Tự điển Pháp Việt phổ thông (Dictionnaire Général Francais Vietnamien) Nhà sách Vĩnh Bảo S. 1949
Đại gia đình bên ngoại
tôi tản cư từ Quảng Trị vào đến Đà Nẵng xong vào Bình Tuy theo chương trình
Khẩn Hoang Lập Ấp 1973, vốn văn hóa mang theo là cuốn từ điển Pháp Văn của soạn giả Đào Văn Tập.
Cuốn Từ Điển này phát
hành vào năm 1949. Phía gáy sách còn đề ba chữ lớn VÕ TỰ PHƯƠNG đó là tên của cậu tôi, ghi nhớ
một thời đi học trước khi giã từ đời học sinh biền biệt vào nam.
HÌNH 1959 (?) chụp tại ảnh quán LIDO QT: (lúc cậu tôi AET Võ tự Phương mới ra trường SQ Thủ Đức về thăm QT)
6 anh em xuất thân từ Phường Đệ Tứ Thị Xã Quảng Trị: 127 đường Lê Văn Duyệt cũ-
trái sang hàng trên: Võ tự Phương, Võ tự Bé , Võ đình Cư
trái sang hàng dưới: Võ Bình, Võ Ba, Võ Hoa
Cậu Phương tôi vào nam
trước là đi Thiếu Sinh Quân (AET) và sau khi ra trường, người cậu đương nhiên đăng vào trường Sĩ quan trừ bị. Cậu tôi sau khi ra trường Thủ Đức lại vào quân chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tôi còn nhớ khoảng năm 1959 lúc ra trường Thủ Đức, cậu tôi có ra quê Quảng Trị. Mấy người cậu chụp chung một tấm hình tại Lido Ảnh
Quán trên phố Quảng Trị: Các cậu Cư, Bé, Phương, Hoa, Ba, Bình và tấm
hình này có treo trong nhà ngoài QT. May thay sau này trong nam vẫn còn lưu lại được một tấm.
Cho đến lúc Cậu lấy vợ trong nam thì Mệ Ngoại, Các cậu và Dì Liễu có vào Sài Gòn làm đám cưới tại Nhà Hàng Mỹ Cảnh. Từ ngoài trung vào tận Sài Gòn vào thời đó là cả một quá trình và tốn kém cho ngoại. Lúc này dì Liễu chưa buôn bán lớn như sau năm 1968 mà hoàn cảnh gia đình ngoại lúc đó mới sau 1960. Các cậu đều còn học sinh, cho đến sau này cậu Ba cậu Bình nối tiếp cậu Phương đi vào Thiếu sinh quân như anh mình.
Cho đến một ngày của cuộc chiến VN, bên sông Vàm Cỏ một ngày của năm 1970 cậu Phương hi sinh vì nước. Bên kia sông đơn vị Biệt Động Quân có người and trai tức là cậu Võ tự Bé đóng quân mà không hay em trai mình đã đền nợ nước.
cậu Võ tự Bé (ngồi) tháng 7 năm 2022 tại Fremont California những ngày già yếu
Những ngày già cả ở xứ người tức là Hoa Kỳ cậu Bé thường buồn rầu kể lại như thế. Đám cậu P. được đưa về QT; quan tài cậu có xe Tiểu Khu QT hộ tống về chỉ viếng ngang cửa ngõ nhà Ngoại mà thôi và đưa ngay qua chùa Sắc Tứ để an táng. Gần một tuần lễ sau ngày Cậu tạ thế, Cậu P mới về lại quê hương và an táng tại chùa Sắc Tứ. Nơi này có mẹ già tu hành gửi thân nơi cảnh phật và có mộ phần của em trai Võ Ba cũng như cháu chắt và người thân khác sau này...Nhớ làm sao khi nghe tin Cậu tử trận, tôi vội lái xe chiếc xe honda qua ngay chùa Sắc Tứ báo tin và chở Mệ ngoại về nhà. Mệ vừa ngồi sau yên chiếc honda, tôi vừa lái qua lại thành phố QT cùng nghe tiếng khóc rấm rức của Mệ sau lưng, tiếng khóc nho nhỏ thoang thoảng theo làn gió vút
-Con ...con ơi!
bà ngoại trong ngày đám tang cậu Võ Ba tôi hi sinh vì nước vào năm 1969
Có thể bà Ngoại đau xót lắm; do cậu P là người cậu từ biệt quê hương sớm nhất và cậu đi biền biệt ít khi về QT. Chỉ lần cậu ra trường 1959 và một lần vào năm 1969 khi cậu Võ Ba Trung đoàn 2 Sư đoàn 3 hi sinh tử trận tại Gio Linh mà thôi. Đám cậu Ba xong, cậu P tôi vào lại nam và 1 năm sau cũng đền nợ nước.
