Tuesday, June 6, 2023

MƠ LÁI F5

 

F5 - MỘNG ƯỚC KHÔNG THÀNH


Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền
Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm
Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió
Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ... 
(nhạc Một chuyến Bay Đêm)


Bạn mến
Ngày đó dưới  vòm trời quê hương những ngày chinh chiến cũ, thời còn thư sinh mình hay ngước mắt nhìn theo từng đoàn phi cơ khu trục cánh quạt A-1E Skyraider của Không Quân VNCH bay từng đoàn ra hướng bắc.  Chiến tranh càng gia tăng, hàng ngày có nhiều phi tuần phi cơ phản lực từ biển bay vào. Sau những phi vụ chúng nghiêng cánh luợn vòng quanh thành phố Quảng Trị. Những chiếc F-105 thunderchief hay F-4C Phantom...Còn nghe người ta kể chuyện những người có dịp chữa thương ngoài Hạm Đội Bảy lênh đênh ngày đêm trên sóng nước Biển Đông. 

MY IDOL (THẦN TƯỢNG)

Chiến tranh càng lúc càng khốc liệt hơn. Hàng ngày tôi nhìn lên bầu trời xanh; từng làn khói trắng dài thăm thẳm mà người ta nói là của B-52. Rồi đêm về nghe tiếng bom dội từng tràng trên Trường Sơn làm rung rinh mặt đất thành phố...                                
Thành phố QT năm đó một thời bom đạn. Từng đêm không ngủ, cả nhà chực chờ chỉ nghe tiếng hú của pháo là chạy ngay xuống hầm. Từng hỏa tiễn bên kia bắn vào thành phố, tiếng đạn rít nghe u u. Từng tràng cà- nông 105 ly từ trong Thành Cổ bắn hằng đêm...

Quê hương từng qua bao mùa lửa đạn. Nhiều thế hệ đàn anh lần lượt ra đi và màu áo ô liu người lính chiến mỗi lần về phép đi qua bao con phố Quảng Trị. Tiếp đến sẽ là thế hệ chúng mình và những ý nghĩ cho một mai lên đường cũng phát sinh từ đó. 

Từng lần đám tang, bao tử sĩ trong đó có người thân. Từng dòng nước mắt bà con chưa khô lại phải ướt đẫm thêm khi tiễn đưa người thân khác hi sinh trong trận mạc.

Rồi hàng ngày, những câu hỏi lóe lên trong đầu: "Ra đi tòng quân lúc nào đây" và "thích loại lính chi?" 

Bầu trời quê hương rộng mở. Tiếng động cơ gầm rú hàng ngày, toàn phi cơ của bom đạn, chết chóc. Mình đã chọn và thích phi cơ từ đó. Nhưng giấc mơ xưa bất toại, giấc mộng "tung mây lướt gió" không thành. Tuổi về già, có khi ngước nhìn bầu trời xứ lạ, nghe máy bay gầm rú lao trên trời xanh, mình chợt thương về một thời hoa bướm, một chặng đời biết bao là mộng ước, khát khao...

***

   GIẤC MƠ XƯA

Quảng Trị thời học sinh 1971

Mộng ước của mình  thời tao loạn,  rằng: nếu có khoác chiến y thì mình  mơ một giấc mơ "đi mây về gió ", có nghĩa là chọn nghề phi công  tức là Pilot. 

  Ôi nhớ làm sao những ngày cắp sách đến trường. Tuy còn đi học nhưng tâm trí mình vẫn hay tưởng tượng, mê mệt, sưu tầm biết bao chủng loại máy bay. Cho đến bây giờ mình vẫn còn nhớ rõ hình dáng, từ chiếc B 57 Canberra khổng lồ cho đến chiếc F 5 nhọn hoắc, hay chiếc A 37 đen trui trủi. Lại chiếc đầm già L 19 hay chiếc C 47 đa dụng, cho đến chiếc vận tải cơ hiện đại C.130 Hercules  mình cũng nghe quen cả tiếng động cơ, nhất là mỗi khi chúng bay qua lại trên bầu trời Quảng trị. 

