Wednesday, July 27, 2022

NHỮNG ĐỨA CON MỸ LAI CÒN LẠI

 


        
 PHẦN MỘT


  THẰNG ĐEN THỨ NHẤT -XẤU SỐ

     Vừa lên khỏi con dốc Sơn Mỹ một đoạn là quán chè mụ Mít. Cái quán đơn sơ. Một cái bàn gỗ ọp ẹp, hai tấm ván bìa làm thành hai cái ghế dài, nửa tấm ván lớn làm bàn. Chỉ vậy, mà quán chè mụ Mít khá đông khách. Khách phần đông là đàn bà, con gái, những người đi bán than dưới chợ tỉnh La Gi về. Nhà họ quanh quất quán này, không xa lắm.


Quán mụ bán vài loại chè bình thuờng như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh ... không màu mè như chè đô thị, tuy vậy mà đông Khách. Tầng lớp lao động, rẫy rừng, ly chè, mụ Mít đập cho vài cục đá lạnh thế là họ 'thỏa mãn' rồi. Mụ nhớ, thì mụ rắc cho một giọt dầu chuối cho thơm ly chè, nhưng mụ quên thì thôi, không ai phiền hà.



  quán nước bên đường 1995 (dốc Sơn Mỹ xuống chợ Cam Bình , hinh cua ĐHL  )



Trời xế chiều. Mấy o bán than, mấy ôn đạp xe buôn heo con, coi bộ cũng hết. Hơn nữa, mụ chỉ còn một ly chè cho thằng con út. Con trai mụ đi rẫy, chiều nào hắn cũng về sớm. 

***

 

Mụ Mít giờ đang ngồi thừ người ra; dáng thư giãn sau một ngày bán buôn mệt nhọc. Ngó vậy mà trong lòng mụ mấy hôm nay như "sóng cồn, lửa cháy". Mụ ghen tức với mụ Hồng bán cá trên chợ xã Sơn Mỹ: 

  -Con mệ Hồng bựa ni oai dữ rứa? cả nhà con mệ sắp đi Mỹ rồi mà, răng mà không oai?!

 Mụ Hồng có đứa con lai Mỹ nhưng không là con nuôi mà là con ruột. Bởi nó lai mẹ nên pha hai dòng máu thành ra là đứa con lai đẹp trai là đằng khác. Có cái may mắn, con mụ Hồng là con lính Mỹ trắng nên chẳng hề có màu da đen như mấy đứa Mỹ đen khác. Mấy hôm nay cả nhà mụ Hồng đang rục rịch chuẩn bị đi Mỹ. Phái đoàn phỏng vấn xong trước tết. Nghe đâu giấy mời xuất cảnh cũng gởi về rồi. Gần cả tháng này mụ Hồng  đã nghỉ bán cá ngoài chợ. Trong chợ, ai cũng trầm trồ "chỉ chọt" mụ Hồng. Tuy chưa đi Mỹ mà mụ coi bộ "trắng da dài tóc", huống chi qua bên nớ- xứ Mỹ giàu có ngất trời. Thằng con trai của mụ Hồng đã xin nghỉ học cấp ba dưới thị xã La Gi, chuẩn bị đi cùng gia đình.

Trong lòng mụ Mít vừa buồn vừa đau ghê gớm. Mụ quay quắt trong người, ăn không còn biết ngon, ngủ thì hết còn thẳng giấc như bữa trước. Không biết chuyện đau của mụ từ "tiếc của" hay "sám hối ăn năn". Hoàn cảnh mụ Hồng khác với mụ Mít; do mụ Mít chỉ tình cờ "lượm" mấy đứa con lai Mỹ đen tận ngoài Đà nẵng. Sau đó mấy đứa con lai này cũng theo ba mạ nuôi vào Bình Tuy theo diện KHẨN HOANG LẬP ẤP 1973 đi từ Đà Nẵng nên chúng đã có tên trong sổ gia đình rồi.
Con lai Mỹ trắng dĩ nhiên thì làm sao vào tay mấy mụ được chỉ còn lại mấy đứa con rơi Mỹ đen "quỷ tha ma bắt ", ngoài Đà Nẵng không ai thèm nuôi mà họ  còn ghê là đằng khác. Trước tiên do Mụ Mít nuôi để làm phước, sau là có cơ hội kê khai thêm vào sổ gia đình. Thời chạy giặc 1972 ngoài Đà Nẵng,  có thêm nhân khẩu tức thêm gạo, thêm mỳ không thiệt thòi chi. Tiếp đến, vào Bình Tuy có một khẩu lại thêm gạo và tôn lợp nhà nên còn lợi thêm.

