tung mây" cao vút mấy tầng kia?


MIỀN TRUNG HỎA TUYẾN ĐỊA ĐẦU 


trên đỉnh Hòn Khô( Nha Trang) trước đêm gắn ALPHA  

  Những người lính bộ binh giã từ quân trường. 
Đời lính sẽ làm quen với bùn lầy nước đọng, những sườn núi gập ghềnh hay thác réo, vượn hú chim kêu...

Chuyện bình thuờng của lính bộ binh là thế. Súng cầm canh, người lính chiến thu mình đứng trong những chiều mưa biên giới hay bóng tối của rừng khuya. Quê mẹ dưới kia, xa xa nay mờ nhạt mây sa. Đời lính nay làm bạn với hoa rừng, bao cánh chim trời bay mãi phương nao?

BUỒN...

Có những mảnh giấy vô tình mãi trắng, biết viết gì đây? chẳng có lời nào. Những lúc này nguòi lính chợt buồn khi chưa một "mảnh tình vắt vai " cho bớt đơn côi mỗi khi chiều rừng tắt nắng./.


=====================  

NGÀY XUÂN TRÊN ĐỈNH QUÊ HƯƠNG

 


Tất cả đều thiếu thốn. Phải mò đi ký sổ đại đội rồi đến tháng xem như hết tiền. Họ nói chẳng ngoa "Tiền Lính là Tính Liền"

hình ảnh sưu tầm: Quân Bắc Việt đang tiến chiêm Chốt Động Ông Do (Qt) 1972 lúc này người viết chưa ra đơn vị

Mời anh mời chị, mùa xuân lên đây thăm tôi
Nơi đây xa xôi khuất nẻo thưa người
Núi rừng mịt mù sương...

(Thư Xuân Trên Rừng Cao/ Trịnh Lâm Ngân)

***
 Mười ngày mới có một chuyến xe GMC tiếp tế. Chiếc xe cũ kỷ móp méo lại phải ì ạch 'bò' cho tới đỉnh Ông Do, nơi BCH Tiểu Đoàn 105 đóng mới được đổ hàng xuống. Các đại đội phải cho lính tới đỉnh Ô Do nhận hàng tiếp tế do chiếc xe không thể nào chạy tới chốt của từng đại đội được. Con đường từng gọi là "sơn đạo" màu đỏ thắm, quanh co uốn khúc từ ngã ba QL1 xuyên qua mấy cánh rú càn, leo tới các ngọn đồi cao hơn, rừng lá rậm hơn và độ dốc tới đỉnh ô Do xem như nó đã 'rũ rượi hết hơi' không ai có thể tin nó có thể tiếp tế thêm cho lính chuyến sau nếu không thay xe mới. Thế mà lạ lùng lắm, chiếc GMC gọi là "cà tàng" của Tiểu Đoàn cũng chịu đựng được sự gian truân thiếu thốn chẳng khác gì thân phận người lính Địa Phương Quân địa đầu giới tuyến chút nào. Nghèo, thiếu, lương lá, phụ cấp ít ỏi tất cả cùng nhau chịu gian khổ trong thời chinh chiến.
Diễn tả về chiếc xe cũ của đơn vị chắc người viết cũng nhân đó mà gián tiếp 'thở than' cho thân phận người lính địa phương quân đó chăng? 
TIỀN LÍNH LÀ TÍNH LIỀN, QUẢ KHÔNG SAI

Thiếu tiền lính phải "ký sổ". Chỉ có "người trong cuộc" mới hiểu hai chữ "ký sổ" là gì. Tuy nhiên muốn được "ký sổ" thì chúng tôi phải mò từ chốt trung đội, men theo vài triền đồi tranh hướng tới chốt của đại đội. Chúng tôi chọn cách đi tắt như thế để an toàn cho mình.  Chốt đại đội tức là nơi Ban Chỉ Huy đại đội đóng. Chúng tôi tới, chỉ vài người nên Đại Úy Lê Kim Chung chẳng phàn nàn do còn yên không có tiếng súng. Tới đại đội, không khí sao vui hơn; chuyện dễ hiểu do đây là nơi chỉ huy trực tiếp của tôi.




 Chúng tôi sẽ mua thiếu nghĩa là "ký sổ" những thứ chúng tôi cần, tháng tới lương từ hậu cứ mang lên sẽ thanh toán.  Nào kẹo đậu phụng nào sữa Ông Thọ thêm bịch bột gạo lứt Bích Chi, thuốc hút capstan, ruby queen (ruby đỏ), ruby quân tiếp vụ, tệ lắm là  bastos. Tôi chẳng quên chai dầu nhị thiên đường gió núi lạnh lẽo... hầm bà lằng đủ thứ. Một lần đi một lần nguy hiểm, vượt rừng tranh tới được chốt đại đội nơi có nhiều mặt hàng mà lính đang cần.