Sài Gòn 1972 

 Chiến tranh tao loạn, người QT phải ra đi. Không ai quên một Mùa Hè Đỏ Lửa, rồi nhà mình cũng theo dòng người bỏ xứ. Mọi đứa học trò Quảng Trị đều đành phải bỏ trường, xa bạn, trôi dạt khắp nơi. 

Giấc mơ xưa- giấc mơ "bay bổng" khi chọn con đường binh nghiệp. Không hẹn mà gặp, nhiều đứa học trò phải rời bút nghiên, chọn màu áo lính. Một năm biến loạn, thay đổi cho bao nhiêu đứa nam -lứa tuổi 1954-1953- cùng lớp cùng trường tòng quân.             

   tấm ảnh mình chụp tại SG để nạp đơn pilot                                    
Từ miền Trung vào SG tháng  5/1972







Tháng năm 1972 sau một tháng tạm trú Đà Nẵng, cả nhà mình thật sự 
tránh vùng khói lửa ngơ ngác lạc vào đất Sài Thành để về tận  Mỹ Tho. Quả là một chuyến "phiêu lưu" bất đắc dĩ.


    




Lại lặn lội lên lại Sài Gòn lo thi Tú 2 tại Trường Đinh tiên Hoàng ở tận Đa Kao.  Những đứa bạn cùng lớp bỏ luôn Đà nẵng chạy vào thi tại trường này.  Trung tâm Đinh Tiên Hoàng đặc biệt cho học sinh chiến cuộc ngoài trung vào như Quảng Trị, Pleiku, Phú bổn...  Còn may cho mình, bài vở chỉ còn một nửa trong đầu mình cũng 'dzớt' đặng 'tú hai'.  Nhưng có lệnh ĐÔN QUÂN,  thế là  vội lon -ton chạy lên Lăng Cha Cả- 'A LÊ HẤP' đầu đơn PILOT!


 người viết vô khám sức khỏe pilot 1972 sau khi qua Lăng Cha Cả thì phải qua cái cổng này gọi là Cổng Phi Long Sài Gòn


LĂNG CHA CẢ 1972


         Phi trường Tân sơn Nhất thời 1972                         
*
   Úi chao ơi! thanh niên xin vào không quân sao đông quá? Mình vượt qua cả rừng người để xin  cho được cái 'TICKET' tức là số thứ tự ghi ngày tới nạp đơn cũng phải chen lấn mệt muốn 'xỉu'? Quả vậy có anh chàng nào đó bầm dập te tua... giày dép văng đâu mất, rớt luôn cả giấy tờ!?

Nếu không mê pilot thì chen lấn làm chi? Đó là ngày xin số thứ tự thôi. Ngày tới nộp đơn thì không còn chen lấn do theo ngày giờ trên ticket mà đi. Qua Cổng Phi Long, mình ngắm hình ảnh mấy chiếc F5 và A 37 dán trước văn phòng mà mê làm sao! 

Còn nhớ chăng tâm trạng ngày đó? Một nửa tâm hồn rớt lại với chặng đường bỏ xứ ra đi. Một nửa tâm hồn cho giấc mộng "tung mây lướt gió". Cả một thời gian dưới mái trường xưa Nguyễn Hoàng, một khung trời ầm ì tiếng súng, âm thanh gầm rú của phi cơ chao cánh quanh ngôi thành cổ. Rồi một ngày của ước mong lại đến, ngày cầm tờ đơn đi nộp tại đất Sài Gòn, Tân sơn Nhất ngày đầu trong đời ...

SỐ lượng hồ sơ quá nhiều. Người ta chia ra mấy chục toán. Mỗi toán có tới bảy, tám chục người là ít. Mình nhớ số toán mình là 18, có bảy chục ứng sinh. 