Thằng Đen như mụ Mít hay gọi cũng giống như những đứa con lai da đen khác, đa số chúng đều được gọi là " thằng đen" cả. Sau 1975, hết trợ cấp, mấy đứa con nuôi này trở thành những tay lao động CHÍNH trong nhà. Chúng làm than, củi cùng phá núi, san rừng chi chúng đều rành rọt. Chúng là con lai nên vóc dáng to lớn, lao động mạnh nên chẳng ai cảm thấy thiệt thòi; trái lại, sau 1975 tại các vùng rẫy rừng người ta còn mừng là đằng khác.
Chỉ có mụ Mít hôm nay quả là thiệt thòi nhất trong xã. Có thể là "quả báo" hay chăng?  Chuyện do Mụ bắt thằng Đen làm việc quần quật ngày này qua tháng nọ.  Mọi ngày nó phải vào rừng rất sớm, tối mịt mới về. Con trai mụ làm rừng chỉ đôi ba bữa lại 'than đau-van mệt' ; đã biếng thế, nhưng mà mụ Mít bới cho con trai mình toàn cơm trắng cá kho khô. 

Còn thằng Đen? 


Nó, quanh năm suốt tháng mịt mù trong rừng. Hết phát rẫy, đợi khô xong đốt dọn. Xong, mụ bắt làm than kiếm thêm tiền. Mụ bắt chước do thấy thiên hạ đi bán than, mấy chiếc xe đạp thồ nghểu nghện mấy bao than cao ngất, có tệ chi "cũng hơn trăm bạc!" mụ Mít chắt lưỡi  thèm thuồng.


Đen làm trong rừng cật lực thế mà Mụ cho thằng Đen ăn ít quá! bới vào rừng chỉ toàn là sắn lát dính vài hột cơm trắng cho có; ruốc kho khô mặn chát, không có chi tươi cả.

Mấy bữa nó đau. Cực quá, nó xin mụ cho nghỉ ở nhà một ngày cho khỏe nó gắng làm bù. Nó coi bộ sốt thiệt. Muỗi trong rừng cắn nó bao lâu nay sao mà không sốt rét cho được? Thế mà mụ chửi, mụ la. Mụ Mít bảo nó làm biếng, không biết công ơn mụ lượm nó từ Đà Nẵng vô; nuôi nó lên vóc dáng như hôm nay.


Thế là Đen tuy đau trong người, nhưng hắn vẫn phải tiếp tục lủi thủi vác rìu rựa vô rừng.




 dốc Sơn Mỹ xuống chợ Cam Bình , hình 1995 của tác giả


Một bữa trong làng xôn xao, thằng Đen con mụ Mít chết rồi, chết vì sốt rét! Nhà mụ cũng võng nó về trạm xá dưới huyện Hàm Tân lo cứu nó, nhưng nó chết giữa đường.


Tội nghiệp, Thằng Đen chết thật lặng lẽ. Trong làng chẳng có mấy người đi đưa đám nó. Cái mả nó sơ sài, nằm bên cồn đất xấu rìa làng. Nơi này là đất bỏ hoang, không ai canh tác.

                 *

Thời thế đổi dời.
Mấy hôm nay mụ nghe thiên hạ đồn 'nhà giàu' mô từ Sài Gòn về tận thôn lùng sục mua con lai. Nghe đâu giá mỗi đứa con lai tới "MƯỜI MẤY CÂY VÀNG"- sau khi hoàn tất 'thủ tục' giấy tờ xong.