*
Tôi là đứa cháu sinh ra và lớn lên từ bên ngoại nên những kỷ niệm của nhà ngoại tôi đều nằm lòng. Các cậu tôi thường truyền tay cho nhau, anh học xong trao cho em. Trong nhà cha mất sớm, các cậu lần lượt theo bước chiến chinh khoác quần áo trận như bao lớp trai thời loạn. Những cuốn sách đầy hình ảnh kỷ niệm trong nhà ngoại tôi đều nhớ; từ cuốn L’Anglais Vivant cho đến từ điển Anh Văn bỏ túi của Lê Bá Công tôi đều nhớ. Cái nhớ sâu đậm nhất dưới mái nhà ngoại là sách vở một thời thiếu thốn, vài cuốn sách truyền thừa hay chuyền tay nhau từ đời cậu đến cháu.
Nhà ngoại tôi Chỉ có
cuốn Từ Điển Đào Văn Tập này là dày và giá trị nhất. Tôi không biết sao lúc
chạy giặc 1972 lại đem theo được? Có thể Cậu khi vào tận phương nam lập thân,
để lại cuốn từ điển Pháp Văn xuất bản từ năm 1949 là cuốn sách duy nhất theo
bước chân nhà ngoại có thể là theo tôi đưa cháu ngoại chăm học nhất nhà vào đến
trong nam.
tết 1993, dưới mái nhà tranh xã Sơn Mỹ Hàm tân, nền đất mối mọt nhiều nên cuốn sách Pháp Văn kỷ niệm này bị mối bò lên làm hư đục thủng một số trang sách
Sau 1975, với đời nông dân nương rẫy suốt mười lăm năm tại đất Hàm Tân Bình Tuy, thỉnh thoảng lúc rảnh tôi thường tham khảo vài từ Pháp. Nhờ nó cho đến nay tôi còn nhớ vài thành ngữ mà người Việt Nam hay dùng nhưng lại phát xuất từ Pháp văn.
Ba năm về lại địa phương, chưa lập gia đình, ở với cha mẹ cùng hai đứa em trai, tôi chăm nom sửa nhà, cuốc đất trồng khoai. Tu nhiên năm thì mười họa tôi cũng dỡ cuốn từ điển của người cậu năm xưa để nhớ về một thời học sinh ngoài quê cũ. Nhìn lên cái sạp hẹp, cao cao đan bằng phên tre, chỉ có cuốn từ điển Pháp Việt đó là giá trị nhất. Dưới mái tranh nghèo, cuốn sách được đặt một nơi cao ráo và nhất là tránh được mưa san cùng mối mọt. Một thời sau 1975 học ngoại ngữ là vấn đế ‘quốc cấm’ chứ đâu phải như thời bây giờ. Chuyện kể thế hệ sau không ai tin, sau 1975 sách vở Anh văn đều bị đốt hay tịch thu may thay có thể cuốn từ điển dày này tiếng Pháp nên số nó còn tồn tại, và chờ tôi cho đến lúc tù cải tạo về. Cạnh nhà có hai vợ chồng già người An Cư, ông mệ Phục là gia đình gần gũi và thân với ba mẹ tôi nhất. Bác Phục gái là cháu nội của Cụ Nguyễn văn Tường vị quan lớn dưới thời nhà Nguyễn. Bác Phục trai là ông già trong thôn, bác rất khó tính nhưng lại thân với ba tôi và nhất là đối với tôi người con trai lớn của gia đình vừa tù cải tạo về. Giọng nói của Bác rất nhanh, khó nghe cho kịp. Thế mà lạ bác Phục có lúc lại nói chuyện với tôi, ngày tôi mới tù về. Con trai lớn của bác là anh Hưng còn tù cải tạo ở đâu xa chưa về. Anh là sĩ quan- hải quân trung úy, ra trường thủ khoa. Tôi về với gia đình vào năm 1980 còn anh Hưng khoảng hai hay ba năm sau mới về sum họp với gia đình. Tưởng cũng nhắc lại một chút về anh Hưng. Mẹ của anh là cháu nội của ông Quận Công Nguyễn văn Tường. Nhà bác cạnh nhà ba mẹ người viết. Hàng ngày vừa nách cái rỗ rau ra chợ hay những lúc bác làm nương hay qua nhà mẹ tôi, hai bà hay nói chuyện qua lại tôi nghe loáng thoáng một ít. Năm 2017 về thăm quê nhà, người viết còn gặp lại anh Hưng người thủ khoa hải quân VNCH nhưng anh chẳng hề muốn làm hồ sơ đi Mỹ. Gặp lại tôi anh vui vẻ lắm. Hai bác mất rồi, anh yên lặng sống với gia đình xóm cũ. Căn nhà bên cây sanh trong xóm, cái miếu xóm vẫn bình lặng yên bình. Vợ anh chẳng ai xa lạ, Lê thị Trúc người bạn Nguyễn Hoàng cùng lớp Đệ Tứ 3 năm xưa với người viết...