KHÁM SỨC KHỎE PILOT 
 MẤY "MÓN ĂN CHƠI"

Nộp đơn xong sẽ có hẹn ngày tới trại Phi Long này khám sức khỏe. Mấy ngày khám đó mình xem như là ngày "ĐỊNH MẠNG".  

Định mạng do sao? Khám kỹ và không hề thu nhận do quen biết hay còn gọi là "con ông cháu cha". 

SỨC KHỎE LÀ SỨC KHỎE

Lái phi cơ không là chuyện bình thường, nể vì quen biết. Sức khỏe là sức khỏe đúng nghĩa thật sự.

Đúng quá đi thôi. Bởi đúng mới khó và kỹ và cũng vì thế mới là ngày "định mạng" có 'tung mây lướt gió" được chăng?

 Đúng ngày hẹn bọn mình trong toán số 18  ai nấy đều gọi tới Trại Phi Long  rất đúng giờ để thưởng thức mấy 'MÓN ĂN CHƠI'!

  Thưa bạn đọc, này nghe:  mới vô vòng đầu, món cân đo tổng quát khám lấy số "pignet" cùng tim mạch thôi mà các chàng 'dự tranh hoa hậu pilot' tương lai rớt chẳng khác gì 'sung rụng'.
-------------------------------- 
PIGNET:  a measure of the type of body build obtained by subtracting the sum of the weight in kilograms and the chest circumference in centimeters from the height in centimeters
---------------------------------------- -------------

Mới đợt đầu, "phe ta" tức toán 70 của mình 'hao quân' hơn phân nửa, thưa đi thấy rõ. Có anh chàng cái 'bo đì' (body) thật đẹp, chắc cũng tập tạ suốt ngày, mình nghĩ như thế. Nhưng pignet đẹp mà có thể tim mạch quá cao  tức là  INAPT  (loại) rồi. Các bạn biết sao không? nhịp tim  cao quá nguy hiểm khi lên cao làm sao lái phi cơ?

  Mình còn may dù nhẹ ký hơn, ngót nghét 45 ký thôi và 1.65 mét, đã lọt qua vòng một 'ăn chơi'này. Nhịp tim bình huyết áp bình thường. Còn nhớ tiêu chuẩn vào pilot cao tệ lắm 1.62 mét và nặng 45 ký. Phi công mà  lại "thiếu thước" thì coi răng đặng?

Lăng Cha Cả tức ngã ba vô phi trường Tân Sơn Nhất qua cổng Phi Long và trại DAVIS. Thời gian đó mình ở nhờ vài ngày tại Chùa Hải Quang rồi đi bộ lên nộp đơn. 

A 37B

B 57 VNAF


  Ui chao! càng nghĩ cái danh từ 'mấy món ăn chơi' các thí sinh pilot đặt cho thật đúng. Vào ngày thứ hai tức khám mắt bắt đầu khó lên...

 Mình cứ nhớ mãi cái mặt 'hằm hằm' làm nghiêm của ông thiếu tá coi về khoa mắt thấy mà "phát ghét". 

Ông đó nói giọng bắc...
 
       -Vòng tròn nào nổi vòng tròn nào lặn?

       -Trả lời mau?

  Tim đập thình thịch, căng mắt điều tiết tối đa nhìn vào các vòng tròn nổi chìm trên mặt bề mặt trong suốt trong máy ... lòng mình cứ bụng bảo dạ... 

-Ui cha răng vòng mô cũng chộ như nổi mà lại cũng chộ như lặn rứa mới khó chớ!

 Mình đáp bừa:

    -Dạ thứ ...nổi thứ ...lặn
  
   -Thế thì đường thẳng này chỉ vào điểm số mấy...
vân vân
   Mình cố căng mắt, gắng hết sức nhìn qua hai lỗ kính máy trắc nghiệm .... món khám mắt còn có thêm vài thứ test nữa nhưng quả thật mình không nhớ hết. Chỉ tóm lại rằng nó khó ơi là khó! Nhiều thứ trắc nghiệm đầy ảo giác, mơ hồ giữa đúng và sai để ứng viên quyết định trong thời gian ngắn vài chục giây. Mình nghĩ vậy cũng đúng. Mắt phải tinh anh, chuẩn xác. Lái máy bay chứ đâu phải lái honda?