*

Trời sắp đón xuân 1975 hay cái tết đầu tiên tôi đón xuân trên miệt núi. Trên cao nhìn về đồng bằng là cả một mãng mù sương. Những ngày quang đãng, hướng mắt về Diên Sanh tôi thấy rõ những viền cát trắng. Những lúc trời thật trong tôi còn nhìn thấy mép đại dương xanh ngọc bích.

Ban ngày chúng tôi có thú vui là đánh bài xẹp. Bài xẹp gần giống bài tứ sắc. Đó là cái thú tiêu khiển cho đời lính đóng chốt ở đây. Radio nghe riết cũng hết pin mà hết pin thì khó lòng mua được ngoại trừ dùng lại những cục pin cũ của máy PRC 25 tức là máy truyền tin của trung đội tôi.




BẠN VỚI BAO THUỐC CAPSTAN
Vào những năm này sao lính phần nhiều ghiền thuốc hút Capstan đến thế. Hút xong bao thuốc đọc ngược rồi lại đọc xuôi, tất cả dân hút đều thuộc và đồng ý những chữ đầu của bao CAPSTAN là:

-Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát? ...CAPSTAN
    ĐỌC NGƯỢC LẠI LÀ
-Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn! ...NATSPAC

  Dù có nhiều câu khác nhưng hai câu trên là hai câu phổ thông nhất mà người lính bộ binh nào vào cái thời ghiền Capstan đều chịu. Điếu thuốc khói vàng cả hai đầu ngón tay, nhưng không có không được? Capstan là lúc còn có tiền, nếu túng quá thì Basto xanh hay tệ hơn nữa là Basto đỏ cũng còn để phì phà cho đỡ cơn ghiền.

            không  ảnh QT trước 1972

   
Nước uống thì chúng tôi phải vác ống đạn bò xuống chân núi để múc nước khe. Đoạn đường nguy hiểm và hồi hộp làm sao? Không phải chúng tôi sợ cọp hay ngại beo mà là sợ bị đối phương phục kích? Nhưng không có nước thì xem như ngồi trên chóp núi mà chịu 'chết khát' thôi. Nhược điểm của đóng quân trên đỉnh cao là thế. Chúng tôi biết làm sao hơn cái chiến thuật vào thời đó có cái tên là “CHỐT và KIỀNG” một danh từ trong quân trường những người sĩ quan sau này đều được học.

Đủ thứ nghi ngại cho căn bệnh sốt tại miền núi Động Ông Do vào thời gian đó. Theo tôi nghĩ, có thể do thuốc khai quang, có thể do muỗi? Do nguyên nhân nào không quan trọng. Chuyện đáng lo là quân số quá thiếu, tiếp vận thì eo hẹp làm sao.

Chuyện lính là vậy, dù sao chăng nữa còn “cái mạng” để hàng ngày được ngắm trời mây sông núi là may mắn lắm rồi.


TIỂU KHU QT ĐÓNG TẠI CỒN CÁT HẢI LĂNG  1973


LẶNG NGẮM  QUÊ  HƯƠNG 

Lúc bình an, thư thả tôi đứng một mình trên đỉnh cao, im lặng  ngắm phía dưới chân núi. Có một con sông nhỏ. Đó là một khám phá lý thú cho riêng tôi khi dò trong bản đồ vùng tôi đóng quân tôi tìm ra tên của con sông đó- Sông Nhùng. Ngày xưa tôi quen miệng gọi là "Nhồng'. Cầu Nhồng là tên tôi không bao giờ quên. Ngày còn nhỏ- những năm lớp nhì- lớp nhất- tôi hay vào Diên Sanh. Những năm đó, xe hàng từ Quảng Trị vô phải chạy qua Cầu Nhồng. Con đường Quốc Lộ 1 vào Diên Sanh, qua Hải Thượng tức là con đường cũ. Xe qua Cầu Nhồng rồi mới đến Cồn Dê trước khi đến Diên Sanh tức là Xã Hải Thọ.

Huyển thoại về Cầu Nhồng, thời nhỏ tôi chưa quên. Người ta kể rằng: thời Pháp qua Cầu Nhồng hay có ma. Có khi ma nó xui cho tài xế thấy cả "hai cầu Nhồng" trước mắt và lái tòm xuống sông? Đó là chuyện thời xưa khi còn Pháp, tôi chưa ra đời. Rồi thập niên 1964-65 khi ba tôi làm tại Chi CA Hải Lăng người hay lái xe vào Cầu Nhồng, đi bộ lên một đoạn ném lựu đạn bắt cá. Có hôm bắt được con cá tràu khoanh lại to gần bằng cái bánh xe hơi?