Ôi! "cả đống vàng " trong tay, mà mụ nỡ lòng vứt đi. 


Mụ Mít mấy hôm nay như kẻ mất hồn. Người mụ trông 'như ngây như dại', ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Mấy đứa con mụ Hồng đi lo thủ tục "cắt khẩu" trên huyện về, khi lái honda qua nhà mụ, chúng còn ngó vô nhà mụ như an ủi mà lại muốn khoe khoang, làm mụ Mít tức muốn sôi gan, lộn ruột.


Đêm nằm mụ trăn trở do không ngủ được. Trong giấc ngủ chập chờn, mụ thấy hình ảnh thằng Đen đang thất thểu bước vào rừng. Dáng nó ốm, cao lêu nghêu. Cái quần đùi cụt, chiếc áo ka-ki bạc màu, vá mấy nơi...

Ánh sáng phía rừng chợt lóe lên; những tia sét lóa cả mắt, kèm theo tiếng nổ ầm ầm của sấm làm mụ Mít giật thót mình. Những giọt mưa đầu mùa bắt đầu rơi mạnh, nghe "rào rào" trên hai mái tôn xi măng. Nỗi sợ mơ hồ ập đến, làm mụ co rúm cả thân người vào tận góc giường như muốn trốn chạy một ám ảnh nào.


PHẦN HAI

 THẰNG ĐEN THỨ HAI - TỐT SỐ  


 từ ba thôn Hà -Mỹ- Lễ  (viết tắt từ Gio Hà, Gio Mỹ và Gio Lễ) xã Sơn Mỹ ngó lên ngọn núi Bể và ngọn Mây Tào cao hơn hình của tác giả tháng 7/1995 


Thời gian tiếp theo, cả nhà mụ Mít không biết đổi đi đâu, không còn ở vùng Sơn Mỹ này nữa. Cái quán, người chủ khác bán. Khách ăn chè đôi khi rảnh rang bàn tán chuyện nhà mụ Mít. Ít người thuơng cho hoàn cảnh của mụ còn nói "đáng đời!"
Nhà mụ bỏ đi do chẳng còn ai đảm trách việc nặng trong rừng sau khi thằng Đen chết, lại còn cái miệng đời "thị phi, to nhỏ" là một chuyện khác. 
Chuyện đi Mỹ càng ngày càng rầm rộ trong một vùng quê "chó ăn đá gà ăn muối" này. Dĩ nhiên không ngoài cái chuyện "mua bán, gán ghép" những đứa con lai còn sót lại sau cuộc chiến tranh. Nói đúng ra khi những cặp mắt "lùng sục" tìm ra những đứa con lai còn sót lại nơi "khỉ ho cò gáy"- một vùng quê sắn khoai còn thiếu, huống gì cơm.

Thời gian đó, khi những đứa con lai tại đô thành đã ra đi hết, thì những đứa con lai tại đây dù da đen cũng quý "hơn vàng". Suy cho cùng, da chúng 'càng đen' càng đúng "nai vàng chính hiệu" đó thôi.          

Thằng Đen (lại một thằng đen khác) lúc mấy tuổi còn đi giữ bò làm rẫy hắn có tên là Cu Đen. Hắn con mụ T. chịu vừa nghe tin chịu "làm chồng" con gái ông thầy thuốc thú y miệt dưới, tức là vùng Tân Thiện, để con ông được đi Mỹ theo diện con lai.