  Thoát 'món ăn chơi' về mắt, toán mình chỉ còn trên "10 em" . 

Ngày KHÁM RĂNG tương đối dễ dàng, do hư răng thì đi trám. Và có giấy hứa đi trám. Mình người trung kỳ thật không hư răng như mấy anh chàng trong nam. Nhưng RĂNG không quyết định cuối cùng trong cái ngày sau cùng 

TAI MŨI HỌNG; NGÀY 'ĐỊNH MẠNG' CHO GIẤC MƠ PILOT

 Sau mỗi ngày khám là có thêm 'mấy em rơi lệ' cầm giấy inapt, tức là không được tuyển vào và tà tà..... go home!

   Cái ngày khám cuối mới là ngày "định mạng" cho cái số của mình! 

   "MÓN TAI MŨI HỌNG" 

 Trong phòng chỉ còn khoảng chưa tới 10 người.  Từ một toán 70 chàng "Trai Nước Việt"; sau  ba ngày trắc nghiệm chỉ còn lại trên đầu ngón tay. Ôi chẳng khác chi là  cuộc thi "hoa hậu không quân"  kiểu này quả trầy da tróc vảy chứ đâu phải đùa?

   Mình nhớ  Ông Thiếu tá KQ tên Lữ bảo gắng sức "phồng má- trợn mắt" hít một hơi thật "hung" vào, sau đó

Ngậm miệng lại tống hơi ra bằng tai...

 Mục đích trắc nghiệm này để họ xem tai nào màng nhĩ bị thủng? Nếu em nào nghe cái "BỤP" thì coi như tai không thủng, còn tai nào nghe "xì..." thì bị lủng. Nhân viên thính thị đồng thời khám nghiệm qua máy chứ không phải kết quả là do mình nói. Và kết quả đó là chi? Lỗ tai phải của mình, "bụp" đâu chẳng nghe, hắn xì hơi tuốt luốt ra ngoài!
   Thế là mình bị INAPT-tức là bị loại do tai bên phải bị xì.

   Phòng khám vẫn ưu ái cho
tờ giấy. Họ bảo tới đường Nguyễn Tri Phương SG trám lỗ tai, phí tổn 80,000 đồng! Ôi
 dân chiến nạn Quảng trị vào lúc đó, chạy  bạt mạng vào đến Sài Gòn, hành trang chỉ có mảnh bằng "vắt vai". Xin quý vị cảm thông cho người Quảng Trị, chạy giặc còn cái mạng là may rồi, 'bới' đâu ra tiền?!

Thế là mình đành ...bỏ cuộc!


     chùa Hải Quang sau này không thay đổi 
==========================
trích

Tiểu sử Cố Hòa Thượng Thích Nhật Lệ ( 1927 – 1987 ) – Nguyên Trú Trì Chùa Hải Quang

– Nguyên Cố vấn Ban Đại Diện GHPGVNTN Tỉnh Gia Định
– Nguyên Cố vấn Giáo hạnh GĐPT Tỉnh Gia Định
– Nguyên Phó Ban Nghi Lễ TW GHPGVN
– Nguyên Trưởng Ban Nghi Lễ Ban Trị Sự THPG/TPHCM
– Trợ lý riêng cho Hòa Thượng Thích Trí Thủ
– Trú Trì Chùa Hải Quang
Hòa Thượng họ Nguyễn, thế danh là Cảnh, pháp danh Tâm Hòa tự Thành Quang, hiệu Nhật Lệ thuộc phái Thiền Lâm Tế đời thứ 43. Sanh ngày 09 tháng 9 năm Đinh Mão ( 04/10/1927 ) tại làng Trà Trì, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thích Nhật Lệ ( 1927 - 1987 ) - Nguyên Trú Trì Chùa Hải Quang | GĐPT Việt Nam (gdptvietnam.org)

Chùa Hải Quang hiện nay do Đại Đức Thích Đạt Đức làm trụ trì. Chùa được khởi công xây dựng vào ngày 04-9-1961, dưới sự chứng minh của Hoà Thượng Thích Thiện Hòa, nguyên Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Việt Nam, và đến ngày 25-11-1962 thì ngôi chùa được hoàn tất.