Hôm nay Cầu Nhồng chắc đã vào quên lãng khi Quốc Lộ 1 đổi hướng từ Ngã Ba Long Hưng qua Cầu Dài vào tuốt Mỹ Chánh. Khi viết những dòng này, tôi không biết chiếc cầu đó còn không? Có điều tôi chắc chắn Diên Sanh trở thành "Thị Trấn Đìu Hìu". do Quốc Lộ không còn đi qua nó nữa.

Tôi thú vị với hai chữ Sông Nhùng để ngày ngày ngắm nó uốn éo lượn lờ dưới chân núi. Tiếng là sông nhưng chỉ là con suối dài, nước chảy còn mạnh qua nhiều nơi tung nước trắng xoá. Sông và thảm rừng dưới xa là cả một bức tranh thuỷ mạc.

Đời lính và quê hương đôi lúc tình cảm phát sinh là những lúc lặng ngắm non sông như thế. Trước khi đổi quân lên núi, tôi từng đóng quân mạn biển. Khi tai nghe sóng trùng dương và mắt ngắm biển trời bao la bát ngát, tôi mợt chợt nghiệm ra tình yêu nước dâng trào trong cơn gió lộng. Lên đây, vùng cao: một lần nữa khi đứng trên đỉnh cao ngắm xuống một con sông đang lượn lờ uốn khúc, tôi mới nhận ra quê hương sao đẹp quá! HỒN THIÊNG SÔNG NÚI ngàn đời mãi xanh.

..So với tuyến Barbara vùng núi Mỹ Chánh và Phong Điền ngó lên tuyến Động Ông Đô là tuyến núi ngoài cùng. Chốt trung đội 2 của tôi lại là ngoài cùng của tiểu đoàn 105 do đó xem như tôi là 'đứa ngoài cùng biên giới'? Cái mõm chốt của chúng tôi ngó lên Động Tiên cao chớm chở. Động Tiên thuộc về "bên kia" nên rậm rạp hoàn toàn. Họ không bao giờ biết "đóng chốt" là gì ngoài cái việc ẩn nấp và bụi rậm làm nhà hay khe suối, vực sâu làm đường di chuyển...


Từ chốt này tôi lại nhìn về được hướng Trấm có khúc sông hình chữ U của dòng Thạch Hãn. Con sông uốn mình ở đây và đi tiếp về Cầu Ga. Từ độ cao này nếu cố gắng, tôi còn nhìn thấy hình dáng cái cầu Ga đen sì gãy đổ xuống sông từ năm 1972.

Ở vị trí mới này tôi chẳng còn nhìn về được hướng Hải Lăng nữa. Tôi chẳng còn nhìn xuống được khởi đầu của Sông Nhùng đang uốn lượn dưới kia.

Nơi chốt mới đối đầu với Động Tiên tôi chỉ thấy được mạn An Đôn Tích Tường và cái cầu đen sì gãy đổ xuống dòng sông. Con sông mang tên Thạch Hãn sẽ âm thầm chảy qua chiếc cầu gục ngã đó, rồi men theo những đống gạch vụn cùng lau lách đìu hiu. Một thành phố mà hơn ba năm trước còn lao xao tiếng guốc tới trường. Những toán học trò còn vô tư cắp vở đi học, trong đầu chỉ là những hoài bão ước mơ ngây thơ trong trắng...

Còn lắm điều tưởng nhớ về đống tro tàn của một thành phố thân yêu mà ba năm trước nó còn nguyên vẹn. Rồi tất cả đều phải lìa xa? Còn lại gì? họa chăng là tiếng gió hú đêm trường như thanh âm của những oan hồn kêu khóc.  Rồi từ một đỉnh cao quê hương ngày tôi trở lại, hướng về đống gạch đá đổ nát đó, người lính càng nghĩ, càng ngắm, rồi trầm ngâm ngổn ngang bao cảm xúc trong đầu? Tất cả chỉ là vị đắng, đến bởi bao nỗi tiếc nuối, oán hận khôn nguôi và cũng là lạnh giá như nòng súng bên người.
                                                 
Có thể lớp con cháu sau này sẽ ngạc nhiên khi tôi chỉ nhắc chuyện chiếc cầu đã gãy cùng một thành phố lịch sử từng là một đống hoang tàn từ độ 1972. Một ngày hè, có những người dân khốn khổ phải lìa xa quê hương bản quán trong nước mắt bi thương, khổ hận của một đoạn đường tràn đầy máu lệ. Nếu mai kia nếu có ai thương về Quảng Trị xin hãy cùng nhau thắp lên một nén hương lòng.

 Quảng Trị ơi ngày đó xa rồi ./.
TÁI BIÊN 


==============================