Đen coi như bắt đầu "đổi đời". Hắn đương nhiên bỏ nghề làm rẫy để bắt đầu "tập tành" nếp sống quá mới lạ đối với hắn. Thật vậy, từ lúc hắn sinh ra cho đến tuổi trưởng thành, hoàn toàn là những ngày cơ cực. Mười mấy năm, rẫy rừng làm bạn, hết cái roi giữ bò thì những ngày mót sắn, lượm chai trong rẫy.  Mẹ hắn do cái tình mẫu tử- "rứt ruột" sinh ra hắn nên cũng không quá bỏ bê hay hành hạ "núm ruột" của mình. Có những ngày mạ hắn đem Đen đi xin học, dù đã quá tuổi, từ lớp một cho đến lớp năm trường làng. Để bù lại, Đen lao động rất siêng năng để bù lại thời gian đi học. Rồi phải được ăn diện "ra phết" cho giống "rể nhà giàu" mới được con mắt. Giai đoạn này chuyện kiếm con lai để đi Mỹ chẳng ai dấu giếm nữa do những gia đình con lai đi Mỹ 'ào ào' ngày nào mà chẳng nghe trên mặt báo hay mấy câu chuyện ở quán cà phê cũng như ngoài chợ. Có một điều đặc biệt, Đen là "rể" trên giấy tờ thôi nên Đen  không bao giờ được "léng phéng" với con gái ông. Chuyện bàn soạn hai bên là chuyện giữa cha mẹ mà thôi.  


Người viết có một chút biết về Đen do hắn có học lớp ba do vợ người viết đi dạy ở vùng này. Nó cao nhất lớp; chuyện này không ai ngạc nhiên do nó là con lai; hơn nữa lại đi học trễ. Bởi cao nhất lớp nên lúc nào cũng ngồi sau cùng để khỏi che mắt bạn bè. Tội cho hắn, do tai nó điếc nhiều vợ tôi kêu lên bảng phải nhìn thẳng vào nó ra dấu, nó mới hiểu.

Trời bù cho, Đen viết chữ rất đẹp ai cũng khen. Mạ nó một thời chịu khổ, kỳ thị, khi đẻ ra nó; nhất là sau khi "thời thế đổi dời"(1975), nói sao hết truân chuyên đắng cay của một người đàn bà có con lai Mỹ?


Trời cũng bù lại cho mạ thằng Đen này. Sau đó Đen làm rẫy giỏi và học hành cũng "bò" lên được lớp năm trường cấp I. Hình ảnh cái trường rách nát tả tơi, một thằng con lai da lại đen nổi bật trong đám học trò nghèo. Ai cũng nghèo, không rừng thì rẫy. Nói chung người trong làng, ai cũng thân phận giống nhau, chẳng thấy "phân biệt kỳ thị" gì nó cả. 


Dù sao, Thằng Đen này tốt số hơn Thằng Đen trong phần đầu truyện. Sau này nghe đâu qua Mỹ, Đen cũng đàng hoàng "giữ lời", trả lại đời độc thân cho người vợ con nhà giàu đó và đường ai nấy đi.


Mạ Đen sau này nghe đâu có về thăm lại xã xưa Sơn Mỹ một lần duy nhất.  Mạ hắn không quên chuyện quà cáp biếu bà con quanh xóm, không sót một ai. Người viết còn biết, người mẹ này còn biếu cho Xã một cái T.V. thật to. Từ đó, không ai còn nghe tin Đen nữa. Bà con bên "vợ" nó cũng chẳng biết gì tăm hơi thằng Đen nơi quê huơng của cha hắn- một đất nước quá mênh mông xa lạ. May mắn thay, sau này tác giả bài này được tin Đen khá thành công, an phận nơi quê hương mới.

                                        ***
Chuyện hai Thằng Đen, hai cuộc đời nơi vùng đất cao khô cằn sỏi đá, là những mẫu chuyện buồn của những đứa trẻ lai bất hạnh, lạc loài. Chuyện chiến tranh tuy dài lê thê, nhưng ít ai kết vào Thiên Bi Hùng Sử Chiến Tranh của đất nước chúng ta vài mẫu chuyện nho nhỏ- chuyện buồn của những đứa trẻ lai mang hai dòng máu Mỹ - Việt sau ngày tàn cuộc chiến ./.

Đinh hoa Lư  EDITION

2/7/2022

ghi chú: tên của các nhân vật đã được thay đổi 

No comments:

Post a Comment