 

Lễ khánh thành được tổ chức trang nghiêm và trọng thể dưới sự chứng minh của chư tôn Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Nguyên,Trú trì chùa Tây Thiên – Huế ; HT. Thích Đôn Hậu, Trú trì Chùa Linh Mụ – Huế ; HT. Thích Thiện Hoà,Trú trì chùa Ấn Quang – Sài Gòn và đông đảo thiện nam tín nữ Phật tử.

khi ngôi Tam Bảo được hoàn thành, Hội Ái Hữu Trung Việt cung thỉnh Giáo hội Tăng già toàn quốc bổ nhiệm Trụ trì. Theo lời thỉnh cầu, Giáo hội đã cử Hòa Thượng Thích Nhật Lệ - lúc bấy giờ là một học Tăng của Phật học viện Nha Trang về đảm nhiệm công tác hoằng dương chánh pháp ở ngôi chùa này. Trong suốt 25 năm đảm nhiệm trụ trì, HT Thích Nhật Lệ đã để hết tâm huyết vào công việc làm tốt đạo đẹp đời. Ngài không ngừng tiếp Tăng độ chúng, làm các công tác từ thiện xã hội...

Đến ngày mồng 2 tháng 8 năm Đinh mão (1987) Hoà Thượng viên tịch. Lúc này, Đại Đức Thích Đạt Đức là đệ tử đã tiếp nối sự nghiệp của Thầy, làm trụ trì cho đến ngày hôm nay. Đại Đức Thích Đạt Đức hiện nay là Phó Văn Phòng Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN.

 

source:

======================================== 

    Lủi thủi ra về, mình nghe tiếng động cơ phản lực "gầm rú" sau lưng mà  lòng buồn 'tê tái'. Giã từ Chùa Hải Quang, chào Thầy Thích Nhật Lệ chào các chú người làng Trà Trì, Trà Lộc (Hải Lăng) đang tu học ở đây như chú Mạnh bằng tuổi mình, xong đáp xe về Mỹ Tho (gia đình mình tạm trú tại đây). (theo trích ở trên có thể thầy Thích Đạt Đức là chú Mạnh hay chú nào khác đệ tử thầy Nhật Lệ lúc đó tức 1972 cũng nên)

Về  lại Mỹ Tho.

Chạy theo giấc mơ pilot cho đến khi "công chẳng thành danh bất toại" dù có tú 2 cũng trễ tràng chuyện vào Võ Bị. Thật ra hồi đó chưa bao giờ mình nghĩ đến trường này, giấc mơ pilot nó che phủ tất cả vấn đề.

NGÀY THỨ SÁU 13.10.1972 

Rồi về Mỹ Tho suýt chút nữa mình mang tội "trình diện trễ" do đã quá TRỂ SO VỚI LỆNH ĐÔN QUÂN . Cậu mình lại quen ông thiếu tá Bê trưởng phòng nhập ngũ Mỹ Tho tiếp nhận cho mình chứng cho trình diện đúng ngày. 

Từ thành phố Mỹ Tho, thế là mình phải sửa soạn  bài "Hành Trang Giã Từ" như ca sĩ Nhật Trường năng hát, chuẩn bị theo xe nhà binh từ Mỹ Tho vào Trung Tâm 3 Nhập Ngũ. Nơi đây lấy số quân, lảnh quân trang quân dụng, a lê hấp tóc ngắn đơ (deux) xăng ti mét,(2 cm), chuẩn bị vào Quang Trung nơi quân trường đó sẽ làm quen với bài ca 'hít đất, chà láng' ...