Chuyện bác Phục ông, có một chút gì đó liên quan với cuốn từ điển của Cậu tôi kể ở phần trên. Số là Bác Phục là người trí thức, tuổi già ông chỉ làm bạn với đọc báo hay những cuốn sách xưa tiếng ngoại. Mỗi khi đi ngang nhà bác, tôi vẫn thấy một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi ở căn giữa chăm chú trên cuốn sách nào đó trên cái bàn thấp. Có
một hôm trời đã xế chiều bác chống gậy đi qua nhà tôi. Bác qua nhà tôi là chuyện lạ. Bác chỉ ngồi đọc sách trong
nhà chứ hiếm khi đi đâu. Lay hoay quanh nhà hay ra chợ sau vườn con heo con gà…đều
một tay bác gái trông coi hết. Tôi cũng ngạc nhiên khi bác hỏi mượn cuốn từ
điển Pháp Việt này để tra từ. Tôi thắc mắc trong lòng, ủa sao bác biết tôi có
cuốn từ điển này thế. Tôi lật đật lấy cuốn sách trao cho bác. Hình ảnh bác Phục
rung rung hàm râu, lật từng trang tại trước cửa nhà tôi. Bác không mượn về do
bác không hiểu một từ nào đó khi đang đọc sách…
Tôi cứ nhớ mãi hình
ảnh bác Phục gật gù gật gù …
-Đúng ừ ừ…đội mũ rơm
đội mũ rơm…
Có thể bác đã tra nghĩa cái từ khó trong sách Pháp bên nhà là động từ “ĐỘI MŨ RƠM” thì phải. Tôi cũng chẳng để ý trang nào từ nào, bác tra nghĩa xong, mượn cuốn sách vài ba ngày rồi trả. Cả xóm, đào đâu ra cuốn từ điển, cái thời sắn khoai thay gạo, rẫy rừng mù mịt thế kia? Ngày xưa nghe đâu thời Pháp bác là công chức nghành Bưu Điện Đông Dương; đó là lời bác gái nói với nhà tôi vậy. Bác chỉ thân với ba tôi. Ba tôi đi đâu xa, ra thăm con cái ngoài Cam Ranh chẳng hạn, qua bác mượn cái mũ nỉ. Cái mũ nỉ của Đức làm gì có cái thứ hai trong xóm Cam Bình thời đó. Tết Giáp Tý 1984, Con gái bác, chị Liên từ Tây Đức về thăm nhà nơi vùng quê này, đi đâu thì đi ngày tết cũng qua chụp cho vợ chồng tôi cùng đứa con trai đầu lòng một tấm hình màu làm kỷ niệm. Một thời hình màu là của hiếm, chỉ có nước ngoài về mới có.
Lập gia đình xong, sau
1984 có con trai đầu lòng tôi lên xã Sơn Mỹ ở với vợ con cạnh vách tường loang
đổ của mái trường quê. Làm một căn nhà tranh giữa lô đất của Trường tôi cũng
trịnh trọng đặt cuốn Từ Điển Pháp Việt có tên Võ tự Phương bên gáy sách ở ngăn
sách giữa nhà. Tôi quý cuốn Sách đó thật. Nó quả có nhiều từ ngữ phong phú kể
cả thành ngữ điển tích, cụ Đào Văn Tập đều giải thích biên soạn rốt ráo. Rồi
đến một ngày, quá bận rẫy nương, cuốn sách cứ nằm yên vậy và một tai họa âm
thầm đến cho Sách. Mái tranh vách đất là nơi của mối. Bầy mối từ dưới đất đã âm
thâm men theo vách lá tiến lên ăn và đục thủng giá sách của tôi. Bầy mối đã tiến
sâu vào giữa lòng cuốn từ điển Pháp Việt đục thủng và mất chữ môt số trang.
Cho đến ngày đi Hoa
Kỳ, tháng năm 1995 tôi trịnh trọng tặng
cuốn từ điển này cho vị bác sĩ dưới vùng ba mạ và gia đình tôi ở. Bác sĩ Hà
Anh, thời trung học là bạn học với em trai tôi Đinh trọng Thịnh. Tôi tặng cuốn
sách cho BS Hà Anh với lời ân cần rằng có lúc cần tra cứu vài toa thuốc ngoại chữ Pháp và nó là cuốn từ điển kỷ niệm của gia đình tôi, của các cậu tôi và trong đó có tên một
người cậu tên Võ tự Phương đã hi sinh vì nước.
Cho đến năm 2017 khi
về lại VN thăm gia đình, hỏi lại cuốn
sách kỷ niệm này thì gia đình người bác sĩ này bảo rằng do thay đổi chỗ ở nhiều lần này cuốn sách đó không còn nữa. Thời
gian xa cách đã lâu, qua mấy chục năm trời, tôi không trách gì cả. Nghĩ cho cùng, cuốn sách đó đâu phải là kỷ
niệm gì của họ. Chỉ có kỷ niệm của mình thì mình mới quý thôi.
Cuốn sách, cuốn từ
điển xa xưa xuất bản thập niên 1940 nay đã theo cát bụi thời gian. Chính soạn
giả Đào văn Tập, các cậu tôi tất cả nay đã không còn. Chỉ còn trong trí nhớ, tôi mường tượng cuốn sách cũ dày, bìa cứng màu đỏ tía; ngoài ra tôi chỉ còn nhớ được mang máng một vài thành ngữ Pháp Việt nhưng chữ còn, chữ mất./.
San Jose 25/7/2022
cháu ngoại ĐHL
No comments:
Post a Comment