  Thời gian tại Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ ở Gò Vấp , nỗi "tiếc nhớ" nghề lái máy bay khiến mình "bon chen" xin qua tái khám pilot một lần nữa cho "khỏi ức" trong bụng.  Do khám pilot quá kỹ nên Không Quân không có số thu nhận đầy đủ. Bên đó lại phải qua tuyển mộ thêm bên Trung Tâm 3 để tìm vài anh chàng nào ưa lái phi cơ F5.

  Cầu may một lần nữa thôi trong đời với cái trại mang tên Phi Long TSN. Nhưng quả thật, cái tai phải vẫn " chứng nào tật đó"  lỗ thủng, thật đúng là lỗ  tai  nó mãi "hại bạn"!

------------------------------- 
Sau cuộc 'bể dâu' tức hơn hai mươi năm sau, số phận miền nam đã kết thúc và chương trình H.O đưa đẩy kẻ 'lủng tai' này qua xứ Mỹ đất nước dung thân này đã giúp đỡ cho vá lỗ tai thủng này lại nhưng lịch sử đã sang trang chẳng giúp gì cho một người thân già lụ khụ 
------------------------------

 ... Mình còn nhớ Nguyễn cường Nam, bạn cùng lớp 12A 3 - niên khóa 1971-72-  "hí ha hí hửng" từ trung tâm 1 không quân Đà Nẵng vào khám 'hoa hậu vòng chung kết' tại Tân sơn Nhất tức là trại PHI LONG trên .[được chấm đậu tại Trung Tâm KQ 1 tại Đa Nẵng nhưng phải vao khám final tai SG]  Tội nghiệp hắn , bị 'knock-out',  Nam buồn bã 'cuốn lại lều chỏng' ra lại miền Trung khô cằn sỏi đá (1972).(Nguyễn c Nam sau này khóa 1/73 SQTB ra trấn giữ 1 chiếc cầu tại Phan Rang cho đến ngày 'gãy súng').


Lê văn Hách và con gái hiện nay tại Mỹ

   Qua Quang Trung 'nắng cháy da người,'  hay ra Đồng Đế ' anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ" số quân đầu của mình mang số 73 / ....nhưng lại thiếu một chữ A (AIR FORCE)cũng vì cái lỗ tai 'xì' nó hại mình 2 bận.

Sau này ở 'trại cải tạo ' lại gặp mấy thằng bạn mang số 73A,  như Lê văn Hách người Bích La . Nó cũng dân 73A , nghe nó kể lại xong chuyện "lướt gió tung mây " nhưng "gãy gánh" giữa đàng, mình buồn cho mình ngày nớ trật mộng F5 thì ít mà xót xa cho "Dồng Minh bạc bẻo" thì nhiều , vì có lần nó nói như vầy :

     -Tau qua Mỹ học pilot được mấy tháng bị cúp viện trợ 'nó đuổi về'mi ơi!

  Trong lúc bọn khóa sinh Kuweit thì 'tà tà' đi học tại Mỹ do tiền học của nước họ;  họ giàu, họ có nhiều dầu hỏa mà!

Mình cũng thôi tiếc cho phận mình, nhưng có cái gì đắng cay cho số hên của những đứa bạn mang số quân đầu là 73A/ 000000
 ./.
Tu bút by ĐHL  26/6/ 2021 USA
edition 1/12/2022 San Jose





 F 4C Phantom USA      


                            1 ông già "Ba Tri" đi máy bay
F 105 Thunderchief

nhà vòm hay gọi là
 hangar chứa máy bay



 DC 6 USA Douglas






Boeing 727 Air Viet Nam-VNCH hồi này có 4 chiếc: 2 chiếc bay quốc nội, 2 chiếc quốc ngoại , thuê pilot ngoại quốc lái

No comments:

Post a Comment